Pháp sư Tế Quần: Việc tu hành Mật tông của Phật giáo Tây Tạng cần lấy Hiển giáo làm cơ sở. Điều tôi muốn biết là việc tu học Hiển tông có quan hệ gì với Mật tông? Mật Tông và Hiển tông có gì khác nhau?
Kham bố Sách Đạt Cát: Thực sự việc tu học Mật Tạng được xây dựng trên cơ sở của Hiển tông, nhưng điều gọi là Mật tông lấy Hiển giáo làm cơ sở hoàn toàn không có nghĩa là nhất định phải học xong toàn bộ kinh điển của Hiển tông mới có thể đi vào học tập nghiên cứu Mật pháp. Cơ sở được nói ở đây chỉ có hàm nghĩa trong các mặt sau:
Thứ nhất, nhìn lại lịch sử, sự hưng phát sớm nhất của Phật giáo Tây Tạng là bắt đầu từ sự hoằng dương của kinh điển Hiển tông. Theo sách Đường Thư ghi chép thì vào khoảng thời Đông Tấn (317 - 420), Tây Tạng bước vào thời kỳ thống trị của quốc vương Thác Thác Nhật Niên Tán (sách Đường Thư gọi là Đà Thổ Độ). Năm 317 sau Công nguyên, khi quốc vương ở tuổi sáu mươi, một hôm, đột nhiên trời giáng xuống bốn bộ sách quý là Bảo Khiếp Trang Nghiêm Luận, Bách Bái Sám Hối Kinh, Thập Thiện Kinh, Thập Nhị Nhân Duyên Kinh, đồng thời từ không trung có lời truyền xuống rằng: “Từ nay trở đi phải đợi năm đời nữa mới hiểu được chuyện này”, tức là nói phải trải qua năm triều đại, mọi người mới có thể hiểu được nội dung của các kinh điển Phật pháp này. Kết quả là đợi đến thời kỳ chấp chính của Tùng Tán Cán Bố1, xứ Tạng mới bắt đầu có chữ viết, mọi người mới thật sự hiểu rõ hàm nghĩa của những kinh văn này. Cũng từ thời kỳ ấy trở đi, kinh điển Hiển tông được hoằng dương, bắt đầu đặt cơ sở vững chắc cho Mật pháp sau này.
1 Tùng Tán Cán Bố 松贊干布 (? - 650) dịch âm tiếng Tạng là Songtsän Gampo, là người sáng lập nước Tây Tạng, vị quân chủ triều thứ 33 của xứ Tạng. Ông là vị vua vĩ đại nhất của người Tạng, từ khi Tùng Tán Cán Bố lên ngôi, Tây Tạng đạt đến đỉnh cao hưng thịnh, ông cầu thân với hai công chúa nước ngoài, trong đó có công chúa Văn Thành cháu gái của vua Đường Thái Tông. Ông đọc và hiểu được kinh sách tiếng Phạn, ông còn cho người đi du học ở Ấn Độ để thông hiểu Phật pháp và dịch kinh sách từ tiếng Phạn sang tiếng Tạng. Căn cứ trên tư tưởng Phật giáo, Tùng Tán Cán Bố đã ban bố Thập Thiện và Thập lục yết luật để dân chúng thi hành.
Thứ hai, việc tu chứng Mật pháp cần phải lấy tâm giải thoát, tâm Bồ đề của Hiển tông làm cơ sở. Về cơ bản, trong mỗi nghi thức tu pháp của Phật giáo Tây Tạng đều có các nội dung như quy y, phát tâm… lấy đó để nói việc tu hành Mật pháp được xây dựng trên cơ sở của Hiển tông là vậy.
Về hai mối quan hệ nêu trên, trong Kinh Văn Thù Chân Thực Danh, Đức Phật gọi Hiển tông là nhân pháp Mật tông là quả pháp, và toàn bộ giáo nghĩa của Hiển tông rốt cuộc đều có thể quy vào trong Mật pháp. Kinh ấy nói: “Dựa vào sức mạnh phương tiện của các thừa, vì lợi ích của chúng sinh mà phân ra các loại, nhưng rốt cuộc tam thừa đều quy về một mối chung là quả thừa”. Ở đây đích thân Thế Tôn đã tuyên giảng, trong các thừa Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát của Hiển tông cuối cùng đều quy vào trong Mật tông. Theo quan điểm tạm thời để xét thì vì chúng sinh có căn cơ khác nhau nên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới tùy bệnh bốc thuốc, mở ra vô lượng pháp môn để dẫn dắt hàng ngàn hàng vạn chúng sinh. Nhưng bất kể Hiển tông hay Mật tông, mục đích cuối cùng là đều trở thành Phật. Bằng sự phát động mạnh mẽ để đạt mục đích chung ấy, vì trong Mật tông có rất nhiều pháp môn tiện lợi, cho nên người tu hành chọn lựa Mật tông giống như người ta đi máy bay để đến đích nhanh hơn, còn người tu hành chọn lựa các tông phái khác thì cũng giống như người ta dùng phương tiện giao thông bằng tàu hỏa, xe hơi, về sự biểu hiện sẽ đạt đến mục đích chậm hơn phần nào so với Mật pháp. Mục tiêu thì tuyệt đối nhất trí, chỉ khác nhau là đường đi và công cụ mà thôi.
