Sắp tới chưa, anh bạn? - Nhật lơ đãng hỏi khi nhìn ra thung lũng trước mặt.
- Cứ coi như chuẩn bị đến - Gã xà ích oang oang - Ông anh có vẻ háo hức nhỉ? Ôi giời, trong ấy có gì đâu, buồn lắm.
Gã vung roi, huýt sáo rồi i ỉ khe khẽ hát một bài ca lạ lẫm chả nghe rõ lời.
Tiếng vó ngựa gõ côm cốp rộn rã trên đường, ban đầu nghe có vẻ vui thích nhưng về sau trở nên đơn điệu, buồn tẻ. Nhật mệt mỏi chỉ muốn chợp mắt nhưng chiếc roi vun vút vào ngựa cùng với tiếng quát đột ngột của gã khi con ngựa đi lệch đường làm cho anh choàng tỉnh. Đúng là gã khác lạ ở vùng rẻo cao này. Trông gã như kẻ bụi đời, một kẻ lãng tử lại tựa như một nghệ sĩ mà Nhật vẫn gặp. Tóc gã cáu bẩn xõa dài ngang vai, trên đầu sùm sụp chiếc mũ lá xơ vành. Gã lém lỉnh, chất chưởng mà thông tuệ.
Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo qua các chân đồi núi. Đây là cung đường duy nhất của huyện Bảo Sơn này từ huyện lỵ về khe Hùm của xã Phúc Thạch dài hơn hai chục cây số vẫn là đường đất. Đã có câu ca từ lâu: Ai về Phúc Thạch quê tôi/ Bụi che mặt trời chẳng thấy người đi. Quả là rất khổ khi đi trên đường này. Bụi tung mù mịt mỗi lúc có gió cuộn và ô tô, xe máy phóng. Các rặng cây ven đường nhuộm màu vàng khè. Có cảm giác cây như từ đất đội lên, bụi như từ trên trời giội xuống.
- Ông anh nay bao tuổi rồi?
- Bốn mươi.
- Hơn em năm tuổi. Ông anh là nhà báo à?
- Báo biếc gì đâu. Dân tự do đi vãn cảnh.
- Không giấu được em đâu. Trông dáng anh không phải nhà báo cũng là nhà văn. Ngày xưa em cũng tập tọe viết văn, viết báo nhưng tự thấy dở ẹt nên cạch. Cũng may thiên hạ bớt một thằng hấp.
Nhật phá lên cười. Thật là gã hài hước.
Tiếng là phóng viên báo ảnh tỉnh mười mấy năm trong nghề nhưng Nhật toàn ở tòa soạn, lúc ở Ban biên tập, lúc ở Ban bạn đọc, ít khi được đi thực tế, nhất là khi các phóng viên đều được trang bị máy ảnh. Cách đây hơn năm, Nhật mới được chuyển về Ban văn hóa - xã hội nhưng theo phân công chỉ đi quanh quẩn các huyện trung du. Nhân nghỉ mấy ngày lễ, anh quyết định lên khe Hùm - nơi nhiều người ngợi ca vẻ đẹp hoang sơ.
- Này bạn, sao lại khe Hùm? Hẳn trước kia có hổ ở đó?
- Hình như thế - Gã chậc lưỡi, giọng ráo hoảnh - Ông anh lần đầu đến hả?
- Đúng là lần đầu. Cậu ở huyện này?
- Cứ coi như vậy. Từ nơi khác đến, lấy cô vợ người Tây ở đây, và, chắc chắn sẽ chết ở đây.
- Nơi khác là nơi nào?
- Xó xỉnh của một góc phố trên thành phố. Tóm lại là thế - Gã dứt lời rồi huýt sáo một bài hát gì đó.
- Chở mỗi tớ thế này, cậu không sợ lỗ à? Sao không chờ thêm khách?
Gã thủng thẳng:
- Cũng là tình thế. Vợ gọi về nhà có việc gấp. Nhất vợ, nhì trời mà.
Gã lại huýt sáo. Bây giờ là nhạc điệu then.
