Đ
ây là nguồn dồi dào các hợp chất chống oxy hóa và tinh dầu có tính năng sát khuẩn.
Các loại thảo dược thường được dùng dưới dạng cồn thuốc hoặc trà, thỉnh thoảng được cho vào món ăn với tỉ lệ rất nhỏ.
Rau thơm không chỉ tạo hương thơm dịu cho món ăn, mà còn giúp lưu giữ và tăng dược tính của thực phẩm. Thường xuyên dùng với các loại thực phẩm khác sẽ giúp tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa và loại thải độc tố.
HOÀNG KỲ ASTRAGALUS
- TĂNG CƯỜNG SINH LỰC
CÔNG DỤNG
TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG MIỄN DỊCH
Hoàng kỳ là một vị thuốc giúp tăng cường sinh lực khi bạn cảm thấy kiệt sức hoặc vừa mới hồi phục sau bệnh. Hoàng kỳ cũng có tác dụng tăng cường chức năng và số lượng bạch cầu, giúp ngăn ngừa nhiễm vi-rút nhờ vào đặc tính kháng sinh tự nhiên. Hoàng kỳ cũng giàu các hoạt chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào chống lại các gốc tự do gây tổn thương, và có tác dụng lợi tiểu tự nhiên.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
THÊM VÀO CANH, SÚP HOẶC NƯỚC HẦM
Hoàng kỳ là thành phần tốt cho sức khỏe trong món canh, súp. Hãy nấu 10 – 15 g hoàng kỳ với nấm hương, hành, tỏi, tương miso và cà rốt.
TRÀ
Cho 2 muỗng cà phê hoàng kỳ tươi, hoặc 1 muỗng cà phê hoàng kỳ khô, vào 175 ml nước sôi, hãm trà trong 5 phút.
RỄ CÂY NỮ LANG VALERIAN ROOT
-LÀM DỊU THẦN KINH & GIÚP AN THẦN
CÔNG DỤNG
CHỮA TRỊ CÁC BỆNH LIÊN QUAN ĐẾN THẦN KINH
Rễ cây nữ lang được sử dụng để chữa trị các bệnh như mất ngủ, lo lâu và căng thẳng thần kinh. Kết quả nghiên cứu cho thấy rễ cây nữ lang hoạt động như một loại thuốc an thần tự nhiên bằng cách gia tăng axít gamma aminobutyric (GABA), một hoạt chất có tác dụng xoa dịu hệ thần kinh. Ngoài ra, rễ cây nữ lang còn được dùng để chữa trị các vấn đề về tiêu hóa, buồn nôn, các vấn đề về gan và rối loạn đường tiết niệu.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
TRÀ
Rễ cây nữ lang không thể ăn sống, cách dùng tốt nhất là pha trà; uống trà rễ cây nữ lang và gừng tươi sẽ giúp tăng cường tuần hoàn máu.
CÚC LA MÃ CHAMOMILE
-CÓ ĐẶC TÍNH AN THẦN & XOA DỊU TỰ NHIÊN
CÔNG DỤNG
AN THẦN
Hoa cúc là bài thuốc dân gian dùng để chữa chứng khó ngủ và lo âu. Hoa cúc đặc biệt tốt cho trẻ nhỏ như chữa đau bụng, đau răng, bồn chồn và quá hiếu động. Hoa cúc còn có tác dụng làm dịu co thắt ruột, sưng viêm màng nhầy và da. Hoa cúc có đặc tính kháng khuẩn giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách giảm hormone stress trong cơ thể.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
NẤU NƯỚNG
Với mùi hương ngọt, hoa cúc được dùng để trang trí cho món rau trộn và cơm. Xắt nhỏ, cho vào bơ hoặc kem chua, rồi phết lên khoai tây nướng.
Với món bánh nướng, thay thế nước lọc bằng trà hoa cúc và hoa oải hương.
NGŨ VỊ TỬ SCHISANDRA
- TĂNG CƯỜNG SINH LỰC CHO TRÍ NÃO & THỂ CHẤT
CÔNG DỤNG
ĐÁP ỨNG THEO NHU CẦU CƠ THỂ
Ngũ vị tử có tác dụng kích thích hoặc làm dịu cơ thể tùy theo thể trạng. Ngũ vị tử giúp cải thiện sinh lực – cả về thể chất, trí não và tinh thần – và còn được biết đến với vai trò kích thích khả năng tình dục.
