CHỊ BA CHIẾN ĐẶT GÁNH CÂY ĐẬU XUỐNG sân nhà Năm Chinh. Nhà nó vắng hoe, không thấy tiếng con nhỏ Quyên líu lo. Rồi trong nhà vọng ra tiếng em dâu hát. “Gió về miền xuôi. Anh đưa em cuối nẻo đường đời. Gió đầu non, gió lọt đầu ghềnh. Đường em đi đường nở hoa khắp bốn mùa”. “Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi. Thành phố sau lưng mang mộng ước gì. Tôi là người đi chinh chiến dài lâu... Ờ ờ! Ngủ đi con! Ngủ đi mẹ thương!”. Hình như mợ ấy kêu con Quyên, kêu nhỏ vì sợ con em thức giấc:
- Quyên ơi! Con làm gì ngoài đó hả Quyên?
Chị Ba bước vô nhà, chỉ tay ra ngoài bảo em dâu đi kiếm con lớn:
- Để đó tau ru cho! Ru con gì mà toàn hát eo éo, con nít ngủ sao được!
Chị Thảo nghe vậy liền đứng dậy khỏi chiếc võng, nhường chỗ cho bà chị chồng, bước ra sau bếp. Con Quyên ngồi xổm bên bụi chuối, quần kéo xuống quá gối, chắc nó vừa ị xong.
- Mới ị hả con? Dơ dáy quá đi!
Con nhỏ không để ý tới mẹ, tay nó cầm một chiếc lông gà, chọc chọc vào cái hang dế trước mặt, miệng gằn từng tiếng:
- Mày... có... ngứa... tai... hông? Mày... có... ngứa... hông!
Chị Thảo phì cười. Năm nay bốn tuổi rồi mà con gái vẫn chưa nói sõi. Nó thường chậm chãi phát âm từng tiếng một, như: “Mẹ... ơi... đói!”. Cái câu “mày có ngứa tai hông” là con Quyên bắt chước ba nó. Ông Năm Chinh thường chọn những chiếc lông cánh gà, tước bỏ phần hết hai bên, chỉ chừa chùm lông đầu rồi làm cây ngoáy tai. Ông bảo ngoáy tai bằng lông gà khoái lắm, rất đã và thường hỏi con gái: “Con có ngứa tai hông? Tới đây ba ngoáy cho!”. Vậy là con nhỏ bắt chước.
Trong nhà, vẳng ra tiếng hát ru mượt mà, trầm lắng của chị Ba Chiến:
- Hời hời ời! Ru em... em ngủ cho rầu (rồi). Để mẹ đi chợ… ờ, là mua nầu (nồi) nấu côm (cơm). Mua nầu à... là phải mua ờ zung (vung). Đặng chừng côm cạn lùng bùng mẹ ư (ơi)! Hời hời... Một mai ai chớ à... bỏ ai. Chỉ thiêu (thêu) nên gấm... sắt mài kim mà nên kim, sắt sắt mài nên… ừ kim.
Chị Thảo biết chị Ba đang buồn. Hình như sắp tới ngày giỗ má chồng của chị, mà anh Tịnh vẫn biệt tăm không về. Nghe chị kể, anh Tịnh lấy vợ Nam Định, một bà nông dân thiệt hột chứ không tay trái tay mặt vừa buôn bán vừa làm nông như chị. Họ có tới bốn đứa con, kinh tế cũng khó khăn, nên mỗi chuyến về quê là mỗi lần anh Tịnh khốn khổ vì tiền bạc. Từ ngày anh Tịnh đi tập kết, rồi có vợ ngoài Bắc, việc nhà chồng chị Ba vẫn lo chu đáo. Năm má chồng mất, anh Tịnh ở Nam Định, nhận được điện báo, về tới quê thì đám tang đã xong cả tuần lễ, vẫn một tay chị Ba lo liệu. Chẳng năm nào giỗ má mà ổng về! Chị Ba thường than trách vậy. Không về thì chị lo cũng quảy, vậy thôi.
Năm 1976, anh Tịnh về thăm quê, bà má nói:
- Mầy thiệt tệ! Đi tập kết cái là vợ con luôn ngoải. Tau biểu con Chiến đi kiếm đứa con mà nuôi. Chờ mầy chắc chết già.
Anh qua thăm vợ cũ, thấy thằng nhỏ chừng ba tuổi, mặt mũi tròn o hiền lành thì hỏi là con ai? Chị Ba lẳng lặng vác cày dắt bò ra đồng. Bà má xúi con:
- Hình như nó còn thương mầy! Đi ra năn nỉ xin lỗi một tiếng. Thôi cái số vậy, cứ chạy đi chạy về cả hai cho trọn tình nghĩa.
Nghe lời má, anh Tịnh lò dò ra tới bờ ruộng. Cô vợ tướng người cao lớn, tay cầm cày nhẹ như cầm cây đũa cái. “Bả vẫn đẹp như ngày trước”. Anh thầm nghĩ.
- Nẫu giận tui hén!
Chị Ba không trả lời, quất roi thúc bò đi băng băng. Những tiếng “dí, thá” như kìm nén lại, chỉ bật ra khe khẽ.
- Tui có lỗi! Thực lòng lúc nào tui cũng nhớ thương em! Nhưng tại quân Mỹ - Diệm nó phá hiệp định, nó chia cắt vĩnh viễn hai miền. Tui buồn quá, không biết bao giờ mới trở lại, nên mới lấy vợ ngoải!
- Dọ!
Con bò dừng lại, da dưới bụng rùng rùng liên tục, ướt mồ hôi. Chị Ba xách roi nhảy lên bờ, ngay trước mặt chồng.
- Thương tui mà như vậy hả? Hồi nào tới giờ bộ tui không biết ông là kẻ dẻo miệng sao?
Nhìn đôi mắt xếch ngược của chị, anh biết vợ giận lắm. Bả mím môi lại rồi kìa. Cây roi tre trên tay bả nhúc nhích mấy lần, rồi bỗng vun vun như rồng bay, phượng múa. “Tạ tả tạ hữu giai trùng nhị”, anh vừa nhận ra một thế trong bài “Roi tấn nhứt” nhưng chỉ dám né tránh.
- Tui thân bại danh liệt như vầy, cũng là nhờ ông đó!
Vút! Vút! Vút! Từng đường roi biến hóa làm anh Tịnh hoa mắt, không kịp tránh đỡ. Bụp! Bụp! Một đòn quất xuống vai, một đòn quất ngang lưng, đau rát. Anh biết mình vừa bị thế roi “Xà thành đích thủy song song đả”. Mấy người hàng xóm đi chợ về ngang, thấy anh bò lết dưới đất, cố tránh những đường roi ngày càng mạnh lên vì giận dữ của vợ, họ chạy tới can ngăn:
- Thôi, con Ba mầy nóng tánh quá. Chồng nó vừa về tới! Có gì về nhà nói chuyện phải quấy!
- Uýnh ổng vậy đủ rồi chị Ba! Đàn ông mà lộn xộn quá, hông uýnh hông xong... Bỏ qua đi chị!
Chị Ba không nói gì, giơ tay áo quẹt nước mắt, bước xuống cầm cày hối bò đi tiếp. Tiếng cười rổn rảng theo những bước chân về làng.
- Trời quơi! Hồi nào tới giờ nghe nẫu nói “con gái Bình Định cầm roi dạy chồng”, nay mới thấy đó!
Về làm vợ Năm Chinh, chị Thảo nghe làng xã lưu truyền vụ đó nên khớp, sợ chị chồng một phép. Có lần ông Năm Chinh phải an ủi vợ:
- Mình đừng có sợ chị Ba! Bả hiền lắm! Hồi nẳm chắc hờn giận chồng quá nên mới vậy thôi.
Chuyện mới đó mà đã hơn mười năm. Nay đến ngày giỗ má đẻ mà anh Tịnh cũng không về. Ảnh nói ngoài đó hai vợ chồng cũng làm giỗ má. Nhưng sao bằng được giỗ ở quê, ngay trong căn nhà được coi như từ đường của bên chồng. Chị Ba vẫn một mình lo làm cỗ cúng, để cho con cháu nội ngoại kéo về, uống chung rượu tưởng nhớ bà. Hôm nay qua nhà Năm Chinh, chị muốn đưa hai cháu nhỏ qua chơi, cho chúng kiếm miếng bánh thịt ngày giỗ. Vợ chồng Năm Chinh thiếu thốn đủ bề. Lương hưu của chồng thấp, phụ cấp thương bệnh binh cũng chẳng bao nhiêu, mà nhà những bốn mạng người. Chị ghét cô em dâu người Bắc. Không phải chê nó “Bắc Kỳ”, “Nam Kỳ” chi, mà chị không ưa thứ phụ nữ ẻo lả, đài các, luôn phải dựa vào đàn ông mới sống nổi. Huống hồ ngày trước nó từng là trung úy phu nhân phía ngụy, cái quân dã man độc ác từng tra tấn, hành hạ má con chị đến chết. Từ sau Hiệp định Pa-ri năm 1973, chị mới dám công khai về quê. Chứ hồi nhảy trực thăng sém chết, chị chạy một hơi lên núi Cát Sơn, tìm căn cứ của ta. Mấy chú, mấy anh giữ chị ở lại luôn, không cho về hoạt động công khai nữa. Sau giải phóng, vừa làm ruộng, làm may mặc, vừa buôn bán, kinh tế nhà chị luôn dư dả. Thằng con trai tuy èo uột nhưng nuôi miết cũng lớn, học hành giỏi giang. Thấy em trai cực khổ, chị thương lắm, nhưng quyết không cho thứ gì. Thằng Năm ngu ráng chịu, chứ mắc mớ chi chị phải nuôi con hồ ly tinh kia. Nhưng cháu mình thì không bỏ được. Chị Ba thường may quần áo cho hai đứa con gái nhà Năm Chinh, hoặc cho chúng miếng ăn, thức uống. Bữa nay cũng vậy, chị muốn đưa chúng về nhà mình ăn giỗ, nhưng con em ngủ mất rồi.
- Mợ nói với thằng Năm, tau đưa con Quyên về bển cho nó ăn giỗ bà nội thằng Còi, mai đem trả hén!
- Dạ! Bác cho em gửi cháu một buổi!
Dồn đám cây đậu về một bên thúng, bỏ thêm cục đá cho cân, chị Ba Chiến đặt con Quyên ngồi bên kia rồi quảy về nhà. Từ nhà Năm Chinh qua nhà chị, đi bộ chừng nửa giờ. Cát nóng lạo xạo dưới chân, bóng chị đổ dài trên con đường đất, lơ thơ mấy cây dừa.
Năm Chinh công tác ở Hội cựu chiến binh xã được hai năm thì xin nghỉ, viện lý do kinh tế gia đình khó khăn. Nhưng nguyên nhân chính thì khác. Từ khi Tư Danh chuyển lên huyện làm Trưởng phòng Nông nghiệp, Bảy Liên được đôn lên chủ tịch xã. Ba Thoại tất nhiên là ngồi ghế phó công an, cái tính thích dòm dỏ nhà này, nhà kia cũng bớt đi. Ngoài những cuộc họp bắt buộc phải có mặt, Năm Chinh không muốn héo lánh tới trụ sở ủy ban xã. Cứ nhìn cái mặt vênh như bánh tráng nướng của Bảy Liên là ông muốn chửi lộn. Thứ hai đầu tuần, bưu tá tới nhà gởi công văn mời họp, Năm Chinh lưỡng lự. Thứ tư họp, mai mình tính đi rẫy. Miếng rẫy đã phát xong, phơi khô, cần dọn dẹp đốt liền không có mưa xuống là lỡ dịp trỉa bắp. Tối cơm nước xong, ông khểnh trên võng, bảo vợ:
- Ngày mai nhà mình đi rẫy một buổi. Mấy má con phụ tôi dọn cỏ, nấu cơm. Mốt về còn đi họp ngoài xã.
Chị Thảo dừng tay rửa chén, hỏi lại:
- Sao mà gấp vậy mình? Cứ nghỉ ngơi lại sức, mốt đi họp về rồi tính.