Rất nhiều cao tăng đại đức của Phật giáo Tây Tạng, như các vị Đại sư Tông Khách Ba, Mạch Bành Nhân Ba Thiết, trong hai luận điển khác nhau là Mật Tông Đạo Thứ Đệ Luận và Trung Luận Yếu Quyết cùng phát biểu một tư tưởng: Nếu so sánh Mật tông với Hiển tông, thì tạm thời Mật tông có nhiều phương tiện, không khiến cho hành giả phải hành trì khổ hạnh nhiều kiếp, là đặc điểm của pháp môn đã chuẩn bị cho người có lợi căn. Nhưng khi đạt quả cuối cùng, so với Hiển tông hoàn toàn không có bất kỳ sai khác nào. Điều này cũng giống như phái Trung Quán tự tục muốn khác với phái Ứng Thành, tạm thời thấy hai phái này có nhiều điểm bất đồng, nhưng luận cứu thực tế, thì rốt cuộc về mặt ý hướng đều hoàn toàn nhất trí. Còn trong Hiển tông nếu có sự khác nhau giữa đốn ngộ và tiệm ngộ và cũng chia làm hai phái Đốn - Tiệm, dù thời gian tu hành dài ngắn khác nhau, nhân duyên chứng ngộ, mỗi phái có phương thức khác nhau, nhưng chứng đạt quả lại không có chút sai biệt nào cả.
Tuy nói những người Ung Đốn Ban Trí Đạt của xứ Tạng cho rằng Hiển tông và Mật tông về mặt đạt Phật quả cũng có những bất đồng, và những luận chứng trình bày của họ đều có giáo chứng tương ứng, nhưng ở đây là nhắm vào quan điểm tương đối nhất trí của giới Phật giáo Tây Tạng thì hoàn toàn không liên quan đến quan điểm cá biệt của những người Ung Đốn Ba Trí Đạt. Tôn giả Toàn tri Vô Cấu Quang trong Đại Viên Mãn Tâm Tính Hưu Tức Đại Xa Sớ, Tôn giả Trí Bi Quang trong Công Đức Tạng đều gián tiếp nói đến chỗ khác nhau của Phật pháp Hiển tông và Mật tông: Tu pháp tạm thời khác nhau; chọn lựa biện pháp kiến giải khác nhau, cách thức đối trị phiền não khác nhau, thời gian thành tựu nhanh chậm khác nhau. Đối với những vấn đề này, người có hứng thú nếu đọc thêm các tác phẩm như Tạng Mật Phật Giáo Sử của Pháp vương Đốn Chu, Đại Viên Mãn Truyền Thừa Nguyên Lưu của Kham bố Nữu Tây, Tâm Trích Đại Thích và Trách Cát Phật Giáo Sử của Tôn giả Vô Cấu Quang, thì có thể biết Hiển Mật tuy chứng quả cuối cùng hoàn toàn nhất trí nhưng người tu hành Mật pháp lại nhờ pháp phương tiện của Mật tông mà chứng được Phật quả nhanh chóng hơn. Nếu quý vị đọc kỹ các tác phẩm Cao Tăng Truyện, Ngũ Đăng Hội Nguyên thì không thể vì trong Mật pháp có pháp phương tiện mà cảm thấy nghi ngờ, bởi trong các bộ sách đó đều ghi chép các vị cao tăng đại đức xứ khác dựa vào các pháp phương tiện của mình mà việc tu chứng nhanh chóng thành tựu. Chỉ nói trong tình trạng chung chung, chúng tôi cho rằng pháp môn phương tiện của Mật pháp rõ ràng vượt xa và nhiều hơn so với Hiển tông mà thôi.
Từ khi xứ Tạng nhập vào xứ khác, Thượng sư Nặc Na đã có những cống hiến to lớn đối với việc hoằng dương Mật pháp, ông đã từng nói rằng: Mật tông và Tịnh độ tông của xứ khác hoàn toàn không có gì sai khác, tu theo bất cứ bản tôn nào cuối cùng đều phải thành tín thực tu pháp môn Tây phương Tịnh độ. Lời nói của Ngài quả không sai, vì Đại viên mãn, Đại thủ ấn đều có liên quan đến quy phạm, tu pháp của vãng sinh về thế giới vãng sinh Tây phương. Thượng sư Cống Ca cũng đã nói: Vãng sinh thế giới cực lạc là thành tựu của Mật tông, cùng với tức thân thành Phật quả thực không có gì khác nhau cả. Như Nguyên Âm lão nhân của xứ khác cũng nói ra những tư tưởng tương tự như vậy: Mật tông, Tịnh độ tông đều tu hành nghiêm túc, thì vạn người tu vạn người đạt. Tuyên Hóa thượng nhân cũng nói: “Thiền, Giáo, Luật, Mật, Tịnh tuy nói là năm tông phái, suy cho cùng đều nói là một chứ không phải hai”. Đại sư Vĩnh Gia cũng nói gần giống như vậy: “Tông diệc thông, thuyết diệc thông”. Cho nên tôi mới nhấn mạnh nhiều lần là nếu thông suốt đại nghĩa Phật pháp, tự mình có thể dung thông các tông các phái; nếu chấp trước là tông của mình, phái của mình thì ắt là đang chia cắt Phật pháp dung thông bất nhị của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vậy.
