Đại sư Tế Quần: Tôi làm công tác giáo dục Phật giáo và hoằng pháp thông tục trong thời gian dài, tôi đã rất quan tâm đến giáo dục Phật giáo. Theo như tôi được biết Phật giáo Tây Tạng có một chế độ giáo dục vô cùng hoàn chỉnh vì Phật giáo Tây Tạng đã đào tạo ra nhiều tăng tài xuất chúng. Kham bố chủ trì lâu năm việc giảng dạy tại Phật học viện Ngũ Minh, đối với việc giáo dục Phật giáo nhất định có nhiều kinh nghiệm. Tôi muốn hiểu đôi điều về chế độ giáo dục của Phật giáo Tây Tạng được chăng?
Kham bố Sách Đạt Cát: Một người bình thường muốn duy trì mức sinh hoạt cơ bản trong xã hội hiện nay, đồng thời có được một chỗ đứng trong xã hội, quả thực không phải là một chuyện dễ dàng và đơn giản. Để được như vậy, suốt ngày anh ta phải cố gắng vật lộn trong chốn thế gian phức tạp với cả một đống việc không thể không làm và không thể không lo nghĩ, vất vả, chạy vạy vì mình, vì gia đình, vì sinh kế, vì miếng cơm manh áo, vì con cái… Là một tín đồ Phật giáo, chúng ta bày tỏ sự thông hiểu và đồng tình sâu sắc về vấn đề đó. Nhưng đối với người xuất gia, điều kiện, hoàn cảnh, không khí tu hành của ông ta thì đơn giản hơn rất nhiều, điều ông ta lo lắng duy nhất là sự tiến bộ trong tu hành và đại nghĩa Phật pháp của mình. Nếu một người xuất gia khoác trên mình chiếc áo cà sa mà không chịu được sự tĩnh lặng, không chống lại được những cám dỗ của thế giới bên ngoài, trong tiếng kêu khổ liên miên suốt ngày của người thế gian lại còn muốn liều lĩnh dấn thân, không cần phải đi vào biển khổ của thế nhân để phải một phen xông xáo, và rốt cuộc bị lún sâu vào vũng lầy của phiền não như bao nhiêu người tại gia khác rồi có muốn rút lui cũng không được, thì chỉ khiến cho người ta cảm thấy tiếc nuối sâu sắc mà thôi.
Vì vậy đối với việc hoằng pháp lợi sinh của Pháp sư Tế Quần, xuất phát tự đáy lòng mình, tôi mới bày tỏ sự khâm phục sâu xa. Hàng loạt những việc làm của ông, như Pháp sư đã nói rõ, lâu năm làm công tác giáo dục Phật giáo và hoằng pháp thông tục, một mặt đã gieo trồng hạt giống Phật pháp vô cùng quý báu trong quần chúng nhân dân, mặt khác lại xây dựng thành một tín đồ Phật giáo chân chính trước mắt thế nhân, đặc biệt là hình tượng của một pháp sư cần phải có. Tôi đã từng đọc các bài như Ý nghĩa hiện đại của “Kinh Kim Cương”, Trí tuệ nhân sinh của “Tâm Kinh” do Pháp sư viết, trong đó ông đã trình bày những kiến giải rõ ràng chính xác của mình, đặc biệt là khi đối mặt với phần lớn những người bình thường có trình độ tu dưỡng Phật giáo không quá cao, nhưng trong nhiều trường hợp vẫn không làm mất bản nghĩa của Phật giáo, ông đã dùng ngôn ngữ dễ hiểu để giảng giải những ý nghĩa sâu sắc của các kinh điển Phật pháp, quả thực khiến người ta có cảm tưởng như ông ta đang mở ra một hình thức mới. Chính bản thân ông là một pháp sư uy nghi trang nghiêm, giới luật thanh tịnh và ăn nói thanh nhã, cảm tình. Sự nghiệp, hành trì, phong cách của ông hiện nay có thể được tái hiện và còn mãi với những đệ tử của pháp sư, đó là điều khiến người ta cảm thấy vui vẻ, an lòng nhất.