- Ôi trời ơi! Lo ăn cho con quan trọng hơn hay họp quan trọng hơn. Cả đời tui, ngồi họp rách bao nhiêu đũng quần rồi, ngán tới cổ rồi. Chị em con Quyên ngủ sớm hén! Mai ba cho đi rẫy.
Hai đứa con gái reo hò, dời ngay cuốn truyện tranh khỏi cây đèn dầu hỏa tù mù. Chúng chạy tới bên võng, nắm tay ba kéo lên giường.
- Đi ngủ ba! Mình đi ngủ! Con gối đầu tay ba hén!
Mùa hè, bọn trẻ thích được vô rừng. Trong đám rẫy của nhà, Năm Chinh kì công đốn cây, cắt tranh về dựng cái nhà trại khá rộng. Mái tranh, nền đất, chiếc giường ghép bằng tre thấp đủ chỗ cho bốn, năm người nằm. Ông bỏ ra một tuần lội sâu vô rừng, kiếm cây sặt vác về, buộc ken bốn xung quanh làm vách che. Nằm lán trại còn mát hơn ở nhà. Nên hai đứa nhỏ dắt hai con chó trèo lên sàn ngủ ngay từ giấc trưa. Năm Chinh dùng cào gom cây bổi khô lại từng đống, châm lửa đốt. Chị Thảo loay hoay với mớ cành khô, chặt làm củi chụm.
- Thôi mình để đó cho tui, đi kiếm mớ rau chút nấu nồi canh.
Năm Chinh giục vợ, giành luôn việc chặt củi. Ông thừa biết vợ ngày trước là tiểu thư đài các, không quen việc nặng, ăn uống cực khổ cũng chưa quen. Hồi mới lấy nhau, còn ở nhà tập thể, cuộc sống tuy còn thiếu thốn nhưng đỡ hơn, vì ông có lương và vợ có “lậu”. Lậu ở đây là lậu vé tàu lửa. Chị Thảo là người tinh nhanh, thấy chồng làm cán bộ đường sắt thì móc với mấy nhân viên bán vé tàu, chuồn vé ra ngoài kiếm lời. Thời đó người ta gọi là dân “phe vé”, chịu khó chen chúc, co kéo là có tiền. Thời bao cấp, mua được tấm vé tàu Thống Nhất cực chảy máu mắt ra, nên đôi khi người ta nhờ phe vé cho khỏe xác. Bởi vậy nghề phe vé của chị Thảo mới có đất làm ăn. Tới khi Năm Chinh dắt vợ con về quê làm nông nghiệp, thì thực sự chị Thảo bị sốc. Chị lấy chồng, tin chồng, nhưng chưa chuẩn bị cho hoàn cảnh này. Nhưng Năm Chinh hứa như đinh đóng cột, rằng sẽ không để vợ con phải khổ. Mấy năm nay, công việc nặng nhọc một tay ông gánh vác, chị vợ chỉ lo chợ búa, cơm cháo, giặt giũ cho chồng con. Thương và cảm phục chồng, chị Thảo đôi lúc cũng hoài niệm về thời vàng son cũ, nhưng cứ nhìn lưng áo đẫm mồ hôi của ông chồng già là lại nôn nao yêu thương. Ừ thì có người cho rằng chị chỉ dựa hơi ông mà sống, mà lo cho con khi thời cuộc thay đổi. Không hề dối lòng, chị thấy ông mới là cây tùng cao lớn cho đời chị.
Ngôi nhà lợp tranh của họ vắng vẻ, đơn độc giữa triền đất dốc, mùa mưa nước cuồn cuộn chảy hai bên hông nhà, thành những rãnh rộng và sâu. Với một cây cuốc nhỏ, đêm sáng trăng nào ông Năm Chinh cũng đào bới, san lấp tới khuya. Đến lúc khu vườn trồng cây ăn trái đã hình thành, với những khuôn đất hình bậc thang, vuông vức, phẳng phiu. Cuộc sống đang dần định hình, với xu hướng truyền thống của người nông dân, chứ không phải sự nhàn hạ của một anh kỹ sư cầu đường như ông Năm Chinh và cô giáo tiểu học như chị Thảo. Vợ chồng họ chịu hành xác khổ cực để đổi lấy tình yêu.
Thửa rẫy hơn năm sào này đã minh chứng cho điều đó. Họ sống và vượt lên vì tình yêu. Chị Thảo thương ông chồng già tận lực vì vợ con, nhưng chị sức yếu, lại không quen lao động nên chỉ đóng vai phụ cho chồng. Vụ thu hoạch mì, ông chồng hùng hục đào bới, khuân vác củ mì vô lán, chị chỉ việc ngồi bào vỏ, đem phơi. Mùa thuốc lá, chồng bẻ lá, vận chuyển tới lán, chị ngồi phân loại lá vàng, lá xanh rồi xâu lại từng dây, cột gọn gàng lên vách hay trời nắng thì mang ra sân. Từ trại về nhà năm, sáu cây số, có những đêm ông Năm Chinh phải ngủ rẫy canh thuốc lá, vợ con về hết, chỉ có hai con chó ở lại cùng chủ.
Tụi nhỏ thường nói với mẹ Thảo, rằng cơm ở rẫy sao thấy ngon hơn cơm nhà, dù chỉ có canh rau tập tàng và chút mắm cơm, mắm mặn. Người lớn thì không nói chi, vì lao động mệt nhọc, được chén cơm nóng, tô canh ngọt là thấy ngon miệng. Chị Thảo nhận xét sự ngon cơm lại khác. Có lẽ do hiệu ứng môi trường đem lại, hai bên là rừng cây xanh mê hoặc, bên cạnh là dòng suối trong vắt róc rách chảy. Sự ngon ngọt của nồi canh rau rừng, thấm vị mồ hôi mặn của ông chồng. Cứ giấc mười giờ trưa, Năm Chinh dừng công việc, xách cuốc xuống suối, vừa tắm giặt vừa tìm hang cua. Mấy con cua đá vẻ dữ tợn, hai mắt lồi ra, khua cặp càng tổ chảng dọa nạt. Bọn cua này to bằng bàn tay người lớn, cái mai màu xanh rêu và đầy răng cưa. Chị Thảo và tụi nhỏ hồi nào tới giờ chưa biết bọn cua này, còn Năm Chinh thì quá quen thuộc từ những năm còn là bộ đội nằm rừng Trường Sơn. Canh rau rừng nấu với cua rừng, “ngọt lủng nồi” như Năm Chinh thường nói khi ăn.
