CON QUYÊN ĐẠP XE TỪ NHÀ CÔ BA CHIẾN về, mồ hôi tướp táp trên mặt. Nó chạy vòng quanh nhà, quýnh lên gọi ba. Ông Năm Chinh đang nhổ mấy bụi mì cho đám heo rừng, hỏi vọng vô:
- Chi dậy? Làm như có cháy nhà á!
- Nhà hông cháy, nhưng cô Ba yếu lắm rồi! Cô biểu kêu ba qua liền!
Chị Ba Chiến nằm dán xuống giường, người trơ một bộ xương, hai con mắt như hai lỗ giếng, mờ đục. Thấy Năm Chinh tới, chị khẽ vẫy mấy ngón tay, ra hiệu lại gần.
- Chị Ba thấy trong người sao?
- Chết... tới... rồi!
Chị cố khều ngón tay trỏ lên túi áo. Năm Chinh lấy từ trong đó ra một tờ giấy. Trong đó ghi số tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng một trăm mười hai triệu.
- Cậu Năm mua cho thằng Hòa Bình chiếc xe tải nhỏ! Hai mẫu đất đồi đã làm xong bìa đỏ, nhờ cậu Năm làm giấy chuyển nhượng giùm sang tên thằng Hòa Bình.
Năm Chinh hiểu chị gái muốn gởi gắm.
- Sao chị hông giao cho con Bảy, nó rành hơn tui mà?
Chị Ba lắc đầu hai, ba lần liền, nước mắt ứa ra. Chắc chị nhớ lại chuyện ngày trước bị ở tù, giao tiền vàng cho cô Bảy rồi nó chiếm đoạt mất. Chờ cho em trai hứa chắc vụ quản lý tài sản cho con, chị Ba mới chịu nhắm mắt.
Đám tang chị Ba Chiến, làng xã đến đông lắm. Người dân tới viếng chị, nhưng cũng tò mò vì không biết bà này làm thứ gì mà có cả chủ tịch, bí thư huyện đi xe hơi tới đặt vòng hoa viếng. Những người tham gia kháng chiến ở làng này đâu còn mấy ai, nên những câu chuyện về chị Ba Chiến như một màn sương mờ ảo, hư thực. Đến khi người đàn bà độc thân ấy nằm xuống, mới thấy nhiều bí mật về đời chị được vén lên. Năm Chinh cũng không ngờ chị gái có của chìm của nổi. Vậy mà lúc mình khó khăn, không thấy chị giúp đỡ gì? Bả không ưa cô em dâu! Chắc vậy luôn! Nhưng cũng không sao. Năm Chinh tự hào vì đã nuôi được vợ con, xây dựng được cơ ngơi mới, hai đứa con đều tốt nghiệp đại học. Con Quyên kỹ sư nông nghiệp, con Trinh cô giáo cấp ba. Chẳng còn mơ ước gì hơn, sau những gian khổ nhọc nhằn. Nhờ có số điện thoại cơ quan của con trai, ông Năm báo tin cho chị em Tuyết - Thuần là cô Ba mất. Hôm sau cả đoàn sáu người gồm hai cặp vợ chồng và hai đứa trẻ đã có mặt, kịp đưa tang bà cô. Hai đứa con riêng của bà Thảo không dính líu gì tới. Con Hường đang học ở Sài Gòn, thằng Thành vừa về với bà ngoại trên Kon Tum, coi như không biết, mặc dù hai anh em từng ở với ba dượng Năm Chinh mấy năm trời.
Tính ra, cả hai người có tới sáu người con. Cả “con anh, con em, con chúng mình”. Hai người con riêng của ông Năm ngoài Hà Nội đều đã trưởng thành, nên ông nên bà cả rồi. Cô Minh Tuyết gái lớn kém mẹ kế có bốn tuổi. Hồi mới lấy bà Thảo, ông Năm Chinh đưa vợ ra Hà Nội, Minh Tuyết và em trai là Văn Thuần toàn gọi bà Thảo là chị. Mãi tới khi có con, họ mới chuyển sang gọi là “bà”. Bà vợ cả người Hà Nội là người đàng hoàng. Từ lần về thăm quê chồng sau giải phóng, phải xách dép đi bộ gần mười cây số trên đường cát nóng, bà vừa khóc vừa nói:
- Thôi ba con Tuyết về quê hương khói cho ông bà, em với các con ở lại Hà Nội!
Hai người con đều trưởng thành hết, vợ chồng họ mới làm đơn ly hôn. Lúc đó Văn Thuần đã là sĩ quan, Minh Tuyết công tác trong ngành văn hóa. Năm con Quyên mười bốn tuổi, ông Năm Chinh có đưa con ra Hà Nội chơi nhận anh, chị. Mai Tuyết và Văn Thuần mừng lắm, cưng cô em gái hết mực. Chị Tuyết chú tâm chế biến các món ăn đặc sản Hà Nội để đãi em. Cho đến giờ, bác sĩ Quyên vẫn nhớ và thèm món bún ốc và đậu phụ mắm tôm của Hà Nội. Còn anh Thuần lại thích dẫn em gái đi chơi Bờ Hồ ăn kem Tràng Tiền, vào các rạp chiếu bóng xem phim Liên Xô. Cô bán kem có lần hỏi:
- Hai bố con ăn kem gì?
