N
hiều thiếu nữ lớn lên với ý nghĩ rằng có một chàng bạch mã hoàng tử đang ngao du trên bầu trời hay trên những bình nguyên rộng lớn để chờ đến một khoảnh khắc đặc biệt và bước vào đời họ, đón lấy và mang họ ra khỏi thế giới tối tăm, đưa họ đến một thế giới tươi đẹp của hạnh phúc lứa đôi.
Khi những cô gái trở thành những người phụ nữ, họ luôn gặp phải một chút bỡ ngỡ khi nhận ra họ là Cô Bé Lọ Lem hoặc nàng Bạch Tuyết, còn người mà họ nghĩ là Bạch mã hoàng tử hóa ra lại là hoàng tử rởm.
Marianne đã sống một cuộc đời giống như Cô Bé Lọ Lem. Từ năm lên tám cô đã phải quét dọn bãi đậu xe hơi để có được một đô-la mỗi ngày để gắng nuôi sống bản thân và những đứa em nhỏ, vì mẹ cô phải đối phó với chứng bệnh tâm thần mỗi ngày. Khi vừa bước qua tuổi thiếu niên, cô đã gặp một người mà cô cho là Bạch mã hoàng tử của mình.
Cô gặp anh tại nơi cô làm phục vụ bàn, và anh đã mê hoặc cô. Anh là một nghệ sĩ trong một ban nhạc thành công. Dường như anh luôn nhìn cô với đôi mắt mở to và trìu mến nhất. Tại sao lại không chứ? Trông cô xinh xắn như Cô Bé Lọ Lem với những lọn tóc màu vàng nâu, cặp mắt xanh biếc và một khuôn mặt toát lên vẻ thánh thiện và đầy tình yêu thương, mà thật ra lại là dáng vẻ của một thiếu nữ gặp nhiều bất hạnh.
Tất cả những gì Marianne có thể nghĩ đến là: Anh ấy yêu mình. Anh ấy yêu mình. Anh ấy yêu mình.
Vào lúc đó thì đúng vậy. Nhanh như tốc độ của một chú ngựa nòi, anh đã ôm chầm lấy cô trong vòng tay và cùng tiến đến hôn nhân. Theo như Marianne nhận thấy thì mọi thứ đều hoàn hảo. Cô có một mái ấm xinh xắn và cô hạnh phúc ngắm chồng mình biểu diễn cùng ban nhạc. Lần đầu tiên trong đời, cô cảm thấy mình được yêu và ngưỡng mộ. Và cô còn sắp có em bé.
Cô không biết gì về những người phụ nữ khác.
Thế nhưng hai người lại gặp bất hạnh trên một phương diện khác. Họ không chỉ cưới nhau mà còn kết hợp những gien lặn lại với nhau. Khi đứa con trai đầu lòng của họ là Loren chào đời, Marianne đã cảm thấy điều gì đó không ổn. Cậu bé không có phản ứng với âm thanh. Trong suốt một năm, Marianne liên tục tham khảo ý kiến các bác sĩ – những người luôn bảo cô rằng con trai cô chẳng có vấn đề gì cả.
Nhưng cuối cùng, một bác sĩ chuyên khoa cho biết Loren bị điếc và cô cũng không thể giúp được gì. Cô khóc ròng trong suốt hai năm đầu đời của Loren trong khi chồng cô luôn một mực nói rằng con trai của họ vẫn ổn.
Các bác sĩ an ủi họ rằng đứa con sau sẽ không gặp phải số phận kém may mắn như thế. Nhưng khi Lance ra đời, họ nhanh chóng phát hiện ra đứa trẻ sơ sinh này cũng bị điếc.
Những điểm tựa của cuộc hôn nhân vốn đã căng thẳng – được hình thành nên từ những giấc mơ thần tiên của người thiếu nữ – giờ đây bắt đầu nứt vỡ; và chúng hoàn toàn sụp đổ khi Marianne trở nên giận dữ vì chồng cô không muốn học cách giao tiếp với hai cậu con trai.
Anh ta phó mặc việc đó cho cô. Cô nhanh chóng học ngôn ngữ dấu hiệu càng nhanh càng tốt. Chồng cô chẳng hề quan tâm. Những khi nói chuyện với các con, anh ta đối xử với chúng như thể chúng là chó, vỗ vỗ lên đầu chúng và sủa lên vài ba từ.
Cô đưa mấy đứa trẻ đến nhà ông bà nội, ông bà nội tỏ ra thờ ơ trước hai đứa trẻ.
Cô đưa bọn trẻ đi mua sắm. Nhân viên bán hàng há hốc mồm khi các con của cô phát ra những tiếng gầm gừ khe khẽ. Và giờ đây thì cô đã biết về những phụ nữ khác. Đôi khi chồng cô còn chẳng buồn về nhà. Bạn bè không liên lạc với cô nữa, và Marianne cảm nhận nỗi cô đơn đắng cay.
Sự căng thẳng và cô đơn bắt đầu hủy hoại Marianne. Cô nốc rượu như nước lã. Cô cho các con ăn, thay đồ cho chúng, đưa chúng đi ngủ, nhưng cô không chịu ra khỏi nhà. Cô đã nghĩ đến chuyện rạch cổ tay.
Cô phân trần: “Hãy tưởng tượng mà xem, khi bạn bè và ngay cả chính gia đình bạn không hề muốn học cách giao tiếp với các con của bạn. Không nhất thiết phải biết ngôn ngữ dấu hiệu. Sự ân cần là một ngôn ngữ. Tất cả chúng ta đều hiểu nó. Khi gặp một đứa trẻ như vậy, đừng tỏ ra kinh ngạc. Đừng há hốc mồm và bỏ đi. Thông điệp mà bạn gửi đến đứa trẻ sẽ là: 'Trời ơi, mày đúng là đồ quái dị'. Hãy dang rộng vòng tay và mỉm cười với chúng”.
