Pháp sư Tế Quần: Sự hoằng dương Phật giáo mấy ngàn năm trở lại đây luôn luôn tuân theo nguyên tắc khế lý, khế cơ. Ngày nay, toàn xã hội đang bước vào tiến trình hiện đại hóa, phương thức sinh hoạt hiện đại đã thay thế phương thức sinh hoạt truyền thống. Tại các khu vực Phật giáo xứ khác, cơ bản người ta đã sử dụng phương thức hoằng pháp hiện đại, ví như thông qua trung tâm truyền thông người ta đã dùng các phương tiện như tivi, radio, video, internet, đồng thời cũng dùng ngôn ngữ hiện đại dễ hiểu để giải thích kinh điển Phật giáo. Điều tôi muốn biết là phải đối ứng thế nào đối với vấn đề hiện đại hóa Phật giáo? Và phải bắt đầu tiến hành như thế nào?
Kham bố Sách Đạt Cát: Phật giáo quả thực đang đối mặt với một vấn đề là làm thế nào điều hòa nhịp nhàng cùng với tiến trình hiện đại hóa toàn xã hội. Trong xã hội hiện đại với sự phát triển siêu tốc, tôi nghĩ Phật giáo cũng nên nhờ vào các loại phương tiện hiện đại để có lợi cho sự phát triển lớn mạnh tự thân. Nhưng tất cả tiền đề ấy phải là: Phật pháp tuyệt đối không thể lấy sự đánh mất nguyên tắc tự thân làm cái giá để chiều theo người đời, Phật giáo cũng tuyệt đối không thể lấy sự hạ thấp trình độ tự thân làm điều kiện, một mực nhượng bộ các thói quen sinh hoạt, thói quen suy nghĩ của người hiện đại. Với những tiền đề này, chúng ta vui vẻ đón nhận tất cả phương thức hoằng pháp hiện đại hóa, đồng thời sẽ tích cực chuẩn bị áp dụng những phương thức ấy vào việc hoằng dương Phật giáo Tây Tạng. Nhưng tư tưởng chỉ đạo chủ yếu nhất vẫn là, thứ nhất tư tưởng Phật giáo nếu không thể xuyên suốt lớp mây mù dày đặc của không gian và thời gian, thứ hai Phật giáo nếu không hiển lộ chân lý cuối cùng của vũ trụ, thứ ba Phật pháp nếu còn cần tùy thuộc vào sự biến đổi của các niệm phân biệt thế gian mà bị những thứ ấy làm biến hóa một cách tương ứng và lại không thể hướng đạo học thuật, kỹ năng của thế gian và tư tưởng của nhân loại, thì Phật pháp như vậy làm sao có thể xưng là trí tuệ tối cứu cánh được? Cho nên việc cần hiện đại hóa không phải là bản chất Phật pháp và tư tưởng Phật pháp mà phải là truyền bá tư tưởng ấy, bản chất ấy bằng hết khả năng to lớn nhất của mình; đồng thời chúng ta cần phải bảo đảm những thứ công cụ hiện đại ấy không thể ngày càng làm xói mòn tinh túy của Phật giáo, chúng không được “tiếng khách át tiếng chủ”, chúng chỉ có thể bị Phật pháp thống lĩnh, chứ không thể bao trùm lên cả Phật pháp.
Chúng tôi đã nhìn thấy và thừa nhận cách làm của xứ khác, đó là họ là đã nhờ vào hàng loạt những phương tiện hiện đại hóa trong việc hoằng dương Phật pháp, chính chúng tôi cũng chú ý đến nhiều pháp sư của các nước phương Tây trong cách vận dụng trung tâm truyền thông hiện đại, phương thức hoằng pháp lợi sinh cũng rất giống nhau, đối với cách làm của họ, chúng tôi vẫn tùy hỷ và ca ngợi. Rất nhiều cao tăng đại đức của Phật giáo Tây Tạng tại các vùng Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Mỹ khi giảng kinh thuyết pháp cũng đều sử dụng, tiếp nhận những công cụ của phương thức tân tiến. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ngoại quốc lại không có đài truyền thanh, đài truyền hình, tạp chí tập san Phật giáo chuyên ngành, rất nhiều người hận là không thể biến bộ não của mình thành máy tính điện tử để tiếp nhận, lưu trữ, xử lý càng tốt, càng nhanh, càng nhiều các loại thông tin, vì chiều theo người đời phương thức tiếp thu, liên lạc, truyền thông ngày càng biến đổi, việc giáo dục Phật pháp, phương tiện truyền bá đương nhiên cũng “phải tiến bộ để khỏi bị lạc hậu, không theo kịp đà phát triển của thời đại”.