Anh Thuần xoa đầu Quyên, cười rổn rảng:
- Em gái tôi đó! Cái nhà cô này…
Năm nào, hai chị em cũng gửi chút quà Bắc vào cho ba và mẹ kế. Bà Thảo nhiều lần rớm nước mắt, khen cô con riêng của chồng, rằng Minh Tuyết nó khéo đáo để. Mỗi lần gửi tiền cho ba, nó đều gửi theo tên bà Thảo, với lời nhắn: “Biếu ông bà mấy đồng ăn quà”. Bà lại xót xa thương hai đứa con riêng của mình. Ba nó tử trận, tiền tuất chưa kịp nhận hết thì đã giải phóng. Ba mẹ con sống đùm túm trong căn nhà phố chồng để lại. Được mấy năm, khi bà Thảo quyết định đi bước nữa thì bà ngoại nhất định giữ hai đứa cháu lại:
- Cô lấy chồng Việt cộng, khác máu tanh lòng rồi để hai cháu tôi khổ nhục. Thôi cứ để tôi nuôi anh em thằng Thành.
Ông Năm Chinh lúc đó ngỏ ý sẵn sàng nuôi con riêng của vợ. Bà Thảo tin chồng sẽ sống như vậy, vì ông là người nghĩa hiệp. Nhưng bà ngoại sắp nhỏ không chịu. Bà giữ luôn nhà cửa, sổ tiết kiệm của các cháu, rồi nuôi dạy chúng trong nhà. Con Hường có chí hơn, nên học tới cao đẳng, rồi xin việc cơ quan nhà nước ở Sài Gòn. Thằng Thành lêu lổng, bỏ học từ năm lớp chín, không giúp gì cho bà ngoại, còn phá phách ngoài đường, làm cho người tới nhà mắng vốn. Năm thằng Thành mười lăm tuổi, bà Hồng kêu con gái lên, trao trả cháu ngoại:
- Mợ già rồi, không nuôi nổi chúng nó nữa! Con đem các cháu về Bình Định đi.
- Trời đất! Vậy tiền bạc, nhà cửa của ba tụi nhỏ để lại đâu hết? - Nghe con gái thắc mắc, bà Hồng lôi ra một cuốn sổ:
- Nhà ấy mợ bán rồi! Không bán tiền đâu nuôi chúng nó! Đây! Tất cả các khoản chi tiêu trong sáu năm qua, con xem đi! Sợ còn lạm sang cả tiền của mợ.
Bà Thảo lúc ấy gạt nước mắt đưa hai đứa con về quê chồng. Lúc đó con Quyên đã có thêm em gái là con Trinh. Bốn đứa trẻ sống chui rúc cùng ba mẹ trong ngôi nhà tranh thấp.
- Đứa nào còn muốn đi học, ba sẽ cho học tới cùng. Đứa nào không muốn học, ở nhà chăn bò giúp ba mẹ.
Ông Năm Chinh khảng khái nói như vậy. Con Hường khôn ngoan, xin dượng cho đi học tiếp. Nhờ lý lịch của dượng, nó học ào ào rồi xin việc nhẹ như không. Thằng Thành tuyên bố, đi chăn bò sướng hơn đi học. Vậy là nó lãnh đàn bò bốn con, lùa vô rừng chăn thả, dỡ theo một bọc cơm vắt với muối ớt, mắm cá. Chiều về, chưa kịp tắm rửa đã sùng sục đòi ăn vì đói bụng. Có bữa con Quyên mải đọc sách chưa kịp nấu cơm, bị thằng anh về thấy đánh cho xì máu mũi. Bà Thảo sợ cái tính ác ôn của thằng Thành, nó giống y chang ông Hoàng. Chồng cũ của bà cũng giết người không ghê tay. Hồi ở Tân Cảnh, Hoàng đã bắn hai phụ nữ người Thượng, một người đang có bầu, vì sợ lộ bí mật nơi đóng quân. Thanh Thảo nghe chồng lạnh lùng kể lại, thì ôm mặt khóc. Trung úy Hoàng thanh minh:
- Em tính giùm đi! Mấy tên Việt cộng đang ở trong buôn. Không giết hai người đó, lỡ họ nói lộ ra, các chiến hữu của anh liệu có còn không?
Thằng Thành mang trong người dòng máu hung dữ đó. Đi chăn bò, đôi khi nó nổi điên lên đánh đạp mấy con bò tóe máu lưng, hoặc què chân khập khiễng. Ông Năm Chinh xót con của, có lúc giận dữ lên dọa:
- Mầy mà đánh bò nữa, ba sẽ xử đó!
