“Thay đổi là tất yếu – trừ phi bạn là một chiếc máy bán hàng tự động.”
Robert C. Gallanger
Chiến lược tâm lý tổng thể để tạo ra những thay đổi không dễ chịu bao gồm khả năng truyền cảm hứng cho nhân viên, sẵn sàng và thậm chí có thể là vui vẻ làm những việc họ không mong muốn. Những cách tiếp cận sau sẽ tối ưu hóa cơ hội đạt được khả năng đó của bạn.
Chiến lược 1 Khuyến khích sự tự nguyện
Khi lựa chọn làm một việc gì đó, trong vô thức, chúng ta sẽ tự nhiên cảm thấy thích công việc đó hơn. Nếu không thì tại sao chúng ta lại làm việc đó? Chúng ta không thích suy nghĩ rằng mình đã sai lầm trong việc lựa chọn làm một việc gì đó.
Nhiều cuộc điều tra khác nhau về hiện tượng sương mù đã cung cấp bằng chứng mà hầu hết chúng ta đều đã biết. Những phát hiện này khẳng định rằng các thành viên trong nhóm càng gặp nhiều khó khăn trong quá trình đến với nhóm thì họ càng thích nhóm đó hơn và càng trung thành và đồng thời sẽ đóng góp cho nhóm nhiều hơn.
Chẳng hạn như, một người từ bỏ tất cả những gì cô ấy có, bao gồm tiền bạc và tất cả bạn bè để trở thành thành viên của một tôn giáo mới với mong muốn tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống. Ngay khi thực tế diễn ra, cô ấy có một sự lựa chọn: Cô bắt đầu tin rằng mình vừa làm điều khờ dại nhất trong đời từ trước tới giờ, hoặc sẽ tin rằng mình sinh ra là để phục vụ cho tôn giáo này.
Thậm chí nếu hiểu rõ rằng từ bỏ cuộc sống, bạn bè, tiền bạc, của cải là sai lầm thì cô ấy – giống như hầu hết mọi người – thường kháng cự lại những cảm xúc đó. Cô sẽ đi đến kết luận là mình đã có một sự lựa chọn đúng đắn và giờ đây cô sẽ chờ đợi một cơ hội khác đến với mình. Ngược lại, nếu ai đó chĩa súng vào đầu cô và buộc cô phải gia nhập tôn giáo, cô sẽ tự thấy mình không cần có trách nhiệm phải biện minh cho những hành vi của mình.
Để tận dụng tính chất này trong hành vi con người, hãy tìm cách để khiến nhân viên của bạn tự nguyện đảm nhận một vị trí hoặc một cơ hội mới. Hành động tự nguyện sẽ khiến thái độ của họ nghiêng về hoàn cảnh mới một cách tích cực và bền vững.
Chiến lược 2 Phát triển một mong muốn nội tại
Trong chương trước, chúng ta đã nói về tầm quan trọng của động lực nội tại so với những tác động từ bên ngoài. Khái niệm này thậm chí còn trở nên quan trọng hơn khi bạn muốn đi xa hơn việc giữ cho nhân viên thoải mái trong môi trường hiện tại và tiến tới việc giúp nhân viên vui vẻ và có động lực để làm việc trong một môi trường mới. Dưới đây là ba thành phần hợp thành quy trình tối đa hóa những động lực nội tại.
1. Đặt nhiệm vụ trong một bối cảnh lớn hơn
Một người đàn ông đang đi bộ trong công trường xây dựng. Ông gặp một người thợ nề và hỏi: “Anh đang làm gì đấy?” Người thợ nề trả lời: “Tôi đang xếp gạch.” Khi ông đi tiếp và đặt câu hỏi đó với một công nhân khác, người công nhân đó trả lời: “Tôi đang đặt nền móng cho một tòa nhà to lớn và đẹp đẽ.” Cuối cùng, khi rời khỏi công trường, ông đặt câu hỏi đó với người thợ nề thứ ba, người này trả lời: “Tôi ư? Tôi đang góp phần xây dựng một bệnh viện lớn dành cho trẻ em, nơi mà trẻ em trên khắp thế giới có thể đến và tận hưởng những dịch vụ y tế tiên tiến và ưu việt nhất.”
