C
ũng giống như những thực phẩm thực vật khác, các loại gia vị chứa một lượng đáng kể vitamin, khoáng chất và các nguyên tố dạng vết. Song, không giống như các loại thảo dược, gia vị thường được sử dụng ở dạng khô. Gia vị cần được bảo quản trong hộp kín, tránh ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, gia vị được sử dụng ở dạng nguyên hạt, nghiền hoặc xay khi cần để hương vị nồng hơn và hoạt tính của các hoạt chất trong gia vị mạnh hơn.
HÀNH ONION
- KHÁNG KHUẨN
- GIẢM CHOLESTEROL
- NUÔI DƯỠNG CÁC LỢI KHUẨN ĐƯỜNG RUỘT
Người Trung Hoa, Ấn Độ, Hy Lạp cổ đại, La Mã và cả người Ai Cập đều biết đến lợi ích của hành. Khoa học hiện đại đã chứng minh hành chứa hàng tá hợp chất giúp kháng khuẩn và kháng sưng viêm, tăng cường sức khỏe tim và đường ruột.
HÀNH ĐỎ
Sắc tố tạo nên màu đỏ cho hành là anthocyanin, giúp tăng cường khả năng chống oxy hóa.
BOA-RÔ
Hương vị nhẹ hơn hành, kích thích sự ngon miệng, có tác dụng lợi tiểu và nhuận trường.
HÀNH TRẮNG
Chứa hợp chất hóa học tự nhiên nhóm flavonoid (quercetin) giúp ngăn ngừa bệnh tim.
HÀNH LÁ
Chứa hợp chất sulphur giúp tăng cường khả năng miễn dịch.
CÔNG DỤNG
KHÁNG KHUẨN
Hợp chất sulphur trong hành (bao gồm thiosulphinate, sulphide và sulphoxide) có tác dụng kháng khuẩn, kháng vi-rút hiệu quả và có hương vị đặc trưng.
BẢO VỆ TIM
Hành là nguồn dồi dào quercetin tốt cho tim. Hợp chất hóa học tự nhiên nhóm flavonoid này giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch, như ngăn ngừa hình thành các cục máu đông và sự bám dính cholesterol trên thành động mạch. Ngoài ra, quercetin còn giúp tăng các cholesterol “tốt” (HDL) trong máu.
BẢO VỆ ĐƯỜNG RUỘT
Hành chứa chất xơ inulin và hàng loạt các fructo-oligosaccharide khác. Các hợp chất này còn được biết đến như là prebiotic, là nguồn thực phẩm kích thích sinh sôi các lợi khuẩn đường ruột. Đó là lý do vì sao bổ sung hành vào chế độ dinh dưỡng sẽ giúp ngăn ngừa bệnh ung thư ruột.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
ĂN SỐNG
Các đặc tính có lợi của hành sẽ mất đi khi được đun nấu. Hãy tận dụng các dược tính có lợi này bằng cách ăn sống hoặc chần sơ trong canh, nước hầm.
CHỌN LOẠI HĂNG, NỒNG
Hành tuy nồng, hăng nhưng chứa các hợp chất có lợi cho sức khỏe.
CHẾ BIẾN
BÀI THUỐC DÂN GIAN TRỊ CẢM
Hòa nước ép hành với mật ong, uống 2 – 3 muỗng/ngày để phòng và chữa trị cảm cúm.
MỖI LOẠI, MỖI CÁCH CHẾ BIẾN
Cho hành vào món trứng omelette, súp và các món hầm, trong khi boa-rô thì thích hợp với các món béo ngậy. Hành lá lý tưởng cho các món xào, cá hấp hoặc khoai tây nghiền.
RAU MẦM
Thêm rau mầm (từ hành) vào món rau trộn, bánh mì sandwich và các món ăn khác.
NỤ HOA HÀNH (và cả phần cọng hoa)
Thích hợp cho món rau trộn, giúp thanh lọc cơ thể.
TỎI GARLIC
- NGĂN NGỪA TẮC NGHẼN MẠCH MÁU
- TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG MIỄN DỊCH
- LOẠI THẢI ĐỘC TỐ
- CHỨA CÁC HOẠT CHẤT CHỐNG UNG THƯ
Hoạt chất chính có trong họ hành, tỏi là allicin và diallyl sulphide, hợp chất sulphur có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm. Tỏi có những đặc tính có lợi cho sức khỏe như: hỗ trợ tuần hoàn máu và tiêu hóa, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm huyết áp và ngăn ngừa bệnh tim. Ngoài ra, tỏi còn có tác dụng loại thải chất độc ra khỏi cơ thể.
TỎI KHÔ
Chứa hợp chất sulphur có tác dụng kháng sinh và kháng khuẩn, bao gồm allicin, alliin và ajoene.
TỎI TƯƠI
Có tác dụng như tỏi khô, phần cuống ăn được.
TỎI DẠI
Chỉ ăn được phần lá và hoa, dễ tiêu hóa hơn củ tỏi. Lá tỏi chứa chlorophyll và adenosine.
Lá TỎI DẠI
Được dùng trong món rau trộn, súp và món cơm Ý (risotto) để tăng thêm hương vị.
CỌNG HOA
Có công dụng tương tự như củ tỏi, nhưng hương vị dịu nhẹ hơn.
CÔNG DỤNG
TĂNG CƯỜNG SỨC KHỎE TIM MẠCH
Sulphur trong tỏi kích thích sản sinh oxit nitric, giúp cải thiện độ đàn hồi của mạch máu, giảm huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ và xơ vữa động mạch.
TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG MIỄN DỊCH
Dầu tỏi (dễ bay hơi) có tính kháng sinh, được dùng để chữa trị ho và cảm.
LOẠI THẢI ĐỘC TỐ
Tỏi chứa sulfhydryl có tác dụng loại thải độc tố, như kim loại nặng, ra khỏi cơ thể.
PHÒNG CHỐNG UNG THƯ
Tỏi có khả năng ngăn chặn một số dạng ung thư, như ung thư ruột, ung thư vú và ung thư phổi. Ngoài ra, tỏi còn có tác dụng chữa trị ung thư tuyến tiền liệt và ung thư bàng quang.
KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT
Ăn tỏi thường xuyên giúp giảm homocysteine, nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
TỎI TƯƠI
Nên sử dụng tỏi tươi thay vì loại được ngâm trong dầu hoặc nước vì hoạt chất allicin nhanh chóng bị mất hoạt tính trong thời gian bảo quản.
TỎI ĐEN
Loại tỏi lên men có hoạt tính chống oxy hóa cao gấp 2 lần so với tỏi trắng và không để lại mùi hôi trong hơi thở khi ăn.
HẠN CHẾ TIẾP XÚC NHIỆT
Hàm lượng allicin trong tỏi được nấu chín không còn nhiều như trong tỏi sống nhưng vẫn còn lại những hợp chất khác. Tỏi nghiền hoặc cắt lát cần được để yên 10 phút để allicin thoát ra khỏi tế bào trước khi gia nhiệt. Hâm trong lò vi sóng sẽ làm mất gần hết lợi ích của tỏi.
CHẾ BIẾN
ĐA DỤNG
Xào nấu cọng hoa giống như boa-rô; xắt nhỏ cho vào canh, súp, trứng omelette; hoặc trang trí cho món rau trộn.
ĂN SỐNG
Rắc tỏi sống lên rau củ quả đã nấu chín.
ỚT CHILLIES
- LOẠI THẢI ĐỘC TỐ
- GIẢM CHOLESTEROL
- GIẢM CẢM GIÁC THÈM ĂN
- LÀM THÔNG THOÁNG ĐƯỜNG HÔ HẤP
Tinh dầu ớt, nhất là hoạt chất capsaicin, có đặc tính cay, nồng và có tác dụng kháng sưng viêm, chống oxy hóa. Hoạt chất này cũng giúp giảm cholesterol, cân bằng đường huyết và giảm cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, capsaicin cũng có tác dụng loại thải độc tố trong cơ thể.
ỚT TƯƠI
Một số giống ớt có vị rất cay, cay hơn nhiều so với những giống khác.
ỚT KHÔ
Hạt và phần thịt ớt khô được sử dụng làm gia vị. Hạt ớt có hàm lượng hoạt chất capsaicin cao nhất.
ỚT BỘT
Là hỗn hợp các loại ớt khô được xay nghiền thành một loại gia vị cay, nồng.
Vị cay và capsaicin tập trung nhiều ở hạt và màng trắng bên trong quả.
CÔNG DỤNG
LOẠI THẢI ĐỘC TỐ
Tính chất cay của capsaicin giúp loại thải độc chất qua mồ hôi.
LÀM THÔNG THOÁNG ĐỘNG MẠCH
Các nghiên cứu cho thấy hoạt chất capsaicin giúp giảm cholesterol “xấu” (LDL) ở những người béo phì.
KIỂM SOÁT THỂ TRỌNG
Ớt được sử dụng làm gia vị, kích thích tiêu hóa, giảm cơn đói và tăng cường quá trình trao đổi chất.
LÀM THÔNG THOÁNG ĐƯỜNG HÔ HẤP
Ớt làm cho cơ thể tăng tiết chất nhầy ở phổi và mũi.
NGĂN NGỪA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Các bằng chứng cho thấy ớt giúp kiểm soát đường huyết trong cơ thể.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
CÀNG CAY CÀNG TỐT
Đối với những bữa ăn “nồng nàn” gia vị, hãy sử dụng loại ớt cay nhất (nếu có thể) để thu nhận tối đa lợi ích từ capsaicin có trong ớt.
HẠT KHÔ
Hầu hết mọi người đều có thói quen bỏ hạt, nhưng hạt mới chứa nhiều hoạt chất capsaicin nhất. Phơi khô hạt ớt, trộn với các loại gia vị (như muối, tỏi), xay thành bột, dùng để rắc lên món ăn.
KIỂM SOÁT ĐỘ CAY
Độ cay của ớt tươi rất đa dạng. Nếu muốn kiểm soát vị cay của ớt trong món ăn, hãy sử dụng ớt khô hoặc ớt bột thay vì ớt tươi trong khi vẫn đảm bảo giàu capsaicin.
CHẾ BIẾN
GIẢI CẢM
Thêm ớt và tỏi vào canh, súp, cháo để tăng tác dụng giải cảm, chữa trị viêm xoang và viêm phế quản.
TĂNG DƯỢC TÍNH CHO MÓN ĂN
Thêm ớt tươi hoặc ớt bột vào rau trộn, nước chấm để tăng thêm khẩu vị.
CHỌN ỚT TƯƠI
Chọn ớt có màu sắc tươi, đậm, căng bóng và săn chắc. Mua đủ dùng vì ớt dễ bị héo.
CẦN TÂY CELERY
- GIẢM HUYẾT ÁP
- LỢI TIỂU
- TẠO CẢM GIÁC NO BỤNG
- TĂNG CƯỜNG SỨC KHỎE CƠ & KHỚP
Trong y học phương Đông, thân và rễ cần tây được dùng để chữa trị cao huyết áp. Cần tây có tác dụng lợi tiểu và làm giảm hàm lượng hormone cortisol gây stress. Cần tây cũng giàu vitamin nhóm B, các nguyên tố thiết yếu dạng vết, chất xơ và hợp chất coumarin hỗ trợ tuần hoàn máu.
THÂN
Nhiều nước và chất xơ giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể.
CỦ
Giàu photpho có lợi cho hệ thần kinh, hệ bạch huyết và hệ bài tiết.
HẠT
Giàu tinh dầu (dễ bay hơi) và các axít béo thiết yếu.
CÔNG DỤNG
GIẢM HUYẾT ÁP
Cần tây chứa hoạt chất coumarin giúp giảm huyết áp, cân bằng nước. Hoạt chất phthalide có tác dụng chống đông, giúp giảm nguy cơ hình thành các cục máu đông, đột quỵ và giảm lượng hormone gây stress.