Những hành vi của Pháp sư Tế Quần mới có thể gọi là mẫu mực của tín đồ Phật giáo, những gì mà ông thực hiện mới đích thực là đang hộ trì Phật giáo. Hoằng dương Phật pháp hoàn toàn không phải chỉ đơn thuần thể hiện ở chỗ xây dựng chùa viện to lớn và mở ra các cuộc hội nghị Phật giáo, cũng không phải thể hiện ở chỗ mở rộng các dạng các thức về hình tượng Phật pháp. Làm thế nào để hướng cái tâm của con người thường hướng vào những việc vụn vặt ở đời đến với trí tuệ của Phật pháp, khiến họ có thể hiểu biết đích thực chân lý của Phật giáo, đó mới được xem là hành vi hoằng pháp lợi sinh to lớn nhất và có giá trị nhất.
Đối với những gì pháp sư đã làm, như quán đỉnh, hộ trì, quy y cho các đệ tử, thì những việc đó đều có thể gọi là thiện sự. Nhưng trước mắt có rất nhiều người không tin nhân quả, do đó mọi người mới bất chấp tất cả chẳng hề kiêng dè tranh nhau làm điều ác trong toàn xã hội rộng lớn này, việc tiến hành giáo dục Phật giáo chính quy, thanh tịnh, chính thống đối với chúng sinh rõ ràng là một điều đặc biệt then chốt. Là một người xuất gia của Phật giáo Tây Tạng và đã học tập ở Phật học viện Ngũ Minh gần hai mươi năm, bản thân tôi đối với vấn đề này lại càng trải nghiệm và thể tất.
Đối với việc giảng dạy Phật giáo, tôi không có nhiều kinh nghiệm để nói, nhưng điều tâm đắc thì có. Từ ngày bắt đầu chính thức bước vào điện đường Phật pháp, trong lòng nghĩ đến các vị cao tăng đại đức từ xưa đến nay không làm theo pháp thế gian, hoàn toàn lấy lời nói và việc làm để hoằng pháp truyền đạo bằng cái tâm vô ngã lợi tha mà tán thưởng vô cùng; đồng thời cũng vì hệ thống giáo dục Phật giáo ở xứ Tạng đặc sắc, nghiêm túc và khoa học mà tự hào vô cùng. Chính nhờ chế độ giáo dục Phật giáo như vậy mà hàng loạt những vị đại thành tựu mới trổ hết tài năng; và bằng sự cố gắng của họ, trong chế độ bồi dưỡng tăng tài liên miên không ngừng, truyền thừa không dứt, các thế hệ người tu hành Phật pháp hết đời này đến đời khác tiếp tục trưởng thành mạnh mẽ.
Buổi sơ khai của nền giáo dục Phật giáo Tây Tạng có thể bắt đầu vào khoảng giữa thế kỷ VIII sau Công nguyên. Theo Tạng vương Xích Tùng Đức Tán nghênh đón Đại sư Liên Hoa Sinh vào xứ Tạng và Sơn Nam xây chùa Tang Da như hiện nay thì đệ tử người Tạng bắt đầu lũ lượt xuất gia làm thầy tăng. Từ đó trở về sau, người ta lấy chùa viện làm đại bản doanh cho giáo dục Phật giáo và các cơ sở tu hành liền được tuyên bố thành hình. Không những việc giáo dục ở chùa viện phát triển trước thời kỳ hoằng pháp mà việc phân khoa giảng dạy chỉ trong thời gian ấy cũng đã bắt đầu có quy mô. Đến sau thời kỳ hoằng pháp trở đi, chùa viện trở thành cơ sở giáo dục quan trọng hơn bao giờ hết, đồng thời lấy các luận điển như Thích Lượng Luận, Hiện Quán Trang Nghiêm Luận, Nhập Trung Luận mệnh danh là các loại chuyên khoa giảng kinh viện cũng được thành lập khắp nơi một cách rầm rộ. Tát Già Ca Kiên Tán còn viết bộ sách Trí Giả Nhập Môn trình bày lý luận về ba phương diện giảng giải, biện luận, trứ thuật, trong đó cũng đề cập đến khái niệm và phương pháp thực hành giáo dục Phật giáo Tây Tạng, là nền tảng vững chắc để tiến tới chính quy hóa giáo dục tự viện.
