TÔI THÍCH PHỤ NỮ.
NHƯNG TÔI KHÔNG BAO GIỜ NGHIỆN RƯỢU.
TÔI KHÔNG BAO GIỜ SỬ DỤNG MA TÚY,
VÀ KHÔNG BAO GIỜ HÚT THUỐC LÁ.
- DONALD TRUMP
Giống như Donald Trump, Marla Maples cũng chính thức được thừa nhận là quyến rũ. Vẻ đẹp đích thực của cô được xây dựng qua các vòng thi sắc đẹp, trong đó có một sự kiện mà cô nàng suýt đoạt danh hiệu Hoa hậu Quốc tế Nhiệt đới Hawaii(1) năm 1985. Được tài trợ bởi công ty sản xuất kem chống nắng, cuộc thi yêu cầu các thí sinh phải mỉm cười rạng rỡ khi trình diễn trong bộ áo tắm hai mảnh. Trong đơn dự thi của mình, Maples viết, “Tôi hy vọng có thể trở thành một diễn viên màn ảnh thành công và một ngày nào đó được đứng trên sân khấu Broadway”.
(1) Nguyên tác: Miss Hawaiian Tropic International (ND).
Một vài cô gái trẻ tìm thấy sự giàu có, tên tuổi và danh tiếng qua các cuộc thi sắc đẹp có chức năng sàng lọc cho các ngành công nghiệp vốn nhìn thấy giá trị thương mại ở phụ nữ trẻ, những người đang dần trở nên quyến rũ. Trong thời đại truyền thông, nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung cũng không hề kém. Một số lượng lớn những người có triển vọng đã kiềm nén giá trị thị trường và làm cho khả năng thành công về mặt tài chính trở nên xấu đi, thậm chí với cả những người đã giành danh hiệu đáng mơ ước nhất trong các cuộc thi. Biết bao nhiêu cô gái như Shirley Cothrans (Miss America) và Christiane Fichtners (Miss USA) chỉ giành được vương miện và không còn gì khác. Các thí sinh cũng phải cân nhắc những cạm bẫy gắn liền với cuộc thi có thể xảy ra trong thời đại mà truyền thông phủ sóng quá mức này. Vanessa Williams, Miss America 1984, buộc phải nhường lại danh hiệu khi tạp chí Penthouse công bố những tấm ảnh khỏa thân của cô, được chụp trước khi cô tham dự cuộc thi. Cuối cùng, công chúng gần như trở nên quen thuộc với những sự việc như thế này, khi hình khỏa thân của người nổi tiếng được công bố thường xuyên đến mức dường như mọi phụ nữ trẻ ở Mỹ, vào lúc này hay lúc khác, đã lựa chọn để người khác chụp hình hoặc quay phim mình khỏa thân và chẳng có ai đáng tin cậy để giữ kín những bức ảnh này.
Williams, Cothran và Fichtner là những ví dụ cảnh báo, nhưng kẻ mộng mơ luôn có thể tập trung vào Lee Meriwether, người đã từ danh hiệu Hoa hậu nước Mỹ năm 1955 mà được đóng phim truyền hình và điện ảnh, và Bess Myerson, người cũng giành được vương miện trong cuộc thi nói trên vào năm 1945 và trở thành một người nổi tiếng thành đạt, người đã giúp Ed Koch trở thành thị trưởng New York. Marla Maples đã nghĩ đến hai người phụ nữ này khi tham dự cuộc thi cuối cùng của mình và lập kế hoạch chuyển đến Thành phố New York. Dù từng là học sinh danh dự ở trường phổ thông và đang học tốt ở Đại học Georgia, cô đã bỏ học trước khi có được tấm bằng. Trước đây cô chỉ mới đến thành phố này một lần cùng với bố mẹ. Cả gia đình đã ở tại Waldorf-Astoria.
Ở Manhattan, Maples thật may mắn khi tìm được một căn hộ giá rẻ, mà cô đã trang trí bằng hình ảnh của Marilyn Monroe – biểu tượng sắc đẹp bi kịch. Cũng như Monroe, quyền lực của Maples nằm ở sự quyến rũ thuần khiết mà, theo lời một cây bút, khiến cô nàng trở thành “mẫu phụ nữ lý tưởng của một cậu bé 13 tuổi. Xinh đẹp và quyến rũ, nhưng an toàn”.
Mặc dù sự cám dỗ này mang đến cho mình đôi chút quyền uy, Maples thấy rằng nó cũng có thể gây nguy hiểm, nhất là khi những người đàn ông chưa chín chắn xem cô như một món đồ mà họ có thể điều khiển. Từ khi còn trẻ, có vẻ như Maples hay thu hút những người đàn ông có tính chiếm hữu và thậm chí ám ảnh. Mối quan hệ tình cảm đầu tiên của cô là với một anh chàng điển trai và có duyên, nhưng đôi khi có thể hành xử vô cùng đáng sợ. Một lần, bất đồng giữa hai người dẫn đến việc anh ta đẩy mạnh Maples, và rồi tay cô đập vào mặt bàn thủy tinh. Lần đó cô phải đến bệnh viện để khâu lại các vết rách. Nhiều năm sau cô ước rằng phải chi mình học được nhiều hơn từ sự cố này, nhưng vào lúc đó cô nàng còn khá ngây thơ và tin người quá mức.
Khi dồn hết tâm trí vào sự nghiệp, Maples tham gia những buổi diễn thử giọng và đóng vai, đồng thời theo học các lớp diễn xuất tại HB Studios, nơi mà nhiều nghệ sĩ biểu diễn đương thời – như Jason Robards, Al Pacino, Barbra Streisand, Anne Bancroft, Robert Di Nero – đã học được ngón nghề của mình. Cô chấp nhận vài lời mời hẹn hò nhưng ở một thành phố đầy những người đàn ông quyến rũ, cô ta cần phải thận trọng. Tháng 8 năm 1985, Jerry Argovitz – người từng là giám khảo cuộc thi Hoa hậu Nhiệt đới Hawaii, đã giới thiệu cô nàng với Donald Trump. Ông ấy đưa cô đến văn phòng của Trump, ở nơi đó cô thích thú tận hưởng quang cảnh Công viên Trung tâm và thán phục những bức ảnh bìa tạp chí được đóng khung treo trên tường. Trong những tháng tiếp theo, Maples vô tình gặp lại Trump tại một giải đấu tennis và trên vỉa hè Đại lộ Madison. Cô cũng trông thấy ông ta tại một sự kiện từ thiện mà cô tham dự cùng Argovitz.
Mặc dù Argovitz và Maples thỉnh thoảng có gặp nhau, giữa họ không hề nảy sinh tình cảm. Trong các buổi tuyển chọn diễn viên và họp với quản lý, cô ta gặp một cựu nhân viên cảnh sát tên là Thomas Fitzsimmons, người lúc đó đang nỗ lực trở thành diễn viên đồng thời là nhà biên kịch và có một dự án mà cô có thể tham gia một phần. Dù là một ngôi sao có nhiều hoài bão, Fitzsimmons chủ yếu vẫn là vệ sĩ cho những người giàu có và nổi tiếng. Vì được phép nên anh thường xuyên mang súng bên mình. Sau một lần bị trấn lột, Maples vô cùng cảm kích trước sự cương trực cũng như cách anh khiến cô cảm thấy an toàn. Anh thường xuyên đi cùng cô ra ngoài, nói rằng cô cần được bảo vệ. Hai người hình thành một mối quan hệ tình cảm.
Cơ bắp săn chắc và vạm vỡ, Fitzsimmons có những đặc tính cơ thể phù hợp với hoài bão của mình. Dự án yêu thích nhất của anh là một kịch bản phim – tựa là Blue Gemini – kể về hai anh em song sinh cùng là nhân viên của Sở Cảnh sát New York. Thay vì gửi kịch bản cho các nhà sản xuất và đạo diễn, Fitzsimmons quyết định thực hiện vài phút trong bộ phim, đây sẽ là một thước phim mẫu, hoặc “trailer”, cho những nhà tài trợ tiềm năng. Đoàn làm phim thực hiện trailer này đều là bạn bè của Fitzsimmons. Marla Maples nhận một vai diễn trước ống kính. Một cựu chiến binh kiêm nhân viên quảng cáo ở New York tên Chuck Jones đảm nhận vai trò người quảng bá không lương.
Là một cựu chiến binh trong thủy quân Lục chiến Hoa kỳ làm việc với tư cách là phóng viên chiến trường tại Việt Nam, Jones đến New York sau khi xuất ngũ. Ông tìm được cho mình một công việc ở một tờ báo có tên FilmTV Daily. Khi tờ báo ngừng hoạt động vào năm 1970, Jones tận dụng kinh nghiệm bản thân cùng nhiều mối liên hệ để trở thành nhân viên quảng cáo. Làm đại diện cho những người trong giới giải trí như Lionel Hampton và Jack Lemmon, Jones sắp xếp các cuộc phỏng vấn và cung cấp cho cánh nhà báo và các cây bút phụ trách mục tán chuyện những tin tức phản ánh tốt về khách hàng của mình. Jones cũng có quan hệ tốt với các nhiếp ảnh gia, biên kịch và biên tập viên, những người mang ơn Jones vì ông đã “mở đường” cho họ, đến mức ông gần như có thể bảo đảm khách hàng của mình được đối xử ưu ái trong giới truyền thông ở New York. Cũng như các chính trị gia và nhà tài trợ, những ký giả này chơi một trò chơi không hồi kết, đổi chác mánh lới và đặc ân mà không để tâm.
Là người cởi mở và đáng tin cậy, Jones mở nhiều khoản tín dụng tại nhiều ngân hàng đặc ân khác nhau để giúp đỡ những người bạn không thể đáp ứng mức thù lao của ông. Khi Tom Fitzsimmons nhờ ông hỗ trợ dự án Blue Gemini, Jones có thể giúp Fitzsimmons thu hút sự chú ý của công chúng. Những tờ báo lá cải đưa tin về việc quay phim như thể đó là một bộ phim dài đang bắt đầu sản xuất trong thành phố. Ngoài việc mang lại cho Fitzsimmons một khoảnh khắc hào hứng, truyền thông chẳng giúp ích gì cho anh ta với một kịch bản không bao giờ tìm được nhà tài trợ. Tuy nhiên, Marla Maples thấy Jones rất nóng lòng muốn giúp cô tiến xa hơn trong sự nghiệp.
***
Vào lúc Donald Trump gặp Marla Maples, danh tiếng của ông ta đang dần lên đến đỉnh điểm, phần nào nhờ vào vụ tranh giành sân trượt băng ở Công viên Trung tâm với Thị trưởng Koch. Được đặt tên theo gia đình Wollman, những người đã quyên tiền xây dựng, sân băng mở cửa vào năm 1949 và hoạt động vào mỗi mùa đông cho đến khi đóng cửa vào năm 1980 để trùng tu mà theo kế hoạch là sẽ hoàn thành vào năm 1982. Công việc trở nên khá phức tạp khi các viên chức thành phố quyết định tạm thời dùng sân băng làm hồ nước vào mùa hè và áp dụng công nghệ làm lạnh mới sử dụng khí Freon. Mặc dù khó lắp đặt so với hệ thống lạc hậu dựa vào nước muối, hệ thống khí Freon sẽ ít tốn kém hơn khi vận hành và được kỳ vọng sẽ tiết kiệm tiền thuế do dân đóng trong thời gian dài. Nhưng sự cố vẫn xảy ra cho dự án và sân băng tiếp tục đóng cửa. Tháng 5 năm 1986, Trump viết thư gửi Koch, trong đó ông ta đề nghị cứu ngài thị trưởng khỏi “nỗi hổ thẹn lớn nhất” trong quá trình quản lý của mình bằng cách xây dựng và sau đó kinh doanh sân băng. Ngài thị trưởng công bố bức thư trước giới báo chí cùng với thư trả lời của mình, nói rằng ông chấp thuận đề nghị xây dựng sân trượt băng của Trump nhưng từ chối việc Trump điều hành nó bởi vì thành phố có ý định giữ cho giá vé vào cổng ở mức thấp. Koch kết thúc bức thư bằng một câu ác ý rằng “Tôi hồi hộp chờ ông hồi âm”.
Koch xem lá thư “Gửi Ed” của Trump thể hiện sự tự quảng cáo quá đáng, nhất là phần ghi nhận những thành tựu của chính Trump và lời hứa hẹn hoàn tất mọi việc trước mùa đông. Koch nghĩ rằng người dân New York sẽ đồng tình với mình. Tuy nhiên, ngài thị trưởng đã tính sai. Những cây bút xã luận ở ba tờ báo địa phương nói rằng Trump đã đúng. Cuối cùng Koch đành để Trump làm điều ông ta muốn, và nhà phát triển nhờ vào công ty xây dựng HRH Construction để hoàn thành lời hứa với sự giúp đỡ tài chính không lãi suất từ những người bạn ở Ngân hàng Chase Manhattan. Quản lý HRH nói rằng họ sửa chữa sân băng đúng giá gốc, không tính tiền lời vì Trump đã hứa sẽ cung cấp thêm nhiều việc cho công ty khi ông ta được phép phát triển sân đường sắt Penn Central cũ ở khu vực Upper West Side, mà ông ta vẫn còn quản lý.
Trump tuyên bố đã tìm được một công ty Canada, tên là Cimco, để thiết kế sân trượt băng, nhưng công ty này đã được thông tin đầy đủ trước khi ông ta viết thư cho ngài thị trưởng. Trump khiến cho quan hệ với Koch trở nên xấu đi bằng cách thuê viên chức thành phố Tony Gliedman giám sát sân băng. Gliedman chính là ủy viên phụ trách vấn đề nhà ở, người đã phản đối việc giảm thuế cho Trump Tower. Trong thời kỳ bất đồng đó, Gliedman nói rằng Trump đã đe dọa và mắng nhiếc ông. Giờ đây, là nhân viên dưới trướng Trump, Gliedman tạo nên tiếng vang cho ông, giám sát quá trình sửa chữa sân băng và giúp nó hoàn thành sớm hơn dự định.
Như Gliedman cho thấy, Trump có mắt nhận biết người tài và rất vui vẻ chiêu mộ những người đã chứng tỏ năng lực bằng cách đối đầu với ông. Trong công ty của Trump, họ được trả lương cao và tận hưởng mức độ tự quyết tương ứng với áp lực mà ông đặt lên vai họ. Thành công phần nào phụ thuộc vào việc thể hiện sự cống hiến và kiên cường mà khiến cấp trên phải nể phục. Như Louise Sunshine đã nói với Harry Berkowitz của tờ Washington Post, “Ông ta tìm thấy người tài, và tạo điều kiện cho họ bộc lộ những phẩm chất tốt nhất và tồi tệ nhất. Anh chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất mà thôi. Toàn bộ phần còn lại của cuộc sống dường như biến mất khỏi tâm trí anh. Ông ta hoàn toàn thu hút sự chú ý của anh”.
Mặc dù nhiều người New York khen ngợi Donald Trump vì đã cải tiến sân trượt băng Wollman, Thị trưởng Koch đã từ chối việc Trump đề nghị đặt tên cho sân băng để tôn vinh mình. Quyết định này phần nào là do mối quan hệ tồi tệ giữa hai người. Trong cuốn hồi ký Citizen Koch của mình, ngài thị trưởng gọi Trump là “kẻ ba hoa khoác lác” và “một gã tầm thường tự cao tự đại”. Trump cũng có những cảm nghĩ tương tự dành cho ngài thị trưởng. Nhiều năm sau, khi đưa ra đánh giá về ngài thị trưởng, Trump nói rằng Koch là “một kẻ nịnh hót trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Sau đó ông ta trở thành một người đàn ông cực kỳ cáu gắt. Ông ta có nhiều vụ bê bối và tham nhũng. Ed Koch là một thị trưởng được đánh giá quá cao, và nhiệm kỳ cuối cùng của ông ta là một thảm họa, và ông ta rời ghế thị trưởng trong sự giận dữ”.
