Pháp sư Tế Quần: Các tông phái của Phật giáo xứ khác như Thiên Thai, Hoa Nghiêm… đều lấy Tính không kiến của Bát nhã Trung Quán làm cơ sở tư tưởng của Phật giáo Đại thừa, và lấy tư tưởng tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật ở trong Kinh Niết Bàn làm giáo pháp viên mãn của Phật giáo Đại thừa. Trong Phật giáo Tây Tạng thì hầu như lấy Trung Quán Bát nhã kiến làm chính kiến tối cao. Nhưng theo Phật giáo xứ khác thì Tính không kiến của Bát nhã và tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật là hai thứ không cùng tầng thứ về mặt tri kiến. Điều tôi muốn biết là Phật giáo Tây Tạng dưới sự chỉ đạo của Trung Quán kiến làm thế nào thống nhất hai nội hàm khác tầng thứ ấy vào trong Tính không kiến của Bát nhã Trung Quán?
Kham bố Sách Đạt Cát: Tất cả các giáo phái Phật giáo Tây Tạng đều nhất trí công nhận chính kiến tối cao trong Hiển tông là Trung Quán kiến, nếu cho rằng chính kiến tối cao của Phật giáo xứ khác là những kiến giải của tông Duy Thức thì chỉ có Phật giáo Tây Tạng mới xem Trung Quán kiến là kiến giải tối cao. Xét đoán ai cao ai thấp giữa Kiến địa của Duy Thức tông và Trung Quán chính kiến hoàn toàn không lấy sự phân chia địa vực xứ khác, xứ Tạng để nhận biết; nhận định hai thứ ấy ai là cứu cánh thì căn cứ duy nhất là các kinh luận trong kinh Phật. Chính bằng sự suy luận từ giáo chứng và lý chứng, giới Phật giáo Tây Tạng mới đem Trung Quán kiến tôn làm chính kiến tối cao của Hiển tông. Nhưng việc truyền thừa Trung Quán của xứ Tạng được thừa bẩm từ Bồ tát Long Thọ thiện giải mật ý của Đức Phật. Bồ tát Long Thọ là vị đại Bồ tát được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đích thân thụ ký ngay sau khi Ngài nhập Niết bàn, là người thông hiểu hoàn toàn giáo nghĩa uyên áo của Phật pháp đồng thời có thể hoằng dương thánh giáo. Đích thân Thế Tôn từng thụ ký nói ra trong Kinh Lăng Già rằng: “Nước Bi Đạt ở phương Nam có tỳ kheo tốt lành, tên gọi là Long, có thể phá bỏ mọi biên giới có không, hoằng dương giáo pháp của ta ở thế gian, sở trường về thuyết giảng vô thượng thừa, chứng được hoan hỷ địa1, vãng sinh cực lạc quốc”. Trong Kinh Đại Vân, Đức Phật cũng nói như vậy: “Sau khi ta diệt độ, khoảng tròn bốn trăm năm, đứa trẻ ấy trở thành tỳ kheo, có tên là Long, hoằng dương rộng rãi giáo pháp của ta, về sau thành Phật ở thế giới cực tịnh quang, hiệu là Trí Sinh Quang Như Lai, tức quả vị Chính đẳng giác”. Những kiến giải về Trung Quán trong Phật giáo Tây Tạng có nguồn gốc từ vị Bồ tát Long Thọ được Đức Phật thụ ký ấy, đồng thời chiếu theo những triển khai, xiển dương của các vị Bồ tát như Nguyệt Xứng mà tiếp tục kế thừa đi theo con đường ấy.
1 Hoan hỷ địa: Là giai vị thứ nhất trong Thập địa, Bồ tát phải trải qua một a tăng kỳ kiếp tu hành mới đạt được quả vị Đại hoan hỷ, thành tựu được một phần, còn trong khoảng Thập địa phải trải qua hai đại a tăng kỳ kiếp nữa mới thành Phật.
