TRỜI MƯA LIÊN TỤC, MƯA THỐI ĐẤT, NGẬP trắng cánh đồng Bầu. Cây lúa loi ngoi cầm cự được dăm ngày rồi héo úa, mục nát làm mồi cho lũ cua đồng. Mùa mưa năm nay, nhà Năm Chinh mất trắng hai vụ chính. Vụ đỗ cua tháng bảy và vụ mì tháng mười.
Thửa rẫy cũ, Năm Chinh quyết định trồng hơn một trăm gốc đào lộn hột. Cuối mùa khô năm ông nghỉ công tác cựu chiến binh, Năm Chinh đã tìm một khoảnh rừng khác để phát rẫy mới trồng đậu cua. Giống đậu cua cho năng suất cao và dễ bán, dễ ăn. Cuối tháng Chạp, ở chợ người ta tìm mua đậu cua về làm nhân bánh tét. Đậu cua cũng có thể đem nấu chè, trộn nếp nấu xôi hoặc ngâm kỹ trộn với mì lát thái mỏng nấu ăn với muối đậu phộng. Nỗi lo vợ con bị đói đã đày ải ông, một người trí thức quen làm việc đầu óc, vào công việc vô cùng khổ cực là phát rẫy. Cây rựa không biết đã mài đến bao nhiêu lần, lưỡi đã mòn lõm ở giữa. Mồ hôi ông chảy đầm đìa, bạc màu dần rồi mục nát chiếc áo lính. Ông thừa hiểu rừng bị phá như vậy sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Tới đời cháu ngoại ông, con của con Quyên, con Trinh chắc bị thiệt thòi nhiều lắm. Nhưng bây giờ thì cái đói đang đe dọa, không phải riêng gia đình ông, mà cả cộng đồng người xứ nẫu. Mong rằng, thế hệ sau không còn biết đến việc đốt rẫy. Cũng có thể lúc đó, cuộc sống sẽ khá hơn hoặc sẽ không còn rừng để mà phá nữa!
Cuối tháng bảy âm lịch, thửa rẫy mới đã được phát xong, phơi nắng khô nỏ. Năm Chinh bắt đầu đốt rẫy. Bọn con nít phải ở nhà, không được theo vô rẫy vì sợ bị than lửa. Ông Năm chỉ mang theo hai con chó vàng. Khi mồi lửa bén dần, bốc cao rần rật gặp gió thổi cháy quằn quại, lan rộng dần, khói đen bốc cuồn cuộn, tiếng nổ lốp bốp từ những thân cây còn tươi, chưa khô hẳn. Tiếng mấy con sóc, chí chóe gọi nhau tháo chạy khỏi biển lửa, cũng là lúc hai con chó sủa vang, cắm đầu đuổi theo lũ sóc. Không còn cây cao để trèo lên, hai con sóc bị khói làm mờ mắt, chạy dúi dụi và bị bọn chó bắt được. Hai đứa chúng nó cắp con mồi bắt được chạy tới chỗ Năm Chinh vẫy đuôi mừng, khoe chiến tích. Tối nay hai đứa con gái lại có chút thịt tươi tẩm bổ. Năm Chinh cười rạng rỡ.
Mấy đám rẫy bên cạnh cũng bắt đầu nổi lửa. Lửa reo ù ù, khói đen che kín khu rừng. Họ phải tranh thủ đốt sớm mấy ngày, phòng mưa xuống bất tử là khỏi tỉa đậu. Phát rẫy trồng đậu cua, không ảnh hưởng tới rừng già. Người ta chọn những vùng cây nhỏ lúp xúp để làm rẫy, khi phát bao giờ cũng chừa lại những thân cây cao chừng một mét. Mai mốt đậu cua mọc, có chỗ mà bám, leo lên.
Khi những hạt mưa đầu mùa lặng lẽ rơi xuống, cây bằng lăng đầu ngõ chỉ còn vài bông hoa màu tím nhàn nhạt. Những trái bằng lăng bằng ngón chân bắt đầu trĩu nhánh. Năm Chinh giục cả nhà đi trỉa đậu cua. Trái bầu khô treo trên gác bếp được lấy xuống, mở nút lá chuối khô ra. Những hạt đậu giống để từ mùa trước tròn mẩy, đen nhánh lanh canh chảy xuống chậu. Đậu giống phải chọn và bảo quản kỹ, tránh mối mọt. Nhà nào không may phải trồng giống mới, thấp thỏm lo hên, xui. Cái giống đậu mới, trỉa xuống là xanh um lên ngay, tốt ngần ngật, nhưng thường ít hoặc không có trái, chỉ có nước cắt về cho bò ăn. Bốn ngày sau, chị Thảo dắt con Quyên vô thăm nương. Đậu cua nở rất đều, những hạt mầm nhỏ bé trắng nõn xòe hai cánh bay lên mặt đất, đón ánh mặt trời. Con Quyên ngồi thụp xuống bên luống đậu, vỗ tay reo hò:
- Các bạn đậu đang múa nè mẹ! Múa đẹp quá, đều quá!
Đất rẫy mới phát và đốt, nhiều dinh dưỡng do tro mùn và chưa nhiễm sâu bệnh, nên đậu cua vươn lên khỏe mạnh. Nhưng chỉ cần vài trận mưa lớn thì tất cả sẽ bị rửa trôi. Lúc đó, những ngọn đậu cua đã kịp dây bám cây leo lên xanh mướt, bắt đầu trổ hoa vàng rực rỡ. Chị Thảo mừng thầm. Công sức của ông chồng già đây. Thương quá! Nương đậu cua vươn đều, hứa hẹn cho mùa thu hoạch sớm. Tết này chị bán đỗ, có thêm món tiền mua cho chồng đôi dép mới, chứ đôi dép đúc từ hồi bộ đội của ổng có bốn quai sút hết nửa rồi. Con Quyên cũng cần một bộ đồ mới, con Trinh đòi mua chiếc váy đầm. Chỉ mình chị là không cần mua sắm gì, chỉ cần món quà tình thương của người thân. Cuối năm dư dả, chị tính rủ ba con nhà nó về Kon Tum thăm bà ngoại, vì đã ba năm rồi mẹ con, bà cháu chưa gặp nhau.