Cảnh tượng Trump đối đầu với Koch là nguồn giải trí gần như vô hạn cho độc giả trên các tờ báo ở New York. Nói về cái tôi cá nhân, cả hai đều “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Trump mong muốn tạo hình lại đường chân trời của thành phố và khiến tên tuổi mình được mọi người ở khắp nơi công nhận như là biểu tượng của thành công và quyền lực. Koch là một trong ba người duy nhất trong lịch sử thành phố được bầu làm thị trưởng suốt ba nhiệm kỳ liên tục và ông khao khát sự chấp thuận của công chúng đến mức thường xuyên hét lên với người đi đường, “Thấy tôi làm việc thế nào không?”. Cả hai người đều thích chơi trò chính trị, nhưng là một doanh nhân, Trump không có trách nhiệm giải trình với công chúng. Koch thì được kỳ vọng phải đáp ứng một chuẩn mực lịch thiệp nhất định vốn khiến ông dễ bị dư luận công kích. Khi Koch gọi Trump là “gã tầm thường”, Trump, đúng với phong cách “ăn miếng trả miếng” của mình, tuyên bố ngài thị trưởng chỉ là “rác rưởi”.
Khi đối đầu với Trump, Koch liên tục vướng phải các vụ bê bối khi các viên chức dưới sự quản lý của ông bị cáo buộc phạm tội hoặc bị ép phải từ chức sau khi lạm dụng chức vụ của mình. Những vụ bê bối này nhiều đến mức khi giới báo chí ở Tòa Thị chính tổ chức sự kiện từ thiện hàng năm, chương trình âm nhạc đã được đặt tên là Greedlock, là cách chơi chữ của gridlock (bế tắc). Trong số những tiết mục chỉ trích cay độc ấy, một ký giả đóng vai ngài thị trưởng đã hát, “Ta không bị truy tố! Thật vui mừng xiết bao!”(2).
(2) Margot Hornblower, “Private Prosperity, Public Corruption; Politicians Take a Cut of the Profits” (Sự giàu có tư nhân, tham nhũng công cộng; chính trị gia cắt giảm lợi nhuận), Washington Post, ngày 21 tháng 8, 1987.
Nổi tiếng nhất trong số những đồng minh thất thế của Koch là Bess Myerson, người bị kết tội mưu toan tác động đến một thẩm phán bằng cách tuyển dụng con gái ông ấy. Cuối cùng Myerson được tha bổng tại phiên xét xử, nhưng vụ bê bối chỉ là dấu hiệu cho sự thối nát trong chính quyền của Koch. Donald Trump là người gây ra phần lớn rắc rối cho ngài thị trưởng, và trong một cuốn sách, ông ta viết mình đã kêu gọi công chúng để ý đến tội lỗi của những cá nhân như Myerson. Tuy nhiên, trong những lời lải nhải của Trump, có một người không hề xuất hiện, đó là Stanley Friedman, người bị kết tội và tống giam vì vai trò trong âm mưu mua chuộc cục quản lý đỗ xe của thành phố. Lẽ dĩ nhiên, Friedman là đối tác pháp luật của Roy Cohn và đã làm việc điên cuồng trong những ngày cuối cùng của chế độ Beame để hoàn tất kèo "thơm" mà Trump đạt được khi ông ta biến Commodore cũ kỹ thành Grand Hyatt. Mối liên hệ giữa Friedman và Trump đã được công tố viên liên bang Rudolph Giuliani, ngài thị trưởng tương lai, đưa ra trong phiên tòa xét xử ông ta.
Trump, Cohn, Koch, Giuliani: đây là những người đàn ông hiện diện trong mọi vấn đề của thành phố nhiều đến mức chẳng có gì sai khi người ta nghĩ rằng New York giống như một thị trấn nhỏ, nơi mà một số ít gương mặt quen thuộc nắm quyền chi phối toàn bộ hoạt động kinh doanh, tài chính, phát triển, và chính trị ở địa phương. Điều này gần như không đúng. Trong số các nhà phát triển, Trump chỉ là một trong nhiều người đưa ra những dự án lớn mới ở Manhattan. Quá trình hành nghề luật sư của Cohn đã bị hàng tá công ty luật lớn và quyền lực hơn làm lu mờ. Và số đông các nhân vật chính trị thường xuyên đánh bại những người như Giuliani và Koch. Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh giành sự chú ý của công chúng, không ai vượt qua nổi Trump. Chỉ trong năm 1987, tên ông hơn ngàn lần xuất hiện trên các tờ báo địa phương. Những chương trình phát thanh và truyền hình càng khiến ông nổi tiếng hơn, và rồi đến sách.
Vào mùa hè năm 1987, Random House chuẩn bị xuất bản Trump: The Art of the Deal, cuốn sách Trump viết với sự hỗ trợ đáng kể từ tác giả chuyên nghiệp Tony Schwartz đến mức ông cho phép tên của tác giả đó xuất hiện trên bìa sách. Tựa đề cuốn sách phản ánh niềm tin của Trump rằng sự thương lượng khôn ngoan, khi đuổi theo lợi nhuận, nên được công nhận là một nỗ lực sáng tạo tương đương với cố gắng của một họa sĩ hay thi sĩ. “Thỏa thuận”, theo ông, bao gồm việc thuyết phục ai đó bán bất động sản của họ, thuê kiến trúc sư thích hợp để thiết kế dự án phát triển mới, đạt được sự chấp thuận của chính quyền, và sau đó ký hợp đồng với chủ thầu, người sẽ biến mọi thứ thành sự thật. Nếu đây là nghệ thuật thì đó là kiểu nghệ thuật biểu diễn phụ thuộc vào khả năng thao túng, lấy lòng và nịnh hót của ông ta. Đó cũng là, một cách ngụ ý, tài năng mà hàng triệu người khác có thể khẳng định rằng họ cũng sở hữu nó. Nhân viên bán hàng thuyết phục bạn thêm lớp sơn chống gỉ vào đơn hàng mua xe mới hay người phục vụ mời bạn gọi thêm một món khai vị đều đang thực hiện nghệ thuật bán hàng. Nếu cho là như vậy, nghệ thuật của họ không mang đến lợi ích cho người khác như của một nghệ sĩ vĩ đại, nhưng đó là một kiểu sáng tạo.
Biết rằng cuốn sách cần phải được quảng cáo rất nhiều để thỏa mãn doanh thu mong muốn của mình, Trump dự định khai thác nhiều mối liên hệ trong giới báo chí, nhất là những người ở các mạng lưới truyền hình khác nhau. Ông ta cũng nâng thông tin cá nhân của mình bằng cách học đòi làm chính trị. Đầu tháng Bảy, ông ta gặp Roger Stone, một người bạn lâu năm của Roy Cohn, để thảo luận về đề nghị thách thức của Stone với Thống đốc New York Mario Cuomo. Stone, người làm việc trong góc tối của giới chính trị cánh hữu, bắt đầu sự nghiệp trong chiến dịch Nixon năm 1972. Trong cuộc đua năm ấy, ông này góp sức vào chiến dịch vận động cho đại diện của GOP là Pete McCloskey dưới bí danh “Jason Rainier” và “Liên minh Xã hội chủ nghĩa Thanh niên”.(3) McCloskey đã gây khó khăn cho Nixon trong cuộc bầu cử sơ bộ tại New Hampshire. Stone đã báo động cho cánh nhà báo về số tiền quyên góp như là bằng chứng cho thấy McCloskey có liên hệ với những người ủng hộ không đứng đắn. Năm 1987, Trump không quan tâm mấy đến việc chạy đua giành chức vụ, nhưng lại có hứng thú với lời đề nghị của Stone cho một quảng cáo trên báo dạng “thư ngỏ” nhằm thu hút sự chú ý.
(3) Nguyên tác: Young Socialist Alliance (ND).
Đầu tháng Chín, Trump bỏ ra hơn 90 ngàn đô la để mua bài quảng cáo nguyên trang trên các tờ The Times, The Bosten Globe, và The Washington Post. Dòng tiêu đề quảng cáo tuyên bố, “Chẳng có vấn đề nào về chính sách Quốc phòng Đối ngoại của Mỹ mà không thể giải quyết bằng một chút nghị lực”. Trong bài viết “Gửi đến người dân Mỹ”, Trump đặt nghi vấn về trách nhiệm quốc phòng của nước Mỹ ở châu Âu và châu Á, và ông tranh luận rằng Mỹ “nên ngừng chi trả cho việc bảo vệ những nước có đủ khả năng bảo vệ bản thân họ”. Ông nói thêm, “Hãy bắt Nhật Bản, Ả Rập Saudi và các nước khác trả tiền cho sự bảo hộ mà chúng ta mở rộng với tư cách đồng minh. Hãy giúp đỡ người nông dân, người đau ốm, người vô gia cư…”. Ông ta kết thư bằng một lời kêu gọi tập hợp: “Đừng để cho đất nước vĩ đại của chúng ta bị người khác cười nhạo nữa”. Trump không nói gì với những phóng viên đầu tiên gọi đến sau khi quảng cáo xuất hiện, nhưng sau đó lại thay đổi quyết định. Ông nói rằng mình không có ý định tranh cử chức vụ nào cả nhưng đã được trả tiền để lan truyền thông điệp bởi vì “Tôi đã chán ngấy khi chứng kiến nước Mỹ bị "cấu xé" bởi các nước khác”.
Xét đến thực tế rằng lời chỉ trích của Trump tạo ra làn sóng công kích đối với ngài Ronald Reagan kính yêu của họ, quảng cáo ắt hẳn đã khiến những người ủng hộ Đảng Cộng hòa lên tiếng phản đối nếu họ tin rằng Trump là một nhân vật chính trị nghiêm túc. Tuy nhiên, không ai tin điều đó, và vì thế chẳng ai có phản ứng gì. Những bình luận của ông đã đẩy sự chú ý của giới báo chí đáng giá hơn mức 90 ngàn đô la vào một người sắp xuất bản một cuốn sách. Sau khi quảng cáo xuất hiện, các tờ báo khắp đất nước công bố tin tức về lợi ích chính trị của vị doanh nhân New York khoa trương. Sau đó trợ lý điều hành của Trump, Norma Foerderer, nhận được cuộc gọi từ Michael Dunbar, một nhà hoạt động chính trị cho Đảng Cộng hòa ở Portsmouth, New Hampshire. Ông này nói muốn gặp “Ông Trump” để bàn chuyện chính trị.
Là sân nhà của cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên giữa các đảng, vai trò của New Hampshire trong hoạt động chính trị tranh cử tổng thống lớn đến mức một nhân vật thứ yếu như Michael Dunbar lại nắm trong tay sức ảnh hưởng đáng kể. Nhiều ngày sau lời yêu cầu qua điện thoại của mình, Dunbar có mặt ở Trump Tower, nơi ông rất vui lòng khi phát hiện ra rằng người không phải ứng viên yêu thích của mình “không hề đối xử với tôi như một gã quê mùa đến từ New Hampshire”. Dù quên không hỏi liệu Trump có muốn tranh cử vào chiếc ghế tổng thống hay không, Dunbar đã quay trở lại Bang Granite và đặt một số đồ dùng văn phòng phẩm mới với chữ Draft Trump màu đỏ in trên bề mặt. Ông thu thập tiền quyên góp và đến gặp những người lãnh đạo của Câu lạc bộ Rotary địa phương nhằm đề nghị họ mời Trump đến phát biểu. Câu lạc bộ đồng ý và sắp xếp cho Trump một chuyến viếng thăm trước lễ Tạ ơn.
Trump bay đến New Hampshire vào tháng Mười, chiếc trực thăng màu đen hạ cánh xuống đường băng trong một thị trấn dọc bờ biển của Hampton. Dunbar đang chờ ông với chiếc Limo thuê, sau đó chiếc xe thẳng tiến hướng bắc trên con đường US Route 1 đến một nhà hàng ven đường tên Yoken’s. Được đánh dấu bằng tấm bảng hiệu neon hào nhoáng miêu tả một con cá voi đang phun nước và dòng chữ Thar she blows!, Yoken’s cung cấp không gian và đồ ăn thức uống cho những cuộc họp định kỳ của Câu lạc bộ Rotary. Hàng trăm thành viên câu lạc bộ Rotary và bạn bè đã lấp đầy mọi chỗ ngồi trong nhà hàng, cùng với nhiều phóng viên đến săn tin. Nhiều người mô tả buổi biểu diễn bốn mươi phút của Trump như một vở hài kịch hơn là một đường lối hành động. Ông ta nói rằng sự thâm hụt ngân sách của Tổng thống Reagan nên được giải quyết bằng cách thu một loại thuế nào đó ở các nước đồng minh. “Nhiều quốc gia bên ngoài, những nước đáng lý ra phải là đồng minh của ta, đã "cấu xé" và khiến nước ta hao tổn rất nhiều. Tại sao ta không thể có một phần tiền của họ? Tôi không có ý nói các vị phải đòi hỏi điều đó. Nhưng để tôi nói, thưa quý vị, chúng ta có thể yêu cầu theo một cách khiến họ phải đưa tiền cho mình – nếu đúng người lên tiếng”. Sự mất cân bằng trong giao thương giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản nên được tiếp cận với một lập trường đàm phán cứng rắn hơn, Trump tiếp lời. “Người Nhật, khi thương lượng với chúng ta, khuôn mặt họ lộ vẻ phiền muộn. Nhưng khi cuộc thương lượng kết thúc, tôi tin là – dù chưa từng nhìn thấy – họ cười như được mùa”.
Không có tiếng trống gõ nhịp, vài câu nói của Trump bị trật mục tiêu, nhưng ông vẫn tiếp tục truyền tải. Nhà Trắng cần một người cứng rắn, ông ta nói, bởi vì trên thế giới đầy rẫy những đối thủ khó nhằn. “Quý vị nghĩ [Lãnh đạo Xô viết Mikhail] Gorbachev là người cứng rắn à? Hãy nghĩ đến nhân vật Khomeini này mà xem”, ông nói về Ayatollah Ruhollah Khomeini của Iran. “Ý tôi là cái gã đáng ghét này là kiểu mà chưa ai thấy bao giờ. Hắn ta khiến cho Gorbachev trông như trẻ con. Và Gorbachev là kẻ khá cứng rắn đấy”. Sau đó Trump trở nên nghiêm trang, và nói thêm, “Nếu văn phòng chính phủ không tìm được người phù hợp, trong bốn năm tới quý vị sẽ nhìn thấy một tai họa diễn ra trên đất nước này mà quý vị chẳng thể tin vào mắt mình, và khi đó quý vị sẽ cầu xin người phù hợp xuất hiện”. Đám đông nhiệt liệt hoan hô Trump. Một người phụ nữ nói với phóng viên tờ New York Times rằng ông ta sở hữu “thứ thuốc kích dục” chính là quyền lực. Một người khác ghi nhận rằng ông ấy đã thu hút được một đám đông lớn hơn nhiều so với các chính trị gia thật sự, như Thượng nghị sĩ Robert Dole và Hạ nghị sĩ Jack Kemp.
Bất kỳ ai chăm chú lắng nghe hẳn sẽ đi đến kết luận rằng Trump không phải là một ứng cử viên thật sự. Ông ta tuyên bố, “Tôi có mặt ở đây không phải vì tôi đang tranh cử tổng thống. Tôi ở đây là vì tôi đã chán nhìn thấy đất nước ta bị đối đãi không ra gì và tôi muốn truyền tải suy nghĩ của mình”. Ông cũng có mặt ở đó, tại cuộc họp của Câu lạc bộ Rotary ở Portsmouth, để mang đến điều gì đó thú vị cho đoàn quay phim chương trình 20/20 của đài truyền hình ABC TV. (Tên chương trình ám chỉ tầm nhìn hoàn hảo, chứ không phải sự thấu hiểu, và chương trình nổi tiếng vì đã cho khán giả thấy nhiều hơn đôi chút về cuộc sống của những đối tượng nổi tiếng.) Nhiều tuần sau đó, người dẫn chương trình 20/20 là Barbara Walters, người đã tham gia vào mạng lưới xã hội của Trump, đối đãi với ông như kiểu Judy Klemesrud trước mắt khoảng một triệu khán giả trên toàn quốc. Lời tường thuật của bà bắt đầu với, “Nhìn kìa, tít trên trời cao! Một chú chim! Một chiếc máy bay! Không, đó là chiếc trực thăng Aérospatiale Pháp trị giá mười triệu đô la của ông trùm Donald Trump, đang tiến đến sân bay trực thăng ở Đường số 16 để đón vị doanh nhân tỷ phú 42 tuổi và nhanh chóng đưa chúng ta đến xem qua một phần trong đế chế không ngừng mở rộng của ông ấy”.
