“Sống theo chủ nghĩa tối giản có nghĩa là đơn giản hóa cuộc sống, bỏ đi những thứ không cần thiết để chào đón những thứ cần thiết hơn, có ý nghĩa hơn.” - The Present Writer
Tôi viết cuốn sách này vào khoảng tháng Tám năm 2019, tức là đã gần mười năm kể từ khi tôi kết hôn và chuyển sang căn nhà mới. Trước đó, từng có thời gian tôi sống trong một căn nhà đầy ắp đồ đạc – một vài trong số đó thì đã cũ và không cần thiết, hoặc không còn sử dụng được nữa. Tôi không phải kiểu người sống bừa bãi, tức là nhìn bên ngoài thì ngôi nhà của tôi hoàn toàn gọn gàng, ngăn nắp, tôi quét dọn các căn phòng rất thường xuyên và không để những thứ linh tinh nằm rãi rác trên sàn nhà. Dù vậy, bản thân tôi là người biết rõ nhất tôi đang sở hữu nhiều đồ đạc đến mức nào, chỉ là tôi đang cất chúng ở một nơi mà người khác (và chính mình) không thể nhìn thấy mà thôi. Bạn còn nhớ câu chuyện về cô bạn Stacy mà tôi kể trong chương đầu tiên chứ? Hành động của tôi cũng giống như cô ấy, có khác chăng chỉ là tôi không làm thế để được ca ngợi như một người sống tối giản, mà tôi làm thế vì muốn ngôi nhà mình có vẻ ngoài tinh tươm, sạch đẹp, luôn sẵn sàng để đón tiếp các vị khách, bạn bè hay họ hàng gần xa đến thăm bất cứ lúc nào. Việc đặt tạm những thứ dư thừa vào trong hộp giấy, thùng các-tông hay tủ chứa đồ và dùng lý do quá bận rộn để trì hoãn đã dần trở thành thói quen của tôi. Tôi thật sự bận rộn, nhưng chắc rằng không bận rộn đến mức không tìm được chút thời gian nào để dọn dẹp chúng một cách đúng nghĩa. Cứ như thế, số lượng đồ đạc không cần thiết ngày càng tăng lên, cho đến lúc tôi bắt đầu để ý đến, thì ngôi nhà của tôi đã tràn ngập những chiếc thùng đựng đồ, dù tôi đã cố gắng sắp xếp chúng một cách ngay ngắn.
Trước khi dọn về ngôi nhà hiện tại, tôi đã sống cùng với cha mẹ và các chị em của mình trong một căn nhà ở vùng ngoại ô. Từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, chúng tôi chưa một lần nào phải chuyển nhà đi nơi khác, vì vậy tôi không có cơ hội nào để nhìn lại những món đồ mà bản thân đã mua, đã cất giữ và đã lãng quên, cũng không có cơ hội nào để đánh giá đâu mới là thứ thật sự cần thiết với mình và đâu là thứ nên loại bỏ. Thi thoảng, trong các đợt tổng vệ sinh cuối năm, mẹ tôi sẽ lôi ra một cái thùng đầy đồ đạc và lần lượt hỏi chị em chúng tôi rằng có cần món này không, có cần món nọ không. Sự thật là có một số thứ chúng tôi thậm chí còn chẳng nhớ mình đã mua nó hay nhận được nó từ khi nào, nhưng lúc được hỏi, chúng tôi vẫn sẽ suy nghĩ và nói Có. Vì chúng tôi tin rằng mình sẽ cần đến, không phải bây giờ thì là sau này. Sau nhiều năm như thế, chúng tôi dần lớn lên, thời đại công nghệ phát triển khiến chúng tôi muốn khám phá và trải nghiệm, nhiều phong cách và trào lưu ra đời khiến chúng tôi muốn theo đuổi, trên hết, chúng tôi cần có những phương tiện phục vụ cho sinh hoạt, học tập, giải trí,… Có quá nhiều lý do để nhu cầu mua sắm và sử dụng của chúng tôi mỗi lúc một tăng thêm, vậy nên, cũng không quá ngạc nhiên khi đồ đạc trong ngôi nhà của chúng tôi chỉ ngày càng nhiều chứ chưa từng có dấu hiệu ít đi theo thời gian.
Vào mùa hè năm tôi 17 tuổi, cha tôi gặp một biến cố lớn khiến ông suy sụp. Khoảng thời gian đó, chúng tôi dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để khôi phục lại tình trạng trước đây của gia đình. Những mất mát về vật chất và tinh thần đã trở thành nguyên nhân khiến chúng tôi phải thay đổi cấu trúc ngôi nhà cũ, bố trí, sắp xếp chúng cho phù hợp với định hướng trong tương lai của gia đình. Lúc bấy giờ, tất cả chúng tôi lần đầu tiên nghiêm túc mang ra toàn bộ đồ đạc – bao gồm những chiếc thùng được cất tại các vị trí khuất mắt nhất – để dọn dẹp, lấy không gian cho những món đồ mới phục vụ công việc kinh doanh trang trại mà cha mẹ tôi dự định. Tôi không bao giờ quên cảm giác lúc đó, khi tận mắt nhìn thấy hàng trăm thứ từ quần áo, giày dép, sách vở, thư từ, tài liệu, đồ chơi, đồ sưu tầm, đồ lưu niệm,… chất đầy trước mặt, nhiều đến lúc sau khi được dọn ra, chúng nằm ngổn ngang, chiếm hết một khoản sàn nhà trong phòng khách, đến chỗ để ngồi xuống cũng không có. Không thể ngờ tôi vẫn còn giữ chiếc cặp xách từ hồi trung học, chồng băng đĩa nhạc thiếu nhi sưu tầm khi còn nhỏ, hay thùng sách vở sau khi học xong cấp ba định để lại cho em họ hay bọn trẻ hàng xóm sau này (nào ngờ về sau, sách giáo khoa cải cách và chúng trở nên vô dụng). Suy nghĩ rằng mình sẽ cần đến chúng trong tương lai là một suy nghĩ sai lầm. Tôi thậm chí còn không nhớ mình đã có chúng, hay đã đặt chúng ở đâu! Và lần dọn dẹp đó đã cho tôi cơ hội nhìn lại những gì bản thân tích trữ - một lần cuối cùng – trước khi thật sự tạm biệt chúng.
Sau khi kết hôn và chuyển sang nơi ở mới, rút được kinh nghiệm từ lần dọn dẹp tại ngôi nhà cũ, tôi quyết định bố trí căn nhà mới của mình theo hướng tối giản ngay từ đầu, làm như vậy, tôi sẽ không có cơ hội lặp lại hành vi tích trữ đồ đạc lúc trước. Tuy nhiên, tối giản một căn nhà mới thì lại không giống như khi dọn dẹp căn nhà mà mình đang ở được. Nó sẽ bao gồm nhiều rắc rối hơn, nhưng đồng thời cũng sẽ thú vị hơn.
Để tôi giải thích nhé. Tại một ngôi nhà cũ – nơi mà bạn đã quen thuộc rất nhiều năm, bạn biết được mọi nơi, mọi ngóc ngách mà mình có thể cất giữ đồ đạc, bạn có thể mang tất cả mọi thứ ra ngay trên sàn, ngay trước mặt mình, và bạn biết đâu là thứ mình thật sự cần, đâu là thứ mình không còn cần nữa, để phân loại chúng một cách hợp lý nhất. Trong khi đối với một căn nhà hoàn toàn mới, đứng trước những căn phòng trống, bạn dễ nảy sinh cảm giác muốn nhanh chóng lấp đầy chúng bằng những món đồ sẵn có của mình, hoặc thậm chí là ra ngoài mua thêm. Điều này dẫn đến, ngôi nhà mới của bạn, chẳng mấy chốc lại rơi vào trạng thái chẳng khác gì ngôi nhà cũ bừa bộn trước đây.
Tuy nhiên, tôi muốn bạn tập trung vào khía cạnh thú vị của việc tối giản một ngôi nhà mới. Đó là: Bạn có cơ hội để thực hiện bài trí tối giản ngay từ đầu. Bạn sẽ nhìn thấy bao quát toàn bộ đồ đạc của bạn – lúc này chỉ vừa mới được chuyển vào – mà không cần phải cố gắng nhớ xem mình đã cất giữ chúng ở đâu, không cần phải mất thêm thời gian lấy chúng ra khỏi nơi mình đã cất giữ, cân nhắc xem liệu mình có nên vứt chúng đi hay không (bởi vì quá trình này bạn có thể đã trải qua một lần trong lúc đóng gói đồ đạc để chuyển đi rồi). Hơn thế nữa, khi vừa chuyển đến ngôi nhà mới, bạn dễ dàng sắp xếp và bố trí các vật dụng vào từng căn phòng hơn. Muốn thay đổi cấu trúc của một căn phòng trong ngôi nhà cũ, bạn phải di chuyển những thứ ở phía ngoài trước, sau đó mới chuyển được thứ ở bên trong, bạn phải cân nhắc xem sự thay đổi đó có làm ảnh hưởng đến cấu trúc chung của căn nhà hay không, có khiến bạn phải thay đổi cả những căn phòng khác cho phù hợp hay không. Đôi khi, sự thay đổi ấy đồng nghĩa với việc bạn phải dịch chuyển một thứ gì đó quá nặng nề, to lớn như tủ sách, ghế sofa, tủ quần áo hay tủ chén bát,… ra khỏi vị trí ban đầu của chúng, và điều đó không nằm trong khả năng của bạn. Vì những lý do trên (và còn có rất nhiều lý do khác nữa), mà bạn quyết định hoãn lại việc thay đổi cách bài trí trong nhà. Sau một vài lần trì hoãn như thế, sẽ đến lúc nào đó, công việc ở nhà và tại cơ quan sẽ khiến bạn quên đi mất kế hoạch sắp xếp, dọn dẹp mà mình đã dự tính từ cách đây rất lâu. Đối với một ngôi nhà mới, lợi thế của bạn là có thể lên kế hoạch bài trí sắp xếp từ con số không. Bạn nhìn vào từng căn phòng còn trống của mình và tính toán xem sẽ đặt thứ gì ở vị trí nào, đồng thời, việc vận chuyển ở thời điểm này cũng thuận tiện hơn rất nhiều so với khi trong nhà đã đầy ắp đồ đạc được bố trí đâu vào đấy.
Nếu như bạn luôn giữ trong đầu ý định theo đuổi lối sống tối giản, và bạn đang chuẩn bị chuyển đến một ngôi nhà mới, thì xin chúc mừng! Bởi vì bạn đang có một cơ hội rất tuyệt vời để thay đổi không chỉ môi trường sống, mà còn là thay đổi phong cách, tư tưởng, và cả chất lượng cuộc sống của mình.
---------------------------------------------
♦ LỜI KHUYÊN CỦA OLIVIA
“Sau khi chuyển đến một căn nhà mới và quyết định thực hiện dọn dẹp nó theo hướng tối giản, bạn sẽ sớm cảm thấy đó thật sự là nơi đáng sống, đáng để bạn dành cả phần đời còn lại của mình để tận hưởng hạnh phúc.”
Olivia – một cô bạn đồng nghiệp cũ của tôi – đã từng có một cuộc sống độc thân dài bảy năm trong ngôi nhà nhỏ mà cô thuê tại ban Connecticut. Trước đây, khi quyết định thoát ly gia đình và sống tự lập, cô gần như mang cả căn phòng với toàn bộ đồ đạc mà cô đã tích trữ suốt cả thời thơ ấu để khiến ngôi nhà mới của mình trở nên thân thuộc, không cho cô cảm giác xa lạ và trống trải. Cô bố trí ngôi nhà gần như giống hệt với căn phòng cũ khi còn sống cùng cha mẹ. Bao gồm cả vị trí đặt giường ngủ, bàn làm việc, tủ quần áo, nơi để giày dép, giống cả loại thảm lót sàn, cả màu giấy dán tường và tất cả những chiếc thùng các-tông chứa đầy vật dụng linh tinh không cần thiết khác. Có lẽ chính vì lý do đó, mà cho dù đã dọn ra ở riêng, cuộc sống của Olivia cũng không bị thay đổi quá nhiều, và cô cảm thấy không có vấn đề gì với điều đó.
Sau bảy năm, cô quyết định kết hôn với Sam – một người đàn ông làm công việc lập trình viên toàn thời gian. Cả hai mua một căn hộ mới ở gần nơi mà Sam đang làm việc và Olivia buộc phải tiến hành dọn dẹp, đóng gói hành lý để chuyển đến đó. Đến lúc này cô mới nhận ra mình đã có nhiều đồ đạc hơn trước rất nhiều: tổng cộng hơn hai mươi thùng lớn, chưa kể đến các vali quần áo và cặp chứa tài liệu khác nữa. Cũng có đôi lúc, cô cân nhắc đến việc bỏ lại một vài món ít quan trọng nào đó, nhưng việc này đòi hỏi cô dành thật nhiều thời gian lẫn sức lực để phân loại và lựa chọn. Đối với một kế toán viên, ở cơ quan tám giờ đồng hồ mỗi ngày, trừ bỏ thời gian sinh hoạt cá nhân và đảm bảo ngủ đủ giấc, thì rõ ràng Olivia không còn đủ thời gian hay sự tỉnh táo để quyết định thứ gì nên bỏ đi, thứ gì nên giữ lại. Cuối cùng, tất cả những gì cô có thể làm là đóng gói toàn bộ đồ đạc – toàn bộ! – cả những thứ mình cần lẫn những thứ mình không cần, và mang đến ngôi nhà mới, nơi mà Sam, người chồng mới cưới của cô, cũng đã chất đầy những món đồ dùng của riêng anh.
Tại đây, Olivia nghĩ rằng cô sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cô sẽ phải vừa học cách làm quen với cuộc sống hôn nhân, vừa phải thích nghi với môi trường mới, suy nghĩ này làm cô cảm thấy bị choáng ngợp và bức bối vô cùng, nhưng lại không thể nói được với ai. Cô không muốn cha mẹ và em gái của mình lo lắng, càng không thể tâm sự với chồng mình. Bởi hơn ai hết, cô biết Sam cũng đang gánh chịu những áp lực tương tự. Trước khi dọn đến và chung sống cùng nhau, anh cũng đã phải vật lộn với khối lượng hành lý khổng lồ mà anh đã tích trữ suốt hơn mười năm sống một mình, chưa kể, anh còn phải mua sắm thêm các loại đồ dùng mới phù hợp với ngôi nhà có hai người.
Trước hôn nhân, có một khoảng thời gian ba tháng họ chuyển đến sống cùng nhau. Giai đoạn đó, họ rất hiếm khi gặp nhau. Thậm chí có những hôm Sam về nhà khi Olivia đã ngủ, và khi anh thức giấc, cô đã sớm phải đến cơ quan. Họ có rất nhiều điều muốn nói cùng nhau, nhưng rốt cuộc lại chọn cách im lặng và âm thầm chịu đựng. Sam vùi mình vào công việc, còn cô tìm cách phung phí khoảng thời gian trống trải khi không có người yêu bên cạnh bằng cách điên cuồng mua sắm, hết lang thang trong những siêu thị, những phiên chợ cuối tuần, rồi đến các trang web bán hàng trên mạng với hy vọng nếu như mình bỏ thật nhiều công sức trang hoàng nhà cửa, khiến cho nó ngày càng đủ đầy hơn, tiện nghi hơn, thì sẽ đủ sức giữ người bạn đời của cô ở nhà nhiều hơn.
“Kết quả là, cả hai chúng tôi dần dần đều chẳng có ai muốn quay về nhà nữa.” Olivia tâm sự. “Càng mua sắm nhiều đồ đạc, không gian sống càng thu hẹp lại, chúng tôi càng cảm thấy ngột ngạt, và từ đó, khoảng cách giữa hai vợ chồng lại càng xa. Chúng tôi quyết định trở về nhà riêng của mình, trước khi tình yêu trở nên nguội lạnh.”