Bạn nghĩ ai trong số ba người thợ nề sẽ là người có được nhiều động lực để đi làm nhất? Bất cứ khi nào chúng ta làm việc gì đó có ý nghĩa, cuộc sống của chính chúng ta cũng sẽ trở nên ý nghĩa và một cuộc sống có ý nghĩa thì vô cùng dễ chịu. Tất cả mọi thứ được tạo ra đều nhằm phục vụ một mục đích cao hơn bản thân nó. Mọi tế bào trong cơ thể con người và mọi giọt nước trong đại dương đều có mối liên hệ cộng sinh với những cơ quan lớn hơn; đó là phần không thể thiếu của mục đích lớn hơn, thậm chí là một nhiệm vụ vĩ đại hơn.
Bạn sẽ kích hoạt được động lực nội tại của người khác khi giúp đỡ anh ta trở thành một phần của cái gì đó có thể giúp kết nối anh ta với tổng thể lớn hơn. Nếu một người cảm thấy bị cô lập trong công việc, giống như một bộ phận của một tổ chức lớn mà anh ta không thể nhìn, hiểu và liên hệ với, anh ta sẽ không thể có được cái cảm giác đam mê công việc của mình.
Cảm giác, chỉ là cảm giác
Một bước đột phá trong nghiên cứu về bộ nhớ và cảm giác gần đây được thực hiện bởi James McGaugh – Giáo sư Thần kinh học ở Đại học California, Irvine: Khi một người vừa trải qua một tình huống khó khăn, họ sẽ có cảm giác cực kỳ sợ hãi và bất lực, cảm giác này kích thích adrenaline1. Kết quả là cảm giác mạnh này vẫn còn lưu lại trong nhiều năm sau. Như vậy, thậm chí là sau sự việc, những người nhận được chất chặn adrenaline khi nghĩ về chấn thương trong quá khứ vẫn có đủ khả năng để tạo một liên tưởng mới về sự kiện đó và trong một số hoàn cảnh, xen cả cảm xúc của mình vào trong sự liên tưởng đó.
1 Adrenalin là 1 loại hoóc-môn do tuyến thượng thận tiết ra, có tác dụng làm co mạch (nhưng lại làm giãn mạch ở não), tăng nhịp tim, làm co cơ, tăng lưu lượng máu. Ngoài ra nó cũng là chất làm tăng sức mạnh và sức chịu đựng của các cơ (ND).
2. Cảm giác kiểm soát
Theo nghiên cứu (Holmes và Rahe 1967), các cá nhân có nhiều thay đổi căng thẳng trong cuộc sống (tại cùng một thời điểm) thường dễ ốm đau, nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là tình trạng đó có liên hệ với mọi thay đổi. Cho dù sự kiện đó là tích cực hay tiêu cực, dù nó không có ảnh hưởng và không liên quan gì đến tình trạng căng thẳng trước đây của anh ta; nhưng dường như anh ta vẫn có liên tưởng đến quá khứ và khó có khả năng kiểm soát được điều đó.
Đó chính xác là lý do tại sao chúng ta lại có thể thấy mình có những hành vi tự hủy hoại bản thân, dù cuộc sống hiện tại đang vô cùng tốt đẹp; vấn đề không phải là hoàn cảnh, vấn đề là chúng ta có kiểm soát được tình huống hiện tại hay không?
Liên quan đến cảm giác kiểm soát, khi các lựa chọn đều không dễ chịu như nhau thì thực tế là người có tiếng nói trong việc định đoạt số phận của mình sẽ có cảm giác mình có thêm sức mạnh. Điều này giúp họ giảm bớt áp lực khi phải đối diện với những thay đổi này. Thêm nữa, một chút sức mạnh đó đủ để kích thích các nguồn lực nội tại làm việc tự nguyện, như đã thảo luận trong chiến lược đầu tiên.
3. Cảm giác tiến bộ
Cái tôi cần lực kéo có thể đo đếm được; nó muốn có được kết quả có thể khiến nó tự hào và chứng minh rằng nó hiệu quả. Một giọt nước giữa đại dương không thể truyền cảm hứng cho chúng ta, nhưng dễ thấy rằng những kết quả với khoản tiền hữu hình, dễ thấy có thể khiến chúng ta có mong muốn được đầu tư nhiều sức lực vào công việc và làm việc chăm chỉ hơn nữa. Cảm nhận được những gì đang diễn ra là chưa đủ; khi mọi thứ trở nên khó khăn, cái tôi của anh ta cần những ghi nhận cụ thể, không thể chối cãi rằng anh ta đã tạo ra những ảnh hưởng thật sự và vĩnh viễn.
Bị đẩy vào một hoàn cảnh mới, nhân viên của bạn cần cảm nhận đầy đủ về tính chất của mối liên hệ giữa nguyên nhân và hậu quả. Hãy đưa ra những phương pháp tình huống đó.
Trong cuộc sống của chính chúng ta cũng vậy. Khi có một mục tiêu, một điều gì đó để nỗ lực, chúng ta sẽ ít cảm thấy phiền toái và thất vọng bởi hoàn cảnh. Tuy nhiên, khi cảm thấy trì trệ hoặc khi nỗ lực của chúng ta chỉ tạo ra được những thay đổi rất nhỏ thì sau đó mọi thứ nhỏ nhặt nhất sẽ khiến chúng ta phiền lòng.
Hãy tưởng tượng rằng bạn đang chơi một môn thể thao thú vị và đầy tính cạnh tranh. Tại một thời điểm nhất định trong cuộc chơi, bạn bị thương, nhưng do đang rất tập trung vào môn thể thao đó, bạn không hề cảm thấy đau đớn. Tất nhiên, sau khi trò chơi kết thúc, hoặc vào ngày tiếp theo, bạn sẽ cảm nhận được vết thương của mình, nhưng chắc chắn là trong suốt cuộc chơi, bạn không hề bị phân tâm bởi vết thương. Nhưng nếu bỗng dưng bị một vết thương nhỏ, hoặc nếu thời tiết đột nhiên thay đổi, bạn sẽ ngay lập tức có ý thức về vết thương hoặc sự thay đổi nhiệt độ đó. Đơn giản là bạn không thực sự tham gia vào những việc mà mình đang làm.
Trong tự nhiên, mọi thứ đều có chu kỳ. Nếu bạn có thể thực sự hoàn thành những việc bạn đã bắt đầu, bạn không chỉ có được cái cảm giác đạt được thành tựu mà còn có cảm giác thỏa mãn khi được chứng kiến quá trình từ đầu đến cuối của một sự việc. Vậy lý tưởng nhất là sự tiến bộ nên đến theo từng phân đoạn trong quá trình hoàn thiện mục tiêu của bạn và như thế, những thành công nhỏ bé của bạn tự chứa đựng và tiếp tục thúc đẩy những động cơ bên trong và sự hài lòng trong công việc của bạn.
Chiến lược 3 Khía cạnh vật lý của trí óc – Thay đổi theo mặc định
Định luật đầu tiên về chuyển động của Newton đã khẳng định rằng một vật đang đứng yên hoặc chuyển động thẳng đều sẽ đứng yên hoặc chuyển động thẳng đều mãi mãi nếu không bị buộc phải thay đổi trạng thái đó bởi ngoại lực tác động lên vật. Để áp dụng định luật này, ngay từ đầu hãy làm những điều bạn muốn nhân viên của mình làm, thậm chí tốt hơn, bạn có thể gần như chắc chắn rằng bạn sẽ giúp một người đi đúng hướng bằng cách tạo ra con đường có ít sự kháng cự nhất.
Thaler và Sunstein trong một nghiên cứu năm 2008 đã chỉ ra rằng trong một công ty, chỉ có 20% nhân viên tham gia vào kế hoạch nghỉ hưu sau ba tháng làm việc. Mẫu đăng kí được sửa lại và việc tham gia trở thành một lựa chọn mặc định, số người tham gia tăng lên trên 90%! Chúng ta không nói về sự lựa chọn cho bữa trưa giữa đồ ăn Ý và đồ ăn Trung Quốc. Chúng ta có thể dễ dàng điều khiển chất lượng cuộc sống trong những năm đỉnh cao mà không phải chịu bất cứ một sức ép nào.
Một phát hiện thú vị khác được trình bày trong cuốn sách có tên Nudge (2008): Việc đặt hoa quả tươi trong tầm mắt ở căng tin của trường khiến nó được ưa chuộng hơn – và do đó tỉ lệ được lựa chọn của nó tăng lên khoảng 25%. Tác giả viết:
Điều đầu tiên nhà quản lý phải làm là khai thác sức mạnh của sức ỳ. Trong môi trường làm việc, nó có nghĩa là đặt ra những nhiệm vụ mà lựa chọn chính là con đường có ít sự phản kháng nhất – con đường được thiết kế để một lượng lớn công việc được hoàn thành. Chẳng hạn như, nhân viên có thể được yêu cầu hoặc sử dụng mẫu có sẵn để tập hợp một nhóm nhiều người lao động tham gia thảo luận những quan điểm của mình về một sản phẩm cho trước, hoặc góp nhặt tài liệu và tổ chức một buổi hội thảo, chỉ cho những người quản lý thấy lý do họ nên thay đổi suy nghĩ của họ về sản phẩm. Đa phần sẽ giống như nhiệm vụ mẫu có sẵn, nhưng công việc đã được hoàn thành chính xác với ít phiền phức nhất.
Chiến lược 4 Thay đổi tác động ban đầu
Có bốn nhân tố ảnh hưởng đến việc lĩnh hội thông tin. Khi ai đó cảm thấy khó chịu vì hoàn cảnh thay đổi, phản ứng của cô ấy thường dựa vào một hoặc một vài niềm tin nhận thức sau: (1) Cô nhận thấy đó là tình huống cố định, (2) Cô tin rằng nó quan trọng và có ý nghĩa hơn thực tế rất nhiều và (3) Cô tin rằng nó quan trọng đến mức nó sẽ kiểm soát tất cả các mặt khác trong cuộc sống của cô cho đến khi chỉ còn lại mình nó.
Khi bị ảnh hưởng bởi bất cứ niềm tin nào trong số các niềm tin đó hoặc tất cả các niềm tin này, mức độ lo lắng và giận dữ của chúng ta sẽ tăng. Nói cách khác, khi coi một tình huống là tạm thời hay chốc lát, nó sẽ ít quấy rầy chúng ta hơn. Tất nhiên, nếu có thể chống lại ít nhất một trong số những niềm tin trên, bạn sẽ có đủ khả năng để giảm thiểu những phản ứng tiêu cực.
Nhân tố thứ tư mà chúng ta phải tính đến là những từ ngữ thật sự dùng để truyền tải thông điệp ban đầu. Như chúng ta thấy, ngôn ngữ có ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta nhìn nhận sự việc và dẫn đến kết quả là cả cảm giác của chúng ta về sự việc mà mình biết được nữa. Vì ảnh hưởng này mà một người bán hàng giỏi sẽ không bao giờ nói: “Xin hãy ký vào hợp đồng.” Thay vào đó, anh ta có thể gợi ý cho bạn đọc qua và đồng ý với các thủ tục giấy tờ. Đừng bận tâm khi những gì bạn nói vẫn có nội dung như vậy, rõ ràng là nó khiến người nghe có cảm nhận hoàn toàn khác. Trong cuộc sống, chúng ta thường có những hành động giống như vậy, đôi khi là theo tiềm thức.