Nó vênh mặt, thách thức:
- Ông có ngon uýnh tui thử coi!
Ông Năm lặng thinh không nói gì.
Mười bảy tuổi, đêm nào nó cũng đi tán gái. Đi tới khuya lơ khuya lắc, lại còn tụ tập ăn nhậu say xỉn quậy phá tung trời. Mà cái đám bạn nhậu, không mấy khi nói được lời khuyên tử tế. Toàn chọc lưng thằng nhỏ kiểu: “Mầy làm chi cho hung! Ổng là ba dượng thôi, đâu có thương xót gì mầy! Về đòi ổng chia đất cất nhà ở riêng cho khỏe”. Thằng đầu đất về nhà đòi ông Năm Chinh chia đất cất nhà thiệt.
- Mầy lớn chút nữa, cưới vợ đi rồi ba cất nhà cho. Giờ chia đất cất nhà làm chi?
- Tui biết ông mà! Không chia đất cất nhà tui bỏ đi à!
Bà Thảo hết hồn vì tính ngang ngược của thằng con trai. Bà sợ chồng sẽ buồn rồi đánh đập nó. Nhưng ông Năm Chinh chỉ buồn chứ không làm gì. Ông nín thinh, mặc kệ thằng quỷ kia không thèm nhắc tới nữa. Bà dấm dúi cho nó ít tiền, năn nỉ con trở về Kon Tum với bà ngoại. Thằng nhỏ về Kon Tum được một tuần, bà Hồng viết thư chửi con rể tắt bếp. Bà nói Năm Chinh ác độc, nuôi con vợ mà đối xử như kẻ thù. Bà kể tội mấy lần Năm Chinh cầm rựa dọa chém thằng Thành, mấy lần dùng gậy uýnh thằng nhỏ tả tơi, không cho ăn cơm. Ở nhà, bà chửi con gái:
- Tại con mẹ chúng mày hết! Không hiểu sao lại ham lấy thằng già đó. Không biết Việt cộng nó ác độc lắm sao?
Ông Năm Chinh buồn hơn, giận bà mẹ vợ từ đó, không bao giờ lên Kon Tum nữa. Lúc nào nghe tin mẹ vợ ốm đau, ông chỉ gửi lên cho ít tiền, không một lời thăm hỏi. Bà Thảo chỉ biết thanh minh với mẹ: “Mợ ơi! Đừng nghe lời con nít. Tội nghiệp nhà con anh ấy hiền lành lắm”. Bà Hồng khăng khăng để bụng. Bà khuyên thằng Thành:
- Rốt cuộc, chỉ lắm tiền người ta mới nể cháu ạ! Mày lớn khôn rồi, sức khỏe tài năng có, kiếm việc mà làm giàu. Cho vợ chồng thằng Việt cộng già mở mắt ra.
Sức khỏe thì thằng Thành có dư, nhưng tài năng như bà ngoại nói thì chưa biết. Nó chọn nghề đi đào đãi vàng. Nghề đó vô mánh một cái là đổi đời. Nó hứa với bà ngoại là sẽ đổi đời, rồi xin bà một khoản lộ phí, ra bãi vàng Bồng Sơn thử sức. Hai năm là có sự “đổi đời” từ thằng cháu ngoại. Bà Hồng nhận được tin cháu nay đã biết chơi thuốc phiện, biết hút thuốc lá, thêm tật nghiện rượu. Nó viết thư về cho bà ngoại, khoe cuối năm sẽ cưới vợ. Cô sơn nữ ấy bằng tuổi nó, rất siêng năng chiều chồng, có ba là bộ đội cách mạng nên được địa phương nể trọng. Nó tự tới xin làm rể, nhờ ba vợ tổ chức đám cưới, không nhắc chi tới vợ chồng ông Năm Chinh. Bà Thảo buồn, vì thấy con bạc bẽo. Nhưng khi nghe tin thằng Thành được ba má vợ cưng, cất nhà cho ở riêng, giao cho chăm sóc mấy mẫu rừng, bà lại mừng.