Năm 1409, Đại sư Tông Khách Ba xây dựng chùa Cam Đan tại huyện lỵ Lạp Tát Đạt Tư, ông sáng lập ra phái Cách Lỗ, từ đó trên toàn nước Tây Tạng bắt đầu phát triển và mở rộng khắp nơi. Một thời gian sau, trên toàn bộ xứ Tạng chùa viện thuộc phái Cách Lỗ mọc lên như nấm sau mưa trong một phạm vi rộng lớn hơn, lấy ba chùa lớn ở Lhasa là chùa Cam Đan, chùa Sắc Lạp, chùa Triết Phong làm tự viện đại biểu cho phái Cách Lỗ, và không lâu sau đó, người ta thực hiện chế độ giáo dục chùa viện nghiêm mật đến tất cả các chùa viện của phái Cách Lỗ trong toàn xứ Tạng.
Chế độ giáo dục chùa viện của phái Cách Lỗ có ảnh hưởng khá lớn trong toàn bộ Phật giáo Tây Tạng, và phạm vị lan tỏa của nó cũng khá rộng, dưới đây chúng tôi lấy việc giáo dục chùa viện của phái Cách Lỗ làm ví dụ cụ thể để phân tích và giải thích sơ qua những đặc trưng giáo dục của Phật giáo Tây Tạng.
Sau khi tăng nhân bước vào chùa viện và bắt đầu học kinh một cách chính quy, thường chia làm ba loại hình: một là trước Hiển sau Mật, tức là đầu tiên phải vào Học viện Hiển tông học tập cho đến khi tốt nghiệp, sau khi thi đỗ được học vị Cách tây (Gheshe), lại chuyển qua Học viện Mật tông học tập, tốt nghiệp xong nhưng vẫn thuộc người của Học viện Hiển tông; hai là trực tiếp đi vào Học viện Mật tông học tập, hoặc đi vào Học viện Y phương, Thời luân học tập; ba là chỉ học tập ở Học viện Hiển tông, không chuyển qua học tập ở Học viện Mật tông. Các môn học của Học viện Hiển tông là cố định, tức thông thường người ta gọi là Ngũ bộ đại luận: đó là Thích Lượng Luận của Luận sư Pháp Xứng, Hiện Quán Trang Nghiêm Luận của Bồ tát Di Lặc, Nhập Trung Luận của Bồ tát Nguyệt Xứng, Giới Luật Bản Luận của Luật sư Công Đức Quang và Câu Xá Luận của Bồ tát Thế Thân. Thời gian học xong năm bộ đại luận ấy phải mất khoảng hơn mười lăm năm, nói chung học hết môn này lại học tiếp môn khác, và đặc biệt nhấn mạnh là thuộc lòng nhớ lâu, dung hợp viên thông. Sau khi tăng nhân của học viện Hiển tông học tập trong khoảng hơn mười lăm năm mới đủ tư cách để thi học vị Cách tây.