Ngũ vị tử hỗ trợ chức năng thận và phổi; cải thiện tuần hoàn máu, từ đó mang lại sức khỏe cho tim và da; phục hồi trí nhớ; và tăng sức chịu đựng của cơ thể.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
MÓN ĂN MẶN & NGỌT
Ngũ vị tử là thành phần phổ biến trong các món ăn Hoa và Hàn. Thêm một ít quả ngũ vị tử vào các món cơm, canh, súp, bánh, rau câu, mứt và các loại thức uống.
RỄ THỤC QUỲ MARSHMALLOW ROOT
- CHỮA LÀNH VIÊM LOÉT DẠ DÀY
CÔNG DỤNG
LÀM DỊU KÍCH ỨNG
Rễ thục quỳ giàu chất xơ nhầy (như keo), có tác dụng làm dịu kích ứng và sưng viêm màng nhầy, dạ dày và ruột. Đặc biệt, rễ thục quỳ có tác dụng tích cực đối với các triệu chứng viêm loét và sưng viêm ruột. Thục quỳ cũng có tác dụng đối với chứng rối loạn hô hấp và tiết niệu. Thục quỳ có tác dụng nhuận trường, giúp chữa trị táo bón.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
THỨC UỐNG
Ngâm 30 g rễ thục quỳ trong 600 ml nước, để qua đêm. Lọc lấy nước. Nước sẽ rất nhớt, có thể pha loãng hơn. Mỗi lần chỉ cần nhấp một ngụm nhỏ, uống cả ngày.
CÚC GAI MILK THISTLE
-HỖ TRỢ CHỨC NĂNG GAN
CÔNG DỤNG
HỖ TRỢ GAN
Hoạt chất chống oxy hóa trong cúc gai giúp chữa lành các tổn thương gan, hỗ trợ chức năng gan trong việc chuyển hóa chất béo và protein. Cúc gai cũng được xem là giải pháp hữu hiệu điều trị sưng viêm túi mật, các triệu chứng tiền kinh và mãn kinh liên quan đến chức năng gan. Ngoài ra, cúc gai cũng giúp tăng tiết sữa.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
THỨC UỐNG GIÚP XOA DỊU
Nghiền mịn 1 muỗng cà phê hạt cúc gai, cho vào 175 ml nước sôi và để yên 5 – 10 phút.
Hoặc bóc vỏ thân cây cúc gai, ngâm qua đêm để loại bỏ chất đắng, luộc cho đến khi mềm và chấm ăn với bơ.
CỎ BAN ST JOHN'S WORT
- XOA DỊU TRẦM CẢM
CÔNG DỤNG
CHỐNG TRẦM CẢM
Cỏ ban có tác dụng chữa trị trầm cảm từ mức độ nhẹ đến trung bình, không có tác dụng khi bệnh trở nặng. Trong nhiều nghiên cứu, cỏ ban có tác dụng ngăn ngừa chứng trầm cảm thông thường. Cỏ ban cũng được xem là bài thuốc điều trị chứng trầm cảm theo mùa, hội chứng tiền kinh (PMS), trầm cảm và bồn chồn trong thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, ít ai biết rằng loại thảo dược này còn có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm và kháng vi-rút, giúp làm lành vết thương nhanh chóng.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
DÙNG THAY NƯỚC LỌC
Cỏ ban được dùng làm trà; hoặc có thể thay nước lọc bằng nước cỏ ban để nấu nước dùng, trộn với bột để nướng bánh.
HÚNG QUẾ BASIL
- HỖ TRỢ TIÊU HÓA
CÔNG DỤNG
HỖ TRỢ TIÊU HÓA
Húng quế là bài thuốc dân gian chữa trị chứng đau đầu và mất ngủ. Chất eugenol, hoạt chất trong tinh dầu lá húng quế có tác dụng kháng viêm đối với khớp xương và đường tiêu hóa. Húng quế cũng có tác dụng lợi tiểu. Ngoài ra, húng quế cũng dồi dào các hoạt chất chống oxy hóa tự nhiên bảo vệ mô tránh khỏi những tổn thương do gốc tự do gây ra.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
ĂN RAU TƯƠI
Sử dụng húng quế trong món gỏi, canh. Xay húng quế để làm sốt pesto; hoặc cho lá húng quế vào dầu ô liu để làm sốt trộn rau (đừng lo nếu thấy lá chuyển thành màu đen).
