Tôi đương ngồi nói chuyện với Tuấn ở phòng khách của anh, bỗng có tiếng gõ cửa khe khẽ, rụt rè. Sau câu "cứ vào" khô khan của bạn tôi, cánh cửa từ từ mở. Một người im lặng bước tới gần chỗ chúng tôi, hé cái cặp da cũ nát, rút ra một tờ giấy biên lai, Tuấn nói ngay:
- Tiền nhà phải không? Mai ông lại.
Chẳng đáp nửa câu, người đi thu tiền lại bỏ tờ biên lai vào cặp, quay trở ra. Tôi nhìn anh ta từ chiếc khăn lượt bạc, cái áo the dài với ống tay rộng, cho chí cái quần màu cháo lòng và đôi giày da láng mòn gót. Cái bộ mặt, cái hình dáng quen quen ấy mang máng nhắc tôi nhớ tới một thời kỳ quá khứ. Tôi liền hỏi bạn:
- Ai thế, anh?
Tuấn trả lời một cách lơ đãng:
- Cháu chủ nhà.
- Thế chủ nhà là ai?
- Là một ông cử ông kiếc gì ấy, vì thường nghe người thu tiền xưng "quan cử tôi". Với lại tôi mới thuê cái nhà này được vài tháng, nên cũng không rõ lắm.
Im một lát, Tuấn lại nói:
- Tên người ấy là Niệm, vì một hôm anh xe của người ấy đến hỏi: "Ông Niệm tôi có lại đây không?"
Tôi nhớ ngay. Anh Niệm học trường Bảo hộ hai mươi năm về trước cùng lớp với anh tôi và thường đến chơi nhà tôi. Người học trò tuấn tú, có nhan sắc kiều diễm của phụ nữ, người học trò giỏi Pháp văn nhất lớp mà anh tôi thường đưa các bài luận cho tôi xem, người ấy ngày nay đã trở nên bác đi thu tiền nhà, lù dù trong tấm áo lương cũ, kéo lệt xệt đôi giầy dúm dó. Còn đâu cặp mắt phượng sáng trong, còn đâu cái miệng cười tươi như hoa hé nở? Vẫn biết khi người ta bốn mươi tuổi thì người ta không còn trẻ nữa, không còn nhanh nhẹn như khi người ta mười bảy mười tám. Nhưng cái lưng gù, đôi mắt mờ xạm, cái trán nhăn nheo không hẳn phải là kết quả của bốn mươi năm đã sống.
Ngồi nghĩ lại tôi chỉ nhớ giữa niên khóa thứ ba anh Niệm tự nhiên bỏ học về nhà. Rồi bẵng đi hơn hai chục năm, tôi không nghe thấy nói đến anh nữa. Hình như một lần anh tôi bảo tôi rằng anh Niệm về làm thư ký riêng cho cậu là một ông quan đại thần ai ai cũng biết tiếng.
Đời riêng anh Niệm tôi không biết. Tôi không rõ anh ấy sống bằng cách gì, anh ấy giàu, hay nghèo, khổ sở hay sung sướng. Chẳng qua nhận thấy cái buồn vô hạn trong con mắt anh, và ngắm cái dáng điệu rụt rè của bước đi chầm chậm, tôi đoán hiểu một đời khúm núm, nhút nhát trong một gia đình quyền quý. Thế thôi.
***
Nhưng hôm đó về nhà, tôi lại nhớ đến một người khác, một người nghèo đói hơn anh Niệm nhiều. Người ấy hiện là một bác nho xác, nghiện ngập ở một huyện kia mà mấy tháng trước đây tôi đã gặp mặt và được nghe thuật lại tiểu sử. Người ấy ngày nay trông tiều tụy quá, na ná như một nhân vật trong tiệm thuốc nâu: nước da đen xạm, môi vếu ra vì má hóp xuống sâu quá. Hai con ngươi, dưới cặp mí hum húp, mờ như đôi kính bám đầy bụi và lờ đờ, lười biếng, không buồn đưa đi đưa lại nữa; khi muốn nhìn phía nào, cái đầu to phải quay hẳn về phía ấy, cái đầu như vặn chốt quá chặt vào cổ, cử động rất thong thả, khó khăn.
Con người ấy, con người hầu không còn tinh thần ấy, đã một thời oanh liệt. Nói oanh liệt thì có lẽ hơi quá, nhưng người ấy đã khiến cả một tỉnh biết đến tên, và đã làm cho cái tuổi thơ ấu của tôi phải kính phục là một bậc thiên tài, như kính phục của một ông trạng nguyên trong tiểu thuyết Tàu vậy...
Năm ấy tôi theo học lớp dự bị trường H.Đ. Cái tiếng tăm lừng lẫy về học vấn, về thông minh của anh Thư - tên người nho - luôn luôn vang động trong tai tôi - Anh Thư có đủ mọi tài.
Một lần anh quên không học một bài sử ký dài, thế mà sáng hôm sau đi từ nhà đến trường, anh thuộc trơn tru. Lại một lần đến lớp anh mới nhớ là ngày phải nộp bài luận Pháp văn mà anh chưa làm. Tức thì anh cầm bút ngoáy một mạch kín hai trang. Đó là những truyện người ta thường kháo với nhau. Người ta còn đồn lắm điều lạ lùng về anh nữa, chẳng khác những sự xảy ra trong thời thơ ấu và thiếu niên của các ông trạng Hiền, Mạc Đĩnh Chi vậy.
Trước kia, trường H.Đ chỉ có từ lớp trung đẳng trở xuống. Năm ấy vì anh Thư, ông đốc Khoát mở thêm lớp cao đẳng, lớp nhất. Nhưng nói là lớp nhất cho long trọng thôi, kỳ thực vẫn chỉ có một lớp. Hơn được cái biển sơn đóng trên khung cửa với hàng chữ: "Cours Supérieur et Moyen". Và lớp nhất cũng chỉ có một cậu học trò: anh Thư.
Rồi anh Thư đi thi "xéc-ti-phi-ca" và đỗ cao được "buốc". Thời ấy, học trò trường H.Đ đọc đến hai chữ "xét-ti-phi-ca" và "buốc" bằng một giọng kính cẩn, khiếp phục.
Hôm anh Thư đỗ trở về trường chào thầy thăm bạn, chúng tôi cảm động quá, coi như một ngày vẻ vang không những cho đời anh Thư mà cho cả đời chúng tôi nữa.
Kể thì cũng đáng cảm động thực. Anh Thư là người đi thi bằng tiểu học trước nhất trong tỉnh, lại là người được liệt tên trên bảng vàng trước nhất. Có khác gì hai ông Lý Cẩm, Lý Tiến của nước Nam thời xưa khi người mình mới bắt đầu học chữ Hán!
Để mừng một cách long trọng và xứng đáng cái tài cao, học rộng của anh Thư, chúng tôi góp nhau mỗi người một xu, mua một hòm pháo thực to, rồi nhờ bác long trọng treo lên cái sào dài mà đốt, tiếng kêu giòn giã lâu tới năm phút đồng hồ.
Chúng tôi sung sướng vỗ tay reo cười. Người sung sướng nhất là ông đốc Khoát, ông diễn thuyết khuyên chúng tôi theo gương anh Thư, chăm học để sau này làm vẻ vang cho trường, cho thầy, cho chúng bạn. Chúng tôi cho đó là những lời mỉa mai chúng tôi, vì tưởng như không bao giờ chúng tôi dám hy vọng theo được cái gương sáng láng của anh Thư.
Buổi tối, ông Khoát đặt tiệc linh đình, mời các ông giáo và chọn mỗi lớp hai ngươi giỏi nhất đến dự. Ông đốc nâng cốc rượu tiết dê, đọc một bài diễn văn nữa, dài hơn và hay hơn ầm ỹ hơn bài đọc buổi sáng nhiều, vì có lẽ về nhà ông đã sửa sang lời nói cho được trơn tru và sang trọng.