Những nụ cười, những vòng tay và những nụ hôn đã cứu vớt cuộc đời Marianne. Đôi mắt của Lance và Loren chứa chan sự ngưỡng mộ và tình yêu thương – tình yêu thương chân thành. Đó là tình cảm mà cô chưa từng có được trong đời.
Marianne nhận ra rằng cô có thể phí phạm cuộc đời mình vào rượu chè và những cơn bấn loạn, nhưng cô không thể phí phạm cuộc đời các con mình như thế. Cô bắt tay làm lại từ đầu và trở lại trường để lấy bằng trung học. Cô xin vào làm tại một công ty bảo hiểm và tích cóp từng xu một.
Càng cảm thấy hài lòng với bản thân, cô càng thấy tự hào hơn về Loren và Lance. Cô bắt đầu đưa chúng đến chơi với các đồng nghiệp của mình, họ đối xử với bọn trẻ hết sức tử tế. Đã đến lúc cô và các con rời bỏ ngôi nhà cũ, cắt đứt những mối quan hệ ràng buộc với cha chúng và sống cuộc sống của ba mẹ con.
Một ngày nọ, bọn trẻ theo cô đến sở làm và khi cô bước vào phòng Eric – giám đốc công ty – cô thấy Loren đang ngồi trong lòng anh. Eric ngước nhìn cô. Anh nói những lời mộc mạc: “Tôi thấy mình như một gã khờ. Tôi thích nói chuyện với con trai của cô. Cô có biết chỗ nào giúp tôi học ngôn ngữ dấu hiệu không?”.
Marianne tưởng như mình sắp ngất. Chưa có ai từng hỏi cô xem họ có thể học cách giao tiếp với các con của cô hay không. Cô thấy tâm hồn mình xao động khi trả lời Eric rằng nếu anh thật sự quan tâm, cô biết có chỗ dạy. Eric nhanh chóng cho cô thấy rằng anh không hề nói đùa khi anh đăng ký vào lớp học; và chỉ vài ngày sau, anh bắt đầu chào hỏi cô bằng ngôn ngữ cử chỉ.
Khi bọn trẻ đến, anh đưa chúng đi dạo ở bến tàu gần văn phòng. Cô thường đi cùng và quan sát Eric - giờ đây anh đã trở thành bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Anh trò chuyện, cười đùa với hai đứa trẻ - điều mà trước đó chưa ai từng làm.
Mỗi khi hai đứa con cô trông thấy Eric, gương mặt chúng lại rạng ngời như mặt trời hay những vì sao trên trời cao. Cô chưa từng thấy chúng hạnh phúc đến thế. Trái tim cô bồi hồi xao xuyến. Cô bắt đầu yêu.
Cô không biết rằng Eric cũng cảm thấy như cô, cho đến một chiều hai người cùng tan sở và đi dạo trên chiếc cầu tàu trên Thái Bình Dương. Anh ra dấu để nói với cô rằng anh yêu cô và muốn kết hôn cùng cô. Trái tim Marianne rộn ràng vui sướng.
Đôi vợ chồng chuyển đến một thị trấn nhỏ và thành lập một công ty bảo hiểm làm ăn phát đạt. Họ có thêm hai đứa con là Casey và Katie. Tuy cả Casey và Katie đều không bị điếc, nhưng chúng đều học ngôn ngữ dấu hiệu từ lúc chưa tròn năm tuổi.
Trong những lúc hạnh phúc nhất, Marianne lại thức giấc vào giữa đêm, cảm thấy đau buốt đôi tai và bắt đầu khóc nức nở. Hành động của cô không thể giải thích được, vì cô không thể nghĩ rằng một lúc nào đó mình lại cảm thấy hạnh phúc và được yêu thương nhiều như lúc này.
Eric luồn tay vào tóc cô, nâng cằm cô lên và hỏi xem có chuyện gì. Cô chỉ có thể trả lời Eric: “Em không biết. Em không biết”. Anh ôm cô một hồi lâu. Nhiều tuần trôi qua, Marianne vẫn tiếp tục thức giấc giữa khuya và khóc.
Bỗng nhiên, như một ánh chớp lóe lên, cô thức dậy và tìm ra câu trả lời.
Cô kể với Eric rằng cô chưa thật sự làm gì để giúp đỡ những trẻ em khiếm thính trên thế giới. Cô phải giúp chúng tìm được vị trí của mình trong xã hội. Cô phải giúp thế giới xung quanh biết cách giao tiếp với chúng.
Eric choàng tay ôm cô và nói: “Chúng ta hãy cùng làm nhé”.
Họ cùng nhau thành lập tổ chức “Những Bàn Tay của nước Mỹ”, một tổ chức khuyến khích cộng đồng học ngôn ngữ dấu hiệu và bắt đầu thực hiện những cuốn băng video giáo dục có sự tham gia của cả trẻ em khiếm thính lẫn những em bình thường.
Vậy nên nếu bạn có một dịp trò chuyện với Marianne và hỏi cô xem những câu chuyện cổ tích như Cô bé Lọ Lem và Công chúa Bạch Tuyết có thật không, có lẽ cô sẽ nói rằng cô đã biết được nhiều về những chuyện như vậy trong cuộc sống. Rất có thể cô sẽ nói như thế này: “Chắc chắn sẽ có rất nhiều hoàng tử rởm trên đời, nhưng vẫn có một số Bạch mã hoàng tử thật và nhiều Cô Bé Lọ Lem”.
Song Ngân dịch
Theo Chicken Soup for Couple’s Soul