Pháp sư Tế Quần: Ở xứ Tạng, đặc biệt coi trọng việc giáo dục đối với tăng nhân, thông qua chế độ cách tây1, người ta đào tạo ra rất nhiều đại đức trình độ Phật học sâu rộng, về giáo nghĩa cũng hình thành nét đặc sặc của mình. Bên cạnh đó, dân chúng tuy có truyền thống tín ngưỡng tôn giáo toàn dân, nhưng tín đồ thường chỉ cúng dường và lễ bái, đối với tín ngưỡng Phật giáo cũng còn có khá nhiều thành phần mê tín. Điều tôi muốn biết là nguyên nhân sinh ra hiện tượng ấy là gì? Có nên giải quyết tình trạng hai cực đối lập ấy hay không?
1 Cách tây 格西: Dịch âm từ “Gheshe” của tiếng Tạng, chỉ học vị “Tiến sĩ Phật học” trong nền giáo dục tăng nhân của Phật giáo Mật tông.
Kham bố Sách Đạt Cát: Xứ Tạng từ xưa đến nay, dù là Cách Lỗ, Tát Ca hay Ninh Ba, Hát Cử, tất cả chùa viện của tám giáo phái lớn đều có một hệ thống hoàn chỉnh, có một chế độ bồi dưỡng và thể lệ giáo dục tăng nhân tu hành hữu hiệu. Nói một cách tương đối, phần lớn dân chúng tại gia đối với việc văn tư Phật pháp không sâu rộng, toàn diện, chuyên nghiệp giống như các tăng nhân ở trong các chùa viện. Thực ra, về điểm này cũng là hiện tượng bình thường, vì người xuất gia vốn đã từ bỏ tất cả sự việc vụn vặt của thế gian, chuyên tâm dốc chí vào việc học biết và nắm vững Phật pháp, ngoài giảng kinh thuyết pháp, hoằng pháp lợi sinh, hoặc văn tư tu, siêng năng cầu được chứng ngộ ra, người xuất gia nếu suốt ngày còn phải bận rộn đưa đón người lui kẻ tới, bận rộn chén cơm manh áo thì có gì khác biệt với người tại gia nữa. Mục đích chủ yếu của một tăng nhân tồn tại ở thế gian chính là cố sức mau chóng chứng ngộ tinh túy của Phật pháp vì lợi ích cho người khác và cho chính mình, cuộc đời của họ vốn sống trong việc theo đuổi chân lý của Phật pháp. Nhưng đối với người tại gia mà đưa ra yêu cầu đó sợ rằng không thể thực hiện được. Dù là ở thời đại Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay thời đại hiện tại, trong tình trạng toàn dân không thể đều là thầy tăng thì về trình độ hiểu biết, nắm bắt Phật pháp giữa người tại gia và người xuất gia đương nhiên sẽ tồn tại sự khác biệt, điều đó cần được xem là một hiện tượng tự nhiên và bình thường.
Đặc biệt là đối với những người tại gia, hoàn cảnh sinh hoạt của họ so với vùng nội lục thì vô cùng khắc nghiệt. Tức là trong thời đại đang bước vào thế kỷ XXI như hiện nay, trình độ sản xuất về nông nghiệp, chăn nuôi của phần lớn xứ Tạng vẫn còn ở trong tình trạng lạc hậu, cực kỳ thấp kém, những người làm nông hay chăn nuôi suốt ngày phải chạy vạy lo cho bữa ăn của mình. Họ phải đấu tranh không ngừng với hoàn cảnh khắc nghiệt của tự nhiên, tình hình giao thông bất tiện khiến cho rất nhiều người cơ bản ở trong hoàn cảnh sinh hoạt nửa bị khép kín, nửa bị cách ly. Trong hàng loạt những ràng buộc bởi những nhân tố bất lợi, hằng ngày họ không thể có điều kiện thuận tiện đến chùa viện để nghe kinh giảng pháp. Để duy trì được cuộc sống, họ phải hao tổn một phần lớn tinh lực, và trong hoàn cảnh như vậy mà còn có thể giữ được tay không rời tràng hạt, miệng không quên niệm chú, thân không ngừng lễ bái, ý không thôi cầu khấn, việc không ngừng cúng dường, có thể nói quả là điều vô cùng đáng quý.