HỖ TRỢ ĂN KIÊNG
Cần tây phần lớn chứa nước và chất xơ, cả 2 thành phần này có tác dụng kiểm soát thể trọng. Bổ sung cần tây vào bữa ăn sẽ giúp nhai chậm hơn, tạo cảm giác no.
NGUỒN CUNG CẤP SILIC
Cần tây chứa một lượng lớn silic, cũng như vitamin K, không chỉ có lợi cho da và tóc mà còn có ích cho khớp, xương, cơ, động mạch và các mô liên kết.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
THÂN
Thân cần tây ít calo và giàu chất xơ; ngoài ra, cần tây còn có những lợi ích khác như giúp lợi tiểu và nhuận trường.
HẠT
Hạt cần tây giàu tinh dầu (dễ bay hơi), có tác dụng lợi tiểu, giảm sưng viêm và điều trị các triệu chứng kinh nguyệt. Các nghiên cứu cho thấy cần tây giúp giảm huyết áp và giảm cholesterol “xấu” (LDL). Hạt cần tây có thể dùng như một loại gia vị hoặc pha trà uống.
CHẾ BIẾN
KẾT HỢP VỚI TRÁI CÂY
Cần tây là một trong số ít loại rau có thể kết hợp với trái cây. Xắt nhỏ cần tây, trộn cùng trái cây để tăng thêm độ giòn cho món salad.
TĂNG HƯƠNG VỊ CHO MÓN ĂN
Hoạt chất phthalide trong cần tây có tác dụng làm dậy lên mùi hương tự nhiên của món ăn.
GIẢI CẢM
Nước ép cần tây, chanh giúp xoa dịu những triệu chứng của bệnh cảm, cúm.
NƯỚC ÉP
Cả thân và củ cần tây đều có tác dụng loại thải độc tố, tăng cường sinh lực, tạo môi trường kiềm giúp cân bằng nước trong cơ thể.
THÌ LÀ FENNEL
- LÀM DỊU CƠN CỒN CÀO DẠ DÀY
- KHÁNG VIÊM
- ĐIỀU HÒA HORMONE
- LỢI TIỂU
Từ thời La Mã, thì là đã được sử dụng để xoa dịu những rối loạn về tiêu hóa. Thì là cũng giúp tiêu tháo nước và điều hòa hormone nữ. Ít calo, giàu vitamin C, chất xơ và kali, ngoài ra thì là cũng chứa tinh dầu (dễ bay hơi) có tính năng chống oxy hóa và kháng viêm.
HẠT
Tập trung nhiều tinh dầu (dễ bay hơi) giúp làm dịu các cơn rối loạn dạ dày.
CỦ & LÁ
Chứa hoạt chất kháng viêm và chống oxy hóa, bao gồm: rutin, quercetin, kaempferol glycoside và anethole.
CÔNG DỤNG
LÀM DỊU DẠ DÀY
Thì là giúp tăng cường tiêu hóa và làm dịu những cơn cồn cào ở dạ dày. Tinh dầu trong thì là có tác dụng “đánh đuổi” giun sán và ký sinh trùng nhờ hoạt chất anethole có mùi hương thơm nồng như đại hồi.
CHỮA TRỊ HO & CẢM LẠNH
Si rô làm từ nước ép củ thì là là bài thuốc dân gian có tác dụng giảm tiết chất nhầy và làm dịu các cơn ho.
ĐIỀU HÒA HORMONE
Đặc tính oestrogen trong thì là giúp cân bằng hormone nữ giới ở mọi lứa tuổi.
CÂN BẰNG NƯỚC
Thì là giúp tiêu tháo nước và chữa đầy hơi.
KHÁNG KHUẨN
Thì là có đặc tính lợi tiểu tự nhiên và kháng khuẩn, giúp ngăn ngừa chứng viêm nhiễm bàng quang. Thành phần tinh dầu trong thì là có đặc tính làm dịu và kháng sưng viêm đường tiêu hóa.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
THÂN
Thân thì là có thể dùng trong món canh, súp. Củ thì là cũng có thể ăn sống như một loại rau.
HẠT
Hạt thì là được dùng để pha trà giải nhiệt, có thể thêm chút mật ong để tạo ngọt, có tác dụng làm dịu dạ dày và chữa chứng đau bụng ở trẻ em.
CHẾ BIẾN
TRÀ
Cho 1 muỗng hạt thì là vào tách nước sôi hoặc sữa nóng rồi thưởng thức.
SI RÔ
Si rô từ thì là là bài thuốc dân gian chữa trị ho. Ép củ thì là lấy nước, hoặc ngâm hạt thì là trong nước nóng; pha với nước cốt chanh và mật ong để dễ uống.
CỦ THÌ LÀ NƯỚNG
Xắt lát củ thì là, xếp lên khay nướng, rắc lên ít gia vị, một nắm húng tây (thyme) tươi; cho thêm ít bơ lên mặt, rồi nướng ở nhiệt độ trung bình cho đến khi mềm.
SÚP
Cho thì là, măng tây, và rau mùi tươi vào nước hầm rau củ, nấu cho chín mềm. Xay hỗn hợp, nêm nếm gia vị, rồi thưởng thức. Món súp này giúp xoa dịu các triệu chứng kinh nguyệt.
NGHỆ TURMERIC
- LÀM DỊU CHỨNG VIÊM KHỚP
- NGĂN NGỪA XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH
- NGĂN CHẶN TỔN THƯƠNG NÃO DO GỐC TỰ DO GÂY RA
- CHỨA CÁC HOẠT CHẤT CHỐNG UNG THƯ
Được xem là loại thực phẩm cực kỳ tốt cho sức khỏe, nghệ là thành phần chính trong hầu hết các loại cà ri, có thể sử dụng ở dạng tươi hoặc bột. Thành phần chính có lợi cho sức khỏe là hoạt chất curcumin, có tác dụng chống oxy hóa và kháng sưng viêm hữu hiệu, giúp ngăn chặn ảnh hưởng của các gốc tự do, điều trị viêm khớp, tăng cường sức khỏe tim mạch, chữa trị bệnh đái tháo đường và cả những bệnh liên quan đến hệ thần kinh.
