Đảnh lễ Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Bằng phát tâm và bi nguyện khác nhau, Vô đẳng Đại sư Thích Ca Mâu Ni Phật trụ trì thế giới ta bà, nhiếp thủ tất cả chúng sinh của cõi ngũ trọc ác thế, Ngài vì chúng sinh có căn cơ không giống nhau mà tuyên giảng tám vạn bốn ngàn pháp môn, tuyên dương thánh giáo, mở rộng con đường thành Phật, đồng thời ban giáo pháp chiếu rọi khắp cõi đất trời. Nhưng thời thế mạt pháp, sóng bẩn xô tràn, người đời bị tham dục tấn công phần lớn đều ham mê giành giật kim tiền, tranh chiếm quyền lực; và kể cả hàng loạt những món khoa học kỹ thuật kỳ hình dị tướng đi ngược yêu cầu nhân tính, rồi cuộc tấn công của văn hóa tiêu thụ, những kẻ phàm phu tục tử suốt ngày phải hao tổn thân xác của mình vào những việc không có chút ý nghĩa. Lúc đó cũng có nhiều người tu hành nhao nhao muốn dứt bỏ tín tâm đối với Tam bảo, đối với thượng sư, hoặc họ trôi nổi cùng thế tục, lúc lên lúc xuống; hoặc chỉ đối với Phật pháp thì tiến hành nghiên cứu, khảo chứng có tính chất học thuật hóa; lại còn có một số người dứt khoát rời bỏ sự chỉ giáo của những vị thiện tri thức mà bắt đầu tu luyện trong mơ hồ mù quáng.
Gọi là Phật pháp tức là nếu dựa vào những gì mà Luận sư Thế Thân, người được xưng là vị Phật Đà thứ hai, từng nói thì bao gồm hai bộ phận, đó là giáo pháp và chứng pháp; giáo pháp tức Tam tạng gồm kinh, luật, luận, dùng lắng nghe và suy nghĩ để thu hoạch; chứng pháp chỉ Tam học gồm giới, định, tuệ, dùng dựa vào đó để tu hành và chứng ngộ. Đến ngày nay, đó vẫn là giáo pháp tinh túy của Phật pháp. Trước sự tấn công xâm hại của các loại văn hóa thời đại, trào lưu tư tưởng, xu thế biến đổi, việc giảng kinh, thuyết pháp, nghe kinh, suy tư, tu hành - văn tư tu ngày một ra khỏi lĩnh vực truyền thống của giáo dục Phật giáo và cách thức tu hành; ngay cả những vị cao tăng đại đức cũng cảm thấy mệt mỏi trong việc ứng phó với những hoạt động, điển lễ, nghi thức rườm rà phức tạp của thế tục, lại càng không biết nên tự giác hay không tự giác tùy thuận theo các loại hành vi của thế nhân. Như vậy, những người tu hành theo văn tư tu như giáo lý, giáo pháp thực chẳng khác nào như sao buổi sáng.
Mùa xuân năm nay khi ở Hạ Môn, hạnh phúc được đích thân cảm nhận phong thái giáo dục Phật giáo của chùa Tử Trúc Lâm, Phật học viện Mân Nam, điều khiến cho mọi người cảm thấy vừa ý và an ủi là hệ thống văn tư tu vẫn tiến hành đều đặn, không khí tu học vẫn hào hứng. Những cố gắng khôi phục truyền thống Phật giáo ấy trong tình hình hời hợt ồn ã như hiện nay thật là một điều đáng trân quý, và sau khi được gặp Pháp sư Tế Quần của Phật học viện Mân Nam, cảm giác ấy lại càng thêm mãnh liệt.
Năm 1984, Pháp sư tốt nghiệp tại Phật học viện Trung Quốc, sau đó giảng pháp và dạy học tại Phật học viện Phúc Kiến và Mân Nam, đến nay vẫn đảm nhận chức vụ dạy học tại Sở Nghiên cứu Phật học Giới Tràng và tại Phật học viện Mân Nam. Do có một số người không ngừng chế giễu Mật pháp vô căn cứ, phỉ báng bừa bãi, đem pháp môn bất nhị viên dung của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra khuấy nhiễu lung tung rất bất lợi như hiện nay, Đại sư Tế Quần đã nắm vững giáo nghĩa chính pháp, thẳng thắn chân thành tiếp nhận các giáo phái không kể Hiển giáo hay Mật tông, tùy hỷ tán thưởng, không chỉ dứt bỏ thiên kiến mà còn lấy tâm thanh tịnh để bồi dưỡng cho lớp hậu thế, khiến cho đuốc tuệ của Phật pháp mãi mãi kế thừa. Những đệ tử mà ông dẫn dắt đều luôn luôn xuất chúng hơn những người đồng tu về các phương diện kiến văn, tu tập và giới luật. Đặc biệt là mọi người có thể kế tập cách truyền thừa của ông, đối với các giáo phái Hiển tông hay Mật tông ông đều có thái độ quán thông bình đẳng, khoan dung, hòa hợp, điều này quả đã khiến nhiều người vô cùng tán thưởng.