- Sao còn bào mì hấp cơm chi vậy mẹ?
Con Quyên vốn không thích ăn cơm độn, nên hỏi mẹ. Chị Thảo chỉ hai con chó đang nằm thở:
- Để cho con Mực, con Vàng ăn nữa chứ! Nó cũng đói như mình mà! Phải không con gái?
Hai con chó nghe chừng hiểu ý chủ, cùng sủa mấy tiếng, rồi chạy lao vào bìa rừng. Con Quyên nhảy múa dưới một tán cây, ngửa mặt cười hinh hích. Trên tàn lá, tiếng ve kêu râm ran, từng đợt rồi ngắt, rồi lại rộ lên.
- Mẹ! Mưa hay sao á! Mát quá hà!
Chị Thảo ngẩng mặt lên nhìn trời, vòm trời cao trong xanh đầy nắng.
- Nước đái ve đó con ơi! Đừng để nó rớt vô mắt nhé!
Năm Chinh đã tắm rửa xong, thủng thẳng bước lên. Tiếng hai con chó sủa vang góc rừng. Chị Thảo dừng tay dọn cơm, hỏi chồng:
- Ba chạy vô coi xem chó bắt được con gì nữa kìa!
Năm Chinh cười:
- Mình không biết rồi! Tụi nó sủa hơi đó! Sủa cho vui thôi! Còn khi có con mồi nó sẽ sủa đuổi. Sủa đuổi nghe nhanh và dồn dập! Thôi kêu tụi nó về ăn cơm.
Ông Năm vốn cưng bọn chó, nên bữa ăn không bao giờ quên chúng. Hai đứa chạy ào về, nằm sải chân ngay cạnh mẹt cơm. Chỉ có dĩa mắm cơm và nồi canh rau cua đá. Năm Chinh nhường phần thịt cua cho vợ con, mút mát hoài hai cái càng và mu cua, chan canh húp sụp soạp, luôn miệng khen ngon, mồ hôi chảy đầy mặt. Chị Thảo lấy chiếc khăn trên vai xuống, lau mồ hôi cho chồng. Tội nghiệp ổng, thứ gì ngon cũng nhường vợ con. Mấy năm trước còn thiếu đói, bữa ăn bao giờ ông cũng giành rổ mì, ăn với rau tàu bay luộc chấm mắm mặn. Nồi cơm ít ỏi và mấy con cá bống kho sả ớt thì để cho vợ.
Hồi này, thấy người ta đổ xô vô rừng tìm rễ mang về bán. Năm Chinh cũng ra lò rèn đặt một con rựa vừa tầm tay, theo họ vô rừng. Việc chặt rễ cây mang về bán cho người ăn trầu, mỗi con rựa phải thửa theo tầm tay từng người. Dài quá khi chặt rễ sẽ vướng víu, đôi khi nhằm cành cây khác, rựa bật lại vô trán sưng u. Ngắn quá cũng không được, cây rựa hụt tầm chặt, một lúc là mỏi rã rời đôi tay. Năm ngày một phiên chợ, những gánh rễ mang được đánh nài gọn gàng đẹp mắt, mang ra chợ bán sỉ. Mấy người buôn chuyến cất lại, mang về dưới vùng biển bỏ mối. Cái thứ rễ rừng này thiệt lạ. Gọi là rễ, nhưng chính là phần vỏ cây lột ra, nhai miếng vỏ dẻo dẻo, mùi vị thơm hắc và hơi đắng. Mấy bà mấy chị ăn trầu, khi đã quệt vôi lá trầu, thêm miếng cau nữa mà thiếu rễ mang thì mất ngon. Bởi vậy, khi người ăn trầu còn nhiều, thì người kiếm rễ mang còn sống được. Nhất là ngày đầu tháng hay hôm rằm, rễ mang mang ra chợ không đủ mà bán. Đã lâu ngồi bàn ghế hành chính, Năm Chinh vẫn chưa quên nghề chặt rễ mang. Những năm thiếu niên, cậu Năm nghịch ngợm thường theo chị Ba Chiến vô rừng kiếm rễ. Nhưng lúc đó phải xin phép ông Trần Đại, địa chủ. Ai tự ý vô rừng, ổng bắt được cho gia nhân đánh nhừ đòn, thu hết lâm sản kiếm được.
Năm Chinh bắt đầu một ngày đi rễ mang từ lúc ba giờ sáng. Ông pha một bình trà, ngồi phì phèo thuốc lá, lặng lẽ quan sát vợ lúi húi nấu cơm để dỡ theo cho chồng. Việc cơm nước không thể vội vàng được. Trước đó, chị Thảo vo gạo và cho thêm nhiều nước để nồi cơm hơi nhão một chút, vắt cơm sẽ mịn hơn. Cơm vừa chín tới, chị nhúng chiếc khăn mặt ướt, trải ra mâm rồi dỡ cơm ra, vắt tròn, lăn đi lăn lại cho thật mịn. Tàu lá chuối cắt vô, hơ qua lửa cho tái đi, lau sạch rồi mới gói vắt cơm lại. Bữa nay nhà hết mắm cơm, thứ mà ông Năm thích nhất.
- Ba ăn tạm muối mè một bữa. Để tới phiên em mua thêm hũ mắm!
