Ông ta là người Tàu.
Tôi cũng không hỏi để biết tên ông ta. Gặp ông ta ở nhà một người bạn, thấy trong câu chuyện tiếng Việt Nam, cũng như trong câu chuyện tiếng Quảng Đông bạn bè đều xưng ông ta là "Sín-Sáng", nên mấy hôm sau, ông ta đến thăm tôi, tôi cũng chào ông ta là Sín-Sáng. Rồi từ đấy cái tên Sín-Sáng như thành hẳn tên ông ta, đến nỗi mỗi lần ông ta đến chơi, người nhà tôi đều bảo với tôi: "Có ông Sín-Sáng".
Sín-Sáng là một người bé nhỏ, da mặt xanh vàng. Y phục lúc nào cũng chững chạc, lịch sự nữa: mùa nực một bộ gai sáng màu, mùa rét thay đổi hai bộ dạ nâu và dạ tím kẻ dọc trắng. Cái mũ đã cũ nhưng chải chuốt rất sạch sẽ. Còn đôi giầy vàng thì thường bóng nhoáng, có thể soi gương được.
Bạn tôi có kể cho tôi nghe cái đời phong trần của Sín-Sáng. Trước kia Sín-Sáng giàu có lắm làm chủ mấy lớp nhà ở phố hàng Ngang. Nhưng vì quá chơi bời phong lưu, nhất vì tính hay giúp đỡ bạn nghèo, nên nay ông cũng hơi túng, có khi đã phải dạy tiếng Quảng Đông để sống.
Trước kia, một tuần lễ ông chỉ đến chơi tôi có một lần, vào ngày Chủ nhật hay thứ Năm vì ông biết ngày thứ Năm là ngày tôi nhàn rỗi nhất. Sau mấy câu hỏi thăm, và không chờ tôi mời ông ngồi ngay vào bàn đàn dương cầm đánh chơi vài bài. Ông là một người tài hoa lỗi lạc, cờ cao, đàn hay và yêu văn thơ, cả văn thơ Việt Nam. Nhưng bạn tôi cho tiếng đàn réo rắt, nhịp nhàng của ông có ngụ một vẻ buồn êm đềm man mác nhưng tôi đoán rằng sự nhận xét ấy chỉ căn cứ vào cái đời quá khứ của ông. Không rõ lúc mê man trong những âm điệu trầm bổng, tâm hồn ông có sống trở lại, có nhớ tiếc cái thời phóng lãng thuở xưa không? Tôi chỉ thấy một vẻ mặt thản nhiên và bình tĩnh, không vui, không buồn, không bao giờ tỏ nỗi băn khoăn về cái đời thực tế eo hẹp. Hai con mắt sau đôi kính sáng gọng vàng mềm bọc nhựa, cũng như cặp môi mỏng ngậm điếu thuốc lá thơm mà ông để cho từ từ cháy, tôi không thấy lúc nào khác lúc nào. Có lẽ ông đã dày dạn với trăm hình vạn trạng của cuộc đời đầy biến đổi, nên không một thứ gì còn làm cho ông cảm động nữa.
***
Bẵng đi ba bốn tháng, Sín-Sáng không đến chơi, Chủ nhật hay thứ Năm ngồi một mình xem sách, và nhấm nháp chén trà mạn sen nóng bốc khói thơm, tôi lại nhớ đến người tri kỷ. (Sín-Sáng thường tự nhận là tri kỷ của tôi).
Một buổi, giữa lúc tôi đang bận việc, cửa phòng giấy bỗng mở mạnh ra sau mấy tiếng gõ kín đáo nhưng vội vàng.
- À! Sín-Sáng!
Tôi không giữ nổi cái mừng đột nhiên được gặp mặt người bạn cách biệt đã lâu ngày.
- Ông bận làm việc phải không?
- Không... Cũng không bận lắm...
Chừng Sìn-Sáng biết tôi nói dối, nên tiếp luôn:
- Xin ông cứ làm việc. Tôi chỉ đến xem nhờ ông mấy tờ nhật trình.
Tôi đưa cho ông ba tờ báo hàng ngày, rồi để tỏ ra rằng tôi có thể tiếp chuyện ông được, tôi xếp giấy lại bỏ vào cặp và hỏi:
- Sao lâu nay Sín-Sáng không lại chơi?
