Pháp sư Tế Quần: Năm trước, tôi có đi thăm một số chùa viện Phật giáo Tây Tạng. Thực tế mà tôi nhìn thấy thì những chùa viện ấy cũng chịu ảnh hưởng của làn sóng kinh tế rất sâu đậm. Mỗi chùa viện đều có cửa bán vé, các tăng nhân thì bận rộn trong việc tiếp đón du khách, rất giống với các chùa viện ở xứ khác. Có thể toàn bộ sự phát triển của Phật giáo và xã hội cũng phải ở vào tình trạng vận hành theo thương nghiệp. Những năm gần đây, rất nhiều chùa viện của xứ khác đang dần dần đi vào con đường thế tục hóa và thương nghiệp hóa, là một tăng nhân xứ khác, trước hiện tượng ấy đối với Phật giáo xứ khác, tôi rất lo lắng. Trong tưởng tượng vốn có của tôi, chùa viện xứ Tạng nên giữ lấy sự thần bí và thanh tịnh tương đối. Nhưng theo cảm tưởng của tôi trong cuộc tham quan ấy, tôi cho rằng tình hình này so với tình hình chùa viện ở xứ khác không khác nhau là mấy. Là một đại đức của giới Phật giáo Tây Tạng, ông có lo nghĩ gì đối với vấn đề này không?
Kham bố Sách Đạt Cát: Đối với những lo nghĩ của Pháp sư, tôi cũng có sự đồng cảm sâu sắc, toàn thể Phật giáo, kể cả cảnh tượng phát triển chùa miếu trong tương lai đúng là không làm cho người ta lạc quan. Ngày nay ở thời đại siêu tốc bước vào thế kỷ XXI, Phật giáo hoàn toàn chưa tùy vào sự phát triển rực rỡ của khoa học và kỹ thuật, vào sự phong phú cực độ của vật chất mà đang hưng vượng lớn mạnh một cách tương ứng, một trong những biểu hiện tương đối rõ ràng là sự thoái hóa về chức năng thực tế của các chùa viện. Dù xứ khác hay xứ Tạng, chùa viện xưa nay tồn tại vốn là đạo tràng để tăng nhân văn, tư, tu. Những tăng nhân gánh trên vai mình sứ mệnh thần thánh của tuệ mệnh kế thừa con đường của Đức Phật, tức trong cái lò luyện to lớn là chùa viện ấy cần phải tôi luyện mình thành đệ tử đúng nghĩa của Phật Thích Ca Mâu Ni, đồng thời đi theo dấu chân của Phật tổ, đem ngọn cờ hoằng pháp lợi sinh từ đời này sang đời khác truyền đi rộng khắp. Nếu một cơ sở hộ pháp chân chính cũng dần dần trở thành địa điểm thắng tích mang chất thế tục, hoặc trở thành một nơi giao lưu của đủ loại người suốt ngày ồn ào không dứt, hoặc là nơi an ủi sùng bái những tượng gỗ của những linh hồn trống rỗng, thì chỉ có thể nói rằng đó là điều thất bại và buồn rầu to lớn nhất của những người là tăng nhân như chúng ta, và cũng là sự thực rõ ràng khiến người ta đau lòng đối với Phật pháp không được mọi người tín mộ từ đáy lòng của họ.
Phật giáo là thứ khoa học và triết học cao sâu nhất, muốn nắm vững đầy đủ nền học vấn thế gian và xuất thế gian cùng hệ thống thực tu của Phật pháp cần phải trải qua hệ thống văn, tư, tu, mà chùa viện là nơi cung cấp những phương tiện tốt nhất cho việc văn, tư, tu ấy. Ở đó, những vị cao tăng đại đức học tập thành tựu, giảng pháp điển, dạy đồ đệ, những đệ tử thiết tha mong cầu trí tuệ mát lành, cần mẫn văn tư, bàn luận, khổ tu, đã trở thành một cảnh tượng khiến người ta ngưỡng vọng, say đắm biết bao. Nhưng hiện nay nhìn lại một số chùa viện xứ khác cũng như xứ Tạng, tình hình lại không mấy lạc quan. Trong những chùa viện ấy, những tăng nhân bận rộn đón tiếp từng đoàn từng đoàn du khách đến viếng cảnh, việc giảng kinh thuyết pháp hằng ngày hầu như hoàn toàn đứt đoạn. Một ngôi chùa cuối cùng chỉ có thể dựa vào những gì mà nó có như văn vật lịch sử, tượng Phật, danh tiếng, hoặc sự huy hoàng rực rỡ của một thời đã qua, hoặc ảnh hưởng thần bí trong tâm ý của mọi người để làm chốn duy trì sự sống còn, chứ không phải là dựa vào sức mạnh chính pháp mà nó có, cũng không phải dựa vào những vị tăng tài chân chính mà nó cho là vượt trội để hấp dẫn những người cầu pháp đồng thời bảo đảm sự phát triển và thăng tiến tự thân, hiện tượng này quả đúng là khiến cho mọi người vô cùng đau lòng và lo lắng. Bởi vì luận sư Thế Thân đã từng nói, Phật pháp chính là giáo pháp và chứng pháp, nếu chùa viện biến thành nơi tham quan du lịch thì giáo pháp làm sao tồn tại và chứng pháp còn đâu chỗ để thể hiện, hoằng dương?