Không chỉ Hiển Mật có căn nguyên không phải hai lối, và Mật pháp dù có thể chia làm tám giáo phái lớn, nhưng kỳ thực cũng là một thể cùng đi một hướng. Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, trên thực tế những vị đại thiện tri thức hoằng dương Phật pháp toàn là hóa thân vô nhị của Đức Phật, những điều đem ra hoằng dương cũng toàn là Phật pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chính như Kinh Niết Bàn có nói: “A Nan! Đừng đau khổ; A Nan! Đừng kêu rên, ta sẽ có mặt ở đời sau, biến hóa thành thiện tri thức, làm lợi lạc cho chúng sinh”. Tiếp đó, đời thứ tư là Ban Thiền Lạc Tang Khúc Kiên nói: “Đại trí thành tựu Liên Hoa Sinh hóa thân thành Cụ Đức Nhiên Đăng Tôn (tức A Để Hiệp), lại hóa thành Lạc Tang Trát Ba Hoa (tức Tông Khách Ba), còn ta không ở trong số đó nên xin quy y”. Đại sư đời thứ hai là Đạt Lại Cách Đặng Giang Thố cũng nói: “Thành tựu Trì minh Liên Hoa Sinh, Ngũ bách Đỉnh Sức A Để Hiệp, Kim cương Trì Phật Tông Khách Ba, Dị thân Du Vũ ta xin đảnh lễ”. Do đó, các tông phái lớn của xứ Tạng đều phổ biến công nhận: Đại sư Liên Hoa Sinh của phái Ninh Mã, Đại sư Tông Khách Ba của phái Cách Lỗ, Tôn giả A Để Hiệp của phái Cát Đang, Đạt Ba Ngõa của phái Cát Cử, Tát Ban Cang Ca Giáng Thôn của phái Tát Ca đều là những vị hóa thân. Lại như Hoa Trí Nhân Ba Thiết cũng nói: “Ngũ Minh hiểu rõ người khai sáng Hiển tông là tôn giả Tát Ban, Tông Khách Ba là cội nguồn của Hiển Mật, giáo chủ Phật pháp Long Khâm Ba (tức tôn giả Vô Cấu Quang), Tuyết Vực là ta xin đảnh lễ ba vị Đại Văn Thù”. Như vậy ở đây đã chỉ rõ ràng rằng Trí đạt Tát Ca Ban, Đại sư Tông Khách Ba, Tôn giả Vô Cấu Quang, ba vị này đều là hóa thân của Bồ tát Văn Thù, điều này đã xác nhận chư vị đại đức trong giới Phật giáo Tây Tạng nhất trí công nhận cách lý giải ấy.
Quả là không hẹn mà gặp, rất nhiều vị đại đức tổ sư trong Hiển tông cũng cùng lúc “thân kiêm nhiều việc”, vừa là tổ sư của giáo phái, vừa kiêm cả việc hoằng dương giáo pháp của tông phái khác. Ví như đại sư lục tổ của Tịnh độ tông Vĩnh Minh Diên Thọ, là người làm nhiều việc, cùng lúc vừa là tông sư của phái Thiền tông Pháp nhãn, khái niệm Thiền Tịnh song dung của Ngài có thể đọc thêm trong Thiền Tông Lục; lại còn xướng xuất Thiền Giáo dung hợp của Thiền sư Khuê Phong Tông Mật, Ngài muốn nhấn mạnh sự dung thông vô ngại giữa Đạo giáo và Thiền tông.
Hẳn nhiên chính Đức Phật và những đại sư tiền bối đều tuyên bố rõ ràng chính xác rằng các tông Phật pháp, các phái thiện tri thức đều vì chính pháp Phật giáo, vì sự hóa hiện của chính Đức Phật, chúng ta là những kẻ hậu học không nên làm theo cảm tính, không nên ai lo việc nấy, không nên gièm pha lẫn nhau. Trong sự thể hiện, các phái quả là có không ít sai khác, nhưng những sai khác ấy không phải là điều tuyệt đối, mãi mãi bất biến, cũng không phải là như nước với lửa, không cùng tồn tại. Nếu dung hợp các tông các phái lại với nhau thành một thể thống nhất thì ngược lại sự tồn tại của những sai biệt ấy lại làm rõ những đặc điểm “tùy cơ thi giáo - tùy thuộc vào căn cơ chúng sinh mà thực thi giáo pháp tương ứng” của Phật pháp, nhờ vậy chúng ta mới có thể có được những gì cần có, mới uống được vị ngọt cam lộ trong biển pháp mênh mông của Phật pháp.
Thêm vọng niệm phân biệt, thì Phật pháp ắt bị chia cắt, cùng viên dung hợp nhất thì người tu hành ai cũng được lợi lạc.