Mấy năm gần đây, chúng ta cũng đã dần dần sử dụng máy tính điện tử để thực hiện các việc như đánh chữ, ghi âm ghi hình, phiên dịch để tăng cường trình độ hiện đại hóa trong việc hoằng pháp. Dù Tây Tạng tương đối ở sâu trong nội địa, văn hóa, khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, nhưng chúng tôi cũng cố gắng bắt kịp bước tiến của khoa học kỹ thuật cao. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, trong một quá trình thay đổi như vậy có khả năng sẽ nảy sinh vấn đề, đòi hỏi chúng ta luôn có nhận thức tỉnh táo. Cuối cùng, đằng sau cụm từ “hiện đại hóa” tuyệt đối không có nghĩa đấy là một tương lai tươi sáng của Phật giáo, càng chưa hẳn đã được tất cả mọi người hoan hỷ đón nhận!
Ví như việc ứng dụng mạng internet vẫn tồn tại một số vấn đề. Những tín đồ Phật giáo vốn sử dụng nó để thu thập tài liệu, giải đáp thắc mắc, hoặc mở ra các hoạt động dạy học hay giảng pháp từ xa trên mạng, nhưng hiện nay chỉ cần nhìn lướt qua một lượt là có thể phát hiện rất nhiều trang web, rất nhiều người đều xem mạng là nơi cung cấp phương tiện để thực hiện các thứ quảng cáo cá nhân tẻ nhạt, các lời công kích cá nhân nhàm chán và mối liên lạc bạn bè dung tục. Thêm vào đó, rất nhiều người biến những lời biện luận Phật học nghiêm túc thành những lời chỉ trích, mạ lị một cách dung tục hạ cấp, bọn phàm phu vốn đầy những niệm phân biệt lại càng tăng mạnh, và quần chúng lại thiếu mất sự hướng dẫn của chính tri chính kiến, mỗi lần như vậy, những phương tiện mà mạng internet cung cấp cho mọi người đều phải biết nghi ngờ, chứ không nên hoàn toàn tin tưởng. Huống hồ một người tu hành, cần phải dựa vào thượng sư là điều mấu chốt nhất, Phật giáo Tây Tạng đòi hỏi giữa đệ tử và thượng sư ít nhất phải có ba năm tìm hiểu, quan sát lẫn nhau. Nhưng trong thế giới ảo của mạng internet, điều kiện ấy làm sao có thể thực hiện được? Huống nữa, nhiều tín đồ Phật giáo còn thông qua mạng internet thu thập nhiều điều không mấy tốt đẹp, ví như tăng thêm lòng tham, lẫn lộn ranh giới giữa pháp và không phải pháp, trong não bộ chất đầy một đống rác rưởi vô dụng mà lại có hại, đắm chìm trong vui chơi giải trí, những thứ đó là những vấn đề cần chú ý khi chúng ta lợi dụng trung tâm truyền thông trên mạng internet mới mẻ này.
Còn nói đến vấn đề dùng ngôn ngữ hiện đại thông tục dễ hiểu để giải thích Phật pháp cũng cần khảo sát trên hai phương diện.
