Pháp sư Tế Quần: Dân tộc Tạng là một dân tộc toàn dân có tín ngưỡng tôn giáo, vì tín ngưỡng mà không tiếc gia sản tiêu tán. Nhưng trong thời kỳ cách mạng văn hóa, có sự kiện một số người Tạng đã tham gia phá hủy chùa viện. Có một số gia đình người Tạng còn đem tượng Mao Trạch Đông thay thế tượng Phật để tôn kính. Hiện tượng này làm tôi cảm thấy rất đáng ngờ, vì sự chuyển biến ấy có thể làm nảy sinh cực đoan như thế, vả lại hầu như quá trình ấy xảy ra khá nhanh. Về việc này không biết Kham bố đối xử như thế nào?
Kham bố Sách Đạt Cát: Dân tộc Tạng là một dân tộc toàn dân có tín ngưỡng Phật giáo, theo tài liệu thống kê liên quan chỉ rõ, trong số nhân khẩu của người tộc Tạng có khoảng 99% số người tôn thờ Phật giáo, điều này rất hiếm thấy ở bất cứ một dân tộc nào khác. Về tín ngưỡng Phật giáo của người tộc Tạng, kỳ thực trong các kinh điển như Vô Cấu Xứng Kinh đã sớm có các loại thụ ký đối với việc này, trong số các kinh điển ấy, chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tuyên bố đến tình trạng tương lai Phật pháp sẽ được hoằng dương rộng rãi tại xứ Tây Tạng. Quả đúng là người tộc Tạng vì Phật pháp mà có thể đi đến khuynh gia bại sản cũng không chút luyến tiếc, lòng thành kính của họ đối với Phật pháp trong sáng chân thực có thể nói là một tấm chân tâm trong sáng, thuần khiết vô nhiễm.
Còn nói đến sự phát sinh chuyển biến về vấn đề tín ngưỡng của quần chúng nhân dân xứ Tạng trong thời kỳ đại cách mạng văn hóa, cá nhân tôi cho rằng, cái gọi là sự chuyển biến ấy nếu nói có thì cũng chỉ là một số thay đổi trong giới hạn của các hành vi bên ngoài, còn nói đích xác toàn dân đánh mất tính chất cơ bản ấy của tín ngưỡng thì dù sự chuyển biến như thế nào cũng không thể xảy ra. Ví như mấy vấn đề sau đây thì cần phải ở vào tầm nhìn của chúng tôi để tham khảo thực chất của hiện tượng ấy mà suy nghĩ, nhận định: Tư liệu làm căn cứ đến từ con đường nào?
Trong những phát ngôn chính thức và không chính thức, chúng ta lấy gì để làm chuẩn mực cho việc thẩm định sự thực? Kết luận cuối cùng là nên từ điều tra và trải nghiệm của chính bản thân mình hay từ nghe theo tin đồn hoặc thậm chí từ văn kiện của cơ cấu tổ chức đơn phương của một số người khác? Còn một điểm nữa là chúng ta khi đối mặt với những vấn đề lịch sử như vậy, cần đưa ra một quan điểm chính xác: đánh giá phẩm chất của một dân tộc là nhìn xem các nhân tố tương đối ổn định của dân tộc ấy từ hàng ngàn năm trở lại, như việc sáng tạo văn hóa, phẩm chất luân lý đạo đức, hoặc diện mạo tinh thần, tính chất tâm lý cơ bản, phương thức hành động… sau đó chính từ những nhân tố ấy mới thấy được toàn bộ hình ảnh của dân tộc sinh sôi nảy nở từ hàng ngàn năm nay. Trên thế giới, bất cứ dân tộc nào cũng hoặc nhiều hoặc ít đi qua một giai đoạn như thế trong lịch sử phát triển lâu dài của mình, thậm chí còn phải trải qua thời gian dài đau khổ, vất vả, xuyên tạc, hỗn loạn, điên đảo hoặc tàn khốc, biến đổi, những hiện tượng khác thường ấy thực ra là một thứ sản phẩm loại hai của phẩm chất văn hóa thống lĩnh một dân tộc mà thôi. Lấy kinh nghiệm sống trong mười mấy năm của cá nhân mà xét, nếu không nhận biết thấu đáo tiến trình lịch sử lâu dài tồn tại trong thời kỳ đen tối, thì trong mắt anh ta sợ rằng cũng không thể có một dân tộc tinh thuần trong sạch, một cá nhân tinh thuần trong sạch tồn tại trên thế gian này. Đối với xứ khác mà nói, nếu chúng ta cũng lấy một số lớn, thậm chí hàng triệu người dân Hán đã thể hiện trong cảnh khó khăn để loại suy toàn bộ dân tộc tính của người Hán, vậy thì một dân tộc vĩ đại đã sáng tạo một nền văn minh xán lạn từ năm ngàn năm nay há chỉ còn lại một khối người có căn tính kém cỏi, xấu xí, đáng sợ, hết thuốc chữa hay sao?