Hai năm sau, tôi theo được gương anh Thư. Nhưng sự đắc thắng của tôi chẳng ai biết đến, chẳng ai để ý tới. Vì năm ấy những bảy người thi đậu mà năm trước lại đã có ba người trúng tuyển rồi.
Tôi vào trường Bảo hộ được một tháng, thì anh Thư bỏ học: cái tài cao, cái chí lớn của anh mà ông đốc Khoát đã nhiệt liệt ca tụng, chỉ cao, chỉ lớn có đến thế.
***
Bẵng đi hơn hai mươi năm. Mãi mấy tháng trước đây qua huyện B... tôi mới lại gặp anh Thư. Nếu anh không chào tôi và xưng tên cùng kể lại lai lịch thì tôi cũng không nhận ra được anh. Anh bảo tôi:
- Trông cậu vẫn thế nhỉ!
Anh quen cái lối xưng hô ngày trước. Bặt tin nhau lâu năm, ta thường không kể tới cái thời cách biệt, và ta tưởng "cậu" bạn nhỏ của ta vẫn còn nhỏ như khi xưa. Rồi anh hỏi luôn:
- Bây giờ cậu làm gì?
Nghe tôi nói tôi làm báo, anh cũng chẳng buồn hỏi để biết tên tờ báo của tôi.
- Lâu nay tôi không đọc báo chí gì hết. Chán lắm cậu ạ... Tôi chẳng để tâm đến việc gì... Chỉ sống cho qua ngày tháng.
Tôi an ủi anh mấy câu, nhắc lại để làm vui lòng anh cái thời oanh liệt của anh. Anh cười rất buồn, hầu như mếu:
- "Chẳng qua là tại số phận cả. Ngày ấy tôi học hết năm thứ hai trường Bảo hộ. Nghỉ hè tôi vào chơi ông chú làm Tổng đốc Nghệ An, dịch giúp ông những giấy tờ ở bên tòa gửi sang, làm thông ngôn cho ông khi có các quan tây đến chơi. Chú tôi yêu tôi quá. Mà tôi cũng mến chú tôi lắm, nhất thỉnh thoảng xin cho ai việc gì lại được chú tôi ưng chuẩn ngay. Vì thế, trong có mấy tháng hè, tôi kiếm được tới ba trăm bạc bổng.
Và vì thế, hết hè tôi lưu luyến không muốn đi học nữa. Chú tôi cũng muốn giữ tôi ở lại giúp việc tuy không ngỏ ý với tôi.
Tôi từ biệt chú tôi ra đi, lòng do dự, trí chán nản. Và chẳng bao lâu, tôi tìm cớ cãi nhau với ông giáo, rồi vùng vằng bỏ học, về xin làm thư ký riêng cho chú tôi. Chú tôi vui mừng lắm, trả ngay cho tôi một số lương tháng ba chục bạc. Ngày ấy còn hiếm người biết chữ Pháp.
Rồi tôi lấy vợ, sống một đời phong lưu cùng các ông phán bên tòa chơi bời, hát xướng, tiệc tùng.
Song, tuy tôi kiếm tiền cũng khá, nhưng được bao nhiêu, tôi tiêu hết bấy nhiêu, không bao giờ nghĩ tới tương lai...
Năm năm sau, chú tôi về hưu. Tôi cũng chẳng kịp lo lắng, sợ hãi cho sự sinh hoạt của tôi. Và chú tôi đã hứa cấp cho ruộng ở nhà quê.
Về quê được hai năm, chú tôi qua đời. Không thể chịu nổi cái tính hà khắc của các thím tôi, tôi bỏ ra đi...
Tôi đã theo đủ các nghề, từ nghề làm công ở các nhà buôn, đến nghề phát vé ô-tô cho tới ngày nay ốm yếu phải làm nho, làm cái nghề không lương này".
Anh Thư kết luận bằng một cái mỉm cười đau đớn. Giữa lúc ấy có tiếng gọi:
- Anh Thư, thảo xong tờ bẩm chưa?
Anh Thư vội vàng bắt tay tôi, rồi ho khàn khàn bước vào phòng giấy.