Ngôn ngữ chúng ta sử dụng thay đổi cách chúng ta tiếp nhận thực tế. Bởi chúng ta nhìn thế giới thông qua những ngôn từ này, do đó chúng ta nên lựa chọn từ ngữ thật cẩn thận. Cần tránh những lời lẽ khó nghe, đặc biệt là những từ ngữ có ý nghĩa tiêu cực mạnh. Bằng cách tránh những kiểu từ ngữ này, cuối cùng bạn sẽ tránh được một phản ứng vô thức – giống như chúng ta thường phải ký vào hợp đồng – và giúp người nghe tiếp thu thông tin khách quan, nếu không nói là lạc quan hơn.
Cơ thể sẽ bị sốc khi phải vượt qua đau đớn về mặt thể xác, tâm trí cũng vậy. Nếu thông tin được đưa ra với những ngôn từ mềm mỏng, tâm trí của bạn sẽ dễ tiếp nhận và ít bị sốc hơn.
Chiến lược 5 Bằng chứng xã hội
Khi thông tin mơ hồ và có ẩn ý, chúng ta không biết chính xác liệu mình nên phản ứng như thế nào.
Chẳng hạn như, nếu bạn đang ở trong một cửa hiệu đông đúc và ai đó hét lên: “Cháy,” bạn nghĩ mình sẽ phản ứng thế nào? Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu tất cả những người khác tiếp tục ở lại trong cửa hàng, khả năng lớn là bạn cũng sẽ ở lại. Tuy nhiên, nếu tất cả mọi người đồng loạt lao ra cửa, bạn có thể cũng sẽ hoảng sợ mà lao theo.
Khi không chắc chắn về một điều gì đó, chúng ta thường nhìn ra thế giới và những người xung quanh mình để diễn giải ý nghĩa của nó. Nếu bạn tỏ thái độ thư giãn và hờ hững, bạn đang tỏ ý rằng đó không phải là điều mà mọi người phải lo sợ.
Quảng cáo thương mại là một ngành công nghiệp nhiều tỉ đô, nơi mà mỗi giây là một kịch bản tỉ mỉ để gây ảnh hưởng tối đa đến công chúng. Người viết kịch bản chương trình huyền thoại Colleen Szot từng phá hủy hoàn toàn một trung tâm mua sắm gia đình đã hoạt động 20 năm bằng việc thay đổi một vài từ. Thay vì kêu gọi hành động bằng khẩu hiệu quen thuộc: “Các tổng đài viên đang ở vị trí sẵn sàng. Hãy gọi ngay bây giờ,” bà đã viết lại thành: “Nếu các tổng đài viên đang bận, làm ơn hãy gọi lại.” Tất nhiên, thông điệp đó có hàm ý rằng có rất nhiều người đang gọi điện đến nỗi thậm chí bạn không thể gọi được cho chúng tôi. Đó là bằng chứng xã hội.
Chiến lược 6 Điều này có thể rất tuyệt!
Bất chấp việc thực tế có thể ảm đạm đến chừng nào – dù nhân viên của bạn sẽ bị giáng chức hoặc bị buộc phải chuyển đến một vùng xa xôi, hẻo lánh nào đó – hãy cho anh ta một kế hoạch chi tiết, đúng đắn, thực tế về cách thức giúp anh ta có thể làm nhiều hơn cả việc tạo ra những điều tốt nhất trong một hoàn cảnh tồi tệ. Hãy nói rõ cho anh ta về việc hoàn cảnh mới có thể mang đến những khả năng gì, nếu không nói là những triển vọng gì, vì những cơ hội đó lớn hơn rất nhiều những gì anh ta sẽ có nếu không rơi vào hoàn cảnh đó.