Hiển tông khi lựa chọn kiến giải tối cao, dù đối mặt với tông Duy Thức hay với quan điểm Như Lai tạng có liên quan đến lời tuyên giảng của Đức Phật trong lần chuyển pháp luân thứ ba, thì cần hiểu rõ cách nói và quan điểm ấy đều là do Thế Tôn đứng trước căn cơ bất đồng của chúng sinh mà tùy nghi thuyết pháp. Theo góc độ đánh giá rốt ráo nhất, tâm thức mà tông Duy Thức kế thừa và Như Lai tạng của Đức Phật tuyên giảng lần thứ ba cần phải hiểu là bản chất của chúng là xa rời tất cả mọi hý luận, xa rời Không tính của tướng trạng thực hữu. Như Kinh Lăng Già nói: “Như đối với các thứ bệnh, thầy thuốc sẽ cho nhiều loại thuốc, cũng như đối với loài hữu tình, Đức Phật cũng nói những điều duy tâm”. Kinh Tam Ma Địa Vương thì nói: “Nên biết các vị Thiện Thệ tuyên giảng Tính không thì đó là những lời kinh đã liễu nghĩa, còn nếu nói những loài hữu tình đang đi theo hướng luân hồi, lục đạo thì nên biết những pháp ấy chưa liễu nghĩa”. Nếu đi sâu nghiên cứu hơn nữa thì phạm vi của Như Lai tạng thực ra vô cùng rộng lớn, A lại da và ngũ đại cũng được gọi là Như Lai tạng, như Kinh Hoa Nghiêm nói: “Các địa A lại da cũng như Như Lai tạng, Phật nơi Như Lai tạng nói là A lại da, những người trí tuệ kém cỏi không biết, tạng còn có tên là A lại da”.
Từ đó mà xét thì những kiến giải của tông Duy Thức không thể cao hơn Trung Quán, vì những luận điển chủ yếu của tông Duy Thức là Thành Duy Thức Luận, Duy Thức Nhị Thập Tụng đều thừa nhận sự trong sáng của tâm tính là có thật khi lựa chọn bản tính pháp giới cuối cùng. Bản thể tâm tính thành thực ấy nếu dùng Thắng nghĩa đế để chọn lựa thì chắc chắn không phù hợp với mật ý của Đức Phật. Bởi vì trong bộ Bát Nhã Thập Vạn Tụng, Đức Phật nói rất rõ rằng: “Tu Bồ Đề, nếu đối với cái danh và tướng nhỏ như đầu mút sợi lông mà nảy sinh chấp trước thì cũng không thể đạt được cứu cánh Phật quả”. Kinh Thập Nhị Đế cũng nói: “Thiên Tử, nếu trong thắng nghĩa, chân thắng nghĩa đế là những gì mà thân khẩu ý thực hiện trong cảnh tính thì điều đó không được liệt vào trong số thắng nghĩa đế, mà là thuộc thế tục đế. Thiên tử! Ở trong thắng nghĩa, chân thắng nghĩa đế vượt lên trên tất cả mọi lời nói, không có sai khác, không có sinh diệt, xa rời người nói, vật được nói, xa rời người biết, vật được biết. Thiên tử! Chân thắng nghĩa đế vượt lên trên mọi thắng tướng, mọi trí cảnh, không phải như những gì thắng nghĩa đế nói. Tất cả các pháp đều là pháp hư vọng, pháp dối trá. Thiên tử! Chân thắng nghĩa đế không thể biểu hiện một cách rõ ràng, tại sao vậy? Lấy các pháp người nói, vật được nói, vì ai mà nói… thì trong thắng nghĩa đều là vô sinh, mà các pháp vô sinh thì không thể nói ra các pháp vô sinh ấy được”. Cho nên khi chúng ta thật sự muốn lựa chọn trí tuệ chân chính của Đức Phật, thì phải phá bỏ tất cả hý luận của mình, khi đối xử với Như Lai tạng hay bản thể của tâm thức cũng có thể tuân theo quy tắc đó.