Sự thán phục của Walters như được thể hiện qua tựa đề “Người đàn ông có tất cả mọi thứ”, chính là kiểu phim ảnh khiêu dâm kích thích người xem bằng hình ảnh những khối bất động sản đáng giá cùng với lời dẫn chuyện thủ thỉ rằng “gia đình Trump luôn được đối xử như hoàng gia Hoa Kỳ”. Phô trương lối sống giàu có của cả gia đình là cách quảng cáo ông đang trở thành con người thương hiệu. Dinh thự, du thuyền, máy bay và xe Limo của ông ta thúc giục người khác mua bất cứ thứ gì ông đang bán, từ căn hộ phô trương đến cuốn sách bìa cứng, và cùng ông ta gia nhập vào thế giới xa hoa. Dù thường nói mình có liên hệ tốt nhất với “các công nhân xây dựng và tài xế lái taxi”, Trump hiểu ý Barbara Walters muốn nói gì khi dùng cụm từ “hoàng gia Hoa Kỳ”.
Có thể nước Mỹ đã được thành lập trong cuộc nổi loạn chống lại chiếc vương miện, nhưng người dân vẫn cần đến hoàng tử và công chúa, đức vua và hoàng hậu, dù chỉ để thỏa mãn mong muốn giải trí. Ở Hoa Kỳ, nơi mà tiền bạc đã thay thế những tước hiệu được thừa hưởng như là con đường dẫn đến tầng lớp quý tộc, mỗi ngày người dân có thể hồi hộp với khả năng họ sẽ trở nên giàu có và gia nhập vào giới thượng lưu. Hy vọng này khiến người ta dễ dàng ngưỡng mộ Trump, ngay cả khi ông ta nói những lời lẽ khó nghe. Ông đã được “phong tước”, nhờ vào tiền của của mình, và bất kỳ ai đạt được nhiều thành tựu như vậy rồi cũng sẽ được phong tước.
Những vương giả Hoa Kỳ được phong tước không có quyền cai trị trực tiếp, nhưng sự giàu có cho phép họ mua chuộc các luật sư, người vận động hành lang, chính trị gia, và những công chức khác, chính những người này giúp họ áp đặt nguyện vọng của mình lên người khác. Họ cũng nhận được sự chú ý từ nhiều cận thần, người khiến cho cái tôi của họ trở nên lớn hơn nữa với những lời đồng thanh tán thành. Trong trường hợp của Trump, phần lớn những tiếng nói ủng hộ quan trọng nhất bắt nguồn từ các phương tiện truyền thông đại chúng, và các kênh này thường xuyên quả quyết với độc giả, thính giả và khán giả rằng họ có thể tin tưởng vào phẩm chất ưu việt của những giám đốc điều hành, doanh nhân và nhà đầu tư hàng đầu. Sự vượt trội này minh chứng cho khoảng cách ngày càng lớn dần giữa người siêu giàu và những người khác.
Tin tức về lối sống của những người giàu có và nổi tiếng đã gây xao nhãng và khiến người ta không còn chú ý đến việc tầng lớp trung lưu đang biến mất nhanh chóng như thế nào trong thập niên 50 - 60. Ổn định suốt 30 năm, sự bất bình đẳng về thu nhập bắt đầu tăng mạnh vào năm 1980 khi những người giàu có nhất nước Mỹ nắm giữ nhiều hơn lượng tài sản được tạo ra từ nền kinh tế và những người công nhân chỉ vừa đủ sức theo kịp lạm phát. Mức thuế đánh vào tiền vốn thu được từ các khoản đầu tư đã bị giảm bớt, và tiền lương của giám đốc điều hành ở các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng từ 42 lần so với mức lương nhân viên thông thường trong năm 1980 lên đến gấp 85 lần trong năm 1990. Trong cùng thập kỷ đó, số lượng tỷ phú người Mỹ tăng từ 12 lên đến gần 100 người. Số người Mỹ có khối tài sản lớn hơn 100 triệu đô la tăng gấp ba lần, lên đến con số 1.200 người. Với những người Mỹ thuộc hàng giàu có bậc nhất này, đầu tư chứng khoán, trái phiếu, và bất động sản cao cấp, chuyên môn của Trump, là nguồn tiền chắc chắn nhất. Ở New York, nơi mà các triệu phú Phố Wall tranh đua với giới nhà giàu trên toàn thế giới để mua những căn hộ chất lượng, giá cả tăng lên và Trump thu về những món lời.
Tuy chỉ là triệu phú, nhưng Barbara Walters lại là một nữ hoàng truyền thông, bà đã tận dụng sự đồng ý của ABC News khi nghiêm túc hỏi Trump rằng, “Nếu được bổ nhiệm làm tổng thống, và không phải tranh cử, ông có muốn trở thành tổng thống không?”. Ông ta rụt rè trả lời rằng được bổ nhiệm trở thành người đứng đầu thế giới tự do có lẽ chẳng mấy hấp dẫn bởi vì nếu như vậy ông sẽ không có cảm giác thỏa mãn của việc chiến thắng cuộc bầu tử. Trump kết lời, “Đó là chuyến đi săn mà tôi tin rằng mình rất thích thú”.
Chương trình 20/20 hé lộ tiểu sử của Trump được phát sóng vào cùng ngày mà cuốn sách của ông được bán ra thị trường. Không nghi ngờ gì nữa, sự tính toán thời gian này đã được sắp xếp như một điều kiện cho phép Walters tiếp cận đối tượng hào nhoáng của mình. Các mạng lưới truyền hình khác có lẽ cũng tìm đến cách tiếp cận này, khi các bài phỏng vấn độc quyền được kêu gọi, nhưng Walters là người có được lợi thế thực sự trong cuộc cạnh tranh. Là con gái của ông bầu giới giải trí, thủ thuật của bà chính là chương trình tiểu sử tính cách trình bày quan điểm về những người nổi tiếng mà chủ yếu là tán dương. Bà có thể khiến đối tượng khóc lóc bằng một cách khơi dậy cảm xúc khéo léo, nhưng với tư cách là một tay chơi xảo quyệt trong nền kinh tế của sự nổi tiếng này, bà chẳng dại gì phơi bày quá nhiều thông tin về những người mà mình phỏng vấn. Thật vô nghĩa khi mạo hiểm những cơ hội tiếp cận đáng giá sau này.
Bốn ngày sau khi chương trình 20/20 được phát sóng, Phil Donahue giới thiệu Trump trước hàng triệu khán giả của chương trình trò chuyện buổi chiều của mình. Một khán giả ở Saddle River, New Jersey, quá ấn tượng trước những gì nhìn thấy trên ti vi đến mức bà ta cam đoan phải kể về phần trình diễn của Trump cho chồng mình nghe. Một tuần sau, người chồng ký một bức thư đánh máy ngắn được gửi trực tiếp đến Trump Tower:
Gửi ông Donald
Tuy tôi không xem, nhưng bà nhà kể với tôi rằng ông rất tuyệt trong chương trình của Donahue.
Như ông có thể hình dung, bà ấy là chuyên gia về chính trị và bà đoán rằng bất cứ khi nào ông quyết định tranh cử, ông sẽ là người chiến thắng!
Chúc ông những điều tốt đẹp, Trân trọng,
RMN(4)
(4) Bức thư lịch sự của Nixon gửi đến Donald Trump.
Khi bắt đầu đánh giá, hầu hết mọi người thấy cuốn sách của Trump dễ đọc và cuốn hút. Được xây dựng bố cục như câu chuyện về “một tuần trong cuộc sống”, cuốn sách cũng, theo lời Christopher Lehmann-Haupt, “thể hiện cái tôi to lớn của tác giả”. Trong các trang sách, Trump chỉ ra những phẩm chất cá nhân đã giúp ông ta trở nên giàu có hơn cả trong mơ, và ông ta miêu tả bản thân như một người thương lượng không ai sánh bằng. Ông thậm chí còn cố gắng tiêm nhiễm vào đầu độc giả ý nghĩ rằng tiền bạc không hề quan trọng với ông ta. “Tôi không làm điều này vì tiền” là câu mở đầu trong cuốn sách. “Tôi đã có đủ rồi, thậm chí còn nhiều hơn mức cần thiết”. Đó là một tuyên bố đáng ngờ, nếu không nói là không thể. Nhưng cũng như Lehmann-Haupt ghi nhận, trong phần lớn cuốn sách, Trump đã tự tâng bốc bản thân mà không làm cho lời lẽ trở nên quá khó nghe. Đúng vậy, ông có khoe khoang, nhưng cũng nhận thấy thiếu sót của mình (ông ta đã chọn ra những thiếu sót mà về cơ bản là vô hại) và dụ dỗ độc giả bằng những đoạn văn chân thành về gia đình và đối tác kinh doanh. Kết quả là, nhà phê bình ghi nhận, “như một câu chuyện cổ tích”, nhưng đồng thời là một cuốn sách giải trí và truyền cảm hứng.
Trump: The Art of the Deal nằm trong nhiều danh sách bán chạy khác nhau suốt hàng tháng trời và cho thấy người được xem là tác giả cuốn sách là một nhà quảng cáo vô địch. Ông viết trong sách, “Nói quá một chút chẳng hại gì ai. Tôi gọi đó là lời cường điệu chân thật. Đó là một hình thức phóng đại vô hại và là một chiêu quảng cáo vô cùng hiệu quả”. Trong nỗ lực bán cuốn hồi ký của mình, cách thức quảng cáo nói quá của Trump chứa quá nhiều tuyên bố phóng đại đến mức người ta gần như không thể theo dõi hết. Nhưng ông ta không cần phải thổi phồng về bữa tiệc ông tự tổ chức cho chính mình ở Trump Tower. Hàng ngàn người đứng tràn khắp tiền sảnh tòa nhà khi 20 nghệ sĩ vĩ cầm chơi đàn và người tổ chức thi đấu quyền Anh Don King, khoác lên mình bộ áo lông chồn dài chạm đất, liên tục thét lên, khi Donald và Ivana tiến đến, “Đức vua và hoàng hậu giá lâm!” Khi bình luận, Trump hết lòng khen ngợi nhà xuất bản và cộng tác viên của mình, Tony Schwartz, và cam kết sử dụng tiền nhuận bút vào mục đích từ thiện. Schwartz nói rằng ông ấy sẽ giữ lại phần của mình.
Schwartz và Trump đại diện cho đẳng cấp cao nhất của thể loại tự truyện đang nổi lên. Mở đầu với cuốn sách bán chạy nhất năm 1984 của giám đốc điều hành xe ô tô Lee Iacocca, với tựa đề Iacocca, những cuốn sách này có giá trị hạn chế đối với công chúng và hiếm khi đưa ra cái nhìn sâu sắc. Trong cuốn sách viết về Trump, Schwartz nói, “Những điều tôi viết, nhìn bề ngoài không có gì là giả dối. Nhưng có rất nhiều cách để hiểu”. Đây là một cách an toàn để miêu tả quá trình tạo ra yếu tố thần thoại trong cuốn sách mà một lần nữa tuyên bố Ivana Trump là vận động viên trượt tuyết của Thế vận hội Olympic và thổi phồng chi phí bảo tồn những họa tiết trang trí của tòa nhà Bonwit Teller, mà Trump đã chọn cách phá hủy, lên đến hàng trăm ngàn đô la. Nhưng cũng như phóng viên của các trang xã hội, nhà phê bình sách không phải là người kiểm tra dữ kiện, và những hồi ký của người nổi tiếng che dậy đưa ra sự thật không tô vẽ, mà chỉ là phiên bản hào nhoáng của hiện thực mà thôi. Cuốn sách này đã được thực hiện một cách tốt nhất với những tiết lộ được tô vẽ khéo léo về những thiếu sót và khuyết điểm vốn không quan trọng hoặc đã được khắc phục.
Những tiết lộ cá nhân trong Art of the Deal không hề nhắc đến bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Donald Trump yếu lòng trước sự quyến rũ của phụ nữ đẹp, mặc dù ông quả thật là người như vậy. Cuối cùng ông ta cũng thừa nhận điểm yếu này, cùng những rắc rối mà nó gây ra. Nhưng ông không cần phải chỉnh sửa bất cứ điều gì mình viết về sự gắn bó với gia đình. Trump thật sự là một ông bố đầy tình yêu thương, người thường ở trong văn phòng chỉ đạo công việc trong khi con cái chơi đùa trên sàn. Ông cũng rất coi trọng sự bền vững của hôn nhân, như nó đã được thể hiện trong cuộc đời của bố mẹ ông. Khi Fred Trump giải thích về cách quyền lực vận hành, ông ấy cũng đồng thời chỉ cho con trai thấy rằng sự ủng hộ của vợ và gia đình – qua những lúc đau ốm, mất mát, thành công, và tai tiếng – là điều thiết yếu cho thành công của ông.
***
Trong đám đông chen lấn nhau tại bữa tiệc sách của Trump, có hai người gần như không ai để ý đến, đó là Tom Fitzsmimmons và Marla Maples, người đến dự tiệc vì sự nài nỉ của đại diện phát ngôn Chuck Jones của mình. Theo lời kể của Jones, ông cố gắng hết sức giới thiệu Maples với những người có thể giúp cô tìm được công việc liên quan đến diễn xuất và thậm chí là đưa cô đến California để dự chương trình Daytime Emmy Awards(5), nơi mà những người thực hiện các vở kịch truyền hình, chương trình trò chuyện và trò chơi truyền hình thi đua với nhau để được công nhận. Ông hy vọng cô ấy có thể thu hút vài sự chú ý và, có lẽ, tìm được một công việc gì đó. Ông cũng gây áp lực khiến cô phải tham dự sự kiện sách và bữa tiệc mừng khai trương lại nhà hàng Rainbow Room nổi tiếng nằm cách tầng cao nhất của tòa nhà RCA ở Trung tâm Rockefeller năm tầng lầu.
(5) Tạm dịch: Giải thưởng Emmy ban ngày (ND).
Đóng cửa suốt hai năm để các thợ tu sửa làm lại tất cả mọi thứ từ sàn nhà cho đến bóng đèn màu, Rainbow Room là phần được coi trọng nhất của New York kể từ khi nhà hàng khai trương vào năm 1934 như một câu lạc bộ khiêu vũ và ăn khuya cho giới nhà giàu. Qua nhiều năm, nó đã từ một môi trường sang trọng và riêng biệt, nơi mà Astors có thể tình cờ chạm mặt Roosevelts, trở thành một nơi mà bất cứ ai có khả năng chi trả đều được chào đón. Danh sách khách mời cho bữa tiệc đánh dấu sự kiện nhà hàng quay trở lại hoạt động phản ánh một chuyển biến trong bối cảnh xã hội. Quý bà Brooke Astor vĩ đại và được kính trọng nằm trong danh sách ấy, cũng như nhiều người mà danh tiếng đến từ tài năng như chính trị gia, người làm trong giới giải trí, và doanh nhân của họ. Khi bữa tiệc trở nên sôi nổi, Thị trưởng Koch giảng cho những người bán thuốc lá, đầu đội chiếc mũ tròn nhỏ màu hồng không vành, về tác hại của thuốc lá. Leona Helmsley nhìn ra ngoài cửa sổ và hỏi, “Ông thấy tòa nhà của chồng tôi thế nào?”. Donald Trump dạo bước đi vào phòng cùng Ivana ở cạnh bên, đảo mắt nhìn quanh không gian đã được nâng cấp, và nói bâng quơ, “Tốt lắm”.(6)
(6) Ron Alexander, “From Astor to Minnelli, Greetings to the Rainbow Room” (Từ Astor đến Minnelli, Lời chào gửi đến nhà hàng Rainbow Room), New York Times, ngày 10 tháng 12, 1987, B1.
