Đây là một cây me mang vóc dáng cổ thụ, trông rất hùng vĩ vì sum suê trái với những tàn lá xanh non, mềm mại. Mọc bên bờ một con sông nên cây no nê nước và cho tàn lá che mát người và vật. Dưới tán cây, sự ồn ào và náo nhiệt luôn luôn diễn ra, tiếng chuyện trò vang dội hoặc tiếng bê con gọi mẹ. Hình bóng xinh đẹp và cân xứng của cái cây in trên nền trời xanh thẳm trông rất hùng vĩ. Cây mang một sức sống vĩnh cửu. Nó đã chứng kiến bao cuộc thăng trầm diễn ra hai bên bờ sông qua vô số những ngày hạ soi mình trên dòng nước. Con sông này quả là con sông đầy hấp dẫn, rộng dài và linh thiêng. Những kẻ hành hương khắp nơi trong xứ đã đổ xô về đây để tắm mình trong nước thánh.
* Trích Commentaries on living, Third Series.
Còn có những con thuyền với cánh buồm màu đen di chuyển thầm lặng trên dòng sông. Khi trăng lên, mặt trăng tròn, to, sáng bạc rung rinh nhảy múa trên mặt nước, rồi thì hội hè vui vẻ được tổ chức ở ngôi làng lân cận tọa lạc bên kia sông. Trong những ngày lễ, dân làng rủ nhau xuống tận mé nước, hân hoan ca hát. Họ mang theo đồ ăn thức uống, cười nói vui vẻ và xuống sông tắm. Rồi họ để lại một vòng hoa dưới gốc cổ thụ cùng với tàn nhang vàng đỏ xung quanh thân cây, vì vòng hoa này cũng linh thiêng như tất cả cây cối trong vùng, và cuối cùng, khi tiếng ca hát và cười đùa ngưng dứt, và mọi người đều trở về thì các vị bô lão trong làng để lại một hoặc hai đèn thắp sáng. Đèn được đốt bằng tim bấc đựng trong dĩa dầu bằng đất sét cũng do dân làng tự tay làm lấy. Bây giờ cây cổ thụ trở thành tối thượng, mọi vật đều nhập vào nó: đất đai, sông ngòi, con người và tinh tú. Nó hiện đang thu mình lại yên ngủ cho đến khi bị đánh thức bởi những tia nắng đầu tiên của bình minh.
Người ta thường mang xác chết đến bờ sông. Quét dọn sạch sẽ một khoảnh đất gần mé nước. Trước tiên họ đặt những khúc củi to xuống dưới làm nền cho giàn hỏa, kế đến là những thanh củi nhỏ và trên cùng là xác chết được quấn trong một mảnh vải trắng mới. Người thân thuộc nhất với người chết sẽ châm đuốc đốt giàn hỏa và ngọn lửa to lớn bùng lên trong đêm tối, chiếu sáng mặt nước cùng những khuôn mặt yên lặng của bạn bè và người đưa tiễn ngồi bao quanh. Cây cổ thụ tiếp nhận một chút ánh sáng và ban bố cho ngọn lửa đang nhảy múa sự yên bình của nó. Phải mất nhiều giờ xác chết mới được hỏa thiêu trọn vẹn, nhưng mọi người vẫn yên lặng ngồi bao quanh đó cho đến khi không còn gì ngoài than hồng đỏ rực cùng vài ngọn lửa tựa như những chiếc lưỡi đỏ lòm nho nhỏ. Giữa khoảng im lặng mênh mông ấy, bỗng có tiếng trẻ con khóc và một ngày mới lại bắt đầu.
Ông ta đã từng là một người có tiếng tăm thực sự. Hiện ông đang nằm đó để chờ chết trong một gian nhà nhỏ khuất sau một tường rào và một khu vườn đã từng được chăm sóc cẩn thận, nhưng nay đã hoang phế, sống cùng ông là vợ, các con và những người thân thuộc của ông. Có thể trong một vài tháng hay lâu hơn nữa, ông sẽ qua đời, nhưng bây giờ họ vẫn sống quanh ông và căn phòng nặng trĩu những buồn thảm. Khi tôi bước vào phòng, ông bảo mọi người đi ra, và họ miễn cưỡng rời gian phòng, ngoại trừ đứa con trai nhỏ đang nô đùa với đồ chơi dưới sàn nhà. Khi họ ra hết, ông ra dấu chỉ một chiếc ghế mời tôi ngồi và chúng tôi cùng ngồi. Một lúc lâu, không ai nói một lời, trong khi đó tiếng động từ nhà sau và ngoài đường vọng vào ngập đầy gian phòng.