Con Hường lẳng lặng học tập, lẳng lặng sống, như tận dụng hết những cái tốt của ba dượng. Ông Năm Chinh thấy vậy cũng thương nó, không tiếc một thứ gì. Hường học cao đẳng xong, xin được việc làm. Từ đó sống đơn độc ở Sài Gòn, không về thăm mẹ, cũng không về thăm bà ngoại. Cho đến năm 45 tuổi Hường vẫn sống độc thân, không chồng con. Cô sống an phận, coi như mình vô thân thích giữa dòng đời náo loạn. Kể cả khi đau ốm, vào bệnh viện phẫu thuật cô cũng không cho ai biết. Có một sự hận thù âm ỉ trong lòng cô gái đơn thân, mỗi khi nghĩ về thân phận mình trong một gia đình bị chia năm xẻ bảy. Bà Thảo cũng không mấy khi nghĩ đến con gái. Không phải là bà tệ bạc gì, nhưng đứa con ấy bản lĩnh quá. Nó còn bản lĩnh hơn cả bà, khi dám vứt bỏ mọi ràng buộc gia đình để sống cho bản thân. Mấy năm học đại học ở Sài Gòn, Quyên biết chỗ chị gái làm việc mà không dám tới thăm, chứ đừng nói nhờ vả chuyện khác. Hường không muốn gặp gỡ người ruột thịt. Biết có đứa em gái cùng mẹ khác cha đang học ở thành phố, chưa bao giờ Hường quan tâm. Thành ra, bốn năm sinh viên, cho tới khi về quê mà Quyên không có cơ hội gặp chị gái. Với bản tính hiền hậu, Quyên rất muốn được gắn kết tất cả các anh chị ruột thịt của mình, dù họ cùng cha hay khác cha, khác mẹ. Sau mấy lần đi Hà Nội thăm mẹ lớn, gặp chị Minh Tuyết, anh Văn Thuần, Quyên cảm thấy hạnh phúc ấm áp. Lúc đó, anh Thành đã có vợ con ngoài Quảng Nam, dù chưa quên những trận đòn cũ vì tính háu đói của anh trai, cô vẫn muốn ra ngoài đó một chuyến. Năm hai ngàn không trăm lẻ mười, trong khi chờ việc, cô đã thử ra quê vợ của anh một lần.
Lần ấy Quyên ngỏ ý với chị dâu, muốn ra ngoải kiếm tiền:
- Ước gì mùa hè này em ra anh chị kiếm việc! Hay là ra Bồng Sơn đào đãi vàng như anh Hai Thành?
Chị dâu cười khanh khách:
- Ừ! Cô ra mà đào! Mỏ vàng Bồng Sơn tiêu rồi! Hay đi lượm trái ươi bay! Có tiền lắm đó!
Người ta bảo bốn năm cây ươi mới ra trái một lần. Những cây ươi ở rừng Phước Sơn năm nay đến vụ rồi. Vậy là Quyên đi, rủ một thằng bạn học hồi lớp 12 đang thất nghiệp.
- Tau đi nhặt ươi bay về bán kiếm tiền đúc vàng để dành, mai mốt làm của hồi môn. Mi đi hông?
- Đi! Tau đang chết đói!
Vậy là cuốn đồ theo bạn ra xứ Quảng. Nói là quê Phước Sơn, nhưng chị dâu, vợ anh Thành nói chưa bao giờ đi nhặt ươi cả. Vì còn phải ở nhà nuôi con, lo cơm nước cho chồng. Chỉ biết hạt ươi có giá lắm, đến mùa “ươi bay” người dân quê bỏ cả việc nhà nông đi thu lượm. Quyên ham, nhưng khi theo bạn trai vô rừng, mới lội qua một con suối, trèo qua ba cái dốc, cô đã muốn bỏ cuộc.
- Cây nào là cây ươi?
Cô vừa thở vừa hỏi. Anh Thành chỉ về cánh rừng trước mặt:
- Đó! Những cây cao vút lên một mình, tán lá đỏ như lửa là cây ươi! Tụi bay vô đó có nhiều người lượm ươi lắm. Anh về còn đi cắt gỗ.
Nhưng thấy vậy mà không phải vậy. Có những cây ươi trái rụng tới đâu, người lượm hết tới đó. Phải đi sâu, đi tuốt vô trong rừng xa, tìm đỏ con mắt mới tìm được một gốc ươi có trái bay. Khi gặp may, quanh gốc ươi dày những trái hình thoi màu nâu xám, hấp dẫn. Hai người lượm trọn ngày cũng được mươi, mười lăm ký. Gặp cây mới rụng, chỉ được năm, bảy ký. Có khi ngửa cổ nhìn ngọn cây cao vút mấy chục mét, tít trên trời xanh mây trắng, thầm van vái. “Ươi ơi ươi! Rụng cho tui ít trái cho bõ công trèo đèo lội suối. Cho khỏi phụ đôi bàn chân rướm máu vì trượt qua gờ đá. Cho cái trán đỡ tủi khi mấy lần đập vô cành cây dọc đường rừng nổi u, nổi cục”. Quyên mấy lần chắp tay khấn vái như vậy.
Có một lần, thằng bạn nhặt ươi nổi máu yêng hùng, quyết trèo lên cây hái trái chứ không chờ được ươi bay. Chọn một cây cao chừng hai chục mét, là cây thấp nhất trong mấy cây quanh đó, bạn nhổ nước bọt vô bàn tay, xoa xoa rồi bám thân ươi, trèo thoăn thoắt. Nhưng được nửa chừng chiều cao, thấy bạn chậm dần, chậm dần, rồi dừng hẳn, hai tay ôm chặt thân ươi, hơi thở hổn hển đến dưới đất còn nghe thấy. Được mấy mét nữa, thấy bạn bất lực, khóc tức tưởi, rồi ôm thân cây tuột xuống một lèo. Tới mặt đất rồi, cườm tay, cẳng chân rớm máu. Nước mắt chảy dài trên đôi má lem luốc bụi phấn. Cũng vì cái cảnh leo cây thê thảm đó, có vài thanh niên vung rựa đốn cây ngang tầm thắt lưng. Cây ươi run rẩy, ứa máu quanh thân, chống chọi chừng một giờ đồng hồ rồi oằn oại gục xuống. Đau xót quá! Tàn ác quá! Cây ươi mọc hai chục năm mới cho trái, bốn năm mới ra trái một lần.
