Từ xa xưa, người Nhật đã luôn quan niệm dọn dẹp không chỉ là một công việc lao động tầm thường và vụn vặt.
Tại các trường tiểu học và trung học cơ sở của Nhật Bản, tất cả các em học sinh đều dọn dẹp, đó là việc đương nhiên. Ở Nhật, dọn dẹp không chỉ mang ý nghĩa “lấy đi vết bẩn” mà nó còn được coi trọng giống như một sợi dây liên kết với việc “bồi dưỡng vẻ đẹp nội tại của trái tim.” Khi đến thăm các ngôi chùa, hẳn bạn cũng nhận ra bên trong chùa luôn được dọn dẹp sạch sẽ, bày trí rất tinh tế và thoáng đãng đúng không?
Đương nhiên, mục đích của việc này là để đón tiếp khách thập phương, nhưng đối với những nhà sư sinh sống và tu hành tại chùa, bản thân việc khiến ngôi chùa luôn trong trạng thái sạch đẹp là một công việc tu hành Phật đạo vô cùng quan trọng. Toàn bộ không gian được sắp xếp sạch sẽ, mọi thứ được lau chùi sáng bóng. Bản thân tôi khi học tập tại ngôi chùa ở Kyoto, Nhật Bản để trở thành một nhà sư, chỉ cần cách đặt, để hay thứ tự xếp chồng lên nhau của quần áo và tấm chiếu tatami bị sai lệch một chút thôi, nhất định tôi sẽ phải nhận chỉ trích từ nhà sư tiền bối – người trực tiếp giảng dạy mình.
Nếu như có cơ hội, nhất định bạn phải chiêm ngưỡng dáng hình của nhà sư trong khi dọn dẹp khuôn viên bên trong chùa.
Những nhà sư khoác bộ trang phục mặc khi lao động, cố gắng làm việc trong yên lặng, dọn dẹp tại những nơi đã được phân công. Ai nấy đều mang gương mặt tràn đầy sinh khí và hăng hái.
“Phiền phức, lằng nhằng, nói thực lòng là không muốn làm đâu, nên là thôi cứ đại khái đi cho xong.” Dọn dẹp không phải là như vậy.
Chuyện kể rằng: Một đệ tử của Đức Thích Ca Mâu Ni, nhờ vừa xướng, “Cầm lấy chổi, quét sạch bụi bẩn,” vừa tiếp tục thực hiện việc dọn dẹp bằng chiếc chổi cầm trên tay, dọn dẹp thật nghiêm túc, mà đã giác ngộ được chân lý.
Dọn dẹp, không phải là do vết bẩn, mà đó là quá trình “tu hành” để bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn.