Quyển I: Mới vào Kinh
Hỉ nương* trấn an: "Nãi nãi** cố chịu thêm chút nữa, phải ngồi thảm phúc*** mới đảm bảo vinh hoa phú quý trong tương lai ạ."
(*) Hỉ nương là người săn sóc tân nương trong lễ cưới thời xưa
(**) Nãi nãi là cách gọi người phụ nữ đã có chồng
(***) Ngồi thảm phúc: một phong tục truyền thống thời xưa, sau khi được đưa về phòng tân nương sẽ ngồi trên một tấm thảm màu đỏ thêu chữ phúc.
Lâm Di* khẽ gật đầu đáp một tiếng, từ khi đến Lâm gia, đây là lần đầu tiên nàng nghe thấy có người nói chuyện với mình thân thiết như vậy. Cha nàng bị vạch tội, hiện còn ở trong ngục, ai cũng cảm thấy ngạc nhiên khi Lâm gia vẫn y theo hôn ước cưới nàng vào nhà.
(*) Chữ Lâm trong tên Lâm Di là chữ (琳), có nghĩa là "ngọc quý". Họ Lâm của nhà chồng là chữ (林) mang nghĩa là "cánh rừng".
Từ một danh môn khuê tú trở thành con gái của tội thần, không phải nàng chưa từng nghĩ tới việc Lâm gia sẽ từ hôn. Nhưng Đại gia của Lâm gia tới cửa nhiều lần, nói rằng sẽ không để ý danh tiếng của nàng, người trong tộc cũng nói Lâm lang* là người có thể dựa dẫm được, thế nên nàng mới yên tâm bước lên kiệu hoa.
(*) Lang: cách gọi con trai trong nhà thời xưa, có thể thêm họ hoặc thứ tự trong nhà để gọi, hoặc thêm cả hai, ví dụ con cả của nhà họ Lâm thì người ta có thể gọi Lâm lang, Nhất lang hoặc Lâm Nhất lang.
Hỉ nương chỉnh giường chiếu, nhưng lại không nhìn thấy táo, hạt dẻ và lạc đâu cả, bèn cười an ủi: "Nhất định là mấy ma ma bận rộn nên quên, nãi nãi cứ ngồi chờ, một lát nữa ma ma đến tôi sẽ nhắc nhở họ rắc lên."
Sau một tiếng "cạch" rất khẽ, tiếng bước chân vang lên, có lẽ là Lâm Chính Thanh trở về.
Hỉ nương dâng rượu hợp cẩn, Lâm Di đưa tay đón lấy nhưng người đối diện vẫn chậm chạp không chịu đưa tay ra.
Một cây quạt được đưa tới, vén chiếc khăn lụa đỏ thêu tơ vàng trên đầu nàng, Lâm Chính Thanh nhìn mặt Lâm Di xong mới để hỉ nương đỡ nàng uống rượu hợp cẩn với mình. Uống xong, hắn trầm giọng bảo hỉ nương lui ra, lúc này Lâm Di mới ngẩng đầu nhìn nam nhân đang cau mày ở đối diện.
Đại lang của Lâm gia tài mạo song toàn là chuyện người người ở triều Đại Chu này đều biết. Nàng đã nghe quen tai người khác tán thưởng hắn, nhưng hôm nay mới được tận mắt nhìn thấy. Thấy gương mặt âu sầu của đối phương, nàng cũng không hề kinh ngạc. Lúc ngồi trong khuê phòng chờ kiệu hoa, nàng đã nghe thấy hắn cười hết sức miễn cưỡng, rồi sự lạnh nhạt và xa cách của hắn sau đó càng thêm chứng thực suy đoán trong đầu nàng.
Lâm Chính Thanh không muốn thành thân với nàng.
Nếu đã không tình nguyện thì cần gì phải cưới nàng về?
Trong phòng không còn ai khác, Lâm Chính Thanh mệt mỏi ngồi xuống chiếc ghế có lót đệm gấm, thản nhiên giẫm lên vạt váy hỉ phục bằng gấm đỏ thượng hạng trải rộng trên nền đất, không hề che giấu vẻ lạnh nhạt trên mặt, "Trần Lục tiểu thư có tiếng hiền hậu nên ta cũng nói thẳng luôn vậy."
"Tuy Trần đại nhân vẫn còn ở trong ngục, nhưng nếu ta và tiểu thư đã có hôn ước, vậy Lâm gia sẽ nuôi tiểu thư đến già…" Giọng Lâm Chính Thanh hết sức xa cách, nói tới hai chữ ‘đến già’ thì cố ý dừng lại.
