Tiếng trống nổi lên với một nhịp điệu vui vẻ và bây giờ quyện lấy tiếng kèn lau; cả hai ngập đầy trong không gian.Tiếng trống chế ngự, nhưng rồi đuổi theo tiếng kèn, tiếng kèn ngưng, song tiếng trống vẫn tiếp tục, sắc và trong, để rồi lại quyện lấy tiếng kèn. Bình minh còn xa và chim chóc lặng yên, nhưng sự yên lặng được tiếng nhạc lấp đầy. Một đám cưới đang được cử hành trong ngôi làng nhỏ. Tiệc vui đã diễn ra buổi chiều hôm trước. Tiếng ca hát cười đùa đã kéo dài suốt đêm và bây giờ những người dự tiệc bị đánh thức bởi tiếng nhạc. Những cành cây trơ trụi lá bắt đầu hiện ra trên nền trời xám nhạt. Các vì tinh tú dần dần mất dạng và tiếng nhạc cũng đã ngưng. Có tiếng la hét, tiếng gọi con trẻ ơi ới và tiếng cãi nhau ồn ào quanh vòi nước duy nhất trong làng. Vầng hồng còn nằm sâu dưới chân trời, nhưng ngày đã bắt đầu.
* Trích Commentaries on living, Second Series.
Thương yêu là trải nghiệm mọi thứ, nhưng trải nghiệm mà không thương yêu là sống trong trống rỗng. Tình thương vốn mẫn cảm, nhưng trải nghiệm mà không có niềm mẫn cảm ấy thì chỉ làm cho dục vọng mãnh liệt thêm. Dục vọng không phải là tình thương, dục vọng không thể nắm giữ tình thương, dục vọng rồi cũng kiệt quệ, và trong sự kiệt quệ ấy có buồn đau, khổ lụy. Không thể ngăn cản được dục vọng. Chấm dứt dục vọng bằng bất cứ ý muốn, bằng bất cứ phương cách gì tâm trí có thể đặt ra đều đưa đến lụn bại và khốn cùng. Chỉ tình thương mới dễ dàng khuất phục dục vọng, và tình thương không thuộc về trí não. Trí não - với tư cách chủ thể quan sát - phải ngưng dứt, thì tình thương mới thể hiện. Tình thương không phải là điều mà ta có thể đào luyện, không thể mua tình thương bằng sự dâng hiến, hy sinh hay lễ bái. Không có phương cách nào để đạt tới tình thương. Việc tìm phương cách phải tuyệt dứt để cho tình thương thể hiện; chỉ có kẻ mang tâm thái tự tại mới thấu hiểu cái đẹp của tình thương; theo đuổi tình thương tức là chấm dứt tự do. Chỉ có con người tự do mới thương yêu, nhưng tự do không bao giờ điều khiển, không bao giờ nắm giữ tình thương. Tình thương tự nó vốn bất diệt, vĩnh cửu.
Cô ấy nói rất lưu loát, ngôn từ đến với cô một cách tự nhiên. Dù còn trẻ, trông cô rất buồn, cô mỉm cười với vẻ nhớ thương xa vắng và đầy gượng gạo. Cô đã lập gia đình nhưng không có con, và chồng cô vừa mới mất. Không phải là một trong những cuộc hôn nhân gượng ép, sắp đặt, cũng không phải do ham muốn nhau. Cô không muốn dùng danh từ “tình yêu” vì quá thường thấy trong sách vở và trên đầu môi chót lưỡi người đời, nhưng mối giao tiếp giữa hai người quả thực có một cái gì đặc biệt khác thường. Từ khi lấy nhau cho đến lúc người chồng mất, không bao giờ có một tiếng nói nặng hoặc cử chỉ gì tỏ vẻ nóng nảy với nhau, họ cũng không rời xa nhau dù chỉ là một ngày. Họ đã hợp nhất với nhau, “tan chảy” vào nhau. Nói cách khác, con cái, tiền bạc, công việc, xã hội, đều trở thành thứ yếu. Sự hợp nhất này không phải do tình cảm lãng mạn hay được tưởng tượng nên sau cái chết của người chồng, mà đó là một sự thực ngay từ lúc đầu sống với nhau. Nỗi vui sướng của họ không phải do dục vọng mà do một cái gì vượt lên trên nhục dục. Rồi bỗng dưng cách đây hai tháng, người chồng qua đời trong một tai nạn. Chiếc xe buýt cua quá nhanh, và mọi chuyện diễn ra như thế.