Nhưng tình hình một số chùa miếu mà pháp sư nhìn thấy ở xứ Tạng hoàn toàn không mang tính đại biểu một cách phổ biến, về vấn đề này, tôi nghĩ cần trình bày một vài ý kiến của cá nhân tôi. Dù tôi không hoàn toàn bảo đảm các chùa viện sau này của xứ Tạng đều thanh tịnh không ô nhiễm, nhưng trước mắt, cơ bản có thể khẳng định tuyệt đại đa số chùa viện xứ Tạng so với tình trạng phổ biến chùa viện của xứ khác còn có những điểm không giống nhau. Điều này hoàn toàn không phải tôi có ý bênh vực cho chùa viện Tây Tạng, mà là sự thực vốn là như vậy. Thực ra tự đáy lòng, tôi cũng có nỗi lo lắng tương tự như vậy đối với cảnh tượng chùa viện trong tương lai như những gì đã trình bày ở trên. Vả lại, đối với một số chùa viện cá biệt của xứ Tạng hiện nay đã nảy sinh những biến đổi, tôi thật sự đang cảm thấy đau lòng nhức óc, nhưng trước mắt hiện trạng tạm thời trên toàn lãnh thổ Tây Tạng, tình hình còn chưa phát triển đến nỗi tồi tệ.
Ngoài một số chùa viện gần các thành phố lớn thuộc Tây Tạng, Thanh Hải, Cam Túc ra, và cá biệt rất ít chùa viện mở cửa cho du khách trong và ngoài nước, còn thì ở xứ Tạng hầu như tất cả chùa viện đều không thu phí vào cửa. Ngoài ra, do vấn đề giao thông ở cao nguyên Thanh - Tạng bất tiện, rất nhiều chùa viện cơ bản đều tọa lạc ở chốn núi cao rừng sâu, hoặc trong thảo nguyên hoang dã, cách biệt với thế giới bên ngoài. Thêm vào đó, khí hậu cao nguyên ở đây vô cùng khắc nghiệt so với nội địa, chỉ mỗi một nhân tố bất lợi là núi cao thiếu dưỡng khí cũng đã ngăn trở những người gọi là lữ du, là khách hành hương phải dừng bước ngay bên ngoài nóc nhà của thế giới. Như vậy có thể thấy mỗi một chùa miếu ở vào một nơi thanh vắng, trong thời gian ngắn hầu như không thể nào bị trào lưu hiện đại hóa nhấn chìm được.
Ví như huyện Cam Du, tỉnh Tứ Xuyên, nhân khẩu chưa đến tám mươi vạn mà chùa viện có đến năm trăm mười lăm sở. Theo như tôi biết, trong số chùa viện nhiều như vậy, không có một chùa nào bán vé vào cửa cả, hoặc tùy tiện tiếp đón khách tham quan. Lại ví như huyện Lô Hoắc của quê tôi, một huyện thành nhỏ nhỏ mà có đến hai mươi bốn ngôi chùa lớn nhỏ, nên ngay cả một con phố to rộng của một thành phố lớn cũng không thể sánh kịp. Trong các giảng đường, các tu viện dùng làm nơi văn tư tu, không có một chùa viện nào có thói quen đón tiếp khách tham quan. Đến như Ngũ Minh Phật học viện tại huyện Sắc Đạt, có khoảng một vạn nhân khẩu mà có đến ba mươi ngôi tự viện, vả lại xưa nay chưa từng nghe nói có ngôi tự viện nào bán vé vào cửa. Tình hình các khu thuộc nội lục Trung Quốc như Thanh Hải, Vân Nam, Tây Tạng đại khái cũng tương tự như vậy. Đương nhiên bản thân tôi cũng có đến các vùng Lạp Tát, Tây Ninh, tại vùng phụ cận của các thành phố lớn ấy, có một số chùa viện quả đã bị khai thác thành những khu du lịch thắng tích. Nhưng nếu tự mình đích thân đi sâu vào khắp nội lục xứ Tạng, nhất định bạn có thể nhận ra tình hình thực tế sẽ hoàn toàn khác.
