“Đơn giản là then chốt của mọi sự tao nhã.” - Coco Chanel
Một ngôi nhà tối giản - theo như những gì chúng ta được nhìn thấy trong hầu hết các cuốn sách hoặc trang blog thịnh hành thời gian gần đây - thường dùng tông màu trắng sáng chủ đạo, xung quanh nhà chỉ có một vài món đồ quan trọng, thiết yếu, và trong tủ chỉ có một vài bộ quần áo lịch sự, đơn giản. Tuy nhiên, trong cuốn sách này, tôi không đề cập đến việc chúng ta nên vứt hết đồ đạc và sống như cái cách mà nhiều tác giả người Nhật đã hướng dẫn. Bởi vì sau nhiều năm tìm hiểu nền văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới, gặp gỡ nhiều người mà phần lớn trong số họ đều rất ưa chuộng lối sống tối giản, tôi nhận ra rằng sở dĩ đối với Nhật Bản và các nước phát triển, lối sống tối giản thịnh hành đến như vậy là bởi vì họ đã từng có một cuộc sống dư dả. Ý của tôi là, họ từng sở hữu nhiều đồ đạc đến mức choáng ngợp, họ từng mua sắm tùy hứng để giải tỏa áp lực cuộc sống, họ từng để bản thân bị chi phối bởi vật chất đến độ dần mất đi khả năng kiểm soát cuộc sống của mình. Rồi đến lúc, họ cảm thấy bất lực và trống rỗng giữa khối lượng của cải mình đang sở hữu, họ nhận ra chúng không thể cho họ thứ hạnh phúc mà họ đang cần. Lúc này, họ tìm đến lối sống tối giản như một sự giải phóng cho chính bản thân khỏi những bộn bề, phức tạp, khỏi sự phụ thuộc cảm xúc vào vật chất, và khỏi nỗi lo lắng rằng mình sẽ đánh mất bất cứ thứ gì ra khỏi tầm tay. Lối sống tối giản đối với họ không phải sự hà tiện, khắt khe với việc mua sắm, tiêu dùng, mà ngược lại, đôi khi họ còn phải chi tiêu một số tiền lớn hơn để thay đổi các đồ dùng trong nhà thành những thứ gọn nhẹ hơn, có thể tích hợp nhiều hơn một công dụng đơn thuần.
Đó cũng chính là lý do mà tôi cho rằng, những cuốn sách về lối sống tối giản đến từ các nước đang phát triển, tuy rất hấp dẫn, song lại chẳng mấy khi áp dụng thành công khi đến tay độc giả. Có một sự thật là chúng ta không giống họ, chúng ta - và cha mẹ chúng ta - đã có một thời kỳ quá dài phải chịu cảnh thiếu thốn do chiến tranh và các chế độ khắc nghiệt. Thói quen chắt chiu, dè sẻn đã hình thành ngay trong tư tưởng của các bậc tiền nhân, lưu truyền lại cho đến tận thế hệ của chúng ta hiện giờ, khiến chúng ta luôn có cảm giác muốn giữ lại, muốn tích trữ càng nhiều đồ đạc, bất luận ngôi nhà của mình có đang chật chội đến đâu.
Một nguyên nhân khác tôi cần phải nói đến chính là quan niệm càng sở hữu nhiều, chúng ta sẽ càng cảm thấy thỏa mãn và hạnh phúc. Bởi vì sự thiếu thốn về của cải vật chất, dẫn đến sự tị hiềm, so sánh khi nhìn thấy kẻ khác có được nhiều hơn. Một người bạn vừa mua được chiếc xe hơi đời mới nhất trong khi chúng ta còn chịu nắng chịu gió ngoài đường trên chiếc xe máy mua từ khi mới ra trường; ông anh họ xây thêm một tầng lầu trong khi mình vẫn ở trong căn nhà cấp bốn; cô bạn thời trung học mỗi tuần lại đổi một nhãn hiệu túi xách mới, một đôi giày mới hay một loại nước hoa mới, trong khi chúng ta thì vẫn phải đi thuê váy áo mỗi khi nhận được lời mời tới một bữa tiệc sang trọng của công ty. Chúng ta ôm theo bên mình những suy nghĩ tiêu cực khi nhìn thấy người khác đang có trong tay nhiều của cải, vật chất.
“Trông kìa, cuộc sống của họ mới sung túc làm sao! Trông kìa, họ mới vui vẻ, hạnh phúc làm sao! Họ thật đáng ngưỡng mộ làm sao! Biết đến khi nào mình mới được như họ đây?!”
Những suy nghĩ này vô tình khiến chúng ta ngộ nhận rằng bản thân phải sở hữu những thứ giống như bọn họ thì mới có được hạnh phúc. Rồi sau đó chúng ta cắm đầu chạy theo cuộc đua vật chất, chịu sự sai khiến của lòng đố kỵ để mang về nhà hàng trăm thứ mà chúng ta vốn dĩ không cần. Sự thật là càng có nhiều đồ đạc, chúng ta lại càng lo lắng, bất an; càng lo lắng bất an, chúng ta lại càng có xu hướng so sánh của cải với người khác; càng so sánh của cải với người khác, chúng ta càng cảm thấy mình nghèo đi; càng cảm thấy nghèo đi, chúng ta càng sa đà vào việc mua sắm nhiều hơn. Cứ như vậy, chúng ta bị cuốn vào trong một vòng luẩn quẩn, không thể thoát ra được, và tất nhiên, thực hiện thay đổi phong cách sống sang tối giản cũng sẽ chỉ là một kế hoạch bất khả thi.
Tôi biết rằng, để thay đổi một thói quen, một quan điểm, một tư tưởng, là điều hết sức khó khăn, huống hồ tư tưởng đó đã tồn tại rất lâu, đến mức trở thành một lối sống, thì việc dọn dẹp và tái thiết lập cấu trúc toàn bộ ngôi nhà theo hướng tinh gọn, tối giản hóa các căn phòng và giảm thiểu đồ đạc đến mức thấp nhất, thật sự là một thử thách lớn. Tuy nhiên, đừng nản lòng. Tôi có một tin tốt cho bạn: Nếu như bạn đã từng thử áp dụng các phương pháp trong sách mà vẫn không thành công, thì cũng không có nghĩa vấn đề hoàn toàn nằm ở bạn. Đôi khi, bạn cần một kế hoạch tối giản phù hợp hơn với thói quen, tính cách và lối sống của đất nước chúng ta – nơi mà việc dọn dẹp nhà cửa cần nhiều nỗ lực và vứt bỏ bất cứ món đồ nào cũng đều phải đắn đo, suy tính thật kỹ lưỡng.
Cuốn sách này sẽ cung cấp những kế hoạch tối ưu nhất để dọn dẹp tối giản căn nhà của bạn. Bạn không nhất thiết phải làm theo phương pháp mà Nhật Bản hay các nước phương Tây đang thực hiện. Bạn cũng không cần tự áp đặt một định mức cụ thể như cần phải bỏ bớt bao nhiêu quần áo trong tủ, cần phải vứt đi bao nhiêu sách, hay phải mua sắm lại toàn bộ vật dụng như thế nào. Với người này, có thể bỏ đi mười bộ quần áo đã là tối giản, nhưng với người khác, họ chỉ cần bảy bộ quần áo cho bảy ngày. Với người này, có thể một chiếc nồi trên bếp để thực hiện tất cả các món ăn, nhưng với người khác – một người đã có gia đình và phải chăm sóc con cái – thì cần đến một bộ nồi chảo năm, sáu cái đa dạng để phục vụ cho việc bếp núc. Như vậy, định mức tối giản của mỗi người là khác nhau và sẽ thay đổi theo từng thời điểm, từng giai đoạn trong cuộc sống. Chúng ta không thể sử dụng một khuôn mẫu duy nhất cho tất cả các trường hợp. Thay vào đó, tôi khuyến khích bạn bài trí căn nhà theo hướng khiến cho bạn cảm thấy thuận tiện và thoải mái nhất. Bởi tôi biết chỉ có chính bạn mới biết bạn cần thứ gì, và không còn cần thứ gì nữa mà thôi.
Vậy, đâu mới là thứ bạn thật sự cần?
Một kế hoạch dọn dẹp tối giản sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi ấy.
Ngôi nhà tối giản đúng nghĩa – theo quan điểm của tôi – là nơi mà bạn có thể thu nhận tất cả những gì thiết yếu nhất trong cuộc sống của bạn ở trong tầm mắt. Nghĩa là mỗi khi bạn cần dùng đến thứ gì, bạn có thể nhìn thấy chúng, chạm vào chúng ngay lập tức mà không phải bới tung nhà kho hay chạy loạn lên khắp nơi để tìm kiếm. Đó chỉ cần là nơi không khiến bạn choáng ngợp vì bụi bặm hay phát cáu trong mỗi đợt tổng vệ sinh cuối tuần; chỉ cần là nơi mà mỗi khi bạn – cũng như tất cả các thành viên trong gia đình bạn – bước trở về, sẽ cảm thấy tâm trạng thư thái, mọi căng thẳng, áp lực của cả ngày dài đều bỏ lại hết bên ngoài cánh cửa.
Một ngôi nhà tối giản, bao gồm tất cả các căn phòng đều tối giản. Tôi muốn nói đến việc dọn dẹp từ phòng ngủ, phòng làm việc, tầng thượng, nhà bếp, nhà kho, thậm chí cả khoảng sân vườn nữa. Sẽ không có ích lợi gì nếu như bạn tốn công bài trí một căn phòng khách tối giản với bức tường màu trắng tinh tươm, chọn mua chiếc ghế hạt đậu nhỏ gọn nơi góc phòng và sắp xếp tất cả nhu yếu phẩm vừa vặn vào duy nhất một chiếc tủ gỗ, trong khi phòng ngủ của bạn chất đầy quần áo cũ, sân vườn đầy rác, còn nhà kho thì vẫn chứa hàng đống đồ cũ đã không còn cần đến nữa. Tối giản không chỉ được thể hiện qua diện mạo bên ngoài của căn nhà, tối giản càng không phải một cuộc thi đấu xem ai vứt bỏ được nhiều đồ đạc hơn. Bạn không cần cạnh tranh với ai, bạn không cần phải chứng minh sự tối giản cho bất cứ người nào xem cả. Hãy hướng đến điều bạn thật sự cần: Đó là sự tối giản đích thực trong suy nghĩ và trong cách sống của bạn.
✻ TỐI GIẢN THAY ĐỔI CUỘC SỐNG
---------------------------------------------
♦ LỜI KHUYÊN CỦA STACY
“Sự tối giản nên xuất phát từ trong suy nghĩ.”
Khi trào lưu tối giản mới thịnh hành, Stacy luôn được bạn bè tán dương vì cô gần như là người đầu tiên trong nhóm bạn của tôi có thể đáp ứng được tiêu chí tinh gọn và đơn giản cho ngôi nhà của mình. Chỉ trong vòng một vài tháng, Stacy dọn sạch tất cả đồ đạc lớn nhỏ, từ phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, đến khu vườn phía sau nhà. Những tấm ảnh mà Stacy đăng tải trên trang cá nhân nhận được vô số bình luận tích cực. Họ trầm trồ bức tường sơn màu vanilla tươi mới và sang trọng; họ thích thú với căn phòng khách chỉ có mỗi chiếc đệm ngồi thiền và chiếc bàn đơn hình chữ nhật mà cô dùng để uống trà mỗi sáng; họ khen ngợi cái cách cô kết hợp kệ sách ở chân giường ngủ vừa lạ mắt vừa tiết kiệm không gian,… Giữa lúc người người đang thi nhau so sánh xem ai mới là người thực hiện tối giản thành công nhất, thì hiển nhiên, ngôi nhà của Stacy được xem như một hình mẫu đáng ngưỡng mộ và học tập.
Thế nhưng, sự thật là Stacy vẫn không thể thật sự buông bỏ đối với những món đồ đạc đã cũ của mình. Cô luôn giữ lại rất nhiều món đồ trong căn nhà kho luôn được đóng kín ở sau nhà: bộ bàn ghế cũ kỹ, chiếc thùng giấy chứa hàng trăm cuốn sách đã không còn đọc nữa, cả mấy món đồ gia dụng cồng kềnh,… Thực chất Stacy không hề vứt đi bất cứ thứ gì vì lo lắng rằng một ngày nào đó cô có thể sẽ lại cần đến, hoặc có khi, cô nuối tiếc một kỷ niệm nào đó gắn bó với món đồ ấy. Đắn đo, cân nhắc mãi, rốt cuộc Stacy vẫn chẳng thể hạ quyết tâm dứt khỏi nỗi ám ảnh với sự sở hữu vật chất để hướng tới sự tối giản đích thực.
