Đối thoại giữa Mật giáo và Hiển giáo được dịch từ nguyên tác Hiển Mật vấn đáp do Pháp sư Tế Quần đại diện cho Hiển giáo hỏi; Pháp sư người Tây Tạng là Kham bố Sách Đạt Cát đại diện cho Mật giáo trả lời, nội dung chính gồm 18 câu hỏi và lời giải đáp tương ứng. Tuy hình thức là vấn - đáp với văn phong khẩu ngữ, dễ hiểu nhưng điều đáng kính phục và trân trọng là người trả lời đã trưng dẫn hàng trăm bộ kinh, luận của Hiển giáo để giải đáp cho các vấn nạn của xã hội nói chung và của Hiển giáo nói riêng về một số vấn đề tiêu biểu, điển hình và có phần nhạy cảm của Mật giáo; từ đó giúp người đọc từng bước gỡ được những nghi vấn về tính thuần chính, tính chân thực và giá trị thực tiễn trong đời sống tâm linh của Mật pháp.
Trong dòng Phật sử hơn hai nghìn năm của người Việt, yếu tố Mật giáo xuất hiện rất sớm và có tầm ảnh hưởng sâu rộng; truyền thuyết, huyền thoại có liên quan đến Mật giáo nhiều hơn Hiển giáo, tần suất xuất hiện các huyền thuyết về nhân vật hành trì Mật tông tuy thưa thớt và có nhiều gián đoạn, song đó là chứng tích chứng minh Mật tông là tông phái gắn liền với thịnh suy của đạo Phật và vận nước, có thể khẳng định rằng tất cả các huyền thoại về các hành giả Phật giáo đều liên quan đến yếu tố Mật tông.
Mật tông cuốn hút nhờ tính huyền bí, song sự huyền bí đó phải được bắt nguồn từ tính tinh nghiêm cẩn mật, thận trọng gìn giữ giới pháp Như Lai của hành giả thì mới có sức sống, sức cảm hóa... chứ không bắt nguồn từ yếu tố mê tín, thiếu hiểu biết và truyền thừa tràn lan được! Các học giả đồng thời cũng là hành giả nổi tiếng như Ngài Thánh Nghiêm, Ngài Ấn Thuận... do không phải là dòng truyền thừa chính mạch, không phải là người chuyên sâu nghiên khảo về Mật tông Tây Tạng nên có những nhận định sai lầm đáng tiếc được nhắc đến và đính chính trong tập sách này. Điểm này một lần nữa nói lên tính mật truyền, tính bí truyền và tính khắt khe của Mật pháp, người ngoài muốn hiểu và hành trì ắt cần được đào luyện, cần học tập, hành trì trong môi trường bản địa mới mong tránh được thiên kiến, thành kiến về Mật tông Tây Tạng.
Đây là lời đối thoại công khai, cởi mở, mang tính học hỏi, bổ túc cho nhau giữa Hiển giáo và Mật giáo, rất đáng để cho chúng ta đọc, suy ngẫm. Hành giả tại gia, xuất gia hay học giả nào muốn tìm hiểu, tu tập, thể chứng Mật pháp đều cần soi vào đây để xác định lại vị trí bản thân trong đồ trình đi đến thánh quả thông qua Mật giáo.
Mấy năm trước đây Phật tử các giới ở Việt Nam có nhiều nhận định, đánh giá nhiều chiều về Mật tông Tây Tạng, nhân đó tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về Mật Tạng, nhân duyên đưa đẩy, tôi có duyên đọc tác phẩm này của Kham bố Sách Đạt Cát, thấy hữu ích thiết thực nên tôi kính nhờ cư sĩ Nguyễn Phố dịch Việt. Hơn ba năm nay, vị ấy đã đọc lại nhiều lần, nay đã thành bản dịch tốt, nhân lần đọc lại này, tôi mạo muội thay người dịch viết đôi dòng giới thiệu đến quý vị.
Lãm Thúy Hiên, 01 - 11, Kỷ Hợi, 2019
Thích Quang Định