Nói về trình độ toàn thể, về mặt giáo lý Phật pháp, họ quả thực không thể sánh ngang với những người xuất gia. Nhưng nếu thử thay đổi góc nhìn, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng chỉ cần một người tu hành có tín tâm kiên định, không lay chuyển đối với Phật pháp, đối với Đức Phật, đối với thượng sự trong tinh thần tương tục, thì dù anh ta chọn bất cứ pháp môn nào tương ứng với mình đều có thể đạt được thành tựu cuối cùng. Nhưng về cái điểm tín tâm này, dân tộc Tạng tuyệt đối có một ưu thế vượt trội không giống với một dân tộc nào khác. Có được tín tâm để nương tựa, cho nên rất nhiều người thuộc Tạng tộc, dù không biết lấy một chữ, nhưng khi sắp chết cũng xuất hiện rất nhiều tướng tốt lành của sự vãng sinh. Lại có một số người thuộc Tạng tộc có lòng thành kính đối với Tam bảo, cuối cùng dùng phương thức thành tựu thân cầu vồng để thoát vòng sinh tử một cách rốt ráo. Đối với họ, không biết giáo lý Phật pháp, không giỏi về biện luận, hoàn toàn không trở ngại việc vãng sinh tự tại của họ. Tất cả các pháp môn như niệm chú, niệm danh hiệu Phật và Bồ tát, lễ bái, đi vòng quanh tượng Phật, cúng dường… đều do từ dòng nước tưới gội của tín tâm, cũng kết nên rất nhiều quả tốt. Đặc biệt điều này cũng giống như rất nhiều cụ ông, cụ bà xứ khác luôn miệng tụng niệm danh hiệu A Di Đà Phật, căn bản họ cũng không đi sâu bàn luận kinh tạng, cũng không học rộng biết nhiều, nhưng bằng sự hướng dẫn của một tín tâm kiên định không thay đổi đối với Phật Thích Ca Mâu Ni, đối với Phật A Di Đà, những người này sẽ mãi mãi thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Cho nên đối với những yêu cầu của những người gánh vác sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh, việc đi sâu nghiên cứu Tam tạng Thập nhị bộ, Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, hệ thống văn tư tu đều là bổn phận và nghĩa vụ của họ; nhưng bấy nhiêu tiêu chuẩn cũng hoàn toàn không thể thích hợp cho việc sử dụng đối với tất cả người tu hành. Trí tuệ và từ bi của Đức Phật thể hiện ở chỗ này, cho nên Ngài mới chuẩn bị tám vạn bốn ngàn pháp môn cho vô số chúng sinh. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, rất nhiều cư sĩ tại gia của xứ Tạng, hằng ngày không có cơ duyên để văn tư tu Phật pháp, sự thiếu sót ấy hoàn toàn không phải là lỗ hổng quá to lớn, họ lấy “viên đá” tín tâm của mình để có thể lấp đầy được lỗ hổng đó. Huống nữa, dân chúng xứ Tạng luôn cho rằng Tây Tạng là vùng đất rộng lớn mà Bồ tát Quán Thế Âm đã tạo ra, do đó, dân chúng ở đây từ nhỏ đã sinh hoạt trong không khí tín tâm và từ bi tâm, họ kế thừa nhau trong hạt giống từ bi và chính tín một cách rất tự nhiên từ bao đời nay. Mỗi khi họ thấy có chúng sinh đang chịu khổ đau, họ đều nghĩ ra phương cách để cứu độ: Hoặc im lặng niệm kinh chú, hoặc cố gắng hết sức mình giúp đỡ tối đa cả vật chất lẫn tinh thần, truyền thống tốt đẹp ấy đáng được ca ngợi và phát huy.