“Tôi cứ tưởng rằng ngôi nhà tối giản mà người ta trầm trồ khen ngợi này có thể khiến tôi tự hào và hạnh phúc, nhưng hóa ra không phải.” Stacy tâm sự với tôi. “Tôi vẫn không ngừng mua sắm và chất đầy đồ đạc mình không cần đến trong cái kho ở sau nhà. Vì vậy mà sự lo lắng và căng thẳng vẫn đeo bám lấy tôi cho dù trông vẻ ngoài ngôi nhà tôi thật thoáng đãng.”
Điều này cũng phản ánh phần nào sự thật trong cuộc sống của Stacy. Cô nàng sở hữu ngoại hình tươi tắn, mức thu nhập hằng tháng đáng ngưỡng mộ và mạng lưới quan hệ rộng lớn. Những gì cô cho mọi người thấy trên mạng xã hội như muốn nói rằng cô hoàn toàn hài lòng với cuộc sống của mình. Thế nhưng, đằng sau vẻ tự tin và gương mặt luôn tươi cười ấy lại là một tâm trạng thường trực lo lắng. Cô có rất nhiều áp lực phải đối mặt mỗi ngày, liên quan đến công việc, các chỉ tiêu cần hoàn thành mỗi tháng, trách nhiệm với gia đình, nỗi phiền muộn khi có quá nhiều lời nhờ vả chẳng cách nào chối từ và sự thất vọng khi không thể theo đuổi đam mê thật sự của bản thân. Tất cả bị dồn nén lại thật sâu bên trong, giống như căn nhà kho chứa quá nhiều thứ không thể nào vứt bỏ.
Tâm trạng của cô bạn Stacy lúc bấy giờ, nếu đem so sánh với tình hình ngôi nhà của chính cô thì thật là quá tương xứng. Trong khi phòng khách, nhà bếp và các phòng ngủ vô cùng ngăn nắp, thoáng đãng, thì sâu bên trong, nơi căn nhà kho mà chẳng ai hay biết, lại đầy ắp đồ đạc dư thừa – mà tôi tin rằng rất nhiều trong số chúng gợi cho cô những ký ức không vui, khiến cô mỏi mệt, áp lực và chán nản. Bản thân cô cũng vậy. Có thể dễ dàng thấy cô là kiểu người sẽ vì để tâm đến những gì mà người ngoài nhìn nhận về mình mà lựa chọn cách che giấu sự thật về việc mình vẫn chưa thật sự tối giản thành công mà vẫn còn cất giấu vô số đồ đạc ở nơi người khác không nhìn thấy.
Như vậy, có thể nói rằng, ngôi nhà mà bạn đang ở phản ánh tương đối chính xác về cuộc sống hiện tại của chính bạn. Một căn nhà bừa bộn phản ánh tâm trạng rối ren, mệt mỏi; một căn nhà quá dư dả thừa mứa đồ đạc phản ánh cuộc sống gia chủ đang chịu rất nhiều áp lực; ngược lại, căn nhà ngăn nắp, gọn gàng thể hiện tâm thế tự tin, hài lòng với bản thân, và căn nhà đơn giản, sáng sủa, ít cầu kỳ, chứng tỏ gia chủ đã giải phóng toàn bộ năng lượng tiêu cực ra khỏi tâm trí của mình. Đây không phải vấn đề thuộc phạm trù tâm linh hay mê tín, nó thuộc phạm trù tâm lý học, đã được chứng minh và công nhận bởi các chuyên gia về lối sống tối giản. Thậm chí khi không có chuyên gia, thì tôi tin rằng chính bạn cũng nhận thức được tầm ảnh hưởng của ngôi nhà đến tâm trạng và đời sống tinh thần của bản thân.