Đã tới chỗ dừng - nơi chân dốc có con đường nhỏ rẽ vào khu rừng.
- Đến rồi. Ông anh cứ qua đường trước mặt, tới cầu gỗ đi đoạn nữa là tới.
Nhật xuống xe.
- Ông anh trả hậu hĩnh quá. Lúc nào về, gọi điện thoại cho thằng em. Xin cung cúc phục vụ bất kể giờ giấc. Số điện thoại của em đây…
- Cậu tên là gì nhỉ?
- Cứ gọi là Mã. Cả vùng này đều biết em mà.
*
Nhật thích đi vãn cảnh một mình. Tính anh vậy. Đi lang thang khám phá, vui đâu chầu đấy, la cà thỏa thích. Mấy người quen ở huyện này có ý đưa anh đi nhưng anh chối từ. Ban đầu Nhật định đi xe ôm nhưng khi biết ở đây có xe ngựa thì thay đổi ngay. Ngồi trên xe ngựa có thú vui của nó. Thong dong. Ngắm trời, ngắm đất. Thanh thản. Sự hòa nhập với thiên nhiên, quang cảnh. Anh biết, Khe Hùm là đầu nguồn con sông tỉnh nhà để chảy vào sông Hồng. Giá trị lớn nhất của nó có lẽ chỉ vậy chứ về thắng cảnh không thể sánh bằng những địa danh khác.
Nhật cắm cúi đi suốt con đường nhỏ hẹp ven rừng. Không bóng người qua lại. Không một nếp nhà. Không gian tĩnh lặng. Chỉ có tiếng gió xào xạc trong lùm cây. Gió như nghẹn lại không thoát ra được. Thi thoảng có con chim từ trong bụi cây hốt hoảng bay vụt ra ngoài. Lúc lúc có tiếng rên rỉ của lũ côn trùng. Một cầu gỗ ghép bằng những thân cây, đôi chỗ là ván, buộc giằng bằng dây rừng bắc qua con mương đầy nước. Đi tiếp đoạn đường là căn nhà nhỏ hẹp brô xi măng ở ngay bờ suối.
Một người thấp bé trong trang phục kiểm lâm từ trong nhà rảo bước tới.
- Anh kia, đi đâu?
- Tôi đi tham quan thôi.
Anh ta hất hàm:
- Không đi theo đoàn à?
- Không, một mình.
- Anh có giấy tờ gì không?
Nhật khó chịu:
- Sao anh hỏi vậy? Đây là thắng cảnh chứ có phải khu vực cấm đâu.
Anh ta cao giọng:
- Đây có quy định. Không có giấy tờ, xin quay lại!
- Anh có thể cho tôi xem quy định ấy không?
Bỗng có tiếng quát từ trong nhà vọng ra:
- Cái gì thế?
Ông cao gầy rảo bước đến.
- Anh Trụ à, anh này không có giấy tờ…
Ông ta nhìn chằm chằm vào Nhật như đoán định chàng trai lạ là lớp người nào rồi buông thõng:
- Thôi được, vào đi. Chúng tôi không chịu trách nhiệm gì đâu.
Nhật bực bội bước đi. Tự dưng mất hứng thú. Sao lại có một quy định kỳ quái. Thật không thể hiểu nổi. Mà sao lại phải chịu trách nhiệm? Một cảnh báo nguy hiểm? Một đe dọa? Có cái gì đó bí hiểm ở khu rừng này?
Có lẽ cảnh quan trước mặt đã làm nguôi ngoai bực dọc trong anh. Cây cối dày đặc chen chúc, dây leo chằng chịt. Tiếng chim hót lảnh lót. Tiếng gió dùng dằng nghe âm âm. Tiếng động sột soạt đâu đó. Đôi ba con khỉ đen tuyền nhớn nhác lấp ló trên các cành cây cao. Ánh nắng lấp lóa trên cao hắt xuống nhợt nhạt vài ba chỗ đất trống tạo những đốm hoa, vòng hoa méo mó. Con suối mọng nước trong vắt nhìn rõ cả đáy. Dòng nước lúc vượt qua các ghềnh đá, lúc lững lờ xuôi tạo ra những âm thanh khác lạ khi ồ ồ, réo rắt, khi róc rách, thì thầm. Trời mát lạnh. Thật tuyệt vời cho du khách tới đây vào hè. Nhật mải mê chụp khi tìm mọi chỗ đứng.
Phía trước là căn nhà sàn lợp lá gồi. Có tiếng cười nói trai gái đứt quãng. Nhật ngồi tảng đá, kiểm tra lại những bức ảnh trong máy. Lúc sau, một phụ nữ thanh mảnh mặc áo liền váy tươi cười bước xuống cầu thang, đi sau là người đàn ông trung niên cao to vạm vỡ. Khi thấy Nhật, cả hai dừng lại ở chân cầu thang. Người phụ nữ ngoặt qua cửa đi về phía sau nơi có con đường to rộng vào rừng. Thì ra từ đường cái to vào đây còn nhiều lối. Ông to béo chậm rãi đến chỗ Nhật, lạnh nhạt:
- Thợ ảnh à?
- Vâng. Anh ơi, từ chỗ này có đường to ra ngoài không?
Ông ta không đáp, lẳng lặng quay về.
Nhật ngán ngẩm. Ở đây có cái gì khác thường. Người kiểm lâm như không muốn tiếp xúc với người lạ, thậm chí tỏ ra đề phòng. Anh lững thững đi tiếp. Càng đi càng nghe rất rõ tiếng thùm thùm. Thì đây. Một thác nước từ trên cao giội xuống. Thác không rộng, chỉ độ hai sải tay. Đỉnh thác là tảng đá to phẳng tựa như tấm phản. Dưới thác là vũng nước rộng, sâu, chảy ra hai con suối. Có lẽ đây được gọi là khe Hùm, nơi đầu nguồn sông?
Có tiếng nói cười bên kia bờ suối. Một tốp kiểm lâm từ trong rừng ra. Nhật nhìn thấy có hai người đã chặn hỏi mình khi mới vào cửa rừng.
- Chụp được nhiều không, anh bạn?
Nhật giật mình quay lại. Một cán bộ kiểm lâm từ đâu tới đã đứng sau mình từ lúc nào.
- Cũng được vài chục kiểu. Ở đây đẹp quá!
Người lạ vừa hỏi đã lặng lẽ rời đi.
*
Mệt nhoài, Nhật ngồi xuống khúc gỗ ven đường chỗ rợp bóng cây. Anh chờ gã xà ích tới như đã hẹn.
Từ trên dốc, chiếc xe ngựa phăm phăm đến. Từ xa, gã đã giơ tay chào theo kiểu nhà binh. Vẫn ngồi nguyên một chỗ, gã oang oang:
- Ông anh có bị rừng đo ván không?
- Hình như thế - Nhật cười.
- Chắc rất thú vị?
- Tuyệt đẹp!
- Nhìn bề ngoài thôi, rất dễ bị đánh lừa. Rừng rỗng từ lâu rồi. Anh có vào lõi mới thấy rừng thê thảm. Gỗ quý sắp bị tuyệt chủng.
Nhật lên xe, mở xem lại những tấm hình đã chụp.
- Thế thì buồn quá. Ai ngờ bề ngoài trông trù phú, hấp dẫn mê hoặc…
- Gỗ quý từ trong rừng sâu được đưa kéo lên thác, và từ đó qua vũng nước rộng, gọi là vũng Tròn, xuôi theo một nhánh suối tới bãi Non. Từ bãi gỗ này theo xe ngựa, xe trâu tản ra rải rác ven đường, đi các ngả ngược xuôi. Thế là xong, “Ô-kê”.
Câu chuyện bị dừng lại vì phía trước có người giơ tay vẫy. Xe tới gần. Nhật nhận ra người hỏi đứng sau mình ở bên thác nước. Cả hai nhìn nhau cười.