Giờ đây, trước ngưỡng hôn nhân, chuẩn bị dọn vào ngôi nhà mới, Olivia nói với tôi rằng, cô cảm thấy vô cùng căng thẳng và lo lắng rằng tình trạng cũ sẽ lặp lại. Cô rất muốn cùng Sam xây dựng một gia đình hạnh phúc, nhưng lại không biết phải giải quyết vấn đề nhà cửa như thế nào.
Trước tình hình này, tôi đã có một đề xuất dành cho Olivia, tôi gợi ý cho cô ấy trong quá trình chuyển sang nhà mới hãy thực hiện loại bỏ đồ cũ thay vì tiếp tục mua sắm đồ mới. Cụ thể, tôi khuyến khích cô ấy cùng với Sam dành ra hẳn vài ngày để nói lời tạm biệt toàn bộ những thứ đã không còn giá trị sử dụng, hoặc kể cả những thứ vẫn còn giá trị sử dụng nhưng không còn mang lại cho họ niềm vui và sự gắn kết trong cuộc sống nữa. Đây không chỉ đơn thuần là một dịp tổng dọn dẹp, nó còn đồng thời là cơ hội để cả hai cùng ngồi lại với nhau, trò chuyện và giúp đỡ nhau tránh khỏi nguy cơ phải đối mặt với khủng hoảng về vật chất lẫn tinh thần vì đồ đạc quá tải.
Ban đầu, Olivia khẳng định với tôi rằng, đó là chuyện hoàn toàn bất khả thi. Có rất nhiều thứ cô không thể vứt đi, bao gồm những thứ mà cô đã dùng rất nhiều tiền để mua về, những thứ cô biết mình sẽ cảm thấy cực kỳ tội lỗi nếu vứt đi, và những thứ cô nhất định phải giữ lại vì giá trị kỷ niệm của nó. Nhưng rồi, sau khi vượt qua được giai đoạn tâm lý ban đầu, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Olivia nhận ra có những thứ mà cô luôn nghĩ mình sẽ không thể nào dứt bỏ, kỳ thực sau khi chúng ra đi, lại khiến cô nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Sam cũng vậy, có những thứ anh muốn giữ lại chỉ vì sợ lãng phí, hóa ra giải pháp chỉ đơn giản là để chúng lại cho những người thật sự cần đến. Sam bắt đầu chụp và đăng tải hình ảnh các món đồ của mình lên một vài nhóm chuyên bán đồ cũ, hàng thanh lý để nhanh chóng tìm chủ mới cho chúng. Cũng có những món, Sam không bán mà đem đến quyên tặng tại các tổ chức từ thiện. Một cách thật tự nhiên và cũng thật đáng ngạc nhiên, hành động này lại khiến tâm trạng của anh được cải thiện đáng kể. Anh cảm thấy hào hứng khi trở về nhà và dành thời gian cho việc phân loại những món đồ cũ để tìm cho chúng nơi thích hợp hơn – nơi mà chúng có thể phát huy hết tác dụng vốn có, và giúp cho chủ nhân mới của chúng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
Sau quá trình giải phóng đồ đạc, Olivia và Sam ngồi cạnh nhau trong căn hộ mới, trong không gian thoáng đãng, rộng rãi, hoàn toàn sẵn sàng cho một cuộc sống mới, không bị lệ thuộc cảm xúc vào bất cứ thứ gì. Họ bắt đầu quá trình bài trí và sắp xếp đồ đạc vào những căn phòng theo phong cách mà bản thân mong muốn. Đó là lúc họ bắt đầu đọc và tìm hiểu nhiều hơn về trào lưu tối giản. Họ nhận ra bản thân đang dần chạm đến một khía cạnh khác của cuộc sống – không đơn thuần chỉ là việc dọn dẹp nhà cửa – nó sâu sắc hơn và ý nghĩa hơn rất nhiều, thậm chí, nó đủ sức thay đổi tâm hồn họ, thanh lọc suy nghĩ của họ. Không gian rộng rãi giúp họ xích lại gần nhau hơn, đồ đạc ít đi giúp họ dành thời gian cho nhau nhiều hơn, và khi không còn quan tâm đến vật chất nữa, họ có cơ hội để quan tâm đến đối phương nhiều hơn, đến những giá trị đích thực mà họ đã và đang sở hữu.
Olivia và Sam chỉ là một trong rất nhiều những trường hợp mà tôi được biết – từ những người quen xung quanh tôi, và từ những gì tôi được nghe, được đọc trên các phương tiện truyền thông khác – về việc chúng ta có thể thay đổi cuộc đời mình như thế nào, chỉ thông qua việc chuyển đến một ngôi nhà mới và thực hiện tối giản chúng, trước khi để cho bản thân sa đà vào việc mua sắm và đánh mất đi mục tiêu ban đầu của mình, là một cuộc sống tự do, đơn giản và đầy đủ năng lực làm chủ niềm hạnh phúc của bản thân, ở hiện tại cũng như trong tương lai.
CHUẨN BỊ HÀNH LÝ ĐỂ CHUYỂN SANG NGÔI NHÀ MỚI
Nếu như bạn cũng giống như tôi trước đây – cảm thấy mình đang có quá nhiều đồ đạc trong khi chúng không thể làm cho cuộc sống của bạn vui vẻ, hạnh phúc như bạn tưởng – và bạn đang chuẩn bị chuyển sang một ngôi nhà mới, thì đây chính là cơ hội ngàn vàng để bạn thực hiện lối sống tối giản mà bạn hằng mong muốn.
Có thể bạn sẽ nói với tôi rằng, bạn chưa bao giờ đọc bất cứ một cuốn sách nào về lối sống tối giản, hoặc nếu có, cũng là những cuốn sách phù hợp với lối sống của Nhật Bản hoặc các nước phương Tây, bạn không biết làm thế nào để có thể kết hợp phong cách tối giản ấy với văn hóa và bối cảnh xã hội của đất nước mình. Đầu tiên, phải nói rằng tôi cảm thấy rất vui mừng khi bạn có cùng lý tưởng với tôi. Cách đây mười năm, khi tôi vừa chuyển đến ngôi nhà mới và chuẩn bị cho một gia đình nhỏ của riêng mình, tôi còn nhớ rất rõ bản thân đã nhận được không ít lời khuyên can về việc tôi có nên bài trí nhà cửa theo hướng tối giản hay không. Họ giải thích với tôi rằng chúng ta không thể sống tối giản khi đã có gia đình; chúng ta không thể sống tối giản khi chúng ta đã quá quen thuộc với việc xung quanh có đầy đủ tiện nghi; chúng ta không thể sống tối giản với tất cả những trách nhiệm gia đình đòi hỏi chúng ta phải có cơ sở vật chất đủ để đáp ứng nhu cầu và chất lượng cuộc sống cho con cái của chúng ta, và cho bản thân chúng ta.
Tôi sẽ không phủ nhận bất cứ một lời khuyên can nào – tôi ý thức được toàn bộ những điểm bất lợi đó ngay từ trước khi chuyển vào ngôi nhà mới – nhưng đồng thời, tôi cũng không vì chúng mà từ bỏ kế hoạch của mình. Tôi chọn cách đối mặt và từng bước một giải quyết các mặt hạn chế mà bản thân có thể gặp phải khi quyết định bố trí ngôi nhà mới của mình theo hướng tối giản, và sự tối giản đó hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng tôi. Giờ đây, tôi dành phần này để chia sẻ với các bạn từng bước mà tôi đã thực hiện để tối giản một ngôi nhà mới. Cũng có thể chúng chỉ phát huy được hiệu quả trong hoàn cảnh của cá nhân tôi, nhưng điều đó không có nghĩa bạn không thể áp dụng. Hãy xem các bước dưới đây như là thông tin tham khảo, làm tiền đề và tạo cảm hứng cho một sự khởi đầu mới nơi con người bạn và nơi chính gia đình bạn. Biết đâu từ đó, bạn có thể nảy ra những sáng kiến, ý tưởng riêng, phù hợp với tình trạng và điều kiện của cá nhân mình.
❖ BƯỚC 1: ĐEM TẤT CẢ ĐỒ ĐẠC RA TRƯỚC TẦM MẮT
Đúng vậy, ý tôi là toàn bộ đồ đạc, những thứ mà bạn định mang theo đến ngôi nhà mới của mình. Sai lầm mà hầu hết chúng ta đều mắc phải đó là để đồ đạc nằm yên trong thùng rồi cứ thể chuyển đến nơi ở mới. Hãy tin tôi đi, hành động đó sẽ chỉ khiến đồ đạc ở khuất tầm mắt bạn mà thôi. Một khi chúng ở khuất tầm mắt, bạn làm sao có thể phân loại đâu là thứ mình cần và đâu là thứ mình không cần? Bạn nói sao? Bạn sẽ đem chúng ra sớm thôi ư? Sớm là khi nào? Có phải ý bạn là khi bạn đã mệt lả hết cả người sau nhiều lần vận chuyển, cuối cùng lại quyết định dồn hết tất cả mọi thứ linh tinh vào trong một cái thùng khác và nhét chúng vào đâu đó, tiếp tục tích trữ, ngày này qua tháng nọ. Như vậy thì có gì khác đâu? Ngôi nhà mới của bạn rồi cũng sẽ ngập tràn những món đồ không còn sử dụng nữa. Chẳng có gì thay đổi cả.
Thay vào đó, ngay khi còn đang ở khâu đóng gói hành lý, hãy cứ bày tất cả mọi thứ ra trước mắt để dễ dàng xem xét hơn. Đừng hoảng loạn khi nhìn thấy bản thân có quá nhiều đồ đạc. Tôi cần bạn hiểu rằng đó là một chuyện hết sức bình thường. Chúng ta – trước khi bước vào cuộc sống tối giản – đều là những người thích sở hữu vật chất. Chúng ta dễ lầm tưởng cuộc sống giàu có đích thực chính là sự phong phú về tài sản và đồ đạc cá nhân, chính vì thế, chúng ta không ngừng mua sắm và tích trữ cho mình một cách vô thức, đến khi nhìn lại, chúng ta phát hiện bản thân đang sở hữu một khối lượng của cải khổng lồ, nhưng không hẳn đã thật sự cảm thấy hài lòng, thỏa mãn về cuộc sống của mình.
Khoảnh khắc đem tất cả đồ đạc đang có ra trước mắt, chính là cơ hội để bạn có một cái nhìn bao quát và toàn diện nhất, cũng là để tập thói quen ngừng giấu giếm đồ đạc. Bạn chỉ có thể thực hiện phân loại và dọn dẹp đồ đạc một cách hiệu quả khi có thể trực tiếp nhìn chúng, chạm vào chúng và cảm nhận được ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của chúng đối với chính bản thân bạn mà thôi.
❖ BƯỚC 2: TỰ ĐẶT CÂU HỎI TẠI SAO CHO CHÍNH MÌNH
Hãy kiên nhẫn một chút, vẫn chưa đến lúc dọn dẹp hay sắp xếp đồ đạc đâu. Trước khi bắt đầu, bạn cần phải chuẩn bị sẵn tinh thần rằng chắc chắn bạn sẽ phải vứt bỏ một vài, hoặc thậm chí rất nhiều thứ để bước vào cuộc sống tối giản tại ngôi nhà mới. Rất nhiều chuyên gia về lĩnh vực tối giản nhà cửa ở Nhật Bản và các nước phương Tây đã khẳng định rằng, giai đoạn đầu là cực kỳ khó khăn. Bạn sẽ tự mình đưa ra hàng vạn lý do để từ chối vứt bỏ thứ này hay thứ khác. Các lý do thậm chí còn vô cùng thuyết phục, và bạn rất có thể sẽ chẳng dọn dẹp được bất cứ thứ gì vào những ngày đầu tiên. Điều đó cũng không có gì xấu đâu, tôi cũng thường làm như thế lúc mới bắt đầu luyện tập giải phóng đồ đạc. Mục tiêu chính quan trọng nhất ở giai đoạn này là xác định rõ ràng lý do bạn từ chối vứt bỏ món đồ ấy là gì. Chỉ khi bạn biết chính xác tại sao mình không thể hoặc không muốn vứt bỏ chúng, bạn mới có thể tìm ra hướng giải quyết chúng một cách hợp lý nhất.
Dưới đây là những lý do thường gặp nhất mà tôi đã tổng hợp lại từ những người đã trải qua giai đoạn lưỡng lự phân vân để thực hiện thành công việc dọn dẹp tối giản khi chuyển vào ngôi nhà mới. Tôi cần bạn nghiêm túc xem xét chúng đối chiếu chúng với trường hợp của bạn và đánh dấu (✓) nếu cảm thấy có bất cứ lý do nào trùng khớp với các lý do mà bạn đã đưa ra để trì hoãn việc dọn dẹp, loại bỏ đồ đạc. Hãy chắc chắc rằng bạn đang thành thật với suy nghĩ và cảm xúc của mình nhé!
Tôi không thể vứt bỏ món đồ này, bởi vì…
☐ …đó là món quà mà tôi nhận được từ một người quan trọng.
☐ …đó là món đồ gợi tôi nhắc đến một kỷ niệm đẹp.
☐ …đó là món đồ mà tôi từng vô cùng yêu thích khi còn bé.
☐ …đó là di vật mà một người thân đã khuất để lại cho tôi.
☐ …món đồ đó sẽ không còn được sản xuất, nghĩa là tôi sẽ không thể tìm được thứ tương tự ở thời điểm này nữa.
☐ .…tôi vẫn chưa sử dụng hết chức năng của nó.
☐ …tôi đã mua nó với giá khá cao, giờ vứt đi thì thật là lãng phí.
☐ …đó là phiên bản giới hạn, tôi đã tìm kiếm, chờ đợi, vất vả lắm mới có được.
☐ …tôi sợ ngày nào đó người tặng sẽ hỏi tôi về món đồ đó.
(hoặc một vài lý do khác bạn có thể liệt kê thêm bên dưới):
........................................................................................
........................................................................................
........................................................................................
........................................................................................
Tôi tin chắc rằng bạn có thể nhìn thấy bản thân mình đâu đó trong một hoặc nhiều lý do trên, thậm chí khi tôi đưa danh sách này cho cô bạn thân Susan của mình, cô ấy còn cười phá lên và đánh dấu vào tất cả các ô nữa. Kỳ thực tôi biết, đa số chúng ta đều dễ trở nên thiếu quyết đoán trước những vật, những việc liên quan đến cảm xúc. Vì vậy khi đầu óc bạn bắt đầu nghĩ đến chuyện cắt giảm đồ đạc, thì gần như ngay lập tức, trái tim bạn sẽ phản đối điều đó bằng cách nhắc nhở rằng bạn đã từng muốn giữ chúng lại như thế nào trước đây. Cơ chế này cứ lặp đi lặp lại như thế mỗi khi bạn bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, và để lại khối lượng hành lý cao như núi hiện giờ. Vì thế, việc xác định rõ lý do không thể vứt bỏ đối với những món đồ, sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với bạn, đó là giúp bạn nhìn vào sự thật và hạ quyết tâm một cách dễ dàng hơn.