CỦ
Chứa hoạt chất curcumin tạo màu sắc vàng tươi, có tác dụng kháng sưng viêm và chống oxy hóa.
LÁ
Cũng chứa curcumin, một số vitamin và khoáng chất ở dạng vết. Lá có mùi hương ít hăng hơn củ và được dùng làm trà thảo dược.
CÔNG DỤNG
KHÁNG SƯNG VIÊM
Nghệ chứa tinh dầu (dễ bay hơi) có đặc tính kháng sưng viêm, quan trọng nhất đó là hoạt chất curcumin, tạo nên màu sắc vàng tươi cho nghệ. Hoạt chất curcumin có dược tính tương tự như các loại thuốc hydrocortisone và phenylbutazone, được dùng để giảm viêm thấp khớp, sưng viêm đường ruột, ngăn ngừa bệnh đái tháo đường, phòng tránh các bệnh tim mạch, đột quỵ do các mảng bám trên thành động mạch gây ra.
NGĂN NGỪA BỆNH ALZHEIMER
Hoạt chất curcumin giúp hạn chế hình thành protein amyloid-b trong não. Amyloid-b gây tổn thương (oxy hóa) và sưng viêm não, là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh Alzheimer. Các chất chống oxy hóa trong nghệ giúp ngăn chặn các gốc tự do gây tổn thương.
NGĂN NGỪA UNG THƯ
Các nghiên cứu cho thấy curcumin có tác dụng dừng quá trình tăng trưởng và di căn của các tế bào ung thư.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
CỦ NGHỆ
Củ nghệ tươi được dùng để thay thế gừng trong hầu hết các món ăn. Bột nghệ là thành phần chính trong hầu hết các loại cà ri Ấn.
LÁ NGHỆ
Được dùng để tạo hương vị cho các món ăn hoặc gói thực phẩm trong quá trình nấu nướng.
XÀO NẤU VỚI DẦU
Hoạt chất curcumin được hấp thu tốt hơn khi kết hợp với dầu, như dầu dừa, dầu ô liu, ghee và bơ. Ngoài ra, việc gia nhiệt nhẹ cũng làm tăng hiệu quả hấp thu.
CHẾ BIẾN
THỨC UỐNG CHỐNG OXY HÓA
Khuấy 1 muỗng bột nghệ với sữa ấm, uống để chữa trị đau khớp hoặc bệnh chàm bội nhiễm (Eczema).
CƠM TRỘN
Để món cơm gạo lứt thêm hấp dẫn, hãy trộn cơm với hạt điều, nho khô và chút gia vị (nghệ, hạt cumin và hạt ngò rang).
SỮA NGHỆ
• 2 tách sữa
• 1 muỗng (cà phê) bột nghệ, hoặc 1 mẩu nghệ tươi (cỡ ½ lóng tay) mài nhuyễn
• 1 muỗng (cà phê) bột gừng, hoặc 1 mẩu gừng tươi (cỡ ½ lóng tay) mài nhuyễn
• 1 nhúm bột tiêu đen
• Mật ong
Đun sôi sữa với nhiệt độ vừa. Cho nghệ, gừng và tiêu vào nồi sữa, khuấy đều.
Khi sữa vừa sôi thì tắt bếp; đậy nắp lại và để yên khoảng 10 phút.
Thêm mật ong vào sữa để tạo ngọt.
Dùng nóng để giải cảm.
GỪNG GINGER
- KHÁNG SƯNG VIÊM
- GIẢM VIÊM KHỚP
- GIẢM BUỒN NÔN
Gừng có mùi hăng, có tác dụng chữa rối loạn dạ dày và giảm buồn nôn. Gingerol (hoạt chất chính trong gừng) cũng tương tự như hoạt chất capsaicin và piperine (có trong ớt cay). Các nghiên cứu cho thấy tinh dầu (dễ bay hơi) trong gừng có tác dụng kháng sưng viêm tương tự như NSAIDs (thuốc kháng sưng viêm không chứa steroid), vì thế gừng có tác dụng xoa dịu các triệu chứng cảm, cúm, đau đầu và các cơn đau trong thời gian hành kinh.
GỪNG GIÀ
Hoạt chất gingerol có đặc tính gây tê, làm dịu, hạ sốt và kháng khuẩn; hoạt chất khác trong gừng là zingerone có hoạt tính chống oxy hóa.
GỪNG NON
Chứa các hoạt chất tương tự như củ gừng già nhưng vỏ mỏng hơn (có màu tím/hồng) và không cần bóc vỏ khi dùng.
GỪNG NGÂM CHUA
Được làm từ gừng non, có màu hồng tự nhiên và chứa các hoạt chất chống oxy hóa nhóm anthocyanin.
CÔNG DỤNG
KHÁNG SƯNG VIÊM
Gừng có tác dụng giảm sưng viêm, giảm đau và đặc biệt là giúp giảm sử dụng thuốc trong trường hợp bị viêm khớp.
GIẢM BUỒN NÔN
Các nghiên cứu cho thấy gừng có thể xoa dịu chứng ốm nghén, say tàu xe và buồn nôn do điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị hoặc giai đoạn sau phẫu thuật.
HỖ TRỢ TIÊU HÓA
Gừng giúp bảo vệ và làm lành ruột, kích thích nhu động ruột; giảm đầy hơi, tích tụ khí và cồn cào trong dạ dày. Gừng cũng làm tăng thêm khẩu vị và kích thích tiết dịch tiêu hóa.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
GỌT VỎ CẨN THẬN
Hoạt chất resin và tinh dầu (dễ bay hơi) tập trung nhiều nhất ở gần vỏ và trên vỏ, vì vậy hãy gọt vỏ cẩn thận. Cách tốt nhất để gọt gừng là dùng muỗng cạo nhẹ lớp vỏ ngoài.
GỪNG TƯƠI
Nên chọn gừng tươi vì gừng tươi có vị thơm, ngon hơn gừng khô, đồng thời hàm lượng các hoạt chất (như gingerol và zingibain) cũng cao hơn. Bảo quản gừng ở nơi khô ráo.