Trước khi quyết định đã đến lúc bắt tay vào dọn dẹp, thay đổi không gian sống của mình hay chưa, bạn có thể thử trả lời những câu hỏi sau đây về tình trạng thực tế của ngôi nhà bạn đang sống. Từ việc tự đánh giá ngôi nhà, bạn cũng sẽ đồng thời có được cơ hội nhìn lại chính mình một cách chân thật hơn, rõ ràng hơn và khách quan hơn.
Ngôi nhà của bạn có những món đồ cũ kỹ hỏng hóc đã nhiều năm vẫn chưa được đổi mới (và bạn nói vì bạn không có thời gian sửa chữa hoặc đi mua).
Bạn có thói quen tích trữ đồ đạc, mỗi khi thấy thứ gì đó đang khuyến mãi với giá tốt được rao bán, thường thì bạn sẽ mua dù vẫn chưa cần đến.
Mỗi khi sắp có bạn bè hay khách đến chơi nhà, bạn luôn rơi vào trạng thái gấp gáp tìm cách sắp xếp, dọn dẹp sao cho trông ổn nhất có thể (mà giải pháp thường thấy là nhồi nhét mọi thứ vào kho hoặc những chiếc tủ đựng đồ trong phòng).
Bạn thường gặp khó khăn mỗi khi muốn tìm kiếm một món đồ gì đó trong nhà.
Bạn mong được trở về nhà sau một ngày làm việc nhưng lại không có cảm giác thật sự thư giãn kể cả khi đã nằm trên giường.
Ngày cuối tuần bạn thích ra ngoài mua sắm hơn là tận hưởng cảm giác bình yên ở nhà.
Bạn luôn cảm thấy nhà mình quá chật chội và thiếu không gian để bài trí phù hợp với phong cách cá nhân.
Nếu như đa số câu trả lời của bạn là Có, thì đã đến lúc bạn thực hiện một cuộc cách mạng cho ngôi nhà của mình. Hãy nhớ rằng, điều mà bạn đang hướng đến không phải là một cuộc sống được vây quanh bởi của cải, vật chất, mà là niềm hạnh phúc khi toàn bộ không gian, thời gian và năng lượng của bạn đều được tập trung vào những điều quan trọng, những điều tích cực, những điều có ý nghĩa thật sự đối với bạn cũng như người bạn yêu thương. Nếu cứ khư khư giữ lấy thói quen trì hoãn dọn dẹp và tích trữ đồ đạc cũ kỹ như hiện tại, bạn sẽ khó có thể cảm thấy hài lòng, thỏa mãn trong một không gian sống đầy ắp đồ đạc – tin tôi đi, nếu có, đó cũng chỉ là cảm giác sở hữu, sẽ kết thúc sau một thời gian ngắn ngủi mà thôi.
✻ TỐI GIẢN THAY ĐỔI TƯ DUY CỦA BẠN
---------------------------------------------
♦ LỜI KHUYÊN CỦA JESPER
“Đừng để cho những kỷ niệm của bạn chỉ tồn tại qua vật chất, hãy giữ chúng trong ký ức của bạn.”
Jesper – em họ của tôi – từ khi còn trẻ đã là một chàng trai hoài cổ. Cậu ta lưu giữ lại hầu như tất cả những món đồ mình được tặng, hay thậm chí, là những món đồ mà cậu gắn bó trong khoảng thời gian đủ dài. Trong căn nhà của cậu có một tủ sách khổng lồ chiếm trọn một mặt bức tường, tủ quần áo của cậu có những chiếc khăn quàng cổ và áo len đan tay mà cậu từng được nhận từ khi mới 12 tuổi, hiện tại tất nhiên không thể dùng được nữa, nhưng vì ký ức với người tặng (hình như là bạn thân chí cốt hay bạn gái đầu tiên gì đó), nên Jesper khư khư giữ lại năm này qua tháng nọ, bao nhiêu đợt chuyển nhà hay tổng dọn dẹp cũng không chịu vứt đi. Đấy là còn chưa kể đến năm sáu cái thùng các- tông chứa những món đồ chơi thời thơ ấu, những quyển truyện tranh cũ và rất nhiều đồ đạc khác. Thỉnh thoảng, cậu lại lôi chúng ra, phủi bụi, ngắm nghía và tự mình hoài niệm về chúng, về những ký ức đã từng có cùng với chúng. Cậu nói rằng, cậu biết trưởng thành chính là không ngừng tiến về phía trước, nhưng điều đó không có nghĩa cậu không được quyền hồi tưởng, không được quyền lưu giữ kỷ niệm. Nhất là khi những kỷ niệm này tiếp thêm động lực cho cậu, giúp cậu không sa đà, lạc lối, giúp cậu không đánh mất bản thân mình.
