GIỎI
Thầy giáo - Anh hãy tìm những chữ đồng nghĩa với chữ giỏi.
Cậu học trò nhỏ (mười một tuổi) - Thưa thầy tài.
Thầy giáo - Tài được, gì nữa?
Cậu học trò (ngẫm nghĩ) - Thưa thầy, khéo.
Thầy giáo - Khéo. Được lắm. Nhưng gì nữa?
Cậu học trò (chau mày răng hàm trên cắn lên môi dưới, mắt nhìn cái bút chì ở tay thầy giáo) - Thưa thầy thưa thầy... tài.
Thầy giáo - Phải tài, nhưng anh đã nói rồi. Một người tài giỏi là một người... một người gì?
Cậu học trò - Một người... một người cừ.
Thày giáo - Hừ, hừ! Cừ là tiếng thổ ngữ ta nên tránh. (giọng tự phụ) Chữ cừ chính nó ở một chữ nho mà ra và thường đi đôi với một chữ nho nữa (thầy nghĩ đến chữ "cự phách"). Vậy giỏi nghĩa là... nghĩa là...
Học trò - Tài.
Thầy giáo - Anh nói mãi chữ tài.
Học trò - Gân.
Thầy giáo - Lại dùng thổ ngữ rồi!
Học trò, ngơ ngác chẳng hiểu thổ ngữ nghĩa là gì...
Thầy giáo - Vậy anh chỉ biết có thế thôi ư?
Học trò, sợ bị "nốt" xấu, nói vội - Bợm mà.
Thầy giáo (mỉm cười) - Gì nữa?... Những tiếng đi đôi, nghĩa là có hai chữ ghép lại nhau.
Học trò - Khéo léo, gân guốc, xừng kền.
Thầy giáo (vừa cho điểm, vừa nói) Hừ! Chỉ có mấy chữ cự phách, lạc lỗi, siêu quần, bạt chúng bạt tụy, có thế mà không biết!
BƯU CHÍNH
Cô giáo (trẻ tuổi) - Nhà bưu chính là nhà gì?
Thí sinh (mười tuổi, giọng quả quyết) - Thưa cô, nhà bưu chính là nhà đẻ.
Cô giáo (mỉm cười) - Sao em lại biết là nhà đẻ?...
Thí sinh, vẫn giọng quả quyết - Thưa bưu nghĩa là bừu.
Cô giáo (nghe ngộ nghĩnh, hay hay) - Nhưng bừu sao lại đẻ?
Thí sinh, tưởng mình nói trúng rồi - Thưa cô, vì bừu nghĩa là "phình" ra, có bừu ra nghĩa là có chửa có nghén.
TRUYỆN CON KHẸC
Cô giáo (vẫn cô giáo trên) - Em hãy giảng nghĩa chữ liu điu.
Những người lớn đứng xem ở ngoài cửa sổ, ngay gần chỗ dự thi, bảo nhau: Hỏi gì lại hỏi khó thế! Đừng nói thằng bé mười một mười hai tuổi nữa, ngay chúng mình cũng chẳng biết cái con khẹc là gì. (tiếng con khẹc đọc hơi to).
Thí sinh (tưởng có người nhắc) - Thưa cô liu điu là con khẹc ạ!
Cô giáo đỏ mặt ngượng với những người đứng xem cho bảy điểm thật rõ ràng, để ai ai cũng trông thấy - Thôi được!
Có lẽ cậu học trò nhỏ từ đấy yên trí rằng liu điu là con khẹc.