Ông Dương nằm trên ghế gập mà vợ đã để sẵn từ lúc chập tối. Ông rất thích ngắm trăng mỗi khi đầu óc thảnh thơi.
- Bà ra đây đi. Trăng sắp lên rồi.
- Ông ơi, chờ tôi lát nữa.
Thực tình bà không mê trăng, chỉ thích ngồi nghe đài, nhất là chương trình hát dân ca, đặc biệt là quan họ. Nếu cháu về thì bà vui quấn quýt với nó. Cái con bé Thủy xinh xắn, lém lỉnh nói đủ thứ chuyện đến là buồn cười, nhộn cả nhà.
Vợ chồng con trai bà cứ muốn bố mẹ ra Thủ đô, ở đó nhà cửa rộng rãi, có vườn, lại gần công viên. Nhưng ông bà bảo, cứ để bố mẹ sống theo ý thích. Chẳng gì bằng tự do. Ở quê có bè bạn, hàng xóm láng giềng, bà con, nội ngoại, tối lửa tắt đèn có nhau. Ông Dương vốn ở thị xã bao năm, lấy vợ quê đã quen sống nếp làng. Gần năm mươi năm ở đây rồi, còn ít ỏi gì. Ngẫm con hiền cháu thảo chẳng bằng ông lão nuôi bà, bà lão nuôi ông. Vợ chồng nó đều tốt, học hành đến nơi đến chốn, công việc thành đạt. Thỉnh thoảng trong tháng, vợ chồng lại đưa hai đứa con về thăm bố mẹ, ông bà. Con trai đang học lớp mười hai, con gái học lớp sáu. Giá vợ chồng chúng phải có người chăm lo con cái, nhà cửa thì lại đi một nhẽ, đằng này đã thuê một người giúp việc, vậy ông bà ở quê là phải.
- Xong chưa bà?
- Tôi ra đây. - Bà nhấc ghế nhựa, ra ngồi bên ông.
- Dạo này bà không còn đau bụng?
- Hôm đỡ hôm không. Mấy hôm nay không còn đau nhói nữa, chắc là nhờ thuốc ông.
- Tuần tới bà ra với con để nó đưa đi bệnh viện Trung ương mà khám. Tôi sẽ điện trước cho nó.
- Để tôi nghĩ đã.
Ông bỗng chỉ tay về chân trời phía trước:
- Bà kìa, trăng lên rồi!
Bà lơ đãng nhìn. Mặt trăng bất ngờ nhô lên sau mấy cây trong vườn xa xa. Ban đầu vàng mịn như quả thị chín rồi bỗng chốc chuyển sang trắng tinh như đĩa bạc.
- Bà thấy không, trăng đẹp quá.
Mặt trăng nhè nhẹ trôi trên những đám mây xám bồng bềnh mỏng mảnh tựa như con thuyền trắng trôi trên dòng nước. Con thuyền nhỏ nhoi ấy cứ phăm phăm tiến, mải miết và cần mẫn. Dường như nó phải tới một nơi quá xa trong thời gian hạn định. Những ngôi sao chi chít gần xa như hàng ngàn hàng vạn bóng điện tỏa sáng treo rải rác cho con thuyền trôi đúng hướng, như hàng vạn con mắt dõi theo. Bầu trời vẫn đầy gió. Không gian thoáng đãng lạ lùng.
Ông nhổm dậy, nắm tay bà:
- Bà là ánh trăng đấy!
Bà tủm tỉm cười, ngồi im, giữ nguyên bàn tay chồng.
- Ông lãng mạn ghê. Giá mà vẫn…
- Vẫn sao?
Bà lại cười, chả nói năng gì.
Ông nhớ đêm trăng đầu tiên ấy cách đây gần năm chục năm. Ông đạp xe đạp từ trường về qua những đoạn đường đất đỏ trơn như mỡ mỗi khi mưa, có chỗ phải vác xe qua bùn lầy, vũng nước sâu. Đường hẹp, gồ ghề. Nắng thì bụi mù, lắm khi chả nhìn rõ xe qua lại phía trước. Lúc nào trong túi xách cũng phải có cái rút dép cao su đề phòng quai tuột khỏi đế. Hồi ấy hầu như ai cũng đi dép cao su. Cứ chiều thứ bảy là ông về. Lúc đó làm việc cả sáu ngày.