❖ BƯỚC 3: TỪ BỎ TƯ TƯỞNG “TÔI KHÔNG THỂ TỪ BỎ”
Thật đấy, tôi không đùa đâu! Nếu như ngay từ đầu bạn đã có suy nghĩ “Món đồ này tôi không thể thiếu được.”, “Món đồ này tôi không nỡ vứt đi.” hay “Sẽ thật lãng phí nếu vứt bỏ món đồ này đi.”, thì bạn sẽ không bao giờ có thể thật sự dọn dẹp được khối lượng hành lý khổng lồ của mình. Vì vậy, việc đầu tiên bạn cần phải làm, trước tất cả mọi việc khác, chính là loại bỏ ra khỏi tâm trí tư tưởng “Tôi không thể!”. Kỳ thực, không phải bạn không thể, mà là bạn không muốn. Tôi hiểu bạn cảm thấy khó khăn như thế nào, bởi vì tôi đã từng trải qua một khoảng thời gian phân vân thiếu quyết đoán khi đứng trước một căn phòng đầy thùng to thùng nhỏ, nhìn đâu cũng toàn là kỷ niệm, nhìn đâu cũng toàn là những thứ chẳng dễ gì đành lòng vứt đi. Tôi đã từng trải quá một cơn khủng hoảng trầm trọng vì không biết nên làm gì với những món quà, những tấm ảnh, và cả những di vật từ người thân, bạn bè, từ các mối quan hệ đã đi xa, tôi cảm thấy thật tội lỗi khi vứt bỏ chúng, cảm giác như tôi đã chính tay gạt bỏ toàn bộ kỷ vật và kỷ niệm (rất có thể là cuối cùng) giữa mình và người tặng vậy.
Nhưng bạn còn nhớ lời khuyên của Jesper mà tôi đã thuật lại trong Chương 1 chứ? Jesper nói rằng, kỷ niệm không được lưu giữ qua đồ vật, mà lưu giữ trong tâm trí chúng ta. Và kể cả khi sau này chúng ta không còn đủ khả năng để nhớ được chúng, thì vẫn sẽ còn nhiều cách để hồi tưởng. Bạn có thể chụp lại những lá thư, những món quà, scan những tấm hình và lưu toàn bộ vào máy tính. Trong thời đại công nghệ phát triển, đôi khi chỉ cần một chiếc USB nhỏ có dung lượng cao là bạn đã giữ lại được rất nhiều hình ảnh, tài liệu dưới dạng tệp, sẵn sàng để bạn xem lại trên máy tính của bạn, bất cứ khi nào bạn muốn.
Nếu lý do của bạn không phải là bởi vì tiếc nuối kỷ niệm, thì phải chăng, bạn đang cảm thấy lãng phí khi loại bỏ các món đồ mà bạn đã tốn một khoản tiền (hoặc công sức) không nhỏ để mua về mà vẫn chưa sử dụng chúng một cách triệt để nhất. Trong trường hợp này, bạn hãy nhớ đến câu chuyện về Sam – chồng của cô bạn đồng nghiệp Olivia – anh ấy đã chọn cách thanh lý hoặc quyên góp những món đồ giá trị của mình cho các tổ chức từ thiện, cho những người mà anh ta tin rằng sẽ cần đến chúng.
Bạn thấy đấy, cho dù lý do để bạn chần chừ không loại bỏ đồ đạc dư thừa là gì đi nữa, bạn vẫn luôn có cách để hạ quyết tâm và bắt đầu dọn dẹp ngay trước khi dọn vào ngôi nhà mới của mình và biến nó trở thành một phiên bản bừa bộn khác của ngôi nhà cũ. Một trong những phương án hiệu quả nhất của tôi chính là nghĩ đến những lợi ích sau khi để chúng ra đi, đó là không gian, là thời gian, là việc dọn dẹp nhanh chóng và dễ dàng hơn, là cảm giác tự do, không lệ thuộc vào vật chất,… chỉ cần nắm rõ những lợi ích đó, bạn sẽ rất dễ dàng trong việc lựa chọn có nên đưa một món đồ nào đó ra khỏi hành lý của mình hay không.
Một vài người bạn khác sau khi đọc đến đây đã nói với tôi rằng, họ không cần phải đề ra giải pháp hay phải tự động viên bản thân gì cả, họ có thể hạ quyết tâm rất nhanh chóng trước khi loại bỏ một món đồ ra khỏi hành lý của bản thân. Trong trường hợp bạn cũng nói như thế, thì tôi thật lòng cảm thấy vui mừng cho bạn, bởi vì bạn đang không để cho vật chất chi phối cảm xúc của mình quá nhiều. Tuy nhiên, tôi biết rằng hiếm ai có thể vứt bỏ đồ đạc mà trong lòng hoàn toàn lãnh đạm. Chính vì hiểu được điều đó, tôi hy vọng bạn không bỏ qua bước này, sau khi xác định được nguồn cơn những cảm xúc của mình, bước tiếp theo, hãy tìm cách giải quyết chúng.
Bạn có thể tham khảo ví dụ mà cô bạn Susan của tôi đã làm dưới đây:
----------------------------------------------------------------
Lý do: Tôi không thể cắt giảm tủ quần áo bởi vì chúng vẫn còn mới, mà tôi thì đã tốn công sưu tập chúng từ khi còn là sinh viên đến bây giờ.
Giải pháp: Hiện tại tôi cũng chẳng thể mặc vừa chúng, độ tuổi của tôi cũng không còn phù hợp nữa, tôi sẽ bán thanh lý chúng trên trang Instagram của mình.
Lý do: Tôi không thể bỏ đi cái thùng chứa đầy thú bông đã hư cũ của mình được, bởi vì đó là những thứ cuối cùng gợi nhắc cho tôi về bà ngoại quá cố của tôi.
Giải pháp: Tôi đã chụp ảnh chúng lại và lưu vào máy tính của mình. Đặt mình vào vị trí của bà ngoại, tôi nghĩ tôi cũng sẽ chẳng vui vẻ gì nếu những món đồ tôi để lại gây cho người thân mình nhiều phiền não và mệt mỏi đâu.
Lý do: Tôi không thể bỏ đi thùng sách– thứ đã chiếm mất một góc lớn trong phòng ngủ mà tôi chưa từng động đến bất cứ cuốn nào – bởi vì đó là toàn là quà của cô bạn thân đã định cư ở nước ngoài tặng cho tôi. Sẽ thế nào nếu một ngày cô ấy hỏi tôi về chúng, tôi biết phải giải thích như thế nào?
Giải pháp: Tôi cho rằng, sau này những gì còn đọng lại trong ký ức của tôi, trong trái tim của tôi, là những mối quan hệ, cùng tình cảm giữa tôi và họ, chứ không phải là tôi đã tặng họ những gì. Và ngược lại cũng vậy. Nếu họ là những người đủ thân thiết với tôi, họ sẽ không quan tâm đến việc rốt cuộc tôi có sử dụng triệt để món quà mà họ đã tặng tôi hay không.
----------------------------------------------------------------
Đến lượt bạn.
Tôi cần bạn ghi lại những lý do mà bạn vừa đánh dấu ở Bước 3, ngay bên dưới, hãy viết ra giải pháp mà bạn muốn thực hiện đối với món đồ mà bạn không nỡ bỏ đi ấy, hay đơn giản, chỉ là một câu nói ngắn nhằm tự củng cố quyết tâm cho chính mình. Bất cứ thứ gì, miễn là giúp bạn dẹp bỏ những cảm xúc tiêu cực đối với những món đồ mà bạn sắp loại bỏ.
----------------------------------------------------------------
Lý do:...............................................................................
...............................................................................................
...............................................................................................
...............................................................................................
Giải pháp:.........................................................................
...............................................................................................
...............................................................................................
...............................................................................................
Lý do:...............................................................................
...............................................................................................
...............................................................................................
...............................................................................................
Giải pháp:..........................................................................
...............................................................................................
...............................................................................................
...............................................................................................
Lý do:...............................................................................
...............................................................................................
...............................................................................................
................................................................................................
Giải pháp:.........................................................................
...............................................................................................
...............................................................................................
...............................................................................................
Lý do:...............................................................................
...............................................................................................
...............................................................................................
................................................................................................
Giải pháp:..........................................................................
...............................................................................................
...............................................................................................
................................................................................................
----------------------------------------------------------------
❖ BƯỚC 4: PHÂN LOẠI ĐỒ ĐẠC
Giờ mới đến lúc vào nhiệm vụ chính đây! Ba bước vừa rồi mà chúng ta thực hiện chỉ mới là những bước khởi động ban đầu để chuẩn bị tốt nhất về mặt tinh thần trước khi bắt tay vào dọn dẹp và sắp xếp hành lý. Bước này cũng khá đơn giản thôi (ít nhất là đơn giản hơn quá trình đấu tranh tư tưởng trước đó), tuy nhiên cũng cần một chút kiên nhẫn. Trước toàn bộ đồ đạc đang bày ra trước mắt lúc này, bạn hãy phân chia chúng theo từng nhóm. Có rất nhiều cách để phân chia đồ đạc, hãy chọn cách nào khiến cho bạn cảm thấy thuận tiện nhất, dễ dàng nhất, hoặc tràn đầy cảm hứng nhất, như vậy bạn mới có thêm động lực để nhanh chóng hoàn thành bước này và tiến hành các bước tiếp theo.
Tôi thường thấy có hai dạng phân loại đồ đạc: theo công dụng, chức năng hoặc theo chất liệu. Bạn không nhất thiết phải lựa chọn kiểu nào, bạn có thể thử áp dụng lần lượt cả hai để quyết định xem đâu là cách phù hợp với mình nhất. Điều này hơi mất thời gian một chút. Giờ thì, hãy phác thảo bảng phân loại đồ đạc cho riêng mình trên một tờ giấy trắng. Mỗi một cột sẽ đại diện cho một nhóm. Tuy nhiên, tôi khuyến khích bạn sử dụng những chiếc thùng giấy rỗng, xếp thành hàng ngang trước mặt và dán lên mặt trước của thùng tên nhóm đồ đạc mà bạn đang muốn phân loại. Bởi vì hành động thực tế bao giờ cũng hiệu quả hơn là chỉ viết trên giấy. Bạn cần nhìn thấy chúng, tự tay cầm nắm chúng rồi cho chúng vào thùng, như vậy bạn sẽ đồng thời ý thức được mình đang có nhiều đồ đạc như thế nào, và bao nhiêu phần trăm trong số chúng là những thứ bạn không còn dùng, hoặc không muốn dùng đến nữa. Bên cạnh đó, khi liệt kê trên giấy, bạn không thể nào nhớ hết được toàn bộ đồ đạc của bạn, việc phân loại dễ xảy ra thiếu sót và gây ra những phiền toái trong quá trình dọn dẹp, sắp xếp sau này.
Kỳ thực bạn cũng có thể kết hợp cả hai – phân loại và liệt kê trên giấy trước, sau đó chiếu theo bảng giấy để ứng dụng thực tế – tuy nhiên nó sẽ đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Tôi không khuyến khích lắm việc kéo dài thời gian trong bất cứ một giai đoạn nào của quá trình dọn dẹp. Tại sao ư? Hãy thử tưởng tượng sau khi thực hiện trên giấy động tác liệt kê toàn bộ đồ đạc theo từng nhóm, bạn sẽ bắt đầu đọc lại, não bộ của bạn lúc này bắt đầu hình dung khối lượng đồ đạc bạn cần phải sắp xếp. Chỉ riêng việc hình dung này thôi cũng đã mất của bạn không ít sức lực rồi dù sự thật là bạn chưa hề vận dụng đến chút sức mạnh cơ bắp nào cả. Bạn dễ cảm thấy mệt mỏi sau quá trình viết ra giấy cũng như đọc lại những gì bản thân đã viết, dẫn đến chưa làm đã mệt. Tất nhiên, khi cảm thấy mệt mỏi, cơ thể bạn sẽ kêu gào biểu tình được nghỉ ngơi. Bạn ngồi xuống – thậm chí nằm xuống – khi xung quanh vẫn còn bừa bãi, điều đó làm sút giảm “nhuệ khí” và nguồn năng lượng tích cực mà bạn vừa nỗ lực tích lũy trong suốt ba bước vừa rồi.
Hãy bắt tay vào thực hiện ngay, trong khi bạn vẫn còn đang tràn đầy nhiệt huyết muốn nhanh chóng dọn dẹp, thu xếp hành lý của mình, trong khi bạn vẫn còn đang ở trong tư thế sẵn sàng hành động, và ngay khi cơn cám dỗ của lười biếng và trì hoãn thức dậy, kéo tay kéo chân bạn, ngăn cản bạn chuẩn bị cho một cuộc sống nhẹ nhàng hơn, tự do hơn.
❖ BƯỚC 5: LỰA CHỌN VÀ LOẠI BỎ
Bạn còn nhớ ở Bước 2 và Bước 3, bạn đã sử dụng những phương pháp tâm lý nào để tự cổ vũ bản thân mình chứ? Đến lúc để cho chúng phát huy tác dụng rồi đấy! Chính ở bước này, bạn sẽ cùng tôi quyết định xem mình nên làm gì đối với từng món đồ mà bạn đang có. Bạn sẽ phải trả lời thật lòng cho câu hỏi: “Mình có còn cần nó hay không?” hoặc “Nó có còn khiến mình vui vẻ nữa hay không?”
---------------------------------------------
♦ LỜI KHUYÊN CỦA ROYCE
“Cho đến khi bạn thành công dọn dẹp ngôi nhà của mình ngăn nắp và tối giản, bạn mới thật sự cảm nhận được là mình đang sống.”
Royce là một người thiết kế website tự do, anh không làm cho bất cứ công ty nào cố định, và phần lớn thời gian đều làm việc tại nhà. Cha tôi đã từng thuê anh xây dựng trang web bán nông sản vào thời điểm ngôi nhà cũ của tôi vừa mới chuyển hướng sang mô hình trang trại. Thỉnh thoảng, ông đến nhà Royce để biếu tặng anh một ít rau củ, thịt trứng và khi trở về, ông luôn nói với tôi rằng ông cảm thấy ấn tượng như thế nào với cách sắp xếp và bài trí nhà cửa của anh. Là một người làm tự do (Freelancer ), lại sống một mình, nhưng Royce vẫn luôn giữ được một không gian sống ngăn nắp, sạch sẽ và – như lời anh nói – luôn tạo được cảm hứng làm việc cũng như tận hưởng cuộc sống.
“Trước đó, khi còn làm ở công ty, cháu đã từng sống trong một căn nhà thuê bừa bộn đầy ắp đồ đạc.” Royce chia sẻ với cha tôi. “Cháu có thói quen đi làm về, cởi giày, tất hay áo khoác ra là quẳng luôn xuống sàn. Cháu uống khá nhiều bia, không chỉ khi thấy buồn, mà còn khi cảm thấy áp lực hay mệt mỏi nữa, mà việc ở công ty thì có khi nào không áp lực hay mệt mỏi đâu?! Vậy nên cháu cứ uống, vỏ lon bia rỗng dựng thành hàng ở góc cửa, khi nào cảm thấy số lượng bắt đầu nhiều lên thì cháu mới gom lại rồi mang ra thùng rác công cộng luôn một thể. Chén bát cũng vậy. Cháu ít khi nấu ăn ở nhà, toàn gọi thức ăn nhanh bên ngoài nên dùng không nhiều chén đũa. Vì vậy ăn xong thì cháu để nguyên trong bồn rửa, cuối tuần mới dọn một lần, hoặc tệ hơn, khi nào không còn dụng cụ ăn uống nữa thì cháu mới rửa. Phần lớn thời gian ở nhà cháu dùng để chơi game, xem phim và dùng mạng xã hội một cách vô thưởng vô phạt. Mỗi khi công ty giao thêm việc về nhà, cháu làm rất kém hiệu quả. Cháu đổ lỗi cho công việc không phù hợp, đổ lỗi cho tám giờ đồng hồ căng thẳng ở công ty đã khiến mình mệt lả nên chẳng làm được gì, đổ lỗi cho hàng xóm ồn ào,… bất cứ lý do gì mà cháu có thể vin vào đó để xoa dịu cảm giác bất lực vô vọng của chính bản thân. Kỳ thực, chẳng ai phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống tệ hại đó của cháu cả, ngoại trừ cháu.
Cho đến khi được thông báo hợp đồng thuê nhà sắp kết thúc và mình sắp phải chuyển đến một ngôi nhà khác, lúc đó cháu mới nhận ra việc chuyển chỗ ở là kinh khủng như thế nào. Bác có tưởng tượng được không, hàng trăm việc phải làm, hàng trăm thứ phải dọn, hàng trăm thứ phải tìm kiếm, chỉ nghĩ tới thôi là cháu cảm thấy sợ hãi rồi. Thời gian đó, mỗi khi từ công ty về, cháu thấy áp lực đến phát cáu khi nhìn căn nhà bừa bãi của mình và lịch hẹn trả nhà. Thậm chí có đôi lần cháu muốn gom tất cả vào trong một túi rác khổng lồ và vứt lên xe tải chở rác để họ chở hết đi luôn cho xong.
Và cháu làm như thế thật, bác ạ. Không phải toàn bộ, nhưng cũng gần như vậy.”
Cha tôi kể lại rằng, ông không biết ngôi nhà trước đây của Royce trông khủng khiếp như thế nào, nhưng ngôi nhà hiện tại của anh – nằm cách trang trại khoảng 500 mét – thì vô cùng gọn gàng, sạch sẽ, không có bất cứ một điểm nào giống như chỗ ở cũ mà anh mô tả. Chỉ một chiếc giường đơn với đệm gấp, ngăn tủ ở chân giường xếp sách và tài liệu làm việc, tủ quần áo chỉ khoảng năm bộ mặc cho những dịp trang trọng và mười bộ mặc ngày thường, nhà bếp chỉ đủ chén đĩa cho bản thân cùng tối đa ba vị khách, ngoài ra không có ti vi, không có máy nghe nhạc, không có sách báo, tạp chí cũ, không có đĩa game, không có bất cứ món đồ dư thừa nào trong ngôi nhà ấy. Đối với anh, đây là một thay đổi đáng kể, không chỉ về phong cách sống, mà còn về thái độ sống, cách mà anh sẽ quản lý, điều khiển và chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình.
Dưới đây là những gợi ý của Royce về cách mà anh đã lần lượt loại bỏ những thứ không cần thiết trong căn nhà của mình. Tôi đã nhận được sự cho phép để chia sẻ về phương pháp dọn dẹp mà anh áp dụng, hy vọng rằng bạn có thể cân nhắc được một vài cách trong số đó để thực hiện trong lần thu dọn đồ đạc sắp tới của chính mình.
1. Dọn dẹp rác thải
Royce nói rằng, hãy tập trung dọn dẹp các loại rác thải rõ ràng trước. Ý của anh ta là những thứ mà ngay khi nhìn thấy, bạn đã biết bạn phải vứt chúng đi. Chúng có thể là chai lọ rỗng, là giấy vụn, là tạp chí cũ, là chiếc đĩa đã sứt mẻ hay đồ điện tử hư hỏng chưa có thời gian mang đến kho phế liệu,… hãy giải phóng chúng khỏi căn nhà của bạn đầu tiên. Đây là bước dễ dàng nhất. Bởi vì bạn có thể đã muốn “tống khứ” chúng từ lâu lắm rồi nhưng vì lý do gì đó (đa phần là do lười biếng) mà vẫn chưa thực hiện. Bạn có thể thoải mái loại bỏ những thứ này mà không cần phải băn khoăn nghĩ ngợi xem thứ gì cần và thứ gì không cần (thôi nào, đừng nói với tôi về việc tiết kiệm, giữ chúng lại và mang sang ngôi nhà mới, chúng vẫn sẽ chỉ là phế liệu thôi), bạn cũng không cần xét về khía cạnh tình cảm, cảm xúc hay kỷ niệm gì với chúng, cũng không cần nghĩ đến giá trị mà bạn đã từng bỏ ra để có chúng, một khi chúng đã được gọi là “rác thải”, thì có nghĩa chúng đã hoàn thành nhiệm vụ của chúng đối với bạn, và ngược lại, bạn hẳn cũng đã tận hưởng gần như toàn bộ tính năng của chúng, như vậy, kể ra thì khi vứt chúng đi, bạn sẽ không (quá) băn khoăn hay tiếc nuối, phải không?
Đừng quên kiểm tra kỹ tất cả mọi căn phòng, mọi ngăn tủ trong ngôi nhà của bạn. Bạn có thể sẽ bỏ lỡ thứ gì đó như bộ quần áo cũ, áo gối đã rách, gia vị hoặc thức ăn quá hạn, đồ điện, đồ gia dụng nứt vỡ,… nếu cần, hãy lập một bảng liệt kê nhanh và ngắn gọn các loại rác phân theo mỗi phòng để có thể vừa dọn dẹp vừa đánh dấu lại cho đến khi toàn bộ rác thải được loại bỏ ra khỏi căn nhà cũ, và cả hành lý của bạn nữa. Nếu bạn hoàn thành suôn sẻ bước này, đó sẽ là khởi đầu hoàn hảo cho cả quá trình giải phóng đồ đạc của bạn.
2. Dọp dẹp những thứ bạn đã có quá nhiều
Nếu để ý, bạn sẽ phát hiện trong nhà có những thứ bạn không nhất thiết phải có đến hai, ba món – đặc biệt khi bạn sống một mình. Royce chia sẻ rằng, trong quá trình dọn dẹp nhà cửa, anh đã phát hiện nhà bếp có đến hai chiếc kéo lớn, cùng kích cỡ, cùng tính năng. Anh cho rằng có lẽ bởi vì thói quen vứt đồ đạc lung tung của mình, mỗi khi dùng đồ đạc xong thường quên trả về vị trí cũ, đến lần sau khi cần sử dụng, tất nhiên không thể tìm được, để tránh mất thời gian tìm kiếm, Royce mua hẳn một cái mới để sử dụng. Cứ thế, mỗi một món đồ, anh có đến hai, ba, thậm chí năm cái, dù nhu cầu của anh không cần thiết phải có nhiều như vậy. Hãy làm tương tự với các loại đồ dùng khác trong nhà, từ bộ ấm trà, phin cà phê, đến những thứ nho nhỏ như bút bi, cục tẩy hay cái gọt bút chì, tất cả đều là những thứ mà bạn không cần phải có quá nhiều. Hãy chỉ giữ lại mỗi thứ một cái để tránh tình trạng dư thừa đồ đạc không cần thiết. Cách lựa chọn rất đơn giản, bạn có thể chọn loại bỏ, hoặc cho đi cái nào rẻ tiền hơn, cái nào cũ hơn, cái nào có hoa văn mà bạn không thích hơn. Đừng nghĩ rằng điều này sẽ khiến bạn gặp khó khăn khi muốn tìm kiếm thứ gì đó, ngược lại, hành động này có thể giúp bạn khắc phục thói quen xấu là không dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc sau khi sử dụng. Bởi vì bạn chỉ có một món duy nhất, nên bạn nhất định phải đặt chúng ở vị trí cố định, dễ nhớ, dễ nhìn thấy, nếu không muốn phải bới tung căn nhà lên mỗi khi có việc cần dùng.
Sự thật là, cắt giảm một bộ ấm trà không có nghĩa bạn không thể uống trà, cắt giảm số lượng bút, tẩy và gọt bút không có nghĩa bạn không thể viết. Thời gian đầu, bạn có thể sẽ cảm thấy hơi bất tiện một chút – nhất là khi bạn đã quen với việc có hai, ba món đồ cùng loại nằm rải rác khắp nơi trong nhà, sẵn sàng để bạn chỉ cần vươn tay ra là có thể tìm được một cách dễ dàng – nhưng lâu dần, sau khi đã thích nghi, bạn chắc chắn sẽ cảm nhận được lợi ích mà việc cắt giảm đồ đạc này mang lại. Nó không chỉ là một không gian nhà cửa thoải mái, thoáng đãng hơn, nó còn là một thói quen tốt mà bạn có thể duy trì để những món đồ dư thừa không còn cơ hội xuất hiện lần nữa trong ngôi nhà tương lai của bạn.
3. Dọn dẹp những món đồ bạn đã không dùng hơn một năm
Quá rõ ràng rồi, bởi vì đó là những thứ mà bạn chắc chắn sẽ không cần đến nữa. Royce nói rằng, có một số món đồ chỉ có giá trị sử dụng trong một năm, như chăn bông mùa đông, áo len mùa đông hay bộ quần áo tắm biển mùa hè, những thứ đó thường thì bạn sẽ chỉ dùng mỗi năm một (hoặc một vài) lần, nhưng ít nhất, bạn có nhớ sự tồn tại của chúng, và bạn biết rằng mình vẫn cần chúng. Vì vậy, những thứ mà bạn cần loại bỏ hiện tại chính là, thứ mà bạn đã không động đến hơn một năm. Có lẽ bạn định giữ lại chúng để dành cho một dịp nào đó, nhưng “một dịp nào đó” thường sẽ đồng nghĩa với “không bao giờ”. Theo kinh nghiệm của Royce, nếu bạn không có nhu cầu sử dụng món đồ đó hơn một năm, thì dù hai hay ba năm sau, bạn cũng sẽ không cần chúng.
Kể cả khi đó là chiếc khăn quàng cổ ấm áp mà bạn từng rất thích, nhưng đã hai mùa đông trôi qua bạn đã không dùng đến rồi, thì đừng tiếc nuối nữa mà hãy dứt khoát vứt bỏ chúng đi. Bởi vì cho dù bạn sẽ có nhu cầu vào năm sau đi nữa, chắc rằng bạn sẽ chọn mua một chiếc khăn khác hợp thời trang hơn, hoặc vừa vặn với bạn hơn thôi. Bạn sẽ không muốn dùng lại cái cũ, bởi nếu bạn muốn, bạn đã không lãng quên nó đến tận hai mùa đông qua như vậy.
Tuy nhiên, đừng đánh đồng những món đồ dùng thường ngày với những thứ dự phòng cho trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc thiên tai như bình cứu hỏa, trang phục bảo hộ, búa thoát hiểm hay những thứ tương tự. Cơ hội dùng đến chúng thường hy hữu và hiếm khi xảy ra, nhưng bạn không thể vứt bỏ chúng như khi vứt một chiếc váy lỗi thời hoặc chiếc chảo to quá khổ, bạn cần giữ lại chúng trong nhà mình để đề phòng những trường hợp ngoài ý muốn. Cũng không cần quá bận tâm đâu! Bởi vì những thứ này thường không đòi hỏi bạn phải dành nhiều thời gian và công sức để giữ gìn và bảo quản.
4. Dọn dẹp những thứ bạn đã mua trong một phút sai lầm
Khi chia sẻ đến bước này, Royce vừa cười vừa nói một cách hài hước rằng, những thứ này các quý cô sẽ có nhiều lắm. Tôi không nghĩ đó là một lời giễu cợt. Bởi vì số đông phụ nữ chúng ta thường chọn mua sắm như là một hình thức giảm áp lực hữu hiệu. Thỉnh thoảng, chúng ta giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi bằng việc đi dạo quanh các trung tâm mua sắm, các siêu thị nội thất, các cửa hàng thực phẩm, quần áo, trang sức,… Chúng ta cảm thấy bản thân đã vất vả rất nhiều, vậy thì cứ dùng tiền để mua một chút gì đó xem như quà tặng chính mình cũng không có gì quá đáng cả.
“Đúng vậy, các bạn không làm gì quá đáng cả.” Royce nói. “Nhưng vấn đề không nằm ở tiền bạc, bạn hiểu chứ? Vấn đề nằm ở đồ đạc. Liệu những thứ bạn đã mua ấy, có thật sự đáp ứng nhu cầu của bạn? Hay chúng chỉ có tác dụng xoa dịu tâm trạng của bạn trong phút chốc?”
Đôi khi, chính lúc thu dọn hành lý để chuyển sang ngôi nhà mới, bạn sẽ nhận ra mình đã mua quá nhiều thứ không cần thiết. Tôi muốn bạn phân biệt rõ ràng đâu là thứ bạn cần, và đâu chỉ là thứ mà bạn chỉ nhất thời hứng thú. Bạn sẽ rất dễ dàng để phân loại hai nhóm này. Nó giống như trong hoàn cảnh bạn đang trải nghiệm chuyến du lịch vượt đại dương trên một chiếc du thuyền sang trọng với đầy đủ tư trang bao gồm quần áo, thức ăn, cùng tất cả các vật dụng thiết yếu lẫn công cụ giải trí mà bạn yêu thích nhất. Bạn tự tin rằng đó là một du thuyền kiên cố, bạn đang được bảo vệ một cách tuyệt đối an toàn và tận hưởng các dịch vụ tốt nhất, hoàn hảo nhất. Nhưng rồi, không thể ngờ, chiếc thuyền đi lạc vào vùng có bão, con thuyền bị bão đánh dạt vào một hoang đảo và toàn bộ hành lý của bạn đã bị nhấn chìm xuống dưới lòng đại dương. Lúc này, trên hoang đảo, trong lúc chờ đội cứu hộ, không có thức ăn, quần áo ướt, bạn vừa đói, vừa lạnh, bạn ước gì có thể bắt vài con cá và được cuộn mình trong một tấm chăn bông ấm áp. Trong bối cảnh ấy, dụng cụ bắt cá và tấm chăn bông chính là những đồ vật cần thiết của bạn.
Nếu như bạn cảm thấy ví dụ này của tôi vẫn còn hơi mơ hồ, bạn vẫn chưa thể xác định được đâu là thứ mình thật sự cần, và đâu là thứ mà bạn không cần (hoặc chỉ cần cho việc thể hiện bản thân), thì hãy sử dụng câu hỏi sau để kiểm tra:
“Trong trường hợp bạn làm mất món đồ này, bạn có dùng một số tiền tương tự để mua lại nó hay không?”
Hãy giả định tình huống bạn làm mất, bị ăn trộm hay làm hỏng món đồ này, và bạn hiện tại cũng đang không quá dư dả, vậy bạn có chấp nhận mua lại một món giống hệt món bạn đã làm mất, với mức giá tương đương như khi bạn mới mua hay không? Nếu câu trả lời là Không, điều đó có nghĩa món đồ này không hề xứng đáng với số tiền bạn bỏ ra, bạn cảm thấy chưa ưng ý ở một khía cạnh nào đó của nó, bạn không cảm thấy thỏa mãn khi sử dụng nó, hoặc thỉnh thoảng bạn có cần đến nó, nhưng chỉ một chút thôi, bạn không cần nó đến mức không thể vứt nó đi được. Hãy mạnh mẽ vứt bỏ nó. Đừng lo lắng về việc sau này liệu có một lúc nào đó nó bỗng trở nên cần thiết với bạn thì sao? Chẳng có gì đáng ngại cả. Bạn chỉ việc mua một cái khác thôi. Lối sống tối giản luôn hướng bạn đến việc chỉ tập trung vào hiện tại. Hiện tại của bạn mới là quan trọng nhất. Và hiện tại của bạn không cần món đồ này. Hãy cứ cho chúng đi hoặc bán thanh lý lại với giá rẻ. Nếu tương lai cần nó, bạn của tương lai sẽ mua nó.
Nếu bạn trả lời Có cho câu hỏi phía trên, nghĩa là thứ này đối với bạn thật sự có giá trị, không chỉ là giá trị vật chất, mà còn là giá trị tinh thần nữa. Phải yêu thích nó thế nào, xem trọng nó ra sao, bạn mới phải dùng một giá tiền tương đương để mua lại một cái giống hệt như vậy. Trong trường hợp này, tất nhiên tôi sẽ khuyên bạn giữ lại món đồ này. Tuy nhiên, tôi phải nói rằng, những món đồ có khả năng đó, thật sự rất hiếm.
Xã hội ngày càng hiện đại, bạn ngày càng dễ bị choáng ngợp bởi vô số hàng hóa, sản phẩm đa dạng về công dụng, về hình dáng, màu sắc và chất liệu, nếu không cân nhắc cẩn thận, bạn sẽ mua rất nhiều thứ chỉ vì cảm thấy chúng bắt mắt, hấp dẫn hoặc mới lạ, chứ không phải thứ bạn thật sự đang cần. Ví dụ như lúc trời nắng, bạn chỉ cần một cái mũ để ra ngoài thôi, nhưng bạn lại mua cái thứ hai vì nó có họa tiết đẹp, sau đó mua thêm cái thứ ba vì nó bắt kịp xu hướng thời trang mới. Tôi không ở đây để hướng dẫn bạn cách dùng lý trí khi lựa chọn đồ đạc, tránh để cảm giác hứng thú nhất thời chi phối quyết định mua sắm của mình (có thể tôi sẽ đề cập đến, nhưng là ở những phần sau), tôi biết dù sao thì bạn cũng đã mua chúng, và để chúng trở thành một trong những món đồ mà bạn muốn loại bỏ lúc này, đó là chuyện của quá khứ. Tôi chỉ ở đây để cùng bạn dọn dẹp “hậu quả” từ những lần mua sắm đầy cảm hứng trong quá khứ của bạn, đồng thời tìm cách đảm bảo rằng bạn sẽ không lặp lại sai lầm đó một lần nào nữa.
Hãy chắc chắn với tôi rằng những thứ bạn quyết định giữ lại là những thứ thật sự cần thiết. Bạn cần chúng, chứ không phải bạn thích chúng. Nếu bạn giữ lại thứ gì đó chỉ vì bạn cảm thấy chúng đẹp (dù không có công dụng nào đáng kể), chúng sang trọng, thì đã đến lúc bạn nên quay lại Bước 2 để tìm ra giải pháp dứt lòng với những món đồ mà bạn không nỡ nói lời tạm biệt.
Hãy nhớ rằng, hứng thú chỉ là nhất thời, quan trọng nhất vẫn là bạn cảm thấy cần chúng trong cuộc đời mình. Cần, chính là nhất định phải có, chính là không thể nào sống thiếu. Điều này áp dụng với cả đồ đạc, lẫn những mối quan hệ giữa người với người.
5. Dọn dẹp những món đồ bạn mua dự trữ hoặc mua theo đợt khuyến mãi
Đây cũng là một sai lầm khác khi đi mua sắm, bạn có thể không hề đánh mất lý trí của mình khi đứng trước những món hàng sang trọng hoặc bắt mắt, nhưng bạn lại dễ bị cám dỗ bởi những con số chiết khấu đáng kể. Royce kể lại rằng trước đây anh thường đi siêu thị vào những dịp có đợt khuyến mãi lớn, nhân lúc mọi thứ đang giảm giá, anh sẽ không ngần ngại mua về và tích trữ trong nhà. Từ những thứ thức ăn khô như mì ăn liền, xúc xích, thực phẩm đóng hộp, cho đến nhu yếu phẩm như xà phòng, khăn giấy, tăm bông,… chỉ cần chúng đang được bán với giá thấp hơn bình thường, anh sẽ không kiềm chế được cảm giác muốn mua để dành phòng khi chúng hết bất ngờ mà anh không tiện đi mua.
Thật ra ý tưởng này không xấu. Trong cuốn 14 bí mật gia tăng tài chính mỗi ngày, tác giả Camelia Pham cho rằng, một trong những cách hữu hiệu để tiết kiệm chi phí mua sắm đồ dùng gia đình, chính là đợi mua hàng trong những những dịp khuyến mãi. Tuy nhiên, tôi không nói về việc tích trữ. Bạn có thể lên trước danh sách những vật dụng cần mua nhưng không cần khẩn cấp để đợi đến các chương trình giảm giá. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn đợi đến khi giảm giá liền mua năm, sáu món cùng một lúc với lý do để dành. Bởi vì giá của chúng lúc đó đang rất thấp, cứ mua thật nhiều dự trữ để không cần phải mua lại chúng với giá đắt hơn (thật ra họ chỉ là bán đúng giá trở lại). Chính tư tưởng này đã gây ra sự chật hẹp cho ngôi nhà của bạn. Bạn nghĩ rằng mấy cuộn giấy ăn chồng chất ở góc nhà bếp kia là không chiếm diện tích sao? Bạn nghĩ mấy hộp tăm bông bạn nhét vào ngăn bàn trang điểm nghĩa là đã gọn gàng sao? Hay bạn nghĩ những chiếc cốc giấy, dao nĩa nhựa mà bạn đã xếp gọn trong tủ bếp sẽ chẳng ảnh hưởng mấy đến không gian trong nhà? Không đúng đâu. Thật ra những thứ đó chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự chật chội và quá tải đồ đạc trong căn nhà của bạn. Bạn có chắc rằng mình sẽ nhớ hết mọi thứ mà bạn đã mua không? Bạn có chắc rằng mình sẽ quản lý được mọi vị trí cũng như số lượng của chúng không? Và kể cả khi đã trả lời Có với hai câu hỏi trên, thì bạn vẫn phải tiếp tục tự hỏi rằng, đến lúc bạn cần dùng đến những món đồ dự trữ đó, liệu chúng có còn giữ được trọn vẹn chất lượng như ý muốn của bạn qua thời gian?
Có rất nhiều lý do để việc tích trữ hàng hóa trở nên không cần thiết. Bạn nên cân nhắc để loại bỏ chúng ra khỏi hành lý của mình. Tại ngôi nhà mới, sẽ thật tuyệt vời nếu như bạn không cất giữ bất cứ món đồ dư thừa nào trong góc phòng, chân cầu thang hay các ngăn tủ, kệ bếp. Một khi đã quyết tâm bắt đầu phong cách sống tối giản, hãy luyện tập việc tối giản ngay trong từng thói quen của bạn. Tôi đang muốn nói đến thói quen mua sắm. Hãy tập kiềm chế trước những chương trình giảm giá, hãy tập buông bỏ cảm giác lo lắng rằng nếu không mua hàng dự trữ, đến khi bạn cần sẽ không tìm thấy chúng (hoặc không thể mua được chúng với giá rẻ như thế này nữa). Giai đoạn đầu vẫn chưa đủ dứt khoát, bạn có thể giảm số lượng theo thời gian. Lần đầu có thể chỉ mua nhiều hơn hai gói khăn giấy, lần sau nữa chỉ mua thêm một gói, đi từng bước nhỏ như vậy, sẽ đến lúc bạn cảm thấy việc tích trữ hóa ra không giúp ích được cho ngôi nhà của bạn hay cho chính bản thân bạn như bạn vẫn tưởng.
Trước khi luyện tập để từ bỏ thói quen mua sắm quá tay khi nhìn thấy hàng được giảm giá, điều đầu tiên cần làm – theo lời Royce – là phải dọn dẹp những thứ mà trước đây bạn đã mua dự trữ. Bạn không cần phải vứt bỏ toàn bộ chúng (vì điều đó thật sự lãng phí, tôi biết), thay vào đó, bạn có thể bán lại với giá thấp hơn giá gốc tại các diễn đàn thanh lý đồ cũ, các kênh bán hàng trực tuyến hay thậm chí là các tổ chức quyên góp từ thiện. Tuyệt đối đừng chọn cách trao đổi đồ đạc. Mục đích của bạn là dọn dẹp đồ đạc dư thừa, chứ không phải đổi một món dư thừa này để mang về một món (rất có thể lại là một món dư thừa) khác. Dứt khoát vào thời điểm này là rất quan trọng. Chỉ cần bạn đủ mạnh mẽ để nói lời tạm biệt với nỗi lo lắng mang tên nếu-hiện-tại-không-dự-trữ-thì-sẽ- không-thể-mua-được-đồ-giá-rẻ này, thì bạn cũng có thể nói lời tạm biệt với cảm giác quá tải, chật chội vì tích trữ đồ đạc về sau.
Bên cạnh những món đồ khuyến mãi, hãy học cách lắc đầu với sản phẩm miễn phí. Một số cửa hàng, nhãn hiệu khi ra mắt sản phẩm mới hoặc khi muốn triển khai chương trình quảng bá của mình, họ thường sẽ tặng kèm hoặc phát sản phẩm miễn phí để khách hàng dùng thử và cho ý kiến khảo sát. Tâm lý chung của hầu hết chúng ta là sẽ nhận lấy các mặt hàng khuyến mãi ấy – tất nhiên rồi! – chúng ta đâu phải trả phí cho chúng, đồng thời lại được trải nghiệm sản phẩm mới nữa, tại sao lại không nhận? Chờ một chút đã! Bạn còn nhớ Royce đã nói gì về chi phí mua sắm chứ? “Vấn đề không nằm ở tiền bạc, mà là ở đồ đạc.” Bạn có chắc bạn muốn mang những món đồ miễn phí về nhà dù không hề cần đến chúng? Cho dù bạn khẳng định rằng bạn có sử dụng chúng thì vẫn không thể thay đổi sự thật là bạn đã mang về thêm đồ đạc, điều này đi ngược lại với tiêu chí dọn dẹp tối giản mà bạn đang theo đuổi. Nếu chúng là những thứ cần thiết trong cuộc sống, hẳn bạn đã mua chúng về trước đó chứ không để đợi đến khi nhận được sản phẩm khuyến mãi rồi mới sử dụng, đúng không? Hãy dừng việc cố gắng biện minh cho hành vi mua sắm trong quá khứ của mình, thay vào đó là bắt tay vào dọn dẹp tất cả những món đồ được tặng kèm, được khuyến mãi mà bạn từng nhận về, bằng việc khám phá ra mình đã tích trữ nhiều thứ không cần thiết như thế nào, bạn cũng sẽ dần cải thiện thói quen mua sắm, đồng thời lưu ý đến hành động và quyết định của mình hơn mỗi khi chuẩn bị bước vào bất cứ một cửa hàng, siêu thị hay trung tâm mua sắm nào.
6. Dọn dẹp những món còn lại theo tiếng gọi của trái tim
Tôi hỏi Royce: “Anh không đùa đấy chứ?”
Bởi vì, chỉ mới đây thôi, anh còn nói rằng chúng ta không nên mua sắm theo cảm tính, hãy sử dụng lý trí trước khi quyết định mua bất cứ thứ gì để tránh việc mang về một món hàng mà bản thân chỉ nhất thời hứng thú. Vậy tại sao lúc này, điều cuối cùng anh chia sẻ trong bí quyết đóng gói, thu dọn hành lý, lại là muốn chúng tôi hành động theo cảm xúc như vậy?
Royce đã giải thích với chúng tôi, anh khuyên chúng tôi nên mua sắm bằng lý trí, nhưng khi dọn dẹp, hãy dọn bằng trái tim.
Hãy dùng trái tim khi đứng trước những quyết định giữ lại hay loại bỏ một món đồ nào đó trong khối lượng hành lý còn lại của mình. Sau tất cả, chúng đã tồn tại sau năm lần cắt giảm, như vậy, có thể nói chúng đều là những thứ quan trọng và cần thiết đối với bạn. Bạn giữ chúng lại đến tận thời điểm này, chứng tỏ bạn không thể, hoặc không muốn vứt bỏ chúng đi, và hãy yên tâm, vì Royce đã hứa với tôi rằng, đây sẽ là lần cắt giảm cuối cùng trong toàn bộ số hành lý mà bạn chuẩn bị chuyển sang ngôi nhà mới. Chính bởi điều đó, tôi cần bạn tập trung, và dùng cả trái tim để thực hiện hành động cắt giảm cuối cùng này.
Tôi cần bạn nhìn qua một lần nữa toàn bộ đồ đạc còn lại của bạn sau khi đã giải phóng tất cả những món đồ không cần thiết kia. Hãy nhìn, và dùng tay mình để cảm nhận từng món, từng món một. Tôi cần bạn hồi tưởng lại về khoảnh khắc bạn có nó, khi bạn quyết định mua nó hay khi bạn nhận nó từ tay một người nào đó quan trọng và thân thiết với mình. Bạn cảm thấy như thế nào khi nghĩ về khoảnh khắc ấy? Tôi cần bạn nhớ lại – càng chi tiết, càng rõ ràng càng tốt – những gì mà món đồ ấy đã đem lại cho bạn, cho công việc của bạn, cho những người thân yêu xung quanh bạn. Và trên tất cả, tôi cần bạn xác định cảm xúc của bản thân đối với chúng. Nghĩa là khi chạm vào chúng, bạn cảm thấy như thế nào? Bạn tràn đầy hạnh phúc hay chỉ có nỗi buồn? Bạn xúc động hay tức giận? Bạn cảm kích hay xấu hổ khi có nó? Những ký ức về nó có khiến bạn thấy tràn đầy động lực không, hay chỉ có sự mệt mỏi mà thôi? Bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian với những câu hỏi này đâu, tôi biết điều đó, ngay từ giây phút bàn tay bạn chạm vào một món đồ, mắt bạn nhìn thấy món đồ ấy, thì ngay lập tức, cảm giác đầu tiên hiện lên trong lòng bạn sẽ trả lời cho tất cả các câu hỏi mà tôi vừa đưa ra.
Trái tim hiếm khi nào nói dối. Bạn hãy tin vào điều đó. Và một khi trái tim bạn mách bảo với bạn rằng, hãy loại bỏ món đồ này đi, bạn không thích nhìn thấy nó nữa đâu, nó sẽ chỉ khiến bạn lười biếng, mất kiên nhẫn hoặc suy nghĩ tiêu cực mà thôi, vậy thì bạn đừng nghi ngờ gì cả, hãy nói lời từ biệt với nó, bất kể nó còn mới, nó vẫn sử dụng tốt, hay nó có màu sắc xinh đẹp đến đâu. Cảm xúc của bạn là điều quan trọng nhất trong lúc này, và cảm xúc của bạn đang mách bảo rằng bạn không hề vui vẻ gì khi cứ tiếp tục sở hữu món đồ đó.
Royce chia sẻ với tôi, anh đã cân nhắc rất cẩn thật trước khi quyết định chia sẻ hành động này như là bước cuối cùng của cả quá trình thu dọn hành lý. Anh muốn chúng ta tập trung vào những suy nghĩ tích cực từ việc giải phóng đồ đạc, thay vì cứ hoài tiếc nuối về những món đồ mà chúng ta đã cắt giảm. Bản thân việc giải phóng đồ đạc không phải có mới nới cũ, không phải vứt bỏ kỷ niệm, càng không phải lãng phí tiền bạc. Giải phóng đồ đạc chính là đang đồng thời giải phóng tư duy của bạn, giải phóng những cảm xúc trong bạn, và giải phóng cả con người bạn.
TỐI GIẢN MỘT NGÔI NHÀ MỚI
Chúc mừng bạn đã dọn đến ngôi nhà mới của mình – nơi mà bạn đã háo hức chờ đợi được dọn vào và bắt đầu cuộc sống mới. Tại đây, với không gian trống, rộng rãi, chưa có bất cứ món đồ nào được bày ra, bạn có thể tự do sắp xếp theo ý mình, không bị ràng buộc bởi những món đồ đã được sắp xếp từ trước, cản trở bạn, hay khiến bạn mất đi hứng thú dọn dẹp của mình. Tại đây, bạn lấy lại vị thế là một người làm chủ, đồ đạc lúc này hoàn toàn chịu sự điều khiển của bạn, chúng không thể chi phối bạn được nữa, và trên hết, tất cả số hành lý mà bạn chuyển đến nơi đây, đều là những món đồ đã qua sự chọn lọc cẩn thận – những món mà bạn chắc chắn rằng bạn cực kỳ yêu thích, và thật sự cần chúng. Ngay lúc này, sau khi đã xử lý hết các loại đồ đạc dư thừa, bạn đã có thể tập trung vào nhiệm vụ chính của mình, là sắp xếp ngôi nhà mới theo phong cách tối giản mà bạn mong muốn.
Nếu như bạn đã có một kế hoạch sẵn trong đầu thì thật tuyệt vời, bạn có thể bắt đầu ngay bây giờ bằng cách viết ra kế hoạch ấy và thực hiện theo từng bước một. Nhưng nếu đây là lần đầu bạn chuyển nhà, lần đầu bạn biết đến hay lần đầu bạn thực hiện bài trí theo phong cách tối giản, thì việc có một chỉ dẫn chi tiết và cụ thể sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình lên kế hoạch, thực hiện kế hoạch cũng như điều chỉnh cho phù hợp với ngôi nhà mới và cuộc sống mới.