Tại Hạ Môn, chúng tôi đã từng trao đổi ý kiến khá chu đáo về vấn đề Phật giáo Tây Tạng và Phật giáo Đại thừa của người Hán, cùng nhau tháo gỡ những nghi hoặc, giải quyết vấn đề. Những nghiên cứu tìm hiểu ấy không những không tạo ra duyên do của lòng sân hận, mà còn lợi dụng phương tiện này để giải quyết rất nhiều vấn đề còn bị ách lại khiến nhiều người nghe thấy có thể có chỗ còn nghi ngại, lẫn lộn. Khi tôi trở lại Thành Đô, Pháp sư Tế Quần lại gửi Email cho tôi với nội dung là một số vấn đề mà chúng tôi đã đề cập về Phật giáo Tây Tạng. Sau khi xem lại các vấn đề ấy, tôi như chim khổng tước nghe sấm sét, tâm sinh hoan hỷ. Tôi vốn đang phiên dịch hai tác phẩm Tạng Mật Phật Giáo Sử và Đại Viên Mãn Tâm Tính Hưu Tức Đại Xa Sớ, lại thêm trong người đang bị bệnh, nên hơi cảm thấy rối rắm bận rộn, thời gian cấp bách, nhưng tôi vẫn vô cùng hứng thú, quyết tâm lần lượt nói rõ từng điểm nghi nan của Pháp sư Tế Quần. Tôi tin bản thân Đại sư thật sự hoàn toàn không có chút lòng nghi hoặc nào đối với những vấn đề đã đề cập với tôi, và lại càng không thể có điều ngờ vực nào đối với giáo nghĩa của Mật tông. Quả đúng là do lòng cảm thương chúng sinh bức bách, ông mới thay mặt chúng sinh, đặc biệt là đối trước sự mù mờ về Mật pháp hoặc tâm của chúng sinh có thiên kiến, tà kiến hoài nghi mà đứng ra phát vấn để có thể hiểu biết một cách mạch lạc nhằm nâng cao trình độ viên dung, bổ trợ, thu nạp Phật pháp đối với cả Hiển giáo lẫn Mật giáo.
Đúng là như gióng một hồi trống, âm vang chấn động, những vấn đề bày ra ở đây không chỉ có thể giải đáp những mong muốn của họ, mà nhân cơ hội thuận tiện này còn có thể nói ra những ý kiến, quan điểm của chính mình. Vốn là một người đi tu bình thường, tôi hoàn toàn không dám tự xưng mình là người đại biểu phát ngôn cho Phật giáo Tây Tạng. Nhưng qua nhiều năm nghe đọc và suy nghĩ đã lĩnh hội được những điều tâm đắc, nên đánh bạo trả lời ở đây một cách ngắn gọn. Những vấn đề này trước đây tôi đã từng gặp rất nhiều người xuất gia và cư sĩ tại gia đưa ra đủ các dạng các kiểu nghi vấn, nhưng tôi chưa trả lời một cách trực diện. Vì có một số vấn đề quá đơn giản không cần phải hao phí giấy mực để phân tích, giải bày, nhưng cũng có những vấn đề đưa ra lại toàn rặt là những vấn đề của Phật giáo Tây Tạng, người ta tuyệt đối không am hiểu và có tính bài xích; dù tôi có nghiêm túc trả lời cũng không thể khiến cho những hạng người tuy chưa đi sâu vào kinh điển Mật giáo mà dám tùy tiện nói bừa ấy hồi tâm chuyển ý cho được, bởi vì sức mạnh vốn có của họ là không biết mà giả như biết, người ta nói gì cứ nói theo như vậy, tưởng tượng vô căn cứ, tùy ý bịa đặt. Đã như vậy, việc gì tôi phải hao phí lắm lời. Nếu không, càng tranh luận nhiều, càng nói xấu nhau thì càng hiểu lầm nhau và rất có thể càng ngày càng tăng gia hơn nữa. Khi nhân duyên hoằng pháp chưa sẵn sàng thì giữ im lặng là một thứ quyền hạn và cũng là thứ hành vi thích hợp.
Nhân đây, lần nữa cảm ơn sự có mặt đúng lúc của Đại sư Tế Quần, đã tạo nên cơ hội tốt để tôi giải đáp toàn bộ những vấn đề ấy. Ở đây, tôi cũng muốn bày tỏ một số ý kiến cá nhân: Giữa người ở quốc độ, vùng miền khác và người Tạng theo Phật giáo thường có đối lập và bất hòa, căn bản là do giáo nghĩa Phật giáo không phù hợp nhau. Thông qua việc đối thoại, biện giải đúng lý, đúng pháp sẽ dẫn đến sự hiểu biết lẫn nhau, tạo nên sự hợp lực nhằm đem lại lợi ích cho việc phát triển mạnh mẽ sự nghiệp Phật giáo trong thời đại mạt pháp này. Chúng ta vốn đang ở trong thời buổi của những tà tri tà kiến đầy rẫy khắp nơi, những tín đồ trong nội bộ Phật giáo nếu còn đưa ra những thành kiến truyền thống, những tập khí cá nhân mà công kích, phê phán lẫn nhau thì biết đến bao giờ ánh sáng của tuệ nhật mới phá được vô minh ngu tối.
Thử nhìn quanh thực tại của cuộc sống chúng ta, có thể nói những kẻ si mê trong thế giới phàm phu này đâu đâu cũng có. Thế thì tác dụng tịnh hóa nhân tâm, tịnh hóa xã hội của các tín đồ Phật giáo được thể hiện ở chỗ nào? Hiện nay, chỉ cần bạn mở máy tính ra nhìn qua một lượt trên các trang mạng, bạn có thể phát hiện mỗi ngày trên mạng quy tụ một đám người có thể quy y hoặc chưa quy y Tam bảo đang cãi vã om sòm không có hồi kết. Những luận bàn không có bất cứ chính tri chính kiến nào hướng đạo, cứ phát triển mãi cho đến cuối cùng thì biến thành những lời chửi bới lẫn nhau, công kích hành vi danh dự người khác, những tranh luận như vậy, ngoài việc khiến cho những người chưa trưởng thành tiếp nhau tạo ác nghiệp và tích nhân ác ra, thì đối với mình, đối với người, đối với xã hội có lẽ chẳng có chút lợi ích hay tốt đẹp nào. Đã thế, lại đang sống trong thời buổi Phật giáo suy yếu lại còn cãi cọ, tranh chấp, hơn thua lẫn nhau, há chẳng phải là quá vô nghĩa, quá buồn chán sao?
Có lần khi Đại sư và tôi cùng ăn chay trong một quán ăn ở Hạ Môn, Đại sư nói: “Trong Phật giáo Tây Tạng có truyền thống văn tu tư vô cùng nghiêm cẩn và tinh tế. Điều khiến mọi người cảm phục và ngưỡng mộ chính là hầu như trong cuộc đời của mỗi tăng lữ, người Tây Tạng đều cần phải học tập nhiều lần năm bộ Đại luận. Ngoài ra, trong Mật pháp còn có vấn đề thực tu thực chứng, đóng cửa hành trì dưới sự chỉ dẫn của các vị thượng sư, tất cả đều vô cùng đáng giá để Phật giáo của người Hán noi theo. Mặt khác, xứ khác có rất nhiều người già cả nhất tâm tụng niệm Phật hiệu, còn một số những người tu hành trong các đạo tràng thanh tịnh thì chuyên tâm tu thiền, những hành vi như vậy cũng đáng hoan hỷ, đáng khen ngợi. Vả lại, rất nhiều đại sư của xứ khác cũng mượn vô số các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại để sử dụng rộng rãi trong hoằng pháp nhằm đem lại lợi ích cho cuộc sống, những dạng thức và tư tưởng giáo dục Phật giáo hiện đại hóa ấy cũng có nhiều chỗ đáng học tập. Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Trung Hoa cần nắm tay nhau, cùng thúc đẩy Phật giáo ngày một rạng rỡ thêm. Giai đoạn đặc biệt hiện nay cần hiểu rõ nhau, cùng chung sống trong hòa mục, cùng phối hợp nhau, được như vậy mới khiến cho Phật pháp đích thực đem lại lợi ích cho quảng đại chúng sinh”.
Lời nói ấy quả đúng là người có kiến văn sâu rộng và vượt trội, chính trên cơ sở nhận thức ấy, tôi mới quyết định đem những gì Đại sư đề xuất, đồng thời cũng có thể là vấn đề nhiều người muốn hiểu rõ, ra trả lời đúng như sự thực. Mong rằng những điều trả lời của tôi sẽ không phát sinh những tranh luận giữa những người có giáo phái khác nhau mà tạo ra nhân ác, và cũng mong rằng những lời bàn luận ấy cung cấp cho mọi người con đường quan yếu để thông hướng Phật pháp.
Pháp sư Tế Quần