Chị Thảo đi khắp nương mới, tay nâng nhẹ từng ngọn đậu cua vắt lên cấy nọc. Hoa rất đều, hy vọng trái cũng nhiều. Chị lo mùa thu đậu, vợ chồng phải dậy sớm mà đi thu hái. Cái giống đậu cua đã chín, cứ để quá mười giờ, gặp nắng là tự nó nổ tanh tách, văng hết hạt ra ngoài, không sức đâu mà đi lượm lại giữa đám cỏ rác, đành bỏ lại cho lũ chim cu gáy và chồn, sóc. Nhưng hy vọng tắt ngúm, khi những trái đậu nhỏ xíu bắt đầu buông, không hiểu sao cả nương đậu tự nhiên héo rũ, chỉ còn vài đám loe ngoe gần bìa rừng. Năm Chinh ngồi bên nương đậu, giơ tay quệt nước mắt. Má nó! Đây là bịnh gì? Mình cần phải biết để mùa sau còn phòng trừ. Nhưng hỏi ai cũng không biết, mà cũng chỉ riêng nương đậu nhà ông bị chết cháy, những nhà khác có sao đâu.
- Không sợ! Mình chăm con đi! Để tui cày đất kịp vụ mì sau vậy!
Năm Chinh động viên vợ. Mất một vụ đậu, có gì đâu. Mình làm tiếp, không để vợ con phải thiếu đói. Mất trọn một tháng ông Năm đào gốc, phát cỏ, dọn sạch thửa đất, chuẩn bị làm vụ mì. Mấy cơn mưa liên tiếp, vừa ngớt là ông dắt hai con bò mới mua ra cày đất. Bò còn nhỏ, mới tập cày nên chủ nhà mệt muốn hộc máu.
- Thá! Thá, thá... Trời quơi! Hai đứa ngu này, tau hô thá mà bay đứa rẽ phải, đứa rẽ trái là sao?
Càng trưa, tiếng nạt nộ, dí thá càng lớn, cây roi quất đen đét vô mông lũ bò càng nhiều. Con Quyên ngồi chơi bán hàng trong bụi cây thấy bò bị uýnh quá, liền chạy ra, giãy nảy:
- Ba! Sao uýnh bò của con dữ vậy?
Nó gào khóc. Ông Năm dỗ con:
- Uýnh đâu! Ba chỉ xua tụi nó đi cho lẹ thôi!
- Còn gì nữa! Con vừa đếm kìa! Con Mẫn bị tám roi, con Xe bị mười một roi. Ba còn cãi hả! Hu hu! Sao ác quá đi! Sao uýnh bò của con!
Vừa mệt vừa tức, ông tự nhủ ngày mai không cho con nhỏ này theo vô rẫy nữa. Bốn ngày thì cày vỡ đất xong. Để phơi ải mấy ngày, ông Năm bắt đầu cày trở đất. Lần này thì nhanh hơn, mất một ngày rưỡi. Thêm một ngày bừa đất nữa, vậy là ổn. Tháng Chạp chợt đến với mưa bay, gió dãi, ướt lạnh. Cả nhà lại tập trung vô rẫy mới. Con Trinh ngồi chơi trên chiếc chiếu rách, nhoẻn miệng cười mỗi khi thấy ba và cặp bò đi qua. Bóng người và bò lầm lũi đi trước xóc hàng, hai mẹ con chị Thảo râm ran cười nói, đi theo rải hom.
“Người tính không bằng trời tính”. Gần tết ông trời trở mặt, nắng nóng liên tục. Đám mì nằm im hoặc thúi gốc, không thèm nhú lên khỏi mắt đất. Hai vợ chồng dặm đi dặm lại mấy lần mà không thấy mì mọc. Nản quá, Năm Chinh bỏ thí. Mùa đó, nhà Năm Chinh mất mùa riêng. Nhà Mười Đẹt trồng mì trước hai mươi ngày, bị ông cười vô mũi là không hiểu gì về khoa học, vậy mà nó trúng mùa. Xong vụ mì, thấy con vợ Mười Đẹt khoe vừa xuống tiệm vàng An Phú đổ thêm năm chỉ, cất phòng ra Giêng cưới vợ cho con trai.