Vào thời điểm cha mẹ tôi bắt đầu chuyển hướng công việc kinh doanh sang trang trại và dọn dẹp lại ngôi nhà ở ngoại ô theo hướng tối giản, Jesper đã hỏi chúng tôi rằng, thế hệ con cái sẽ như thế nào khi cha mẹ quyết định sống tối giản? Liệu rằng thế hệ chúng tôi sau này còn có kỷ niệm nào để nhớ về hay không? Nếu như cha mẹ chúng tôi thực hiện một cuộc tổng dọn dẹp, đem tất cả đồ đạc không cần thiết bán lại, trao đổi hay quyên góp từ thiện, kể cả khi chúng gắn liền với một phần tuổi thơ của con cái mình, vậy khi thế hệ chúng tôi lớn lên, muốn nhắc nhớ lại từng kỷ niệm, từng bước ngoặt, từng giai đoạn trong suốt quá trình trưởng thành, chúng ta biết phải dựa vào thứ gì đây?
Tôi còn nhớ khi ấy, chị Harmony của tôi đã nói với cậu rằng: “Đồ vật chỉ là vô tri, thứ mà chúng ta cần lưu giữ lại chính là cảm xúc.”
Mãi đến khi Jesper bắt đầu học đại học và dọn ra ở riêng tại một căn hộ nhỏ hơn ở bang Pennsylvania, cậu mới bắt đầu dần hiểu được tại sao chị Harmony lại có suy nghĩ như thế. Đầu tiên, bởi vì căn hộ mới vốn dĩ không thể nào nhét vừa tất cả mọi thứ đồ đạc kỷ niệm của cậu, Jesper buộc lòng phải lựa chọn ra thứ gì nên mang theo và thứ gì nên để lại ở nhà cha mẹ. Đối với những thứ mang theo, Jesper đã vô cùng vất vả mới tìm được chỗ sắp xếp chúng mà vẫn không quá ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt của mình. Qua thời gian, tất nhiên, các mối quan hệ cậu có lại càng tăng lên, những món đồ lưu niệm, những thứ cũ kỹ chứa đầy hồi ức cũng vì vậy mà xuất hiện mỗi lúc một nhiều hơn, Jesper không nỡ vứt đi bất cứ thứ gì, kể cả khi chúng hư hỏng hay không còn sử dụng được. Cậu quyết định mang chúng về nhà cha mẹ, cất trong những chiếc thùng các-tông ở dưới chân giường. Đó cũng là lúc cậu nhận ra, vì bị bỏ quên quá lâu, không có người lau chùi, sửa chữa, chúng hiện tại đã không còn giữ nguyên hình dạng như lần cuối cùng cậu nhìn thấy nữa, cậu không thể phục hồi chúng, cũng không thể tiếp tục giữ lại. Chẳng còn cách nào khác, Jesper đành vứt mọi thứ đi.
“Ngạc nhiên rằng, cảm giác không tệ như em nghĩ.” Jesper kể lại với chúng tôi về quá trình vứt bỏ toàn bộ các món đồ không dùng đến. “Trước đây, em cứ ngỡ rằng để thực hiện điều đó thật sự rất khó khăn. Em luôn có cảm giác, vứt bỏ chúng chính là gián tiếp vứt bỏ đi những kỷ niệm đã có với người đã tặng chúng. Nhưng cho đến khi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc vứt đi, em mới nhận ra những hồi ức và tình cảm tốt đẹp của mình vẫn sẽ luôn ở đó, tồi tại trong trí nhớ và trái tim em. Em luôn có thể nhớ rất rõ khoảnh khắc mình nhìn thấy hay chạm tay vào món quà ấy, có thể nhớ rất rõ cảm giác sung sướng và xúc động khi được nhận chúng từ tay những người mình thật sự yêu quý và trân trọng. Hóa ra, chỉ có vật chất mới hư hỏng và mục nát theo thời gian, còn tấm lòng thành và kỷ niệm đẹp đẽ, thì không thể.”
