Trần gia ở Kinh thành.
Nửa năm trước, chủ tớ Trần gia đã bắt tay vào chuẩn bị cho lễ mừng thọ của Trần lão thái thái. Giờ thì ngày đó đã sắp đến, trong phủ đã giăng đèn kết hoa khắp nơi. Lễ mừng thọ của Trần lão thái thái năm nay đặc biệt náo nhiệt hơn những năm trước, bởi vì năm nay vừa hay triều đình tiến hành bình xét ba năm một lần đối với các quan lại. Tam lão gia nhậm chức ở Phúc Ninh* sẽ dẫn vợ kế và hai người con một trai một gái về Kinh chúc thọ.
(*) Phúc Ninh là một huyện thuộc thành phố Ninh Đức tỉnh Phúc Kiến
Người một nhà đoàn tụ là chuyện vô cùng vui vẻ, chỉ thương cho mấy đứa trẻ còn nhỏ tuổi, đường từ Phúc Ninh đến Kinh thành xa xôi, mà khí hậu hai miền Nam Bắc lại khác nhau nên cô con gái mới mười ba tuổi của Tam lão gia là Trần Lục tiểu thư vừa vào kinh liền ngã bệnh, sốt cao suốt ba ngày mới tỉnh.
…
Trời ấm liên tục hai ngày, hoa đào trong sân đều nở rộ. Đám tiểu nha hoàn đang lựa những nhành hoa đào trắng đẹp nhất ở đầu cành để hái xuống, bỏ cành lá thừa lẫn đài hoa, phơi khô rồi cất đi để sau này dùng.
Bánh hoa đào là loại bánh nàng thích nhất, Lâm Di dõi mắt nhìn ra ngoài cửa sổ một lúc rồi tháo đai trán xuống.
Quất Hồng vội vàng đặt chén thuốc trong tay xuống, "Tiểu thư vẫn nên đeo thêm một ngày nữa thì hơn, bệnh của tiểu thư vẫn còn chưa khỏi hẳn mà."
Lâm Di đưa chiếc đai trán cho Quất Hồng, nói bằng chất giọng hơi khàn khàn: "Ta khỏe rồi." So với việc nằm yên không thể nhúc nhích mặc lửa thiêu đốt thì cuộc sống bây giờ đã khác biệt như trên trời và dưới đất vậy.
Sau khi ngất đi trong căn phòng lửa cháy hừng hực kia, mở mắt ra lại phát hiện bản thân đã trở về lúc mười ba tuổi, ban đầu nàng còn không dám tin, hồi sau mới nhận ra tất cả đều là thật.
Lâm Di đưa tay sờ lên thành giường bằng gỗ hoa lê chạm khắc rồi lại nhìn về chiếc bàn lùn bên cạnh giường, bên trên là một chiếc hoa đăng nhỏ. Mặt hoa đăng có vẽ hình một người phụ nữ đội nón lá chống gậy chèo thuyền đến đón nữ quyến trên bờ đi dạo quanh hồ. Đây là lễ vật mà tổ mẫu* đã cố ý bảo Đại bá mẫu** chọn trong kho tặng cho nàng.
(*) Tổ mẫu: bà nội.
(**) Đại bá mẫu: bác gái cả.
Mẹ Lâm Di sinh ra anh trai và nàng xong liền qua đời, cha đã cưới dì – em gái ruột của mẹ nàng - làm vợ kế. Cha nhậm chức ở Phúc Ninh mấy năm nay, mẹ kế và hai anh em nàng cũng đi theo cùng, rất ít khi vào Kinh. Lần này là do Đại bá phụ* viết thư bảo cha nhất định phải dẫn vợ con vào Kinh, cho nên mới có chuyến đi này. Cả nhà nàng sống ở Phúc Ninh rất bình yên, tất cả mọi vinh nhục và khúc mắc đều xảy ra sau chuyến vào Kinh này đây.
(*) Đại bá phụ: bác cả.