Chị Thảo bàn với chồng, hay là kéo cả nhà lên Kon Tum làm ăn. Trên ấy điều kiện cuộc sống dễ chịu, chị lại có nhiều mối buôn bán. Hai đứa con có thể nhờ bà ngoại trông. Ông Năm Chinh nghĩ ngợi một đêm, rồi đồng ý. Mình thử đổi gió coi có khá hơn không. Trên Kon Tum cũng có mấy người bạn trước cùng đơn vị. Thấy gia đình Năm Chinh lên, họ mừng lắm, xúm vô lo liệu giùm. Trước mắt có căn nhà của một người xuất ngoại, có thể mượn ở một thời gian. Năm Chinh sẵn đất rẫy đó, trồng cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi gà vịt, dê bò. Chị Thảo kiếm vốn chạy chợ với bà ngoại. Mọi việc thấy có vẻ xuôi chèo mát mái, nhưng Năm Chinh lại linh tính điều bất ổn. Dù đã viết thư báo trước gửi lên Kon Tum, nhưng khi thấy bầu đoàn bốn người nhà con rể tới nơi, mặt bà mẹ vợ lạnh tanh. Ít nhất bả cũng hỏi xem các cháu đi đường ra sao, có mệt không chứ? Trước kia, Năm Chinh có phong thanh nghe chuyện mẹ vợ chê ông là “Việt cộng già”, xúi con gái bỏ cháu lại cho bên nội, rồi về Kon Tum lấy một ông sĩ quan chế độ cũ, được đi Mỹ theo diện H.O, ông không chấp trách vụ này, vì thấy vợ mình không chịu, vẫn một lòng yêu thương ba con ông. Nhưng thái độ lạnh nhạt của mẹ vợ làm ông ngán. Ba ngày trôi qua nhạt nhẽo. Căn nhà đi mượn đã được anh em bạn giúp dọn dẹp sạch sẽ, khiêng tới đủ thứ từ giường, tủ, bàn ghế cũ. Bữa tối ngày hôm đó, bà mẹ vợ nhìn vợ chồng Năm Chinh hỏi giọng chua loét:
- Thế anh Chinh định ở đây bao lâu, để tôi còn chuẩn bị gạo, muối? Thời buổi khó khăn, nên cứ phải lo trước. Mà cứ tưởng bên các anh cướp được chính quyền rồi, thì ai cũng sung sướng, nhà lầu, xe hơi chứ!
Năm Chinh lặng thinh. Hôm sau một mực đòi dắt vợ con về Bình Định.
- Dù chết đói ở nhà mình còn hơn sung sướng ở đây mà chịu nhục mình ạ! Mình tin tui đi! Nhất định tui không để ba mẹ con thiếu thốn nữa.
Chị Thảo khóc, nói chồng cứ về trước. Để hai con ở chơi mấy bữa rồi chị về sau. Năm Chinh khoác ba lô, chào mẹ vợ rồi ra xe đò.
Chị Thảo biết tính mẹ keo kiệt, coi đồng tiền hơn tình nghĩa, nên cũng chỉ trách sơ sơ, rằng mẹ không tôn trọng con rể. Chẳng gì Năm Chinh cũng lớn tuổi rồi, chỉ kém mẹ vợ sáu tuổi. Bà Hồng cười nhạt:
- Nó lớn với chị, chứ không thể lớn với tôi. Bằng củ khoai cứ vai mà gọi, nhé! Có là ông tướng ông tá gì thì cũng là con rể tôi thôi.
Ngồi trong quán cà phê Cối Xay, chị Thảo trầm ngâm điểm lại những vui buồn cuộc đời mình. Ngày còn nhỏ, cậu có nhờ một ông thầy tử vi xem cho chị. “Tuổi Giáp Ngọ, mạng Kim, vàng trong cát. Có biết đào tìm thấy thì mới sung sướng. Nhưng thế nào cũng hai lần đò”. Hồi ấy, chị còn nhỏ, chỉ hiểu hai lần đò là qua sông hai lần, lớn thì hiểu đời mình hai đời chồng. Không trật chút nào. Nếu đã là số phận, thì không thể tránh né, phải đối mặt với nó. Những ngày làm phu nhân trung úy chế độ cũ, tuy ngắn ngủi nhưng đã ghi đậm trong tâm trí chị nhiều vinh nhục. Tiếp những ngày làm vợ một sĩ quan chế độ mới đã chuyển ngành, chị cũng nhận nhiều yêu thương và đắng cay. Vì chị mà chồng phải về hưu non, phải bỏ phố thị về núi rừng ẩn dật. Chính những ngày thiếu thốn, khổ sở này, chị mới cảm nhận được tính hy sinh hết thảy cho tình yêu của ông chồng thứ hai.
Một phụ nữ Ê Đê vai mang gùi bắp, dừng trước cửa quán, cất tiếng mời:
- Bắp non đi cô ưi! Bắp rẫy ngon lắm!
Tò mò, chị Thảo bước ra:
- Bắp bán sao đây?
- Dạ mười đồng bốn trái! Đã luộc rầu đó cô!
Một ánh chớp ký ức vừa lóe lên trong mắt của cả hai người. Chị Thảo hổn hển mở lời trước:
- Hổng lẽ là mày hả Hằng?
- Trời quơi! Là con Thảo! Mày còn trẻ đẹp vậy sao?
Thảo lôi tuột người bạn cũ vô quán cà phê. Vậy là sau buổi chiều ngày 23 tháng 4 năm 1972, Hằng đi thăm chồng ở Tân Cảnh và còn sống sót tới bây giờ.
- Rồi chồng mày đâu?
Hằng lắc đầu, kể cho bạn nghe cái đêm khủng khiếp đó. Chồng cô chắc đã chết trong trận ấy, vì mãi sau này, Hằng ra sức tìm mà không thấy tin tức gì. Cô đã lạc vào một buôn người Ê Đê và được cưu mang. Nếu không có sự việc oái oăm thì cô đã về quê rồi. Bà Hơ Bia chủ nhà đã coi cô như con gái. Lúc đó Quân Giải phóng đã chiếm được vùng đất ấy, họ ở lại khá lâu.
Bước sang năm 1973, Hằng nhân cơ hội quen biết một người bộ đội giải phóng, định nhờ anh đưa ra khỏi khu vực chiến địa. Người lính giải phóng đó hay vô làng mua bí, mua gà. Anh có hàm răng hô, lúc nào trông cũng như đang cười. Bữa sáng ấy, người lính bước vô sân, cô tưởng anh cười, nên đã cười đáp lại. Cô không ưa cả bộ răng hô lẫn người lính, nhưng cô sợ. Không biết anh ta kiếm đâu được chiếc xe đạp khung ngang màu xanh đen, đằng sau cột hai chiếc gùi lớn. Rau, bí, gà, bắp… những thực phẩm mua hay đổi được đều bỏ vô đó, chở về bếp đơn vị. A mí Hơ Bia sức khỏe đã kém, em Hơ Bờ Lao hồi đầu năm đã “chuê nuê”4 với anh rể vì chị gái vừa mất. Cô trở thành lao động chính, chăm sóc đám rẫy và đàn heo trong nhà. Một lần, anh lính hay cười ghé hỏi mua gà, nhưng A mí không có nhà. Cô nói anh buổi khác hãy tới. Anh bộ đội nhìn cô hồi lâu:
4 Tục nối dây của người dân tộc: Chị chết thì em gái lấy anh rể, em trai chết thì em dâu theo anh chồng.
- Em có phải người Ê Đê không?