Học viện Mật tông là nơi tăng nhân phái Cách Lỗ (Cách Lỗ: dịch âm từ chữ Dge-lugs-pa trong tiếng Tây Tạng, nghĩa là Thiện Luật 善律, tức giáo phái rất tinh thông và rất chú trọng việc giữ gìn giới luật, do tăng nhân phái này đội mũ vàng nên cũng thường gọi là Hoàng giáo hay Phái mũ vàng. Tạng: Dge-lugs-pa; Anh: Geluk). Học tập Mật pháp, viện này được chia thành hai tòa thượng Mật viện và hạ Mật viện, đặt ngay trong chùa Cam Đan, đây là trường học cao nhất của phái ấy. Chính trường này đã đào tạo nên chức danh mang tên Cam đan trì ba - tức pháp tòa sư tử của Đại sư Tông Khách Ba. Người có được chức danh này sẽ trở thành giáo chủ tối cao và học vị tối cao của phái Cách Lỗ. Chức danh này hoàn toàn căn cứ vào trình độ văn - tư - tu của người thi đỗ; từ trong quá trình ra đời, chúng ta đã có thể thấy tính nghiêm mật và tính tầng thứ của chế độ giáo dục Phật giáo Tây Tạng. Để đỗ chức danh Cam đan trì ba, trước tiên phải đỗ bằng thủ khoa mang tên Lạp nhượng ba cách tây (Lạp nhượng ba cách tây nghĩa là bậc thiện tri thức, người có trí tuệ và năng lực vượt trội có thể hướng dẫn người khác tu tập, sau, người ta lấy chữ này làm tên của một bậc học vị trong giáo phái Cách Lỗ) của học viện Hiển tông, sau đó mới thi vào Mật viện Cam Đan để tiếp tục đào tạo chuyên sâu trong năm năm nữa.
Sau khi học xong toàn bộ giáo trình của Mật tông và tham gia kỳ thi lập luận về Mật tông đạt tiêu chuẩn, được bổ nhiệm chức Cách quy (tên một chức vụ trong tổ chức tự viện của Tây Tạng) bốn tháng, đảm trách chức Ông tắc (Ông tắc 翁则: dịch âm từ tiếng Tây Tạng, nghĩa là người chủ lễ, người xướng kinh để hướng dẫn người khác tụng theo trong buổi tụng kinh theo nghi thức của Phật giáo Tây Tạng) hai năm, sau đó giữ chức Kham bố (Vốn trỏ danh xưng của vị đứng đầu trong nghi thức thụ giới của Phật giáo Tây Tạng, tương đương với từ Phương Trượng trong Phật giáo Bắc truyền, sau dùng từ này chỉ chung cho các vị Lạt Ma tinh thông kinh điển hoặc các vị trụ trì, hoặc các vị hiệu trưởng của trường đào tạo Phật học ở Tây Tạng) ba năm, tiếp theo giữ chức Kham tô (sau khi mãn nhiệm kỳ chức vụ Kham Bố thì gọi là Kham tô) vài ba năm nữa, lại đảm nhiệm chức Hạ tư tức cát (tên chức vụ trong tổ chức tự viện của Phật giáo Tây Tạng) ở Thượng Mật viện hoặc chức Giáng tư tức cát (tên chức vụ trong tổ chức tự viện của Phật giáo Tây Tạng) ở Hạ Mật viện chừng mười bốn năm, cuối cùng, đợi bao giờ chức danh Cam đan trì ba không có người đảm trách mới được tuyển chọn để thi vào. Cho nên một học tăng muốn lên ngồi ở bảo tòa Cam đan trì ba có thể nói còn khó hơn là đường lên trời, do đó người Tạng mới có câu ngạn ngữ rằng: “Chỉ cần kẻ nam nhi có bản lĩnh, thì pháp đài Cam Đan1 như là vô chủ”.
1 Pháp đài Cam Đan, nơi tranh luận về Phật học, chủ của pháp đài này là người am hiểu Phật pháp, nhưng nếu có người nào đó cũng am hiểu Phật pháp như hoặc hơn vị kia, thì việc làm chủ pháp đài sẽ thuộc về người giỏi Phật pháp, khi đó, họ không còn vướng ngại vì việc pháp đài đã có chủ nhân nữa, vì họ sẽ trở thành chủ nhân mới rất dễ dàng nên họ xem pháp đài Cam Đan như vô chủ.
