Những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới xuất hiện một xu thế nồng nhiệt về Mật tông Tây Tạng. Là một chi phái của Phật giáo, Mật giáo Tây Tạng đang được hoằng dương rộng rãi trong xã hội hiện đại khiến người ta vô cùng hoan hỷ.
Đối với tôi, ấn tượng Phật giáo Tây Tạng ban sơ nhất có liên quan đến tác phẩm có tính học thuật cao đó là bộ Lịch sử Phật giáo Ấn Độ. Tác giả của bộ sách vì chịu ảnh hưởng của tư trào học thuật hiện đại nên thường giữ thái độ phê phán đối với Phật giáo Tây Tạng. Bản thân tôi đối với việc sử dụng phương pháp học thuật để nghiên cứu Phật học cũng không hẳn là đúng lắm, vì tôi cảm thấy Phật pháp phải do từ hai mặt của kiến - hiểu biết và chứng - tu chứng mà đánh giá. Nhưng tùy vào sự hiểu biết sâu sắc, tùy vào những gì tôi thấy, tôi hiểu, đều nói lên rằng đối với Phật giáo Tây Tạng không nên phủ nhận một cách khinh suất như vậy.
Phải nói rằng Phật giáo Tây Tạng quả đúng là có những mặt vô cùng vượt trội, như coi trọng vấn đề tâm xuất ly - tâm giải thoát, tâm Bồ đề và chính kiến, đồng thời nghiêm cẩn trong các thứ lớp của đạo và các chế độ giáo dục. Đặc biệt là ngoài việc duy trì học pháp, họ vẫn giữ sự truyền thừa chứng pháp; họ không chỉ cung cấp cho chúng ta một phương pháp, những thao tác thực tiễn đáng học tập mà còn bao gồm nhiều phương tiện đặc biệt trong việc tu hành. Tất cả những điều đó đều là những điểm vô cùng có giá trị để cho chúng ta noi theo.
Đương nhiên, Phật giáo Tây Tạng cũng có những chỗ khác biệt rất lớn đối với Phật giáo Trung Hoa, như phép tu song thân, không cấm ăn thịt, vấn đề truyền thừa giáo pháp theo tập tục thế gian, hay việc chỉ định thời kỳ và chỉ định nhân vật đặc biệt cụ thể nào đó của Phật giáo Tây Tạng tuy có tác dụng tích cực, nhưng đối với những ý niệm Phật giáo mà chúng ta tiếp thu thì lại còn khoảng cách rất xa. Nếu đứng trên góc độ của Phật giáo Đại thừa hay Tiểu thừa mà xét thì cách làm như vậy rất khó được chúng ta tán đồng. Do vậy, có thể thấy Phật giáo Tây Tạng là một thứ Phật giáo vô cùng đặc biệt. Nhưng có lẽ nguồn gốc sâu xa của nó chính là vùng đất thần bí của Tây Tạng, điều đó khiến nhiều người mang đầy những hiếu kỳ và ngưỡng vọng về vùng đất này.
Những năm gần đây, xứ người Hán có nhiều chúng1 đệ tử đến cầu pháp ở Tây Tạng, khi họ gần gũi với các đại sư, nên cầu pháp gì mới đúng đắn là con đường tu hành? Ngoài ra, xứ Tây Tạng cũng có không ít những vị Phật sống, những vị Lạt ma đến các vùng lãnh thổ khác truyền pháp, trong đó cũng không thiếu những vị cao tăng đại đức, nhưng cũng tồn tại hiện tượng người tốt kẻ xấu không đồng đều. Là một đệ tử học Phật của xứ khác, nên chọn bản sư như thế nào để nương tựa?
1 Tứ chúng đệ tử 四眾弟子: Chỉ chung bốn hạng đệ tử của Phật đó là tỳ kheo, tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ.
Điều này khiến tôi liên tưởng đến những gì phải trải qua trên con đường gập ghềnh, mấp mô của người phương Đông khi đi học tập ở các nước phương Tây. Văn hóa phương Tây tuy có nhiều điều đáng học tập, nhưng chưa hẳn đã hoàn toàn thích hợp với điều kiện của đất nước chúng ta, huống hồ trong đó không thiếu những điều không cần thiết. Từ đầu thế kỷ trước đến nay, người ta đã tìm tòi, nghiên cứu gần cả trăm năm, nhưng những điều mà chúng ta học được phần lớn là cặn bã của văn hóa phương Tây chứ không phải là những tinh hoa. Vậy mấu chốt căn bản của vấn đề là ở đâu? Phải chăng do chúng ta không rõ nên học cái gì? Hay không rõ nên học như thế nào?
Việc học tập Phật giáo Tây Tạng của chúng ta cũng tồn tại giống như hai vấn đề nêu trên. Lấy bản chất tín ngưỡng trước mắt của đại đa số dân chúng xứ khác mà nói thì rất ít người có thể hiểu ra một cách chính xác đối với hai vấn đề ấy. Nói cách khác, rõ ràng có nhiều người không đủ năng lực tiếp nhận một phần những tinh hoa của Phật giáo Tây Tạng. Trong số những người này họ chỉ hấp thu trên cơ sở nội dung tu học của Phật giáo Tây Tạng, còn một số người khác chỉ mê muội ở phép thần tài trong Phật giáo Tây Tạng, lấy phép tu tập để mưu tìm con đường ngắn nhất trong danh lợi thế tục. Đó là điều khiến tôi cảm thấy khá lo ngại.
