Pháp sư Tế Quần: Phật giáo xứ khác từ cuối đời Thanh đến đầu thời Dân Quốc trở lại đây, từ truyền thống giáo dục kiểu chùa viện chuyển qua giáo dục kiểu học viện nhằm bồi dưỡng nhân tài cho giáo giới. Nhưng giáo dục kiểu học viện cũng tồn tại nhiều vấn đề, như quá đề cao việc nghiên cứu học thuật, rõ ràng làm giảm đi tín tâm và đạo niệm của người tu hành, thậm chí tâm giải thoát, tâm Bồ đề cũng bị tâm danh lợi của thế tục giành lấy và thay thế. Điều tôi muốn biết là về phương diện bồi dưỡng tâm giải thoát và xây dựng tín tâm đạo niệm trong Phật giáo Tây Tạng có phương cách đặc biệt gì chăng?
Kham bố Sách Đạt Cát: Đối với những vấn đề xảy ra trong giáo dục Phật giáo ở xứ khác hiện nay, Pháp sư Tế Quần đã có những lo nghĩ và quan tâm sâu sắc, bản thân tôi cũng bày tỏ sự thấu hiểu hoàn toàn đối với điều này, và đồng ý với Pháp sư về những chỉ trích đối với việc đề cao học thuật hóa quá mức trong giáo dục Phật giáo. Theo như tôi được biết, rất nhiều Phật học viện, kể cả các tự viện xứ khác, khi giảng kinh thuyết pháp cho học viên thì còn đặt ra nhiều giáo trình có tính chất thế tục như các môn lịch sử, địa lý, xã hội… Nhưng các thế hệ thầy giáo của những khoa mục ấy phần lớn tốt nghiệp ở các trường viện cao đẳng của xã hội đời thường, có một số cư sĩ, có một số người căn bản không phải là tín đồ Phật giáo. Trong số những nhân viên đảm nhận chức giáo sư, những lão pháp sư có thực tu thực chứng hoặc tài đức kiêm toàn, hay những tăng nhân trẻ tuổi có trình độ văn tư tu hoàn bị thì có thể nói là cực kỳ hy hữu. Phật học viện không những phải quán triệt tư tưởng chỉ đạo theo hướng nghiên cứu hóa, tính học thuật trong việc giảng dạy các khoa mục của thế tục, cho dù số khoa mục ấy không nhiều trong giáo dục Phật giáo, mà phong cách thảo luận tìm hiểu thuần túy lý thuyết cũng rất là phổ biến. Mỗi khi tôi đến các viện Phật học của xứ khác, lòng tôi cứ dấy lên một thứ tình cảm phức tạp: một mặt vì ở tại một thành phố lớn những dòng người qua lại ồn ào náo nhiệt lại xuất hiện một thánh địa Phật pháp được duy trì như thế này nên cảm thấy vui vẻ yên lòng, một mặt vì viện Phật học ở đây không giảng dạy những điều tu chứng đích thực nên cảm thấy buồn phiền lo lắng. Ấn tượng này cứ như một thứ bóng tối ngự trị mãi trong tâm não của tôi, xua đuổi không đi, vì thực ra mỗi một người tu hành đều hiểu rằng dựa vào nghiên cứu học thuật hóa thì cơ bản không thể nghiên cứu được tâm giải thoát, tâm Bồ đề một cách chân chính, lại càng không thể nghiên cứu được cảnh giới chứng ngộ thực tế. Vả lại, tôi có tiếp xúc một số thầy trò của viện Phật học ở xứ khác, họ đều than phiền với tôi rằng nỗi khổ tâm lớn nhất của họ hiện nay là có học mà không có tu, tu và học tách rời nhau. Nếu cứ mãi như thế này, đừng nói đến trình tự tu chứng đã không đi đến đâu, mà ngay cả điều cơ bản nhất của một tín đồ Phật giáo cần phải có là tâm giải thoát và tâm Bồ đề trong việc giáo dục của viện Phật học phải rập khuôn như vậy cũng ngày một giảm sút. Cho nên tôi cảm thấy Pháp sư Tế Quần qua nhiều năm kinh nghiệm dạy học đưa ra kết luận như vậy, quả là lời nói có thực chứng, nói đúng vào trọng tâm.
Đối với vấn đề này, những vị cao tăng đại đức, những người có tinh thần trách nhiệm và những người tu hành có ý thức lo nghĩ trong giới Phật giáo xứ khác đều đã từng phát biểu quan điểm, kiến nghị qua nhiều cơ hội, qua trung tâm truyền thông, nhưng nếu muốn xóa bỏ những tập quán lâu đời đã tồn tại trong giáo dục học viện trong tương lai gần e không thể thành công được. Bởi vì điều tệ hại ấy đã quá lâu, lại thêm sự chỉ đạo sai lầm về mặt tư tưởng của những người làm công tác giáo dục cũng không thể sửa chữa, điều chỉnh trong một sớm một chiều được, cho nên tình hình này sẽ còn tiếp tục trong một thời gian dài nữa. Nhưng điều đáng tiếc là có quá nhiều nhân sĩ trí thức trong và ngoài giáo giới của xứ khác vẫn không ý thức được tính chất nghiêm trọng của vấn đề này, họ có thể coi trọng số bài luận văn Phật giáo của mình được đăng trên các loại tạp chí Phật giáo, nhưng chưa từng suy nghĩ sâu xa hàm nghĩa của câu nói có từ xa xưa này “chữ nghĩa trên giấy má có được rốt cuộc chỉ là sự hiểu biết nông cạn”. Đối với một người tu hành mà thì phẩm chất quý báu nhất là tín tâm và đạo niệm, nói chung là từ một mảnh giấy trong “ biển chữ” trôi nổi trên mặt nước không thể có mối quan hệ gì đến việc thực tu cả.