Lần ấy, đi lượm ươi bay một tuần, muốn ngất xỉu. Về nhờ bán được hơn năm triệu đồng, chia mỗi đứa một nửa, Quyên mừng húm. Từ nhỏ đến lớn, có lúc nào cô được một trăm ngàn tiền riêng trong túi. Sau này về, nghe ba nói tụi bây bán ươi rẻ quá. Lái buôn thu mua có bốn chục ngàn một ký, đem về thành phố bán những trăm hai, trăm rưởi ngàn. Thiệt là đổ mồ hôi đi làm giàu cho người ta. Quyên mới thấy đau lòng. Nhưng cái đau ấy không bằng nỗi đau bị anh trai đối xử tệ bạc. Mấy hôm được anh chị cho ở nhờ trong nhà, hai đứa yên trí là có người bao bọc. Nhưng khi bán được mớ ươi đầu tiên, thì anh Thành rượu vô mượn lời chửi:
- Má nó chớ! Ăn ở hông biết điều. Đây là nhà của tau nghe, không phải quán trọ. Mà ở quán trọ người ta cũng phải trả tiền ngủ.
Quyên hiểu anh chửi hai đứa vì kiếm được tiền mà không đưa cho ổng đồng nào. Tính hay tự ái, cô đùng đùng dắt bạn bỏ đi ngay trong đêm, hôm sau đón xe về Bình Định. Anh em ruột mà tính toán quá vậy thấy kỳ.
Giờ mỗi lần thấy anh Thành gọi điện vô khóc lóc với mẹ về việc vợ sắp sanh mà không có tiền, là Quyên thấy ghét. Đàn ông gì mà hèn, làm quanh năm không đủ lo cho vợ, lúc sinh nở còn xin tiền mẹ. Mà cả ba lần sinh con đều xin cả ba mới lạ chứ. Lần đầu, bà Thảo bớt nửa tháng lương hưu của chồng được bốn triệu đồng, kêu gọi hai đứa Quyên, Trinh được thêm hai triệu nữa, rồi gửi ra cho con trai. Lần thứ hai không ai góp nữa, bà tự bớt xén tiền của hai vợ chồng già, gửi cho hai triệu đồng. Thành tỏ ý không bằng lòng, chửi bóng gió. Rồi mới đây, vợ sinh lần ba, Thành lại giở bài kêu khóc, trách móc. Bà Thảo cầm lòng không đặng, lại kêu gọi hai cô con gái thì bị từ chối. Cô giáo Trinh là người nóng tính, la mẹ là người bạc nhược. Tiền bạc có nhiều đâu, ngoài lương hưu của ông già, tiền bán hoa trái, chăn nuôi gom góp cất được căn nhà đúc là vừa hết. Giờ gánh thêm ông con trai nghiện nữa thì làm sao.
- Mày nói anh nó nghiện là thế nào?
Bà Thảo giận dữ tra vấn con gái. Trinh không nói gì, bấm số điện thoại rồi đưa cho mẹ:
- Nè! Mẹ nói chuyện với chị Hai đi!
Cô con dâu không kịp chào mẹ chồng, báo rằng đang chuyển bụng sanh, đau quá mà thằng chồng không thấy đâu.
- Nghe nói nó nghiện hả con? Nghiện gì?
- Trời ơi! Hu hu hu! Giờ mẹ mới biết sao! Ảnh ghiền ma túy mấy năm rồi, làm được đồng nào chỉ hút chích.
Bà Thảo té ngửa. Ôi trời đất ơi! Thằng con trai độc nhất của bà đã hư hỏng rồi.
Hồi này, bà Hồng hay gọi điện về Bình Định hỏi thăm con gái và các cháu. Hình như trong tâm tính bà có thay đổi. Ông Năm Chinh đánh giá như thế, vì không thấy bà trách móc, chê bai chế độ nữa. “Kể ra họ cũng tử tế! Tao có làm gì cho chế độ đâu, toàn nói ngược, vậy mà họ vẫn cho tiền trợ cấp hằng tháng mấy trăm ngàn”. Bà Hồng đã ngoài chín mươi tuổi, được hưởng trợ cấp người cao tuổi theo chế độ. Với món tiền trợ cấp nhỏ ấy, bà đã trở thành con người có nhận thức khác về chế độ mới. Nhưng cái tâm của bà với con cái, vẫn vậy thôi.
- Này mẹ Thảo! Mợ bàn với con chuyện này, quan trọng đấy. Con không làm sớm thì sau này Năm Chinh nó chết là khó lắm.