Khác với xứ khác, trong những thành phố lớn mấy trăm ngàn, thậm chí trên một triệu nhân khẩu, thường chỉ có mấy ngôi chùa miếu, còn ở xứ Tạng hầu như mỗi làng xã đều có chùa miếu riêng của mình. Hơn nữa vì xưa nay Phật giáo Tây Tạng vốn coi trọng các hoạt động giảng kinh, thuyết pháp diễn ra trong chùa miếu, cộng thêm các chùa miếu ấy phần lớn là nơi yên lặng thanh tĩnh, rất ít bị hoàn cảnh bên ngoài quấy rối, nên tôi cho rằng, dù giai đoạn hiện nay đang đối mặt với trào lưu kinh tế phát triển tấn công, nhưng có thể dự đoán phần lớn chùa viện sẽ không bị khuấy động hay ảnh hưởng gì quá to tát trong tương lai.
Nhưng cũng cần lo đề phòng trước, từ trong thâm tâm, hy vọng tất cả chùa viện đều có thể kế thừa lời chỉ dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tịnh hóa tự thân thành đạo tràng chính pháp đúng nghĩa nhằm truyền bá giáo pháp của Đức Thế Tôn. Những tăng nhân trong các chùa miếu phải tinh tấn tu pháp, phải thực hiện việc tu hành đến từng khâu của thân, khẩu, ý. Nếu mình cũng giống như kẻ phàm phu của thế gian suốt ngày lui cui bận rộn, nhưng sự lui cui bận rộn ấy lại quá vụn vặt, quá tẻ nhạt, thì cuộc sống hèn kém kia làm sao có thể xứng hợp với thân phận chân chính của một người xuất gia? Tôn giả Toàn tri Vô Cấu Quang từng đưa ra sáu thứ sai quấy làm trở ngại cho chính pháp, đó là: “Quan lớn chức cao ngạo mạn, sai; tăng nhân bận rộn với pháp thế gian, sai; pháp sư giảng kinh để sống qua ngày theo danh tướng, sai; chú sư dùng ngũ độc hủy hoại tự tâm, sai; hành giả nuôi dưỡng sự ngu muội, tà tín, sai; tự tâm sĩ phu mê đắm trong pháp thế gian, sai”. Trong số đó bao gồm cả những người như tăng nhân, hay pháp sư giảng kinh thuyết pháp. Dưới làn sóng kinh tế hiện đại càng ngày càng khiến người ta hoa mắt chóng mặt, mỗi tăng nhân cần phải tự mình suy nghĩ lại, phải phản tỉnh tự thân, tự xem lại mình có giống như những người mà tôn giả đã phê bình về sự bận rộn trong tám pháp của thế gian1 hay không; mỗi vị thượng sư cũng nên tự hỏi lòng mình, tự xem lại mình có phải mình chỉ là một pháp sư của danh và tướng hay không, từ trong tương tục, thực tế lại không có chút công đức tu chứng nào, giảng kinh thuyết pháp tự nhiên lại được xem là công cụ, phương thức mưu sinh, mà không phải là đang truyền trao đuốc tuệ của Phật pháp.
1 Tám pháp của thế gian (Thế gian bát pháp 世間八法): Bát pháp còn gọi là “bát phong” 八風 (tám thứ gió), đó là: 1. Lợi lộc, 2. Suy kiệt. 3. Chê bai. 4. Khen thưởng. 5. Ca ngợi. 6. Chế giễu. 7. Khổ đau. 8. Vui sướng.
Từ trong thâm tâm, tôi hy vọng tất cả chùa viện của xứ khác cũng như xứ Tạng, tất cả những người xuất gia ở trong các chùa viện ấy đều có thể duy trì truyền thống tốt đẹp do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền lại, mọi người ít quan tâm hơn đến những việc vụn vặt của thế gian, mọi người không quên bản phận của người tu hành. Theo tôi thấy, chẳng cần đi làm mấy việc xây dựng chùa miếu mà phát tâm không thanh tịnh, hoặc đi làm mấy việc về hình ảnh Phật pháp bề ngoài xem ra rầm rầm rộ rộ, chi bằng hãy thực sự tĩnh tâm lại mà tu hành, mà tu tâm dưỡng tính cho thật đàng hoàng. Tu hành quan trọng hơn cả việc xây dựng, kinh doanh, kiếm tiền và khai thác nguồn lợi du lịch rất nhiều, tín đồ Phật giáo chân chính chỉ có nghe giảng kinh điển, tu trì chính pháp ở nơi đạo tràng thanh tịnh, cuối cùng mới có thể đem lại lợi ích cho chính mình và cho người khác.