Đại Pháp sư Huyền Trang và người kế tục sau đó là Pháp sư Khuy Cơ đã không giới thiệu được nhiều trước tác về lý luận Trung Quán, ngoài các luận điển như Trung Luận, Thập Nhị Môn Luận, Bách Luận ra, còn những tác phẩm về Trung Quán luận khác thì ít được họ phiên dịch, bình giá, điều mà suốt đời họ cố gắng hoằng dương đó là những kiến giải về Duy Thức tông. Tùy vào sự khôi phục của Duy Thức học pháp tướng ở thời cận hiện đại, quan điểm của tông Duy Thức lại được mọi người quan tâm chú ý. Có người cho rằng, Duy Thức tông đại biểu cho những kiến giải tối cao của Hiển tông, quan điểm này rõ ràng tương phản với thuyết pháp cứu cánh của Đức Phật. Chúng ta phải thấy rằng trong quan điểm của tông Duy Thức là thành thực, bộ phận Bất không lấy việc chọn lý luận thắng nghĩa rốt ráo làm Không tính, đồng thời còn phải nói rõ Không tính ấy hoàn toàn không có nghĩa là đơn thuần không, quyết chấp không, đoạn diệt không, mà là đã xa rời pháp giới trí tuệ của tám bên. Bồ tát Long Thọ có nói: “Không sinh cũng không diệt, không thường hằng cũng không gián đoạn, không một cũng không khác, không đến cũng không đi. Ai là người giỏi diệt được các thứ hý luận, nói được nhân duyên, thì tôi dập đầu lễ Phật, mọi điều nói đúng là số một”. Như vậy Trung Quán kiến mới là kiến giải tối cao của Hiển tông. Khi phán đoán cao thấp của hai thứ kiến giải ấy không thể lấy niệm phân biệt của mình để làm tiêu chuẩn đánh giá, chỉ có thể lấy liễu nghĩa của kinh Phật và các luận điển mà các Bồ tát đăng địa1 đã tạo ra để phân biệt một cách toàn diện. Vì mối quan hệ giữa Như Lai tạng và Bát nhã Không tính ở xa với cảm quan nhận biết của người phàm phu, và chỉ có dựa vào giáo chứng, lý chứng mới có thể thông hiểu hàm nghĩa chân thực của Hiển - Không bất nhị.
1 Bồ tát đăng địa: (Tiếng Hán là Đăng địa Bồ tát 登地菩薩), tức Bồ tát bước vào giai vị Hoan hỷ địa. Đăng địa là chỉ ngôi vị của Bồ tát. Có tất cả năm mươi hai ngôi vị, đó là Thập tín, Thập trụ, Thập hành, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác và Diệu giác. Phải trải qua một a tăng kỳ kiếp tu hành mới lên được một ngôi vị nào đó trong Thập địa, đó gọi là Đăng địa. Từ Sơ địa đến Thập địa phải tu hành hai đại a tăng kỳ kiếp.
Một số viện Phật học xứ khác không giảng và không hoằng dương rộng rãi pháp môn Trung Quán, do vậy, tôi rất mong muốn tín đồ Phật giáo xứ khác sau khi đã hiểu rõ nghĩa lý, nội dung của Duy Thức, cuối cùng đều có thể đi vào pháp môn Trung Quán và chứng ngộ được thấu đáo mật ý của Trung Quán. Những luận chứng cụ thể có liên quan đến Trung Quán kiến cao hơn Duy Thức kiến, quý vị có thể tham khảo Nhập Trung Luận của Bồ tát Nguyệt Xứng, Trung Quán Trang Nghiêm Luận của đại luận sư Tĩnh Mệnh, và Nhập Trung Luận, Thiện Giải Mật Ý Thư của Đại sư Tông Khách Ba. Sau khi nghiêm túc xem đọc, suy nghĩ, phân tích biện biệt, tôi tin rằng mọi người có thể hiểu rõ Đức Phật tạm thời tuyên giảng duy tâm, cuối cùng những hành giả đều cùng nguyện đi vào thế giới đầy lao tâm và đầy mật ý của Trung Quán, như vậy mới phù hợp trình tự tu học theo bản ý của Thế Tôn. Và cũng từ đó, tôi mong rằng các đại pháp sư và nhân sĩ trí thức xứ khác không nên trụ tại bình diện Duy Thức học vốn có của mình mà từ chối đi vào lĩnh vực nghiên cứu Trung Quán, nếu có thể đối chiếu lý luận Trung Quán bằng sự nghiên cứu thâm sâu ý nghĩa kinh điển rốt ráo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì đến lúc đó tự mình mới có thể hiểu rõ ý nghĩa thù thắng của Trung Quán.