Một lần bà Thảo lên Kon Tum thăm mẹ và các em, được mẹ gợi ý như vậy. Theo ý bà Hồng, diện tích đất vườn của nhà con gái rộng lắm, có hơn một trăm mét ngang mặt đường. Bây giờ phải bàn với Năm Chinh chia cho các con trước đi, cả thằng Thành, con Hường và chị em con Quyên, Trinh. Bà Thảo băn khoăn:
- Mợ nói vậy, con xin vâng! Nhưng khó lắm ạ! Đất đó toàn công sức của ba hai đứa Quyên, Trinh khai phá, con có làm được gì đâu!
- Không làm gì thì con cũng lo chăm sóc ba con nhà nó. Của chồng công vợ mà!
Ý của mẹ cũng là suy nghĩ trăn trở của bà Thảo. Bà cảm thấy có tội với hai đứa con riêng, khi bỏ mặc chúng sống lay lắt với bà ngoại. Đến nỗi căn nhà ba chúng để lại cho cũng bị bà ngoại bán mất. Bà muốn bù đắp cho con, nhưng không biết bằng cách nào. Hai đứa con gái chung với ông Năm Chinh rồi sẽ có chồng, ở riêng. Rồi chúng nó lo việc nhà chồng chứ làm sao nuôi nổi ba mẹ. Bà hy vọng còn có thằng Thành. Mai này ông chồng già đi trước, chắc bà phải nương tựa vào con trai. Nghe mẹ tâm sự, Trinh cười chảy nước mắt:
- Mẹ cứ chờ đó hánh! Anh Thành mà nuôi mẹ được một tháng, con không làm người nữa.
- Vậy hai đứa bay, lấy chồng bắt ở rể đi cho mẹ nhờ với!
Trinh dứt khoát:
- Hông! Con lấy chồng là theo chồng! Vụ này mẹ bàn với chị Quyên thử coi!
Quyên vốn hiền lành, dễ tính, nên gật đầu:
- Ừa! Để coi con dụ thằng nào về ở rể cũng được. Quan trọng là nó có chịu hông.
Cô kỹ sư nông nghiệp giữ lời hứa với ba mẹ, kéo được một chàng rể về ở chung. Căn nhà ông bà Năm Chinh cất cho con gái sát ngoài mặt đường, vừa tiện đi lại, vừa để Quyên làm dịch vụ thuốc thú y. Anh chồng cao ráo, đẹp trai lại giỏi nghề đờn ca. Họ có vẻ hợp nhau về tâm hồn. Trang trại dê và heo rừng của ông Năm Chinh được con gái hỗ trợ về thú y nên phát triển ào ào. Ông vẫn thói quen không chịu ngồi yên một chỗ, tối ngày lo cỏ cho dê xong, lại lo thức ăn cho bầy heo, đàn gà. Thu nhập gia đình và tiền lương hưu, một tay bà Thảo quản lý, chi tiêu. Là người tằn tiện, chi ly, cuộc sống khá ổn định, nhưng nhiều lúc nỗi lo hết tiền làm bà lao đao. Đó là những lúc bà phải giấu chồng và các con gái, chi viện cho vợ chồng thằng Thành. Bà có ý nguyện, sau này chồng khuất núi rồi, sẽ kêu gia đình thằng Thành chuyển vô đây cho có mẹ có con. Nhưng tính thì tính vậy, chứ con trai cứ mỗi ngày một hư hỏng, bà sợ dẫn nó về đây sẽ làm rối loạn mái nhà vốn bình yên từ lâu, hai đứa con gái sẽ chịu hậu quả.
Chiều nay sắp có cơn mưa. Ông Năm Chinh ngồi nhấp nhổm bên bàn đá, nhâm nhi bình trà nhạt hoét, lúc lúc lại ngó nhìn lên trời:
- Liệu có mưa hông mình?
Bà Thảo đang đun nấu, không quay ra, chỉ nói lớn:
- Mưa đó!
Mưa thì mưa, ông hổng lo nữa. Cỏ dê, cỏ bò, mì cho heo, bắp cho gà, ông chuẩn bị xong hết rồi. Mùi thơm khét trong bếp bay ra, chứng tỏ bà già đang nấu nồi cá trắng. Lúc nãy thấy bả hái một rổ rau tập tàng, rửa sạch rồi. Trời mưa xuống, ông lại được ngồi nhúng bánh tráng bột mì chấm cá kho, rau sống, nhậu vài ly rượu thuốc giải mỏi. Cuối cuộc đời, ông vẫn bảo lưu một ý nghĩ, rằng sống làm người thì đừng tham lam, ôm đồm quá, cái gì cũng muốn, cũng mơ ước. Phải biết chọn lấy một thứ, để mà sống cho tốt. Ông không hề tiếc những ngày còn công tác, có quyền chức, bổng lộc. Tại vì ông chọn tình yêu với vợ con. Ông chấp nhận thiệt thòi đường công danh để có được bà vợ trẻ. Giờ thì thời gian trôi đi, đã trả lời cho hành động của ông là đúng. Một mái ấm gia đình, dù trải qua nhiều gian khó, thì nay cũng đã toại nguyện trong cái nhìn khách quan của xã hội.
