Trong chùa, mỗi nhà sư đều đảm nhiệm những công việc nhất định. Và theo định kỳ, tất cả mọi người sẽ thay đổi công việc mà mình đang thực hiện. Người mà cho đến hôm qua vẫn còn phụ trách công việc nấu nướng, kể từ ngày hôm nay sẽ phụ trách việc vệ sinh, dọn dẹp khu vườn của chùa. Sự thay đổi về vị trí được tiến hành. Nhờ cách đó, các nhà sư có thể trải nghiệm mọi công việc trong chùa.
Nhắc tới tu hành, có lẽ người ta sẽ liên tưởng tới hình ảnh “một mình im lặng làm việc.” Nhưng thật ra, công việc dọn dẹp trong chùa được thực hiện với tinh thần làm việc nhóm. Điều kiện bắt buộc là phải quan sát xung quanh xem những người khác sẽ lau ở đâu. Bằng việc nắm bắt được tình hình tổng thể, bạn có thể suy nghĩ về vai trò mà mình phải làm, sự cân bằng với xung quanh trở nên rộng mở, có thể hỗ trợ cho công việc của người khác. Bạn sẽ làm việc với tinh thần tự giác cao nhất.
Ngoài ra, vì trong dọn dẹp có quy tắc “từ trên xuống dưới” nên cũng cần chú ý về tổng quan và trình tự của công việc mà mình được giao phó. Nếu người bạn đồng hành làm chỗ kia, vậy thì mình sẽ bắt đầu từ hướng này. Như thế, bằng cách nắm được tình hình chung, chính bạn cũng đang tự tạo ra giá trị của riêng mình.
Trong giới tu hành, chỉ cần một cá nhân chậm chạp cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ tập thể. Cũng có khi cả một nhóm các nhà sư bị phạt quỳ gối trên sàn gỗ, chắp tay hành lễ trong một khoảng thời gian dài. Để không gây ảnh hưởng tới người khác, tuyệt đối không được phép chậm chạp hay làm những việc dư thừa. Đó chính là cơ hội để tôi hiểu được từ tận sâu trong trái tim rằng, sự tồn tại gọi là “tôi” không còn là của một mình tôi nữa.
Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cũng giống như vậy. Không phải là một người duy nhất sẽ dọn dẹp, điều quan trọng là tất cả mọi người cùng có ý thức bắt tay vào làm việc. Hãy phân chia nhiệm vụ cho các thành viên trong gia đình, thi thoảng, mọi người cùng thử trao đổi nhiệm vụ với nhau. Hãy để tất cả các thành viên trong gia đình chơi trò chơi đồng đội, vừa dọn dẹp vừa nghĩ đến những người xung quanh mình.
Tấm lòng biết ơn dành cho gia đình là thứ có được sau khi có vấn đề gì đó xảy ra. Thường lệ, người vợ luôn là người nấu ăn cho chồng con, và người chồng coi chuyện đó là đương nhiên. Phải đến khi người vợ vì mắc bệnh mà phải nằm li bì trên giường bệnh, người chồng thậm chí đến cả cháo cũng không nấu được, lúc đó anh ta mới nhận ra bản thân thật quá vô tâm.
Chẳng phải sự “nhận ra” đó chính là một cơ hội vô cùng quan trọng để tháo gỡ một trái tim bướng bỉnh và có phần bảo thủ hay sao?
Việc thay đổi nhiệm vụ dọn dẹp và làm việc nhà cũng là một bí quyết rất hiệu quả trong việc giáo dục và nuôi dưỡng con trẻ.
Đa phần người lớn đều nghĩ rằng, tự mình làm sẽ nhanh và sạch sẽ hơn là để cho bọn trẻ giúp đỡ, vậy nên ban đầu có thể người lớn chúng ta sẽ cảm thấy thiếu kiên nhẫn và vướng chân vướng tay. Thế nhưng, hãy tạo cơ hội cho bọn trẻ để chúng được đảm nhiệm công việc nhà trong gia đình với khả năng nhiều nhất có thể.
Trong số những sợi dây gắn kết giữa người với người, gia đình là sợi dây bền chặt nhất.
Hãy để công việc dọn dẹp nhà cửa trở thành cơ hội để khiến sợi dây gắn kết trái tim được khăng khít hơn nữa.