❖ ĐỪNG CỐ LẤP ĐẦY KHÔNG GIAN TRỐNG TRONG NGÔI NHÀ MỚI
Tôi vẫn còn nhớ khoảng thời gian vừa chuyển sang ngôi nhà mới vào năm 2010, khi ấy tôi đã được làm quen với khái niệm tối giản từ sau lần dọn dẹp, đổi mới ngôi nhà cũ cùng với cha mẹ của mình, vì vậy tôi sớm có được ý thức về tầm quan trọng của việc sống trong một ngôi nhà luôn ở trong trạng thái thông thoáng, sạch sẽ và ngăn nắp. Ý thức đó theo tôi đến khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân và trở thành động lực để tôi gìn giữ ngôi nhà của mình theo phong cách tối giản nhất trong phạm vi có thể. Một trong những tiêu chí hàng đầu mà tôi thường áp dụng, chính là giải phóng đồ đạc và để lại thật nhiều không gian trống cho mỗi căn phòng. Tôi đã học được điều này từ lời khuyên của một người bạn – Cassandra, cô bạn mà tôi sắp kể dưới đây – người đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng về việc bài trí và sắp xếp khi dọn vào ngôi nhà mới.
---------------------------------------------
♦ LỜI KHUYÊN CỦA CASSANDRA
“Những không gian trống trong ngôi nhà chính là hình ảnh tượng trưng cho cuộc sống thực tế của bạn. Chúng giúp tư duy bạn rộng mở, tâm trạng bạn thảnh thơi. Tôi muốn nói rằng: Bạn càng yêu thích sự tự do, phóng khoáng bao nhiêu, thì ngôi nhà của bạn càng cần nhiều không gian trống bấy nhiêu.”
Cassandra - cô bạn học cùng với tôi ở lớp yoga - là người mẹ đơn thân, sống trong một căn nhà nhỏ cách trung tâm thành phố không xa. Tôi từng có dịp đến chơi nhà cô bạn và vô cùng ấn tượng bởi cách bài trí, sắp xếp đồ đạc của cô. Rõ ràng cô cũng đang sử dụng những món đồ gia dụng, đồ điện tử với số lượng giống như những người tôi từng gặp, nhưng không hiểu sao lại có cảm giác ở nhà cô, mọi thứ lại trông có vẻ ít hơn, gọn gàng hơn. Cô dùng rất ít đồ trang trí - hầu như không có - chỉ treo một bức tranh nhỏ đơn giản ở phòng khách và phòng ngủ, hai chậu cây xanh ở nhà bếp và trước sân nhà, ngoài ra, đèn chùm, gấu bông, khung ảnh, tượng đất nung, hộp nhạc, quả cầu pha lê, hay bất cứ món đồ lưu niệm nào cũng không có. Chiếc ti vi cô đang dùng cũng là loại dán trên tường, không cần bàn, cũng không cần tủ. Đèn bàn dùng trong phòng làm việc cũng là loại không chân, được nối trực tiếp với cổng USB của máy tính. Dùng chung gối nằm với gối tựa lưng, dùng chung bàn ăn với bàn uống trà, dùng tủ quần áo để chứa đựng cả tất, khăn quàng cổ và túi xách.
Khi tôi hỏi Cassandra tại sao lại phải tiết kiệm tiền đến như vậy, cô đã vui vẻ trả lời: “Không phải tớ tiết kiệm tiền, thứ mà tớ muốn tiết kiệm, chính là không gian.”
“Nhưng tại sao lại là không gian?” Tôi tiếp tục hỏi. “Chẳng phải nhà cậu đang có rất nhiều không gian trống rồi hay sao? Nếu có thêm nhiều đồ hơn, cậu chỉ việc tìm một không gian thích hợp để bố trí thôi?”
Cassandra khẳng định – một cách thật chắc chắn – với tôi rằng: “Mục tiêu của tớ chính là giữ cho ngôi nhà của mình có thật nhiều không gian trống.”
Nghe có vẻ lạ, đúng không? Cassandra kể với tôi, cách đây nhiều năm, thời điểm cô vừa nhận nuôi bé Annie, thì cũng đồng thời tìm được một ngôi nhà mới phù hợp. Vì bận rộn quá nhiều công việc cùng một lúc, cô không để tâm mấy đến việc sắp xếp, bài trí nhà cửa mà cứ thế vận chuyển toàn bộ đồ cũ từ ngôi nhà lúc trước sang. Đến khi nhận ra thì đã quá muộn, trong nhà cô tràn ngập đồ đạc, nhiều đến mức cô không thể nhớ hết thứ gì đang nằm ở đâu mỗi khi có việc cần đến nữa. Bởi vì có quá nhiều đồ đạc nên cô phải cố gắng tìm mọi cách để tận dụng triệt để mọi khoảng trống trong ngôi nhà của mình. Cô kê một chiếc máy giặt vào góc nhà, trên bức tường ngay phía sau máy giặt, cô gắn lên rất nhiều thanh phơi khăn, thanh phơi quần áo còn ẩm và thậm chí là những chiếc kệ để bột giặt, nước xả,… Ở trong bếp, cô dùng một cái giá treo thật lớn để treo toàn bộ nồi chảo mà mình có lên tường. Tận dụng cả những góc trống ở chân cầu thang, cô chèn thêm vào nơi đó vài thùng sách cũ, vài túi quần áo cũ hay nước rửa chén, nước lau sàn mà mình đã mua để dự trữ vào dịp cuối năm. Với tất cả sự tận dụng đó, chẳng mấy chốc, ngôi nhà chỉ mới chuyển đến chưa đầy một năm đã trở về trạng thái bức bí, ngột ngạt, rồi cô lại phải tiếp tục quá trình phân loại đồ đạc, dọn dẹp những thứ dư thừa và cố gắng tìm thêm vài không gian trống hiếm hoi để phòng trường hợp có thêm đồ đạc – và Cassandra biết chắc rằng điều đó sẽ xảy ra.
“Ngay sau khi tìm được một cô giữ trẻ đáng tin tưởng để trông bé, tớ bắt đầu thường xuyên mang máy tính ra ngoài để làm việc hơn.” Cô tâm sự. “Không biết lý do tại sao mà tớ lại không thể làm được gì khi ở nhà. Dù nơi tớ đang ngồi thật sự là bàn làm việc, bên cạnh được chuẩn bị sẵn vị cà phê mà tớ yêu thích, tất cả tư liệu, giấy tờ cần thiết ở ngay trước mắt, con tớ cũng rất ngoan, không gây ồn ào làm phiền đến tớ. Ấy vậy mà cuối cùng tớ vẫn phải ra ngồi ở quán cà phê mới có thể hoàn thành tốt công việc được. Việc này khiến tớ tiêu tốn không ít thời gian di chuyển và tiền bạc. Nhưng tớ lại không nhận mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu. Tớ vẫn cho rằng đấy là do thói quen và có những người thật sự cần không gian ở bên ngoài để có thể làm việc hiệu quả.”
Phải mất một vài năm, Cassandra mới nhận thức được vấn đề thật sự. Đó là vào khoảng thời gian bé Annie – con gái cô – vào trung học. Cô cần dành nhiều hơn thời gian ở nhà trò chuyện cùng con bé, hướng dẫn con bé từ việc học tập đến chăm sóc bản thân. Cô không thể thường xuyên ra ngoài làm việc được nữa. Cô cần phải ở nhà, cùng Annie vun đắp tình cảm bằng cách cùng trải qua khoảng thời gian định hình tính cách của con bé. Dù vậy, ở nhà làm việc đối với Cassandra vẫn là một thử thách khó vượt qua, cô không hiểu lý do tại sao bản thân không thể tập trung khi làm việc – thậm chí đó không phải là công việc ở cơ quan, mà chỉ là những hoạt động giải trí như chơi đàn, vẽ tranh hay đọc sách, cô vẫn hiếm khi có thể thật sự tập trung. Cho đến một hôm, khi Annie đang ngồi giải bài tập bên cạnh cô ở phòng khách, con bé đột nhiên ngẩng đầu nhìn quanh một vòng khắp ngôi nhà và buộc miệng nói:
“Con chỉ đang định nhìn vào khoảng không vô định để có thể tập trung suy nghĩ, nhưng mà nhìn đâu cũng thấy toàn đồ là đồ.”
Cassandra lúc này mới ngộ ra một điều, thì ra bấy lâu nay cô làm việc ở nhà kém hiệu quả chính là bởi vì lý do như vậy. Không phải bởi vì quán cà phê có điều hòa nhiệt độ hay mạng wifi miễn phí (nhà cô cũng có mà!), cũng không phải cô cần một ly cà phê ngon (cô có thể tự pha được), mà vấn đề nằm ở góc nhìn. Các quán cà phê – đặc biệt là một số quán hướng đến đối tượng khách hàng muốn đến làm việc – thường có cách bài trí quán thoáng đãng, nhiều cây xanh. Họ sử dụng màu sắc trung tính và hạn chế dùng quá nhiều hình ảnh, hình vẽ trên tường. Ngoài bàn ghế thường được sắp xếp cách nhau một khoản đủ xa để không làm phiền lẫn nhau, họ cũng hiếm khi dùng đồ trang trí. Nếu có, thì chỉ là một giá sách vừa phải để khách hàng có thể giải trí hoặc tìm tư liệu mà thôi. Khi làm việc ở những nơi như vậy, Cassandra nhận được sự thoải mái và tự do. Bất luận là khi cần tập trung, cần sáng tạo hay cần giải lao trong ít phút, cô sẽ ngẩng đầu lên khỏi màn hình, ngẩng đầu lên khỏi những con số, cô cảm thấy thật sự thư thái, cả trí não lẫn tâm hồn đều như được mở ra, vì vậy mà công việc được giải quyết nhanh chóng hơn, kết quả cũng tích cực hơn.
Cô quyết định thay đổi không gian trong ngôi nhà của mình theo hướng thoáng đãng, ít đồ đạc và mở rộng không gian sống như vậy.
“Mất không ít thời gian đâu, cũng phải gần một tuần lễ đấy.” Cassandra chia sẻ. “Tớ chọn làm việc đó vào mùa hè, khi con gái tớ được nghỉ ở trường và có thể tham gia cùng tớ trong quá trình dọn dẹp, tối giản hóa ngôi nhà ấy. Hai mẹ con tớ giải phóng tất cả mọi ngóc ngách mà tớ đã tận dụng bấy lâu. Không những vứt bỏ hết những món đồ hư cũ, tớ cắt giảm luôn toàn bộ đồ trang trí vốn luôn được bày ra trên kệ sách, kệ ti vi, bàn ăn, bàn trang điểm,… Đôi lúc cũng có tiếc nuối thật đấy, nhưng nghĩ đến việc cải thiện không gian sống của mình, tớ chấp nhận đánh đổi.”
Kết quả là hiện tại, hai mẹ con Cassandra đang sống trong ngôi nhà tối giản tuyệt vời mà thỉnh thoảng tôi vẫn thích ghé thăm. Cô bạn rất tự hào nói rằng giờ đây ngồi tại nhà làm việc cũng khiến cô thoải mái và vui vẻ hơn rất nhiều. Mở ra một không gian sống hoàn toàn mới, cô cũng đồng thời tạo cho bản thân một cơ hội để khám phá những khía cạnh khác trong con người mình. Cô cởi mở hơn trước, phóng khoáng hơn trước và tràn đầy năng lượng hơn trước. Annie con gái của cô, hiện tại mỗi chiều đi học về đều muốn ở nhà. Con bé thích không gian rộng rãi và cảm giác thư thái khi ở nhà, càng tự hào hơn khi sự gọn gàng, giản đơn và thoải mái này, chính là công sức mà cả hai mẹ con đã cùng nhau tạo nên.
Những khoảng trống trong nhà có sức mạnh không ngờ đến như vậy. Khi còn ở cùng cha mẹ tại ngôi nhà cũ, vào khoảng thời gian gia đình tôi quyết định chuyển hướng kinh doanh sang mô hình trang trại và phải bố trí lại gần như toàn bộ căn nhà, tôi cũng đã có lần được cha khuyên rằng, hãy giữ lại những khoảng không gian trống cho những nơi mà từ trước đến nay chúng ta vẫn quen cất giữ đồ đạc ở đó. Cha tôi nói rằng, cảm giác chất đầy mọi thứ, cũng giống như khi chúng ta bước lên một chiếc xe buýt vào giờ tan tầm vậy, rất đông đúc. Chúng ta phải chen chúc, tìm kiếm cho mình một điểm tựa để không bị ngã hoặc va vào người khác. Chúng ta phải đối mặt với đủ loại âm thanh cũng như mùi hương khó chịu – đặc biệt là mùi mồ hôi, bạn biết mà. Và tất cả những gì chúng ta muốn không phải là tận hưởng chuyến đi nữa, mà là nhanh chóng được xuống xe ngay lập tức. Ngôi nhà của chúng ta cũng thế. Nếu phải sống cùng với những khoảng không gian đầy đồ đạc dư thừa, chúng ta sẽ có cảm giác tù túng, chật chội. Và sẽ thật đáng buồn biết bao, khi chúng ta lại là người muốn nhanh chóng bước ra khỏi ngôi nhà của chính mình.
Hơn ai hết, khi chuyển đến một ngôi nhà mới, điều chúng ta muốn nhất chính là một không gian sống khác, một điều kiện sống khác, một môi trường sống khác, và tất nhiên, chúng ta hy vọng chúng sẽ tích cực hơn, khiến chúng ta hài lòng, mãn ý hơn. Bạn có tin không khi tôi nói rằng, chúng ta hoàn toàn có thể tự chủ được trong việc cải thiện không gian sống, điều kiện sống và cả môi trường sống. Chúng không chỉ là những điều mà chúng ta phải hy vọng hay chờ đợi, mà là những điều mà bản thân chúng ta phải tạo ra. Chúng ta có thể thay đổi để thích nghi với một ngôi nhà mới, điều đó có nghĩa chúng ta cũng có khả năng thay đổi cách sắp xếp ngôi nhà mới ấy, nếu như cách mà trước đây chúng ta đã thực hiện để sắp xếp ngôi nhà cũ, không đem lại hiệu quả như chúng ta mong muốn.
Cô bạn Cassandra trong câu chuyện mà tôi vừa kể chính là một ví dụ cụ thể cho khả năng tự chủ lấy cuộc sống của chính mình bằng việc dám thay đổi cách bài trí và dọn dẹp xưa cũ để tiến hành một phương pháp hoàn toàn mới. Tại sao tôi lại dùng từ dám trong trường hợp này? Không phải tôi muốn cố tỏ ra nghiêm trọng hay thử thách các bạn, mà bởi vì tôi biết rõ đó là công việc khó khăn. Thay đổi một thói quen thường đòi hỏi một sự nỗ lực và quyết tâm không hề nhỏ, huống hồ đây là thói quen dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa – kiểu thói quen đã đi theo bạn từ thời thơ ấu (khoảng thời gian mà bạn nhìn thấy ông bà, cha mẹ của mình thực hiện công việc này rất nhiều lần) – bạn có lẽ chưa từng có ý định thay đổi nó, bạn cho rằng điều đó không cần thiết, cách mà ông bà, cha mẹ bạn từng làm chẳng hề có vấn đề gì, và sẽ ra sao nếu thay đổi không khiến sự việc trở nên tốt đẹp hơn? Tất cả những lập luận đó, Cassandra nói với tôi rằng, cô ấy đều đã nghĩ qua. Thế nhưng, đến tận sau này cô ấy mới nhận ra rằng, sở dĩ cô chấp nhận sự tốn kém khi liên tục đến các quán cà phê làm việc, cô phải chịu đựng cảm giác bí bách ngột ngạt trong căn nhà đầy ắp đồ đạc trước đây, chỉ bởi vì một lý do duy nhất: cô sợ sự thay đổi. Cô không biết liệu rằng mình nên bắt đầu thay đổi từ đâu, cũng không biết nên thay đổi theo phương pháp nào thì mới phù hợp và không ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của cô. Chỉ đến khi được chính con gái của mình gợi ý, Cassandra mới nhận ra cuộc sống của cô sẽ không bao giờ thoát khỏi sự ngột ngạt đó, nếu như cô không có bất cứ một động thái nào để thay đổi chính nơi mà cô đang sống.