Cô giật mình lo lắng.
- Dạ phải! Bộ đội hỏi làm chi?
Anh bộ đội cười thật, lộ cả hàm răng dưới đều tắp:
- Nhìn em giống người Kinh, giọng nói của người Kinh. Sao em lại tới đây?
Dù lo sợ, cô còn kịp nở nụ cười thật tươi, liếc mắt với anh bộ đội:
- Dạ…
Anh bộ đội lấy ra một bọc giấy màu xám hình chữ nhật.
- Cho em! Lương khô đấy! Ăn cho vui!
Bọc giấy tỏa mùi thơm quyến rũ, giống mùi bánh in dưới quê.
Người lính hay ghé qua nhà a mí. Thường ngồi lại hỏi han chuyện heo gà, lúa bắp. Đôi mắt có chân mày rậm hay nhìn chăm chú vào mặt, vào thân thể cô. Buổi tối, a mí vừa cho thêm gộc củi vô bếp, vừa bảo cô:
- Nó muốn làm ung mo với mày đó!
Cô hiểu hai tiếng “ung mo” là chồng vợ, nhưng không hiểu “nó” là ai?
- Là bộ đội giải phóng đó! Mày ưng nó đi, rồi theo nó về xuôi!
Trong lòng cô lóe lên một âm mưu.
Từ bữa đó, cô hay tìm cớ gặp anh bộ đội, thậm chí còn dẫn anh vô mấy nhà ở cuối làng mua gà, tới cả nhà Dam Yuc, Niê Huệ tuốt trong rẫy để mua bí, mua rau. Trận mưa rừng bất ngờ bữa đó, anh bỏ xe đạp giữa lối mòn, cùng cô chạy vào lều rẫy trú mưa. Nước mưa hằn trên áo nét quyến rũ của cô gái chưa sinh nở. Cô nóng rát mặt khi gặp ánh mắt của anh. Họ ngồi sát bên nhau, hơi ấm thân thể thấm qua lần nước mưa.
- Anh rất cám ơn em đã giúp đỡ… - Giọng anh ngàn ngạt.
Cô “dạ” rất nhỏ. Hình như một cánh tay anh đã choàng qua vai cô, kéo sát lại. Mái tóc cô bị đau vì những ngón tay anh lùa vô, xoắn nhẹ. Mùi mồ hôi lính chợt thốc vô mũi, làm cô choáng váng. Mùi mồ hôi khen khét rất quen thuộc. Bàn tay cô vô thức xoa lên mái tóc rậm cợp, khô cứng. Nụ hôn lẫn vài giọt nước mưa rất ngọt. Không biết tại sao cô lại nằm xuống nền đất, một cục đá nhỏ chỏi vô lưng đau nhói. Niềm đam mê từ quá khứ ùa đến, nóng bỏng. Cô kêu khẽ:
- Anh ơi…
Rồi nằm xoải hai tay, nghe đam mê chạy trong từng thớ thịt. Chợt bên tai cô ùng ùng tiếng đại bác nổ, tiếng chiến xa gầm rú, tiếng người la hét hoảng loạn. Vùng bật dậy, cô làm anh lính ngã ngửa sang một bên. Cô cuống cuồng kéo ống váy xuống, mặt tái mét.
- Em có sao không?
Anh bộ đội hỏi. Cô chỉ lắc đầu.
Lần thứ hai, vào một buổi chiều muộn, anh tìm ra khúc suối vắng cô ngồi giặt quần áo. Họ lại ngồi bên nhau sau tảng đá lớn. Lần này cô chủ động dâng hiến. Cô cảm thấy xót xa cho những người lính. Đơn vị anh tối qua có ba người bị đạn trúng, khi một nhóm lính dù phía bên kia lẻn sang bất ngờ tập kích.
- Bọn chúng vi phạm Hiệp định Pa-ri!
Anh bộ đội nói vậy, nhưng cô không hiểu đó là cái hiệp định gì. Cô chỉ thương những người lính chớp mắt lìa đời trong khi tuổi còn trẻ. Cô hiến dâng cho anh như một sự bù đắp.
- Anh giúp em qua bên kia con suối được không?
- Em qua làm gì? Bên ấy là bọn lính dù hung dữ lắm!
- Em muốn qua bển tìm má! Gia đình em đều ở bển!
Cô nói dối anh, khi trong lòng nhói lên nỗi thương chồng. Cô muốn qua được bên kia suối, nơi hằng ngày thấy những tên lính quốc gia xuống lấy nước, rồi hỏi thăm tin tức chồng. Nếu gặp được, sẽ rủ chồng đào ngũ về quê vợ làm ruộng rẫy nuôi nhau, sinh con. Cô không muốn chồng chết trận.
Mãi một tuần sau, anh bộ đội mới bố trí đưa cô ra phía bờ suối cách đơn vị gần một cây số. Bên khoảng rừng phía bên kia, hoàng hôn đã khuất, chỉ le lói vạt mây hồng tía.
- Mai mốt em quay lại há!
Cô nói với anh, nắm tay anh một thoáng rồi vội buông ra, trên vai khoác bọc vải có hai bộ đồ cũ của người Kinh.