“Hiện tôi đang sống trong tuyệt vọng, tôi đã toan tự tử, nhưng không biết sao tôi không thể làm được. Để quên lãng, để được tê dại, tôi đã làm tất cả, gần như gieo mình xuống sông tự tử cho rồi, và suốt một tháng trời, tôi không thể nào chợp mắt được. Tôi hoàn toàn sống trong đen tối, cơn khủng hoảng đã vượt khỏi tầm kiểm soát của tôi mà tôi không sao hiểu nổi, tôi chết mất.”
Cô úp mặt vào đôi tay, lát sau cô nói tiếp:
“Đây là một nỗi tuyệt vọng vô phương cứu chữa, không sao xóa nhòa được. Với cái chết của anh ấy, mọi hy vọng đều chấm dứt. Người ta bảo tôi sẽ quên đi và tái giá hoặc làm gì khác nữa. Dù cho tôi có quên được, thì ngọn lửa cũng đã tắt, không gì có thể thay thế được, mà tôi cũng không muốn tìm gì để thay thế, chúng ta sống và chết với hy vọng, nhưng tôi thì không còn gì. Tôi không còn hy vọng nên tôi cũng không cay đắng, tôi sống trong tuyệt vọng và đen tối. Tôi không muốn thấy ánh sáng. Cuộc sống của tôi là một cuộc sống đã chết, nên tôi không muốn ai chia sẻ buồn vui, thương hại. Tôi muốn sống mãi trong đen tối để không còn cảm nhận, không còn nhớ nhung.”
Có phải vì thế mà cô đến đây không - đến để khư khư trong tuyệt vọng? Có phải cô muốn như vậy không? Nếu thế thì cô sẽ được toại nguyện. Dục vọng cũng tráo trở và xoay xở nhanh nhẹn như trí não; nó luôn luôn tự thích nghi với mọi sự, tự uốn mình phù hợp trong mọi tình huống, đồng thời dựng lên những tường vách ngăn chặn ánh sáng. Nỗi tuyệt vọng của nó cũng chính là cái thú của nó. Dục vọng vẽ ra một hình ảnh để rồi sùng thượng chính hình ảnh ấy. Nếu cô muốn sống trong âm u, đen tối, cô sẽ được toại nguyện. Có phải vì vậy mà cô đã đến đây không, đến để được sống mãnh liệt hơn trong chính cái ước muốn của mình?
“Thưa ngài, một người bạn của tôi đã nói về ngài và tôi đã đến đây không có chủ đích gì. Nếu để chấm dứt được suy nghĩ này thì có lẽ tôi đã không đến. Tôi đã luôn luôn hành động một cách vô tâm như vậy và việc đó không bao giờ gây hại cho tôi. Nếu ngài hỏi tại sao tôi đến, tôi chỉ có thể nói là tôi không biết tại sao nữa. Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều muốn có một hy vọng nào đó, ta không thể sống triền miên trong đen tối.”
Cái gì tan chảy, hợp nhất vào nhau thì không thể bị chia lìa, cái gì hợp nhất thì không thể bị hủy hoại, nếu có sự hợp nhất thì cái chết không thể phân ly. Hợp nhất không phải là hợp nhất với kẻ khác, với thứ khác, mà là hợp nhất với và ngay trong chính ta. Sự hợp nhất nhiều thực thể khác biệt trong chính ta là một sự trọn vẹn do kết hợp với kẻ khác mà có, nhưng đủ mà do kết hợp với kẻ khác, thứ khác, thì chứng tỏ trong riêng ta vẫn thiếu. Hợp nhất mà do và với kẻ khác thì vẫn là chưa đủ. Sự trọn vẹn của một thực thể hợp nhất đích thực không phải do kẻ khác tạo thành; bởi vì tự nó vốn tạo thành trọn vẹn cái đã thể hiện trong tất cả mọi mối giao tiếp. Thật là ảo tưởng nếu nghĩ rằng kẻ khác khiến ta cảm thấy đủ.
“Anh ấy đã khiến tôi cảm thấy đủ. Tôi đã biết cái đẹp của niềm vui ấy.”
Nhưng rồi điều đó cũng phải chấm dứt. Đối với cái thiếu, tự nó luôn luôn có sự đứt đoạn, cáo chung. Hợp nhất mà do và với kẻ khác thì luôn luôn có đổ vỡ, luôn luôn cáo chung. Trạng thái hợp nhất đích thực phải bắt đầu ngay trong chính ta, và chỉ khi đó, sự hợp nhất mới không bị hủy hoại. Đường hướng của trạng thái hợp nhất là tiến trình của tư duy phủ định, đấy là trí tuệ cao nhất. Phải chăng cô đang tìm cái trạng thái hợp nhất ấy?
“Tôi không biết tôi tìm gì nữa, nhưng tôi muốn hiểu hy vọng vì hy vọng giữ một vai trò quan trọng trong đời sống chúng ta. Khi anh ấy còn sống, tôi không bao giờ nghĩ tới tương lai, tôi không bao giờ nghĩ tới hy vọng hoặc hạnh phúc, ngày mai không tồn tại đối với tôi. Tôi chỉ biết sống, không chút bận tâm.”
Bởi vì cô đã hạnh phúc. Nhưng bây giờ phải chịu khổ lụy và ưu phiền, nên mới có tương lai, hy vọng hoặc cái đối nghịch là tuyệt vọng và vô vọng. Thật là kỳ lạ, phải không? Khi ta hạnh phúc, thời gian không còn nữa, hôm qua và ngày mai hoàn toàn vắng mặt, ta không nghĩ đến quá khứ hoặc tương lai, nhưng đau khổ đã tạo ra hy vọng và tuyệt vọng.
“Chúng ta sinh ra với hy vọng thì chúng ta cũng mang theo hy vọng mà chết đi.”
Vâng, chúng ta đã là như thế, hay đúng hơn, chúng ta sinh ra trong khốn cùng và hy vọng đưa ta đến sự chết. Theo cô thì hy vọng nghĩa là gì?
“Hy vọng là ngày mai, là tương lai, là ước muốn về hạnh phúc, về một sự tốt đẹp hơn cho hôm nay, về sự tiến bộ cho chính mình, đó là ước vọng có một ngôi nhà đẹp hơn, có một chiếc dương cầm hay một chiếc radio tuyệt hảo hơn; đó là giấc mơ về công cuộc cải tạo xã hội, giấc mơ về một thế giới hạnh phúc hơn, vân vân.”
Phải chăng hy vọng chỉ có ở tương lai? Hy vọng không có trong những gì đã là, trong vùng trời quá khứ sao? Hy vọng có mặt trong cả hai chuyển động tới và lui của tư tưởng. Hy vọng là tiến trình của thời gian, phải không? Hy vọng là muốn điều gì vui, điều gì có thể cải thiện tốt đẹp hơn, cứ liên tục tiếp nối mãi; và cái ngược lại là vô vọng, tuyệt vọng. Chúng ta đánh đu giữa hy vọng và tuyệt vọng, và hy vọng thì nằm trong quá khứ hoặc thường hơn, trong tương lai. Tương lai là hy vọng của mọi chính khách, mọi nhà cải cách và cách mạng, của những kẻ chạy theo đạo đức, và cũng là hy vọng của cái mà ta gọi là Thượng đế. Ta cho rằng ta sống là nhờ vào hy vọng, nhưng có thực vậy không? Ta có sống thực không khi tương lai và quá khứ chế ngự ta? Cái dòng vận chuyển đi từ quá khứ đến tương lai đó có phải là sự sống không? Khi còn bận tâm đến ngày mai, cô có thực sự sống không? Bởi vì ngày mai quá quan trọng nên mới có nỗi vô vọng cùng niềm tuyệt vọng. Nếu tương lai là quan trọng nhất, và cô sống cho và bởi tương lai, thì bấy giờ quá khứ là con đường đưa đến tuyệt vọng. Cô hy sinh hôm nay, hiện tại cho hy vọng của ngày mai, nhưng hạnh phúc bao giờ cũng nằm trong hiện tại, ngay bây giờ. Chính kẻ bất hạnh mới lấp đầy đời mình bằng nỗi lo âu về ngày mai, mà ta gọi là hy vọng. Sống hạnh phúc là sống không hy vọng. Người của hy vọng không phải là người hạnh phúc, rồi họ cũng phải nhận ra tuyệt vọng. Cái trạng thái tuyệt vọng ấy phóng chiếu ra hy vọng hoặc oán hờn, tuyệt vọng hoặc tương lai rực rỡ.
“Nhưng phải chăng ngài khuyên chúng tôi nên sống không hy vọng?”