Trong Thời Luân Kim Cương có nói, dùng ngôn ngữ đại chúng dễ hiểu để luận bàn là điều rất đáng ca ngợi, đương nhiên chúng tôi không phản đối việc dùng ngôn ngữ dễ hiểu của người hiện đại để giải thích Phật pháp. Nhưng điều chúng tôi lo lắng là nguyên ý của kinh Phật, của Phật pháp có thể bị một số người trong quá trình giải thích bằng ngôn ngữ thông tục ấy sẽ vô tình hay hữu ý sửa đổi, xuyên tạc. Nếu có người chỉ vì theo đuổi cái gọi là hiện đại hóa ngôn ngữ kinh Phật thì sẽ vứt bỏ ẩn ý sâu xa vốn có của Phật pháp, chỉ lấy cái niệm phân biệt của mình làm chính, gượng ép đưa những lý giải của mình vào Phật pháp, và cho đó là đã dành được thiện cảm của một số người hiện đại nào đó, thế thì cái “thông tục dễ hiểu” ấy tuyệt đối không phải là mục tiêu cố gắng theo đuổi của chúng tôi.
Đi ngược lại giáo lý kinh điển của Phật pháp, cái còn lại là các niệm phân biệt của kẻ phàm phu, dù về mặt từ ngữ có gần gũi với thói quen xem đọc của người hiện đại thế nào, dù về mặt tư tưởng có ý vị hiện đại thế nào, thì giá trị của nó cũng chẳng có chỗ nào đáng lưu giữ. Trong Kinh Tam Ma Địa Vương có nói: “Mắt, tai, mũi không thẩm định (đúng) thì sắc, thanh, hương cũng không có, đó gọi là chính lượng”. Ở đây đã nói lên một cách rất rõ rằng các niệm phân biệt của phàm phu căn bản không thể tin cậy được. Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương cũng nói: “Hãy cẩn thận không được tin ý của người, vì ý của người không đáng tin!”
Do đó, nếu không căn cứ vào nguyên ý của Đức Phật để giải thích Phật pháp, mà chỉ biết dùng các niệm phân biệt của mình để suy đoán lung tung, phương cách hoằng pháp như vậy làm sao khiến mọi người dễ dàng tán đồng. Vả lại, trong Phật pháp bao hàm những đạo lý vô cùng thâm diệu, như kinh Phật từng nói: “Một sợi tóc, một hạt bụi cũng là một thế giới không thể nghĩ bàn, các hình loại không giống nhau, nhưng chúng không hề lẫn lộn chút nào cả”. Khi gặp những nguyên lý như vậy, ngôn ngữ thế gian sợ rằng khó có thể suy đoán được cảnh giới cao xa vời vợi ấy. Lúc đó vì bị đi theo sự tôi luyện của vật lý học, thiên văn học hiện đại mà tạo thành thói quen lý giải của người hiện đại. Liệu chúng ta có cần thông tục hóa cảnh giới không thể nghĩ bàn ấy thành lĩnh vực của không gian hai chiều, không gian ba chiều chăng? Lấy chúng để loại suy quan niệm về không gian và thời gian trong Phật giáo là điều có thể thực hiện được, nhưng không phải làm cho con người nảy sinh một thứ ảo giác, cho là khoa học mới đánh giá được tất cả, kể cả việc đánh giá yếu chỉ của Phật pháp. Rất nhiều lĩnh vực trong khoa học kỹ thuật hiện đại đều không thể là sánh ngang với Phật pháp, nhưng trong Phật pháp lại có rất nhiều chỗ vượt xa danh và tướng của ngôn ngữ. Những người có thói quen dùng ngôn ngữ thông dụng, dễ hiểu đương thời để giải thích những điểm khó hiểu trong giáo lý Phật giáo với mục đích giúp người nghe hiểu dần những điều khó giải thích, những điều không thể nghĩ bàn của Phật pháp. Thông qua đó, họ cũng sẽ biết được trong Phật giáo có nhiều điều chỉ có thể cảm nhận chứ khó có thể trình bày rạch ròi được. Đương nhiên, đối với những cách trình bày theo phong cách ngôn ngữ hiện đại mà vẫn không làm méo mó hay làm thay đổi nghĩa gốc trong kinh văn, thì vẫn tán dương việc chuyển tải ý nghĩa Phật pháp bằng văn phong, ngôn ngữ và tư duy hiện đại được.
Chỉ cần có lợi cho chúng sinh mà không làm tổn hại nguyên tắc của Phật giáo, thì tôi tin rằng xứ Tạng cũng có thể ngày càng sử dụng nhiều hơn nữa các phương thức truyền bá hiện đại. Đứng ở một góc độ khác mà nói thì thích ứng với hiện đại hóa là một mặt của vấn đề, kế thừa truyền thống cổ đại là một mặt khác không thể rời bỏ hay thiên lệch. Khi tôi đến Thái Lan, tôi nhận thấy tăng nhân ở đây hiện nay họ vẫn đi chân trần, ôm bình bát đi khất thực, chỗ ở của họ cũng không có bất cứ tài vật nào, cơ bản họ duy trì cuộc sống thanh tịnh của thời Đức Phật. Còn các cao tăng đại đức trong lịch sử Hán - Tạng cũng lưu truyền lại cho chúng ta rất nhiều truyền thống vô cùng quý báu, không chỉ trong tư tưởng mà trong cả hành động, những thứ đó mới là của quý truyền đời bất biến mà chúng ta cần phải giữ gìn. Nếu như tư tưởng, nhận thức, hành vi đều đã biến đổi, đều đã đi ngược lại nguyên ý của Phật pháp thì ngôn ngữ có sáng tạo độc đáo mới lạ cũng chẳng có tác dụng gì.
Những gì trình bày ở trên tuyệt đối không nhằm nói đến cá nhân Pháp sư Tế Quần, bản thân tôi cũng không có bất cứ ý gì là không tôn kính đối với Pháp sư, nhưng chỉ là vì khi đối mặt với rất nhiều ý kiến, nhiều quan điểm lấy việc đề cao khái niệm thông tục hóa Phật pháp mà người ta đang gieo rắc trong tín đồ Phật giáo nhân gian, tôi mới cảm thấy cần phát biểu, cần nói hết ý nghĩ tự đáy lòng mình. Nguyên nhân chính của việc chủ trương Phật giáo nhập thế là muốn giúp đạo Phật tránh tình trạng tôn giáo triết học kinh viện, chỉ đáp ứng mặt học thuật nhiêu khê tủn mủn, lưu hành trong giới hạn của môi trường tự viện chùa miếu chứ không được thực hành, ứng dụng trong quần chúng xã hội. Từ đó có thể khiến Phật giáo xa rời quần chúng, tăng sĩ chỉ biết độc thiện kỳ thân để cầu giải thoát cho mình chứ không quan tâm đến xã hội, kỳ thực việc chủ trương đề xướng Phật giáo nhập thế không phải muốn lấy Phật giáo làm cản bước tiến xã hội.
Trong tinh thần cùng lúc dung hợp với xã hội, Phật giáo đề cao thế giới tinh thần của toàn thể mọi người, nhiệm vụ linh thiêng cao cả ấy tuyệt đối không thể “theo người làm ác”, dễ dàng bị biển đời nhấn chìm được. Vả lại, xưa nay những vị cao tăng đại đức xứ khác giương cao ngọn cờ Phật giáo nhân gian đều là những người cần mẫn không mệt mỏi hiến thân cho việc hoằng dương và phổ cập Phật pháp; đồng thời để chấn hưng Phật giáo, họ đã xây dựng tương đối đầy đủ về con người và cơ sở vật chất, họ đã cố gắng đem Phật giáo từ cung điện của thần học, từ cung điện của học thuật thuần túy, từ cung điện của sự sùng bái tôn tượng về với hiện thực nhân gian mà ai cũng thấy, thật là một thành tích nổi bật. Nhưng giai đoạn hiện nay, rất nhiều nhân sĩ trí thức trong giáo hội, ngoài giáo hội xướng xuất Phật giáo nhân gian thì lại có một số người đi ngược lại đường lối của những người đi trước, họ thường lý giải hàm nghĩa của hai chữ “nhân gian” bằng sự hiểu biết nông cạn của mình, cho rằng Phật giáo nhân gian có nghĩa là thế tục hóa cực điểm Phật giáo. Dưới chiêu bài “mọi pháp đều là Phật pháp”, họ hiểu lầm một cách dung tục bản ý của “Phật pháp không tách khỏi sự giác ngộ thế gian”. Đối với người phàm phu nói chung, cùng lúc họ đơn giản đưa cao ngọn cờ mọi pháp đều là Phật pháp, không biết họ có trừ bỏ được sự chấp trước và các niệm phân biệt của mình hay không?