- Em đi cẩn thận nhé!
Cô đã lội ra đến giữa lòng suối cạn, ngoái nhìn lại. Dáng anh sừng sững với cây AK khoác trước ngực, hai ống quần xắn cao, chân đi đôi dép cao su đúc. Cô nhìn rõ khi anh giơ tay vẫy, thì phía bên kia rừng một loạt súng vang lên chói tai. Anh loạng choạng đổ gục xuống. Cô bàng hoàng hét lên, đứng sững, rồi bật quay trở lại. Mặt anh ướt đẫm máu, miệng anh vẫn như mỉm cười. Chiếc nón cối lủng một lỗ trước trán.
- Anh ơi! Tha lỗi cho em!
Cô ôm chầm lấy thi thể anh bộ đội, gục đầu lên ngực anh nức nở. Một loạt AR-15 nữa găm chiu chíu xung quanh, một viên đạn xuyên vào bắp chân người lính, làm nó giật lên. Cô chợt nhận ra nỗi nguy hiểm cận kề, liền vùng dậy chạy ngược về phía làng. Cuộc tháo chạy y như một năm trước, nhưng không có tiếng đại bác và động cơ chiến xa gầm rú.
Gần nửa đêm, đơn vị bộ đội mới tổ chức ra bờ suối đưa thi thể anh về chôn cất. Cô hoảng sợ, trốn biệt trong nhà, lo lắng vì mình là thủ phạm gây ra cái chết bất thường kia.
Ba tháng sau, thấy cái bụng nhu nhú, a mí phát hiện cô mang bầu.
- Mày có bầu với bộ đội hả?
Cô chỉ mím môi, không trả lời. A mí cho cô một vạt đất, cất cho chiếc lều nhỏ. Cô tự làm rẫy, nuôi gà, cho tới cuối năm đó sinh ra một bé gái. Con bé xinh đẹp giống mẹ, chỉ có hàng chân mày rậm là giống ba. Cô đặt tên con theo họ mẹ, Huỳnh Phương Bắc. Cái tên để nhắc nhở tới người bộ đội miền Bắc. Sau giải phóng, hai mẹ con vẫn ở lại làng. Cô sợ về quê, sợ gặp dĩ vãng.
Chị Thảo ôm chặt vai bạn, nức nở khóc. Thân phận người phụ nữ trong chiến tranh thật đáng thương. Nó giống những hạt mưa sa, rơi vào chỗ nào biết chỗ nấy. Như cuộc đời chị, qua bao thăng trầm, nay đang gắn bó với một người mà khi xưa, mới chỉ nghe danh hiệu của họ là đã sợ ngất xỉu. Chị xoa nắn đôi vai gầy của Hằng, an ủi:
- Để lần này về quê, tao ra Hoài Ân hỏi xem má và anh em có ai còn ở đó không! Rồi đem con về quê Hằng ạ! Trung đoàn 42 trận đó, tử trận nhiều lắm, nếu không chồng mày đã đi tìm.
Chị muốn nói trung úy Hoàng của mình cũng tử trận rồi, nhưng lại thôi. Hóa ra cả hai đứa đều dính dáng đến những người đàn ông của hai bên chiến tuyến. Chỉ có điều chị thì đang hạnh phúc, còn Hằng và con gái thì chịu cảnh đơn côi. Hằng vẫn ở buôn Thượng, cách thị xã Kon Tum ba chục cây số. Đứa con gái đã mười lăm tuổi, giờ đang học Trường Dân tộc nội trú.
- Nó học giỏi lắm! Tau mong nó được vô đại học. Người ta ưu tiên con bộ đội, nhưng tau không chứng minh được. Hồi đó, chỉ biết tên ba nó là Phương, quê ở Hưng Yên thôi.
Họ ngồi với nhau gần hết buổi. Chị Thảo mua luôn gùi bắp của bạn, rồi đưa tiễn ra bến xe buýt, đúng nơi mười sáu năm trước Hằng ra đón xe quân sự, quá giang thăm chồng ở Tân Cảnh.
Bà Hồng, trong bữa cơm tối chỉ mặt hai đứa cháu ngoại:
- Bà nói thật! Ở với bà thì bỏ cái tính “con nhà lính tính nhà quan” của thằng ba già chúng mày nhé! Nhà bà xưa nay danh giá…!
Con Quyên thấy bà ngoại nói tới ba nó thì đỏ mặt cãi:
- Bà ngoại hông được kêu ba là thằng! Ba cháu giỏi lắm!
Bà ngạc nhiên nhìn đứa cháu bảy tuổi, rồi rít lên:
- Đấy! Nòi nào giống nấy! Con mẹ Thảo mày thấy chưa! Ngữ này lại tự ái bỏ về nay mai thôi.
Chị Thảo mắt đỏ hoe:
- Thôi mà mợ! Con nít biết gì mà trách nó! Mẹ con nhà con chơi ít bữa, rồi cũng phải về Bình Định phụ ba nó việc chăn bò, nương rẫy.
Bà Hồng nhìn con gái, lắc đầu chán nản. Giờ nó có khác gì con nhà quê thất học, chứ đâu phải là một tiểu thư cành vàng lá ngọc hồi chưa giải phóng.
- Đúng là giời định mà. “Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. À! Có thằng Vững hỏi thăm mày đấy!
- Vững nào hả mợ?
- Đại úy Tô Vững ấy! Nó mới về Kon Tum, đâu làm bên Ty Giao thông công chánh gì đó. Nó có ghé hai lần tìm mày, còn để lại cả số điện thoại nữa. Cả thằng đó nữa, tao không hiểu tại sao đang là đại úy cảnh sát mà lại theo Việt cộng? Chịu thật!