Nhưng từ xưa đến nay, Phật giáo Tây Tạng rất coi trọng việc bồi dưỡng những tố chất cơ bản về tâm giải thoát, tâm Bồ đề, tâm tín ngưỡng đối với mỗi một người tu hành, điều này hoàn toàn không phải do từ tính cách của dân tộc mình mà tôi cố khoe khoang tâng bốc như vậy. Đối với một người xuất gia, tự khen mình quả là làm nhục phong cách của một tăng nhân; vả lại nếu như Phật giáo Tây Tạng về mặt bồi dưỡng tâm giải thoát, tâm Bồ đề… cho người tu hành quả thật không có chút bí quyết nào cả, thì dù tôi có dốc hết sức lực để ca ngợi thế nào cũng không thể nói hết được sự thật của chân tướng. Vì thực tế Phật giáo Tây Tạng đúng là có một chế độ giáo dục tu hành hữu hiệu, cho nên tôi mới có thể giới thiệu ngắn gọn ra đây một cách chân thành, xuất phát từ nội tâm của mình đến với những người cảm thấy hứng thú về trọng tâm của đề tài này.
Đặc điểm giáo dục tổng quát của Phật giáo Tây Tạng là kết hợp một cách khăng khít văn tư tu lại với nhau, nó yêu cầu những tăng nhân phải cố gắng dung hợp sự hiểu biết và sự thể nghiệm. Để được như vậy, trước tiên tại các tự viện, những tăng nhân phải học rộng biết nhiều, tiếp đến, khi nhân duyên đã chín muồi, họ cần phải triển khai tu hành thực sự. Bằng phương châm chỉ đạo hướng dẫn chung ấy, đối với tính chất đặc biệt của việc bồi dưỡng tâm giải thoát, tâm Bồ đề… cho người tu hành, Phật giáo Tây Tạng luôn có các phương cách như sau:
Trong bất cứ một luận điển tu hành nào của Mật Tạng trước hết đều phải giảng rõ phép tu tứ gia hành1, trong đó căn cứ việc trình bày nội dung đối với đau khổ luân hồi, chuyển sinh làm người, rồi kết hợp với phép tu quán tưởng cụ thể, phép tu tĩnh tọa, cứ như vậy suy nghĩ nhiều lần, luôn luôn quán tưởng tu trì, người tu hành định tâm thể hội đối với luân hồi sinh tử, dấy khởi mạnh mẽ chán cái tâm tham ghét, lúc đó tự nhiên cái tâm giải thoát có thể được xác lập một cách ổn định. Đại sư Tông Khách Ba đã từng nói như thế này: Phép tu nhân thân nan đắc, mạng sống vô thường có thể khiến cho người ta dứt trừ tham lam chấp trước đối với đời này, phép tu nhân quả có thực, luân hồi khổ đau có thể khiến cho người ta dứt trừ tham lam và chấp trước đối với đời sau. Dứt trừ được sự tham chấp đời này, đời sau, trong sự tương tục như vậy, người tu hành tự nhiên sẽ có được tâm giải thoát. Do đó chúng tôi nói muốn dấy khởi cái tâm giải thoát, trước hết phải tu trì phép gia hành thật tốt. Thông qua việc tu học tứ gia hành, người tu hành phải xác lập cho mình sự định giải như vậy: Bất kể chuyển sinh vào nơi nào trong ba cõi, thì bản chất của nó vẫn là đau khổ bất kham. Nếu đã là như vậy thì tâm giải thoát đương nhiên phải vững như bàn thạch. Phép tu tứ gia hành cụ thể này ở trong các giáo phái khác hầu như rất ít thấy, nếu có thể theo gương phép tu tứ gia hành của Mật Tạng, thì nó sẽ giúp ích rất nhiều cho những người đang bồi dưỡng tâm giải thoát.
1 Tứ gia hành 四加行: Cũng gọi là “Tứ thiện căn”, tức chỉ bốn hành sau đây đều gọi là gia hành, nghĩa là gia công tu hành để cầu kiến đạo, để biến phàm thành thánh: 1. Noãn gia hành, 2. Đỉnh gia hành, 3. Nhẫn gia hành, 4. Thế đệ gia hành.