Bằng sự quán chiếu của Trung Quán, điều gọi là Như Lai tạng và Không tính quán thực ra rất dễ dung hợp với nhau. Không thừa nhận tính thực có của Như Lai tạng, cho rằng nó phải xa rời tất cả mọi hý luận, như vậy tức là đã dễ dàng thông tỏ ý nghĩa hàm súc đích thực của Trung Quán; nếu nhất định phải xác nhận tính thực có của Như Lai tạng thì sự giải thích cuối cùng của bất cứ pháp nào cũng không thể khiến người ta hiểu biết triệt để cứu cánh của vạn pháp. Cho nên lẽ đương nhiên chúng ta phải nhận biết cách nói liễu nghĩa về Hiển - Không bất nhị, về vạn pháp bình đẳng… đó đều là do đích thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thể hội và chứng ngộ được diệu pháp cam lộ, và đối với việc này nhất định hết sức trân quý.
Trong Kinh Đại Niết Bàn lần nữa Đức Phật nhắc lại quan điểm cuối cùng của Như Lai tạng: “Như Lai tạng là thanh tịnh tự tính của Phật, không biến đổi không chuyển dời. Nếu nói có thì người trí không nên tham chấp, nếu nói không, thì thành lời nói dối (vọng ngữ), người ngu gọi là đoạn không, không hiểu rõ mật ý Như Lai tạng. Nếu nói khổ thì không biết thân đang có niềm vui lớn tự tính, người ngu cho là thân thể vô thường, chấp là đồ sành sứ; người trí thì phân tích việc đó mà không nói tất cả đều vô thường, tại sao vậy? Vì tự thân đang có hạt giống của Phật tính. Người ngu chấp trước tất cả Phật pháp đều là vô ngã; người trí cho rằng vô ngã chỉ là do tâm giả lập nên mà thôi, không có thực thể, như là biết rõ nó mà không nảy sinh hoài nghi. Nếu nói Như Lai tạng là Không tính, thì người ngu sau khi nghe như vậy sinh ra đoạn kiến hay vô kiến; người trí hiểu rõ Như Lai tạng không biến đổi không chuyển dời. Nếu nói giải thoát là như huyễn, thì người ngu cho là có được giải thoát là ma pháp; người trí phân tích mà biết đó là vị Như Lai duy nhất không có sự biến đổi chuyển dời. Nếu nói dùng cái duyên của vô minh mà sinh ra các hành, thì người ngu sau khi nghe như vậy phân biệt giác và vô giác; người trí ngộ ra tự tính không hai. Nếu đã thừa nhận là không hai tức là chân thực. Nếu nói lấy cái duyên của các hành mà sinh ra thức, thì người ngu chấp hành thức là hai pháp; người trí ngộ ra tự tính không hai. Nếu đã thừa nhận là không hai tức là chân thực, nếu nói các pháp là vô ngã, Như Lai tạng cũng vô ngã, thì người ngu chấp là hai pháp; người trí ngộ ra là tự tính không hai, tức ngã và vô ngã tự tính không hai. Chư Phật đã ra khỏi thế giới hữu hoại đều ca ngợi cái nghĩa vô lượng vô biên của Như Lai tạng, ta cũng diễn giải rộng rãi đầy đủ trong các bộ kinh rồi!”.
Những lời nói ấy đã giải thích rất rõ ràng những đặc trưng của Như Lai tạng là chẳng phải thường hằng chẳng phải gián đoạn, chẳng phải có chẳng phải không, và quan hệ giữa Như Lai tạng và Không tính là viên dung vô ngại. Đồng thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng thành khẩn chỉ dạy tất cả những người tu hành rằng khi hành xử đối với tất cả các vấn đề Phật pháp cũng cần có quan điểm viên dung, toàn diện, rốt ráo như vậy, nếu không thì chỉ có thể như một người ngu - biết một mà không biết hai; chỉ thấy cây mà không thấy rừng; chỉ xem chữ mà không xét nghĩa; chỉ nắm một điểm mà bỏ qua các thứ khác.
Đúng là theo góc độ ấy thì chúng tôi cho rằng quan điểm mà Pháp sư Tế Quần nói ra là “Tính không kiến của Bát nhã và tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật”, đều là hai thứ tri kiến không cùng tầng thứ với lý luận của một giáo phái nào đó trong Phật giáo Tây Tạng kết nối từ xa với nhau, tức là không hẹn mà gặp, không bàn mà hợp. Ví như phái Cách Lỗ lấy Không tính kiến của Trung Quán làm chính kiến tối cao, cho nên những kiến giải của phái này được gọi là “tự không” kiến; còn phái Giác Nang thì trình bày rộng rãi công đức của Như Lai tạng, do vậy những kiến giải của họ cũng được gọi là “tha không” kiến. Thực ra, sự khác nhau của hai phái là chỉ khác nhau ở góc độ chú trọng tuyên giảng mà thôi, còn về ý nghĩa và mục đích cuối cùng cả hai phái không khác nhau. Chỉ cần xem những chú giải về Trung Quán của Đại sư Tông Khách Ba và của Tôn giả Đa Ma Na Tha thì có thể có một cơ sở vững chắc toàn diện và vô cùng rõ ràng. Giáo chủ Toàn tri Mạch Bành Nhân Ba Thiết của phái Ninh Mã Ba tổng kết về điều này như sau: “Phàm nói Không tính kiến là kiến giải tối cao của tông phái thì đều lấy cái lượng của hai chân lý Hiển - Không để lựa chọn bản tính của vạn pháp; phàm nói Phật tính thường hằng không biến đổi và cho rằng Như Lai tạng tồn tại chân thực của tông phái thì là lấy cái lượng của hiện tướng và thực tướng để lựa chọn bản tính của pháp giới”. Cũng tức là nói việc chọn lựa trọng điểm của các kinh luận như Bát Nhã Kinh, Nhập Trung Luận là mật ý của Đức Phật trong lần chuyển pháp luân thứ hai. Lấy đó làm cơ sở, những hành giả Trung Quán đem những kinh điển mà Đức Phật tuyên giảng trong thời kỳ chuyển Pháp luân lần thứ hai xem như liễu nghĩa rốt ráo nhất; còn trọng điểm tuyên giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong thời kỳ chuyển pháp luân lần thứ ba chính là quan điểm tồn tại của Như Lai tạng. Do đó mà Kinh Như Lai Tạng được một số tông phái xem là bảo điển rốt ráo nhất về mật ý trong lần chuyển pháp luân thứ ba của Đức Phật độc giải. Nhưng dù thế nào đi nữa thì các đại đức của phái Giác Nang và Tôn giả Toàn tri Vô Cấu Quang, cùng với những đại đức tổ sư của nhiều giáo phái đều cho rằng Đức Phật diễn giảng những công đức của Như Lai tạng trong ba lần chuyển pháp luân tuyệt đối không giống như Thường ngã kiến của ngoại đạo, cũng không giống như tâm thức thực hữu của tông Duy Thức đã lựa chọn. Điều gọi là Như Lai tạng ấy thì Phật tính quả đúng là vượt xa cảnh giới trí tuệ của ý thức, quả đúng là đã tách rời khỏi hý luận có không, chẳng phải là pháp đại vô vi của cái tâm