Còn về Học viện Mật tông nói chung thường chia làm ba cấp học: sơ cấp, trung cấp và cao cấp, quy định khác biệt là có môn học cố định và yêu cầu khác nhau. Sau khi học xong môn học quy định của Học viện Mật tông, nếu qua kỳ thi hợp cách thì chùa viện các nơi đều có thể trao tặng học vị tương ứng.
Học viện Y minh và Học viện Thời luân nói chung đều lệ thuộc vào các tự viện lớn, cũng chia làm ba cấp học là sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Sau khi học xong môn học chuyên môn của ba cấp học, có thể thi học vị bác sĩ y học hoặc bác sĩ lịch toán.
Trên đây trình bày sơ lược về tình hình thể chế giáo dục Phật giáo của phái Cách Lỗ, dưới đây, tôi sẽ giới thiệu với mọi người phong cách giảng dạy của phái Ninh Mã, trong đó lấy tôi, người của Phật học viện Ngũ minh làm ví dụ. Dù mô thức giảng dạy của Cách Lỗ so với Ninh Mã có chỗ giống nhau nhiều và khác nhau ít, nhưng trong chỗ giống và khác đó có thể khiến cho người ta hiểu biết rõ hơn đặc điểm giáo dục nhiều màu nhiều vẻ của Phật giáo Tây Tạng. Kết hợp cả hai phái, có lẽ cảnh tượng giáo dục hoàn chỉnh của Phật giáo Tây Tạng sẽ hiện lên rõ ràng trong đầu của quý vị.
Dù trước đây bạn tu học bất cứ tông phái nào, cũng như sau này dù bạn lập chí hoằng dương cho pháp môn nào, Phật học viện Ngũ Minh cũng đều hoan nghênh bạn đã đến nơi này. Đối với bất cứ người nào bước vào Lạt Vinh, học viện đều quan sát một cách tỉ mỉ người ấy, sau khi khảo sát các mặt như nhân cách, tố chất học Phật… của người nhập học, nếu nhận thấy hợp cách thì đồng ý và đợi tiếp tục đào tạo chuyên sâu tại học viện. Khi nhập học, thông thường yêu cầu người học trước tiên phải giành khoảng một năm để tu xong gia hạnh và học đầy đủ một số môn học cơ bản Phật học, sau đó để cho họ lần lượt đi vào học các môn của Hiển tông và cố gắng nghe hiểu và suy nghĩ (văn tư). Ví như trước học giới luật, tiếp theo là các môn học như: Trung Quán, Nhân Minh, Câu Xá Luận, Hiện Quán Trang Nghiêm Luận… trong tình hình chung chung thì mỗi môn học có thể chiếm khoảng trên dưới một năm. Sau năm năm kết thúc môn học Hiển tông, người tu hành mới có thể bước vào học tập môn học Mật tông. Việc giảng dạy các bộ phận Mật tông chia làm hai cấp lớp: một là lớp lý luận tục bộ, hai là lớp thực tu, phải mất thời gian khoảng hai năm mới có thể kết thúc chương trình học. Thời gian còn lại thì dùng cho việc học tập y học và các môn học khác. Đợi học xong toàn bộ môn học của Phật học viện, thời gian khoảng mười hai năm thì cũng trôi qua nhanh chóng như thế mà lại quá đầy đủ như thế. Nhưng cũng có một số người tu hành chỉ cần thời gian sáu năm là có thể học xong, lúc đó họ có thể tốt nghiệp trước thời gian quy định, còn những người khác phải cần đến mười hai năm mới có thể hoàn thành chương trình học tập Hiển Mật của mình.