Đứng bên hông sân khấu, nơi Lionel Hampton chỉ đạo dàn nhạc của mình, Jones và Maples quan sát đám đông. Jones nhận ra khi nào Trump bước vào và ông bảo đảm Maples cũng nhận thấy điều đó. (Về sau cô tự hỏi không biết khi ấy liệu Jones có hy vọng cô sẽ giúp ông ấy tiếp cận Trump hay không.) Đó là một khung cảnh mờ ảo thanh lịch của những quý ông trong bộ Tuxedo và các quý bà trong chiếc đầm dạ hội. Tại bàn buffet dài, khách mời chọn món từ chim cút rút xương đặt trên cải xoong, sò điệp nguyên vỏ, và cá vược với kem trứng tôm hùm,…
Khi Maples nhớ lại, trợ lý lâu năm Norma Foerderer của Trump đã gọi điện cho cô sau sự kiện Rainbow Room để nói rằng ông chủ của Foerderer, một người đàn ông đã lập gia đình và có ba người con, mời cô đến dùng bữa trưa tại Khách sạn St. Regis. Sau nhiều cuộc điện thoại nữa, cuối cùng cô nàng cũng đồng ý. Ngày hẹn là ngày 19 tháng 12.
Bữa trưa kéo dài năm giờ đồng hồ. Trong khoảng thời gian đó, Maples và Trump bàn luận về công việc và gia đình của ông, về gia đình của cô, về quan điểm của họ về tôn giáo, cùng với những chủ đề khác. Dù cảm thấy thoải mái như thể đang ngồi với một người bạn lâu năm, Maples vẫn gọi ông là “ông Trump”. Ông ta giới thiệu cô với những người vô tình ngồi gần bàn họ và, trong đoạn quan trọng nhất của cuộc hội thoại, khăng khăng rằng cuộc hôn nhân của mình gần như chấm dứt.
Vào thời điểm đó, phần đông dân Mỹ đều biết rõ về đời sống tình cảm của Donald Trump, nhờ vào báo lá cải. Nhưng Maples nói rằng bữa trưa kéo dài của hai người ở khách sạn St. Regis đánh dấu một khoảnh khắc khi mà mối quan hệ giữa cô và Trump hoàn toàn riêng tư và chưa xác định rõ. Cô nói với Trump rằng mình sẽ không tiến đến mối quan hệ với một người đàn ông mà cuộc hôn nhân của ông ta vẫn còn có thể cứu vãn. Theo lời Maples, ông trả lời rằng việc ly hôn là không thể tránh khỏi. Trên thực tế, phải một, hai năm sau thì mối quan hệ giữa Donald và Ivana mới chấm dứt. Những trang trong sổ ghi lịch hẹn của Maples, mà Jones đã lấy và sao chép, có một dòng ghi rằng, “Mình không muốn là một vật gì đó để xua đuổi sự buồn chán!”.
Xét đến tính điên cuồng trong các hoạt động của Donald Trump, khó mà tưởng tượng một lúc nào đó ông cảm thấy buồn chán. Trong khi điều hành các tòa nhà thương mại và khách sạn danh tiếng, ông cũng dốc sức phát triển những dự án mới. Thêm vào đó, ông cũng gặp khó khăn với việc “tiêu hóa” những thỏa thuận mà mình đã đồng ý để giành lấy Taj Mahal và Khách sạn Plaza, nơi ông giao cho Ivana phụ trách. Tuy nhiên, không lâu sau ông ta lại bắt đầu theo đuổi vụ mua bán tuyến đường bay ngắn của Eastern Airline, nối liền Thành phố New York với cả Washington và Boston. Ông quan tâm sâu sắc đến dòng tiền của tuyến đường bay ngắn, mà sẽ vô cùng lớn nếu xét đến thực tế nhiều chuyến bay lúc nào cũng chật kín hành khách, những người trả tiền mua vé đi ngay với mức giá cao nhất.
Sau nhiều năm thua lỗ – số tiền thâm hụt lên đến hơn 180 triệu đô la vào năm 1987 – toàn bộ hoạt động của hãng hàng không, trải dài khắp Hoa Kỳ và gồm các tuyến bay đến Caribbean và Nam Mỹ, những người quản lý của Eastern cần tiền. Bộ phận duy nhất làm ra lợi nhuận của công ty, đó là tuyến đường bay ngắn sở hữu các cổng ra vào quan trọng ba sân bay bận rộn, nơi mà các hãng hàng không khó lòng bổ sung thêm chuyến bay vì thiếu không gian cho máy bay hạ cánh. Dù hiểu biết rất ít về hàng không, đến mức ông từng so sánh công việc lái máy bay của người anh trai quá cố với việc lái xe buýt, nhưng Trump nhìn thấy những cổng đó như khối bất động sản mà ai cũng ham muốn. Khả năng mà LaGuardia, Logan, và sân bay quốc gia xây thêm cổng như vậy là rất thấp, vì thế giá trị của các lối ra vào này chỉ tăng dần theo thời gian.
Thương lượng trực tiếp với Frank Lorenzo, người đứng đầu công ty cổ phần của Eastern, Trump nhanh chóng chấp nhận rằng cái giá cho tuyến bay ngắn sẽ vượt qua con số 300 triệu đô la. Mức giá này, cùng với viễn cảnh chồng mình sẽ quản lý một hãng hàng không bên cạnh các hoạt động kinh doanh khác, đã khiến Ivana Trump không khỏi bận lòng. Bà đã nhận thấy chồng bị khó ngủ về đêm và không thể hình dung được ông ấy sẽ giải quyết gánh nặng mới này như thế nào. Ivana cũng lo ngại rằng lợi nhuận từ việc kinh doanh sòng bạc mà bà đang quản lý có bị uổng phí khi dùng cho việc mua lại tuyến đường bay ngắn. Nhưng khi bà nêu lên mối lo lắng của mình, việc đàm phán vẫn tiếp tục, và cuối cùng thỏa thuận đã hoàn thành với số tiền 365 triệu đô la.
Khi thông báo về việc mình đã mua lại tuyến đường bay ngắn tại buổi họp báo tổ chức tại Khách sạn Plaza, Trump cũng tiết lộ rằng ông đặt tên dịch vụ này là Trump Shuttle. Sau đó không lâu, tất cả máy bay đều được sơn một chữ TRUMP bằng vàng, và nội thất được trang trí với lớp gỗ bọc bên ngoài, ghế da, và vật dụng trong nhà vệ sinh được mạ vàng. Tất cả mọi thứ được thực hiện từ khoản nợ 380 triệu đô la (365 triệu cho khối tài sản của Eastern và 15 triệu cho việc tân trang lại các trang thiết bị), do Citibank sắp xếp và sau đó chia ra cho 20 ngân hàng khác. Để hoàn thành nghĩa vụ chi trả, chưa kể đến việc tạo ra dòng tiền dương, Trump cần phải chiếm được ít nhất 60% hoạt động kinh doanh giữa Boston - New York - Washington, điều này nghĩa là đánh bại đối thủ là dịch vụ bay ngắn Pan Am.
***
Với hãng hàng không, sòng bạc, bất động sản và khách sạn, Donald Trump không cần đến những trò giải trí tiêu khiển, nhưng ông vẫn duy trì điều đó với Marla Maples. Đồng thời, ông cũng nhìn thấy một số phần tử trong giới báo chí chống đối mình theo cách chắc chắn sẽ gây tổn thương cho gần như bất kỳ ai. Một tạp chí mới tên là Spy, do Graydon Carter, Thomas Phillips và Kurt Andersen thành lập, thường xuyên nhắm vào ông. Có thể so sánh Spy với cuốn tiểu thuyết cột mốc của Tom Wolfe, Bonfire of the Vanities, theo cách nó chỉ trích xã hội New York và nhóm thượng lưu tài chính. Cuốn sách của Wolfe quan sát những kẻ tham lam và ái kỷ của thời đại với ánh mắt thản nhiên. Nhân vật chính trong đó là một người giàu có, tự gọi mình là “Ông chủ của vũ trụ” mà rất có thể tác giả đã lấy hình mẫu từ Donald Trump. Về phần mình, Spy là lời giải thích hàng tháng về những người màu mè, giả vờ, và những“ông hoàng trần truồng” của New York thập niên 80.
Đầu năm 1988, biên tập viên của Spy đã yêu cầu một bài viết về Ivana Trump, đây chính là nguyên nhân khiến cho luật sư của Trump gửi thư cảnh báo về một vụ kiện tụng “nhanh và nghiêm trọng” nếu có bất kỳ thông tin không chính xác hoặc làm mất danh dự nào. Tháng 10 năm 1988, Joe Queenan của tờ tạp chí đã biến Donald Trump trở thành một trong nhiều trường hợp nghiên cứu khác nhau trong một chuyên mục với tựa đề “Tại sao người xấu lại gặp chuyện tốt?”. Tìm kiếm câu trả lời, Queenan gọi điện cho Rabbi Harold Kushner, tác giả cuốn When Bad Things Happen to Good People, người nói rằng Trump hoặc là một doanh nhân lương thiện và có động lực, hoặc là một “kẻ xấu xa” mà “một lúc nào đó sẽ tự vấp ngã”. Ở trang tiếp theo, tờ tạp chí gửi đến độc giả một phóng sự ảnh với nhan đề “Thế giới xấu xí của Ngài Trump”.
Đáp lại tờ Spy và sau đó là các bài báo do Carter đăng trên những tạp chí khác, Trump gắn thêm chữ sleazebag (ti tiện) vào tên của Graydon Carter mỗi lần thốt ra cái tên đó. Ông ta cũng kể với Liz Smith, người phụ trách chuyên mục tán chuyện của tờ Daily News rằng ông tin tạp chí Spy đang gặp khó khăn về tài chính. Smith thuật lại với độc giả rằng bà đã khiển trách “ông trùm đẹp trai, người mà tôi rất có cảm tình”, vì nói xấu người khác. Trong cái vòng lẩn quẩn mà những lời bình luận có thể trở thành thông tin đáng để đưa lên mặt báo khi nó liên quan đến giới báo chí, các biên tập viên của Spy sau đó đã “tái chế” lại tin này trên trang báo của chính họ. Theo cách đó, lời nói chuyện vẩn vơ tại một bữa tiệc đã trở thành đề tài cho công chúng bàn tán, không chỉ trong một mà đến hai lần ấn hành. Đây là rủi ro mà bất kỳ ai cũng phải chấp nhận với cánh báo chí. Một lời nhận xét tản mạn được công bố trên báo, rồi lại được đưa lên một tờ báo khác, và chẳng mấy chốc bạn sẽ thấy mình đối đầu với giới truyền thông.
Trump không ngần ngại dùng đến giấy mực khi thấy tình thế bắt buộc. Ông sẵn sàng đầu tư vào những trang quảng cáo lớn để thông báo rằng mình đã mua lại Khách sạn Plaza và đồng thời bày tỏ quan điểm về chính sách đối ngoại. Trump có kinh nghiệm giành được sự quảng bá miễn phí đến mức gần như có thể điều khiển sự chú ý của báo chí theo ý mình. Đầu năm 1989, các ký giả tờ Time dành hàng giờ đồng hồ với ông nhằm viết ra một câu chuyện trang bìa đầy những trích dẫn gây khó chịu từ chính miệng ông. Cây bút Otto Friedrich mở đầu với tuyên bố của Trump rằng Nữ hoàng nước Anh Elizabeth, người đến Mỹ lần cuối là vào năm 1983, đã yêu cầu sử dụng trực thăng của ông khi bà “bay trên đất nước này” bởi vì đó là chiếc máy bay an toàn nhất. Sau đó Trump còn quả quyết, “Không ai ở New York làm nhiều hơn tôi”, và tuyến đường bay ngắn Eastern là “vụ nhượng quyền vĩ đại nhất thế giới”.
Cùng với những khẳng định lạ lùng, Trump cũng giải thích ngắn gọn sự thành công trong kinh doanh và sự khác biệt trong cách tiếp cận bất động sản giữa ông và bố mình: “Bán một căn hộ cho Johnny Carson hay Steven Spielberg với giá bốn triệu đô la thì dễ hơn nhiều so với thu vài đô tiền thuê nhà ở Brooklyn”. (Ông ta không hề đề cập đến việc gần đây Carson đã bán đi căn hộ của mình và rất giận dữ vì đã thua lỗ trong vụ đầu tư.)
Friedrich trích lời Trump khi ông ta thừa nhận rằng ông sở hữu điều gì đó nhờ vào tài năng thuyết phục người khác của một kẻ lừa bịp. “Tôi có thể ngồi cùng với những người sành nghệ thuật nhất New York và trò chuyện vô cùng thân mật với họ. Nếu muốn, tôi có thể thuyết phục họ tin rằng tôi cũng biết nhiều về điều gì đó như họ, mà trên thực tế thì không”. Khi được hỏi đã thực hiện mưu mẹo này như thế nào, Trump trả lời, “Đó là cảm giác, là khí chất mà anh tạo ra”.
Sinh ra ở Boston và được đào tạo tại Harvard, cây bút Friedrich của tờ Time là người vùng New England với ý thức đạo đức lạc hậu rõ ràng đã định hướng cho suy xét của ông về Donald Trump. Bài tiểu sử của ông bao gồm cả lời khiếu nại của một nhà thiết kế, người này nói rằng Trump đã mất đến hai năm để trả tiền thù lao cho anh ta, cùng câu chuyện của Der Scutt về tính tình vô cùng nóng nảy của ông ta. Scutt nhớ lại và kể rằng Trump đã làm hỏng đôi giày đắt tiền của ông khi đá một chiếc ghế từ phía bên này qua bên kia phòng họp sau khi nghe thông báo rằng dự án đang chậm tiến độ. “Mọi việc lúc nào cũng phải theo đúng ý ông ta”, Scutt cho biết. Friedrich đưa ra kết luận rằng Trump có thể trở thành Howard Hughes của thế hệ ông, “sống một mình trong căn phòng đơn”.
Lời ám chỉ Hughes có lẽ đã khiến Trump thấy bị xúc phạm (dù ông rất ngưỡng mộ ngài tỷ phú sống ẩn dật), nhưng điều đó không ngăn cản ông ta hoàn thành xuất sắc dự án để đời của mình – công trình xây dựng hình ảnh trước công chúng. Trong cuộc phỏng vấn tiếp theo với tờ Chicago Tribune, ông và Ivana đã mang đến một “phiên bản” Trump ấm áp và đáng mến hơn. “Ông ấy là tỷ phú của mọi người”, bà quả quyết. Ông ta thừa nhận, “Tôi có cảm giác tội lỗi vì cuộc sống của mình tốt quá. Tôi không cần đến 300 căn phòng. Tôi thậm chí còn chẳng hứng thú với tàu thuyền”. Nhưng ngay cả khi gắng sức thể hiện tư tưởng dân túy, ông đã yêu cầu và được giảm mười triệu đô la tiền thuế vẫn than phiền về chương trình kiểm soát giá thuê nhà khiến cho hàng ngàn người không dư dả có thể sống ở Manhattan: “Luật kiểm soát giá thuê nhà như vậy là không đúng, và người thua thiệt nhất là người dân New York, bởi vì tiền thu thuế của thành phố ít ỏi vô cùng”.
Tháng 4 năm 1989, Trump lại nhìn thấy cơ hội phát biểu suy nghĩ khi một phụ nữ trẻ da trắng, là giám đốc ngân hàng đầu tư, bị cưỡng hiếp và đánh bất tỉnh khi đang chạy bộ trong Công viên Trung tâm. Khi tin tức trên truyền thông làm chấn động cả thành phố và nạn nhân thì vật lộn để giành sự sống, cảnh sát tham gia vào một cuộc điều tra ráo riết và cuối cùng đã bắt giữ năm thanh niên da đen ở độ tuổi từ 14 đến 16, những người sau đó bị thẩm vấn suốt nhiều giờ liền. Cả năm thú nhận mình có liên can đến vụ việc, nhưng sau đó lại phủ nhận, nói rằng họ bị ép phải đưa ra lời khai giả. Những cây bút xã hội của tờ báo lá cải Post thôi thúc độc giả “tập trung cơn giận” bằng cách yêu cầu các nhà lập pháp khôi phục lại án tử hình. Donald Trump đã mua bài quảng cáo toàn trang trên bốn tờ nhật báo lớn của thành phố để tuyên bố, HÃY PHỤC HỒI ÁN TỬ HÌNH. HÃY KHÔI PHỤC LẠI LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT!