Một khi luôn tâm niệm tư tưởng này, chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy mất mát hay nuối tiếc khi quyết định vứt bỏ một món đồ đã từng có ý nghĩa sâu sắc với mình. Hãy luôn nhớ rằng, đem một món quà hay một món đồ kỷ niệm ra khỏi nhà, không có nghĩa bạn là kẻ tồi tệ hay vô ơn, hành động đó không thể nói lên thái độ hay tình cảm của bạn dành cho người tặng, hoặc dành cho quá khứ của mình. Hãy nghĩ đơn giản, bạn chỉ đang giải phóng đồ đạc dư thừa ra khỏi ngôi nhà của mình, còn mối quan hệ, thì luôn ở trong tim bạn, bạn không hề giải phóng chúng đi. Ý thức rõ sự khác biệt này, việc dọn dẹp tối giản trở nên dễ dàng hơn, thuận lợi hơn. Nhiều lần như vậy, bạn cũng sẽ đồng thời học được cách phân biệt rạch ròi giữa vật chất và trạng thái cảm xúc của mình, bạn sẽ không còn để vật chất có cơ hội chi phối lên các quyết định và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Một cuộc cách mạng trong ngôi nhà vốn đã rất quen thuộc sẽ giúp bạn có cách nhìn khác về cuộc sống. Rất nhiều người – kể cả những chuyên gia, những nhân vật nổi tiếng – đều phải công nhận việc dọn dẹp, cải thiện không gian sống đã góp phần đáng kể trong quá trình thay đổi tư duy, thay đổi thái độ sống và giải phóng tất cả mọi suy nghĩ tiêu cực thường trực ở con người họ từ rất lâu. Họ cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản hơn, họ giành được quyền chủ động trong mọi quyết định cuộc đời mình. Một tư tưởng tự do, không bị trói buộc sẽ thúc đẩy khả năng sáng tạo bên trong họ, góp phần hỗ trợ họ trên quá trình phát triển những tiềm năng và cải thiện cuộc sống của mỗi người.
Tất cả, tất cả mọi điều tốt đẹp đó, chúng ta cũng đều có thể đạt được. Hãy bắt đầu bằng việc sắp xếp, tổ chức và cải thiện thứ thân thuộc nhất, gần gũi nhất, là ngôi nhà của chúng ta.
TÓM TẮT CHƯƠNG 1
✧ Quan điểm về Ngôi nhà tối giản của Emma Casey:
₋ Đó là nơi mà bạn có thể nhìn thấy tất cả những gì bạn cần ở ngay trong tầm mắt của bạn;
₋ Là nơi bạn và các thành viên trong gia đình bạn cảm thấy yên bình và thoải mái khi trở về;
₋ Là nơi bạn cảm nhận được hạnh phúc và ý nghĩa thật sự của cuộc sống.
✧ Ý nghĩa của Ngôi nhà tối giản:
₋ Phản ánh thực tế con người bên trong của bạn. Một ngôi nhà bừa bộn, chật chội thể hiện gia chủ đang ở trong tình trạng quá tải, bức bối, ngột ngạt. Trái lại, một ngôi nhà sạch sẽ, thoáng đãng thể hiện gia chủ có cuộc sống tự do, thoải mái và hài lòng với những gì mình đang có;
₋ Càng dọn dẹp ngôi nhà của mình tốt thế nào, bạn sẽ càng có khả năng tổ chức và sắp xếp cho cuộc đời mình tốt như thế ấy;
₋ Giúp bạn hiểu rõ đâu là điều thật sự có ý nghĩa với mình;
₋ Can đảm loại bỏ những món đồ kỷ niệm đã không còn sử dụng được nữa mà không luyến tiếc hay cảm thấy tội lỗi. Chúng ta hoàn toàn có thể chọn những cách khác nhau để lưu giữ ký ức mà không ảnh hưởng đến không gian trong ngôi nhà của mình.