Trước khi vào Kinh, cha và mẹ kế từng nhiều lần lần nói đến hai vị bá phụ và tổ mẫu. Hai vị bá phụ trước giờ luôn xa cách với nhà bọn họ, sao lần này lại đột nhiên trở nên thân thiết như vậy? Khi ấy nàng không để tâm mấy tới lời của cha mẹ, chỉ mải mê lắng nghe ca ca kể Kinh thành náo nhiệt đến thế nào. Bây giờ nghĩ lại, thì ra việc bảo cả nhà bọn họ vào Kinh chỉ là bước đầu tiên trong kế hoạch của đối phương.
Trần gia chia làm hai nhánh, nhà Lâm Di thuộc nhánh thứ hai. Đổng thị, lão thái thái nhánh thứ hai cũng không phải là tổ mẫu ruột của nàng. Cha nàng và hai vị bá phụ không phải là huynh đệ cùng một mẹ, cha nàng là do Triệu thị đã qua đời sinh ra, còn hai bá phụ là do Trần lão thái thái Đổng thị sinh. Theo lý thuyết thì tổ mẫu ruột của nàng mới là chính thất, cha nàng là trưởng tử con vợ cả, Đổng thị là vợ kế nên dù con bà ta sinh ra trước thì cũng không được coi là con vợ cả. Nhánh thứ hai của Trần gia tranh đoạt danh phận con vợ cả đã không phải là chuyện mới mẻ gì… Trước khi chết nàng chỉ biết là Đổng thị đã gạch tên tổ mẫu ruột ra khỏi gia phả, cha cũng từ con vợ cả biến thành con vợ lẽ.
Tranh vị trí con trưởng chỉ là bước đầu tiên, Lâm Di tin rằng lợi ích lớn hơn vẫn còn ở phía sau.
Nàng nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh nắng đầu Xuân vẫn chói chang như xưa.
Nếu là trước đây, nàng sẽ không bao giờ ngờ được, mấy năm sau mình sẽ có kết cục thê thảm đến vậy… Bị hôn phu hại chết ngay trong ngày thành hôn.
Tất cả mọi chuyện như một chiếc lưới khổng lồ dần dần thu hẹp lại, tới khi nàng phát hiện thì chiếc lưới đã khép chặt, vùng vẫy thế nào cũng thoát không khỏi.
Đến lúc chết nàng vẫn không biết rốt cuộc là ai ở sau màn mưu tính mọi chuyện.
Bây giờ có cơ hội, nàng sẽ không giẫm lên vết xe đổ nữa.
…
"Lục tiểu thư, người mau uống thuốc đi!" Quất Hồng đưa bát thuốc trên bàn cho Lâm Di.
Quất Hồng và Linh Lung là nha hoàn đã theo nàng từ nhỏ, sau này cũng theo nàng gả vào Lâm gia. Tối hôm ấy Lâm Chính Thanh đã cho người lừa bọn họ ra ngoài, lúc lửa bùng lên, nàng loáng thoáng nghe thấy tiếng Quất Hồng gào khóc ở ngoài cửa.
Tất cả đều là chuyện kiếp trước, đã qua rồi.
Lâm Di thở phào nhận lấy bát thuốc.
Quất Hồng lại cầm lấy đĩa mứt trên bàn lên, "Tiểu thư cố chịu đựng, uống thêm hai thang nữa chắc sẽ khỏe hẳn thôi."
Nàng nhớ được lần bệnh này mới chỉ là khởi đầu, sau này nàng vẫn thi thoảng bị bệnh, mãi đến khi nàng và Lâm gia có hôn ước, bệnh trong người mới coi như khỏi hoàn toàn. Vì phải dưỡng bệnh nên phần lớn thời gian nàng đều ở trong phòng không ra, rất hiếm khi biết đến chuyện bên ngoài.
Lúc ở Phúc Ninh nàng luôn rất khỏe mạnh, vì sao vừa vào Kinh liền bệnh tật liên miên, mãi không khỏi?
Lâm Di đặt bát thuốc trở lại bàn.
Quất Hồng vừa định khuyên nhủ thì Lâm Di đã mở nắp chiếc bình nhổ nước bọt khắc hình hoa kim ngân màu hổ phách, đổ toàn bộ thuốc vào đó.
"Tiểu thư… sao…"
Lâm Di đưa tay lên môi "suỵt" một tiếng, "Ta khỏe rồi, không cần uống thuốc nữa." Mặc cho ai bệnh tật triền miên trên giường bệnh, đương nhiên chỉ có thể mặc cho người khác muốn làm gì thì làm. Muốn làm rõ mọi chuyện thì trước hết, nàng phải hết sức cẩn thận, không được phép đi sai bước nào cả.
Cho dù mới đầu cũng chỉ có thể đoán mò, nhưng chỉ cần tìm ra chút đầu mối, nàng tin chắc sau này sẽ càng dễ dàng điều tra ra hơn.
Nhìn nụ cười thản nhiên trên khuôn mặt tiểu thư, Quất Hồng bất giác nuốt lời muốn nói xuống. Sau lần bị bệnh này, tiểu thư nhà nàng hình như khác trước rất nhiều, nhưng nàng lại chẳng nói rõ được cụ thể không giống chỗ nào, chỉ biết là thần thái càng thêm sáng láng, cử chỉ cũng chững chạc hơn.
Quất Hồng còn chưa hồi hồn thì bên ngoài chợt vang lên tiếng bước chân. Linh Lung đẩy cửa vào phòng, nhìn thấy Lâm Di tươi tỉnh ngồi trên giường, mặt mày cau có của cô ta cũng lập tức giãn ra, "Trông tiểu thư khỏe hơn nhiều rồi này."
Quất Hồng cười nhận lấy váy áo đã phơi khô trong tay Linh Lung, "Sao đi lâu vậy?"
Linh Lung lập tức xụ mặt. Lúc nãy, sau khi dặn dò tiểu nha hoàn lấy quần áo trên sào phơi xong, nàng định đến nhà bếp lấy ít thức ăn mềm dễ tiêu hóa cho tiểu thư, ai ngờ phải nghe nữ đầu bếp trách mắng một hồi. Nàng mới cãi lại vài câu thì nữ đầu bếp kia càng to tiếng hơn, cuối cùng rất đông hạ nhân còn chạy tới hóng chuyện.
"Có phải nhà chúng ta cũng đâu phải là không có quy tắc, chỉ là tiểu thư bị bệnh, sức khỏe suy nhược, mấy ngày nay chỉ toàn ăn cháo, không bồi bổ thì sao lại sức được? Cái gì mà quá giờ cơm không được ăn, chúng ta có phải hòa thượng đâu mà phải tuân thủ giới luật chứ?" Linh Lung nói tới đây thì tức đến mức mặt đỏ gay, Quất Hồng nghe mà cũng nhíu mày.
"Những lời sau đó còn khó nghe hơn, cái gì mà chúng ta coi nơi này như là khách điếm, ngồi mát ăn bát vàng, đòi người khác phải hầu hạ cung phụng…"
Quất Hồng không nhịn được nói: "Nói vậy cũng quá đáng rồi."
Trần gia còn chưa chính thức tách ra ở riêng, nhưng do cha nàng luôn ở bên ngoài nhậm chức, còn tổ trạch thì lại do Đổng thị quản lý nên cũng khó trách bây giờ hạ nhân đều coi bọn họ như phường ăn nhờ ở đậu. Dù vậy, việc đấu võ mồm chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng hơn là khi bị người khác hãm hại, bọn họ cũng không hề hay biết.
Tuy bây giờ toàn bộ sự vụ của nhánh thứ hai Trần gia đều do Đổng thị quản lý, song cha nàng vẫn là trưởng tử con vợ cả trên gia phả, Đổng thị muốn sửa gia phả thì phải mua chuộc người trong tộc. Nói cách khác, hiện giờ nàng vẫn còn thời gian thay đổi chuyện sắp xảy ra.
Lâm Di vừa nghĩ đến đây, bên ngoài chợt có người hỏi vọng vào: "Lục tiểu thư đã thức dậy rồi sao?" Tiếng nói vừa dứt, một người phụ nữ mặc áo tay ngắn màu nâu nhạt tươi cười bước vào, theo sau còn có hai nha hoàn bê khay.
Vợ Trần Nhị nhìn thấy Lâm Di thì lập tức cúi người nhận lỗi, "Đều là do bọn nô tỳ suy nghĩ không chu đáo, khiến Lục tiểu thư phải chịu uất ức."
Người vừa rồi còn càn quấy là vậy mà bây giờ đã lại đon đả không thôi.