Trong thời kỳ cách mạng văn hóa, hàng ngàn ngôi tự viện của xứ Tạng đều bị phá hoại theo mức độ khác nhau, những nguyên nhân trong trường hợp này, bao gồm cả nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài đều vô cùng phức tạp. Một mặt có nhân tố cộng nghiệp của chúng sinh, một mặt lại có sự tác động của nền chính trị đặc thù và bầu không khí nhân văn của xứ Tạng. Sự phức tạp của tình hình lúc bấy giờ vượt xa mức tưởng tượng của chúng ta ngày nay, trong nước, chính trị áp chế, kinh tế cưỡng bức, kích động xúi bẩy, dùng lợi khêu dẫn, đương nhiên điều thường thấy nhất là sinh mệnh bị uy hiếp. Không biết tình hình này, trong số các loại tư liệu có được giới thiệu hay không?
Tôi là một người xuất gia bình thường, nhắc lại chuyện xưa, vết thương tái hiện, mở ra xem lại khiến ký ức mọi người đau khổ không nguôi, chỉ vì cùng mọi người thử bàn xem ai là người gánh trách nhiệm chủ yếu của tấn bi kịch lúc bấy giờ, điều này không phải là việc tôi tự nguyện đứng ra làm, cũng không phải là công tác thuộc phạm vi của tôi. Nếu nói quá khứ không có điều tâm đắc, thế thì tôi nghĩ còn có nhiều việc quan trọng đang chờ chúng ta giải quyết. Rốt cuộc, chúng ta đều cùng tiếp tục tiến lên phía trước. Nhưng Pháp sư đã đề cập đến vấn đề ấy thì những lời này không thể không nói ra.
Trong trí nhớ của tôi, vào những năm đó rất nhiều người tộc Tạng ở trong tình cảnh bị đe dọa, bị buộc phải tham gia việc phá hủy chùa miếu. Nhưng có một sự thật cũng cần được nói rõ: có thể có nhầm lẫn vì trong số những người tham gia đốt phá chùa miếu, có nhiều người thuộc dân tộc khác mặc trang phục người Tạng. Với những gì mà mọi người nhìn thấy trong các loại tài liệu về trình trạng này sợ rằng không được nói đến, nhưng đúng như những gì ông Lỗ Tấn nói, những lời dối trá viết bằng mực rốt cuộc đã không thể che lấp sự thật viết bằng máu. Do vậy, nếu cho hành động hủy hoại chùa viện đều đổ lên đầu người tộc Tạng, điều này sợ rằng không công bằng.
Ở huyện Lô Hoắc quê hương của tôi đã từng xảy ra một sự kiện, trong một gian của nhà tụng giảng kinh sách của ngôi chùa chứa đầy cả binh lính, họ nuôi ngựa trong nhà tụng ấy. Kết quả, vào một buổi tối nọ cỏ nuôi gia súc bị cháy, cả sảnh đường tức khắc biến thành biển lửa, cuối cùng bị thiêu rụi thành đống gạch vụn. Những trường hợp tương tự như vậy còn có rất nhiều nữa, chỉ cần hỏi thử những vị bô lão người tộc Tạng hiện đang còn khỏe mạnh thì từ miệng họ nói ra, bạn sẽ được nghe nhiều điều hơn, càng không thể nghĩ bàn, càng khiến người ta cảm thấy sự việc trắng đen điên đảo.
Tôi nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa là tôi đang rửa sạch tội ác thay cho tất cả những người tộc Tạng, tôi không dám bảo đảm là không có người Tạng tham gia hành động phá hoại chùa miếu, nhưng dù có đi chăng nữa, thì những người này tuyệt đối không phải đại biểu cho đại đa số của người tộc Tạng. Vả lại, hành động của họ, về căn bản, cũng không thể thay đổi sự thực tín ngưỡng tôn giáo của toàn thể dân tộc Tạng được, càng không thể sổ toẹt sức hấp dẫn văn hóa và phẩm hạnh nhân cách của toàn thể người tộc Tạng. Chỉ xin đưa ra một ví dụ:
Sau khi chính sách được khôi phục, rất nhiều chùa viện lập tức được xây dựng lại, được hồi phục chỉ trong một thời gian rất ngắn, những kinh sách, pháp khí, tượng Phật, văn vật trong các chùa viện, những tác phẩm và đồ vật của các vị cao tăng đại đức để lại được trân quý cất giữ trong chùa, tuyệt đa số đều còn nguyên vẹn, không hư tổn. Những thứ ấy, nếu đều bị những người Tạng “chuyển biến nhanh chóng” phá hủy tất tần tật thì làm sao lúc này chúng có thể đột nhiên hiện ra lồ lộ một lần nữa như vậy? Kiến trúc bên ngoài của chùa viện có thể bị hủy hoại, nhưng lại có nhiều người Tạng đã đánh đổi sinh mệnh của mình để ra sức bảo vệ giữ gìn giá trị bên trong của tất cả những đồ vật quý báu như kinh sách, pháp khí, tượng Phật, người nhà của chúng tôi cũng đã từng tham gia công việc cấp cứu văn vật của chùa viện trong những năm đó.