Khi trước là do Lâm gia tới cửa cầu hôn nên mới có chuyện cưới gả này, chẳng ai ngờ sự đời đổi thay, mà Lâm Chính Thanh lại cực kỳ không ưa nàng. Lâm Di cũng muốn làm rõ nhân quả trong chuyện này nên chỉ mím môi không lên tiếng, chờ Lâm Chính Thanh nói hết.
Lâm Chính Thanh tỏ ra ghét bỏ, "Ta nghe nói tiểu thư bị bệnh nặng nên mới đồng ý cho tiểu thư một danh phận. Không ngại nói cho tiểu thư biết luôn, phụ thân tiểu thư chịu trọng hình, chẳng cầm cự nổi quá hai ngày, nếu tiểu thư là đứa con có hiếu thì nên đi theo phụ mẫu mình cho tận hiếu."
Cuối cùng nàng cũng hiểu vì sao Lâm Chính Thanh lại chán ghét mình như vậy, thì ra là vì bây giờ nàng không giống người sắp chết. Lúc ấy nàng bận tâm tới việc phụ thân bị hàm oan, dù thế nào cũng không muốn thành Bắc Mang hương nữ*, mà điều này thật sự nằm ngoài dự tính của hắn.
(*) Bắc Mang hương nữ: ý chỉ người phụ nữ đã chết, Bắc Mang ở đây là tên một địa danh tại Lạc Dương, Hà Nam, là nơi chôn cất của nhiều vương hầu công khanh thời Đông Hán và Bắc Ngụy, sau mang hàm ý chỉ mộ địa.
Nghe xong lời của Lâm Chính Thanh, bản thân Lâm Di cũng bình tĩnh lại, nàng nói: "Nếu công tử đã không muốn thì có thể đưa ta về lại Trần gia."
Đối phương không khóc cũng không ầm ĩ, hơn nữa còn có thể nói một câu như vậy khiến Lâm Chính Thanh vô cùng bất ngờ. Hắn ngớ người một thoáng rồi cười lạnh, "Sau khi bị Trần gia vội vã gả ra ngoài như vậy, tiểu thư cho rằng họ còn chấp nhận tiểu thư nữa sao? Lâm gia chúng ta trọng danh tiếng nên đành cưới tiểu thư vào cửa, bằng không trên đời làm gì có chuyện tốt đến thế? Người như tiểu thư… chỉ có thể chết già trong khuê các mà thôi."
Công tử thế gia trước giờ luôn giỏi giả vờ thanh cao, bất kỳ chuyện gì cũng dùng từ ngữ nhẹ nhàng, dễ nghe để nói ra. Nay đối mặt với Lâm Di, một cô gái yếu đuối, Lâm Chính Thanh cũng chẳng buồn tiếp tục vờ vịt nữa, nếu đã nói tới đây thì chẳng thà cứ nói toẹt cho xong.
Mũ phượng trên đầu như muốn đè gãy cần cổ mảnh khảnh của Lâm Di, song ánh mắt nàng vẫn cứng cỏi như trước, "Chắc không chỉ vì danh tiếng của Lâm gia thôi nhỉ?" Thế gia danh môn, ngoài mặt thanh cao nhưng sau lưng đều lấy lợi ích làm đầu. Người ta nói nàng hiền lương thục đức, thực tế cũng chỉ là một thứ vô dụng với miệng lưỡi sắc bén mà thôi.
Lâm Chính Thanh thẹn quá hóa giận, "Đại Chu không thiếu phụ nữ xinh đẹp nhưng ta vẫn cưới cô làm chính thê, cô còn không hài lòng cái gì? Nếu là kẻ thông minh thì hẳn là biết nên kết thúc thế nào cho gọn ghẽ, nói không chừng ta sẽ nghĩ tới sự thông minh của cô mà giữ gìn thanh danh cho cô."
Thanh danh? Lâm Di cười khẩy, nếu người ta đã muốn nàng chết, chắc chắn sẽ không để nàng lại rồi chiếm mất vị trí chính thê của hắn ta. Huống chi, những thứ này đối với nàng không đáng một xu.
Nhìn thấy vẻ chế giễu trên mặt Lâm Di, sắc mặt Lâm Chính Thanh càng thêm khó coi, "Nói cho cùng, nàng ấy mới thật sự là lương thiện dịu dàng, thương hại cô mới đành chịu ấm ức làm vợ kế. Nhưng theo ta thấy, nàng ấy cũng không cần mang danh vợ kế làm gì, bởi một người đàn bà như cô còn chẳng xứng tiến vào từ đường của Lâm gia."