NGÓ RÍ CORIANDER
- LOẠI THẢI ĐỘC TỐ
CÔNG DỤNG
LOẠI THẢI ĐỘC TỐ
Ngò rí, hay còn gọi là rau mùi, chứa tinh dầu có khả năng giải độc, kháng khuẩn và tăng cường miễn dịch. Ngò rí có thể giúp loại thải các kim loại nặng ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, ngò rí còn giúp hỗ trợ tiêu hóa, chống buồn nôn, chữa co thắt dạ dày, cân bằng huyết áp và nhuận trường.
CHỐNG OXY HÓA
Lá ngò rí tập trung hàm lượng cao các hoạt chất chống oxy hóa như quercetin, kaempferol và apigenin – nhiều hơn trong hạt. Các hoạt chất này có đặc tính chống ung thư.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
ĂN SỐNG
Nấu chín ngò rí sẽ làm mất đi hương vị và tinh dầu có trong ngò. Sử dụng ngò rí để trang trí trong các món cơm, rau trộn, các món xào hoặc nước ép cần tây, dưa leo và cà rốt để giải độc cho cơ thể.
MÙI TÂY PARSLEY
-TĂNG CƯỜNG SỨC KHỎE THẬN & BÀNG QUANG
CÔNG DỤNG
LỢI TIỂU
Rau mùi tây có tác dụng lợi tiểu và giàu các hoạt chất chống oxy hóa giúp làm thông thoáng mạch máu và giảm sưng viêm thận, bàng quang. Rau mùi tây cũng có tác dụng chữa trị táo bón. Ngoài ra, mùi tây còn có các dược tính khác như bồi bổ cơ thể và hỗ trợ tiêu hóa. Rau mùi tây giàu vitamin K giúp tăng cường sức khỏe xương.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
CHẾ BIẾN ĐA DẠNG
Trộn rau mùi tây với trứng để làm món trứng omelette; hoặc trộn với bơ, rồi phết lên bánh mì nướng giòn. Thêm rau mùi vào khoai tây nghiền, bánh cá chiên. Rau mùi tây có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và làm cho hơi thở thơm tho hơn, vì thế hãy nhai ít mùi tây sau khi ăn.
HƯƠNG THẢO ROSEMARY
- NGĂN NGỪA SƯNG VIÊM
CÔNG DỤNG
KHÁNG KHUẨN
Hương thảo chứa axít caffeic và rosmarinic, cả 2 chất này đều có hoạt tính chống oxy hóa và kháng sưng viêm, kháng khuẩn mạnh. Hoạt tính chống oxy hóa của hương thảo giúp giảm sưng viêm, do đó giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, bệnh gan và bệnh tim.
Dùng hương thảo làm trà hoặc nước súc miệng sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh về nướu và làm dịu chứng viêm họng.
Hương thảo còn chứa một lượng lớn tinh dầu dễ bay hơi giúp làm dịu thần kinh và chứng rối loạn dạ dày.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
CHẾ BIẾN ĐA DẠNG
Hương thảo được sử dụng trong các món thịt (như thịt cừu), rắc lên khoai tây để nướng, và làm tăng thêm hương vị của dầu giấm.
TRÀ
Để pha trà hương thảo, hãy cho 1 muỗng cà phê hương thảo khô hoặc 2 muỗng cà phê hương thảo tươi vào bình chứa 175 ml nước sôi, hãm trà trong 5 phút, rồi thưởng thức.
XÔ THƠM SAGE
- CÂN BẰNG HORMONE
CÔNG DỤNG
TĂNG CƯỜNG SỨC KHỎE NỮ GIỚI
Là bài thuốc dân gian giúp phục hồi cho cơ quan sinh sản của phụ nữ, xô thơm còn giúp chữa trị tình trạng kinh nguyệt ra nhiều hoặc bất thường, và làm dịu các triệu chứng mãn kinh.
Lá xô thơm ăn sống còn giúp chữa trị thấp khớp, viêm kết mạc, đổ mồ hôi quá mức và rối loạn dạ dày.