CỦ GỪNG NON
Không cần bóc vỏ và có hương vị dịu hơn.
CHẾ BIẾN
SI RÔ
Để chữa đau họng, hãy pha nước si rô gồm: nước ép gừng, nước ép nghệ, bột tiêu đen (2 muỗng cà phê mỗi thứ), mật ong và giấm (1 muỗng cà phê mỗi thứ), 3 muỗng nước. Cách đơn giản để ép nước củ gừng là mài nhuyễn gừng rồi vắt lấy nước.
TRÀ GỪNG
Chuẩn bị trà gừng gồm: 1 muỗng cà phê gừng tươi mài nhuyễn, nước cốt chanh (1/2 trái) và 1 muỗng cà phê mật ong, rồi đổ nước sôi vào. Hãy uống trà gừng ngay khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh cảm, khó tiêu hoặc buồn nôn.
NƯỚC CHANH GIẢI CẢM
• 1 mẩu gừng (cỡ 1 lóng tay), mài nhuyễn
• 1 quả chanh, vắt lấy nước
• 1 muỗng mật ong
• 1 muỗng lá bạc hà, xắt nhuyễn
Cho gừng, nước chanh, mật ong và lá bạc hà vào ly nước; đổ nước sôi vào, chờ khoảng 2 phút cho hoạt chất trong gừng thoát ra, rồi uống nóng để giải cảm.
SẢ LEMON GRASS
- HỖ TRỢ TIÊU HÓA
- KIỂM SOÁT CHOLESTEROL
- LOẠI THẢI ĐỘC TỐ
- GIẢM ĐAU KHỚP
Sả giàu vitamin A, C và folate, khoáng chất magiê, kẽm, đồng, sắt, kali, photpho, canxi và mangan. Ngoài việc dùng làm gia vị, sả còn có tác dụng chữa trị một số bệnh thông thường. Cả lá, thân, củ sả đều được sử dụng cho nhiều mục đích chữa trị khác nhau.
CÔNG DỤNG
HỖ TRỢ TIÊU HÓA
Sả có tác dụng kích thích tiêu hóa.
Sả chứa hợp chất kháng khuẩn giúp tiêu diệt vi khuẩn và động vật ký sinh trong ống tiêu hóa và phục hồi các lợi khuẩn đường ruột. Nhờ vậy, sả giúp chữa trị những vấn đề về sức khỏe tiêu hóa, như: tiêu hóa kém, táo bón, ợ nóng, tiêu chảy, đầy hơi, co thắt dạ dày, buồn nôn.
KIỂM SOÁT CHOLESTEROL
Sả giúp giảm hấp thu cholesterol ở ruột, can thiệp vào quá trình oxy hóa cholesterol “xấu” trong máu, nhờ vậy giúp ngăn ngừa hình thành các khối xơ vữa trên động mạch.
Hàm lượng kali cao trong sả cũng giúp giảm và điều hòa huyết áp.
LOẠI THẢI ĐỘC TỐ
Tính năng lợi tiểu của sả giúp loại thải độc tố, axít uric và cholesterol “xấu” ra khỏi cơ thể. Trà sả giúp thanh lọc gan, thận, bàng quang và tuyến tụy.
GIẢM ĐAU KHỚP
Nhờ đặc tính kháng sưng viêm và giảm đau, sả giúp chữa trị viêm khớp, bệnh thấp khớp, Gout và các bệnh về khớp khác. Đặc tính kháng viêm giúp ức chế hoạt động của cyclooxygenase-2, loại enzyme có liên quan đến viêm nhiễm, gây đau, nhất là đau khớp xương.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
SẢ TƯƠI
Chọn cây sả có thân chắc, trắng (xanh lá nhạt) và tươi. Sả tươi được bọc trong túi nhựa có thể bảo quản trong tủ lạnh được vài tuần, hoặc bảo quản trong tủ đông được ít nhất 6 tháng.
SẢ KHÔ
Xắt lát mỏng, hoặc bằm nhỏ nên được bảo quản trong hũ kín, để ở nơi mát, tránh để bị chiếu nắng trực tiếp.
CHẾ BIẾN
TRÀ SẢ
Cho 5 – 6 lá sả vào ấm, đổ nước sôi vào. Hãm trà trong 3 phút. Có thể tạo ngọt bằng đường cỏ ngọt.
Đun sôi 250 ml sữa; cho 1 cây sả tươi, 2 – 3 nụ đinh hương, 1 mẩu quế nhỏ, 1 muỗng cà phê bột nghệ vào. Lọc lại, rồi thưởng thức. Uống 1 lần mỗi ngày, trong vài ngày.
CARDAMOM
- LÀM THÔNG TẮC NGHẼN
CÔNG DỤNG
TĂNG CƯỜNG TRAO ĐỔI CHẤT
Cineol, loại tinh dầu dễ bay hơi có trong cardamom, có khả năng làm thông tắc nghẽn vùng ngực. Ngoài ra, gia vị này còn được xem là sự lựa chọn tối ưu cho việc điều trị bệnh viêm phế quản, viêm thanh quản và cảm lạnh.
Với tác dụng kích thích tiêu hóa và lợi tiểu, cardamom tăng cường quá trình trao đổi chất và giúp cơ thể đốt cháy lượng mỡ thừa hiệu quả hơn.
Cardamom cũng có tác dụng ngăn ngừa H. pylori, một loại vi khuẩn gây viêm loét.
Các nghiên cứu cũng cho thấy cardamom giúp duy trì hệ tuần hoàn khỏe mạnh và ngăn chặn các gốc tự do gây tổn thương cơ thể, nguyên nhân gây đột quỵ và xơ vữa động mạch.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
DÙNG NGUYÊN HẠT
Mua loại vẫn còn nguyên quả, tự tách hạt, nghiền nhỏ hạt rồi cho vào các món cơm, cà ri, thịt hầm.
Ngoài ra, cardamom còn được sử dụng để tăng thêm hương vị cho món salad trái cây.
Cardamom còn được ngâm trong sữa để xoa dịu dạ dày, hoặc làm thành món custard thơm nồng gia vị phương Đông.