Chỉ cần bạn căn cứ theo yêu cầu giảng dạy của Phật học viện mà nghiêm túc cầu học, thì trong quá trình học tập từng đó năm tháng, các môn học của Đại Ngũ minh Phật giáo như Nội minh, Nhân minh, Y phương minh, Xảo minh và Tiểu ngũ minh, bao gồm cả âm vận học, tu từ học bạn đều có thể nắm vững. Thực ra mười hai năm trong cuộc đời của một người thật là ngắn ngủi, đối với một người thực sự mong cầu học được đại pháp giải thoát sinh tử tại Lạt Vinh thì mười hai năm ấy sẽ nhanh chóng trôi qua nhưng có thể mang lại cho mình phước tuệ tư lương đời đời kiếp kiếp, mãi mãi không hề hao mất. Thử nghĩ lại người đời trong biển lợi danh, mỗi phút mỗi giây của mười hai năm ấy đều đang tạo nên nghiệp luân hồi, cảm giác buồn vui lẫn lộn bất giác tự nhiên trỗi dậy. Buồn cho sự ngu tối của người đời, vui vì đã chọn làm con Phật. Thực ra chúng ta đem bao nhiêu thời gian của cuộc đời đều dùng vào học tập, tạo ra những việc có thể dẫn đến luân hồi, cho nên khi nghe quy chế học tập của Lạt Vinh là mười hai năm, còn của phái Cách Lỗ là mười lăm năm, hai mươi năm thậm chí còn lâu hơn nữa, rất nhiều người có thể sẽ chặc lưỡi kinh ngạc, họ cảm thấy tiêu phí quá nhiều thời gian như vậy chỉ dùng để học Phật pháp thì đúng là quá lâu dài. Nhưng nếu so sánh với những đêm dài vô tận trong kiếp luân hồi thì không biết những kẻ phàm phu tục tử có biết tính toán giữa chúng với nhau hay không, rốt cuộc bên nào dài bên nào ngắn.
Trong hệ thống giáo dục Phật giáo Tây Tạng, bất kể ở tự viện của phái Cách Lỗ hay ở viện Phật học của các tông phái khác, sau nhiều năm trải qua văn tư tu, rồi dùng các phương thức như giảng kinh, biện luận, trứ thuật để tuyển chọn Kham bố, Cách tây hay các hình thức tăng tài khác đều là cách làm rất phổ biến. Học vị Kham bố của các phái khác đều chia làm ba cấp tương ứng là thượng, trung, hạ, như ba chùa lớn ở Lhasa của phái Cách Lỗ, học vị Cách tây được chia làm ba đẳng cấp là Lạp nhượng ba, Lâm tái ba, Đa nhượng ba. Nếu đối chiếu với chế độ học vị của thế gian thì cấp thứ nhất Lạp nhượng ba Cách tây tương đương với học vị tiến sĩ, Lâm tái ba Cách tây tương đương với học vị thạc sĩ, và Đa nhượng ba Cách tây tương đương với cử nhân. Người thế gian thường dùng các loại học vị có được của mình làm mục tiêu, động lực phấn đấu cho cuộc đời, vì học vị thường có liên quan mật thiết với lợi ích cá nhân. Trong Phật giáo Tây Tạng cũng có đủ các loại học vị, nhưng chúng chỉ đại biểu cho sự thừa nhận và xác định khả năng, trình độ Phật học của người có học vị, căn bản không liên quan gì đến cái gọi là lợi ích của người đạt được học vị. Nếu nói cũng có thể gắn kết với lợi ích, thì thứ lợi ích ấy không chút nghi ngờ là cái mục đích cuối cùng của họ cũng chỉ liên quan đến vấn đề xuất thế gian mà thôi.
Những điều trình bày trên đây chỉ là giới thiệu đại thể về chế độ giáo dục Phật giáo Tây Tạng, những ai có hứng thú nghiên cứu chuyên sâu có thể đích thân thâm nhập vào xứ Tạng để thăm dò kết quả. Một ngày nào đó bạn bước vào cánh cổng của Phật giáo Tây Tạng, phong cảnh bất tận lập tức sẽ dồn dập hiện ra. Đến lúc ấy, có lẽ bạn sẽ đem cả cuộc đời hữu hạn của mình hoàn toàn đi vào đại khóa đường vô tận của Phật giáo Tây Tạng cũng chưa biết chừng.