“Nhục rồi! - Lục lái xe, cau có - Lở đường mà không báo từ xa. Đúng là vớ vẩn. Lại phải đi vòng!”.
Chúng tôi nhìn ra. Có một biển báo ở phía trước - một tấm gỗ méo mó được đóng cọc rìa đường - với những dòng chữ nguệch ngoạc màu vôi: “Đường bị vùi lấp nhiều đoạn, không đi được. Quay lại theo bờ mương”.
- Chắc ở đây mưa to - Ông Quang trưởng đoàn ngáp ngắn ngáp dài - Ta đi đường vòng vậy.
Đường vòng là đường theo bờ mương độ chục cây số rồi rẽ vào đường cao tốc. Cách đây hơn chục năm tôi có qua con đường này vào một đêm trăng sáng theo anh bạn về quê.
- Đi đường nào cũng được, miễn là trưa tới nơi - Tôi nói.
Phương Mai phó phòng, cất giọng lanh lảnh:
- Còn sớm chán. Thoải mái vòng vèo.
Đúng là hai giờ chiều chúng tôi mới phải có mặt. Là khách mời. Chủ yếu là ông Quang phát biểu dăm ba câu chứ bọn tôi chỉ thứ yếu, đi cho đủ thành phần.
Bờ mương cũng khá rộng và bằng phẳng, lại thưa thớt người đi. Lục khoan khoái mở băng ca nhạc, vừa lái vừa lầm rầm hát theo một bài ca nào đó. Bỗng xe khựng lại, tắt máy. Lục xuống xe, mở nắp ca pô, hý hoáy rõ lâu rồi nhăn nhó bảo chúng tôi: “Các bác thông cảm, chờ một lúc”. Ông Quang sa sầm mặt: “Đã bảo, trước khi đi phải kiểm tra xe. Nói có nghe đâu”. Mấy lần ông đã phải chịu cảnh này với chiếc xe đây. Lục hay rong chơi, trễ nải chăm chút xe cộ dù đã bị lãnh đạo nhắc nhở nhiều lần. Cũng vì nể cậu ta là cháu một vị quan chức mà ông Quang phải nhận, phải chịu đựng chứ không đã bị tống ra ngoài lâu rồi. Lại may, để đề phòng bất trắc đường sá xe cộ, ông Quang yêu cầu bọn tôi phải đi sớm.
Trời nắng chang chang. Ngồi trong ô tô không có điều hòa nhiệt độ giữa đồng không mông quạnh thế này thì sao chịu được. Rất may ở phía xa bên kia bờ mương qua cầu xi măng lại có một quán nước ngay cạnh cây đa trước làng. Chúng tôi rảo bước đi tới. Cũng phải mấy trăm mét.
Quán nước nằm lọt thỏm trong hốc cây đa gần cầu, có con đường nhỏ dẫn vào xóm với lũy tre dày đặc bao quanh. Tôi đã đi nhiều nơi ở các làng quê Bắc Bộ nhưng chưa thấy một cây đa khủng thế này. Các rễ cây to như cột đình choãi ra quanh gốc tạo những căn phòng to nhỏ, rộng hẹp thông thốc thỏa sức cho trẻ nhỏ nô đùa và cho những người trú nắng mưa. Tôi có cảm tưởng như đang ngắm một cung điện thuở xưa trong câu chuyện cổ tích, chỉ có điều đây là cung điện - đa, cung điện - xanh. Trong cung điện - đa này có thể đủ cho vài cặp vợ chồng đến ở, đủ cho dăm ba quán bán hàng.
Sau quán nước này là một làng nhỏ, gọi là xóm cũng được. Im ắng lắm. Thi thoảng mới nghe tiếng gà gáy và tiếng người vẳng tới. Rất lâu mới có xe máy chạy trên con đường trước quán. Hình như xóm làng này là nơi hẻo lánh của huyện vùng núi này.
Chủ quán là cô gái trẻ, có lẽ cũng tang tuổi như Phương Mai - thành viên trong đoàn chúng tôi. Phương Mai dáng vẻ đài các, quý phái với má phấn môi son, áo váy thời trang, đi đứng nhẹ nhàng, uyển chuyển. Còn cô gái này với vẻ thuần khiết, tươi tắn, có cái gì đó thực hấp dẫn. Có thể là nụ cười bẽn lẽn, đôi mắt đen láy trong sáng, cái cách nói năng. Có thể là cái áo xanh bạc màu, là nước da bánh mật, là bộ ngực căng phồng chân thật ngồn ngộn sự sống. Một cô gái quê đích thực. Một cô gái ở vùng núi xa xôi.
Ông Quang đứng ở ngoài hóng mát. Tôi và Phương Mai bước vào quán. Quả thật tôi cũng hơi ngần ngại khi thấy quán sơ sài, cũ kỹ. Trên chõng tre xám xịt là những thứ đồ uống, đồ ăn. Một ấm tích chè tươi. Vài ba chai nước ngọt. Một lọ đường trắng. Một lọ quả sấu ngâm. Dăm ba chiếc bánh đa mật, bánh rán, bánh chưng. Mấy gói kẹo lạc, kẹo vừng. Ghế ngồi xung quanh chõng là những tấm ván gỗ đặt trên cọc tre chốt ngang. Phương Mai thì thầm với tôi trước cửa quán: “Y như đầu thế kỷ hai mươi. Quá sức tưởng tượng”. Tôi trêu: “Tôi còn chả biết huống gì cô”. “Quán này như trong phim vừa chiếu. Khiếp quá”.
- Cho chúng tôi cốc chè tươi. Cô Mai uống gì, nước sấu chứ?
- Không ạ, em xin vái. Cô ca còn chả thiết nữa là.
Tính nết Phương Mai là vậy. Cũng chỉ sinh ra từ khi về chỗ chúng tôi. Âu là cậy con nhà có điều kiện. Bạn cô bảo, hồi còn ở tỉnh lẻ làm nhân viên, cô ấy giản dị, khiêm nhường lắm.
Cô chủ quán tươi cười nhìn Phương Mai:
- Chị uống nước chanh đường không? Em pha nhé?
- Cám ơn! - Phương Mai lạnh lùng - Tôi chả uống gì cả, chỉ ngồi nhờ thôi.
- Chú với chị cứ ngồi thoải mái đến trưa cũng được. Bà con qua đây đều thế cả.
Phương Mai nhếch mép cười, đứng dậy trở ra.
- Cô bán hàng ở đây à? - Tôi hỏi.
- Không ạ. Cháu chỉ trông hộ một lúc cho bà cháu.
- Thế cô làm gì?
- Thưa chú, cháu làm công nhân ở một xí nghiệp tư nhân trên huyện ạ. Hôm nay trên ấy mất điện, lại hỏng máy nên chúng cháu được nghỉ.
- Bà cô đi đâu mà cô phải trông?
- Dạ, bà cháu ra đồng Sim. Kìa, bà cháu đang về - Cô gái chỉ tay phía trước.
Tôi nhìn ra bờ mương. Một bà mặc áo chàm đang cắm cúi rảo bước.
Bỗng “oạch” ở đầu quán. Phương Mai đang giũ váy đứng dậy. “Làm sao thế?” - Tôi bước ra. “Em… vấp”. “Ai bảo cô đi giày cao gót quá”. “Thử đi giày mới”. “Kìa, áo”. “Ồ nhỉ, toi rồi”. - Mai kêu toáng lên. Ông Quang quay lại nhìn. Chiếc khuy áo ngực của cô bị đứt. Mai ra chỗ khác, ngồi thụp xuống, hý hoáy việc gì đó.
Bà cụ đã tới trước cửa quán, tay cầm bao diêm. Tóc bà bạc trắng nhưng mặt rất ít nếp nhăn, da dẻ hồng hào. Chúng tôi chào hỏi bà.
- Không dám, chào các bác. Mời các bác vào trong ngồi nghỉ. Nhài đâu, rót nước mời các bác. Cháu về nhớ chỗ cám ngô cho lợn nhé.
- Dạ, cháu nhớ rồi.
- Bà đi đâu về thế ạ? - Ông Quang hỏi.
- Chả giấu gì các bác, cũng là chuyện nghĩa. Thế này, các bác ạ…
Thì ra cách đây mấy năm có cô gái chết ở đây, nổi ngay tại chân cầu. Hẳn là từ đâu dạt vào. Công an xã, công an huyện tới. Sau đó cô được chôn ở đồng Sim.
- Cũng tội, bố mẹ chết ở với bà dì. Không hiểu vì cớ gì lại nhảy xuống sông rồi trôi vào mương vào đây. Mãi sau chúng tôi mới biết chuyện đó. Mà cũng lạ các bác ạ, người nhà cô ta hơn tháng sau mới tới đây, ngồi lúc nhát bên mộ rồi về thẳng. Ba năm mà chẳng cải táng, cũng chẳng ai lai vãng. Rõ khổ. Cũng là vì mộ cô ấy gần đây nên cứ mồng một hôm rằm, tết nhất, tôi có nén nhang ra thắp để ở dưới cô khỏi lạnh lẽo, đỡ tủi thân.
- Các ông, các bà ở đây chu đáo, nghĩa tình quá.
- Bác tính, nghĩa tử là nghĩa tận. Tôi có cỗ hậu sự do đứa con gái cả đóng sẵn đã ủng hộ. Hồi ấy xóm này còn nghèo, lại vắng vẻ lắm. Nhiều người đi làm ăn xa, có khi vào tận trong Nam.
Có tiếng cười khúc khích ở trong hốc cây sau quán. Nhài và Phương Mai đang ngồi, nói cười gì đó. Tôi nghe loáng thoáng tiếng Nhài: “Chị đừng làm thế, để em về lấy khuy và kim chỉ”.
- Cháu gái bà đã chồng con gì chưa, trông chừng tháo vát lắm. - Tôi nói.
- Vâng, cháu trông cục mịch nhưng ngoan và đảm lắm. Cháu nó cũng vất vả. Giá được ăn học tử tế cũng sướng hơn. Có thời nó là học sinh giỏi của tỉnh. Mấy thầy về đây động viên cháu lên tỉnh học trường chuyên để thi toàn quốc. Cháu muốn lắm nhưng đi làm sao được. Mẹ cháu ốm rề rề, lại phải giúp đứa em tàn tật. Ấy chết, bác hỏi lại quên nói. Cháu nó tháng tới lấy chồng. Hai ba, hai tư tuổi rồi. Thôi thì, hoa người ta hái, gái người ta hỏi. Được cái may, nhà trai đồng ý cho con mình ở rể xóm này…
Bà cụ mủm mỉm cười. Gương mặt bà trông rạng rỡ, như trẻ hơn.
- Nhài là cháu nội hay cháu ngoại bà? - Tôi hỏi.
- Cháu bạn tôi.
Tôi toan hỏi cho rõ thì bà đã chậm rãi:
- Sau khi mẹ cái Nhài mất, bố cháu phải lòng một cô trên tỉnh. Cả hai dắt nhau đi biệt tăm. Hồi đó cái Nhài mới mười lăm, mười sáu. Tôi mới bảo hai cháu sang nhà tôi ở cho vui. Tôi với mẹ cháu Nhài là bạn thân, cùng trong đội dân quân phục vụ bộ đội pháo cao xạ thời chống Mỹ. Bà ấy xinh gái, hát hay lắm. Bởi thế anh cán bộ trên huyện mê tít. Họ lấy nhau năm sáu tám. À, tôi đang nói gì nhỉ? Già cứ lẩn thẩn thế đấy. À, tôi bảo hai chị em nó sang ở nhà tôi để bà vui, cháu vui. Thế này các bác ạ, nhà cháu ở rìa đường nên cháu hay bị bọn xấu trêu chọc dọa nạt. Con gái hơ hớ nhỡ làm sao thì khốn. Nhà cháu cho một đôi vợ chồng từ nơi khác đến ở nhờ. Họ cũng tử tế lắm. Mỗi tháng dù cháu không yêu cầu, họ vẫn đưa cháu ít tiền. Vừa rồi, họ đã vào Nam sinh sống…
- Chồng tôi mất khi tôi ngoài tuổi bốn mươi. Tôi có một trai, hai gái. Thằng bé lấy vợ được tháng thì nằng nặc đòi đi bộ đội chả để lại đứa con nào. Rồi hơn năm sau cháu hy sinh. Tôi ở với cháu ngoại, con đứa cả. Năm ngoái nó lấy chồng…
Vừa lúc ấy có tiếng xe đạp lạch xoạch trước quán. Nhài ngồi sau xe đạp ông trung niên, nhảy xuống chỗ Phương Mai ngồi. “Em vừa về thì lợn sổng, phải lùa mãi mới cho vào chuồng. Chị ngồi im để em đơm cho”.
Có tiếng còi ô tô gấp gáp ở bên kia cầu. Hẳn xe đã sửa xong. Chúng tôi trở ra. Không gian thật tĩnh lặng. Cảnh vật yên ả. Ánh nắng chói chang trải xuống cây đa tạo loang lổ những chùm hoa, lẵng hoa vàng sẫm. Một cơn gió từ đâu thổi tới. Có một mùi hương gì đấy quen thuộc lắm, thân thương lắm thoảng qua. Đã bao lâu rồi, từ ngày lên công tác và sinh sống ở thành phố, tôi mới chợt nhận ra mùi hương ấy. Thật hạnh phúc vô cùng!