QUẾ CINNAMON
- CÂN BẰNG ĐƯỜNG HUYẾT
CÔNG DỤNG
KHÁNG KHUẨN
Quế có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, điều hòa hàm lượng glucose và triglyceride trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim. Quế chứa hoạt chất kháng khuẩn giúp ngăn chặn vi khuẩn, vi-rút và nấm. Quế giàu các hoạt chất chống oxy hóa, giảm đau nhẹ và kháng sưng viêm; có lẽ vì lý do này mà quế được sử dụng nhằm mục đích hồi phục sức khỏe sau cảm cúm, viêm họng, sốt và đau đầu. Mùi hương của quế giúp tăng cường khả năng nhận thức và trí nhớ.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
TĂNG HƯƠNG VỊ CHO MÓN ĂN
Để tăng thêm hương vị cho thức uống, hãy dùng một thanh quế để khuấy trà, sô-cô-la nóng hoặc cà phê sữa. Ngoài ra, có thể thêm bột quế vào các món mặn (như món hầm, rau củ đút lò...) hoặc các món ngọt (như trái cây đút lò, bánh nướng...).
TRÀ CHAI ẤN ĐỘ
• 8 hạt cardamom
• 8 nụ đinh hương (tùy chọn)
• 4 hạt tiêu đen
• 2 thanh quế
• 1 mẩu gừng tươi (cỡ 1 lóng tay), cạo vỏ và xắt lát
• 2 tách sữa
• 4 túi (túi lọc) trà đen
• 6 muỗng cà phê đường (hoặc hơn)
Cho hạt cardamom, đinh hương và hạt tiêu vào túi ni-lông, dùng chày cán qua lại vài lần cho hạt vỡ ra.
Cho các gia vị vào chiếc nồi nhỏ; cho cả quế, gừng, sữa và 2 tách nước lọc vào nồi; đun sôi. Tắt bếp, cho trà vào, đậy nắp lại, hãm trà trong 10 phút. Thêm đường nếu thích uống ngọt.
HẠT NGÒ CORIANDER
- TẠO CẢM GIÁC NGON MIỆNG & HỖ TRỢ TIÊU HÓA
CÔNG DỤNG
GIẢM CHOLESTEROL
Hạt ngò có giá trị quan trọng trong y học cổ truyền Ayurveda do có tác dụng kháng sưng viêm. Các nghiên cứu ngày nay cho thấy hạt ngò có tác dụng giảm cholesterol, tạo cảm giác ngon miệng, giúp tăng tiết dịch dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa.
Ngoài ra, hạt ngò còn có tác dụng lợi tiểu và kháng khuẩn, giúp ngăn ngừa các vi khuẩn như salmonella, E.coli và MRSA (Methicillin- resistant Staphylococcus aureus – tụ cầu vàng kháng Methicillin).
Các nghiên cứu gần đây cho thấy các hoạt chất chống oxy hóa trong hạt ngò có vai trò bảo vệ hệ thần kinh tránh khỏi các tổn thương do gốc tự do gây ra. Điều này giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh, như bệnh Alzheimer và Parkinson.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
SỬ DỤNG HÀNG NGÀY
Hạt ngò được sử dụng trong các món cà ri, các món hầm, súp và thức uống. Bột hạt ngò sẽ tạo hương vị độc đáo cho bánh mì, bánh ngọt và các món tráng miệng.
HẠT CUMIN CUMIN
- GIÀU CÁC HOẠT CHẤT CHỐNG OXY HÓA KHÁNG SƯNG VIÊM
CÔNG DỤNG
CHỐNG OXY HÓA
Hạt cumin có tác dụng khử trùng và kháng khuẩn, giúp cải thiện tuần hoàn máu. Hạt cumin giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, làm dịu chứng buồn nôn, đầy hơi và táo bón.
Các nghiên cứu cho thấy hàm lượng tinh dầu chống oxy hóa trong hạt cumin giúp ngăn chặn sự tăng trưởng của các tế bào ung thư.
Hạt cumin nâu cũng chứa nhiều đặc tính có lợi cho cơ thể, tuy nhiên hàm lượng tinh dầu có dược tính trong hạt cumin đen thì cao hơn.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
SỬ DỤNG NGUYÊN HẠT
Nên mua loại nguyên hạt, và dùng trong các món rau củ ngâm chua. Ngoài ra, có thể dùng bột hạt cumin để ướp thực phẩm, thêm vào sốt chấm, sốt trộn rau.
HẠT METHI FENUGREEK
- LÀM DỊU & BẢO VỆ ĐƯỜNG RUỘT
CÔNG DỤNG
TĂNG CƯỜNG TRAO ĐỔI CHẤT
Hạt methi là nguồn giàu chất xơ dạng keo, có tác dụng làm dịu và bảo vệ đường tiêu hóa tránh khỏi các tổn thương do gốc tự do gây ra. Hạt methi giúp tăng cường quá trình trao đổi chất và kích thích tuyến vú tiết sữa.
Hạt methi còn giàu diosgenin, một loại oestrogen thực vật giúp tăng cường sức khỏe phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh bằng cách làm dịu các triệu chứng như bốc hỏa, lo âu và thiếu máu. Các nghiên cứu cho thấy diosgenin cũng có tác dụng chống ung thư.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
ĐA DỤNG
Hạt methi có mùi hương nồng, làm dậy mùi cho các món muối chua, súp dahl, cà ri, và các món cơm.
Rau mầm từ hạt methi cũng được dùng trong món rau trộn.
Trà hạt methi pha với mật ong và chanh giúp làm dịu các triệu chứng tương tự như cảm cúm.
SABJI NẤM
• 200g nấm mỡ, xắt lát
• 2 củ khoai tây (cỡ vừa), xắt vuông
• 2 quả cà chua (cỡ vừa), xắt vuông
• 15 hạt điều
Gia vị:
• 1 muỗng cà phê gừng băm nhuyễn
• 2 muỗng dầu ăn
• ½ muỗng cà phê hạt cumin
• ½ muỗng cà phê hạt cải
• ¼ muỗng cà phê bột nghệ
• ½ muỗng cà phê ớt bột
• 1 muỗng cà phê bột hạt ngò
• ¼ muỗng cà phê hạt methi
• 1 muỗng lá ngò xắt nhuyễn
Cho 2 muỗng súp dầu vào nồi; dầu nóng, cho gừng băm, hạt cumin, hạt cải và hạt methi vào; khi thấy hạt cải tách đôi và bắn lên, cho tiếp bột nghệ, ớt bột và bột hạt ngò vào, đảo nhanh tay.
Tiếp tục cho khoai tây, hạt điều vào xào xơ. Đổ 2 tách nước vào nồi, đậy nắp lại, nấu khoảng 15 phút cho khoai mềm.
Tiếp tục cho cà chua vào, nấu thêm 10 phút nữa.
Cho nấm vào, nêm nếm gia vị cho vừa ăn; tắt bếp, cho lá ngò xắt nhuyễn vào, trộn đều. Có thể ăn món sabji cùng với cơm trắng hoặc bánh chapati.
QUẢ CÂY BÁCH XÙ JUNIPER
- KÍCH THÍCH TIẾT INSULIN
CÔNG DỤNG
PHÒNG CHỐNG BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Quả cây bách xù có tác dụng kích thích cơ thể phóng thích insulin, rất hữu ích cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Loại quả này giúp làm lành các tổn thương tuyến tụy, nhưng không có tác dụng đối với các tổn thương vĩnh viễn.
Quả cây bách xù được dùng làm thuốc hỗ trợ tiêu hóa, khử trùng trong việc điều trị viêm nhiễm đường tiết niệu và giữ nước.
Nhai quả cây bách xù giúp chữa trị chứng sưng và nhiễm trùng nướu. Tinh dầu trong quả cây bách xù chứa các hợp chất giúp loại bỏ axít uric khỏi cơ thể, do đó đây được xem là bài thuốc hữu hiệu để chữa trị các bệnh về khớp, như bệnh Gout.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
SỬ DỤNG QUẢ TƯƠI
Nghiền quả cây bách xù và thêm vào các món thịt. Trộn hỗn hợp quả cây bách xù nghiền với tỏi và muối, hỗn hợp này sẽ tạo hương vị tuyệt vời cho món bắp cải và các loại rau xanh khác. Quả cây bách xù tươi còn được dùng làm sốt ướp, sốt chấm, sốt mì Ý.
CAM THẢO LIQUORICE
- NGĂN NGỪA NHIỄM KHUẨN & VI-RÚT
CÔNG DỤNG
KÍCH THÍCH TRAO ĐỔI CHẤT
Cam thảo có đặc tính ngăn ngừa bệnh đái tháo đường và chống oxy hóa, giúp chữa trị các triệu chứng liên quan đến trao đổi chất (các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh đái tháo đường và bệnh tim). Cam thảo giúp tăng cường sức khỏe gan và có đặc tính khử trùng giúp tăng cường chức năng dạ dày.
Cam thảo cũng giúp long đàm và thông mũi, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp.
Một số bằng chứng cho thấy sử dụng một lượng nhỏ cam thảo sẽ giúp giảm cảm giác thèm đường.
Ngoài ra, cam thảo còn có tác dụng chữa trị huyết áp thấp.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
TRÀ
Đun sôi cam thảo để pha trà uống nếu bạn cảm thấy buồn nôn hoặc có triệu chứng cảm lạnh. Trà cam thảo cũng hiệu quả trong việc giữ sức khỏe răng miệng. Cam thảo và nước tương (đậu nành) giúp giảm tác động của stress và tạo hương vị đậm đà cho các món ăn phương Đông.
NHỤC ĐẬU KHẤU NUTMEG
- GIẢM STRESS
CÔNG DỤNG
GIÚP CƠ THỂ THÍCH ỨNG VỚI MÔI TRƯỜNG SỐNG
Nhục đậu khấu vừa có tác dụng kích thích, vừa có tác dụng làm dịu theo nhu cầu của cơ thể. Trong thời gian bị stress, nhục đậu khấu sẽ giúp giảm huyết áp; còn trong giai đoạn phục hồi hoặc kiệt sức, nhục đậu khấu có tác dụng kích thích, cải thiện tâm trạng.
Nhục đậu khấu cũng có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa, giúp làm dịu các cơn đau dạ dày, đầy hơi, ngừng tiêu chảy.
Tinh dầu nhục đậu khấu có tác dụng kháng sưng viêm, giúp chữa trị các cơn đau khớp và đau cơ. Theo y học cổ truyền Ayurveda, nhục đậu khấu giúp làm dịu các triệu chứng về hô hấp (như bệnh hen suyễn).
HẤP THỤ TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
GIA VỊ GIÚP GIẢM STRESS
Nhục đậu khấu là loại gia vị tuyệt hảo nên thêm vào món ăn khi bạn bị stress. Nhục đậu khấu thường được thêm vào sữa, cháo yến mạch và sốt phô mai. Nhục đậu khấu cũng được thêm vào món khoai tây nghiền và các món rau củ khác. Rắc bột nhục đậu khấu vào tách sô-cô-la nóng hoặc sữa nóng.
TIÊU PEPPERCORNS
- TẠO CẢM GIÁC NGON MIỆNG & HỖ TRỢ TIÊU HÓA
CÔNG DỤNG
HỖ TRỢ TIÊU HÓA
Tiêu có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và tạo cảm giác ngon miệng. Tiêu cũng có tác dụng chống oxy hóa, kháng sưng viêm và là bài thuốc dân gian giúp thanh lọc cơ thể, ngăn ngừa nhiễm trùng phổi và phế quản, làm giảm các triệu chứng stress và sốc.
Các nghiên cứu cho thấy piperine, hoạt chất được tìm thấy trong tiêu, có tác dụng ngăn chặn sự tăng trưởng của các tế bào ung thư vú.
