“Ông đi đâu đấy? Chắc ông lại sang sông chứ gì?” - Tôi cười, gọi khi ông Vĩ dắt xe máy đi phía sau cách tôi một quãng. Ông Vĩ quay lại nhìn tôi, gật đầu. Tôi thật ái ngại cho ông. Đúng là thân làm tội đời. Tám mốt tuổi đầu mà vẫn long đong chỗ ăn chỗ ở, sống chui sống nhủi.
Tôi ở trong ngõ xóm với ông. Cũng là dân nơi khác đến. Ông quê gốc Nam Định ở đây đã ngót nghét tám chục năm, tính từ khi bố mẹ ông định cư làng này, có thể gọi là dân chính cư. Tôi, theo các cụ ngày xưa, là dân ngụ cư vì tỉnh ngoài ở đây mới gần hai chục năm lúc về hưu. Lẽ ra tôi và ông Vĩ phải gắn bó với nhau lắm vì cùng đồng hương lại cùng là lính thời chống Mỹ, tuổi cũng xấp xỉ nhau. Nhưng mỗi người mỗi tính, khác nhau hoàn cảnh nên chẳng thân thiết mấy.
Ông Vĩ rẽ vào quán ăn đầu chợ làng. Hẳn lại điểm tâm bát bún cua và hai quả trứng vịt lộn. Ông hơn tôi hai tuổi nhưng sức khỏe thì không so với tôi mà ngay cánh trung niên cũng phải chắp tay bái phục. Cơm mỗi bữa ba, bốn bát. Răng nhai rau ráu chân gà. Chả thấy ốm đau bao giờ. Da dẻ hồng hào. Tóc mới lốm đốm bạc. Lương cao những bảy, tám triệu, ấy là tính tất tần tật cả thương binh, chất độc da cam. Tưởng tiền nong như thế, chả nuôi vợ con cháu chắt nào phải an phận lắm, đàng hoàng lắm. Ai ngờ…
Ăn xong, ông Vĩ phóng xe đi thẳng.
- Lại sang bà phù thủy rồi - Ông Duyệt người xóm tôi đứng cạnh tôi từ lúc nào, đánh tiếng.
- Không sang đấy thì sang đâu - Tôi nói.
- Rõ là con đầy đàn, vợ một nắm một mớ mà cuối đời lại lang thang khốn khổ. Mà bà Ngọc có cưới xin gì đâu.
Vài ba người đi đến, toàn người trong xóm, nghe chuyện lại góp thêm vài ba câu rôm rả. Tự dưng sinh ra chuyên đề về ông Vĩ. Phải nói cả xã đây chẳng có ai như ông này, bởi thế nhân vật ông Vĩ trở nên tai tiếng, người già người trẻ đều biết.
- Tôi tưởng ông Vĩ vẫn ở với thằng con bà ba? - Một người hỏi.
- Thằng ấy đưa vợ con trốn biệt tăm rồi. Nghe nói đề đóm, cờ bạc gì đó nên nợ nần nhiều lắm. Bán nhà mà mới trả được một nửa.
- Giờ ông ta sang ở với bà Ngọc chắc gì được lâu.
Bà Ngọc ở ven sông, nay cũng luống tuổi rồi, chẳng nghề ngỗng gì. Thời con gái làm công nhân lò vôi cho hợp tác xã sau thấy vất vả quá, bỏ ra ngoài làm những việc linh tinh, cuối cùng buôn cái “vốn tự có” cho du khách. Bãi đáp là thuyền trên sông. Bà có một đứa con gái với một ông trời ơi đất hỡi nào đó, giờ lớn cũng bỏ đi lang thang, bảo làm ở chỗ này chỗ nọ nhưng nhiều người nói cũng hành nghề theo mẹ thuở trước.
Ông Vĩ gặp bà Ngọc ven đường đê. Chỉ cần tán tỉnh dăm ba câu, ông đã được bà ta kéo ngay vào nhà. Từ đấy, ông luôn sang, có khi ở đó vài ba ngày. Nhiều người bàn luận, bà Ngọc vớ được ông Vĩ khác gì chuột sa chĩnh gạo. Tự dưng có người nuôi. Được tình. Được tiền. Ông Vĩ thỏa mãn máu mê của mình. Chính vì máu mê mà ông đã đang tâm dứt bỏ bà vợ đảm đang, hiền dịu nuôi hai con nhỏ ở quê để lấy một cô người Nghệ An khi đóng quân ở đấy. Vào chiến trường miền Nam lại bập vào một cô cho ra một thằng con, chả cưới hỏi gì. Bị kỷ luật, tống ra Bắc lại già nhân ngãi non vợ chồng với một cô công nhân. Về quê chẳng đoái hoài vợ con cũ. Lấy vợ nữa, có đăng ký kết hôn hẳn hoi, tưởng là dứt hẳn thói xấu cũ, ai dè vẫn nhăng nhít hết cô này đến bà nọ để rồi tan cửa nát nhà. Vợ ra đi cùng đứa con gái. Chồng ở với thằng con trai ngỗ ngược. Chính thằng con này vừa vụng trộm bán nhà để trốn chạy.
Tôi không ngờ buổi trò chuyện với ông Vĩ hôm nọ là buổi cuối cùng tại căn nhà ông vì sau ngày ấy một tốp người hung dữ kéo đến chiếm nhà khi vợ chồng con ông bỏ trốn đã mấy ngày.
- Tuổi già chán thật - Ông chậc lưỡi - Buồn gì bằng cái tuổi già. Đi gần thì được, đi xa ngại ngùng. Già thì lắm bệnh tứ tung. Vợ con chẳng đoái, lông bông suốt ngày.
- Ai chà, ông cũng làm thơ cơ đấy?
- Thơ lão Dụ đấy. Với tôi quá đúng.
- Ông khỏe như vâm. Phóng xe ầm ầm. Lương quá đủ tiêu. Vậy cớ gì mà ông chán?
Ông Vĩ nheo nheo mắt, tủm tỉm cười:
- Thấy các em trẻ đẹp mà mình già cả, lực bất tòng tâm. Thế mà không chán à?
Tôi khẽ thở dài. Hình như ông không để ý đến điều đó.
Tôi về thăm quê chừng nửa tháng, khi trở lại nhà được nghe chuyện ông Vĩ ngã xe máy tại thị xã trước quán karaoke. Ông bị dập xương bàn chân, được người đi đường tốt bụng đưa vào bệnh viện. Suốt những ngày nằm viện chẳng có ai đến thăm nom. Kể cũng lạ. Vài ba người bảo, với ông Vĩ điều đó rất dễ giải thích, ai cũng nói ra được. Tôi ngẫm nghĩ mãi việc này. Chả hiểu ông Vĩ còn ở cùng ông bà thông gia với đứa con gái trong xã hay không sau khi đã trú cả tuần tại nhà bà Ngọc. Tôi đã gàn nhưng ông không nghe. Ông Đồng thông gia là thương binh nặng, tính khí thất thường, lúc bình thường không sao nhưng lúc trở trời trái gió, nhất là lúc uống đôi ba chén rượu thì như người điên, chửi bới, đập phá mọi thứ. Vợ ông cũng khổ, nhiều lần bị ông phang gậy, quăng bát, quăng chén mà phải cắn răng chịu đựng. Ở với ông bà thông gia thật chả ra làm sao. Xưa nay chả ai như thế. Có mà dơ mặt. Không cẩn thận, ông Vĩ cũng dễ bị ông Đồng cho ăn đòn, có khi lại nguy cho tính mạng. “Ông ấy mời tôi đến ở mà” - Ông Vĩ cau có. “Mời cũng không đến. Người ngoài sẽ chê cười, tiếng để đời” - Tôi đáp. Ông Vĩ ngồi thừ rồi khẽ thở dài: “Tôi không đến đó thì sẽ ở đâu?”. Vậy là bất chấp mọi người can ngăn, ông lẳng lặng đến.
Gặp ông Duyệt giữa đường vào chợ, tôi rủ ông vào nhà ông Đồng để thăm ông Vĩ. Ông Duyệt cười:
- Rõ chán ông này. Ông Vĩ không ở đấy nữa.
- Lại sang sông với bà Ngọc?
- Ông ta đang ở chợ.
- Ông ấy đi mua thức ăn?
- Ở tại chợ cạnh nhà bán hàng tạp hóa ấy.
- Tại cái nhà đang bỏ hoang?
- Phải.
Giời ạ, ở đâu chẳng ở lại ở chợ, mà ngay tại nhà bỏ hoang. Xã xây một dãy ki-ốt cho thuê. Cạnh nhà bán hàng tạp hóa là quán cắt tóc ông Nhị. Cuối năm ngoái có người chết còng queo ở đấy. Sớm hôm sau mới phát hiện thi thể, công an điều tra, người chết là do ma túy, tiêm chích gì đấy. Vậy chả ai dám mở quán. Đến nay vẫn bỏ không. Không hiểu vì sao ông Vĩ lại đến nông nỗi này.
Lựa lúc chợ vắng người, tôi lặng lẽ tới. Ông Vĩ ngồi bó gối, lưng dựa vào tường, mắt nhắm nghiền. Tôi giật thót mình. Chỉ non một tháng không gặp, nay nhìn ông trông khác quá. Tóc đã bạc trắng, hói đỉnh đầu. Da tai tái nhợt nhạt, mặt có vết sẹo dài, chằng chịt nếp nhăn. Người gầy rộc. Trông ông thật khắc khổ.
Ông mở mắt nhìn tôi, chả nói năng gì.
- Ông ốm à?
Ông lắc đầu.
- Ông không ở chỗ ông Đồng nữa à?
Ông lấy tay chỉ vết sẹo trên mặt. Tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra.
- Sao ông không đến ở bà Ngọc?
Ông không đáp, duỗi chân ra giường, thở dài thườn thượt.
- Nhục quá ông ạ.
Giọng ông thều thào tưởng như đứt hơi. Ông lại dựa lưng vào tường, mắt nhắm, hai tay ôm bụng.
- Con mụ ấy bán nhà rồi theo con gái đi đâu đấy. Nó còn ẵm của tôi bao nhiêu tiền.
Ông mở mắt, đờ đẫn nhìn tôi:
- Nhục quá. Tôi không còn chỗ nào ở nữa. Chả lẽ sẽ chết ở đây.
Bất ngờ, ông òa ra khóc, khóc tức tưởi, không khác gì đứa trẻ bị oan ức. Đôi vai gầy rung bần bật. Nước mắt lã chã rơi trên đôi má nhăn nhúm xám xịt. Ông cứ để nước mắt tuôn chảy khi đôi mắt đã khép chặt mặc cho vài ba người đi qua nhìn vào.
- Giời ơi, giá mà…
Ông nức nở, giọng nghẹn lại. Ông cứ thút thít mãi cho tới khi đám trẻ con ở đâu đổ chạy ào tới đứng trân trân trước cửa lạ lẫm ngó vào.