- Mình ơi! Pha cho tui bình trà mới!
Bà Thảo ngạc nhiên. Hôm nay ông già chịu chơi dữ. Hay là sắp có khách quý. Sáng giờ bà có nghe điện thoại của ai đâu.
- Bữa nay ba xài hoang.
Bà cười nói vui. Ông cũng chỉ im lặng cười theo. Bà Thảo không gặng hỏi, nhưng bà biết chồng vui. Con Quyên cũng vừa đi chích thuốc cho bò về, chạy xe tấp vô:
- Ba! Sắp mưa đó! Có cỏ cho dê chưa?
Ông già cười hiền lành, gật đầu. Quyên lấy ra một bịch sữa đậu nành, rót vô chiếc ca nhựa:
- Nè ba uống đi cho nóng! Sữa đậu nành tốt lắm. Con bỏ vô chút đường hánh?
Ông già lại gật gật, cười như con nít. Bà Thảo với tay, cầm ca sữa uống thử một ngụm. Nhạt đường vậy được rồi. Người già uống nhiều đường không tốt cho sức khỏe. Bà nhẹ tay, gỡ mấy cọng rác và mạng nhện trên tóc chồng, nói khẽ khàng:
- Bà ngoại con Quyên muốn về dưới này ở với vợ chồng mình một thời gian. Em thấy khó nghĩ quá ba nó ạ!
Ông Năm Chinh nheo mắt, nhìn lại vợ như đánh giá sự chính xác trong câu nói:
- Dậy na! Nếu mợ muốn, thì mình cứ đón bả về đây ở cho vui! Chỉ sợ các cậu, các dì hông chịu thôi!
Quyên từ ngoài giếng đi vô, tay cầm mấy trái ổi, bất chợt nổi giận, nói lớn:
- Mẹ hay thiệt nha! Lo chăm ba cho tốt đi, ổng cũng ngoài tám mươi rồi. Ba mẹ nuôi sao được bà ngoại! Mà hồi nào tới giờ, bà ngoại có coi ba con ra thứ gì đâu, giờ lại đòi về ở đây là sao?
Bà Thảo bật khóc:
- Tao mới hỏi ý ba chúng mày thôi! Làm gì như ăn tươi nuốt sống mẹ mày vậy?
- Chứ còn gì nữa! Bà ngoại bán hết cả đất đai nhà cửa, nướng vào số đề. Cái nhà bây giờ cũng gán nợ cho ngân hàng rồi. Giờ muốn về báo hại ba con nữa. Chúng con hông chịu đâu!
Ông Năm Chinh khoanh tay bó gối, ngồi nghe một lúc, rồi thủng thẳng khuyên con:
- Thôi con! Hãy để cho mẹ con có cơ hội báo hiếu với bà ngoại. Bà còn sống được bao năm nữa đâu!
- Con đi nói với dì Trinh, rồi sẽ có ý kiến với mẹ. Hồi này mẹ nhiều ý tưởng khùng rồi. Hết muốn đưa thằng nghiện về ở chung tới muốn đưa bà ngoại về hành ba. Mẹ biết rồi đó, dì Trinh nó dữ dằn lắm chứ hông hiền như con đâu.
Bà Thảo chết sững trước phản ứng dữ dội của con gái. Nó nói hỗn, nhưng cũng có lý. Bà ngoại hầu như không quan tâm tới hai chị em nó từ nhỏ tới giờ. Con Trinh còn than thở, chưa biết bàn tay bà ngoại nó ấm lạnh ra sao, vì chưa bao giờ bà vuốt má cháu. Có lẽ phải suy nghĩ lại, chuyện đưa bà ngoại về đây. Bà cảm phục và thương chồng xót xa. Ổng luôn hết mình vì vợ, hy sinh bản thân vì bà như mấy chục năm qua. Có những lúc đói khổ quá, bà Thảo thở than, trách móc ông, rồi nhớ lại thời gian mình còn là phu nhân trung úy, lên xe xuống ngựa, xài tiền như nước. Sau dần cũng nguôi ngoai, qua thực tế cuộc sống, mới thấm thía ông chồng già này mới chính là người đàn ông đáng tin cậy. Ông đã buông bỏ, tha thứ tất cả hận thù, tị hiềm để sống cho tình yêu.
Cơn mưa đã khởi đầu bản nhạc, bằng những tiếng long tong thưa thớt trên mái tôn. Đàn vịt xiêm cắm đầu, vỗ cánh lao ra giữa sân đón mưa, kêu quàng quạc. Một bóng áo mưa đỏ như đốm lửa, lao vút vào sau mái hiên. Tiếng con nít reo lên:
- Mưa rồi! A mưa rồi! Con chào ông bà ngoại!