Trong các thí nghiệm, hoạt chất chống oxy hóa trong xô thơm có tác dụng cải thiện trí nhớ và khả năng tập trung ở cả người khỏe mạnh cũng như người mắc bệnh mất trí nhớ. Ngoài ra, xô thơm cũng có tác dụng lợi tiểu.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
MẬT ONG ƯỚP XÔ THƠM
Cho mật ong vào hũ chứa xô thơm tươi (cả 2 loại này đều có tính kháng khuẩn) và để từ 2 – 3 ngày hoặc lâu hơn. Mật ong ướp xô thơm có thể được dùng trong món trà thảo dược hoặc các món ngọt để tăng thêm dược tính.
Ngoài ra, xô thơm tươi còn được thêm vào rau trộn, súp hoặc các món thịt.
Xay lá xô thơm tươi, trộn với muối, rồi ướp với cá.
HÚNG TÂY THYME
- PHÒNG CHỐNG CẢM CÚNG
CÔNG DỤNG
TRỊ CẢM LẠNH
Húng tây giúp làm loãng chất nhầy, được xem là bài thuốc hữu hiệu chữa trị hen suyễn, viêm phế quản, cảm lạnh, ho hoặc viêm xoang. Húng tây chứa các hoạt chất chống oxy hóa và có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giúp chữa trị đau bụng ở trẻ sơ sinh, chứng đầy hơi ở người lớn và trẻ nhỏ. Tinh dầu húng tây có tác dụng kháng khuẩn, giúp ngăn ngừa vi khuẩn Streptococcus mutans, E.coli, Staphalococcus aureus và Bacillus subtilis.
Trà húng tây còn được dùng để chữa trị viêm họng và các bệnh về nướu.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
THÍCH HỢP VỚI CÁC MÓN THỊT
Húng tây phát huy hiệu quả tốt nhất ở dạng tươi, dùng để ướp, pha chế nước sốt. Hàm lượng chất sắt dồi dào trong húng tây làm tăng giá trị dinh dưỡng cho các món được chế biến từ thịt và hỗ trợ tiêu hóa.
Lá húng tây tươi giã nhỏ, cho vào dầu giấm sẽ tạo thành sốt trộn rau ngon tuyệt.
TRÀ
Cho 1 muỗng cà phê húng tây khô (hoặc 2 muỗng cà phê húng tây tươi) vào 175 ml nước sôi, hãm trà trong 5 phút rồi thưởng thức.
BẠC HÀ MINT
- CHỮA TRỊ RỐI LOẠN DẠ DÀY
CÔNG DỤNG
CHỮA CHỨNG KHÓ TIÊU
Lá bạc hà chứa tinh dầu có đặc tính kháng khuẩn, vì vậy lá bạc hà được xem là lựa chọn tối ưu để chữa trị chứng khó tiêu, sưng viêm đường ruột và chứng rối loạn đường ruột. Hoạt tính sinh học của bạc hà vừa tăng cường sinh lực, vừa giúp an thần – tùy theo nhu cầu của cơ thể. Ngoài ra, bạc hà còn có tác dụng làm mạnh hệ thần kinh và làm dịu chứng đau đầu.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
SỬ DỤNG TRONG HẦU HẾT CÁC MÓN ĂN
Lá bạc hà được sử dụng để ướp thịt cừu và giúp tiêu hóa thịt. Có thể cho lá bạc hà vào hỗn hợp sốt trộn rau hoặc ya-ua.
Lá bạc hà còn được dùng để rắc lên các món khoai tây hoặc đậu.
TRÀ
Cho 1 muỗng cà phê lá bạc hà khô (hoặc 2 muỗng cà phê lá tươi) vào 175 ml nước sôi, hãm trà trong 5 phút, rồi thưởng thức. Có thể dùng lạnh hoặc nóng.