Lúc bấy giờ có một vị Lạt ma ủy thác cho cha mẹ tôi cất giấu một bộ kinh thư duy nhất của chùa, từ đó, người nhà chúng tôi phải chôn giấu của quý ấy suốt bảy tám năm trời. Nếu bị người ta phát hiện, cha mẹ tôi chắc chắn phải đi ở tù. Nhưng mỗi khi chuyển nhà, trước hết cha mẹ tôi đem của quý ấy cất trong hang núi, đợi cho ổn định lại rồi lặng lẽ đem về chôn giấu cẩn thận, cũng không thể tùy tiện đem giao cho người khác được.
Còn có rất nhiều người Tạng không thể công khai tụng niệm chú ngữ, cúng kính tượng Phật, siêng đi cúng dường lễ bái, họ chỉ làm những việc ấy một cách thầm lén. Tại vùng tôi ở, có bảy hộ dân chăn nuôi bò công cộng theo quy định, chính mắt tôi nhìn thấy, buổi chiều, sau khi họ chăn bò trở về, mọi người đều ở trong nhà tụng kinh niệm Phật, lễ bái không thôi. Người Tạng nơi địa phương chúng tôi hoàn toàn không phải là “phần tử tiên tiến Phật học” trong số những người Tạng, họ đều là những người dân Tạng thông thường. Dùng lý mà suy, phần đông dân chúng tộc Tạng đương nhiên giống nhau, không thể từ trong ra ngoài đều một sự chuyển biến từ đầu đến cuối được.
Trong nhà người Tạng những năm tháng ấy nói chung đều có treo ảnh của Mao Trạch Đông, thực ra việc này trên cả nước đều giống nhau. Nhưng ở đằng sau hiện tượng chung chung như vậy, người tộc Tạng lại có một cách hành động đặc biệt - phía sau ảnh của Chủ tịch, họ thường tôn thờ một bức ảnh Phật; hoặc ban ngày thì treo ảnh Mao Trạch Đông, ban đêm lại thay bằng ảnh Phật hay Bồ tát, và vẫn cúng đèn, cúng nước không bao giờ gián đoạn. Khách quan mà nói, trong không khí chính trị lúc bấy giờ, một lòng thành kính tín ngưỡng Phật pháp như vậy sợ rằng khó có bất cứ một dân tộc nào sánh ngang với dân tộc Tạng.
Sau cách mạng văn hóa, việc tôn kính các loại hình ảnh vĩ nhân thế gian trong các gia đình người Tạng dần dần giảm đi. Theo cá nhân tôi quan sát gần hai mươi năm nay, tôi chưa từng thấy các loại hình ảnh ấy trong bất cứ gia đình của một người Tạng nào, dù là gia đình của những người chăn nuôi, hay gia đình của những phần tử tri thức. Gần đây, tôi lại thấy một bài báo nói về việc người Tạng treo ảnh lúc tết đến xuân về. Nhưng thoạt nhìn lối ăn mặc của mấy người Tạng, tôi lại nghĩ có thể nhà báo đó nhận lầm chăng? Bởi vì cử chỉ, áo quần của họ rõ ràng không giống như những gì mà người Tạng làm.