Ông nói với vẻ khó khăn:
“Ngài biết không, tôi đã suy nghĩ rất nhiều trong bao năm nay về sự sống và cả cái chết nữa, vì tôi mắc phải một chứng bệnh trầm kha tuyệt vọng. Cái chết là một điều hết sức kỳ quái lạ thường. Tôi đã đọc nhiều sách nói về vấn đề này, nhưng tất cả hình như đều hời hợt, nông cạn.”
Phải chăng mọi kết luận đều là nông cạn?
“Tôi không chắc như vậy. Nhưng nếu có thể đạt được một vài kết luận khả dĩ làm cho ta thấy thỏa mãn sâu xa thì những kết luận ấy có ý nghĩa. Đi đến những kết luận có gì là sai lầm đâu nếu kết luận đó khiến cho ta thỏa mãn?”
Không có gì sai lầm, nhưng phải chăng mọi kết luận đều vạch ra một chân trời ảo vọng? Tâm trí có khả năng tạo ra bất kỳ một hình thức ảo tưởng nào, nhưng theo tôi, bị vướng mắc trong đó dường như là điều không cần thiết và chứng tỏ sự ấu trĩ.
“Tôi đã thực sự sống một đời sống hết sức phong phú và tôi đã theo đuổi điều mà tôi nghĩ là bổn phận của mình, nhưng dĩ nhiên, tôi là một con người bình thường. Dẫu sao thì cuộc sống đó đã qua rồi, và hiện tại thì tôi là như thế này đây: một vật vô dụng, nhưng cũng may, tâm trí tôi chưa bị ảnh hưởng. Tôi đã đọc nhiều và hiện tôi vẫn còn khao khát hơn bao giờ hết muốn biết việc gì xảy ra sau cái chết. Tôi có được sống tiếp không, hay sẽ không còn gì khi thân xác này chết đi?”
Thưa ông, cho phép tôi hỏi, tại sao ông lại quá muốn biết việc gì xảy ra sau cái chết như vậy?
“Không phải tất cả mọi người đều muốn biết sao?”
Có thể mọi người đều muốn biết, nhưng nếu ta không biết sống là gì thì ta có thể nào biết được chết là gì không? Sống và chết có thể cùng là một thứ, và chính việc ta chia cách chúng có thể là nguồn cội của nỗi khổ đau lớn nhất trong đời.
“Tôi đã ý thức qua các buổi nói chuyện của ngài về những điều ngài vừa trình bày, nhưng tôi vẫn muốn biết. Xin ngài vui lòng nói cho tôi biết việc gì xảy ra sau cái chết được không? Tôi sẽ không nói lại cho bất cứ một ai đâu.”
Tại sao ông lại cố gắng đến mức khổ sở để biết như vậy? Tại sao ông không để mặc cho cái mênh mông như biển cả của cuộc sống cùng cái chết tự nó thể hiện mà không đụng tay vào?
“Tôi không muốn chết”, ông vừa nói vừa chồm đến nắm cổ tay tôi. “Tôi luôn luôn sợ hãi cái chết, và mặc dù tôi đã tự an ủi mình bằng những lý luận và tin tưởng, nhưng những thứ này chỉ tác động như một lớp vẹc-ni mỏng che giấu nỗi sợ hãi khắc khoải ở sâu bên trong. Tất cả những gì tôi tìm đọc về cái chết chỉ là một cố gắng nhằm lẩn trốn chính nỗi sợ hãi đó, nhằm tìm đường đào thoát khỏi nó, và cũng chỉ với cùng một lý do đó mà hiện tôi đang van cầu ngài cho tôi biết đây.”
Bất kỳ cuộc lẩn trốn nào cũng vậy, chúng có giải thoát tâm trí khỏi sợ hãi không? Phải chăng chính hành vi lẩn trốn đó đã sinh ra sợ hãi?
“Nhưng ngài có thể nói cho tôi biết và những gì ngài nói sẽ là sự thực. Sự thực ấy sẽ giải thoát tôi...”
Chúng tôi im lặng một lúc, rồi ông ấy tiếp tục.