Hãy nhớ rằng, mọi thứ chỉ bắt đầu thay đổi, khi và chỉ khi bạn thật sự muốn, và bắt tay vào cải thiện chúng.
❖ SẮP XẾP VÀ BÀI TRÍ
Ngày nay, có muôn vàn cách khác nhau để bạn có thể lựa chọn áp dụng vào việc bài trí ngôi nhà mới của mình. Những từ khóa như “nghệ thuật bài trí”, “sắp xếp đồ đạc”, “dọn dẹp nhà cửa” được tìm kiếm trên Internet với tần suất mỗi lúc một nhiều hơn. Không khó để tìm kiếm các trang blog do các chuyên gia về nội thất đến từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới chia sẻ về các phương pháp họ đã học hỏi và áp dụng thành công trong việc dọn dẹp và tối giản ngôi nhà của mình. Rất nhiều trong số đó thành công truyền tải cảm hứng và động lực đến những ai chưa từng biết đến hoặc vừa mới bắt đầu tìm hiểu về lối sống tối giản. Điều đó thật tuyệt vời! Bởi vì chúng ta đang được tiếp cận rất nhiều lời khuyên cũng như thông tin quý giá một cách hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, vấn đề mà chúng ta trăn trở chính là, liệu rằng ngôi nhà chúng ta dọn đến sẽ phù hợp với kiểu bài trí nào trong tất cả các kiểu mà chúng ta đã từng tham khảo qua? Liệu rằng phương pháp mà chúng ta yêu thích và lựa chọn, có phù hợp với không gian của ngôi nhà mới hay không? Và liệu rằng phương pháp tối giản đến từ các quốc gia khác nhau có thật sự phù hợp với lối sống, môi trường và điều kiện sống mới của bạn hay không?
Tất cả đều là những câu hỏi mà chính bản thân tôi đã từng trăn trở trước khi chuẩn bị cùng người chồng mới cưới của mình chuyển đến ngôi nhà mới. Nhiều đêm liền, sau khi trở về từ cơ quan, tôi lập tức mở máy tính và truy cập Internet chỉ để đọc những bài viết từ dọn dẹp nhà cửa đến trang trí nội thất. Càng tìm hiểu, tôi càng cảm thấy mờ mịt hơn, lưỡng lự hơn, bối rối hơn, trước lượng thông tin khổng lồ mà mình phải tiếp nhận. Quá nhiều gợi ý, quá nhiều lời khuyên, quá nhiều phương pháp, quá nhiều hình ảnh minh họa, mà tôi thì không biết đâu là điều mình đang thật sự kiếm tìm. Để rồi giờ đây, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác choáng ngợp khi lần đầu tiên chính thức đứng trong căn phòng khách trống trải của ngôi nhà mới. Chưa có bất cứ một món đồ nào và những chiếc thùng chứa đựng toàn bộ hành lý của vợ chồng tôi, đang xếp hàng chờ đợi chúng tôi dở chúng ra, từng món một. Nghĩ đến đó khiến tôi cảm thấy có chút mệt mỏi và áp lực. Tưởng tượng xem, một ngôi nhà rộng lớn đến như vậy, với từng ấy đồ đạc, tôi phải sắp xếp đến bao giờ mới xong nổi đây? Hay là tôi nên mặc kệ mọi thứ và gọi cho một dịch vụ chuyển dọn nhà cửa trọn gói, để tiết kiệm thời gian và sức lực của mình?
Trong lúc tưởng chừng sắp bỏ cuộc, tôi đã gọi điện cho cha mẹ. Trên tất cả, tôi muốn nghe thấy giọng nói và lời khuyên giải của cha mẹ mình. Tôi biết họ là những người luôn dành một niềm yêu thích đặc biệt cho lối sống tối giản, hơn nữa, họ cũng đã từng đứng ra hướng dẫn mọi mọi người trong gia đình khi chúng tôi thực hiện dọn dẹp và tái cấu trúc ngôi nhà cũ. Tuy không chắc chắn, nhưng khoảnh khắc đó tôi lại tin rằng những điều mà họ nói với tôi sẽ giúp tôi, ít nhất là tháo gỡ được phần nào áp lực đang đè nặng trong lòng tôi lúc bấy giờ.
---------------------------------------------
♦ LỜI KHUYÊN CỦA CHA TÔI
“Giữa muôn vàn các quy tắc, lời khuyên và phương pháp, quan trọng nhất là con hãy lắng nghe trái tim của mình.”
Tôi đã nghĩ rằng cha đang cố ý trêu chọc tôi khi nghe ông nói câu nói ấy. Bởi vì trong tất cả các chị em trong gia đình, cha hiểu rằng tôi là cô con gái lý trí nhất. Thật sự mà nói, hiếm khi nào tôi đề cập đến khía cạnh cảm tính trong những lần họp gia đình hoặc cùng nhau giải quyết về một vấn đề nan giải nào đó. Trên tất cả, tôi tin vào những gì mang tính logic, tôi tin vào việc thiết lập kế hoạch, tin vào khả năng thành công khi tuân theo các quy luật sẽ cao hơn, và tôi hiếm khi phải hối hận về những lựa chọn đầy lý trí của mình – thay vì hướng về cảm tính.
Tuy nhiên, cha tôi đã giải thích, ông nói, nhà cửa không giống như bất cứ vấn đề nào mà tôi từng đối mặt, đó là nơi tôi sẽ gắn bó cả về mặt thể chất lẫn tâm hồn, là nơi tôi không chỉ sống, không chỉ sinh hoạt, mà còn trao gửi sự quan tâm và tình yêu thương. Tôi không thể xem việc thu xếp, bài trí nhà cửa như là một bài toán hệ phương trình bậc hai mà tôi từng giải quyết thời trung học. Tôi không thể áp dụng vào đó tất cả các quy tắc mà tôi đã đọc từ các chuyên gia, rồi sau đó trông đợi một đáp số giống hệt như đáp số của họ. Ngôi nhà này, là công trình của riêng tôi, cũng như của cả gia đình tôi. Tôi có trách nhiệm phải làm điều tốt nhất cho nó.
Qua điện thoại, cha kể tôi nghe về ngày ông còn trẻ, cụ thể là hai năm sau khi ông cùng mẹ tôi kết hôn. Lúc bấy giờ, ông vừa mua được một ngôi nhà mới bằng số tiền dành dụm suốt nhiều năm của mình. Trong những ngày đầu chuyển nhà, cả cha và mẹ tôi đều rất bối rối, không biết nên bắt đầu từ đâu, không biết nên thực hiện những việc gì, cũng không biết nên bài trí và sắp xếp đồ đạc như thế nào. Thời điểm đó, dịch vụ chuyển dọn nhà cửa trọn gói vẫn chưa thịnh hành như hiện tại, nếu tự cho rằng mình không thể tự vận chuyển, sắp xếp đồ đạc có trọng lượng lớn, họ sẽ phải thuê thêm những thanh niên trai tráng có sức vóc trong vùng để họ giúp một tay, mà với khả năng tài chính của cha mẹ tôi khi ấy – mức lương đủ sống, vừa đem hết tiền dành dụm ra để mua nhà cũng như sắm sửa các vật dụng cần thiết – họ hoàn toàn không đủ tiền thuê người khuân vác, cuối cùng đành phải tự tay mình thu dọn lấy.
Họ bắt đầu bằng việc cùng nhau lập một bản kế hoạch, phát thảo các ý tưởng và dự định của họ trong việc bố trí ngôi nhà mới như thế nào. Đứng bên trong ngôi nhà rộng lớn, cha tôi đã đi một vòng từ phòng khách đến hành lang, từ phòng ngủ, nhà bếp đến nhà vệ sinh, và cuối cùng là khoảng sân vườn. Ông nói rằng, việc tận mắt xem xét một lần nữa trước khi bắt đầu đưa đồ đạc vào sắp xếp, sẽ giúp ông có được đánh giá chính xác nhất về diện tích cũng như cấu trúc của căn phòng, để từ đó đưa ra quyết định về cách bài trí từng món đồ sao cho phù hợp nhất, thuận tiện nhất.
Sau khi có một kế hoạch cụ thể về việc bài trí, sắp xếp nội thất trong nhà, điều vất vả nhất mà cha mẹ tôi phải đối mặt đó là cùng nhau mang tất cả đồ đạc mình có, từ bộ sofa, giường ngủ, tủ lạnh, máy giặt, đến các thiết bị điện và đồ gia dụng khác, vào vị trí mà họ đã dự tính, một công việc đòi hỏi rất nhiều công sức lẫn thời gian, đặc biệt khi chỉ có hai người đảm nhận công việc đó. Cuối cùng, cha tôi quyết định nhờ đến sự giúp đỡ của anh em và bạn bè, dù khả năng của ông khi ấy chỉ có thể mời tất cả mọi người một bữa cơm, chứ không thể bồi dưỡng cho họ bằng một số tiền hợp lý.
“Nhưng như thế hóa ra lại vui, Emma ạ.” Tôi có thể tưởng tượng được nụ cười của cha tôi khi hồi tưởng lại khoảng thời gian ấy. “Cha mẹ đã có một khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa. Trong lúc cùng nhau vận chuyển đồ đạc vào nhà, ta đã phân loại chúng và đó là dịp cuối cùng để nhìn lại toàn bộ những thứ chúng ta cần hay không cần trong cuộc sống mới của mình. Con biết đấy, khi con lau chùi đám bụi bặm trên kệ sách của mình, đôi khi con nghĩ rằng mình đã quét dọn sạch sẽ rồi, nhưng nếu con tiếp tục quét lại một lần nữa, con sẽ nhận ra nó vẫn chưa hoàn toàn sạch, vẫn luôn còn lại một lớp bụi – dù mỏng – bám lại trên kệ, hoặc trên những cuốn sách mà con không hề nhìn thấy, không hề hay biết. Việc phân loại và bỏ bớt đồ đạc đi lúc đóng gói hành lý cũng vậy. Chúng ta cho rằng mình đã tính toán rất ổn, rằng không còn món đồ nào mình cần phải cắt giảm nữa, nhưng đến tận khi vận chuyển và sắp xếp chúng vào ngôi nhà mới, ta mới nhận ra vẫn còn một số món mà mình không cần đến. Có lẽ trong lúc phân loại, ta đã bỏ qua chúng, hoặc nghĩ rằng mình vẫn có thể sử dụng chúng. Để rồi cuối cùng, quá trình vận chuyển mệt mỏi và nhiều rắc rối đã giúp chúng ta phát hiện thấy một vài món đồ có cũng được, không có cũng chẳng sao. Khi bắt gặp mấy món như vậy, cha mẹ đã mang chúng tặng cho những người đã giúp cha mẹ vận chuyển đồ đạc như một món quà cảm ơn sự nhiệt tình của họ. Dùng cách này, cha mẹ có thể loại bỏ thêm một khối lượng vật dư thừa mà không làm lãng phí chúng. Bởi chúng đã đến được nơi có người cần chúng, sử dụng hiệu quả chức năng của chúng.”
Thông qua câu chuyện về việc chuyển nhà thuở xưa của mình, cha tôi có lẽ muốn tôi giống như cha mẹ, dùng cảm xúc khi (hoặc trước cả khi) bắt đầu quá trình sắp xếp, bài trí nhà mới. Bởi hơn ai hết, cha tôi luôn tin rằng khi đặt tình cảm vào bất cứ một công việc gì – kể cả đó là việc nội trợ hay dọn dẹp nhà cửa – sẽ khiến quá trình làm việc trở nên thi vị hơn, đồng thời giúp chúng ta cảm nhận được tâm trạng của bản thân khi quyết định giữ lại, hay vứt đi một món đồ nào đó. Biết đâu chính lúc chạm tay vào từng món đồ để di chuyển chúng vào trong ngôi nhà mới, cha mẹ tôi lại một lần nữa được tiếp xúc với chúng, lại một lần nữa được dịp tự hỏi bản thân có thật sự cần đến chúng hay không, lại một lần nữa nghĩ về ý nghĩa của chúng trong cuộc đời họ là gì, và sau đó họ có cho mình quyết định, tiếp tục sử dụng chúng, hay mang chúng tặng cho một người khác. Lối sống tối giản cũng từ đó mà hình thành.
---------------------------------------------
♦ LỜI KHUYÊN CỦA MẸ TÔI
“Mẹ tin rằng, rất hiếm ai có thể hướng dẫn cho người khác làm cách nào để bài trí một ngôi nhà vừa thỏa mãn được sở thích cá nhân, vừa phù hợp với không gian thực của ngôi nhà ấy. Con nên chọn cách kết hợp những kiến thức mình có được với hình ảnh mà con thật sự mong muốn sẽ xây dựng cho ngôi nhà của mình.”
Sau khi đã được những người anh chị em cùng bạn bè thân thiết nhận lời giúp đỡ, cha mẹ tôi bắt đầu quá trình sắp xếp, bố trí đồ đạc theo đúng dự định ban đầu họ đặt ra. Tôi nghe mẹ kể lại rằng, ban đầu, cha tôi muốn giữ lại chiếc bàn kính lớn trước đây ông nội tôi dùng ở phòng khách của ngôi nhà cũ. Cũng không lấy làm lạ, cha tôi vốn là người thích giữ gìn những kỷ niệm, đặc biệt nếu là kỷ niệm của ông nội, cha chắn chắn sẽ còn muốn giữ hơn. Tuy nhiên, ngôi nhà mới mà cha mẹ tôi dọn đến lại nhỏ hơn rất nhiều so với nhà ông nội ngày xưa. Mẹ tôi cho rằng, chiếc bàn trông thật to lớn khi đặt nằm ở giữa căn phòng khách khiêm tốn, chưa kể đến, nó khiến lối đi trở nên chật chội hơn, di chuyển cũng bất tiện hơn.
Vấn đề thứ hai là chiếc tủ quần áo bằng gỗ mà cha mẹ tôi cực kỳ yêu thích. Nó đã được xem là quá cồng kềnh trong căn phòng ngủ hai mươi mét vuông của họ lúc bấy giờ. Cho dù có cố đưa vào đi nữa, họ cũng sẽ sớm cảm thấy chật chội và ngột ngạt, bởi họ vẫn còn những món đồ khác cần sắp xếp trong phòng ngủ, không thể để chiếc tủ lớn này chiếm hết không gian được.
Một vấn đề khác mà mẹ tôi đề cập đến, đó là những chiếc khăn lau bếp ở khắp mọi nơi. Khi mẹ tôi còn ở cùng ông bà ngoại, những chiếc khăn lau bếp, lau bàn ăn, lau chén đĩa thường được treo ở mỗi chiếc móc khác nhau, đóng ở trên tường. Vì đã quá quen với nếp sống ấy, nên hiện tại mẹ tôi cũng muốn đóng nhiều móc treo tường để treo những chiếc khăn, bà cũng thích giá treo xoong nồi, dao kéo, để tiện lợi cho việc tìm kiếm, sử dụng, và tất nhiên cha tôi không đồng ý điều này, bởi vì ông cảm thấy mỗi loại đồ đạc trong nhà chỉ cần một món duy nhất là đủ. Chỉ ba vấn đề khúc mắc đó thôi, mà đã dẫn đến quá trình dọn dẹp bị gián đoạn, cha mẹ tôi thậm chí còn có chút không hài lòng vì góp ý của mình không được công nhận bởi đối phương.
