Thời ấy, con gái Hà thành còn đua nhau bày cỗ để khoe cái tay khéo nặn con giống, khéo gọt tỉa các thứ hoa bằng đu đủ. Nhất là những cô gái đến tuổi có cặp má dễ ửng đỏ trước đôi làn dương điện thì lại càng cần khoe lắm.
Ngày nay ta tự do hơn, trai gái thường được gặp nhau trò chuyện thì sự đắn đo cân nhắc trí thức của nhau có khó gì. Nhưng mười lăm, mười sáu năm về trước, các tiểu thư còn thẹn thùng trong chốn phòng khuê, các công tử còn phải nhờ đến đến tay mụ mối để "đắp giành bắn sẽ" thì một bàn cỗ lộng lẫy hôm rằm tháng Tám gần như đứng ra giới thiệu cho hai bên.
Người con gái bày cỗ sẽ đem óc thông minh, tài mỹ thuật ra bài trí, người con trai sẽ ngắm cỗ bày mà đoán được trí tuệ của người kia đến bậc nào. Ấy là chưa kể đôi bên còn được tự do (tự do trong hai đêm thôi, mười tư và rằm) trao đổi một vài ý kiến, một vài tư tưởng, ở trước mặt cha mẹ người con gái.
Năm ấy chúng tôi một bọn đương tuổi vui đùa, nghịch ngợm, tối hôm rằm tháng Tám rủ nhau đi phá cỗ. Xin nói ngay để những ai chưa từng nếm cái diễm phúc đi phá cỗ hiểu cho rằng đó không phải là thủ đoạn của bọn côn đồ vác gậy gộc đi phá phách, nhưng là cử chỉ rất tao nhã của bọn văn nhân, thi sĩ nhờ về tài biện luận (nói tán tỉnh cũng không sai nghĩa lắm) mà được hưởng cỗ của các cô trước khi có cái hy vọng chiếm trái tim các cô. Nói thế không phải là cổt để khoe rằng chúng tôi là văn sĩ hay thi sĩ. Thực ra, chúng tôi chỉ là lũ học sinh "lém luốc".
Nghe tiếng ở phố T..., nhà ông N..., một nhà giàu sang, có gái kén chồng, làm cỗ to ghê gớm (tôi nói cỗ đẹp), chúng tôi liền kéo nhau đến.
Quả lời đồn không sai. Nhà ông lang, một nếp nhà cao rộng đã biến thành một động... một động viên. Bao nhiêu các vị thuốc xấu xí nhường chỗ cho hàng trăm bông hoa đua nở trong hàng chục ngọn đèn điện.
Cố nhiên là chúng tôi khen. Trong bọn chúng tôi có anh Hướng, con nhà văn chương, khéo tìm được những câu cẩm tú để làm cho lời khen của anh thêm đậm đà, thêm có duyên. Cảm động, ông chủ cùng cô con gái ông mời chúng tôi phá cỗ, nghĩa là ông mời chúng tôi uống chè mạn sen và xơi bánh ngọt, xơi kẹo mứt chính tay "cháu" đã làm (hay mua ở phố hàng Đường thì cũng thế).
Giá tôi cứ lặng yên mà nuốt cho trôi cỗ thì cũng xong. Nhưng tôi lại muốn đền ơn cô em bằng những câu ca tụng không đâu khiến Hướng luôn luôn phải đưa mắt bảo tôi im đi.
Một lần tôi vừa nhai kẹo sìu vừa trỏ một chậu hồng mà khen rằng: "Chậu hồng này, cô làm khéo quá!" Cô kia đỏ ửng má lên mà nguýt dài tôi một cái, vì cho là tôi nói lỡm. Anh Hưởng hiểu ngay rằng tôi lầm lỡ trông chậu hồng thực hóa giả, liền chữa thẹn cho tôi:
- Thế mới biết cô có đại tài, bày hoa hư hư thực thực như Gia Cát Lượng dàn thế trận trong đời Tam Quốc.
Cô ả và ông bố phổng mũi, cười. Từ đó, cô ta đem lòng yêu thầm anh Hưởng và ghét tôi một cách độc địa. Dù tôi pha trò có duyên đến đâu, cô cũng giữ vẻ mặt nghiêm trang, còn anh Hướng chưa nói, cô đã chúm chím cặp môi son và lắng tai nghe rất là âu yếm, đến nỗi tôi sinh cáu và cố tìm dịp báo thù Hướng. Dịp ấy tôi tìm thấy, than ôi, lúc đã từ biệt ông lang và đã ra đến ngoài phố. Tôi bảo Hướng rằng:
- Cách bày cỗ của nhà ông lão lang và cô ả quả có vẻ thực thực hư hư như lời anh khen. Những hoa hồng giả làm khéo đến nỗi tôi tưởng là hoa thực. Nhưng là một đóa hoa giả, gọt khéo nhất thì anh quên nên không khen: đóa hoa ấy là cô con gái với bộ mặt bự phấn của cô ta. Thiết tưởng phải là hạng người ngu ngốc lắm mới tán tỉnh được, người thục nữ ấy.
Nói xong, tôi sung sướng hả cơn giận.
Rõ trẻ con: Mà trẻ con thực.