Khi thảo luận về những thay đổi, hãy đưa ra một kế hoạch rõ ràng và chi tiết để người lao động có thể được trải nghiệm lợi ích cuối cùng. Hãy đưa ra một đánh giá cụ thể rằng dù công việc này trông có vẻ không thực sự lý tưởng nhưng nó lại mang đến cơ hội có được một trải nghiệm khác mà những đồng nghiệp của anh không có được. Rốt cuộc, điều đó có thể cho anh ta cơ hội được vươn xa và nhanh hơn trong công ty.
Chiến lược 7 Quy tắc mới
Con người cần nhiều thời gian để thích nghi với thay đổi; nhưng điều cần chú ý là, một khi đã làm được việc này, thái độ và mong muốn của chúng ta sẽ nhanh chóng tự điều chỉnh – cao hơn hoặc thấp hơn – để phù hợp với thực tế mới.
Do vậy, hãy luôn nhìn nhận mọi thứ thật tích cực – bạn sẽ không muốn bắn tất cả các viên đạn cùng một lúc. Lý do là: Dù cho bạn có nói gì đi chăng nữa, cán cân chắc chắn không nghiêng hẳn về phía: “Ồ, điều đó thật tuyệt.”Tuy nhiên, do con người thích nghi được với sự thay đổi, một khi đã điều chỉnh được để phù hợp với những hoàn cảnh mới, sau đó bạn có thể, ở phạm vi lớn, gây ảnh hưởng lên thái độ của một người bằng cách mang đến cho họ một chút thông tin tốt đẹp. Nghiên cứu dưới đây chỉ ra quy luật này có sức mạnh lớn đến thế nào.
Những người trúng xổ số giải đặc biệt thường có một cuộc sống nghèo khổ sau vận may bất ngờ của họ. Con số thống kê về những việc họ sẽ làm như: tự sát, giết người, lái xe khi đang say rượu, ly dị hay bị phá sản... dẫn đến một cuộc nghiên cứu về lời nguyền của việc trúng xổ số. Nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù con người có phản ứng mạnh mẽ về mặt cảm xúc với những thay đổi chính trong cuộc sống của họ, những phản ứng này dường như đều ít nhiều biến mất hoàn toàn và thường xảy ra khá nhanh chóng. Sau một giai đoạn điều chỉnh, những người trúng xổ số sẽ không hạnh phúc hơn (và một số thậm chí còn trở nên bất hạnh hơn) những người khác.
Khả năng điều chỉnh của loài người có uy lực lớn, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng những người liệt hai chân cũng không hề bất hạnh hơn nhóm nghiên cứu gồm những người bình thường khác sau một giai đoạn sáu tháng (Brickman, Coates và Janoff-Bulman, 1978). Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về điều này. Cho dù chúng ta có trúng giải độc đắc một triệu đôla hay bất ngờ bị liệt, một khi giai đoạn điều chỉnh ban đầu kết thúc, cảm giác hài lòng và hạnh phúc về cuộc sống nói chung không thay đổi.
Đừng bao giờ đột ngột sa thải ai đó
Đừng bao giờ đột ngột sa thải ai đó. Hãy luôn luôn đưa ra cảnh báo trước. Giải thích cho họ vấn đề là gì và cho họ một giai đoạn nhất định để cải thiện vấn đề đó. Trong phần lớn các công ty, giai đoạn đó kéo dài 30 ngày. Hãy chắc chắn rằng bạn đã nói rõ ràng hết sức có thể với người lao động rằng nếu họ không cải thiện được tình hình trong bất cứ việc gì mà họ đang làm (hoặc đang không làm), bạn sẽ buộc phải sa thải họ. Sau khi người này rời khỏi công ty, hãy lập một bản ghi nhớ và lưu vào dữ liệu để bạn có thể liên hệ đến nó vào một thời điểm nào đó nếu cần thiết. Một người lao động hiếm khi giận dữ nếu anh ta đã được cảnh báo trước về hậu quả mà những hành động của anh ta có thể mang lại. Điều này nên được viết ra bằng văn bản và được người lao động ký, như vậy chắc chắn sẽ không xảy ra bất cứ hiểu nhầm nào.