Đường rừng lạnh lẽo, vắng vẻ. Sương mù bảng lảng xung quanh, những bước chân lụi đụi hay tiếng ho khúc khắc phía trước, báo rằng người ta cũng bắt đầu vô rừng. Chiếc túi vải đập đập bên hông theo nhịp bước, hơi nóng của vắt cơm thấm qua mấy lần vải, ấm nóng. Năm Chinh hăm hở đi về hướng đã định trước, đó là khe Lạch, nơi cửa rừng hơi xa một chút, ngày trước ông từng theo chị Ba Chiến đi chặt rễ. Đúng như dự đoán, khu vực này chưa có ai đặt chân tới. Cây to, cây nhỏ đứng xen kẽ, cành lá giao nhau kín mít, dây rừng ngang dọc, chằng chịt trông giống đàn rắn nhỏ. Lúc này là năm giờ sáng. Ông Năm nhìn đồng hồ, chọn một nhành cây cao ngang tầm vai treo túi cơm lên. Ngồi lên một hòn đá, ông quẹt lửa châm thuốc hút. Mùi thuốc rê khen khét lẩn quẩn trong sương sớm, bay là là mặt đất, không chịu phát tán đi.
Chỉ phát dọn lối đi chừng mười mét, ông đã phát hiện mấy bụi mang mọc lúp xúp. Mừng húm! Vừa phát dây dợ, vừa chặt rễ, ông vung rựa liền một hơi khoảng hai giờ đồng hồ mới dừng lại. Hừm! Xem ra sức khỏe mình còn ổn. Mà không tốt sao được. Cô vợ trẻ hơn tới hai mươi tuổi, đang sức xuân hơ hớ, chồng mới đụng tay vô là đã thở gấp, chịu gì nổi, nếu không đầy đủ công lực... Ông mỉm cười, với chiếc bi đông chiêu một ngụm nước trà, rồi cầm cây rựa, chặt tiếp. Những đám dây rừng lằng nhằng trước mặt, bị cây rựa bén chém rụng lả tả. Trong những khúc cây rớt xuống, ông thấy hai thân rắn lục mây. Giống rắn này ban ngày không thấy đường, chỉ nằm im trên cành cây, nếu bị động thì chậm chạp bò đi chui vô chỗ nào đó. Con rắn lục chắc chạy không kịp, bị rựa ông Năm chém đứt đôi, nửa trên còn cố bò lết vô bụi cây, phần nửa đuôi giãy giụa một lúc rồi nằm im. Tụi này cực độc, loạng quạng bị cắn coi chừng chết lãng nhách.
Róc lá xong mấy đám rễ mang, ông Năm lần lượt ôm ra bìa rừng, bó lại. Mới hơn ba giờ chiều, cần tranh thủ về sớm cho mấy mẹ con nó dúng rễ mai còn đi chợ. Buổi đầu quay lại nghề sơn tràng, thấy cũng may mắn. Một thời gian nữa, người ta phát hiện ra khu khe Lạch này lắm rễ mang, chắc không còn được như vầy. Ông quyết định sẽ quay lại đây sau phiên chợ, tranh thủ chặt rễ đem về, dành để bán dần. Chị Thảo ngạc nhiên thấy chồng về sớm, liền lo cơm nước cho ông rồi chuẩn bị việc buổi tối. Bữa chiều đấy có thêm nồi tép bạc và rổ rau sống để ông Năm cuốn bánh tráng.
- Ba uống ly rượu giải mỏi! Nhưng một hai ly thôi đó! - Chị Thảo đưa ra một xị rượu, dặn chồng.
Chiều tối, nhà Năm Chinh nổi lửa giúng rễ đầu tiên. Lúc đó có người mới từ rừng gánh rễ về. Tiếng cười nói lao xao:
- Trời quơi! Nhà Năm Chinh lẹ quá ta! Rễ về lúc nào mà đốt sớm dậy?
- Ha ha ha! Mấy chú thua bộ đội Trường Sơn là cái chắc! Tau về từ lúc mặt trời còn ngồi trên núi.
Năm Chinh ném cây tăm xỉa răng vô đống lửa, bắt đầu công việc. Từng bó nhỏ rễ mang được hơ trên lửa, đập qua đập lại. Khi vỏ tái đi rồi, sẽ dễ lột ra và dậy mùi thơm rất đặc trưng. Mấy bà ghiền ăn trầu thấy mùi rễ mang đốt là chảy nước miếng liền. Chị Thảo lột vỏ, xếp gọn gàng từng nài đẹp mắt. Chị em con Quyên chưa chịu đi ngủ sớm, ngồi chầu rìa coi ba mẹ làm. Thỉnh thoảng chúng cười ré lên khi thấy mẹ đưa tay quệt mồ hôi trên mặt và để lại một vệt đen lọ lem. Bốn giờ sáng, Năm Chinh buộc gánh rễ mang lên xe đạp, kẽo kẹt đạp mười lăm cây số tới chợ phiên. Gánh rễ bán cũng nhanh, vì mấy bà dưới biển lên cất nhiều quá. Ông chỉ dám ăn một tô bún cá cơm nhỏ cho đỡ đói, còn đâu mua lấy năm ký gạo, một bịch mắm cơm, mắm mực gói bánh đúc, kẹo cà làm quà cho con, riêng bà vợ được ưu tiên mua hai lạng thịt nạc, vì ăn không được mắm. Bấy nhiêu thứ đủ ăn cho cả nhà trong năm ngày, chờ lần đi rừng và phiên chợ sau.
Ba Thoại cưỡi chiếc xe Honda 67 chạy tuốt vô trại rẫy tìm Năm Chinh, thấy ông đang chổng mông vần một hòn đá vào sát vách lều. Hắn thầm nghĩ ông già hồi này vừa ốm vừa đen, không được trắng trẻo thư sinh như năm sau giải phóng, mới về Nam. Ông Năm Chinh lỡ đà, suýt ngã nhào, chiếc nón cối văng xuống đất, hở ra cái đầu muối tiêu đẫm mồ hôi.
- Nghỉ chút đã anh Năm! Chu cha! Hòn đá để nó nằm yên đó, lăn đi đâu cho mệt hả bố?
Năm Chinh thẳng người lên, cười khà khà:
- Tính lăn nó vô đây làm cái ghế ngồi uống nước! Chú mày đi đâu dậy?
- Vô thăm anh coi nương rẫy ra sao! Nè bố! Coi mòi năm nay ốm hơn mấy năm trước hén! Phải chăm sóc bản thân chớ. Thấy anh da mốc cời lên rồi! Hồi nẳm, em còn nhớ anh khoác ba lô đi bộ về làng, người sạch sẽ, trắng tươi như công tử phố. Giờ ra lão rồi nghen!
Ông Năm Chinh xoa xoa mái tóc rối, bực bội:
- Má! Một mình tau mần muốn chết nuôi ba con người, hổng ốm hổng đen sao được!
Ba Thoại móc thuốc lá mời. Ông Năm rút một điếu, châm lửa rít phì phà. Hắn vừa nhắc lại ông mới nhớ. Năm đó thu xếp công việc ngoài Hà Nội xong, mấy tháng sau giải phóng Năm Chinh mới đăng ký được xe khách về thăm quê. Hôm đó trời nắng oi, không chút gió. Đi bộ từ chợ bò cũ lên bờ sông, Năm Chinh định hướng một hồi, nhận ra cái tháp chuông cao màu vàng của Thánh thất Cao Đài và con đường đầy cát đi ngang qua đó. Cát vẫn mênh mông, bỏng rát như ngày nào. Chỉ có mấy cây dừa cũ cao vút là cụt ngọn vì mảnh bom pháo, thân dừa nham nhở mấy vết thương chảy nhựa đỏ quạch từ vết đạn xuyên. Dăm mái nhà tranh vừa mới lợp dựng trên nền nhà cũ. Chắc là mấy gia đình di tản chiến tranh, nay trở về quê sinh sống. Dưới gốc cây mít già cành lá nửa xanh, nửa cháy sém, hai con bò đang nằm lim dim, miệng bỏm bẻm nhai lại. Nắng tháng năm oi ả, khát khô cổ, Năm Chinh ghé vô căn nhà gần đường nhất, xin nước uống. Chủ nhà vui vẻ chỉ cái giò nước đựng ngoài giàn. Gáo dừa mới tinh gọt cẩn thận được tra cán dài, cái giò mới chứa nước, chưa kịp đóng rêu xanh. Lần đầu tiên sau 21 năm, Năm Chinh mới được uống nước mưa bằng gáo dừa. Nước ngọt lịm, anh làm thêm hơi nữa.
- Cám ơn chú hánh!
Chủ nhà nhìn ra, ngạc nhiên. Người xứ nẫu mà, sao khách sáo quá vậy? Họ đâu biết Năm Chinh mới từ Hà Nội về, đã quen tính cách lịch sự của người Thủ đô. Nếu ngồi tám chuyện chút nữa, chủ nhà còn ngạc nhiên hơn khi biết anh đã có vợ Hà Nội, một cô đẹp cỡ hoa hậu.
Bước ra đường, đi chừng vài chục mét, thấy có chiếc xe honda 67 chạy rề rề phía sau. Năm Chinh dẹp sát bờ cỏ, tránh đường. Chiếc xe không vọt lên mà cứ bám sát. Trên xe, một tên trung niên trạc ba mươi tuổi, mặt nghiêm nghị, ánh mắt chiếu vào chiếc nón cối và ba lô cóc căng phồng của kẻ lạ mặt. Thấy Năm Chinh cứ cắm đầu đi, không hề ngoảnh lại, chiếc xe vọt lên dừng ngay trước mặt. Người trên xe bỏ cặp kính đen ra, hỏi:
- Anh là người ở đâu tới? Có việc gì không?
- Tôi tập kết mới về thăm quê! Chú hỏi chi kỹ dậy? Có về Cát Hiệp cho quá giang một đoạn đi!
- Anh về Cát Hiệp thăm ai?
Năm Chinh nóng mặt, tính chửi lộn. Mình đi bộ mệt muốn chết mà nó còn hạch sách y chang tụi mật vụ ngày trước vậy. Nhưng mà thôi, mới giải phóng anh em họ cảnh giác vậy cũng tốt.
- Tui về thăm chị gái! Chị Ba Chiến chú biết hông?
- Chu cha! Bà Ba Chiến nổi tiếng xứ này mà, ai hổng biết! Chắc anh là Năm Chinh, bộ đội tập kết chớ gì? Thôi lên đây em chở về!
Xe chạy nhanh, đôi lúc lẹo dẹo láng qua láng lại trên đường cát. Người cho đi nhờ xe nói tên là Ba Thoại, thôn đội trưởng. Trong tiếng gió ù ù, hắn vừa chạy xe vừa ngoái cổ lại hỏi chuyện miền Bắc, chuyện Hà Nội, làm Năm Chinh sởn da gà.
- Coi chừng té xe nghe chú mày!
- Anh Năm yên tâm! Em chạy xe ngang biệt động thành Quy Nhơn! Hồi anh tập kết, em còn nhỏ nên chưa biết. Hà Nội đẹp lắm anh há?
- Ừa! Cứ nhìn tau thì biết!
Chu cha ơi! Vậy thì rõ rồi. Nhìn Năm Chinh béo tốt, trắng trẻo, bàn tay thon nhỏ, trắng muốt, hắn tưởng tượng ra cuộc sống ở ngoải ra sao. Ba Thoại chở Năm Chinh về tới nhà chị Ba Chiến.
- Chị Ba ơi chị Ba! Có khách quý nè!
Nghe Ba Thoại lớn giọng, chị Ba chưa thèm quay lại. Ai chớ cái thằng thôn đội cà trớn nầy, mấy khi nó nói được một câu đàng hoàng. Tới khi nghe bước chân bước vô nhà, chị nhận ra ngay là Năm Chinh, trước cả khi nó cất tiếng chào:
- Chị Ba! Em mới về!
Quay ngoắt lại, chị Ba Chiến sững người nhìn thằng em xa cách hơn hai mươi năm. Nó cao lớn, chững chạc hơn nhiều so với hồi chưa tập kết. Câu đầu tiên chị hỏi thằng em:
- Cậu có biết má chết rồi hông?
- Dạ mới biết hai năm nay chị!
Chị Ba ôm lấy vai thằng em, lu loa khóc:
- Cậu sướng quá mà! Bao nhiêu năm nay ăn sung mặc sướng, có biết tau với má tù đày, sống chết ra làm sao hông?
Năm Chinh chỉ biết ôm lấy chị, nước mắt chảy dài. Chị Ba buông em ra, với tay nắm cổ con gà mái đang ấp, bắt ra làm thịt.