Nàng ấy… Thì ra là vậy! Nghe thấy lời ca ngợi của Lâm Chính Thanh, Lâm Di chỉ thấy buồn nôn, muốn nhỏm dậy tránh xa hắn lại phát hiện cả người không còn chút sức lực.
Lâm Di đưa mắt nhìn chén rượu hợp cẩn. Ngay cả chuyện như hạ độc trong rượu mà Lâm gia cũng làm được.
"Cô còn chưa sinh con cho ta, lại càng chưa hầu hạ trưởng bối ngày nào, dù ta không chịu lập cô làm chính thê thì cũng sẽ chẳng bị trách là bạc tình."
Ngày đầu tiên nàng vào cửa đã muốn giết chết nàng, hơn nữa còn lấy chuyện không con với đạo hiếu ra sỉ nhục nàng… Đây đúng là chuyện buồn cười nhất thiên hạ.
Lâm Chính Thanh nói đến đây thì tỏ vẻ như bản thân đã bị lừa, "Huống nhánh cả Trần gia đã nói, phụ thân cô chỉ là con thứ, mà cô chỉ là một ả tiện nhân chẳng đáng một đồng."
Lâm Di nghe đến đó thì choáng váng, cha rõ ràng là con trai trưởng trên gia phả, vậy mà bọn họ lại dám đổi trắng thành đen giành lấy vị trí này.
"Ta cũng chẳng ngại mà nói cho cô biết, nếu không nhờ có người Trần gia giúp đỡ, sao ta có thể nghĩ ra được biện pháp như vậy," Lâm Chính Thanh dừng một thoáng, "Trước khi thành thân cô đã hóa điên vì quá đau buồn, trên dưới Trần gia đều có thể làm chứng, sau rồi tân nương tử phát điên, phóng hỏa ngay trong ngày thành hôn. Lâm gia chúng ta là người bị hại, Trần gia muốn bồi thường nên để ta cưới một vị tiểu thư khác trong nhà."
Tính toán chu toàn đến mức này, xem ra Lâm Chính Thanh thật sự đã dốc hết tâm tư… nàng bị ép chết nhưng Lâm gia lại trở thành bên chịu hết ấm ức.
"Người ngoài đều nói Đại lang Lâm gia là một thiếu niên tuấn tài, cần gì phải làm khó một thiếu nữ yếu ớt như tôi?" Lâm Di nói rất khẽ, nhưng trong mắt không hề có vẻ sợ hãi.
Thiếu niên tuấn tài, bốn chữ vốn khiến Lâm Chính Thanh đắc ý, vậy mà thốt ra từ miệng Lâm Di lại nghe có vẻ đầy châm chọc.
Lúc này mà còn mạnh miệng… Lâm Chính Thanh cười lạnh, "Đều là con gái nhà họ Trần, nhưng cô không bằng được một nửa nàng ấy. Nàng ấy thương hại cô mới đồng ý để ta cưới cô làm chính thất. Nay nghe cô ăn nói như vậy, ta thấy nàng ấy mới xứng danh thục nữ hiền lương, còn cô chỉ là một ả đàn bà độc địa mà thôi."
Người có thể được Lâm Chính Thanh gọi là thục nữ hiền lương… sẽ là dạng người gì đây…
Lâm Chính Thanh đứng dậy cầm ngọn nến dán chữ hỉ (喜) đỏ rực châm lửa đốt màn, ngọn lửa lập tức bùng lên, nuốt chửng chiếc màn lụa, đóa hoa mẫu đơn đang độ nở rực được bày trên bàn bị ngọn lửa liếm qua, cánh hoa liền co lại, bắt lửa rồi rơi xuống đất.
Ánh lửa hắt lên một bên sườn mặt của Lâm Chính Thanh khiến hắn càng thêm tuấn tú. Đôi lông mày đen nhánh nhướng cao đầy kiêu ngạo, trong mắt ẩn chứa ánh sáng tựa ngọc thô chưa được mài giũa.
Lần đầu tiên nhắc đến hôn sự của nàng người trong nhà đã nói, Đại lang Lâm gia xuất thân danh môn, mười hai tuổi đã đỗ tú tài, mười lăm tuổi trúng Giải Nguyên*, mười sáu tuổi đậu cống sĩ, cùng năm lại trúng Đồng tiến sĩ, được vào Hàn Lâm viện nhậm chức Thứ cát sĩ. Ai cũng khen hắn thông minh tài giỏi, tương lai nhất định là một trong những thần tử trụ cột của triều đình.
(*) Tú tài tương đương với bằng cấp 3 hiện giờ, người đậu tú tài sẽ bắt đầu thi Hương, người đỗ đầu kỳ thi Hương được mệnh danh là Giải Nguyên. Cống sĩ tương đương với tiến sĩ thời nay, chức danh cho những ai qua được kỳ thi Hội. Đồng tiến sĩ là những người đỗ ở giáp thứ 5 thời Tống, sau tới thời Minh - Thanh thì chia thành 3 giáp và những người đỗ ở giáp thứ 3 gọi là đồng tiến sĩ. Thứ cát sĩ là chức danh cho những người chuẩn bị thi Đình – kỳ thi cao nhất.
Khi ấy nàng vẫn chỉ là một tiểu thư chốn khuê các nên ngượng ngùng không dám nghe ngóng quá nhiều, chỉ biết rằng Lâm Chính Thanh ở tiền viện làm khách thì tim liền đập "thình thịch". Thật không thể ngờ, vị Lâm đại lang trong miệng người khác và người đứng trước mặt nàng bây giờ lại khác nhau xa đến vậy.
Lâm Chính Thanh cười nhạt, "Lúc mẫu thân ta đến nhà cô cầu hôn, nghe nói Khang quận vương cũng muốn cưới cô làm quận vương phi…" Nói đến đây, hắn tỏ ra xem thường, "Ta chỉ cho rằng Khang quận vương xem trọng danh tiếng hiền thục của cô, thì ra đều là có mưu đồ riêng mà thôi." Dứt lời hắn xoay người đi ra ngoài.
Lửa cháy đến đỉnh đầu Lâm Di, nóng đến mức nàng không thở nổi.
Khang quận vương, cũng vì lời đồn này mà gần như toàn bộ nữ tử trong Kinh đều hâm mộ nàng, nhưng cha sợ nàng gả vào hoàng gia sẽ chịu khổ, cho nên mới chọn con cháu dòng dõi thư hương môn đăng hộ đối.
Cha nàng và Khang quận vương vốn có qua lại, sau khi cha xảy ra chuyện, nàng từng nhờ nhũ mẫu đến chỗ Khang quận vương hỏi thăm tin tức, hy vọng hắn ta có thể giải oan giúp phụ thân. Sau đó nàng mới biết được, Khang quận vương lập công to trong vụ án của cha, được Hoàng thượng khen thưởng long trọng, không chỉ được tứ hôn mà còn được ban cho phủ đệ riêng.
Cha nàng đã bị chính cái người cha suốt ngày khen bên miệng hãm hại.
Cả nàng và cha đều tin sai người.
Chẳng ai ngờ, được hai người đàn ông mà phụ nữ ao ước tới cửa cầu cưới, vốn chẳng phải là phúc của nàng.
Mọi thứ trước mắt dần mơ hồ, Lâm Di đau đớn siết chặt nắm tay, nàng vẫn chưa giải oan được cho cha.
Lồng ngực càng lúc càng nặng nề, bên tai vang lên tiếng la hét của hạ nhân, "Dập lửa, mau dập lửa…"
Tiếp theo là tiếng kêu hoảng hốt của Lâm Chính Thanh, "Xảy… xảy ra chuyện gì… mau… mau tới cứu người…"
Lâm Di cố gắng mở to hai mắt nhưng chỉ nhìn thấy ngọn lửa đang bùng lên, có ai đó mở cửa ra, gió thổi vào càng khiến lửa bắt vào những vật dễ cháy trong phòng nhanh hơn. Thế rồi trước mắt nàng chỉ còn một màu đỏ rực, vùng đỏ đó như biến thành một dải lụa đỏ phất phơ.
Lần đầu tiên vào Kinh đến chùa Thanh Hoa cầu phúc, nàng có thắt một dải lụa đỏ trên cành cổ thụ trước chùa chỉ vì nghe nói cây này rất linh thiêng. Nàng nhắm mắt lại, cầu cho người nhà được bình an vui khỏe.
Vừa cầu xong thì trời chợt nổi gió, nàng giữ chặt làn váy để không bị gió thổi bay, lúc vô tình ngẩng đầu lên thì thấy dải lụa đỏ nàng tự tay buộc vào cành cũng bay phấp phới giữa muôn vàn cánh hoa bay trong không trung. Khi ấy cũng vừa hay có một cánh hoa dạt về phía nàng, nàng theo bản năng nhắm mắt lại.
Cánh hoa rơi xuống trên trán nàng, cảm giác lành lạnh.
Mọi người đều nói là Phật Tổ hiển linh, nguyện vọng của nàng nhất định sẽ thành. Nàng nghe nhưng không để bụng, chỉ nhón cánh hoa đưa lên chóp mũi, mỉm cười thưởng thức mùi thơm nhàn nhạt thanh nhã từ nó.
Năm đó nàng mười ba tuổi.