Tiêu có màu sắc xanh, đen hoặc trắng; nhưng “tiêu” hồng lại thuộc một loài khác và không có đặc tính như các loại tiêu thông thường.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
DÙNG NGUYÊN HẠT
Mua tiêu nguyên hạt và chỉ xay khi cần dùng. Tiêu xay sẽ nhanh chóng mất đi các hoạt tính. Tiêu được sử dụng trong nước hầm, canh, súp, sốt ướp, và rắc lên thức ăn nóng, rau trộn.
NHỤY HOA NGHỆ TÂY SAFFRON
- NGĂN NGỪA HỘI CHỨNG GIẢM THỊ LỰC DO TUỔI TÁC
CÔNG DỤNG
CHỐNG OXY HÓA
Nhụy hoa nghệ tây được sử dụng ở dạng khô. Chúng chứa các hoạt chất chống oxy hóa crocin, safranal và picrocrocin giúp trì hoãn quá trình mắc bệnh thoái hóa điểm vàng do lão hóa, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, ức chế sự tăng trưởng của các tế bào ung thư.
Thêm nhụy hoa nghệ tây vào trà hoặc sữa sẽ giúp chữa trị chứng mất ngủ và cải thiện bệnh trầm cảm.
Đặc tính kháng sưng viêm của nhụy hoa nghệ tây giúp chữa trị bệnh suyễn và dị ứng.
Ngoài ra, tác dụng kích thích của nhụy hoa nghệ tây có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu.
HẤP THỤ TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
SỬ DỤNG HẾT SỨC TIẾT KIỆM
Nhụy hoa nghệ tây được xem là loại gia vị đắt nhất thế giới, do đó nên dùng với lượng hợp lý. Nhụy hoa nghệ tây được dùng để tăng hương vị và màu sắc cho các món ăn như: cơm rang paella của Tây Ban Nha, cơm risotto của Ý, súp hải sản bouillabaisse của Pháp, sườn cừu ướp gia vị, các món gà và cả các món tráng miệng ngọt. Trộn nhụy hoa nghệ tây, tỏi, húng tây và dầu ăn để làm thành hỗn hợp gia vị ướp cá tuyệt hảo. Nhụy hoa nghệ tây còn được sử dụng trong bánh mì và bánh ngọt.
ĐẠI HỒI STAR ANISE
- NGĂN NGỪA CẢM CÚM
CÔNG DỤNG
KHÁNG VI-RÚT
Bên cạnh tác dụng ngăn ngừa chứng đầy hơi, nấc cụt và chống mất nước, đại hồi còn có đặc tính tăng cường khả năng hồi phục cơ thể khi nhiễm vi-rút. Đặc tính kháng vi-rút của đại hồi thể hiện thông qua việc ngăn chặn cả 2 loại vi-rút: vi-rút herpes và vi rút cúm; do đó, đại hồi được các công ty dược khai thác để sản xuất thuốc trị cúm như Tamiflu.
Đại hồi cũng chứa hormone oestrogen thực vật giúp kích thích tuyến vú tiết sữa và tăng khí lực cho phụ nữ.
HẤP THỤ TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
THÊM VÀO MÓN TRÁNG MIỆNG
Đại hồi thường được thêm vào các món ngọt. Gia vị này đặc biệt kết hợp rất tốt với quả vả. Thêm một ít bột đại hồi vào cà phê hoặc ya-ua vani để tăng thêm hương vị cho thức uống. Ngoài ra, đại hồi còn được dùng cho các món cá, các món rau củ.
ĐINH HƯƠNG CLOVES
- HỖ TRỢ TIÊU HÓA
- KIỂM SOÁT BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
- BẢO VỆ XƯƠNG
- TĂNG CƯỜNG MIỄN DỊCH
Đinh hương được sử dụng từ hàng ngàn năm qua ở Ấn Độ và Trung Hoa.
Không chỉ là một loại gia vị, đây còn là một dược liệu. Y học cổ truyền Ayurveda dùng đinh hương để chữa sâu răng, hôi miệng, còn y học cổ truyền Trung Hoa xem đinh hương có tính năng kích thích tình dục.
CÔNG DỤNG
HỖ TRỢ TIÊU HÓA
Đinh hương cải thiện tiêu hóa bằng cách kích thích tiết ra men tiêu hóa. Đinh hương cũng có tác dụng giảm đầy hơi, khó tiêu và buồn nôn. Sao đinh hương, xay thành bột, uống cùng mật ong để xoa dịu những rối loạn về tiêu hóa.
KIỂM SOÁT BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Các nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ đinh hương “bắt chước” như insulin, giúp kiểm soát hàm lượng đường huyết.
BẢO VỆ XƯƠNG
Chiết xuất từ đinh hương, bao gồm nhóm phenol (như eugenol và các dẫn xuất như flavone, isoflavone và flavonoid) giúp duy trì mật độ xương và lượng khoáng xương, giữ cho xương chắc khỏe.
TĂNG CƯỜNG MIỄN DỊCH
Theo y học cổ truyền Ayurveda, nụ đinh hương khô chứa những hoạt chất giúp cải thiện khả năng miễn dịch bằng cách tăng số lượng bạch cầu.
CHỮA CÁC BỆNH RĂNG MIỆNG
Đinh hương có thể chữa các bệnh ở lợi như viêm lợi, nha chu. Đinh hương cũng có thể chữa đau răng nhờ vào tính năng giảm đau.
HẤP THỤ TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
CHỌN ĐINH HƯƠNG NGUYÊN NỤ
Chọn mua đinh hương nguyên nụ, thay vì dạng bột, vì bột sẽ nhanh chóng mất đi mùi thơm. Nên bảo quản đinh hương trong lọ thủy tinh kín, để chỗ khô ráo, mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
Bột đinh hương có thể được bảo quản trong 6 tháng, trong khi nụ đinh hương bảo quản được một năm.
CHẾ BIẾN
TRÀ
Cho 2 nụ đinh hương, 1 thanh quế nhỏ, 2 hạt cardamom và một túi trà đen vào cốc nước. Đổ nước sôi vào, hãm trà từ 1 – 2 phút, rồi thưởng thức.
CHO VÀO MỨT
Bột đinh hương sẽ làm dậy lên hương vị của mứt trái cây.