Có một trạng thái không phải là hy vọng, cũng không phải là tuyệt vọng, trạng thái của hạnh phúc chân thật, phải không? Tóm lại, khi cô cảm thấy hạnh phúc thì cô không hy vọng, phải không?
“Tôi đã thấy rõ ý ngài. Tôi đã không hy vọng vì anh ấy sống kề cận tôi và tôi hạnh phúc trong chuỗi ngày sống ấy. Nhưng giờ thì anh ấy đã ra đi và... chúng ta chỉ thoát khỏi hy vọng khi ta hạnh phúc. Chính khi ta bị đau khổ, bệnh hoạn, bị áp bức, lợi dụng, ngày mai mới trở nên quan trọng và nếu không thực hiện được ngày mai ấy thì ta hoàn toàn ngụp lặn trong đen tối, tuyệt vọng. Nhưng làm sao sống trong hạnh phúc được?”
Trước hết, phải thấy được sự thật về hy vọng và tuyệt vọng, phải thấy được cách cô bị giam giữ do nhận thức sai lầm, do ảo tưởng về hy vọng và tuyệt vọng. Hãy ý thức rõ ràng nhưng lặng im bất động trong suốt tiến trình đó - nghe thì đơn giản chứ không phải dễ dàng đâu. Cô hỏi làm thế nào sống được trong trạng thái hạnh phúc. Phải chăng thực chất của câu hỏi này cũng căn cứ trên hy vọng? Cô muốn tìm lại những gì đã mất hoặc bằng cách nào đó giành lại được. Câu hỏi này cho thấy ý muốn nắm giữ, muốn trở thành, muốn đạt được, phải không? Khi cô thiết lập mục tiêu, nhằm vào một chủ đích, thì đã có hy vọng. Và một lần nữa, cô lại mắc vướng trong chính nỗi bất hạnh khổ đau của mình. Con đường của hy vọng là con đường của tương lai, nhưng hạnh phúc không phải là vấn đề thời gian. Khi hạnh phúc, cô không bao giờ hỏi phải làm sao để tiếp tục sống trong hạnh phúc, nếu hỏi thì cô đã nếm phải đau khổ rồi.
“Theo ý của ngài thì toàn bộ vấn đề này chỉ phát sinh khi ta sống trong xung đột, khốn cùng. Nhưng khi ta khổ, ta muốn thoát khổ, đó là lẽ tự nhiên.”
Ý muốn thoát khổ chỉ làm sinh ra thêm vấn đề mới khác thôi; không thấu hiểu vấn đề này, cô lại đưa vào thêm nhiều vấn đề khác nữa. Vấn đề của cô là sự đau khổ, nỗi bất hạnh, và để thấu hiểu nó, cô cần phải thoát khỏi mọi vấn đề khác. Đau khổ là vấn đề duy nhất của cô, đừng để bị rối trí, đừng đưa thêm vào vấn đề “làm thế nào để thoát khổ” nữa.
Như thế là tâm trí đang tìm hy vọng, tìm giải pháp cho vấn đề, tìm lối thoát. Hãy thấy rõ tính sai lầm của hành vi lẩn trốn ấy. Lúc đó, cô sẽ trực tiếp đối mặt với vấn đề - vấn đề đau khổ. Chính hành động trực tiếp đối mặt với vấn đề đó tạo ra cơn khủng hoảng mà ta thường hay lẩn tránh, nhưng nhờ sống trong trạng thái khủng hoảng mãnh liệt vô cùng ấy mà vấn đề mới chịu chấm dứt.
“Từ khi xảy ra tai nạn thảm khốc ấy cho đến nay, tôi có cảm tưởng phải chết đi trong chính nỗi tuyệt vọng, phải nâng niu nuôi dưỡng chính nỗi tuyệt vọng của mình, nhưng điều đó dường như vượt quá sức tôi. Bây giờ, tôi thấy cần phải đối mặt với chính nỗi tuyệt vọng ấy với thái độ không sợ hãi và cũng không mang mặc cảm phản bội chồng tôi. Chắc ngài cũng thấy, tôi có một cảm nhận sâu sắc rằng tôi sẽ phản bội anh ấy nếu tiếp tục sống trong hạnh phúc, nhưng bây giờ, gánh nặng đã được cất xuống và tôi cảm thấy một niềm hạnh phúc không bị chi phối bởi thời gian.”