Về phía tôi, sau khi nghe mẹ kể, tôi nói rằng tôi nhất trí với quan điểm này của cha, nhưng đồng thời, cũng không đồng ý quan điểm về cái bàn kính mà ông để ở giữa phòng khách. Tôi có thể hình dung bản thân sẽ cảm thấy ngột ngạt như thế nào khi trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả và thứ đầu tiên đập vào mắt chính là chiến bàn kính to lớn choáng hết lối đi, chưa kể trên mặt bàn có thể còn đang bày biện ly trà uống dở, vỏ bánh kẹo, gạt tàn thuốc, sách báo, tạp chí, như vậy chúng ta không chỉ không thể tìm được cảm giác bình yên khi về nhà, mà ngược lại, nó còn khiến chúng ta cáu giận, gắt gỏng hơn.
“Đúng vậy.” Mẹ tôi đột nhiên đặt câu hỏi. “Vậy, nếu con có mặt trong ngôi nhà đó, con sẽ sắp xếp như thế nào, Emma?”
Tôi nhắm mắt lại để suy nghĩ một vài giây. Trong vài giây đó, tôi vừa nhớ đến những chia sẻ mà tôi đã đọc trên những cuốn sách và trang blog của các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực nội thất hoặc dọn dẹp nhà cửa. Đồng thời, tôi lại tự vẽ nên trong đầu hình ảnh ngôi nhà nhỏ của cha mẹ tôi ngày ấy, tưởng tượng xem nếu chiếc bàn kính được dời đi thì sẽ như thế nào, nếu chiếc tủ quần áo bằng gỗ cồng kềnh được mang ra ngoài thì sẽ ra sao, nên thay thế chúng bằng những món đồ gì, và dao kéo cùng khăn lau mặt phải treo ở đâu thì hợp lý.
Khi mở mắt ra, mọi thứ bỗng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, tôi có thể miêu tả một cách trôi chảy mà chẳng cần phải suy nghĩ gì thêm:
“Con nghĩ, với một phòng khách nhỏ, chúng ta cần một chiếc bàn trà và ghế thấp, chất liệu mềm mại, được kê cách xa lối ra vào và nhất định phải để trống lối đi. Đối với chiếc tủ quần áo, chúng ta có thể thay bằng loại giường có ngăn kéo ở chân giường và xếp gọn quần áo vào các ngăn kéo thay vì sử dụng tủ treo vừa không chứa được nhiều quần áo, vừa làm mất đi khoảng diện tích lớn trong phòng. Cuối cùng là khăn và dao kéo. Đúng như cha nói, chỉ nên sử dụng một món cho mỗi loại để giảm thiểu đồ đạc trong nhà, cũng nên hạn chế các loại móc treo tường vì sẽ khiến bức tường trở nên chật chội hơn. Khăn lau bát đĩa, khăn lau bàn ăn và khăn lau bếp có thể được xếp lại và đặt ở ngay tại nơi mà chúng ta biết mình sẽ sử dụng. Ví dụ khăn lau bát có thể xếp ở trong chạn bát, khăn lau bếp đặt tại bàn bếp và khăn lau bàn treo ở ngay cạnh bàn. Mẹ cảm thấy những ý tưởng đó của con thế nào?”
Mẹ tôi đã không trả lời cho tôi biết bà cảm thấy chúng như thế nào, thay vào đó, bà nói với tôi:
“Emma, con luôn biết mình muốn điều gì, đó là một điều đáng vui mừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, con còn biết rõ những điều mình muốn đó có phù hợp hay không. Và nếu không thì nên kết hợp chúng như thế nào. Mẹ thấy, đây là điều quan trọng nhất.”
Không thể phủ nhận tôi đã cảm thấy khá hơn rất nhiều sau cuộc trò chuyện thật dài qua điện thoại cùng cha mẹ. Tôi không còn cảm thấy choáng ngợp hay lo lắng nữa, thay vào đó, là cảm giác tràn đầy tự tin. Tôi không sợ mình sẽ phạm phải sai lầm trong quá trình sắp xếp, bài trí cho ngôi nhà mới của mình nữa. Điều đó không có nghĩa tôi tin chắc mình làm đúng, mà là bởi vì, tôi không còn ngại mắc sai lầm. Tôi biết mình hoàn toàn có thể sửa chữa chúng, theo cách tốt nhất mà tôi biết.
Giờ đây, tôi đang làm điều tương tự với các bạn – những độc giả vô cùng yêu quý của tôi. Sẽ thật khó để đưa ra các chỉ dẫn cụ thể rằng bạn nên làm gì với ngôi nhà mới của bạn, bởi vì tôi không ở đó và tận mắt nhìn thấy kết cấu của ngôi nhà hay từng món đồ nội thất mà bạn đang có, nhưng tôi biết mình có thể cho bạn những gợi ý dựa trên kiến thức và kinh nghiệm sẵn có của cá nhân tôi, theo quan điểm của tôi – người đã từng tham gia dọn dẹp tối giản, cải tiến ngôi nhà cũ cùng cha mẹ và các anh chị của tôi, cũng là người trực tiếp sắp xếp, bài trí ngôi nhà mới mà hiện tại tôi đang sống. Tôi sẽ không đưa ra quá nhiều lời khuyên, vì tôi tin rằng bạn hầu như đã đọc được rất nhiều từ các chuyên gia tối giản, thay vào đó, tôi sẽ viết xuống ý tưởng nho nhỏ để bạn có thể tham khảo và kết hợp với các kiến thức mà bạn đã tự mình rút kết được. Dưới đây là tổng hợp các câu hỏi mà tôi nhận được từ người thân, bạn bè của tôi trong quá trình họ chuẩn bị chuyển đến nơi ở mới. Cảm thấy chúng cũng là những câu hỏi phổ biến mà tôi thỉnh thoảng vẫn bắt gặp trên Internet – trên các diễn đàn về dọn dẹp và tối giản nhà cửa. Tôi đã xin phép ý kiến họ để được chia sẻ chúng ở đây (tên của họ đã được thay đổi để đảm bảo quyền riêng tư cá nhân). Với những chia sẻ này, hy vọng rằng bạn sẽ tìm ra phương pháp sắp xếp đồ đạc của riêng bạn, phù hợp với không gian, điều kiện sống và nhu cầu của gia đình bạn.
✦ Fiona: Diện tích ngôi nhà mới của tôi khá nhỏ hẹp, tôi muốn tạo cảm giác rộng rãi thoáng đãng hơn.
➥ Emma: Đừng ngại việc sử dụng màu sáng sẽ làm bẩn những bức tường của bạn. Một khi ngôi nhà bạn mới vừa chuyển vào có không gian nhỏ hẹp, nhưng vẫn phải bài trí một vài món đồ nội thất trong phòng khách, vậy hãy dịch chuyển chúng vào sát tường để tạo không gian mở và ưu tiên cho các gam màu tươi sáng như hồng kem, vàng nhạt, xanh biển, xanh ngọc nhạt, màu trắng kem, hay thậm chí là màu trắng sứ. Chúng tạo cảm giác ngôi nhà của bạn rộng rãi, thoáng đãng hơn, đồng thời nổi bật lên các khoảng không gian mà chúng ta đã thỏa thuận rằng sẽ để trống ở phần trước.
Đừng lạm dụng các bức tranh treo tường, đặc biệt là loại tranh có họa tiết phức tạp, cầu kỳ, hoặc màu sắc rực rỡ, chúng sẽ chỉ khiến cho căn phòng vốn đã chật hẹp lại càng trở nên lộn xộn. Nếu bạn muốn có một ít vật trang trí, hãy sử dụng những bức tranh màu sắc trung tính, đơn giản để tăng cảm giác rộng rãi, thoải mái cho ngôi nhà. Ngoài ra, lẵng hoa treo tường cũng là một lựa chọn đáng để thử. Bạn có thể treo ở phòng khách, trên hành lang, trước cửa phòng, hoặc thậm chí là trong căn bếp. Bạn sẽ không thể phủ nhận được hiệu quả tích cực mà cây xanh có thể mang đến cho ngôi nhà của bạn, chúng không những khiến không gian thoáng đãng hơn, chúng còn giúp bầu không khí trong ngôi nhà trở nên mát mẻ, trong lành hơn.
✦ Steve: Ngôi nhà mới của tôi quá rộng, mà tôi thì không có đủ đồ nội thất cỡ lớn để cân bằng
➥ Emma: Nên chọn tông màu trầm ấm như cam đất, vàng đồng, màu nâu gỗ hay màu mật ong,… cho bức tường của ngôi nhà, chúng có tác dụng tạo hiệu ứng thu hẹp không gian, tạo nên sự gần gũi, thân mật, tránh cảm giác choáng ngợp mỗi khi bạn bước chân về nhà. Bên cạnh đó, khi sắp xếp những chiếc ghế sofa hay bàn uống trà, hãy cân nhắc việc đặt chúng ở giữa phòng thay vì áp sát vào chân tường.
Nhược điểm của việc sở hữu một ngôi nhà với không gian quá rộng, chính là khả năng cao bạn sẽ không cưỡng lại được cảm giác muốn tận dụng hết những khoảng trống trong ngôi nhà của mình – những khoảng trống thênh thang mà bạn đã từng được tôi – cũng như bất cứ chuyên gia tối giản nào khác – khuyên rằng hãy cố gắng hết sức để không lấp đầy chúng. Những khoảng trống ấy – tôi muốn nhắc lại, một lần nữa, rằng – chúng chính là mấu chốt quan trọng góp phần tạo nên một ngôi nhà tối giản mà bạn kỳ vọng, nơi bạn có thể thật sự cảm nhận tâm trí và trái tim mình được giải phóng khỏi sự tù túng, chật chội đến từ những món đồ chất đầy trong mọi ngóc ngách trong nhà.
✦ Carl: Không gian ngôi nhà mới của tôi không tệ, nhưng trần nhà lại quá thấp. Tôi e rằng sau khi đưa đồ nội thất vào, trông nó sẽ còn có vẻ thiếu sáng hơn nữa. Tôi nên dùng màu sơn như thế nào, bài trí ra sao để khắc phục điều này?
➥ Emma: Trong trường hợp này, có rất nhiều loại phụ kiện mà bạn có thể sử dụng để tạo cảm giác trần nhà cao hơn. Ví dụ như một chiếc rèm làm bằng chất liệu mỏng nhẹ, màu sắc trung tính treo từ trần nhà buông xuống sàn, một chiếc bình hoa dáng cao bằng thủy tinh hoặc đá hoa cương để tăng độ sáng. Đồng thời, bạn cần tránh các màu sơn tông trầm, đậm, thay vào đó hãy chọn các màu tươi sáng, hoặc loại giấy dán tường có hoa văn dọc nhằm đánh lừa thị giác.
Mặt khác, bởi vì trần nhà thấp, bạn nên hạn chế đến mức tối thiểu các món đồ trang trí lớn được treo trên trần như đèn chùm hay tranh to bản, chúng sẽ khiến bạn thấy như bức tường và trần nhà phải chịu nhiều sức nặng hơn và bị kéo thấp xuống hơn. Thay vào đó, hãy tập trung trang trí ở phía chân tường với các loại cây thân cỏ, lá mảnh và có xu hướng mọc hướng lên trời. Đồ nội thất trong nhà cũng nên dùng các loại bàn ghế thấp, dáng nhỏ, màu sắc tươi sáng. Các mẹo bài trí nho nhỏ ấy sẽ tạo được hiệu ứng cho không gian và ánh sáng, khắc phục khuyết điểm cho ngôi nhà mới của bạn.
✦ Wilson: Trước khi chuyển đồ đạc vào, tôi muốn thay đổi màu sắc cho những bức tường. Tôi không biết nên dùng sơn hay giấy dán tường?
➥ Emma: Nếu xét về tính thẩm mỹ và sự đa dạng trong họa tiết và màu sắc thì hiển nhiên sơn tường không thể so sánh được với giấy dán tường. Bạn có thể nhìn thấy trên thị trường ngày càng có nhiều mẫu mã, kiểu dáng và chất liệu giấy khác nhau cho bạn thoải mái lựa chọn phù hợp với lứa tuổi, sở thích và thị hiếu của riêng bạn. Hơn thế nữa, giấy dán tường còn được ưa thích bởi sự thuận tiện và dễ dàng thay đổi theo xu hướng nếu bạn là một người yêu thích sự đổi mới và sáng tạo.
Tuy nhiên, sơn tường có tác dụng bao phủ mọi ngóc ngách và bề mặt tường. Nếu ngôi nhà mới của bạn đa dạng về hình khối, hoa văn hay điểm nhấn trên tường thì sử dụng giấy dán tường xem ra có chút bất tiện, trong trường hợp này, dùng sơn sẽ tiết kiệm chi phí và thời gian thi công hơn.
Tôi không có một câu trả lời tuyệt đối nào về việc nên sử dụng sơn hay giấy dán tường, đó còn phụ thuộc vào nhu cầu cũng như điều kiện kinh tế của gia đình bạn. Tôi chỉ có thể nói rằng, bất luận bạn lựa chọn chất liệu gì, điều đầu tiên bạn cần làm vẫn nên là xử lý bề mặt tường thật tốt như dùng sơn lót chống thấm và chống nấm mốc, đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho cả sơn và giấy dán tường đạt được hiệu quả tốt nhất.
Tôi vốn không phải là một chuyên gia về chủ nghĩa tối giản, sở trường của tôi là tài chính, là những con số, không phải các lĩnh vực liên quan đến nội thất hay nghệ thuật bài trí nhà cửa. Thế nhưng, tôi vẫn có thể thực hành dọn dẹp theo lối sống tối giản và đã duy trì phong cách ấy cho ngôi nhà của mình suốt hơn mười năm qua, cho dù có qua bao nhiêu lần chuyển nhà đi nữa. Tôi muốn dùng chính bản thân mình để làm một ví dụ cụ thể, nhằm củng cố cho lời khẳng định rằng: bạn cũng hoàn toàn có thể làm được, bất kể bạn đang hoạt động ở ngành nghề nào, bất kể bạn có kinh nghiệm tối giản hay chưa. Tất cả những gì bạn cần là tự tạo cho mình cảm hứng và động lực để bắt đầu hành động. Hãy nghĩ đến thành quả cuối cùng. Hãy nghĩ đến ngôi nhà lý tưởng của bạn sau khi hoàn thành toàn bộ quá trình sắp xếp đồ đạc và tối giản ngôi nhà mới. Hãy nghĩ đến, chỉ cần bạn làm thật tốt ở giai đoạn này, thì về sau, bạn sẽ không bao giờ phải vật lộn với bất cứ một không gian lộn xộn, bừa bãi nào nữa. Đó là điều mà chủ nghĩa tối giản muốn chúng ta hướng đến, cũng là điều mà tôi hy vọng tất cả chúng ta còn thể đạt được.
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
✧ Trình tự các bước đóng gói đồ đạc trước khi chuyển sang ngôi nhà mới:
➢ Bước 1: Đem tất cả đồ đạc ra trước tầm mắt
➢ Bước 2: Tự đặt câu hỏi tại sao cho chính mình
➢ Bước 3: Từ bỏ tư tưởng “Tôi không thể từ bỏ”
➢ Bước 4: Phân loại đồ đạc
➢ Bước 5: Lựa chọn và loại bỏ theo thứ tự:
• Dọn dẹp rác thải
• Dọn dẹp những đồ đạc có số lượng từ hai cái trở lên
• Dọn dẹp những món đồ đã không sử dụng hơn một năm
• Dọn dẹp những thứ đã mua mà không suy nghĩ
• Dọn dẹp đồ dự trữ hoặc đồ khuyến mãi
• Dọn dẹp những món đồ còn lại theo cảm xúc
✧ Một số lời khuyên khi tối giản một ngôi nhà mới
₋ Đừng cố lấp đầy không gian trống;
₋ Sắp xếp và bài trí dựa trên các quy luật, phương pháp được biết, nhưng cũng đừng quên lắng nghe cảm xúc của mình.