phân biệt đối cảnh; nhưng tất cả các tông phái chấp trước hoặc thường hằng hoặc gián đoạn, kể cả những điều cho là không rốt ráo về tâm tính trong sáng thực hữu của tông Duy Thức. Bản thân tôi cũng cho rằng, những lời nói của các vị đại thành tựu như Tôn giả Vô Cấu Quang là cách nói liễu nghĩa chân chính, thực chất của nó hoàn toàn không có gì sai khác về bản chất với mật ý rốt ráo của các tông phái mà Đại sư Huyền Trang đã lập ra. Ở xứ Tạng cũng có một số người cho rằng Tha Không kiến là quan điểm không rốt ráo, hoặc cho rằng nó là kiến giải duy nhất chính xác; cũng giống như ở xứ khác có một số người nào đó đã không chịu bỏ công phân tích mà cũng cho là kiến giải của tông Duy Thức là chính kiến tối cao. Những luận điểm ấy phải công quan sát tường tận, nếu không thì không thể tách ra khỏi cái lưới của tâm phân biệt. Đối với những kiến giải về Như Lai tạng, về Trung Quán kiến cũng phải có quan điểm toàn diện, viên dung, cần tổng hợp những liễu nghĩa trong kinh điển lại với nhau để có sự phân biệt tổng thể, đó mới là thái độ văn tư đích thực, và mới có thể có được chính kiến Phật pháp đích thực.
Ở xứ Tạng, bộ Trung Quán Lục Luận của Bồ tát Long Thọ luôn luôn được các môn phái lớn hoằng dương rộng rãi, những vị cao tăng đại đức xứ Tạng đã chú giải, bình luận và giới thiệu khá nhiều về bộ luận này; nhưng bộ Thiện Giải Mật Ý Thư của Đại sư Tông Khách Ba cũng là một bộ luận điển vượt trội về giải thích pháp môn Bát nhã. Nếu những ai thực sự văn tư những luận điển ấy và dựa vào đó để thực sự tu tập, thì nhất định sẽ có cơ sở vững chắc về sự hiểu biết đối với Trung Quán kiến. Đồng thời cũng nảy sinh sự cảm nhận thiết thân đối với những lời chỉ dạy của Đại pháp sư Tông Khách Ba; nếu một người đã hiểu rõ giáo nghĩa của các tông phái và không vi phạm lẫn nhau, đồng thời nhận biết tất cả luận điển đều là đối trị những mấu chốt phiền não không giống nhau của chúng sinh, thì người ấy đã thành tựu viên mãn, thông suốt đích thực ý nghĩa của Phật pháp. Bản thân tôi luôn luôn cho rằng chỉ cần thật sự dung thông Phật pháp Đại - Tiểu thừa và kinh luận Hiển - Mật tông thì toàn bộ giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều có thể thu về một mối, chúng không thể va chạm lẫn nhau, trước sau chia cắt, tự mình mâu thuẫn. Dù đôi lúc về mặt câu chữ có thể xuất hiện chỗ này chỗ khác trái ngược nhau, nhưng pháp nghĩa cần chọn lựa nhất định phải dung thông lẫn nhau. Sự tranh luận giữa các tông phái lớn đạt đến trình độ cao là xuất phát từ thành kiến bè phái của những người hậu học, họ chỉ chưa thể thông suốt toàn bộ hệ thống Phật pháp mà thôi.
Tôi thành thật hy vọng Pháp sư Tế Quần và các đại pháp sư xứ khác có thể giương cao ngọn cờ Phật pháp viên dung, hoằng dương rộng trãi trên cơ sở của các tông phái Phật giáo xứ khác, đưa Mật pháp vào lịch trình hoằng pháp lợi sinh của mình, mọi người đều vì sự hưng thịnh của Phật pháp, cùng chung sống hòa thuận mà làm hết trách nhiệm của mình, làm hết sức lực của mình. Đối với cá nhân tôi, tâm nguyện lớn nhất của tôi là mong muốn những năm tháng còn lại của đời mình nhìn thấy Phật pháp Hiển - Mật viên dung bất đoạn, tan hòa như nước với sữa, vì lý do đó tôi sẽ dốc hết tâm lực.