Đã vào giữa tháng Giêng. Tảng sáng mặt trời vẫn ẩn mình ở đâu đó. Sương mờ mịt giăng khắp bầu trời rồi lễnh loãng tản ra bao quanh thôn xóm.
Đến tận giữa sân nhà bà Thùy, bà Nhị vẫn không nhận thấy bà ấy đang ngồi trong bếp. Mà bà Thùy ngồi bó gối như thế, ví như ban ngày ban mặt cũng khó biết. Bếp sáng mờ mờ. Ánh sáng chỉ hắt vào khoảng trống lộ ra trước cánh cửa hé mở. Bà Thùy ngồi không động đậy. Sau bà là bao tải căng phồng đựng đồ vặt vãnh. Hơn tháng nay, từ ngày con trai duy nhất mất, bà hình như né tránh mọi người. Bà đi đâu cũng đội nón sùm sụp, đầu cúi gằm, có vẻ như không muốn gặp gỡ ai cả.
Bà Nhị rảo bước tới.
Vắng ngắt. Không một âm thanh. Dường như căn nhà ngói ba gian thấp tè lợp ngói tây cũ kỹ và cái bếp cũn cỡn với mái brô xi măng đang ở một nơi nào đó trong khu hẻo lánh. Căn nhà này đúng là dấu tích của một thời đã qua - cái thời cách đây mấy chục năm. Nó lạc lõng, cô độc trong khu dãy nhà này. Và có vẻ như cả chủ nhân ngôi nhà cũng vậy.
- Bà Thùy có nhà không đấy?
Không có tiếng đáp lại. Lát sau có tiếng kẹt cửa bếp. Và, lại im lặng.
- Bà Thùy đâu rồi?
Từ trong bếp, sau cánh cửa, một cái đầu nhô ra:
- Bà giáo ạ!
Cũng là thói quen với nhiều người trong thôn này, bà Nhị được gọi là bà giáo vì bà dạy học mấy chục năm ở trường tiểu học dù bà đã nghỉ hưu từ lâu. Bà Nhị ở thôn dưới, cách thôn bà Thùy mấy thửa ruộng.
- Tôi đến nhà bà mấy lần toàn thấy khóa cửa.
Bà Thùy nhấp nhổm đứng dậy:
- Mời bà giáo lên nhà trên ạ!
- Thôi, trên dưới gì, ngồi trong bếp cũng được. Bà dọn dẹp gì trong này?
- Kh… ô… ng. Em ngồi cho ấm.
- Ấm thế này à? - Bà khẽ cười rồi im bặt, cố nén thở dài.
Bếp lạnh lẽo. Kiềng đổ nghiêng. Cạnh bên là siêu nhôm đã méo một góc.
- Em chả có nước non gì. Có tích nước sôi để nguội từ hôm qua.
- Tôi vừa uống nước nhà ông Đang rồi. Nhóm lửa đi bà. Bà đặt siêu nước lên, ngồi nói chuyện cho vui.
Như không nghe thấy bà Nhị nói, bà Thùy vẫn ngồi im.
- Này, bà làm sao thế? Ốm à?
Bà Thùy khẽ lắc đầu.
Im ắng. Từ đâu đó có tiếng mèo kêu ai oán rồi tắt lịm. Những ngôi nhà cao tầng ngạo nghễ xung quanh như chìm trong giấc ngủ.
Bà Thùy vẫn ngồi như một tảng đá. Bà Nhị bất chợt để ý, tóc bà Thùy đã bạc đi nhiều. Nhanh thế. Tháng trước, tóc bà còn đen nhánh. Mới ngoài tuổi sáu mươi mà trông bà không khác gì bà già trên tuổi thất tuần. Khuôn mặt gồ ghề, xám xịt, chằng chịt ngang dọc những đường nhăn nứt nẻ.
- Năm nay bà có định về quê không? - Bà Nhị đặt lại kiềng, gạt tàn than củi nguội ngắt sang một bên.
Không có tiếng đáp lại. Một cơn gió nhẹ ùa tới như tiếng thở dài. Mấy mảnh giấy trong bếp khẽ phập phồng run rẩy.
- Tôi với bà cùng cảnh làm dâu đất khách quê người. Tôi may hơn bà vì vẫn còn ông chú bà bác ở quê. Mà thôi kể làm gì, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Ô, siêu vẫn đầy nước. Bà định đun hả? Bà để diêm đâu?
Bà Thùy giơ tay nghều ngoào chỉ về phía sau.
- Bà nghĩ nhiều quá sẽ sinh bệnh đấy. Thôi thì cũng gắng gượng mà sống…
Người mẹ nào mất con chẳng vật vã đau đớn, tưởng đứt ruột đứt gan. Có điều cảnh đời bà Thùy thật quá cay đắng, éo le. Con bà chết vì ma túy. Cái thời nhiều người trong thôn xầm xì con bà mắc nghiện, bà chửi váng thiên địa, biết ai nói, bà đến nhà người ta xỉ vả. Bà không thể tin thằng con bà cao lớn đẹp trai, mau mồm mau miệng lại mắc tệ nạn xấu xa ấy. Hẳn bây giờ bà ngượng với bà con dân làng. Chồng bà bỏ bà đi từ lúc bà mới ngoài tuổi ba mươi để vào Nam sinh sống với người đàn bà goá giàu có. Nghĩ về bản thân, bà Nhị thấy mình thật sung sướng so với bà Thùy. Bà cũng sống một mình nhưng thanh thản, yên vui. Chồng bà là sĩ quan quân đội, hy sinh ở mặt trận biên giới phía Bắc. Con gái bà lấy chồng ở nơi xa, thi thoảng trong năm mới đưa con về thăm mẹ. Vừa rồi có đứa cháu gái chồng đến ở với bà, dẫu chỉ vài ba tháng nhưng cũng ấm cúng hẳn lên.
- Ông Đang có hay đến nhà bà không?
Bất ngờ, bà Thùy ngẩng đầu cất lời:
- Kh… ô… ng…
Ông Đang là chú ruột chồng bà, thời gian dài làm trưởng thôn. Ông này có tiếng là khệnh khạng, vênh vang. Con trai đầu làm chức vụ gì ấy trên tỉnh. Con trai thứ làm giám đốc một công ty tư nhân. Cũng vì nhập nhèm đất cát trong thôn khi Nhà nước đền bù đất ruộng mà bị mất chức.
Bà Thùy đưa vạt áo quệt nước mắt còn đọng trên gò má:
- Khi cháu mất, ông ấy chẳng đến. Từ lâu, ông ta đã từ mặt em.
Bà Nhị khẽ thở dài. Từ ngày có tiền đền bù đất, người dân các thôn đua nhau làm nhà cao tầng, kín cổng cao tường, sắm sanh đồ đạc đắt tiền. Ngày càng thưa dần chuyện chơi bời, thăm hỏi hàng xóm láng giềng. Chả biết nay mai thôn được gọi là tổ dân phố, xã lên phường thuộc nội thị, cuộc sống sẽ thế nào.
Nãy bà tới ông Đang, thăm vợ ông ốm. Vợ ông có họ hàng xa xôi với chồng bà. Nhà ông năm tầng, xây kiểu cách, bề thế nhất thôn.
- Ối giời, có gì đâu, ngã trẹo chân. Thế mà thằng con tôi cứ cuống cả lên. Ô tô, xe máy đến chật cả sân, cổng. Quân của thằng con lớn, con bé ấy mà. Người ngoài cứ tưởng nhà này cỗ bàn gì. Bà uống Cô ca hay làm ngụm sâm? Sâm Hàn Quốc hảo hạng đấy.
- Thôn ta có bà Thùy khổ quá…
- Chậc, sướng khổ là do số cả. Bà uống gì nào?
- Chốc nữa em sang chơi với bà ấy. Bác có bận gì không đi với em?
- Nhà tôi vừa có việc ra chợ cóc. Bà này giờ cũng ghê lắm, không uống Cô ca đâu, chỉ thích nước sâm. Phải công nhận thứ nước ấy…
Sương đã tan từ lúc nào. Ánh nắng vàng vọt ẻo lả hắt xuống nhợt nhạt trên mặt đất.
Những ngôi nhà sừng sững oai vệ hiện lên với tất cả sinh lực vốn có, che kín cả chân trời. Những cơn gió nhè nhẹ buồn bã thi thoảng ùa tới, thì thào trên ngọn lá đâu đây.
- Bà Thùy này, theo tôi, bà đón một đứa cháu ngoại về. Tôi tính vừa đỡ đần cho con, vừa vui cửa vui nhà. Ở chỗ ta rất tiện, đã gần trường học lại gần chợ…
Bà Thùy tươi tỉnh nét mặt. Bà duỗi chân duỗi tay, ngồi thẳng dậy:
- Thế mà em không nghĩ ra.
- Cũng phải đi đây đi đó cho khuây khỏa đầu óc…
Bỗng chốc trên mặt đường thôn rộn vang tiếng ô tô, xe máy. Tiếng cười nói ồn ã. Tiếng trẻ con nô đùa. Trên nhiều nhà cao tầng, các cánh cửa được mở toang. Có tiếng hát vang trong trẻo ngân nga từ chiếc ti vi nào đó.
Trong bếp, ngọn lửa bốc lên hừng hực như muốn tỏa hết sức nóng của mình. Siêu nước đã sôi sùng sục từ lâu, rung bần bật cái vung xám ngắt. Hơi nước bốc lên như khói uốn lượn vòng vèo rồi thoắt tan biến trong không trung. Những tàn than nguội lạnh bỗng chốc đỏ vàng rực tựa như trái chín. Đã lâu lắm rồi, bếp mới có ngọn lửa bền bỉ, dai dẳng như thế. Ngọn lửa xua tan bóng tối ngập tràn làm ấm cả gian bếp bé nhỏ lạnh lẽo…