Bà Thảo kêu trời. Là mẹ con nhà Trinh. Đi đâu mà lúc mưa mới chở nhau tới ông bà ngoại. Cháu gái bốn tuổi tròn như hạt mít, lòe xòe tấm váy hồng. Tay nó xách một hộp bánh ga tô, khệ nệ đặt lên bàn:
- Ông ngoại, đỡ giùm con! Quà của ông ngoại mà, có phải của Bông đâu!
Ông Năm Chinh xoa đầu cháu:
- Bông giỏi! Hôm nay sinh nhật con hả?
- Hông! Sinh nhật ông ngoại mà!
Bà Thảo giật mình: “Ừa! Đúng rồi! Sinh nhật ông ấy vào ngày 15 tháng 10. Không lẽ hôm nay là ngày ấy”. Trước kia mới lấy nhau, thi thoảng bà cũng nhớ tới ngày này, vào những lúc kinh tế gia đình dễ chịu. Nay thì quên mất rồi. Cũng may mà mẹ con nhà Trinh nhớ được.
- Tháng nào con chả đi lĩnh lương hưu cho ba. Sổ hưu con cầm thì con nhớ ngày chứ gì!
Trinh nói xong, hối con gái cắm nến lên bánh ga tô. Quyên hôn lên mái tóc mềm dịu, còn thơm mùi dầu gội của con bé:
- Hai dì cháu mình cùng đốt nến cho ngoại hánh! Con học tới chữ gì rồi?
- Dạ chữ ba, mẹ!
Cơn mưa đã dồn dập trút nước. Bà Thảo trải chiếu, mang ra niêu cá kho, rổ bánh tráng và rau sống.
- Mời ba! Chúc mừng sinh nhật ông ngoại!
Cả nhà xúm xít quanh mâm bánh. Bà Thảo cay cay con mắt, nhớ cũng cảnh mùa mưa năm nảo năm nào, chồng bà bày ra một chiếc nia những bánh tráng, rau rừng và nồi tép bạc. Chị em con Quyên nhao vào, ngồi chồm hỗm trong nia, giành ăn.
- Chị Ba tính chừng nào mới sinh? Cưới ba năm rồi, chưa có bầu là phải coi lại nhen!
- Nhức đầu quá! Dì mày nói y chang bà má chồng tau vậy! Bả cứ đổ thừa con dâu chậm bầu. Tuần trước tau đưa ổng đi khám nam khoa rồi. Tinh trùng có mười hai phần trăm, làm sao bầu bí được.
Ông Năm Chinh rót ra một ly rượu, nhấp môi:
- Tìm thầy tìm thuốc chạy chữa cho chồng con ơi! Đừng bỏ nó tội nghiệp! Thằng đó cũng hiền mà.
Quyên phá lên cười:
- Trời! Sao ba đoán ý con gái hay vậy? Con đang tính, nếu ảnh hông sanh được, vợ chồng xin một đứa con nuôi đó ba!
Thấy cháu ngoại bỏ bánh sinh nhật quay qua ăn bánh tráng chấm nước cá, ông Năm Chinh xót lòng. Ngày nhỏ mẹ nó ngán tới mang tai món này, giờ nó lại coi như đặc sản. Cuộc đời thay đổi đến lạ. Có những thứ ngày xưa thấy tầm thường, thì nay như báu vật. Hoặc có thứ trước kia ta đam mê, thần tượng, thì nay chán ghét không buồn nhắc tới.
- Bà ngoại tính bỏ Kon Tum về đây với ba mẹ đó! Dì Trinh coi được hông?
Quyên gợi chuyện vậy và nhìn thấy vẻ lo lắng, giận dữ trên mặt mẹ. Thể nào con Trinh cũng phản đối tưng bừng cho coi. Trinh tròn mắt, ngạc nhiên, rồi vỗ tay cười:
- Hay vậy ta? Rước ngoại về luôn đi!
Bà Thảo nói cà lăm:
- Là… là là… con nói… nói sao?
- Ngoại biết nghĩ tới nhà mình vậy là bả thay đổi tánh nết. Mừng chứ sao! Cứ đón bả về ở, cho ngoại biết ba con mình tốt ra sao ba hánh!
Ông Năm Chinh chỉ cười, rót thêm một ly rượu nữa.
- Ừa, đón thì đón. Vậy để bán lứa heo này, ông lắp thêm cái bồn nóng lạnh, cho hai mẹ con bả dùng khi mùa đông. Mình sống vậy đi con gái của ba. Các con thiệt ngoan. Thời của bà ngoại các con sắp hết rồi. Bả chín mươi hai tuổi rồi. Mình ghim gút chuyện xưa làm gì.
Giữa cơn mưa, trời gầm một tiếng sấm thiệt lớn. Ánh chớp xé toang đám mây đen, vạch ngang trời một vầng sáng chói lòa.
Hoàn thành tại Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức tại Đại Lải - 2018.