Tối, đúng hẹn, bà chờ ông ở phía bờ ao, giả như chỉ ngồi hóng mát. Ông đến, bà đi trước một đoạn, ra vẻ như không quen biết, lúc sau ông lững thững đi theo. Chả bao giờ hai người dám đi sánh đôi, sợ người làng trông thấy lại trêu chọc, nhất là lũ trẻ con tinh nghịch. Hai người dẫn nhau ra thật xa ở đồng Còng gần nghĩa địa làng. Đêm hôm nếu chỉ đi một mình, có cho bà đống tiền cũng không dám vì sợ ma. Mười chín tuổi đầu vẫn như đứa trẻ. Ông nắm tay bà. Bà khẽ rút tay ra. Ông ấp úng hỏi một câu thật ngớ ngẩn: “Em yêu anh chứ?”. Bà cười khúc khích: “Em không biết”. Ông ôm hôn bà. “Đừng. Nhỡ ai trông thấy”. “Có ma nó nhìn”. Bà ngả người vào ngực ông, thở gấp gáp…
- Ông đang nghĩ gì thế?
- Nhớ đêm trăng đầu tiên ở đồng Còng.
Bà lại cười. Ông kéo bà vào vai mình.
Lắm lúc ông nghĩ, vợ chồng đúng là cái duyên cái số.
Trường ông có khối cô giáo mê ông nhưng ông chẳng lấy ai. Nói cho đúng, ông thầm yêu trộm nhớ Hòa, dạy sinh vật. Em xinh, chăm chỉ, tốt tính, có nụ cười thật quyến rũ. Thấy ông muốn gần gũi Hòa, Tráng - Tổ trưởng khoa học tự nhiên, bí thư chi đoàn, có vợ ở quê, xẵng giọng: “Cậu đừng có vớ vẩn với cái Hòa nhé. Người yêu nó là bộ đội đấy, đang là lính cao xạ Hàm Rồng, Thanh Hóa, sắp về làm lễ cưới”. Ông hoảng, vội tìm cách lánh xa Hòa trước sự buồn bực của em. Hồi ấy là thời chiến. Chính sách hậu phương đã rõ ràng. Hòa coi như đã là vợ bộ đội. Quyến rũ vợ bộ đội đang ở mặt trận sẽ bị kỷ luật nặng. Thời gian này bố mẹ ông cương quyết bắt lấy vợ ở làng - nơi gia đình ông từ thị xã sơ tán về. Mẹ ông bảo: “Nhà ở thị xã bị bom Mỹ phá hết rồi. Bao năm nay phải chạy hết chỗ nọ đến chỗ kia, khổ lắm. Con lấy vợ ở làng này sẽ được xã cấp đất, rồi dựng nhà dựng cửa có phải tốt hơn không? Chiến tranh biết đến bao giờ mới kết thúc. Mà cái Tụ được cả người cả nết, ai cũng khen. Mày chê nó cái gì?”. Ông biết Tụ vì nhà ông sơ tán ở nhờ một gia đình cũng gần nhà cô ấy. Hồi đó Tụ đang là giáo sinh trường Sư phạm cấp một. Vậy là ông nghe lời bố mẹ. Mãi về sau qua Hòa thổ lộ, ông mới được biết Tráng bịa chuyện vì có ý bỏ vợ làm ruộng ở quê để gạ gẫm cô.
- Bà đúng là ánh trăng đấy. - Ông thì thầm bên tai bà.
- Gớm, ông này. Tôi lại được thế cơ?
Ông âu yếm nhìn bà. Bà một nách ba con, vừa dạy học vừa đảm đang mấy sào ruộng trong khi ông phải dạy học nơi quá xa, lại mấy năm ở tít miền Nam sau ngày giải phóng. Mỗi lần về thăm vợ, ông bần thần khi thấy vợ hốc hác, mắt thâm quầng, da dẻ nhợt nhạt, già trước tuổi.
- Cũng nhanh thật. Đã bốn tám năm rồi.
- Cái gì hở ông?
- Nụ hôn đầu.
- Ông này rõ là… Mà ông ôm tôi chặt quá, không cựa được.
- Giá mà trở lại ngày xưa.
Bà cười khe khẽ, ngồi im.
- Bà thấy trăng đẹp không?
- Đẹp! - Bà ngả đầu vào vai ông.
Ông nghĩ trong ngàn vạn thứ mà tạo hóa ban cho con người thì ánh trăng là kỳ diệu nhất. Nó bớt đi sự hung hãn, thô bạo của con người, làm dịu đi nỗi mệt nhọc, đau khổ của họ. Làm cho họ thêm chút thanh thản, thêm chút bâng khuâng man mác, càng ước mơ hy vọng những ngày tươi đẹp. Với ông, trăng đã là bạn tâm tình, là thượng đế nhân văn, là vật thể huyền diệu thiêng liêng, là niềm vui vô tận.
Ông nhìn vợ với xiết bao yêu mến. Bà đã thiêm thiếp ngủ. Trong ánh trăng dịu dàng, thanh khiết trông bà thật phúc hậu, hiền dịu biết bao.