- Gà đang ấp mà chị?
- Kệ nó! Đuổi bắt lũ kia nó chạy cời cời ngoài vườn, lâu lắm. Thằng Thoại ở lại ăn cháo gà với Năm Chinh hánh!
Mới đó mà đã mười ba năm. Ba Thoại giờ là phó chủ tịch xã, còn Năm Chinh trở thành tiều phu. Chức chủ tịch cựu chiến binh ông tham gia cho vui, nỗi lo thường nhật vẫn là làm sao có cơm, áo cho vợ con.
- Chú tìm tui có việc chi?
Lúc đó Năm Chinh mới nghĩ tới lý do Ba Thoại tới tận rẫy tìm mình. Cách đó hai ngày, ông đã đạp xe tới Nông trường Phù Hưng gặp giám đốc Thịnh. Huỳnh Đức Thịnh trước kia cùng tập kết ra Bắc, hồi làm ở nông trường Thanh Sơn, Phú Thọ hai người có biết nhau. Sau này Năm Chinh đi học rồi chuyển sang Tổng cục Đường sắt thì Thịnh chuyển sang tỉnh Hòa Bình làm lâm trường. Sau này, biết Nông trường Phù Hưng có ông giám đốc từ ngoài Bắc về, nhưng Năm Chinh không muốn gặp, sợ bạn bè nói mình tới nhờ vả. Nhưng vừa rồi, bảy người dân trong xã bị bảo vệ nông trường bắt giữ vì đi nhổ mì trộm thì máu sĩ diện của ông xẹp xuống, quyết đi nông trường giải cứu bà con. Giám đốc Thịnh vẫn ốm ròm như xưa, tóc bạc trắng. Thấy bảo vệ báo có người quen tới gặp, giám đốc bước ra, thấy một ông nông dân đen sạm đứng bên chiếc xe đạp Thống Nhất thì ngờ ngợ:
- Ai như kỹ sư Nguyễn Trường Chinh ta ơi?
Năm Chinh gãi đầu cười ngượng nghịu:
- Dạ! Đúng là hắn! Nhưng giờ làm nông dân rồi ông ơi!
Nghe Năm Chinh thanh minh rằng dân đói quá, lỡ nhổ mấy bụi mì của nông trường, giám đốc thông cảm bỏ qua cho. Ở ngoài Bắc, họ đều học tập kỹ về công tác dân vận rồi, cho nên đừng khe khắt, nguyên tắc quá.
- Ông có phạt họ được mấy chục đồng, nhưng lòng dân không phục. Dân không ủng hộ thì công việc sản xuất kinh doanh của nông trường gặp khó khăn. Tôi xin lấy tư cách là Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã, xin bảo lãnh cho mấy người dân. Đảm bảo từ nay về sau không có vụ phá hoại nông trường nữa.
Giám đốc Thịnh vui vẻ:
- Ông nói vậy được rồi! Thôi cho qua vụ này đi! Ở lại nhậu với tui miếng cho vui!
Chiều về, cậu bảo vệ cột sau xe đạp một bao bí đỏ, nói với Năm Chinh:
- Nông trường có chút quà gửi chú thím!
Nay thì Ba Thoại tìm đến ông về vụ này đây. Đúng y vậy, hắn đằng hắng mấy lần rồi mở miệng:
- Anh Bảy Liên nói anh tự ý đi xin cho mấy người dân trộm mì nông trường là không được. Sai nguyên tắc. Anh Năm sau này rút kinh nghiệm.
Năm Chinh giật giật mí mắt bên phải, dấu hiệu ông sắp nổi nóng.
- Nguyên tắc gì vậy? Đây là quan hệ cá nhân với cá nhân mà. Sao nói là tự ý được?
- Nhưng anh Năm lấy tư cách cán bộ cựu chiến binh bảo lãnh cho dân mà!
- Đúng rồi! Đó cũng là nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ địa phương. Tau có trách nhiệm với nông trường nếu tài sản của họ bị người dân xâm phạm. Không được sao? Chú có cái nghị quyết hay quy định nào của Đảng, của Nhà nước cấm việc làm đó hông?
Nói tới đường lối, chính sách là Ba Thoại ớn. Hắn đang xin đi học lớp Sơ cấp lý luận chính trị mà huyện chưa cho. Cãi lý với cái lão đi học đại học nầy mệt quá.
- Vậy lúc nào anh Năm nói chuyện lại với chủ tịch xã hén! Tui về!
Năm Chinh không thèm trả lời, lúi húi vun vun đắp đắp.
Nhận được quyết định của huyện về dự án xây dựng đập thủy lợi Ba Núi, Bảy Liên mừng lắm, đi đâu cũng huênh hoang: “Đời Chủ tịch trước làm đâu được vụ nầy! Là nhờ có tui đó nhen!”. Ý Bảy Liên chê thời Tư Danh không dám quyết, dám làm. Thực ra là chó ngáp phải ruồi, nhằm đúng thời điểm ủy ban huyện muốn thâm canh, tăng diện tích sản xuất cho ba xã vùng hạ lưu, mà muốn được vậy thì phải có thủy lợi. Ý tưởng đắp đập thủy lợi Ba Núi được bàn tới trong các cuộc họp từ thời Tư Danh làm chủ tịch xã, nhưng chưa có kinh phí. Giờ huyện muốn triển khai, bên Phòng Nông nghiệp của Tư Danh lập tức bám sát, tham mưu cho lãnh đạo huyện, khẩn trương thực thi. Do vị trí đập thủy lợi nằm trên địa bàn xã, nên Bảy Liên được giao phụ trách công trình, trực tiếp giám sát. Việc đầu tiên là huy động sức người. Những ai trong độ tuổi lao động phải thực hiện nghĩa vụ lao động, đi dân công mười ngày. Xã đoàn; Hội nông dân; Cựu chiến binh tất cả vào cuộc, huy động tổng lực dân công ra đắp đập.
Buổi chiều muộn, công trường đã xong một ngày lao động. Từng đoàn người đạp xe đạp, đi bộ, tấp nập qua ngõ nhà Năm Chinh. Toàn những thanh niên thanh nữ trai tráng, khỏe mạnh. Ai cũng diện bộ quần áo đẹp nhất đi lao động. Tính thanh niên vốn vậy, ở hoàn cảnh nào thì họ cũng muốn ăn diện, làm đẹp để giao lưu, tìm hiểu. Việc đi dân công đắp đập vất vả vậy mà họ cứ như đi hội. Hai chị em con Quyên, cứ chiều tới là rủ nhau trèo lên cây mít đầu nhà, xem đoàn người đi lao động về. Chúng mê mẩn ngắm nhìn những chàng trai, cô gái ăn mặc đẹp đẽ, rồi tranh nhau xí phần:
- Chị áo xanh, anh áo sọc kia là của chị hén!
- Ơ ơ! Sao chị xí phần nhiều vậy? Cô áo đỏ tóc dài kia là của em đó!
Năm Chinh lo lắng. Hai ngày trước, Bảy Liên đã nói bóng gió xa gần:
- Mọi người trong độ tuổi lao động đều được huy động ra công trường hết. Mình là cán bộ, đảng viên cần gương mẫu anh Năm hén!
Là hắn nhắc ông, bà vợ trẻ mới ba mươi lăm tuổi, vẫn còn nghĩa vụ lao động, nên cũng phải có mặt, đi làm đủ mười ngày như người ta. Ông Năm biết mình đã về hưu, lại là thương binh nên được miễn nghĩa vụ lao động, nhưng còn má con Quyên thì phải tham gia, mà tướng bả thư sinh, cầm sao được cây cuốc, cây leng đào đất? Thương vợ quá, Năm Chinh nghĩ ra một cách.
Mấy hôm sau, trong tốp người đào đất của thôn, giữa đám thanh niên trẻ trung có một ông già cũng say sưa xúc đất. Ông ta còn kể chuyện tiếu lâm, làm bọn trẻ cười ngặt nghẽo, cười chảy nước mắt.
- Rồi sao chú Năm? Bà đó có đòi được tiền hông?
- Đòi gì nữa! Thằng Tình biểu chị ơi, em bịnh quá hông dậy mở cửa được. Nhà em có cái trổ cho chó ra vô, chị làm ơn đưa chân vô trước, lấy tiền giùm em. Tiền em để trong cái bọc trước hòm lúa đó chị...
Một con nhỏ chừng mười bảy tuổi, tóc dì tết đuôi sam, vội chen ngang:
- Vậy là bà chủ nợ phải đưa hai chân chui vô hả chú?
- Ừa! Mới chui lọt nửa người, thằng Tình nhào tới nắm hai chân bả dang ra, tốc váy bả lên, rồi làm bậy...
- Làm bậy là sao hả chú?
Ông Năm Chinh đứng thẳng người, nắm tay đấm sau thắt lưng, cười hóm hỉnh:
- Nó làm gì bây biết rồi còn hỏi cắc cớ...
Bọn con gái ngơ ngác, mấy thằng thanh niên có vợ rồi thì phá lên cười:
- Là nó cho bà kia ăn con c… của nó chớ gì nữa. Rồi sao chú Năm? Hồi hộp quá!
Ông Năm xua tay:
- Có gì nữa đâu! Bà kia thấy vậy thì la lên, năn nỉ. Tình ơi chị đang có tang! Là chồng bả mới chết mà. Riết một hồi thấy bả còn kêu nhỏ nhỏ “Tình ơi... tang! Tình... tang! Tình... tang”. Vậy đó!
- Má ơi! Đã quá trời!
Lũ con trai phá lên cười sằng sặc. Lũ con gái mặt đỏ bừng vì mắc cỡ. Một đứa ngưng cười trước, chợt hỏi:
- Ủa! Sao chú Năm già rồi còn đi dân công?
- Thì tau đi làm công tác tuyên truyền văn nghệ cho tụi bây chớ sao!
Ông nói tránh như vậy, chứ thực ra là đi làm thay vợ. Chứ cho chị Thảo đi đắp đập, xong đợt dân công là có khi đưa vợ vô bệnh viện luôn.
Trực tiếp theo dõi việc đổ ống cống, trải bê tông chắn đập, ông Năm một lần nói nhỏ với Ba Liên:
- Chú coi lại việc trộn bê tông cho đúng tỉ lệ hánh! Làm ẩu coi chừng hậu họa!
Bảy Liên bực bội nhìn ông già lắm chuyện:
- Anh cứ làm việc của mình đi, biết gì bê tông, hồ vữa mà nói!
“Bà mẹ cái thằng này! Nó không biết mình từng là kỹ sư xây dựng sao? Mầy không muốn nghe lời tốt, sau này khổ ráng chịu”.
Đập thủy lợi Ba Núi vừa khánh thành đã sạt lở, do khâu kỹ thuật kém. Người ta rút ruột công trình, kiếm xi măng, sắt thép bán đi chia nhau tiền. Hiệu quả của đập không cao, vì mương máng không được láng xi măng, nước chưa kịp chảy về cánh đồng Trung, đồng Bầu thì đã cạn hết vì bị thấm vô đất cát. Bảy Liên bị kỷ luật, mất cả chức chủ tịch, khai trừ khỏi Đảng. Bữa thấy Ba Thoại chạy tới nhà, năn nỉ ông Năm xác nhận việc ăn bớt nguyên vật liệu của Bảy Liên, nhưng ông không ký. Ba Thoại trợn trừng, trợn trạc:
- Con người đó làm mất uy tín của đảng bộ, chính quyền xã, cần phải xử lý cho thật nghiêm anh à. Bảy Liên kì này đi bằng mông đít rồi!
- Tau thấy chú mày bạc tình quá! Mới đó mà đã trở mặt, trở cờ rồi!
Ông Năm huỵch toẹt vô mặt thằng cán bộ cơ hội, phản thầy hại bạn. Thứ này có làm lên nữa cũng chỉ thêm khổ dân, rối ren chính quyền. Ông làm đơn xin nghỉ công tác bên hội cựu chiến binh, về vác rựa, cuốc, mở thêm một thửa rẫy nữa, trồng đào lộn hột.