Mặc dù ông ta tránh không gọi tên các bị cáo trong vụ việc người phụ nữ chạy bộ, lời ám chỉ “những băng tội phạm ngông cuồng ở khắp nơi” của Trump khiến không ai nghi ngờ về lý do ông bỏ tiền ra mua các trang quảng cáo. Những bài tường thuật trên báo miêu tả các băng cướp giật trong công viên như “bầy sói”. Trump đồng thời cũng trực tiếp chỉ trích đối thù của mình là Thị trưởng Koch, người nói rằng người dân New York không nên để cho bản thân chìm đắm trong sự căm ghét và oán giận khi nghĩ đến cuộc tấn công. “Tôi không nghĩ vậy”, Trump viết. “Tôi muốn oán ghét những tên trấn lột và giết người đó. Ta nên buộc bọn chúng phải chịu đựng đau khổ, và khi giết người thì chúng nên bị tử hình vì tội ác của mình”.
Không bị cáo nào có liên quan đến bằng chứng ADN do các điều tra viên tìm thấy, nhưng cả năm cũng đã bị kết án và bắt đầu ngồi tù trong thời gian chưa đến 18 tháng. Tội ác này vẫn còn là một trong những vụ tai tiếng nhất trong suốt nhiều thế hệ. Việc Trump bộc lộ cơn giận của mình, vốn phản ánh cảm xúc của nhiều người, đã củng cố địa vị của ông ta như một nhân vật nắm giữ vị thế có một không hai trước công chúng. Bản năng của ông là dân túy và nhìn chung là bảo thủ. Với ngoại lệ là những lần nhắc đến trình độ học vấn Ivy League của mình, ông hầu như ưa chuộng kiểu phản tri thức theo suy luận thông thường sự bất bình của nam giới da trắng mà đại diện là nhân vật truyền hình Archie Bunker, một người cũng như Trump, xuất thân từ Queens và trình bày quan điểm với vẻ mặt nghênh nghênh tự đắc.
Donald bộc lộ chàng Archie trong mình vào mùa hè năm 1989 khi ông nói với người phỏng vấn trên truyền hình Bryant Gumbel rằng, “Một người da đen có học thức có nhiều thuận lợi trên thị trường việc làm hơn so với một người da trắng có học thức. Có lần tôi đã từng nói, ngay cả với bản thân mình, nếu phải bắt đầu hôm nay, tôi rất muốn trở thành một người da đen có học vấn vì tôi tin rằng họ thật sự có lợi thế”. Trong thế giới của những người đàn ông “da đen có học thức”, một số được lợi từ các chương trình hành động tích cực, nhưng chỉ có quan điểm thiển cận vào bậc nhất mới khiến ai đó đồng tình với Trump. Trong chương trình, nhà làm phim Spike Lee gọi phát biểu của Trump là “rác rưởi” bởi vì nó cho thấy sự ngu dốt về sắc tộc. Nhưng điều đó nghe như một sự thật mất lòng với nhiều người luôn khẳng định mình tử tế và không hề phân biệt sắc tộc bởi vì, cũng như Archie, họ có thể tôn trọng tất cả mọi cá nhân. Đối với họ, Trump và sự giàu có của ông ta – điều được cho là sản phẩm của nỗ lực kinh doanh táo bạo chứ không phải học tập từ sách vở – đại diện cho những gì tốt đẹp về nước Mỹ, và họ đón nhận bài phát biểu bộc trực của ông ta.
Cách tiếp cận của Trump phù hợp với một truyền thống lâu dài về lối nói khoa trương gây chia rẽ và cực đoan trong chính trị Hoa Kỳ. Những tuyên bố khiêu khích của Trump lúc nào cũng thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông, nhất là báo lá cải, nơi mà phong cách của ông phù hợp với những người viết tiêu đề. Dĩ nhiên, trong vài trường hợp hiếm hoi, Donald Trump cũng thích được ở một mình. Một trong những dịp như vậy diễn ra khi tờ Spy cuối cùng cũng tung bài báo về Ivana. Trang bìa của tờ tạp chí tháng đó là bức ảnh kích cỡ như thật của bà bị cắt xén chỉ cho thấy mắt, mũi, răng và đôi môi đánh son dưới ánh sáng sặc sỡ. Dù hoàn toàn đúng sự thật, bài viết lại đầy ý nhạo báng, vui nhộn, và tàn nhẫn. Bài báo được minh họa với hình ảnh Ivana như búp bê Barbie và đầy những câu chuyện vặt và lời trích dẫn. (“Bà ấy sẽ hét thật to và thực sự nổi ‘cơn tam bành,’” một nguồn tin cho biết.) Cây bút Jonathan Van Meter cũng mổ xẻ những lời xuyên tạc về quá khứ của Ivana và quả quyết bà ta cũng tham vọng và thích kiểm soát như chồng mình.
Bức chân dung có tính khinh miệt về Ivana trên Spy xuất hiện trên các sạp báo vào thời điểm cả hai vợ chồng đặc biệt dễ bị công kích. Quá nhiều tin đồn không chung thủy xoay quanh Donald Trump, người không hề che giấu sự thích thú của mình trước phụ nữ đẹp, nhiều đến mức một người phụ trách chuyên mục tán chuyện đã viết bài hé lộ về mối quan hệ giữa ông với Marla Maples. Khi bạn bè của Ivana có ý nói chồng bà đang phản bội, Ivana bỏ ngoài tai những lời đó. Sau khi bị chồng phàn nàn về ngoại hình, bà bay đến Bờ Tây để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Về phần Donald, áp lực trong gia đình vô cùng lớn, nhưng đó là một trong nhiều rắc rối do ông tự gây ra. Khi mua lại tuyến đường bay ngắn của Eastern và dành ra thêm hàng triệu đô la để trang bị cho nó chữ Trump mạ vàng, ông cũng bỏ ra một khoản chi phí đắt đỏ để nâng cấp Taj Mahal, mà ông đã đấu tranh giành lấy từ tay Merv Griffin với mức giá hơn 270 triệu đô la. Để chi trả cho quá trình xây dựng tốn kém của sòng bài, Trump quay sang bán cho Merrill Lynch 675 triệu đô la trái phiếu rác. Mức lãi suất cao của trái phiếu càng tăng thêm gánh nặng cho hoạt động kinh doanh sòng bạc.(7)
(7) Blair, Trumps (Gia đình Trump), 293–94; và Hurt, 243–44
Với quá nhiều các khoản vay doanh nghiệp với lãi suất cao, Trump cần tất cả mọi việc phải diễn ra trơn tru, nhất là với hãng hàng không và sòng bài khổng lồ mới của mình. Trong tay Eastern, tuyến bay ngắn đã có lời. Tuy nhiên, vì đã đặt gánh nặng lên hoạt động kinh doanh với quá nhiều khoản nợ khi mua lại nó, Trump buộc phải làm tốt hơn người chủ trước. Với những chiếc máy bay được nâng cấp, dịch vụ tốt hơn, và quảng cáo hấp dẫn, Trump đúng là đã thu hút nhiều khách hơn Eastern, nhưng doanh thu của ông ta vẫn không thể đạt nổi mức hòa vốn.
Khi hãng hàng không thua lỗ hết lần này đến lần khác, Trump lại đối mặt với nhiều vấn đề do mình gây ra tại công trường xây dựng Taj, nơi mà những thứ ông đặt hàng để nâng cấp sòng bài đã đẩy chi phí của dự án vượt qua con số một tỷ đô la. Sòng bạc trở thành một mớ hỗn độn của những tháp ở giáo đường Hồi giáo, mái vòm sọc, và bảng hiệu chớp nháy. Canh giữ cổng vào là hai bức tượng voi Ấn Độ theo đúng kích thước thật. Ở bên trong là hơn 100 bàn đánh bài và 3.000 máy đánh bài đón chờ khách. Dựa vào chi phí hoạt động do nợ nần, Trump cần những chiếc bàn và máy đánh bạc có cần gạt để tạo ra hơn một triệu đô la mỗi ngày. Tỷ lệ cho thấy điều này khó xảy ra.
Rất lâu trước khi sòng bạc Taj hoàn thành, một chuyên gia phân tích kinh doanh tên là Marvin Roffman đã đưa ra lời cảnh báo rằng Thành phố Atlantic đã có quá nhiều phòng đánh bài lớn và doanh thu lại không theo kịp lạm phát. Bảy trong số mười hai sòng bạc của thành phố đã thất thu vào năm 1988. Rắc rối vẫn tiếp diễn trong năm 1989, với việc Merv Griffin đẩy Resorts International vào chỗ phá sản và sòng bài Atlantic thì đóng cửa. Thị trưởng Thành phố Atlantic và hơn một tá những người thân cận đã bị bắt vì cáo buộc tham nhũng. Nạn thất nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực tiếp tục bao trùm cả thành phố khi những người bên ngoài gần như giành hết công việc ở sòng bài và lợi nhuận thì được chuyển đến cho các nhà đầu tư ở xa. “Thành phố Atlantic từng là một bãi rác”, Roffman phát biểu với tờ Los Angeles Times. “Giờ đây nó là một bãi rác với sòng bạc ở khắp nơi”. Sáu tháng sau, Roffman miêu tả toàn bộ hoạt động kinh doanh sòng bài ở Atlantic bấp bênh như một “tòa nhà xếp bằng những lá bài”.
Roffman phát biểu khi các nhà kinh doanh sòng bài trong khu vực còn choáng váng trước ảnh hưởng của vụ tai nạn máy bay trực thăng đã cướp đi mạng sống của ba vị giám đốc điều hành hàng đầu trong đế chế bài bạc của Trump. Stephen F. Hyde, Mark Estess, và Jonathan Benanav làm việc ở Manhattan và đang trên đường quay trở lại Atlantic. Nhân chứng cho biết cánh quạt ở đuôi máy bay đã gãy rời ra trước khi chiếc trực thăng đâm vào cánh rừng dọc Đại lộ Garden State. Viên phi công, Robert Kent, và bạn lái, Lawrence Diener, cũng không thoát khỏi. Với cương vị giám đốc điều hành toàn bộ hoạt động kinh doanh sòng bạc của Trump, “Hyde là thành tố quan trọng nhất tạo nên thành công của Donald Trump tại Thành phố Atlantic”, Roffman cho biết. Cái chết của Hyde không chỉ khiến cả gia đình, bạn bè và đồng nghiệp bàng hoàng, mà còn là một mất mát lớn cho các công ty mà ông đang làm việc. Không ai khác trong công ty có thể sánh ngang với kinh nghiệm hoặc tài năng của ông ấy.
Trong nội bộ tổ chức của Trump, lan truyền tin đồn về sự phá hoại có khả năng xảy ra, điều dường như cũng hợp lý với những người biết rằng ông chủ thỉnh thoảng nhận được những lời đe dọa chết người. John O’Donnell, một giám đốc điều hành khác ở sòng bài của Trump, phát biểu về mối lo ngại này và không đồng tình với tuyên bố của Trump rằng ông đã cân nhắc về việc có mặt trên chuyến bay đó nhưng rồi lại đổi ý. Trong cuốn Trumped ! của mình O' Donnell kể lại chi tiết nỗ lực nhằm ngăn không cho Marla Maples và Ivana Trump chạm mặt khi cả hai cùng đến dự tang lễ. Maples thường xuyên có mặt trong các khách sạn ở sòng bài của Trump và hay xuất hiện với bạn bè hoặc gia đình. O’Donnell miêu tả cô là một phụ nữ duyên dáng, người đã quen với việc được đối xử theo kiểu hạng nhất. O’Donnell tiết lộ, nhiều nhân viên của Trump nhận thấy vị thế của cô, nhưng cô ta và Donald cố gắng tránh phô trương mối quan hệ của mình. Họ không ngồi cùng nhau ở các buổi biểu diễn, và khi để lại lời nhắn cho Marla, ông ta nhờ nhân viên tiếp tân nói với cô rằng “ngài Nam tước” đã gọi đến.
Với những rối loạn trong đời tư và mất đi ba giám đốc điều hành chủ chốt, chưa bao giờ Trump gặp nhiều khó khăn đến thế. Các nhà đầu tư đưa ra quyết định dựa trên tình trạng sòng bài Taj Mahal của ông, đẩy giá trái phiếu xuống 70%. Trump có thể cảm thấy an ủi đôi chút rằng sự xuống dốc này, ít nhất phần nào cũng phản ánh một xu hướng thị trường lớn hơn. Gần như tất cả trái phiếu rác lãi suất cao được phát hành vào thập niên 80 đều mất giá trong giai đoạn này. Điều này bao gồm cả món nợ bắt nguồn từ những hành động tiếp quản như việc Kohlberg Kravis Roberts mua lại RJR Nabisco với giá 25 tỷ đô la. Thỏa thuận khổng lồ RJR Nabisco, được thực hiện chỉ với 15 triệu đô la tiền mặt của bên mua, đã trở thành ví dụ điển hình của một hoạt động hành nghề vốn giúp các kỹ sư tài chính thu về hàng trăm triệu đô la bằng cách gán nợ cho một công ty trước khi bán ra từng phần của nó. Tất cả chỉ là vấn đề giấy tờ, mà trong trường hợp của KKR là do một công ty chỉ có 85 nhân viên và 20 đối tác thực hiện. Chủ sở hữu của KKR, những người tương đối ẩn danh, kiếm được nhiều tiền hơn hẳn các diễn viên, vận động viên, và nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Phóng viên tài chính Adam Smith đã viết, “Henry Kravis đã kiếm được 400 triệu đô la mà không cần phải nâng bất kỳ vật nặng nào!”.
Theo đồng đô la, trái phiếu của Donald Trump tượng trưng cho một phần cực kỳ nhỏ trong món nợ trái phiếu rác khổng lồ mà khiến nhiều chuyên gia đầu tư phải e sợ, nhưng ông ta đã biến bản thân thành một hình tượng rõ ràng đến mức cánh nhà báo lúc nào cũng đưa ông vào câu chuyện về những công ty đang gặp rắc rối. Tương tự như vậy, khi nói đến Trump, họ thường trích lời Marvin Roffman, một nhà phân tích phê bình các hoạt động kinh doanh cờ bạc ở thành phố Atlantic.
Roffman được tôn trọng ở Phố Wall đến mức Donald Trump đã tìm cách lôi kéo ông ấy về phía mình. Ông ta mời nhà phân tích đến Atlantic tham quan một chuyến, dưới sự dẫn dắt của người em trai là Robert. Nhưng ngày Roffman đến nơi, Neil Barsky của tờ Wall Street Journal đã công bố một bài viết mà trong đó nhà phân tích tài chính Kaye Handley dự đoán, “Có người sẽ mất tiền ở Taj Mahal, nhưng đó có thể không phải là Donald Trump”. Lời nói của Roffman được trích dẫn trong cùng bài báo thì gay gắt và cụ thể hơn: “Khi nơi này khánh thành, Trump sẽ nhận được sự quảng bá miễn phí đến mức ông ta sẽ phá vỡ mọi kỷ lục về sổ sách vào tháng Tư, tháng Sáu và tháng Bảy. Nhưng một khi những cơn gió lạnh từ tháng Mười đến tháng Hai thổi đến, nó sẽ không đứng vững. Ở nơi đó không có thị trường”.
Vì lời nói của ông đã đến trước đó, Roffman bắt gặp một Robert Trump đang tức điên người trước cổng Taj. Trong cơn giận, Robert hét lớn, “Ông chẳng có gì tốt đẹp cả”, và cấm Roffman bước vào sòng bạc. Đến từ một Robert dè dặt, việc ông này bộc lộ thái độ giận dữ như vậy cho thấy áp lực đi cùng với sự ra mắt của Taj vào thời điểm thị trường bài bạc ở Atlantic không còn béo bở nữa. Điều đó cũng nhất quán với cách nói chuyện của Donald Trump khi ông không vui, và nó thể hiện một nét đặc trưng gia đình mà có lẽ đã được truyền từ ông bố nói chuyện hùng hổ của họ. Donald Trump nhìn thấy thế giới có người thắng và kẻ thua, có đồng minh và kẻ thù. Khi bực mình, ông ta cho phép bản thân tuôn ra những lời chửi rủa tục tĩu. Nhân viên, đối thủ, nhà phê bình và đối tác sẽ trở nên, theo cách nói của ông, “ngu ngốc”, “đần độn”, “kẻ thua cuộc”, hoặc là “kẻ nhu nhược”.