Cho dù đó là một người phụ tá mới, một tài khoản tiêu dùng lớn hơn hay cơ hội được làm việc tại nhà trong vòng một tháng, hãy đợi một khoảng thời gian đủ dài để anh ta thích nghi với thực tế mới của mình và sau đó một tin tức tốt lành sẽ thực sự có ý nghĩa trong việc thay đổi thái độ của anh ta.
Chiến lược 8 Điều chỉnh lại tầm nhìn
Cách chúng ta nhìn nhận thế giới và cảm nhận về những thay đổi mà chúng ta trải nghiệm được tiết lộ thông qua lăng kính quan điểm, dù thực tế khách quan có như thế nào đi chăng nữa. Hãy xem xét ví dụ sau:
Nếu bạn biết một người nào đó từng bị tai nạn giao thông, bạn sẽ nhận thấy xu hướng lái xe của anh ta sau đó sẽ thay đổi. Chẳng hạn như nếu anh ta chuyển sang làn đường bên trái và không nhìn thấy một chiếc xe đang chạy đột nhiên đâm vào anh ta, anh ta có thể sẽ trở nên cẩn thận hơn, thậm chí cẩn thận một cách quá đáng khi lại chuyển làn đường trên con đường đó. Hoặc có thể một ai đó gần đây đã bị húc vào đuôi xe có thể đưa mắt nhìn gương chiếu hậu thường xuyên hơn, bởi họ quá e sợ kịch bản sẽ lặp lại.
Thậm chí việc đọc một tờ báo cũng có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về thế giới và bản thân mình. Chẳng hạn như sau khi đọc tin về một vụ tai nạn máy bay thảm khốc, con người thường có xu hướng trầm trọng hóa mức độ nguy hiểm của của việc đi máy bay. Lý do là: Vụ tai nạn này đã hằn sâu trong tâm trí họ. Sự việc không hề thay đổi, chỉ có cách nhìn của chúng ta thay đổi. Sau đó thì suy nghĩ, thái độ và hành động của chúng ta cũng thay đổi theo. Chúng ta thực sự trở nên sợ hãi hơn, mặc dù con số thống kê và thực tế đã lên tiếng rằng không có gì thay đổi cả.
Bạn có thể hoàn toàn thay đổi cách một người lĩnh hội thông tin bằng cách từ từ thay đổi tầm nhìn của anh ta. Như vậy, bạn tạo ra một sự nhạy cảm nội tại từ sâu bên trong anh ta. Một khi anh ta đã tìm hiểu về tỷ lệ thất nghiệp, việc giảm biên chế hay một vài người đã bị sa thải, giờ đây anh ta sẽ đánh giá những yếu tố này nghiêm trọng hơn. Do vậy, từ quan điểm của mình, anh ta vẫn còn may mắn vì chỉ bị thuyên chuyển hoặc được yêu cầu làm nhiều việc hơn nếu so sánh với rất nhiều người gặp những hoàn cảnh không may khác.
Khi một người nói: “Điều này thật không công bằng,” điều anh ta thực sự muốn nói là trong mối tương quan với những gì người khác có hoặc nhận được, anh ta dường như có phần bị thua thiệt. Khi đó, những điều được coi là công bằng đều có thể thay đổi, tùy thuộc vào quy luật của sự so sánh và tương phản. Chẳng hạn như, trong những hoàn cảnh nào thì một người lao động có thể cảm thấy khó chịu khi anh ta được nhận một cái đồng hồ 18 cara vàng hiệu Rolex? Đó là khi đồng nghiệp của anh ta có một chiếc đồng hồ y hệt với cái gờ để lắp mặt kính bằng kim cương. Do vậy, hãy nhắc người lao động nhớ đến những người đã bị sa thải hoặc thậm chí có điều kiện làm việc không được tốt như anh ta, như thế, anh ta sẽ đánh giá cao hơn vận may của mình.
Tham khảo: