Mặt trời nhô ở phía dãy núi Đa Sơn rồi thư thả leo lên. Nắng hoe vàng yếu ớt mỏng mảnh loang lổ khắp cánh đồng ẩm ướt và cỏ cây còn đẫm sương. Bầu trời im lìm trang nghiêm nhợt nhạt với những đám mây xam xám tựa như khói. Không gian tĩnh lặng. Dường như cả làng quê bé nhỏ này vẫn trong giấc ngủ. Ông Tưởng thong thả đạp xe tới nghĩa địa làng để viếng người bạn thân thiết trước khi cả gia đình chuyển đi ở nơi khác. Dựng xe ở con đường hẹp gồ ghề đọng nước, ông lững thững đi đến. Bỗng ông nhìn thấy một người đàn bà đang lúi húi bên nấm mộ. Lát sau ông nhận ra là bà Nho ở làng mình. Ông sững người. Hôm nay là ngày chồng bà mất? Thật đúng như người ta vẫn kể. Ông đứng lặng. Thực lòng ông không ưa bà Nho. Điều này cả xóm đều biết. Bà này mới vào tuổi năm mươi nhưng trông cứ tưởng ngoài sáu mươi. Ấy là vì cách ăn mặc lôi thôi lếch thếch của bà. Ai đời, hầu như ngày nào cũng quần ống thấp ống cao, áo lắm lúc còn cài nhầm khuy, đi đôi dép lê cáu bẩn. Thật không khác gì người ở giữa thế kỷ hai mươi. Mà bà ta đã già nua gì cho cam. Nếu là công chức, người ta còn gọi là chị. Khối phụ nữ vào tuổi năm mươi vẫn cứ trông phây phây làm lắm ông mê mệt. Mà bà ta không phải là nghèo. Chồng là thợ xây có tiếng trong vùng. Con trai đi lao động nước ngoài, vẫn gửi tiền về nhà. Con gái làm ở xí nghiệp may. Vợ chồng bà còn chăn lợn, thả gà, vịt, lại nấu rượu. Ông mất, bà vẫn làm đủ các việc ấy. Nhà ba tầng, đủ tiện nghi, hơn khối người ở làng. Điều lớn nhất làm ông Tưởng xa lánh, lạnh nhạt bà Nho không phải chỉ vì cách ăn mặc của bà ấy. Cái chính là bà nói năng bỗ bã, cục cằn. Nói thì như chuông đánh, chưa thấy người đã thấy tiếng, chả hiểu biết gì về phép xã giao. Ông là người gốc gác đô thị, học hành đến nơi đến chốn, đã từng là quan chức trên tỉnh. Vợ ông là giáo viên phổ thông trung học. Ông là người điềm đạm, lịch thiệp, ăn nói nhã nhặn. Dù ông ở rể làng này, ít giao tiếp với mọi người nhưng chưa để điều tiếng gì ảnh hưởng đến thanh danh. Ông ít bạn bè trong thôn, phần đông là công chức về hưu. Họ đều là những người lịch sự, ăn mặc đàng hoàng. Phải, ông khó chịu mỗi khi bà Nho tới. Người đâu cứ réo gọi chủ nhà từ ở cổng. Cái tiếng xoe xóe như xé vải:
- Ông bà có nhà không đới? Khiếp, nhà lúc nào cũng khóa cổng. Kinh thế.
Ông chầm chậm bước ra:
- Xin mời bà vào chơi!
- Ôi giời, gọi em là bà già quá. Ông này, bà có nhà không?
- Nhà tôi đi chợ chưa về. Bà vào đây uống nước đã.
- Nước non gì! Em không khát đâu. Cứ tưởng bà có nhà… Thôi, em về.
Vợ ông bảo: “Người làng không biết nói khéo nhưng họ tốt bụng. Ông chẳng chấp làm gì”. Ông nghĩ khác, cư xử, nói năng của họ phản ánh văn hóa thấp kém. Người nhà quê, nhất là ở vùng sâu vùng xa như đây, còn lâu mới thoát khỏi u mê, văn minh. Không biết do ăn mặc nhếch nhác hay cách nói đốp chát, thẳng như ruột ngựa, vô ý vô tứ mà chẳng bao giờ bà được thôn cho đi dự họp ở trụ sở ủy ban xã tiếp xúc với đoàn đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh hoặc đại biểu Quốc hội dù bà luôn mong mỏi. Người ta ngại cũng phải. Nhiều lần bà oang oang kể vanh vách ông nọ ông kia ở xã nhà thương binh giả, nhiễm chất độc da cam giả, ăn cắp, ăn chặn của công cả tiền xương máu của thương binh, liệt sĩ,… Có người bảo bà viết đơn tố cáo. Bà nói như quát: “Đây không có đơn từ gì hết! Ai muốn biết cứ gặp tôi. Nói điêu, tôi xin đi tù”. Chả là bà Nho có họ hàng xa gần làm cán bộ ở xã, ở huyện nên biết nhiều chuyện.
Ông Tưởng chầm chậm đi tới, cố không đánh động bà Nho lúi húi bên mộ. Bà Nho lặng lẽ nhổ cỏ, lau chùi tấm bia, nhấc chai rượu trong làn nhựa. Tự dưng, ông Tưởng ngồi thụp xuống ở lùm cây nhìn ra. Vậy là suốt mười năm nay cứ đến ngày chồng mất, bà lại ra mộ thế này…
Bà ngồi trước mộ mếu máo:
- Tôi ân hận quá. Nào tôi đâu biết, ông sắp đi, với lại ông đã uống từ sớm rồi. Ông biết lòng dạ tôi. Tôi đâu có tiếc rượu.
Bà gục đầu vào đầu gối, nức lên…
Ông Thông chồng bà mất cũng thật đột ngột. Chiều nào ông cũng xách phao cao su ra hồ phía sau trụ sở ủy ban xã để bơi cùng với dăm người khác rồi mới về nhà ăn cơm. Ông này có tật là hay uống rượu vặt. Nhiều người khuyên trước khi đi bơi không được uống rượu nhưng ông chẳng nghe. Hôm ấy có lẽ uống rượu nhiều mà vừa bơi một đoạn ông đã nằm im trên phao. Mọi người cứ tưởng ông nằm nghỉ như mọi bận. Lúc sau có người phát hiện điều khác thường bèn bơi tới kêu toáng lên. Ông được bế về nhà. Sau một hồi xoa bóp hồi sức, ông lờ đờ mở mắt nhưng không nói được. Lúc ô tô của người trong xã tới, ông nguều ngoào chỉ chai rượu đặt ở phía ban thờ.
Bà bác ông Thông gắt:
- Khốn nạn, người thế này lại còn đòi uống rượu. Uống để chết à!
Ông chú chậc lưỡi:
- Cứ để nó uống một hớp. Biết đâu nó lại khỏe lên.
Một người với tay lấy chai rượu. Bà Nho giằng quẳng xuống:
- Ông điên à? Không rượu chè gì hết. Ra ô tô thôi!.
Mọi người xúm vào khênh ông Thông ra cửa. Lúc này ông đã lạnh ngắt, không hề động đậy. Bác sĩ ở trạm xá vừa đến đã lắc đầu…
Bà ngồi thụp xuống bên mộ, lầm rầm:
- Ông ơi, có phải ông mất vì không được uống rượu? Giời ơi, tại tôi, tại t… ô… i…
Bà ôm mặt khóc nức nở. Chiếc nón rơi xuống.
- Mọi hôm tôi có ngăn cấm ông uống rượu đâu. Tôi chỉ bảo, ông uống ít thôi vì người ta bảo hại gan, hại tim lắm. Ông Chiểu, ông Lê đấy, toàn chết vì rượu. Ông Vĩnh nát rượu bị người làng xa lánh, coi khinh. Tôi chỉ sợ ông thế…
Bà lấy vạt áo quệt nước mắt. Giọng bà hổn hển đứt quãng, đôi lúc chẳng nghe rõ lời.
- Ông mất người ta trách tôi không cho uống rượu, bảo tôi quá đáng, lúc chồng sắp chết vẫn còn tiếc rượu. Sao họ ác tâm, ác khẩu thế. Lúc ấy là phải chữa chạy. Rượu có bổ biếc gì đâu. Ông có hiểu lòng dạ tôi không?...
Bà lập cập đổ rượu ra chiếc chén đã chôn sẵn trên mộ, lùi lại phía sau, chắp tay vái:
- Ông uống rượu nhé, tôi về. Ông sống khôn chết thiêng, phù hộ cho mẹ con tôi. Tôi lúc nào cũng để sẵn chai rượu trên ban thờ.
Ông Tưởng rưng rưng nước mắt. Đúng như mọi người kể, suốt mười năm, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giỗ chồng, bà lại tới đây dù mưa bão, rét buốt. Bà than khóc, kể lể không khác gì ngày đầu. Lắm người đi qua nghe vậy đã không cầm nước mắt.
Bà cúi đầu lầm lũi trở ra. Ông Tưởng đứng dậy rảo bước đến, cũng là lúc bà ngửng đầu.
- B… à… T… ô… i…
- Bác Tưởng…
Ông Tưởng ấp úng:
- Ngày kia vợ chồng tôi lên ở với con, phải xa nơi này…
- Em biết rồi. Con gái em bảo thế.
- Thực lòng, tôi nhớ mãi bà, một người…
- Ôi giời, nhớ gì em quê mùa…
Bà nói như đứt hơi rồi cắm cúi ra đường. Ông Tưởng đứng lặng rõ lâu, quay đầu nhìn mãi bóng bà xa dần trên đồng trong ánh nắng vàng rực khắp đất trời…