Đại sư Liên Hoa Sinh đã sớm tiên đoán rằng, trong những năm tháng sau này, ma nam có thể đi vào tâm của người đàn ông, ma nữ có thể đi vào tâm của người đàn bà, quỷ độc giác (quỷ một sừng) có thể đi vào tâm của trẻ nhỏ. Do đó, trong điều kiện lịch sử hỗn loạn xảy ra, đúng vào năm tháng bọn ma quỷ múa may quay cuồng, có một số người Tạng cũng theo ma quỷ quay cuồng quả thật không có gì đáng ngạc nhiên cả. Nhưng nếu lấy đó để bàn luận mà nói người tộc Tạng trong phạm vi rộng lớn đều phản bội tín ngưỡng, vứt bỏ Phật pháp, thì rõ ràng không phù hợp với sự thật lịch sử. Trong tâm trí tôi còn nhớ mãi một bức tranh như thế này: lúc đó rất nhiều tăng nhân bị ép buộc phải cởi bỏ quần áo của người đi tu, nhưng trong trang phục tục gia của họ, thường vẫn thấp thoáng nhìn thấy bên trong họ mặc áo quần của Lạt ma. Đó cũng là đã cho chúng ta một lời giải thích về hình tượng của toàn bộ tình hình tín ngưỡng Phật giáo xứ Tạng lúc bấy giờ: sự biến đổi bên ngoài tuyệt đối không đại biểu cho linh hồn khí phách ở bên trong; thân và tâm không cùng hòa hợp nhịp nhàng, thậm chí tách rời, nguyên nhân không phải do ý muốn của cá nhân mà là do sự bức bách của hoàn cảnh. Nhưng trong không khí đó, đại đa số người Tạng vẫn không muốn đi ngược lại tâm ý của mình, họ chôn sâu niềm hy vọng của mình vào tận đáy lòng, bình tĩnh mà kiên nhẫn đợi bình minh xuất hiện.
Vào năm 1987, trên đỉnh Bồ tát của Ngũ Đài Sơn, tôi đã thấy một vị Hán tăng, khi nói đến hàng loạt những hành vi không hợp với đạo pháp mà mình đã làm trong thời kỳ cách mạng văn hóa, ông không cầm được nước mắt đã khóc lên giàn giụa. Đúng là cuộc cách mạng văn hóa ấy là một thử thách lớn đối với tín đồ Phật giáo xứ Tạng, xứ khác, thậm chí đối với quần chúng nhân dân bình thường. Tương tự, những chùa viện của xứ khác cũng bị phá hoại không một chút nhẹ tay hơn so với mức độ phá hoại những chùa viện ở xứ Tạng, thời gian, phạm vi, mức độ mà nhân dân phải chịu đựng là chưa từng thấy trên thế giới này. Khi đi hàn gắn lại vết thương lịch sử, điều quan trọng không phải là đi xem những biểu hiện bên ngoài của quần chúng nhân dân đã trải qua trong giai đoạn lịch sử đặc biệt ấy mà là cần tự hỏi lại mình, bình tĩnh xem xét một cách sâu sắc tâm của mọi người trong buổi nhiễu nhương ấy, cơ bản có còn giữ được sự tôn nghiêm, nhân cách, đạo đức và lương tâm cần có hay không? Nếu trước sau trong tâm của họ trong sạch, hướng về đạo pháp thì cá nhân ấy hay dân tộc ấy đã có một lý tưởng sinh tồn cao cả. Đối với cá nhân tôi, tuy ở Phật học viện Lạt Vinh gần hai mươi năm văn tư Phật pháp, nhưng nếu khi có một cuộc cách mạng văn hóa như vậy, hoặc khi xảy ra một đại kiếp nạn nào tương tự, tự mình có thể giữ vững lập trường hay không, thân khẩu ý có mảy may làm những việc phản lại chính pháp hay không, tôi nay hoàn toàn không dám vỗ ngực đứng ra quyết chắc tuyên thề.
Từ trong tai họa của cuộc cách mạng văn hóa ấy, người tộc Tạng đã đứng thẳng lên, đối với tương lai của dân tộc lòng tôi tràn đầy hy vọng, cũng như đối với những khốn khó, những trắc trở đã từng trải qua để rồi sau đó dân tộc ấy vẫn ngoan cường sống sót thì tôi lại càng chứa chan hy vọng. Nhưng đồng thời một thứ phiền muộn sâu sắc thường xâm chiếm trong tâm khảm tôi: Thế hệ thanh niên người Tạng ngày nay liệu có thể bỏ rơi chỗ đứng của Phật giáo và cuối cùng sẽ đầu hàng hay không trong cuộc đại cách mạng văn hóa thị trường trên toàn cầu, văn hóa quyền thế cưỡng bức và văn hóa lưu hành tước đoạt quyền sinh tồn của nền văn hóa thiểu số?
Muốn giữ vững sự thuần tịnh và cao thượng của tâm hồn người tộc Tạng, phương cách ứng phó duy nhất và hy vọng duy nhất chỉ có thể là tiếp tục xem Phật giáo là mạch sống của chúng ta. Phật giáo đã hun đúc lòng từ bi, lòng kiên nhẫn của người tộc Tạng, nhưng người tộc Tạng bằng sự chỉ dẫn của tâm sẽ hướng theo Phật pháp để đem lại sự vinh quang cuối cùng.