Nhưng điều gọi là tín tâm thường thường chỉ bốn loại tín tâm, đó là: tín tâm thanh tịnh, tín tâm dục lạc, tín tâm thắng giải, tín tâm không chuyển dời. Đối với một người tu hành, xác lập được tín tâm mãi mãi không chuyển dời trước thượng sư Tam bảo là đã có được sự bảo đảm vô cùng quan trọng. Muốn xác lập tín tâm, trước hết phải bồi dưỡng tình cảm kính ngưỡng đối với Đức Phật, đối với Phật pháp, việc này cần phải nghiêm túc chịu nghe Phật pháp. Mà các môn học về Nhân minh học, Trung Quán của Phật giáo hoàn toàn có thể giúp đỡ người tu hành xác lập chính kiến Phật Đà lượng sĩ phu1, điều này có giải thích rõ ràng trong Thích Lượng Luận, là một trong Thất Lượng Luận của Ngài Pháp Xứng. Thông qua việc học tập môn học này, chúng ta có thể hiểu rõ toàn bộ những gì Đức Phật nói giảng đều là chân thật không giả tạo, đủ chứng cứ đáng tin. Từng bước từng bước đối với Đức Phật, đối với Phật pháp, sau đó sẽ có được tín tâm kiên định, nếu gặp bất cứ duyên xấu nào, chúng ta cũng sẽ không dễ dàng đánh mất tín tâm kiên định ấy. Trong Phật giáo Tây Tạng còn đặc biệt coi trọng việc học tập, văn tư đối với việc tụng đọc giảng giải kinh luận về công đức Tam bảo trong Kinh Tùy Niệm Tam Bảo, với mục đích giúp mọi người nhân hiểu rõ công đức của Tam bảo mà có được tín tâm.
1 Phật Đà lượng sĩ phu: từ rất hiếm dùng, chỉ đức Phật là người của nguyên tắc, của quy chuẩn, của sự hiểu biết. Lượng là từ gốc Phạn, nghĩa là tiêu chuẩn. Do không có từ tương đương nên cứ để là Phật Đà lượng sĩ phu hoặc có thể bỏ đi từ lượng sĩ phu cũng không thay đổi gì.
Nay lại bàn về Phật giáo Tây Tạng đối với việc bồi dưỡng tâm Bồ đề. Trong các kinh luận Mật Tạng rất coi trọng việc giáo dục hình thành tâm tính đối với vấn đề lợi tha, từ xưa đến nay, các cao tăng đại đức xứ Tạng đều lấy hành động thực tế của mình làm cái gương tốt nhất cho điều đó (tức vấn đề lợi tha). Các vị đại sư như Tông Khách Ba đều cho rằng, nếu lấy cái tâm ích kỷ, tư lợi ra giảng kinh thuyết pháp thì hành vi đó trở thành cái nhân của tám pháp thế gian. Xác lập tâm Bồ đề trước hết phải hiểu rõ công đức của tâm Bồ đề, cho nên Phật giáo Tây Tạng xưa nay rất coi trọng việc nghe và suy nghĩ (văn và tư) đối với các luận điển như Nhập Bồ tát Hạnh Luận, Tu Tâm Bát tâm Bồ đề cho người tu hành. Ngoài ra còn có các lời dạy xem ta và người là bình đẳng của Bồ tát Tịch Thiên, xem tất cả chúng sinh là cha mẹ của Tôn giả A Để Hiệp, bảy thứ biện pháp mấu chốt đối với việc báo ân, và các pháp môn thích hợp khác huấn luyện tâm Bồ đề cho người tu hành.
Tóm lại, bất cứ một giáo phái nào của Phật giáo Tây Tạng đều vô cùng ca ngợi, chú ý đối với những kiến giải cao sâu, đồng thời cũng đặc biệt coi trọng những lý luận cơ bản và các pháp môn tu hành. Mỗi người tu hành Mật Tạng đều cùng phải tu và học thật tốt, sau đó tiếp tục tu và học mới có thể tách rời, chuẩn bị tốt như vậy sau này mới có thể tuần tự đi sâu nghiên cứu, để thực sự bước vào đại pháp môn Mật pháp. Chuỗi tu học như vậy đương nhiên rất bảo đảm, rất đáng tin, nếu không hôm nay học tập pháp môn này, ngày mai lại đổi qua phương cách khác, một lần chuyển đổi như vậy, vừa học khó đạt thành quả, vừa dễ dẫn đến tội bỏ pháp. Nếu đã xây dựng được cơ sở vững chắc, thì tu học bất cứ pháp môn nào cũng dễ dàng theo đuổi. Giáo lý có liên quan đến phương diện này là những luận điển như Nhập Bồ tát Hạnh Luận, Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Luận, Đại Viên Mãn Tiền Hành Dẫn Đạo Văn,… Trong các luận điển này đều có giới thiệu đầy đủ rõ ràng, nếu văn tư có hệ thống và dựa vào đó mà thực tu, thì bất kể bạn là tăng nhân người của vùng miền, quốc độ nào hay căn cơ Đại thừa, nhất định trong quá trình văn tư và thực tu theo giáo lý mà những bộ luận điển ấy giảng giải, bạn sẽ có được tín tâm chân chính không giả tạo đối với Phật pháp và sẽ có dũng khí, trí tuệ hiến mình cho Phật pháp.