Lấy sự phát triển và hoằng dương của tự thân Phật giáo Tây Tạng mà xét, nếu không thể đem chính pháp của Như Lai truyền giảng cho đại chúng, thì không chỉ bất lợi đối với việc truyền bá đạo Phật ở xứ khác, mà đối với sự phát triển vững mạnh của Phật giáo Tây Tạng cũng là điều trở nên bất lợi.
Tôi có duyên gặp được Kham bố Sách Đạt Cát, đúng là một chuyện hoan hỷ. Tôi sớm nghe tên của Kham bố tại Tô Châu, lúc đó, có một vị hòa thượng giới thiệu cho tôi cuốn Trí Hải Lãng Hoa của Kham bố, xem qua một số chương, tôi cảm thấy trong đó tác giả có những trải nghiệm rất cảm động. Về sau lại nghe nói Kham bố đang phụ trách việc giảng dạy tăng nhân người Hán tại Ngũ Minh Phật Học Viện, việc này càng khiến tôi vô cùng thán phục.
Tại Hạ Môn, chúng tôi gặp nhau hai lần, tôi có cảm giác Kham bố rất dễ gần, và tư tưởng cũng rất cởi mở; lại trùng hợp hơn nữa là Kham bố cùng tuổi với tôi. Lúc bấy giờ việc giao lưu Phật giáo giữa Hán - Tạng đang còn nhiều ý kiến chưa rõ ràng. Nhưng sau khi tôi đến Tô Châu, một hôm bỗng sực nhớ cuộc trò chuyện giữa tôi và Kham bố tại Hạ Môn, tôi cảm thấy những vấn đề mà chúng tôi nghiên cứu, tìm hiểu có lẽ khá đúng đắn và có thể được nhiều người giúp đỡ, ủng hộ. Thế là lần theo trí nhớ, tôi đem những vấn đề đã đề xuất lúc đó ra tu chỉnh lại rồi gửi cho Kham bố. Tôi vốn muốn đăng chúng trên tạp chí Nhập thế gian xem như là nội dung kỳ 4 của chủ đề Tín ngưỡng, nhưng mấy tháng sau, tôi lại nhận được bản sách tặng đến từ Ngũ Minh Phật Học Viện có tựa đề là Hiển Mật vấn đáp của Kham bố. Tập sách này mang tính hoằng pháp nhiệt tình, quả đúng là khiến tôi vô cùng cảm phục.
Trong Hiển Mật vấn đáp, tôi đưa ra một số vấn đề mà những quốc độ khác chưa rõ về việc giao lưu Phật giáo Hán - Tạng, như thường xảy ra tranh luận về việc ăn thịt, về phép tu song thân nên có thái độ như thế nào? Phật tử xứ khác khi tu học Phật giáo Tây Tạng nên chọn bản sư như thế nào, cầu pháp ra sao, học pháp như thế nào? Các vị Đại đức Phật giáo Tây Tạng đối xử như thế nào khi giới học thuật phê bình về họ? Sự giống nhau và khác nhau giữa Phật giáo Đại thừa của người Hán và Phật giáo Mật tông của người Tạng? Đối với một số phương pháp tu hành như “tức thân thành Phật”, trì chú, hoặc hướng dẫn ý niệm phải nhận thức chính xác như thế nào? Ngoài ra, cũng có đề cập đến chế độ giáo dục của Phật giáo Tây Tạng, tình hình tín ngưỡng của dân chúng Tây Tạng và trong làn sóng hiện đại hóa ngày nay, Phật giáo Tây Tạng phải làm thế nào để duy trì tính thuần chính của giáo phái ấy.
Kham bố rất từ bi và cũng rất trí tuệ, ông trả lời các vấn đề nêu trên rất xuất sắc. Sau khi kính cẩn duyệt đọc, tôi có cảm giác mình gặt hái được nhiều điều và tin rằng nhiều người đọc xong cũng có cùng một cảm giác như tôi. Đương nhiên, đối với một số quan điểm của Kham bố, tôi không hoàn toàn đồng ý, như đối với Hiển giáo và Mật tông có hay không có vấn đề cao thấp trong chính kiến, Kham bố cho rằng Mật tông có sự khác biệt với Hiển tông là không cùng chính kiến, đồng thời trong phần trả lời, Kham bố có chỉ ra rằng lối kiến giải của Mật pháp ở cả trong bốn phương diện đều rõ ràng vượt trội hơn Hiển giáo. Nhưng rốt cuộc là bốn phương diện nào? Nó không giống với Hiển giáo như thế nào? Những điều này Kham bố đều không nói rõ. Nhưng tôi cũng không lấy làm điều, trong các kinh văn của Hiển giáo, như ngoài Kinh Viên Giác, Kinh Lăng Già, Kinh Niết Bàn và Kinh Kiến Địa của Thiền tông, còn có Viên mãn kiến của Mật tông. Đương nhiên chúng ta cũng không thể không thừa nhận rất nhiều phương tiện đặc thù trong cách tu hành của Mật tông mà đúng là không dễ gì tìm thấy trong Hiển giáo.
Quen biết Kham bố lần này tôi nghĩ đây chỉ mới là khởi điểm của một cuộc giao lưu. Trong việc hoằng dương Phật giáo sau này, sẽ còn nhiều vấn đề cần được đối thoại, hy vọng tương lai có nhiều cơ hội gặp gỡ để lại được thỉnh giáo Kham bố.
Hạ Môn, Tháng Giêng , 2003
Ngũ Lão Phong A Lan Nhã