- Tôi ốm. Ấy cái bệnh hen tôi mắc phải từ khi tôi ở Thượng Hải khỏi hẳn được đến mười mấy năm nay, bây giờ nó lại phát ra.
Tôi ngắm Sín-Sáng quả thấy có gầy đi nhiều, hai con mắt sâu hoắm, gò má đã cao càng gồ lên, nước da đã vàng sẵn càng xạm, càng dăn hơn trước.
Ông yên lặng ngồi xem báo, thỉnh thoảng lại húng hắng ho. Bỗng ông cười ầm lên.
- Sín-Sáng có điều gì vui thế?
Chèn vào giữa dịp cười, một tiếng, một tên:
- Lư Cầu kiều.
Thì ra Sín-Sáng thích chí về việc Lư Cầu kiều. Và ông như vụt khỏi hết các bệnh, không ho nữa tuy hút luôn hai điếu thuốc lá. Mắt sáng quắc, hai má ửng đỏ, miệng cười rất tươi. Và tính tình ông mọi ngày điềm đạm, trầm mặc, nay trái hẳn, đã trở nên bồng bột với sự vui sướng ầm ĩ.
Trong hai giờ chúng tôi chỉ nói toàn chuyện Trung-Nhật. Sín-Sáng tin chắc rằng nước Trung Hoa ngày nay không còn là nước Trung Hoa của bà Từ Hi dâm đãng nữa, nước Trung Hoa ngày nay là nước Trung Hoa của bốn trăm năm mươi triệu dân Trung Hoa dưới quyền chỉ huy của một bậc thế giới anh hùng: Tổng thống Tưởng Giới Thạch.
Rồi ông kể cho tôi nghe những mưu cao, những tài dụng binh "Nã Phá Luân" của Tưởng Trung Chính. Nghe ông nói, người ta có thể ngờ rằng ông đã một phen giữ chức thư ký riêng ở phòng giấy Tổng thống vì ông biết hết những công việc đã làm và định làm, những sự nghiệp vĩ đại về quân lược, về kinh tế, về chính trị của Tưởng. Và ông quả quyết rằng Tưởng không lầm lỡ bao giờ cả. Tưởng tiễu cộng, đó là mưu của Tưởng để mua khí giới thực nhiều khí giới, Tưởng bị bắt cóc tại Tây An, đó là mưu của Tưởng: Tưởng muốn thân cộng để lo toan việc chống Nhật, nên ngầm ra lệnh cho Trương Học Lương bắt giam mình.
***
Đúng bốn giờ hôm sau, Sín-Sáng lại đến, tay xách một bọc gói giấy màu nâu.
- Ông bảo đun nước pha trà mạn sen đi. Bánh ngọt đây!
Tôi cười:
- Thế thì còn ngôn gì nữa!... Chừng Sín-Sáng ăn mừng quân Tàu thắng trận?
- Chính thế!
Sín-Sáng cười hè hè rồi nhìn tôi, hỏi:
- Ông có biết nhờ về thứ khí giới gì mà quân Tàu đại thắng không?
Tôi mỉm cười, đáp:
- Chắc nhờ về đội pháo thủ chứ gì!
- Không.
- Hay phi cơ?
- Cũng không. Chỉ nhờ đại đao.
Ông đứng chao hai cánh tay gầy về bên phải một cái, về bên trái một cái và nói tiếp:
- Một nhát đưa đi, một nhát đưa lại là rơi hai cái đầu.
Sín-sáng sung sướng quá, không lần nào nói nhiều bằng.
Tiếng đàn của Sín-Sáng cũng ríu rít reo mừng như tiếng cười thích hoan hô thắng trận. Dứt một bài, Sín-Sáng lại ngừng để nói chuyện rồi lại đánh sang bài khác.
Cứ nghe Sín-Sáng thì đại đao ghê gớm lắm, mà người Nhật hình như cũng hiểu thế nên mỗi khi đánh nhau "giáp lá cà" họ thường dùng đến luồng khói đen, khiến bên địch không trông thấy mình. Quân Tàu cũng tinh quái lắm, họ cởi phăng quần ra rồi nằm bò xuống mà tiến: Lúc hỗn đả trong đêm tối, họ sờ soạng vớ trúng người mặc quần là "xả" liền chẳng sai một nhát.