- Hôm nay ông anh thế nào lại đi bộ?
- Xe máy tao hỏng, chưa sửa xong. Với lại tao có việc vào xã Phúc Lâm. Có người định đưa tao về nhà nhưng đến gần đường nhìn thấy mày từ xa nên đứng đây chờ.
- Thật vinh hạnh cho em.
- Mày chỉ được mồm mép.
Gã xà ích lại huýt sáo, lần này là một điệu nhạc vui tươi rộn rã.
Gần tới thị trấn, người kiểm lâm xuống xe.
Bỗng nhiên, gã xà ích cho xe đi chậm lại, có lúc như dừng hẳn.
- Anh có gặp ông to béo không? - Gã đột ngột vào chuyện - Ông ta là chi cục phó kiểm lâm huyện, đặc trách khe Hùm, người nhà của vị lãnh đạo huyện, một tay tiếp sức cho lâm tặc, giàu có lắm. Nhưng có lẽ lão ấy cũng sắp toi rồi. Hình như đang có cuộc điều tra về ông đó cũng như đội kiểm lâm khe Hùm…
- Cậu có vẻ thạo thông tin vỉa hè?
- Tháng trước, công an tỉnh đã gặp em.
- Hỏi thực nhé, cậu có chở gỗ lậu không?
- Có chở đôi chuyến nhưng em thôi ngay. Được kha khá tiền nhưng nhục lắm. Cứ lấm la lấm lét như thằng ăn trộm, đúng là sống trong sợ hãi. Nhìn thấy gỗ quý bị tuồn ra ngoài, rừng xơ xác, cứ thấy bứt rứt không yên. Nghĩ chán chê rồi, thà nghèo mà sống thanh thản vẫn sướng…
- Có thực nghèo không?
- Đủ ăn. Đủ tiền đút miệng hàng ngày và nuôi hai thằng nhóc ăn học.
- Cậu là người đặc biệt mà tớ gặp.
- Đặc biệt cái gì, đang ở phố lại chui vào xó nhà quê xa lắc xa lơ, ngày đêm với núi rừng. Cũng là cái số anh nhỉ? Bố mẹ em chết sớm, ở với anh chị. Ông anh quá hiền lành, hiền quá hóa đần, còn chị dâu tai ngược. Đời em vắn tắt thế này: Đi lính nghĩa vụ, trở về học đại học, nhưng chỉ đúng hai năm. Chẳng ai cho hào nào, toàn tự cấp tự túc, sau không lo được, đành phải bỏ. Về nhà nhẫn nhục ở, đi làm thuê, chạy chợ, giao hàng. Một lần giao hàng trên này em gặp cô mẫu giáo người Tày đi chợ huyện. Dần dà bén duyên, nên vợ nên chồng. Vàng đấy anh ạ. Cô ấy xinh đẹp, hiền lành, rất thực thà. Em sướng quá vì gặp được một người tốt bụng, đồng cảm với mình. Chuyện tình chúng em, anh có thể viết tiểu thuyết được. Bố mẹ cô ấy quá tốt, hiếm có. Đã cho không con gái cưng lại cho cả đất, cả nhà. Tóm lại, đời em kết thúc có hậu - Gã cười giòn tan, nét mặt rạng rỡ.
- Mã này…
- Em tên chính là Mãnh, tự trào gọi là Mã. Đã đi nhong nhong khắp chốn không khác gì ngựa, giờ là chủ xe ngựa, gọi là Mã cũng có ý vậy. Sơ lược lý lịch của em rõ rồi, khai báo rất chân thực, thế còn anh?
Xe đã dừng ở gần ngã ba thị trấn. Gã xuống xe. Nhật đi xuống, lôi trong túi chiếc máy ảnh.
- Để tớ chụp cậu. Cứ đứng nguyên như thế nhé.
Mấy người đi tới xe ngựa cùng với hàng hóa cồng kềnh. Họ tò mò nhìn chàng trai đánh xe ngựa và người lạ đang loay hoay với chiếc máy ảnh…