Vào ngày em trai mình không cho Roffman đặt chân vào Taj, Donald Trump gửi một lá thư đến công ty chủ quản của nhà phân tích, Janney Montgomery Scott, với nội dung, “Ngay lúc này tôi đang lên kế hoạch đệ đơn kiện quý công ty trừ khi ông Roffman công khai xin lỗi hoặc bị sa thải”. Lá thư mở đầu cho một trong những sự kiện kỳ lạ nhất của lịch sử ngành tài chính. Cấp trên của Roffman đã cắt giảm công việc của ông, yêu cầu ông trả lại tiền thưởng và sau đó đề nghị Trump gợi ý về việc lựa chọn từ ngữ cho lời xin lỗi. Sau đó Roffman ký tên dưới một lá thư có một câu như thế này, cùng với những điều khác, “Không nghi ngờ gì nữa, lễ khánh thành của Taj sẽ là buổi lễ hoành tráng và thành công nhất mà thành phố từng chứng kiến”. Lập tức hối hận về quyết định của mình, Roffman liền gửi một lá thư khác nói rằng, “Tôi rút lại lá thư [trước] và yêu cầu ông không sử dụng nó vào bất kỳ mục đích nào”. Khi đến công ty làm việc vào ngày hôm sau, ông đã bị sa thải.
Với việc các công ty chứng khoán sa thải hàng ngàn nhân viên giữa lúc thị trường suy thoái, triển vọng công ăn việc làm của Roffman khá mờ mịt, và ông cảm thấy bị bao vây khi Trump lên tiếng chỉ trích ông trước báo chí. Trump mô tả Roffman như là “một gã tầm thường không có năng lực” và thậm chí còn tuyên bố mình đã ra tay can thiệp và giúp Roffman giữ được công việc khi cấp trên đang suy nghĩ về việc sa thải ông nhiều tháng trước đó. Vô cùng tức giận, Roffman phát biểu, “Ông ta là kẻ dối trá”. Rõ ràng là một David trước gã khổng lồ Goliath của Trump(8), Roffman đã tận hưởng một vài khoảnh khắc gây xôn xao dư luận khi những tay giám sát trong ngành tài chính đứng về phía mình. Nhưng phải mất gần một năm để ông giành thắng lợi trong vụ phân xử chống lại công ty chủ quản và nhận được một phán quyết 750 ngàn đô la. Đơn kiện Trump của ông còn mất nhiều thời gian hơn nữa để giải quyết và kết quả là một cuộc dàn xếp bí mật.
(8) David và Goliath: câu chuyện trong Kinh thánh về chàng David người Do Thái chiến đấu và chiến thắng gã khổng lồ Goliath người Philistine bằng mưu mẹo (ND).
Giữa sự xôn xao náo nhiệt trước cuộc chiến giữa Trump và Marvin Roffman, sòng bạc Taj Mahal khai trương vào tháng 4 năm 1990 với hình ảnh Donald Trump tươi cười vuốt ve chiếc đèn thần như trong thần thoại Ả-rập (chứ không phải Ấn Độ) để kích hoạt màn trình diễn ánh sáng và pháo hoa. Nhân vật khách mời danh tiếng nhất tại buổi gala, trớ trêu thay, lại chính là Merv Griffin. Đúng như Marvin Roffman đã dự đoán, sòng bài Taj ban đầu khá thành công nhưng sau đó việc kinh doanh trở nên xấu đi. Tạp chí Forbes đã giảm con số ước tính giá trị của Trump xuống còn 500 triệu đô la và suy đoán rằng hoạt động kinh doanh của ông thua lỗ 3 triệu đô la mỗi tháng. Mặc dù Trump phản đối báo cáo của Forbes, điều đó đã được xác nhận trong kết quả một cuộc kiểm toán độc lập, trong đó nói rằng nếu ông ta bán đi khối tài sản của mình theo thứ tự, ông có thể thu về nửa tỷ đô la. Báo cáo còn cho biết thêm, nếu bán tháo tài sản ngay lập tức thì ông ta có thể trả gần hết 300 triệu đô la tiền nợ.
Những con số chưa qua xử lý giải thích tại sao các nhà thầu xây dựng lại phàn nàn về những khoản tiền chưa được trả mà tổng cộng lên tới hơn 30 triệu đô la. Trump nói rằng họ đang cố “chặt chém” ông ta. Khi Neil Barsky đến phỏng vấn ông cho tờ Wall Street Journal, Trump trưng ra một tuyển tập bài báo của Barsky và than phiền rằng ông này đang lan truyền tin đồn về những vấn đề liên quan đến dòng tiền của Trump. Ông ta đe dọa sẽ thưa kiện. Sau đó Trump xác nhận rằng mình đang có ý định bán lại Trump Shuttle.
Ngày 4 tháng 6, Barsky công bố một báo cáo khiến dư luận kinh ngạc về vấn đề nợ nần của Trump, sự cắt giảm nhân sự tại Taj Mahal và Trump Shuttle, cùng với những nỗ lực không thành công nhằm tăng số tiền thu vào thông qua việc bán tài sản hoặc tái cung cấp vốn. (Một đề nghị gồm các khoản đầu tư vào Grant Hyatt và Plaza đã bị những người cho vay từ chối.) Barsky ghi nhận rằng phần lớn rắc rối là do những người cho vay đã đồng tình với khẳng định của Trump cho rằng khi thêm tên mình vào một sòng bạc, khách sạn, hay hãng hàng không có thể làm tăng giá trị vốn có của nó. Điều này không hề đúng với tuyến đường bay ngắn, mà đã lỗ 85 triệu đô la dưới tên Trump, và cũng chẳng đúng với sòng bài Taj, vốn cũng thua lỗ. Rất nhiều thứ thuộc sở hữu của ông, bao gồm chiếc du thuyền với tên gọi Trump Princess và chiếc Boeing 727, cũng bị giảm giá trị. Trump đã công khai tranh cãi với những giám đốc ngân hàng nói rằng tổng tài sản của ông có thể chỉ là con số 0. Nhưng ông ta lại bí mật thừa nhận họ đã đúng, nói với Marla khi cả hai đi ngang qua một người vô gia cư trên đường rằng người bạn nghèo khổ ấy có tổng giá trị tài sản còn cao hơn cả ông. Sau này Trump rất để tâm đến việc Marla vẫn ủng hộ ông trong suốt giai đoạn này.
Những lo âu mà Trump bí mật chia sẻ không hề được công khai trước thiên hạ. Thay vào đó, ông thể hiện thái độ vô cùng tự tin với năng lực của mình và đổ lỗi cho người khác. Ông ta chỉ trích các giám đốc điều hành của sòng bài, những người đã thiệt mạng trong tai nạn máy bay, trách họ vì đã gây ra quá nhiều rắc rối cho ông ở Thành phố Atlantic. Mặc dù có nguồn tin nói với tờ Time rằng, “Người ta phải trốn dưới gầm bàn”, để không trở thành mục tiêu của Trump, ông vẫn khăng khăng đội ngũ của mình hoạt động tốt: “Người ta muốn làm việc cho tôi. Trump làm quản lý rất tốt”. Cũng chính bài báo ấy viết rằng ông ta đã ngay lập tức sa thải một giám đốc điều hành sòng bạc, người đã phải nhập viện vì kiệt sức sau buổi khai trương sàn đánh bạc hỗn loạn ở Taj Mahal.
Những kẻ hay gièm pha Trump tận hưởng cảnh ông phải vật lộn với khó khăn. Người dẫn chương trình Late Show David Letterman biến Trump thành đối tượng trong chuyên mục Tốp 10 mà ông ấy nhạo báng hàng đêm, với tiêu đề “Tốp 10 dấu hiệu cho thấy Trump đang gặp rắc rối”. Một trong những “dấu hiệu” này là Trump đã “hỏi ý kiến cố vấn về cách một nhân vật ‘tỷ phú đang chật vật’ sẽ vượt qua vòng đấu đô vật chuyên nghiệp như thế nào”. Sau nhiều năm đầy biến động và áp lực, John O’Donnell ngừng làm việc cho Trump vào năm 1990. Khi cựu chủ tịch Khách sạn Trump Plaza xuất bản cuốn sách tiết lộ bí mật về người chủ cũ, ông đưa ra hình ảnh một người đàn ông hống hách và có thể là định kiến, người dường như không hề quan tâm đến người khác. Trong cuốn Trumped!, O’Donnell viết rằng ông chủ cũ của mình từng nói, “Tôi có những kế toán viên da đen ở Trump Castle và Trump Plaza. Người da đen đếm tiền cho tôi! Tôi chẳng thích điều này tí nào. Kiểu người duy nhất mà tôi muốn kiểm tiền cho mình là mấy tay thấp bé suốt ngày đội mũ yarmulke(9)”. O’Donnell cũng kể về một con ngựa đua tên là Alibi, mà Trump hứa sẽ mua và đổi tên thành D. J. Trump. Quá nôn nóng có được báo cáo thành tích của Alibi, người ta cho rằng Trump đã gây áp lực và thúc ép những nhà huấn luyện cho ngựa chạy thử, mặc cho họ lo rằng có thể nó đã nhiễm vi-rút. Chú ngựa được cho chạy và đúng như những gì mà người huấn luyện e sợ, nó đổ bệnh. Bác sĩ thú y phải cắt bỏ móng trước để cứu sống con ngựa. Móng rồi cũng mọc lại, nhưng Alibi, vốn mang huyết thống của con ngựa nổi tiếng Native Dancer, không bao giờ còn phù hợp để chạy đua. Theo lời O’Donnell, khi người huấn luyện ngựa khóc lóc và gọi đến báo tin buồn, vụ mua bán đã bị hủy bỏ.
(9) Mũ của đàn ông Do Thái (ND).
Góp nhặt từ những năm tháng làm việc dưới quyền ông, nhiều câu chuyện vặt của O’Donnell về Trump đã được lặp đi lặp lại trên báo. O’Donnell thú nhận rằng Trump xem ông là một “cựu nhân viên bất mãn”. Khi được Mark Bowden phỏng vấn cho tờ Playboy sau khi cuốn sách ra mắt công chúng, Trump gọi O’Donnell là “kẻ thất bại”. Ông ta nói rằng mình chỉ gặp người đàn ông kia đôi lần, nhưng đồng thời cũng công nhận “Những gì O’Donnell viết về tôi đều đúng cả”.
Mặc dù Trump nói rằng O’Donnell “cần tiền nên mới dùng đến tên tuổi tôi để bán sách”, nhưng trên thực tế, cựu lãnh đạo của Trump Plaza đã giành được một công việc cấp cao ở Khu nghỉ mát Merv Griffin. (Trong năm đầu tiên ở cương vị giám đốc điều hành, O’Donnell đã giúp sòng bài trong khách sạn của khu nghỉ mát đạt được mức thu nhập cao nhất tại Thành phố Atlantic.) Trong thời gian này, Trump lại mất đi những nhân viên chủ chốt khác ở sòng bạc. Ở New York, luật sư chính và giám đốc điều hành đứng đầu việc kinh doanh bất động sản của ông ta thì lại nộp đơn từ chức. Trump cũng mất đi vị cố vấn tài chính cấp cao kiêm kỹ sư Barbara Res, và Tony Gliedman, người đã đóng vai trò quan trọng trong dự án sân trượt băng Công viên Trung tâm.
***
Sòng bạc Taj Mahal phá sản vào tháng 1 năm 1991. Theo hợp đồng với các chủ nợ, Trump đã từ bỏ phần sở hữu đáng kể ở sòng bài, nhưng ông vẫn được phép thu về hơn một triệu đô la mỗi năm nhằm đổi lấy việc để lại tên mình trên tòa nhà. Sau đó không lâu, ông ta cũng trao quyền kiểm soát Trump Shuttle cho chủ nợ của mình là Citibank. Những chiếc máy bay sẽ do USAir vận hành, công ty này cho thấy họ chẳng quan tâm đến việc giữ lại cái tên Trump. Theo như hợp đồng giữa ngân hàng và hãng hàng không, USAir được phép trả giá cho tuyến đường bay ngắn cao hơn bất kỳ ai khi nó được đưa ra bán. Hãng hàng không mua lại toàn bộ hoạt động của nó vào năm 1997.
Vì USAir đã giúp giảm bớt trách nhiệm của ông với tuyến đường bay, Trump và các chủ nợ, gồm nhiều ngân hàng, cam kết những thương lượng phức tạp nhằm thu hồi những gì có thể từ công ty ông ta và tránh phiên tòa phá sản. Chỉ những người biết rằng theo luật phá sản của Hoa Kỳ, con nợ sở hữu hàng tỷ đô la là mối đe dọa lớn đối với các chủ nợ hơn là họ đối với ông ta, mới hiểu cách giải quyết này. Nếu sử dụng phiên tòa, Trump có thể giữ lại khối tài sản của mình trong nhiều năm và trốn được phần lớn món nợ, nếu không nói là toàn bộ. Nếu vẫn tiếp tục làm ăn với ông, các chủ nợ có cơ hội nhận được nhiều hơn những gì ông ta nợ họ, trong khi vẫn tránh được mức phí pháp lý khổng lồ đi cùng những vụ vỡ nợ như thế. Thực tế này khiến một số người nắm trong tay trái phiếu của sòng bài Trump tức điên. Trong một cuộc thảo luận giữa các chủ nợ, chủ sở hữu trái phiếu Randolph Goodman thách thức ý kiến cho rằng tòa án sẽ để cho Trump chịu trách nhiệm về sòng bài đã phá sản: “Chúng ta sẽ phải chết dí với cái gã tồi tệ nhất thị trấn sao?”. Câu trả lời đến từ một luật sư đại diện cho tất cả các chủ sở hữu trái phiếu: “Nếu có thể loại bỏ những gã ăn bám dựa trên thành tích của họ trong quá khứ, tiêu chuẩn về phá sản sẽ là bổ nhiệm ngay lập tức một ủy viên quản trị. Nhưng gần như trong tất cả những vụ việc được đưa ra tòa án phá sản, ban quản trị đều được giữ nguyên”.
Trump đã giành được quyền lực từ địa vị của mình sau khi phía chủ nợ không chỉ chấp nhận việc Trump ngừng trả nợ, mà còn chịu trách nhiệm bảo dưỡng và mua bảo hiểm cho chiếc du thuyền của ông, với chi phí là 500 ngàn đô la mỗi tháng. Cùng thời điểm đó, Trump có thể giảm đi 750 triệu đô la trong số nợ của mình và giữ lại được rất nhiều tài sản, bao gồm sân đường sắt West Side và Mar-a-Lago. Những người khác đã tận dụng động thái khác thường trong vụ phá sản để đạt kết quả tương tự, nhằm bảo vệ những của cải quan trọng trong khi bản thân vẫn thoát được vết nhơ vỡ nợ, nhưng một số ít lại xem đó như một thành tựu vĩ đại. Là người có kỹ năng quảng cáo, và lạc quan, Trump nhìn thấy trong kết quả này một lợi thế về quan hệ công chúng. “Nếu đã nộp đơn tuyên bố phá sản, tôi cảm thấy câu chuyện về cú lội ngược dòng của mình chẳng thể hay ho như vậy”, Trump phát biểu. “Câu chuyện đó sẽ luôn bị lu mờ”.
Bịa ra câu chuyện như một tay quảng cáo tài năng, Trump nói rằng chủ ngân hàng “yêu quý tôi vì tôi tử tế và chân thành”, và “qua việc hợp tác chứ không phải xung đột, mọi người trở nên tiến bộ hơn nhiều”. Từ quan điểm của nhiều nhân viên ngân hàng khác thì đánh giá này hoàn toàn đúng. Họ đã được trả lương hậu hĩnh khi chấp nhận cho Trump vay và vẫn tiếp tục có công ăn việc làm bởi vì Trump sẽ là người chịu trách nhiệm nếu mọi việc không mang lại kết quả tốt. Một cựu thành viên trong đội ngũ giám đốc điều hành của Trump nói với cây bút Harry Hurt, “Chúng tôi có tất cả số tài sản nhưng chưa bao giờ thật sự có tiền trong tay. Đó là lý do tại sao chúng tôi cứ phải ký thêm nhiều hợp đồng hơn nữa”. Những thỏa thuận, mà thông thường bao gồm một khoản tiền để vận hành hoặc nâng cấp một khối bất động sản mới, cung cấp lượng tiền mặt nhằm duy trì hoạt động của cơ sở.