- Có những chuyện mợ không thể hiểu được đâu!
Chị cầm tờ giấy nhỏ, nhìn dòng chữ số và nét chữ quen thuộc. Đây chắc là số ở cơ quan Tô Vững, còn ở đây lấy điện thoại đâu mà gọi hỏi thăm. Dù sao thì cũng mừng cho ảnh còn sống sót quay trở về quê hương.
Cũng may, trước ngày về Bình Định, chị Thảo gặp được Tô Vững. Anh đang trên đường đi làm, chạy rề rề chiếc xe honda cúp ngang qua nhà bà Hồng, thấy chị đang quét sân thì tạt vô.
- Nè! Phải Thanh Thảo hông đó?
Một lúc nhìn săm soi, chị mới nhận ra anh. Tô Vững giờ mập hơn nhưng da vàng bủng, dấu hiệu của bệnh gan. Anh ngồi trên chiếc ghế đá quen thuộc, giơ tay nhận ly nước lạnh từ chị Thảo, miệng xuýt xoa:
- Hồi bác trai còn sống, bao giờ cũng có ấm trà nóng!
- Dạ! Cậu em ghiền trà Bắc! Từ ngày ổng mất, thành ra... hiếm. Cả nhà không ai uống trà, cậu Thường cũng không biết luôn. Mấy năm nay, anh đi những đâu?
Tô Vững kể lại, sau cuộc trốn chạy ngoạn mục năm đó, mười mươi anh nghĩ mình sẽ bị chết. Hên là tụi nó quyết định bắt sống anh, chứ không bắn tiêu diệt. Nhờ đó mà anh chạy tới Đăk Tô, trốn vô rừng tìm căn cứ của ta. Cuối năm 1973, anh ra Bắc theo đường giao liên, an dưỡng một thời gian rồi được nhận vào làm ở Ty Giao thông Vận tải Hà Tây.
Đôi mắt anh buồn xa vắng, đăm đăm nhìn chị:
- Nghe tin vợ ôm con đi lấy chồng khác. Tui chán không muốn về quê nữa. Được cử về Kon Tum lại, tui tìm em ngay mà không thấy. Bác gái có nói chuyện chồng em tử trận. Xin chia buồn!
Vậy là mợ giấu chuyện mình lấy chồng cách mạng. Hèn chi anh Vững hay qua lại, tìm kiếm.
- Em giờ ở Bình Định anh ạ! Chồng em cũng là cán bộ quân đội nghỉ hưu.
Ánh mắt thất vọng của anh làm cô mềm lòng.
- Anh cũng nên làm lại từ đầu! Phụ nữ bây giờ cũng dễ chịu mà! Đó! Hai đứa con nhà em!
Chị Thảo chỉ hai đứa con gái vừa đuổi nhau chạy từ nhà ra, vòng sau lưng mẹ. Con Trinh mếu máo:
- Mẹ! Chị Quyên cứ dọa ma con!
Tô Vững xoa đầu đứa nhỏ, rút bóp cho mỗi đứa một tờ bạc mười đồng đỏ tươi.
- Bác tặng hai chị em mua đồ mới hén!
- Mai em cho các cháu về quê nội anh ạ! Anh ở lại mạnh giỏi, có dịp về Kon Tum em sẽ ghé thăm.
Tình cờ trong lúc đi rừng, Năm Chinh gặp lại người quen cũ là anh Ba Tu. Hồi mới tham gia cách mạng, đơn vị Năm Chinh từng nhờ vả bà con dân tộc Ba Na tại làng này. Lúc đó Ba Tu còn khá trẻ, đóng khố, để trần bộ ngực vạm vỡ và cặp đùi chắc như gỗ căm xe. Nay thì anh đã trở thành già làng Ba Tu, râu tóc bạc phơ, miệng ngậm tẩu thuốc, giấu thân hình khô mốc trong chiếc áo bộ đội cũ, rộng rinh. Bữa đó nghe tiếng đài hát léo nhéo, bầy chó mười ba con đổ xô về một chỗ, sủa râm ran, già làng tìm đến và thấy một trung niên nằm ngủ ngay trên bờ suối. Thực ra đây là khúc sông cạn, do nhiều con suối hợp thành, nhưng ở đoạn thượng lưu, nó nhỏ hẹp và lô nhô đá nằm, đá ngồi. Con rựa bén dính mủ dây rừng để bên cạnh canh giấc ngủ, chứng tỏ người này vừa vô rừng. Đằng kia, cách mấy bước chân là gánh dây trân. Chắc nó bứt về ngâm đánh võng chớ gì!
Rừng liền rừng, bên kia con suối là thuộc địa phận huyện Tây Sơn. Nó mà qua bên đó, chắc sẽ bị kiểm lâm bắt phạt.
- Nè! Dậy đi! Sao nhìn quen con mắt quá!
Già làng cúi xuống, lắc vai người kia. Lũ chó lùi ra ngoài, sủa lách nhách. Lạ thiệt, tiếng bầy chó ầm ĩ vậy mà người ngủ không hay, nhưng mùi thuốc lá rẫy từ chiếc tẩu làm anh ta hắt hơi, ngồi ngay dậy.
- Ô! Anh Ba Tu! Đúng anh Ba Tu rồi! Sao già quá vậy?
Năm Chinh mở to mắt, mừng rỡ. Anh Ba Tu ngày trước có cái sẹo nằm chéo ngay má trái, nhìn là nhận ra liền. Ông Ba Tu cười khậc khậc, hở ra mấy chiếc răng ám khói vàng:
- Giờ mình là già làng rồi, thì phải già thôi!
Hỏi thăm, ông Ba Tu bảo làng Ba Na vẫn còn chỗ cũ, nhưng đông hơn trước, gần năm chục nóc nhà rồi. Sau khi đơn vị Năm Chinh đi tập kết, một thời gian làng sống thấp thỏm vì đạn bom của giặc. Sau này nhiều đơn vị bộ đội miền Bắc ghé ở cũng lâu, nên Mỹ càng ném bom nhiều hơn. Bom cày, đạn xới tanh bành, bà con cứ dời làng chạy vòng quanh bờ sông chứ không đi xa. Rừng ngày xưa đã mất. Bom Mỹ ném cây to đổ gục hết, còn sót mấy cây thì thương tích đầy mình. Già làng chỉ cây trắc đen phía bìa rừng:
- Thấy cây đó lớn không! Nhưng thân nó đầy mảnh bom đó. Đã có người đem máy cưa vô tính cắt trộm, mà đụng mảnh bom kẹt làm phải bỏ máy lại.
Chỉ còn lại đồi cỏ tranh mênh mông. Lá tranh cắt dùng không xuể, khô rồi dân làng lại đốt đi, để tranh non nhú mầm mọc lên, cho trâu bò ăn. Hai người đàn ông ngồi dựa lưng vào tảng đá, trầm ngâm chuyện xưa. Năm Chinh không nhớ nổi cảnh vật cũ, mới cách đây hơn ba mươi năm. Từ bãi tranh ra bờ sông khoảng một cây số. Hai bên đường là những rẫy của đồng bào, chuối và đu đủ xanh từ lá đến trái, thấp thoáng những chòi canh. Bọn ve bắt đầu tấu lên khúc nhạc hè, râm ran trong những tán lộc vừng mọc theo triền sông, đổ những chùm hoa đỏ tía mịn màng. Năm Chinh buổi trưa có lội xuống sông kiếm thức ăn. Những con ốc đá nằm dưới đáy sông, có thể thò tay xuống mò bắt vì nước cạn. Mùa này, sông ít khi có lũ bất ngờ, lại ở nơi thượng nguồn nên tha hồ nhẩn nha mò cua, bắt ốc.
- Bước qua ngọn núi này là tới xã Kim Sơn của Hoài Ân phải hông anh Ba Tu... à già làng Ba Tu?
- Ừa! Bên ấy giờ có thêm cái trại tù giam giữ tội phạm đó! Còn theo sông nầy, men hai sườn núi sẽ về tới Thuận Ninh, xuống giáp xóm Quán.
- Thay đổi nhiều quá, tui hông nhận ra! - Năm Chinh thú nhận.
- Mày ra Bắc sớm không biết đâu! Bom đạn tụi Mỹ trút xuống đây gấp hàng trăm lần dân số. Có rải cả chất độc da cam nữa. Mày đi rừng, nhớ mang theo nước uống. Đừng uống nước sông, nước suối. Nguy hiểm tới đời sau đó!
Điều đó Năm Chinh biết rõ. Trong thôn cũng có một gia đình, người chồng không tham gia cách mạng, không vào núi hoạt động, nhưng mới đây sinh ra tới ba đứa con dị tật. Có lẽ do người chồng đi rừng rồi uống nước suối đầu nguồn còn bị nhiễm độc điôxin.
- Làng có cô Ka Lin, trước có tham gia công tác thanh niên, giờ còn hông già làng?
- Con Ka Lin hả! Nó chắc cùng lứa với mày. Nó chết rồi! Bắn nhau với lính chư hầu, bị tụi nó bắn chết. Mày không biết đâu! Bọn lính chư hầu hồi đó gớm lắm. Chúng hành quân đường bộ từ dưới Bình Tân lên làng ta. Bắn phá, đốt nhà, hãm hiếp con gái. Nhiều lắm. Con Ka Lin trẻ đẹp, bị mấy thằng chư hầu hiếp liền, đến nỗi mang bầu. Một lần nó lừa lả lơi với nhóm lính chư hầu, giựt được cây súng, bắn loạn lên giết được ba thằng, rồi bị chúng nó bắn trúng.
Chuyện buồn quá, tới nay mà người làng vẫn chưa quên được. Già làng Ba Tu hỏi Năm Chinh có phải muốn tìm cây trân về đan võng không? Nếu muốn lấy nhiều nữa, qua bên kia ông chỉ chỗ. Năm Chinh gật đầu.
- Giờ vợ con đói khổ quá anh Ba Tu à! Việc gì khổ mấy em cũng làm hết!
- Vậy đi theo tao!
Đi theo già làng là đàn chó mười ba con, con nào cũng săn chắc nhanh nhẹn, rất tinh khôn. Khi già làng và Năm Chinh lội qua khúc sông sang bờ bên kia, đàn chó ào xuống theo, đoạn thì lội, đoạn thì bơi qua, kêu ăng ẳng. Lên bờ, lũ chó lắc mình thật mạnh, rũ cho khô nước, tiếp tục chạy thành đoàn theo nhau, con chạy trước con chạy sau rất trật tự, con đầu đàn rít lên từng hồi. Ông Ba Tu quay đầu lại, nói với Năm Chinh:
- Nó rít lên từng chặp vậy, là có con gì gần đây! Huây! Tụi bay đi săn đi!
Đàn chó tranh nhau chạy tuốt vào ven rừng, sủa gắt. Già làng nói, bầy chó này không lúc nào rời ông. Mỗi lần ra họp ngoài ủy ban xã, chúng đều đi theo, ngồi chầu rìa bên ngoài hội trường, lúc nào chủ về làng mới chạy về theo. Khúc sông này, chỗ nào sâu dưới bẹn, chỗ cạn trên đầu gối, càng đi ngược dòng sông càng sâu và hẹp dần. Thượng nguồn nước trong xanh, hồi chiến tranh đây là nơi bộ đội mình từ Bắc vô hay dừng lại đóng quân, nghỉ dưỡng một thời gian. Ba Tu khoe mấy tờ báo để trong gùi. Cái chữ ông đọc bữa nay là do bộ đội dạy đó. Trong làng có nhiều người biết làm y tá băng bó vết thương, cũng là do bộ đội bày cho. Đau ốm bây giờ không cúng con ma rừng nữa, mà phải xuống bệnh viện. Hồi xưa, người ốm nằm trong nhà, cúng ma ba ngày là chết, có mấy người khỏi đâu.
- Đây nè! Cả một bãi trân!
Cách bờ sông chừng hai trăm mét, già làng dừng lại và chỉ cho Năm Chinh những vạt bụi cây có lá tròn mặt trên xanh, mặt dưới trắng, một vài bụi cây đang trổ hoa, những nụ bông lấm tấm màu đỏ xen giữa tán lá. Đúng là cây trân. Ở đây lâu không có người tới, cây trân mọc cao tới hai mét, thẳng đuột. Từ ngày mai, ông đã có một điểm khai thác trân lý tưởng. Mình sẽ rủ thêm thằng Xuân, thằng Mén. Hai thằng đó ít tuổi, nhưng mà sống tử tế. Tụi nó như bạn vong niên của ông. Giờ có mánh kiếm ăn, ông bỏ sao được.
Năm Chinh có thói quen ngồi cậy bùn nhét trong móng chân rồi đưa lên mũi để ngửi. Cái mùi thủm thủm nồng nồng đó thiệt hấp dẫn. Nó là mùi no ấm. Con Quyên thường hay lội xuống ruộng xem ba ngâm vỏ trân, hoặc xin ngồi trên chiếc bừa sạ của ba, thỉnh thoảng chộp cua chộp cá dưới ruộng cho vào đụt mang về cho mẹ nấu, nên chân tay nó cũng nhiễm mùi bùn. Đi học bị lũ bạn chế, nó còn vênh mặt lên tự hào:
- Mùi của ba mẹ tao đó! Mùi cơm đó!
Người quê, ai mà chưa từng nằm ngủ trên chiếc võng trân, một thứ đồ gia dụng được làm rất công phu và thấm đẫm mùi mồ hôi và bùn đất. Năm Chinh nghiệm ra rằng, vô rừng chỉ có chặt trân là cực nhất so với bứt mây, chặt giang, rễ mang hoặc đi gỗ trắc, đi trầm... Vỏ trân lâu được tiền vì phải qua nhiều công đoạn. Từ lúc chặt trong rừng, lột vỏ tới lúc mang về nhà, đào hầm dưới ruộng ngâm bùn một tuần rồi mới mang lên nạo sạch phần thịt, chỉ lấy phần sợi vỏ, óng ánh màu tơ trắng đục. Mà lạ thiệt, đúng là giỏ nhà ai quai nhà nấy. Đứa con gái lớn của ông nó cũng thích cái mùi bùn ngâm vỏ trân như ba. Thấy người ta vớt vỏ trân lên phơi, nó lại gần cứ hít hà khen thơm. Chị Ba Chiến có lần mắng yêu cháu:
- Tổ cha mầy! Thơm vậy lớn lên rồi lại đi chặt trân, cho mùi sình ám đừ địa cha con nhà mày suốt đời.
Chị Thảo thường ra tới lỗ ngâm trân, chờ chồng vớt lên thì nạo vỏ, giặt sạch rồi gánh về nhà đem phơi khô. Xong rồi bó gọn lại, để đó chờ tới phiên chợ. Người vùng núi có nguyên liệu nhưng không biết đan võng trân, mà đem bán cho người vùng biển. Dưới đó người ta có nghề đan lưới, đan võng rất khéo. Đường đi vòng tròn của vỏ trân là như vầy. Người ta đem cá khô, nước mắm, lưới một, lưới hai lên đây đổi vỏ trân về. Khi đan võng xong, họ lại đem lên bán đổi cho người vùng núi. Còn khi về thì họ mua trân, mua rễ, mua thuốc lá. Cứ đổi qua đổi lại vậy mà vui. Người ta không cần ganh đua nhau, ai cũng quý yêu đời sống cộng đồng, gắn bó chia ngọt sẻ bùi từ công sức lao động của chính mình.
Nhà Năm Chinh cũng có mua võng trân. Đôi lúc ông ngồi mân mê những sợi võng được đan kết bền đẹp, tự hỏi cọng trân nào do bàn tay ông đem từ trong rừng ra? Võng trân nếu biết giữ gìn, có thể dùng được hai ba năm. Nhưng nếu người đi làm đồng về, mồ hôi đầy mình mà nằm ra võng mồ hôi ngấm làm võng nhanh mục. Những chiếc võng mà nhỏ Trinh hay nằm, thường bị mục một chỗ vì nước đái con nhỏ tè dầm. Một lần đi rừng về, Năm Chinh thấy con Trinh đang khóc nức nở. Nó mách ba:
- Mẹ đổ thừa con làm rách võng đó! Hu hu!
- Trời quơi! Có nhiêu đó mà cũng khóc. Thôi để phiên này, ba bán trân xong sẽ mua cho chiếc võng mới.
Mồ hôi, máu, nước mắt. Đủ cả. Nó đổ từ rừng về nhà, từ nhà ra rẫy, ra vườn, xuống sông. Năm Chinh đã nuôi được vợ con và cất được ngôi nhà mới. Chị Ba Chiến nhiều lúc ngạc nhiên tự hỏi: Không biết cái thằng em thư sinh và nghịch ngợm ngày trước, bằng cách nào đã biến thành một nông dân thực thụ, việc gì cũng biết làm, dám làm. Có lẽ do tình yêu! Đứa em dâu hồ ly tinh xinh đẹp kia đã biến em trai mình thành người đàn ông vĩ đại.