NƯỚC CHANH
• 1 trái chanh, vắt lấy nước
• ½ ly nước lọc
• 1 củ gừng nhỏ (cỡ 1 lóng tay) ép lấy nước
• 1 nhúm lá bạc hà tươi, giã nhuyễn
• ¼ muỗng cà phê bột hạt cumin
• 2 (hoặc hơn) muỗng cà phê đường
• Một ít muối
Cho tất cả thành phần vào ly nước lọc, khuấy đều, rồi thưởng thức
KINH GIỚI OREGANO
- NGĂN NGỪA CÁC TỔN THƯƠNG DO GỐC TỰ DO GÂY RA
CÔNG DỤNG
KHÁNG KHUẨN
Kinh giới chứa tinh dầu thymol và carvacrol có tác dụng như hoạt chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể chống lại stress oxy hóa. Loại tinh dầu dễ bay hơi này được xem là có khả năng ức chế sự sinh sôi của vi khuẩn, bao gồm Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus, cũng như ức chế sự tăng trưởng của nấm Candida albicans.
Với tác dụng giảm đau, kinh giới có thể làm dịu các cơn đau do kinh nguyệt và các cơn đau bụng khác. Kinh giới cũng có tác dụng lợi tiểu, kích thích cảm giác ngon miệng và giúp làm sạch đàm, vì vậy kinh giới được dùng để chữa trị cảm cúm, đau đầu và các bệnh về hô hấp.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
THÀNH PHẦN “KINH ĐIỂN”
Kinh giới được cho vào sốt mì Ý, sốt trộn rau, các món rau củ, cá, gà, trứng hoặc phô mai. Ngoài ra, kinh giới còn thích hợp với các món hầm, nhưng nên thêm vào lúc đã nấu chín để giữ lại tinh dầu và chất nhựa trong kinh giới.
BỒ CÔNG ANH DANDELION
- TĂNG CƯỜNG CHỨC NĂNG GAN
- LỢI TIỂU
- TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG MIỄN DỊCH
- TĂNG CƯỜNG SỨC KHỎE DA
Hãy xem bồ công anh là một loại “siêu” thực phẩm, thay vì là một loại cỏ dại. Bởi vì bồ công anh là nguồn dồi dào các dưỡng chất, có tác dụng lợi tiểu và thanh lọc gan. Phần nào của cây cũng hữu dụng: thu hoạch lá trước khi có hoa để lá ít bị đắng nhất, thu hoạch hoa khi hoa vừa chuyển vàng. Đừng bao giờ thu hoạch cây đã bị xịt thuốc.
Lá
Là bài thuốc dân gian để bài tiết lượng nước dư thừa và loại thải độc tố ra khỏi cơ thể
Hoa
Chứa axít flavonoid và axít coumaric giúp giảm huyết áp
Củ
Giàu choline, một loại vitamin nhóm B, giúp tăng cường sức khỏe tim và ngăn ngừa bệnh đái tháo đường
CÔNG DỤNG
THANH LỌC GAN
Bồ công anh giúp chữa trị các vùng sưng viêm, thanh lọc gan và túi mật.
LỢI TIỂU
Bồ công anh là nguồn dồi dào kali, giúp cho việc tiểu tiện trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu.
TĂNG CƯỜNG MIỄN DỊCH
Bồ công anh giàu các hoạt chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa viêm nhiễm và thúc đẩy quá trình làm lành vết thương.
TĂNG CƯỜNG SỨC KHỎE DA
Bồ công anh là nguồn dồi dào vitamin C, thúc đẩy quá trình hình thành collagen, giúp cho da và nướu khỏe mạnh.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
SỬ DỤNG LÁ
Lá bồ công anh cung cấp tất cả các vitamin chống oxy hóa chính, gồm cả vitamin C và E.
SỬ DỤNG HOA
Hoa bồ công anh chứa một lượng lớn beta-carotene, vitamin C, sắt và các dưỡng chất khác. Cánh hoa chứa các hoạt chất chống oxy hóa nhóm flavonoid giúp giảm huyết áp và tăng cường chức năng miễn dịch.
SỬ DỤNG CỦ
Có thể dùng ở dạng khô và thay thế cà phê (không chứa caffeine), củ có tác dụng nhuận trường và lợi tiểu. Củ bồ công anh cũng có đặc tính kháng vi rút và chứa inulin, một loại prebiotic giúp tăng cường sức khỏe đường ruột.
CHẾ BIẾN
SỐT PESTO
Xay lá bồ công anh, hoặc hỗn hợp gồm lá bồ công anh, hạt thông, tỏi, phô mai Parmesan và dầu ô liu, để làm sốt pesto ăn cùng mì Ý.
TRÀ
Trà bồ công anh có tác dụng lợi tiểu, có thể pha trà từ lá tươi hoặc khô.
RAU TRỘN
Thêm hoa bồ công anh vào món rau trộn, món xào, hoặc ngâm hoa bồ công anh trong giấm để dùng suốt năm.
CỦ NƯỚNG
Chế biến tương tự như củ cải. Củ bồ công anh có vị ngọt nhất từ mùa thu đến đầu mùa xuân.
TẦM MA GAI NETTLES
- LỢI TIỂU
- GIẢM SỰ PHÌ ĐẠI CỦA TUYẾN TIỀN LIỆT
- TĂNG TÍCH LŨY CHẤT SẮT ĐỂ NGĂN NGỪA MỆT MỎI
- CÂN BẰNG ĐƯỜNG HUYẾT
Các nhà làm vườn xem tầm ma gai là cỏ dại, nhưng loài cây này lại có tác dụng giảm đau cơ và khớp, bệnh Eczema, viêm khớp, bệnh Gout và bệnh thiếu máu. Ngày nay, tầm ma gai được dùng để điều trị viêm nhiễm đường tiết niệu, các vấn đề về đường tiết niệu trong giai đoạn khởi phát của bệnh phì đại tuyến tiền liệt, sốt hoặc làm thuốc đắp để điều trị đau khớp, trật khớp, bong gân, sưng viêm và bị côn trùng cắn.
Thân & lá
Chứa các hoạt chất kháng viêm tự nhiên, hoạt động như một loại thuốc kháng histamine. Các thầy thuốc tin rằng lá của cây tầm ma giúp ngăn ngừa các bệnh dị ứng theo mùa.
Lá
Chứa vitamin C, giúp tăng cường hấp thu chất sắt.
CÔNG DỤNG
LỢI TIỂU
Tầm ma gai có tác dụng đưa nước chảy qua thận và bàng quang, dội sạch các vi khuẩn và ngăn ngừa khả năng hình thành các tinh thể axít uric gây sỏi thận.
TĂNG CƯỜNG SỨC KHỎE TUYẾN TIỀN LIỆT
Rễ cây tầm ma thường được so sánh với finasteride (một loại thuốc phải được kê toa khi sử dụng), giúp thuyên giảm các triệu chứng của bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Không giống như finasteride, rễ cây tầm ma không làm giảm kích thước tuyến tiền liệt nhưng giúp cải thiện lưu thông của đường tiết niệu, cải thiện tình trạng tắc nghẽn đường tiết niệu và chứng tiểu gấp.
GIÚP TẠO MÁU
Chất sắt có vai trò quan trọng trong việc hình thành máu. Hàm lượng vitamin C có trong cây tầm ma giúp hấp thu tối đa chất sắt. Đây cũng là nguồn dồi dào vitamin K giúp ngăn ngừa hình thành các cục máu đông.
NGĂN NGỪA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Trà cây tầm ma giúp cân bằng đường huyết trong cơ thể.
NGĂN NGỪA BỆNH THẤP KHỚP
Cây tầm ma giúp trung hòa axít uric gây viêm khớp. Các nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ cây tầm ma giúp chữa trị bệnh thấp khớp, giảm sử dụng các loại thuốc kháng viêm không chứa steroid.
HẤP THU TỐI ĐA DƯỠNG CHẤT
CHỌN CÂY TƯƠI
Không chọn cây tầm ma bị côn trùng phá hoại. Ngọn cây tầm ma giàu dưỡng chất và có hương vị dễ chịu.
TRÀ
Ngâm cây tầm ma khô hoặc tươi trong nước nóng 10 – 15 phút để có được loại nước uống có tác dụng lợi tiểu và thanh lọc cơ thể. Uống 5 – 7 tách trà rễ cây tầm ma mỗi ngày sẽ giúp cho tuyến tiền liệt khỏe mạnh.
CHẾ BIẾN
MÓN SÚP THANH LỌC CƠ THỂ
Xào cây tầm ma, hành tây, boa-rô, cần tây với bơ; rồi cho vào máy xay, đổ thêm nước hầm và một ít ya-ua; xay nhuyễn, nêm nếm gia vị vừa ăn.
SỐT PESTO
Thay lá húng quế bằng lá cây tầm ma non trong thành phần của sốt pesto. Lá tầm ma non giúp cho nước sốt ngon và giàu dưỡng chất hơn.