Cách đó mấy hôm - hai nước Trung, Nhật vẫn giữ nhau ở Lưu Cầu kiều - Sín-Sáng mua hộ tôi một bản địa đồ nước Tàu và tự tay đóng ghim lên tường. Từ đó, mỗi khi nói chuyện chiến tranh, ông không ngồi nữa, đứng luôn bên địa đồ mà trỏ từng tỉnh, từng con đường, từng con sông, từng đoạn thiết lộ. Ông như đã trở nên một bậc tướng soái thông thạo võ lược nhìn trận địa mà điều khiển việc hành binh.
Sín-Sáng không còn một chút nhu mì của nhà nghệ thuật nữa. Đàn không nhớ tới, và truyện chỉ quanh quẩn trong việc Trung-Nhật chiến tranh. Và, vì thế, tôi xin thú thực, ông đã mất một ít cảm tình của tôi: Ngắm ông, tôi thấy ông trái ngược với cái chí khí to tát kia quá! Nhiều lần tôi không khỏi mỉm cười, cái mỉm cười mà tôi không dám chắc không nhiễm chua chát, mỉa mai. Khi Sin-Sáng về rồi, tôi chợt nghĩ lại và rất lấy làm hối hận.
***
Thế rồi, hết thời kỳ oanh liệt đến thời kỳ thất bại, khốn đốn, thời kỳ mất Bắc Bình, mất Thiên Tân, mất Bảo Định... Sín-Sáng sút trông thấy. Người đã gầy yếu sẵn, Sín-Sáng càng gầy yếu thêm, như không còn đứng vững được.
Nhưng lòng Sín-Sáng vẫn vững. Sín-Sáng chưa chịu thua. Hy vọng của Sín-Sáng còn nhiều. Bốn trăm năm mươi triệu dân Trung Hoa cùng một lòng kháng địch thì lo gì không chống chọi nổi sáu mươi triệu người Nhật! Ngoài ra, lại còn nước Anh, nước Nga, nước Mỹ giúp tiền, giúp khí giới. Không, Tàu chưa thua, Tàu sẽ được. Cái thắng cuối cùng mới thực là cái thắng, mà cuối cùng Tàu sẽ thắng Nhật. Sín-Sáng hy vọng như thế, tin chắc như thế.
Kế đến hồi Nhật bắt đầu đánh Thượng Hải Sín-Sáng cũng bắt đầu đánh những khúc anh hùng ca. Một tháng ròng, mỗi ngày các báo lại đem đến những tin tức làm phấn khởi lòng yêu nước của Sín-Sáng. Quân Tàu kháng cự hẳn hòi, can đảm một cách lạ lùng.
Trên tường phòng giấy của tôi lại thêm được bức địa đồ Thượng Hải mà Sín-Sáng đã mua giúp.
Về sau, tôi sinh chán truyện chiến tranh. Những tên Miến, tên Trang, tên Trường, tên Hưng, tên Áp rối loạn cả trong đầu tôi. Hơn thế, những tin trái ngược hẳn nhau đăng trên các báo làm tôi bực mình, không hứng đọc tới mục Trung-Nhật chiến tranh nữa.
Chừng Sín-Sáng hiểu rõ, nên chỉ cặm cụi ngồi xem báo, yên lặng mỉm cười nếu được tin Tàu thắng.
Song những ngày đến chơi của Sín-Sáng dần dần thưa, rồi bẵng hẳn. Có lẽ Thượng Hải đã hoàn toàn vào tay người Nhật rồi nên Sín-Sáng không xem báo nữa chăng? Phải, xem báo để đọc những tin thắng trận của người thì xem làm gì?
***
Cách đấy mấy hôm, tôi gặp Sín-Sáng đi thất thểu ở một phố vắng. Tôi chào hỏi, mời về nhà chơi. Sín-Sáng từ tạ rồi bảo tôi:
- Hão huyền cả, ông ạ. Anh, Nga, Mỹ, đều hão huyền cả. Còn hội nghị Bruxelles thì trẻ con quá.
Đứng trước dáng điệu buồn nản, thân hình ốm yếu của Sín-Sáng, tôi cố giữ mới khỏi bật cười, tuy tôi nhận thấy hết cả ý nghĩa hài hước của cái hội nghị Bruxelles mà Sín-Sáng đã hy vọng nhiều quá.