Nếu như nói có một số người làm nông nghiệp và người chăn nuôi ở xứ Tạng chưa hoàn toàn hiểu rõ giáo lý của Phật giáo thì điều khẳng định ấy là một kết luận khách quan. Nhưng nếu nhân đó mà cho rằng họ đều là những tín đồ Phật giáo mê tín, a tòng thì nhận định đó sợ rằng không công bằng. Theo cách hiểu chung, điều gọi là mê tín nên dùng để chỉ tín ngưỡng tà kiến hoặc tín ngưỡng không rốt ráo của người ngoại đạo. Ở xứ Tạng, trường hợp này không thể nói là không có, nhưng trong tình trạng chung chung thì hành vi ấy, hiện tượng ấy thực hiếm khi xảy ra. Đối với giáo lý Phật pháp cao xa, dân chúng tuy ít hiểu biết, nhưng đối với tín ngưỡng Phật giáo, họ lại rất thuần chính. Họ tin thờ những “nhân sĩ Phật giáo” nên hầu như mỗi nhà đều bày biện Phật đường, cúng thờ tượng Phật, kinh sách… và sớm chiều lễ bái. Chỉ cần tin mộ Phật giáo, ngoài ra họ không thể bái lạy các thứ ngoại đạo, hay khom lưng quỳ lạy các thứ thần thánh ma quỷ lạ lùng nào khác. Cho nên mỗi khi có một địa phương khác mới lập ra một phép tu gọi là tân thức (theo hình thức mới, theo cách mới) hay tự sáng lập giáo phái mới, một số tín đồ Phật giáo thường bị mê hoặc và họ lập tức chạy theo phép tu mới đó, nhưng ở xứ Tạng lại rất ít xảy ra hiện tượng này. Tất cả ngoại đạo, tà kiến, đối với một người dân xứ Tạng khi đã quy Tam bảo thì có thể nói là không có một chút ảnh hưởng nào, điều đó lẽ nào một người mê tín có thể làm được!
Ngoài ra, một cư sĩ tại gia là dân tộc Tạng cũng không thể hôm nay tin thờ Phật giáo, ngày mai phản bội Phật giáo, trở theo tôn giáo khác, việc quy y Phật môn của họ là lấy cuộc đời làm đơn vị tính toán thời gian dài ngắn. Vả lại, dù họ không hiểu thế nào là giáo chứng, lý chứng, nhưng mỗi một tín đồ Phật giáo tin tưởng sâu sắc, không nghi ngờ đối với những điều cơ bản và đồng thời duy trì gắn kết nguyên tắc huyết mạch của sự tồn tại Phật giáo. Ví như nhân quả chân thật, không hư ngụy, đời trước đời sau luôn tồn tại, đều được hầu hết dân chúng xứ Tạng chân thành tin tưởng. Nếu nói “mê tín” thì chủ yếu họ “mê tín” các thứ đó, nhưng kiên định tin vào sự tồn tại của nghiệp lực e không thể bị xem là mê tín được.
Những năm gần đây, theo đà nóng lên của cơn sốt văn hóa Tây Tạng và Phật giáo Tây Tạng trong phạm vi toàn thế giới đã nổi lên ngày càng nhiều những phần tử thanh niên tri thức người Tạng đi vào con đường nghiên cứu Phật giáo và lĩnh vực tu chứng thực thụ. Phạm vi xem đọc của họ vừa rộng vừa sâu, những kiến giải độc đáo mà sâu sắc đối với Phật giáo Hán - Tạng đã khiến mọi người vô cùng chú ý, vô cùng kinh ngạc. Tin tưởng vào một tương lai không xa có càng nhiều thế hệ thanh niên xứ Tạng sẽ đem ánh sáng đã từng bị mất đi trở về với cội nguồn văn hóa của dân tộc mình - tinh thần học tập, nghiên cứu, suy tư về Phật giáo, tôi và rất nhiều người dân Tạng đều cảm nhận sâu sắc điều đó. Sức sống của một dân tộc phụ thuộc vào cội nguồn văn hóa của dân tộc ấy, mà cái cây văn hóa của dân tộc Tạng thì đã bắt rễ từ rất sớm trên vùng đất rộng lớn và đã được Phật giáo tưới nhuần, thấm đẫm khắp nơi. Mỗi một nhân sĩ gánh vác việc tương lai đối với dân tộc Tạng, sớm muộn gì cũng sẽ ý thức được điều đó, cho nên tôi mới ký thác hy vọng vào những người dân Tạng có căn tính thích hợp và có hứng thú đem một phần tinh lực của mình vào việc nghiên cứu sâu xa đối với Phật pháp.
Bàn đến ý kiến cải tiến sự phân hóa lưỡng cực, nhắm vào tình trạng thực tế tín ngưỡng trước mắt của dân chúng xứ Tạng, cá nhân tôi cho rằng vấn đề này hoàn toàn không có tính chất cấp bách cho lắm. Nếu tín ngưỡng của người tộc Tạng pha tạp, hoặc phổ biến tin thờ ngoại đạo, hoặc lòng tin không kiên định, suốt ngày lung lay dao động, nếu xuất hiện tình trạng này, cần bắt tay tiến hành cải tiến nhằm đưa họ vào con đường chính đạo của Phật pháp. Nhưng theo tình hình tôi thấy rõ thì hành động thường ngày của người tộc Tạng vừa không đi ngược lại nguyên tắc của Phật pháp, vừa không hòa lẫn với các yếu tố ngoại đạo trong tín ngưỡng Phật giáo thuần chính của họ, do đó xem ra tạm thời không cần phải quá cảnh giác. Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa từng thấy bất cứ một người dân Tạng nào sau khi đã quy y Phật giáo lại thay đổi tín ngưỡng đi theo ngoại đạo, hoặc công khai tuyên bố mình không tin luật nhân quả, cho nên cải tiến vấn đề thường xuyên bồi dưỡng Phật học cho quần chúng tín đồ thuộc tầng lớp sơ cơ hoàn toàn chưa nằm trong lĩnh vực chú tâm coi trọng của cá nhân tôi. Cho dù lúc nào và ở đâu, người hiểu được chân chính ý nghĩa sâu xa của Phật pháp xưa nay chỉ như sao buổi sớm. Hơn nữa, như chúng tôi đã chứng minh, không phải tất cả những người giải thoát được luân hồi sinh tử đều thông suốt mọi kinh luận của Hiển tông và Mật tông. Tôi cho rằng đi đôi với việc nâng cao tố chất văn hóa toàn dân, và ngày càng có nhiều người xuất gia truyền bá giáo lý nhà Phật, phổ cập Phật giáo, thì trình độ văn tư giáo lý Phật giáo của lớp cư sĩ tại gia của người tộc Tạng nhất định cũng sẽ nâng cao. Vả lại, ở xứ Tạng, mỗi làng xã về cơ bản đều có chùa miếu của mình, và những chùa miếu ấy xưa nay đều có một truyền thống tốt đẹp, tức là vị Lạt ma trong mỗi chùa miếu có thể định kỳ hoặc không định kỳ đều giảng giải giáo lý Phật giáo cho dân chúng xung quanh vùng đó, truyền thống này đã có từ lâu đời. Chính vì dân gian xứ Tạng luôn có hình thức triển khai hoạt động giảng kinh thuyết pháp như vậy, nên người tại gia trong dân tộc Tạng nói chung tương đối ít phạm phải những hành vi không hợp với giáo lý nhà Phật như vi phạm luật nhân quả, làm điều ác nghiệp…
Mục đích học Phật của chúng ta đương nhiên có rất nhiều, đủ các loại như tạm thời có, lâu dài có, thế gian có, xuất thế gian có, đủ các thức các dạng, nhưng trong đó nâng cao tố chất đạo đức của toàn dân phải được xem là một mục tiêu quan trọng hàng đầu. Đối lập với các dân tộc khác, nền tảng phẩm cách, trình độ đạo đức của quần chúng nhân dân Tây Tạng nói chung thuộc loại vượt trội hơn người, điều này e không thể quy cho nguyên nhân mê tín dẫn đến được. Kiến thức và đạo đức đôi khi không thể thống nhất với nhau, việc tăng mạnh niệm phân biệt cũng thường thường có liên quan với sự hiểu biết sâu rộng và bụng đầy văn chương chữ nghĩa. Mục đích cuối cùng của tín đồ Phật giáo hiểu rõ giáo lý Phật pháp lại là để vận dụng chúng vào cuộc sống, hướng dẫn việc tu hành của mình, đặc biệt là tu tâm. Nếu không, trong trường hợp lý luận và thực tiễn không đi đôi với nhau, dù bạn có thể thuộc làu làu kinh Đại Tạng thì giáo lý Phật giáo cũng chỉ là giáo lý Phật giáo, bạn cũng chỉ vốn là chính bạn mà thôi. Thực ra, tôi đã thấy rất nhiều “học giả Phật giáo”, trong lúc nhấn mạnh việc bồi dưỡng một người có nhiều kiến thức Phật học sâu rộng, đừng quên đào tạo người ấy trở thành một người tu hành đúng cách, bởi vì Phật giáo đối với chúng ta trước hết đó là một thứ tín ngưỡng đặt trên nền tảng của chính tín. Cho nên tôi mới nói ra tự đáy lòng mình lời ca ngợi dân chúng khắp xứ Tạng luôn có tín tâm thuần chính đối với Phật pháp, đó mới là nguyên nhân mấu chốt của vấn đề. Có được tín tâm như vậy, một tín ngưỡng mới có thể được thiết lập và tất cả mọi thành tựu mới có thể nói đến khả năng thực hiện. Rốt cuộc, mục đích học Phật của chúng ta không phải là để nắm được một thứ gọi là kiến thức, mà là cần dùng kiến thức ấy vào trong thực tiễn của việc giải thoát sinh tử. Trong quá trình ấy, tín tâm kiên định là một mắt xích quan trọng nhất. Không có tín tâm hướng dẫn việc cầu tri, cầu chứng thì có gì khác với việc cầu học của thế gian?
Còn một hiện tượng không biết mọi người có quan sát hay không, đó là ở tại rất nhiều nơi đều có thể thấy một số cư sĩ tại gia ngồi ngay ngắn trên pháp tòa giảng kinh thuyết pháp cho rất nhiều người nghe, kể cả những người xuất gia; hiện tượng này ở xứ Tạng cũng có, nhưng thực sự đó chỉ là chuyện lông rùa sừng thỏ, vô cùng hãn hữu. Đại đa số pháp sư giảng kinh thuyết pháp ở xứ Tạng đều do người xuất gia đảm nhiệm, cảnh tượng trang nghiêm ấy thực sự khiến mọi người phấn chấn. Người xuất gia và người tại gia tuyệt đối không có sự phân biệt sang hèn cao thấp, tất cả đều có thể đi theo hướng giải thoát cuối cùng của Đức Phật khai thị. Trên mặt biểu hiện, xuất gia, tại gia không có chút khác biệt đáng ngờ nào về sự phân công. Cho nên há có thể có một thứ tiêu chuẩn - bất kể tiêu chuẩn của người xuất gia hay tiêu chuẩn của người tại gia, để yêu cầu toàn thế người tu hành nhất trí nghiêm chỉnh tuân thủ chấp hành chăng?
Yêu cầu tất cả dân chúng tại gia đều có thể đạt đến cấp độ Phật học của các vị kham bố hay cách tây, đó là lý tưởng vô cùng hay đẹp, tốt lành, và chúng tôi hoàn toàn tôn trọng lý tưởng ấy. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng biết rõ rằng rốt cuộc đó cũng chỉ là mộ lý tưởng.