“Sự im lặng làm tôi thấy dễ chịu hơn là những câu hỏi đầy lo âu sợ hãi của tôi. Tôi muốn được sống mãi trong sự im lặng đó và bình thản chết đi, nhưng tâm trí tôi không để cho tôi yên. Tâm trí tôi đã trở thành như một kẻ săn mồi, giống như con thú bị săn đuổi, tôi bị tra khảo. Thân xác tôi đau đớn dữ dội, nhưng không có nghĩa lý gì so với những sự thực đang diễn ra trong nội tâm tôi. Có một sự liên tục tiếp nối đồng nhất nào sau cái chết không? Cái ‘tôi’ đã vui sướng, đã đau khổ, đã nhận thức ấy rồi có được tiếp nối không?”
Cái “tôi” mà tâm trí ông bám víu vào và muốn được tiếp tục, cái “tôi” ấy là gì? Xin ông đừng trả lời mà hãy yên lặng lắng nghe, được không? Cái “tôi” chỉ tồn tại bằng cách đồng nhất làm một với của cải, tài sản, với tên tuổi, với gia đình, với những nỗi thất bại và thành công, với tất cả những gì ông đã là và muốn được là. Ông chính là cái mà ông tự đồng nhất vào đó, tất cả mọi thứ ấy làm nên ông, không có chúng, ông cũng không tồn tại, chính vì đồng nhất làm một với dân chúng, với tài sản, với của cải và với ý tưởng, ông muốn mọi thứ đó được nối tiếp, vượt thoát cái chết, nhưng tất cả những điều đó có sống không? Hay chúng chỉ là một khối gồm những dục vọng, mâu thuẫn, những săn đuổi, những sự thực hiện, và âu lo, với nặng những ưu phiền hơn là vui sướng?
“Có thể đúng như ngài vừa nói, nhưng như thế lại hay hơn là hoàn toàn không biết gì.”
Ý ông là biết còn hơn là không biết phải không? Nhưng cái biết ấy quá nhỏ mọn, quá ti tiện, quá giới hạn. Cái biết là buồn rầu, nhưng ông muốn sự tiếp nối.
“Xin ngài hãy nghĩ đến tôi, hãy thương xót tôi, đừng quá cứng rắn như vậy. Nếu tôi biết được thì tôi có thể hân hoan mà chết đi.”
Này ông, ông đừng cố gắng tìm cách biết một cách quá khổ sở như vậy. Khi tất cả mọi nỗ lực để biết đều chấm dứt thì sẽ phát sinh một điều mà tâm trí không sao so sánh được. Cái không biết lớn lao hơn cái biết nhiều lắm, cái biết tựa như một chiếc thuyền con trên đại dương mênh mông của cái không biết. Hãy để cho mọi sự diễn ra và sống.
Ngay lúc đó, vợ ông ta mang nước uống vào, đứa bé đứng dậy chạy ra khỏi phòng mà không nhìn chúng tôi. Khi bà bước ra, ông nhắc bà khép cửa và đừng cho mấy đứa nhỏ vô trở lại.
“Tôi không phải lo lắng gì về gia đình. Tương lai của họ đã được chăm sóc. Bây giờ tôi phải lo đến chính tương lai của tôi. Trong thâm tâm, tôi vẫn biết những điều ngài nói là chân thật, nhưng tâm trí tôi tựa như con ngựa đang phi nước đại mà không có người cầm cương. Xin ngài hãy giúp tôi, hay mọi sự giúp đỡ đều đã vượt ngoài tầm với của tôi?”
Chân lý là một thứ lạ lùng, càng săn đuổi, nó càng lẩn trốn. Ông không thể chụp bắt nó bằng bất kỳ phương tiện nào, dù phương tiện ấy có tinh xảo đến đâu đi nữa, ông không thể cầm giữ nó trong mạng lưới của tư tưởng. Hãy nhận thức thật rõ điều đó và để cho mọi thứ diễn ra. Trên hành trình sống và chết, ông phải bước đi một mình, trên cuộc hành trình đó, ta không thể tìm sự an ủi, ẩn nấp trong kiến thức, trong kinh nghiệm, trong ký ức. Tâm trí phải được gột sạch những gì nó đã gom góp, chấp chứa cho cái nhu cầu về an toàn của nó. Những thần thánh và đạo hạnh của nó phải được trả hết về cho chính cái xã hội đã tạo ra chúng. Phải sống trong một nỗi cô đơn trọn vẹn và bất nhiễm.
“Tôi đang đếm từng ngày sống, hơi thở tôi đang ngắn dần mà ngài lại đòi hỏi một việc làm quá khó khăn: tôi phải chết đi mà không biết cái chết là gì. Nhưng tôi đã được ngài chỉ bảo cẩn thận. Thôi thì hãy cứ để cho cuộc sống tự nó sống, biết đâu như thế có thể là hạnh phúc.”