Nhìn thấy dáng vẻ khúm núm của vợ Trần Nhị, Linh Lung không khỏi cong môi cười. Nói gì đi nữa thì tiểu thư nhà nàng cũng là chủ tử, người hầu như thị dĩ nhiên không dám quá phận.
Một bát cháo, một đĩa bánh ngọt và bốn món ăn kèm được bày lên bàn, nụ cười trên mặt vợ Trần Nhị càng thêm tươi rói, "Bọn nô tỳ sợ tiểu thư còn chưa khỏe, ăn uống cần phải tiết chế, chứ không trong phủ đâu có quy củ gì, không ngờ lại khiến tiểu thư tức giận."
Vợ Trần Nhị là con dâu thứ hai của Trần ma ma, Trần ma ma là cánh tay đắc lực bên người Đại bá mẫu, chuyên lo mấy chuyện lặt vặt cho Đại bá mẫu. Vợ Trần Nhị được giao quyền quản lý nhà bếp, bình thường cũng coi như là nửa chủ nhân, làm gì có chuyện bà ta lại đích thân đến nhận lỗi với nàng chỉ vì một việc nhỏ nhặt thế này?
Lâm Di nhìn hai tiểu nha hoàn mà vợ Trần Nhị dẫn đến, hai tiểu nha hoàn bắt gặp ánh mắt của nàng liền rụt cổ lại, trông như bị oan ức lắm. Nàng dời mắt nhìn sang bàn, đều là những món ăn Phúc Ninh chế biến cực kỳ khéo léo, chả gà viên lăn gạo nếp thơm lừng, gan heo xào, cùi quả vải mọng nước, ngay cả cháo cũng thoang thoảng thơm mùi lá trúc. Trong thời gian ngắn mà có thể làm được nhiều món đặc trưng của Phúc Ninh như vậy, đúng là tốn không ít tâm huyết.
Sau khi sống lại, mỗi lần quan sát từng hành động của người bên cạnh, nàng đột nhiên phát hiện, thì ra thủ đoạn của bọn họ cũng chỉ có thế.
Lâm Di khẽ mỉm cười.
Nhìn thấy Lâm Di cười, trong lòng của vợ Trần Nhị cũng tươi như hoa, đúng là đồ nhà quê có khác, quá dễ lừa.
Sau khi đi khỏi viện tử, vợ Trần Nhị thoắt cái đã ưỡn ngực thẳng lưng, cười khinh thường. Tam lão gia về sau có giữ được danh phận con vợ cả hay không vẫn chưa biết, vậy mà vị Lục tiểu thư này ngã bệnh còn bày đặt ra vẻ chủ nhân đòi hỏi này nọ.
Vợ Trần Nhị nghĩ tới đây lại thấy khó chịu, cũng may tính thị rộng rãi, thôi cứ coi như cho súc vật ăn đi vậy.
Vợ Trần Nhị quay đầu sang nói với tiểu nha hoàn bên cạnh, "Một lát nữa ngươi dâng cơm cho lão thái thái, nhìn thấy Đổng ma ma bên người lão thái thái thì biết nên nói thế nào rồi chứ?"
Tiểu nha hoàn nọ vội vàng cúi đầu đáp: "Biết ạ, nô tỳ sẽ nói rằng Lục tiểu thư đòi ăn món Phúc Kiến, cho người tới nhà bếp làm ầm ĩ một trận, bọn nô tỳ đều bị mắng."
Vợ Trần Nhị thò tay véo người tiểu nha hoàn hai cái, tiểu nha hoàn đau tới mức hít mạnh, "Nô tỳ còn bị đánh."
Nghe vậy vợ Trần Nhị mới hài lòng nhếch môi, "Nhớ kỹ, không phải để cho Đổng ma ma thấy mà phải để cho bà cô* bên nhánh trưởng thấy."
(*) Từ gốc là cô nãi nãi, danh xưng chỉ người phụ nữ đã có chồng, ở đây chỉ con gái của lão phu nhân bên nhánh cả.
Phải để người bên nhánh cả biết Lục tiểu thư từ Phúc Ninh tới là loại chủ nhân hợm hĩnh ngang tàng đến cỡ nào, hoàn toàn không phải kiểu khuê tú dịu dàng mà lão thái thái bên nhánh trưởng yêu thích.