Không phải tất cả mọi người đều lạc quan như vậy. Lawrence Lambert, người biện hộ cho các nhà đầu tư nắm trong tay trái phiếu của Trump, cho biết, “Tôi cho rằng việc ông ta có thể thoát khỏi chuyện này là điều đáng chê trách, nhất là về mặt đạo đức”. Chẳng có ai biện hộ cho hàng triệu người gửi tiền và cổ đông mà các khoản đầu tư của họ vào nhiều ngân hàng khác nhau đã bị giảm đi do thiệt hại mà các công ty này chấp nhận để trả tiền cho Trump. Tương tự như vậy, không ai có thể định giá trị cho niềm tin đã mất của công chúng mà nguyên nhân là do hình ảnh một ông trùm “bình an vô sự” thoát khỏi những món nợ tổng cộng lên đến hơn nửa tỷ đô la trong khi các hộ gia đình người Mỹ bình thường đã bị hủy hoại vì họ không thể trả món nợ tiêu dùng vài ngàn đô la. Cùng lúc đó, hiện tượng Trump được miễn truy tố trách nhiệm được công chúng hiểu là “quá nổi tiếng để có thể thất bại”. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ bình thường sẽ không bao giờ hiểu được việc chủ nợ lại trao cho những con nợ rắc rối nhiều tiền hơn.
Nhờ cây bút Neil Barsky của tờ Wall Street Journal mà thủ đoạn Trump sử dụng để tránh vỡ nợ với trái phiếu thả nổi nhằm hỗ trợ một sòng bài khác của ông ta, Trump Castle, trở nên rõ ràng hơn. Như Barsky đã đưa tin vào tháng 1 năm 1991, Fred Trump đã gửi một luật sư đến sòng bài cùng với tấm séc 3,5 triệu đô la dùng để mua thẻ đánh bài chưa qua sử dụng. Về cơ bản, đó là một khoản vay giữa bố và con trai, số tiền đã được thổi phồng lên trong bản cân đối kế toán của Castle và giúp cho sòng bạc này thực hiện thanh toán trái phiếu. Thật tài tình, sự sắp xếp này có nghĩa là Trump Sr. có thể lấy lại tiền vào bất cứ lúc nào chỉ bằng việc chuộc lại số thẻ đánh bài. Không một chủ nợ nào của con trai ông có thể làm điều tương tự.
Khi các chủ nợ của Donald Trump chấp nhận thua lỗ, cho ông ta vay những khoản nợ mới, và cho phép ông ta giữ lại những tài sản quan trọng, người đàn ông đã thoát khỏi cảnh bẽ mặt vì vỡ nợ và đặt bản thân vào một vị thế có thể tiếp tục trò chơi giao dịch. Tuy nhiên, ông không thể tránh được cảm giác hổ thẹn liên quan đến cuộc hôn nhân đang dần dần đổ vỡ, bắt đầu khi Jerry Argovitz đưa Marla Maples đến văn phòng ông. Từ những lần gặp gỡ đầu tiên với cô nàng – trên vỉa hè, tại Rainbow Room, trong buổi tiệc ra mắt sách – ông đã hình thành một mối quan hệ vốn hủy hoại cuộc hôn nhân của Donald Trump và hé lộ khía cạnh tồi tệ của ngành công nghiệp kinh doanh sự nổi tiếng.
***
Mặc cho mọi tin đồn và câu hỏi trực tiếp đến từ bạn bè, như Cindy Adams – người phụ trách mục tán chuyện của tờ Post, Ivana Trump đã cố gắng gìn giữ cuộc sống gia đình. Về phần mình, Donald Trump lại dao động giữa việc nói năng thận trọng và bừa bãi. Dù dựa vào biệt hiệu “ngài Nam tước” để che đậy những cuộc gọi cho Marla, ông ta không ngừng ba hoa khoác lác về vẻ đẹp của cô với những kẻ mà mình muốn gây ấn tượng. Lúc này chỉ mới 24 tuổi, Marla trẻ hơn Ivana đến 14 tuổi. Dù vẫn còn mặn mà, người phụ nữ đã là mẹ của ba đứa trẻ đang dần bước sang độ tuổi tứ tuần, và bà đã phải chịu đựng tất cả những áp lực của việc sánh bước cùng chồng suốt hơn một thập kỷ phấn đấu. Marla xem Donald như “vị vua” mà bố ông nói ông sẽ trở thành, và cô hoàn toàn bị mê hoặc trước tất cả những gì mình bắt gặp trong vương quốc của ông. Cô không nghĩ nhiều đến khả năng giấc mơ của mình có thể trở thành ác mộng.
Sự việc đưa đến hàng loạt vụ bê bối là do một hành động can thiệp – Ivana nhấc một ống nghe khác để nghe chồng mình nói chuyện điện thoại – bình thường đến mức các cây bút của Hollywood không buồn sử dụng chi tiết này để làm cho câu chuyện ly kỳ hơn. Ivana hành động như một người vợ lo âu, chứ không phải một nhân vật theo kịch bản. Bà nghe thấy giọng đàn ông trong điện thoại nói bằng những lời lẽ thô tục nhất, rằng “Marla” rất gợi cảm. Khi cuộc gọi kết thúc, Ivana đối diện với chồng. Ông ta nói với bà rằng Marla là cô gái đã theo đuổi mình suốt hai năm, nhưng ông không hề có bất kỳ liên hệ gì với cô ta.
Cuộc trao đổi căng thẳng này diễn ra trong khung cảnh xinh đẹp của một khách sạn xa hoa Little Nell vừa mới khai trương ở Aspen, Colorado. Gia đình Trump đã đến đây hai ngày sau Giáng sinh, khi mà ở Aspen tràn ngập người nổi tiếng. (Trong số đó, những người thường xuyên dành thời gian ở đây là nam diễn viên Jack Nicholson, ca sĩ Prince, và quý bà Barbara Walters – người có mặt ở khắp mọi nơi.) Mùa đông năm 1989 - 1990 người dân địa phương đang tranh cãi xung quanh một lệnh cấm có thể sẽ được thông qua, đó là lệnh cấm mặc trang phục làm từ lông thú, do các nhà hoạt động vì quyền động vật đề xuất. Những người giàu có nhất thời tham gia vào chuỗi tiệc tùng thông thường, tạo dáng chụp hình cho cánh săn ảnh, và phô bày những bộ trang phục trượt tuyết lịch lãm của mình.
Hai ngày sau cuộc điện thoại, Ivana giáp mặt với Marla ở một điểm ăn trưa bên hông đường trượt tuyết. Như sau này được đưa tin trên báo, Ivana đã để mắt đến Marla và nhận ra đó chính là người đàn bà được nhắc đến trong cuộc điện thoại mà bà đã nghe thấy. Theo tạp chí People, bà ta nói, “Đồ quỷ cái, tránh xa chồng tôi ra”, và sau đó đuổi theo chồng mình, người đã mang ván trượt vào và trượt xuống núi. Tờ tạp chí đưa tin, “Những người quan sát với vẻ thích thú thề rằng họ nhìn thấy bà ta lao ra trước mặt Donald và rồi trượt lùi xuống con dốc, giơ ngón tay giữa trước mặt ông”.
Những sự kiện khiến Ivana, Donald và Marla đụng nhau trong khoảnh khắc đó khác thường đến mức dường như mọi việc đã được sắp đặt. Marla lấy làm kinh ngạc vì có quá nhiều nhân chứng, bao gồm những ký giả vô tình có mặt trong suốt sự việc xảy ra bên sườn núi. Cô nghĩ điều này khá bất thường và tự hỏi phải chăng mình đã bị gài bẫy. Lúc bấy giờ cô không có lời bình luận nào về việc này. Cô cũng không nói gì đến chiếc nhẫn, dấu hiệu cam kết mà Donald đã trao cho cô.
Donald cố gắng xoa dịu mọi việc với Ivana, nhưng những tuần sau vụ việc ở Aspen, bầu không khí vô cùng căng thẳng. Mọi việc cũng chẳng đỡ hơn tí nào khi ông xuất hiện trong một bài viết trên số tháng Ba của tạp chí Playboy – được phát hành vào đầu tháng Hai – ông ta đã từ chối trả lời khi được phỏng viên Glenn Plaskin đặt câu hỏi, “Hôn nhân đối với ông là như thế nào? Có phải là một vợ một chồng không?”.
Cái tôi của Trump, vốn phụ thuộc vào địa vị và sự chú ý của người khác, khiến ông ta không thể từ bỏ một người đàn bà xinh đẹp như Marla, người đã thể hiện rất rõ sự quan tâm của mình dành cho ông. Bên cạnh đó, bản chất như vậy cũng khiến ông ta khó lòng nhận ra chỗ yếu của mình. Ông quyết định bay đến Tokyo để xem võ sĩ quyền Anh hạng nặng Mike Tyson trong trận tỷ thí với Buster Douglas và, có lẽ, để bán một ít bất động sản cho những người dân địa phương giàu có. Khi Trump khởi hành, Ivana có buổi trò chuyện với Liz Smith, người viết bài cho tờ Daily News, về cuộc hôn nhân của mình. Do đã được nghe khá nhiều tin đồn về Donald và cũng biết ít nhiều về xung đột giữa Ivana và Marla ở Aspen, nên Smith không hoàn toàn bất ngờ. (Năm 1988, tờ Post đã đưa tin Maples có dính líu đến “một trong những ông trùm kinh doanh lớn nhất New York, một người đã có gia đình”. Sau đó tờ báo cũng đăng thêm rằng Maples “được cho là đã đi mua sắm ở khắp các cửa hàng trong Trump Tower và nói, ‘Tính tiền cho Donald.’”) Tuy nhiên, những gì nghe được từ Ivana đã khiến Smith thất vọng. Trong đầu Smith, Donald lúc nào cũng là một cậu bé dễ nổi nóng, cậu bé mà mọi tội lỗi đều có thể được tha thứ bởi trong thâm tâm, cậu luôn là người tốt. Bài viết của bà, “Love on the Rocks”, xuất hiện trên số Chủ nhật, ngày 11 tháng 2 của tờ Daily News. Bài viết thông báo rằng gia đình Trump không còn ở chung với nhau nữa và điều này khiến giới truyền thông cuồng loạn đến mức gây bất ngờ cho cả Donald, người đã thu thập hàng trăm bài viết cắt ra từ báo.
Trong hàng loạt các bài báo theo sau “phát súng đầu tiên” của Liz Smith, cánh nhà báo đã “xào lại” mọi tin đồn về diễn viên, người mẫu, và người có vai vế mà Donald Trump được cho là có quan hệ mờ ám, đồng thời suy đoán rằng mối quan hệ giữa ông và Ivana đã rơi vào bế tắc với mâu thuẫn xoay quanh công việc quản lý của bà ở Khách sạn Plaza. Trong thị trường báo chí cạnh tranh nhất nước, các biên tập viên không thể cưỡng lại cuộc chia ly của vợ chồng nhà Trump. Nhìn chung, Smith và tờ News đứng về phía Ivana, trong khi tờ Post và người phụ trách chuyên mục Cindy Adams có phần nghiêng về Donald và phác họa hình ảnh một bà vợ háo hức muốn lừa đảo chồng trong các thủ tục ly hôn. Với xu hướng thiên về thị trường, Post cũng chính là tờ báo đầu tiên nêu tên Marla Maples và công bố hình ảnh cô.
Có cảm giác như thể mình đang bị nghiền nát bởi “cối xay thịt” truyền thông, Marla phản kháng với nhiều phóng viên khác nhau nhưng dường như họ không hề quan tâm đến những lời cô nói và không lấy gì làm lạ với nỗi khổ của cô. Cùng thời điểm đó, Ivana Trump đã chuyển mình từ biểu tượng của tham vọng mãnh liệt thành ví dụ nền tảng về hình ảnh người phụ nữ trung niên bị chồng đối xử không ra gì. Cuối cùng, Maples trốn khỏi thành phố và giới báo chí, để đến Hamptons và sau đó là Guatemala, tại đó cô ở với một người bạn, người đang ở Peace Corps. Bạn trai cũ của cô là Tom Fitzsimmons bị cánh nhà báo săn lùng và, về sau anh ta cho biết mình đã từ chối lời đề nghị lên đến sáu con số để trình bày tất cả những gì anh biết cho một tờ báo lá cải quốc gia. Gia đình của Marla ở Georgia cũng bị ký giả bao vây, những người mà nhiều lúc đã nấp trong các mương rãnh gần nhà và đi vào nhà bếp của gia đình. Một công ty truyền thông thậm chí còn treo giải thưởng một ngàn đô la trên tờ Dalton (Ga.) Daily Citizen, tờ báo quê hương của Maples, cho bất kỳ thông tin nào mà người dân địa phương có thể cung cấp. Rất nhiều người đã đến, có cả những người không hề biết gì về cô.
Vào ngày lễ Tình nhân, các nhóm săn ảnh và tin tức truyền hình, nhận được lời ám chỉ từ một bản tin trong chuyên mục của Liz Smith, đã tập hợp rất đông trên vỉa hè phía trước La Grenouille, một nhà hàng sang trọng ở Manhattan, khi Ivana đến đó để dự bữa trưa đã được lên kế hoạch từ rất lâu. Trong khoảng thời gian hai giờ đồng hồ, Ivana và nhiều phụ nữ khác, bao gồm bạn bè và gia đình, cùng nhau trò chuyện và ăn thịt cừu, những cuộc chuyện trò đôi lúc khiến Ivana phải rơi lệ. Trong số những người tham dự có mẹ chồng bà, hai người chị dâu, và Georgette Mosbacher, người có chồng là thư ký thương mại của Hoa Kỳ. Khi bữa ăn kết thúc, Liz Smith và Barbara Walters, hộ tống Ivana từ nhà hàng ra xe đang đợi sẵn. “Hãy xử ông ta theo cách mà ông ta xứng đáng!”, một người đứng xem hét lên khi các thợ săn ảnh chen lấn nhau để giành vị trí tốt nhất. Một người khác la lên, “Hãy lấy tiền đi!”.
Lúc bấy giờ, Hillary Clinton được nhiều người xem là người phụ nữ bị đối xử tệ hại nhất nước Mỹ, nhưng vào tháng 2 năm 1990, Ivana đã thu hút được nhiều sự cảm thông đến mức bức chân dung của tạp chí Spy mô tả bà là người có tính khí thất thường, hay tư lợi, và trọng vật chất gần như bị xóa bỏ hoàn toàn. Thay vào đó là hình ảnh một người đàn bà hết lòng ủng hộ chồng, ngay cả khi người khác không thể chịu nổi ông ta, và đã bị đối xử quá tệ hại. Bà ta đã giành chiến thắng trong cuộc chiến thu hút sự chú ý của dư luận bởi vì chồng bà được khắc họa như một kẻ ti tiện, và bởi vì Liz Smith là đồng minh tốt nhất mà ai cũng hy vọng có thể chiêu mộ trong một cuộc chiến tiêu đề báo.
Sinh năm 1923, Smith lớn lên ở Fort Worth, Texas, tại đây bà biết về sự quyến rũ ở rạp chiếu bóng Tivoli, nơi mà bên cạnh là một cửa hàng thức ăn nhanh được đặt tên một cách hài hước là Rockyfellers. Say đắm với những thước phim đầy mê hoặc, bà đến New York vào năm 1949 như một “cô gái tỉnh lẻ đam mê sân khấu” và tìm được công việc viết bài cho tờ tạp chí dành cho giới hâm mộ điện ảnh tên là Modern Screen. Đến năm 1990, bà trở thành một trong những người viết báo quyền lực nhất nước Mỹ, nhưng bà vẫn giữ được nét duyên dáng của một người từ nơi khác đến, mà điều này chắc chắn khiến cho những người được bà phỏng vấn cảm thấy an tâm. Sự tử tế của người phụ nữ thể hiện qua việc bà từ chối sử dụng những tin đồn có thể gây hại cho người mà bà cho là vô tội. Trên truyền hình, nụ cười duyên dáng và chất giọng vùng Texas ấm áp của Smith làm cho người ta cảm thấy tự tin. Bà ấy là một người bạn, người chị gái, người dì mà bạn có thể dựa vào.