Với điều kiện chưa đoạn diệt chấp trước và niệm phân biệt, việc đề xướng mọi pháp đều là Phật pháp rất dễ bị người ta sử dụng để tô điểm cho hàng loạt những lời nói và việc làm đầy thế tục hóa của mình, với danh xưng mỹ miều là “Phật giáo hiện đại hóa”.
Từng có pháp sư luận rằng: “Trước đây, những nhà truyền giáo thường khuyến khích tín đồ vứt bỏ thế gian, xa rời vợ con, vào núi tu đạo, chôn vùi tính thế gian của Phật giáo đã khiến cho Phật giáo suy vi, mất hết sức sống”. Do đó vị ấy cho rằng: “Nay mai, Phật giáo trong thời đại công nghiệp nhất định bắt đầu coi trọng nhập thế hơn xuất thế… Chuyển dời tuệ mệnh Phật giáo từ chỗ sống nhờ ở chùa viện đến chỗ thành tựu sự nghiệp… Sự nghiệp hiện đại hóa Phật giáo nên bao gồm cả xí nghiệp, nông trường, bảo hiểm, ngân hàng, công ty, gộp chung gọi là công nông thương”. (Trần Binh, Đặng Tử Mỹ, Nhị Thập Thế Kỷ Trung Quốc Phật Giáo). Do đó có thể thấy hiện đại hóa trong cách nghĩ của vị pháp sư ấy đã vượt quá xa việc hiện đại hóa phương tiện truyền bá, hiện đại hóa ngôn ngữ giải thích Phật pháp, và hầu như bao trùm toàn bộ mọi lĩnh vực của Phật giáo. Chính như ông ta tự nói ra vấn đề triển khai cụ thể hiện đại hóa Phật giáo là: “1. Ngôn ngữ văn hóa Phật giáo hiện đại; 2. Khoa học kỹ thuật hóa Phật giáo hiện đại; 3. Đời sống hóa tu hành hiện đại; 4. Trường học hóa chùa viện hiện đại”.
Đối mặt với những nghị luận đường đường chính chính như vậy, chúng ta không thể không đặt câu hỏi, Phật tổ Thích Ca Mâu Ni Phật nhân chịu nhiều những khổ hạnh, kể cả việc bỏ vợ xa con, việc vào núi tu đạo, phải chăng đã chôn vùi hết tính nhân gian của Phật giáo sao? Những vị tổ sư đại đức trong lịch sử đi theo con đường lục độ vạn hạnh, phải chăng họ không phải là những người tu theo hạnh Bồ tát, họ đều ích kỷ tư lợi cho riêng mình, đều không muốn làm trong sạch thế đạo nhân tâm, đều không muốn nâng cao trình độ văn minh của toàn xã hội sao? Cơ sở để tiếp tục tuệ mệnh của Đức Phật phải chăng có thể không ở nơi chùa viện, không ở việc hoằng dương giảng kinh thuyết pháp, không ở truyền thống văn tư tu nơi chùa viện theo những tiêu chuẩn nghiêm khắc nhằm bồi dưỡng ra nhiều tăng tài có thể hoằng pháp lợi sinh sao? Nếu Phật giáo chỉ biết nhập thế, không biết xuất thế là thứ gì thì Phật giáo ấy há chẳng phải là sẽ khiến con người mãi mãi lún sâu vào vũng lầy của luân hồi sao? Thế thì chúng ta không cần phải học Phật nữa, vì nó không có chỗ khác nhau nào với luân lý, đạo đức, triết học cùng với mọi khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn của thế gian cả.
Một tín đồ Phật giáo, trừ phi người ấy là một vị đại thành tựu, nếu không thì vừa bắt đầu học Phật tu hành đã phải vật lộn trong chốn cuồn cuộn bụi trần, kết quả cuối cùng sợ rằng không thể trở thành một người tài năng, người tu hành trải qua tôi luyện miệt mài, mà trái lại chỉ là một người lớn lên thành “người hiện đại” không khác gì với kẻ phàm phu tục tử. Phật pháp nếu muốn thu hút người hiện đại, muốn không bị người hiện đại cợt giễu là lạc hậu, muốn tạm thời khống chế được việc không nguyện tuân giữ giới luật, không nguyện khổ hạnh tu hành, không nguyện văn tư những giáo lý uyên áo khó hiểu của Phật pháp, không nguyện tự mình đấu tranh ngoan cường nhất với thói quen suy nghĩ, phương cách hành động của một số người hiện đại nào đó, muốn toàn thể thế giới đều được càng ngày càng vật chất hóa, cơ giới hóa, muốn dục vọng của mọi người càng ngày càng tăng mạnh, tính cách càng ngày càng lười nhác uể oải, ngã chấp càng ngày càng nặng nề, thì hãy vứt bỏ giới luận nghiêm khắc, vứt bỏ yêu cầu của người tu hành phải văn tư tu trong nhiều năm và về tư tưởng, hành động, phải khắc phục hàng loạt những khuyết điểm của tính cách con người trong quá trình tu hành, mà cứ một mực dấn thân vào dòng chảy ô trọc của công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp, mậu dịch. Lúc đó dù bạn có đặt cho nó một cái tên là Phật giáo hiện đại hóa, hay cấp cho nó một danh xưng mỹ miều là Phật giáo nhân gian, thì cũng không thể thay đổi một sự thực có lẽ đã dùng không biết bao nhiêu thời gian mới có thể tạo ra được; trong cùng lúc điều gọi là tập thể Phật giáo càng ngày càng nhiều, trong giới tăng lữ Phật giáo càng ngày càng mở ra nhiều công ty công nông thương nghiệp và đã tiêu tốn vô số tiền của vào các dạng sự nghiệp phúc lợi xã hội, danh tiếng của Phật giáo nhân gian quả thực càng ngày càng to lớn, sức ảnh hưởng cũng càng ngày càng lớn mạnh, nhưng trái lại tinh túy của Phật giáo ngày càng bị mọi người ghẻ lạnh, không tin tưởng. Mục đích tồn tại của Phật giáo ở thế gian không phải để tranh giành tín đồ với các tôn giáo khác, cũng không phải để có được danh hiệu cao nhất về tập thể phúc lợi xã hội. Có lẽ họ đã nghĩ rằng, trước hết lấy lợi để dẫn dụ, sau mới khiến người ta theo đạo Phật. Nhưng đối với Phật pháp, khi dùng trí tuệ của mình để xây dựng các hạng mục của sự nghiệp thế gian thì tình trạng tương lai của việc này có thể hình dung được qua câu nói của người xưa “đi vào chợ cá, lâu ngày sẽ không ngửi thấy mùi tanh, vì bản thân mùi tanh đồng hóa rồi”.
Nếu Phật pháp và cuộc sống hiện đại hòa làm một với nhau, Phật pháp nếu chủ động nhường bớt sự tôn nghiêm và quyền điều khiển của mình thì kết quả cuối cùng chỉ có thể là hình ảnh dấn thân của Phật pháp, như vậy Phật pháp và thế gian pháp cùng xấu như nhau.
Vốn không muốn nói dài dòng như vậy, nhưng cảm khái muôn phần, nên không thể tự chủ. Lần nữa, xin nói thêm một điều, cũng do cảm hứng mà phát biểu, đó là nhân trong câu hỏi Pháp sư có đề cập mấy chữ liên quan đến hiện đại hóa Phật giáo, nên mới thao thao bất tuyệt mở rộng đề tài ấy ra đây. Nói tóm lại, nếu không làm mất nghĩa gốc của Phật giáo, không vi phạm những điều cơ bản của giáo nghĩa mà lại có lợi cho chúng sinh trong các chủ trương của Phật giáo nhân gian, thì chúng tôi hoàn toàn tán thành và tùy hỷ; nếu lấy cớ hai chữ “nhân gian” mà vứt bỏ, phỉ báng “kiến tu hành quả” vốn có của Phật giáo thì chúng tôi, là những tín đồ Phật giáo đương nhiên phải đứng lên phản bác.