Ngược lại, Cindy Adams của tờ Post lại giống như những cô nàng xấu tính ở trường trung học mà ai cũng biết. Khi được ngỏ ý một bài châm biếm về cách Donald lo sợ Ivana sẽ trở nên giống với Leona Helmsley, người mà gần đây đã bị kết tội gian lận thuế, Adams đã cho in bài báo đó. Cindy trở thành trung gian kết nối Trump với công chúng và đồng thời là người lắng nghe đầy cảm thông. Dù sửng sốt trước sự chú ý của giới báo chí đến những rắc rối của cuộc hôn nhân, ông vẫn một mực trung thành với niềm tin vào giá trị của việc được công chúng biết đến và nói với tờ Newsweek rằng vụ bê bối “rất tốt cho việc kinh doanh”. Mặc dù bố ông than phiền rằng “vụ này khiến tôi đột quỵ mất”, Donald vẫn tiếp tục đổ thêm dầu vào “ngọn lửa lá cải” và chính ông là người góp phần tạo ra suy đoán về những cuộc tình lăng nhăng với những phụ nữ xinh đẹp, nổi tiếng. Ông ta thậm chí còn nói với ký giả của tờ News rằng người vợ vẫn còn rất yêu ông. “Ivana không hề muốn tiền bạc”, ông quả quyết. “Bà ấy muốn Donald”. (Trump thường dùng tên riêng, hoặc biệt danh như Trumpster, hay tên viết tắt – DT – để nói về bản thân, như thể ông ta đang tường thuật về hoạt động của một người khác vậy.)
Cơn bão báo chí lên đến đỉnh điểm khi trên trang nhất của tờ Post xuất hiện dòng chữ, “Marla khoe với bạn bè về Donald: ‘Lần lên giường tuyệt vời nhất của tôi.’” Nguồn tin của câu chuyện là một phụ nữ, người tuyên bố mình đã cùng tham gia lớp học diễn xuất với Maples. Marla, trong tâm trạng đau khổ, quả quyết rằng lời tuyên bố nặc danh ấy là giả, và Chuck Jones, phát ngôn viên của cô trong vụ bê bối, đã bác bỏ nó. Tuy nhiên, lời nói của họ chẳng thể cứu vãn được sự nghiệp diễn xuất của cô, vốn đang bị phá hủy bởi sự chú ý tiêu cực từ dư luận. Tạp chí Playboy đề nghị cô chụp ảnh khỏa thân với mức giá hai triệu đô la, và cô đã khước từ. Maples cũng từ chối đưa tên mình vào một thương hiệu nội y The Other Woman nhưng cuối cùng đã đồng ý quảng cáo cho một nhãn hiệu quần jeans tên là No Excuses. Người mẫu nổi tiếng trước của công ty là Donna Rice, chính là “người đàn bà khác” trong vụ tai tiếng đã chấm dứt sự nghiệp chính trị của ứng viên Tổng thống Gary Hart. Maples nhận được 500 ngàn đô la, và cô đã sử dụng một nửa số đó để hỗ trợ tài chính cho gia đình, đồng thời yêu cầu phía công ty chuyển số tiền quyên góp của cô cho một nhóm ủng hộ môi trường. Về sau Maples mới nhận thấy công việc từ thiện của mình gần như bị báo chí phớt lờ và cô cảm thấy không thoải mái khi nhớ lại một quảng cáo trên tivi “vừa buồn vừa nực cười vì họ chỉ tập trung vào cơ thể tôi trong chiếc quần jeans và nói chồng lên bài phát biểu về môi trường của tôi”.
Quảng cáo của No Excuses đã giúp bán ra lượng quần jeans ứng với số tiền hàng triệu đô la và xác nhận sức mạnh thương mại của danh tiếng đến từ báo lá cải. Trong những tuần khi mà vụ bê bối bùng lên nóng nhất, đó là lúc một phụ nữ như Marla Maples đã xác nhận ông ta thật sự gợi tình khi nhận thấy Donald Trump quyến rũ. Maples sở hữu ngoại hình khỏe mạnh, trẻ trung mà Trump và phần lớn đàn ông Mỹ đều thích. Chắc hẳn ông ta quý mến cô nàng hơn những người phụ nữ gầy gộc và trang điểm quá đậm của giới thượng lưu, những người mà cây bút Tom Wolfe đã đặt cho họ cái tên “tia X xã hội”.
Trong bài phân tích sắc bén nhất được công bố về toàn bộ vụ việc, người viết bài cho tạp chí New York – John Taylor, điểm lại vai trò của từng người trong cuộc. Taylor và các nguồn tin của ông mô tả Donald Trump là người đàn ông sôi nổi khác thường, người có thể vui thích với những tiêu đề ắt sẽ khiến người khác cảm thấy phiền muộn. Theo quan điểm của Taylor, có thể Trump không bằng lòng với tính minh bạch của Ivana và nổi giận trước những ràng buộc trong lời tuyên thệ hôn nhân của ông ta. Mặc dù Taylor trích dẫn những lời nói tử tế của Trump dành cho vợ mình, cũng như cam kết “luôn luôn đối xử với Ivana thật tốt” của ông, người ta không thể chấp nhận những tuyên bố này đúng với giá trị mà nó thể hiện, bởi vì đó là lời nói xuất phát từ người đàn ông đã công khai biện minh trước công chúng về việc sử dụng “lối nói cường điệu chân thật” của mình.
Taylor tiết lộ rằng Ivana Trump đã tìm kiếm và đạt được sự chấp thuận của giới thượng lưu, vốn là điều chồng bà khinh thường, trong khi vẫn cố gắng chiều lòng ông ta thậm chí đến mức phải phẫu thuật thẩm mỹ. Nỗi khổ của bà chính là nỗi khổ của bất kỳ người phụ nữ nào đến độ tuổi trung niên và bị chồng vứt bỏ để chạy theo một người đàn bà trẻ hơn. Nỗi đau của bà càng trở nên trầm trọng hơn do sự huyên náo của giới truyền thông mà ngay cả Tổng thống George H. W. Bush cũng lấy cuộc hôn nhân của bà ra làm trò cười. “Tôi có mặt tại New York này, nơi sẽ diễn ra một trong những cuộc thi lớn nhất năm 1990”, ông tổng thống nói đùa trong buổi mít tinh cho chiến dịch. “Nhưng tôi không ở đây để nói về nhà Trump!”. Ivana cũng phải chịu đựng sự ác độc của những người tìm thấy cơ hội trả đũa. Alfred Winklmayr, người từng kết hôn với Ivana trong phút chốc khi bà ta tìm cách rời khỏi Czechoslovakia, đã lộ diện để bán câu chuyện của mình cho một tờ báo lá cải. Hắn ta còn bình luận ác ý rằng, “Tôi cho rằng cuối cùng cô ta cũng nhận được những gì đáng phải nhận”.
Trong bài viết của Taylor, Marla Maples đại diện cho tất cả những kẻ thích nhúng mũi vào chuyện của người khác, những kẻ sở hữu sức mạnh của sắc đẹp. Rõ ràng cô đã phục vụ cho cái tôi của Donald Trump. Nhưng dựa trên bài viết trong tạp chí New York, khó mà tưởng tượng mọi thứ diễn ra thuận lợi với cô. Taylor đã trích lại những nguồn tin quả quyết rằng Marla không đủ “ưu tú” (cho dù điều đó có nghĩa là gì) để níu kéo sự thích thú của Trump. Có vẻ như Donald tin chắc rằng việc người đàn ông đi tìm người khác khi vợ mình già đi cũng là điều hợp lý và Maples có lý do để sợ.
Marla khiếp sợ khi phải đối phó với cánh báo chí, mà theo cách thức của Murdoch, vốn thèm khát về các vụ tai tiếng. Điều này khá mới trong báo chí Mỹ. Suốt nhiều thế hệ, giới báo chí đã bỏ qua vi phạm về tình dục của những nhân vật quan trọng với công chúng dưới một thỏa thuận giữa những quý ông. Vụ bê bối của Gary Hart-Donna Rice năm 1987 đã chấm dứt thỏa thuận này và báo hiệu một thời kỳ mới mà những câu chuyện dâm ô, nếu được thể hiện ở mức độ vừa đủ, sẽ tìm đường đến với truyền thông chủ đạo. Các ký giả nói rằng phương thức mới mẻ này phơi bày những sự thật không nên được giấu kín và phục vụ cho mục tiêu của công chúng. Taylor không thừa nhận điều này, cho rằng đó chỉ như một bức bình phong không thể che đậy giá trị thật sự của câu chuyện mà chỉ là trò tiêu khiển cho đám đông.
Khi cuộc chia tay của cặp vợ chồng trở thành trò giải trí, những đứa con nhà Trump là người phải trả giá. Ở độ tuổi 6, 8 và 12, bọn trẻ không hề muốn trở thành điểm của mọi sự chú ý mà bố mẹ chúng đã “bồi đắp” nên. Hai vợ chồng cũng cố gắng che chở các con mình, nhưng họ không thể đặt bọn trẻ vào trong cái “bóng bảo vệ” được. Ivana đã thổ lộ với Liz Smith rằng con trai và con gái bà “hoàn toàn suy sụp”. Bà cũng cho biết Donny đã hét lên trước mặt bố nó, thật sự tức giận, “Ông chỉ yêu tiền của mình mà thôi!”. Ivanka thì khóc suốt, và Eric sợ rằng mẹ mình sẽ bị đuổi khỏi nhà. Nhiều thập kỷ sau, người con giữa Ivanka mới sẵn lòng nhớ lại cảm giác của mình khi người bạn cùng lớp mang một tờ báo lá cải đến trường và những lời chế giễu lan truyền giữa bạn bè trong lớp. Trên mạng Internet sẽ luôn tràn ngập những bài miêu tả về rắc rối của bố mẹ cô.
Bọn trẻ nhà Trump là những gì Liz Smith nghĩ đến khi bà “đình chiến” và nói rằng bà ân hận vì ngọn lửa mà mình đã gây ra. “Tôi muốn bỏ qua chuyện này”, bà nói với một phóng viên đến từ tờ New York Times. “Nhưng tôi còn cấp trên của mình, cả hai nhóm, biên tập viên ở các tờ báo và nhà sản xuất ở đài truyền hình. Họ muốn chuyện này tiếp tục”. Câu chuyện rình rang đến mức một tờ báo chẳng hề lá cải như Washington Post cũng nắm bắt lấy nó. Khi báo chí quốc tế bắt đầu đưa tin về những sự kiện đang diễn ra, rõ ràng việc hòa giải là bất khả thi. Luật sư của Ivana đã thuê một nhóm thám tử nhằm chứng minh đóng góp của thân chủ mình vào cơ đồ nhà Trump. Donald đã nhanh chóng cấm người vợ đang ly thân ra vào văn phòng của bà ở Khách sạn Plaza.
Cuộc chiến tranh nhà Trump tiếp tục kéo dài thêm nhiều tháng, với việc cả hai phía đều rò rỉ thông tin cho báo chí. Có lúc tờ Post còn đưa tin rằng Donald đang dứt khoát cự tuyệt Marla. Lúc khác tờ News lại tiết lộ cô ta đã đến ở trong Trump Tower gần sáu tuần lễ. “Nước cờ” pháp lý đầu tiên của Ivana kéo theo một phản đối chính thức đối với hợp đồng hôn nhân mà được cho là đã chi phối cuộc ly hôn của họ. Những giấy tờ pháp lý mà bà ta trình lên trích lại lời khen ngợi của người chồng trong sách của mình, dành cho toàn bộ nỗ lực của bà trong nhiều dự án của ông ta. Trong đó cũng nói rằng khi bà ký hợp đồng vào năm 1987, Donald đã có ý định phản bội. Bà theo đuổi vụ kiện với một tin trang nhất trên tạp chí Vanity Fair, đầy đủ với những hình ảnh quyến rũ của mình ở Mar-a-Lago, và nhiều lần xuất hiện trước công chúng khác, những lúc dường như bà vô cùng thích thú với sự độc lập của bản thân. Trong một khoảng thời gian ngắn, Donald đã rút lui khỏi tầm nhìn của dư luận trong khi các chủ nợ của ông cố gắng tìm ra một thỏa thuận giúp ông ta thoát khỏi cảnh phá sản nhằm đổi lại việc ông ta chấp nhận để họ tạm thời giám sát phần lớn các vấn đề tài chính của mình.
Để đối phó với những yêu cầu của Ivana, Trump đã thuê Jay Goldberg, một luật sư chuyên giải quyết các vụ ly hôn, người tự miêu tả bản thân là “kẻ giết người” có thể “lột da một cái xác”. Khi Goldberg và luật sư của Ivana – Michael Kennedy xử lý những trát hầu tòa, Donald bắt đầu xuất hiện ở nơi công cộng với Marla Maples và giới thiệu cô ta với bố mẹ mình. Khi tờ Vanity Fair cho Marla cơ hội để chụp ảnh cho số tháng Mười Một, cô đã đồng ý. Sau khi cô nàng được diện trang phục và tạo dáng với kiểu tóc và trang điểm vừa phải, kết quả là một loạt ảnh trông giống như những bức ảnh của Ivana được đăng trên số tháng Năm của tạp chí. Bất kỳ người đặt mua nào cũng có thể nhận ra, việc này lan truyền kéo theo những so sánh ác ý giữa hai người phụ nữ. Mặc dù tự nguyện tham gia, Marla đã hối hận với quyết định của mình ngay khi nhìn thấy kết quả, một kết quả gần như hét lên với thế giới rằng “đây là người đàn bà khác”.
Với trò chơi mà mình đã tham dự, Marla không tạo được nhiều sự đồng cảm từ công chúng khi giải thích rằng Ivana “muốn một tỷ đô, nhưng chúng tôi không có”. Trên thực tế, thậm chí Donald Trump chẳng có khoản nào gần với một tỷ đô la để cung cấp cho người vợ sắp trở thành vợ cũ của ông. Ông nhất mực nói rằng mình không thể trả cho bà ta nhiều hơn 1,5 triệu đô la, chưa kể đến hàng triệu đô la được yêu cầu trong hợp đồng hôn nhân của họ. Khi Ivana nói với tòa án rằng bà tin chồng mình đã có quan hệ với những người phụ nữ khác, ông ta nhắc bà nhớ lại rằng trong hợp đồng hôn nhân gần nhất, được hoàn tất năm 1987, không hề đòi hỏi ông phải “tiếp tục yêu thương”. Những hợp đồng trước kia của họ cũng bao gồm điều khoản này.
Cuối cùng, khi một vị thẩm phán chấp thuận đơn xin ly hôn của Ivana Trump dựa trên “sự đối xử tệ hại và vô tình”, bà ấy đã nhắc đến tên của Marla Maples. Trong khi thương thảo để dàn xếp về mặt tài chính, nhóm luật sư của Ivana kết luận rằng một khi các khoản vay và những món nợ khác nhau được xem xét, ông ta có thể chẳng có nhiều hơn 100 triệu đô la. Ivana chấp nhận tấm séc mười triệu đô la trả trước, cộng thêm 650 ngàn đô la mỗi năm để chu cấp cho bà cùng ba đứa trẻ nhà Trump. Mười ba tháng đã trôi qua kể từ khi Liz Smith thông báo về cuộc khủng hoảng trong hôn nhân. Vào lúc đó, Donald đã trải qua một thất bại đau đớn ở Thành phố Atlantic, và khối tài sản được cho là khổng lồ của ông hóa ra chỉ là ảo tưởng.
Nhiều năm sau Trump giải thích, “Học cách chiến thắng là điều cực kỳ quan trọng. Rất ít người hiểu được làm thế nào để chiến thắng, vô cùng ít”. Nhưng cũng như thắng lợi này sẽ dẫn đến thắng lợi khác, thất bại có thể xảy đến ào ạt như thác đổ. “Bạn có thể cứng rắn và nhẫn tâm hay đại loại như thế, nhưng nếu bạn thất bại quá nhiều lần, sẽ chẳng có ai theo bạn đâu bởi vì người ta nhìn bạn như một kẻ bại trận”.
Đã trải qua vài lần thất bại, Trump bắt đầu đặt ra mục tiêu chứng tỏ bản thân là người kiên cường. Với tất cả những gì ông đã nỗ lực, và đạt được, và đánh mất, ông vẫn chỉ mới 44 tuổi thôi. Ông vẫn là một trong những người đàn ông được tín nhiệm nhất nước Mỹ, và rất ít người, nếu có, biết cách chuyển sự tín nhiệm thành tiền giỏi hơn ông.