TIỆM TẠP HÓA CỦA BÀ HỒNG, THỜI GIAN ĐẤY không đủ hàng mà bán. Các loại nhu yếu phẩm như: gạo, muối, bột ngọt, cá khô bị người ta tận mua, mà mối không về kịp. Bà chợt tiếc vì đã để cho ông Bùi rời quân ngũ. Trước kia ông chồng làm ở gần nhà thường một tuần hoặc nửa tháng lại lái chiếc xe Dog chạy về nhà, quăng xuống mấy bao tải gạo, mớ đồ lính linh tinh, vậy là bà có tiền. Buôn bán mà không phải bỏ tiền vốn ra mới sướng. Khổ nỗi bà hay ghen. Thà mất tiền chứ không chịu mất chồng.
Thời điểm đấy, mới bước qua tháng 4 năm 1972 mà thấy rục rịch không ổn. Khi người dân lo dự trữ lương thực, thực phẩm là sắp có biến động về chiến sự. Cả hai trung đoàn bộ binh có người nhà của bà đều trong tư thế sẵn sàng tác chiến. Trung đoàn 47 của cậu Thành em họ thì giữ Kon Tum. Trung đoàn 42 của con rể Hoàng thì nằm chết gí ngoài Tân Cảnh. Cả tháng chưa thấy thằng Hoàng ghé nhà, tức là tình hình căng thẳng rồi.
Lạch bạch bước ra sau nhà, bà Hồng chợt bực mình vì nghe tiếng mấy đứa trẻ ê a đánh vần. Chồng bà như người cõi trên, chẳng thèm quan tâm tới xung quanh, chỉ chúi vào mấy tập vở của đám trò nghèo.
- Giời ạ! Không còn hạt gạo nào để bán, thế mà cậu vẫn an phận thủ thường, sống chết mặc bay! Thằng cu đi vô, biết gì mà học!
Thằng cháu ngoại chưa đầy ba tuổi, tay dính bụi phấn, giãy nảy:
- Hông! Cu học! Cu học!
Ông Bùi nghếch cặp kính cận bám trên chiếc sống mũi cao, cười. Đã ngoài năm mươi nhưng khuôn mặt ông vẫn toát lên vẻ phong trần, hào hoa.
- Mợ hay thật đấy! Con rô cũng tiếc, con diếc cũng muốn! Phải để tôi còn trong quân đội, giờ này thiếu gì gạo bán. Mà tôi kèm thằng cháu cho quen mặt chữ, mợ không được la nó thế.
Thật thế! Nếu cậu ấy còn là sĩ quan, mấy năm nay bà giàu to. Số gạo lính cậu ấy bớt mang về dễ cũng hàng tấn chứ ít sao. Lạy Chúa lòng lành! Con cam phận nghèo để giữ lấy chồng. Cậu ấy đẹp trai, số đào hoa, thả ra là mất như chơi. Đến như về nhà rồi, mở lớp dạy trò nghèo mà còn có mấy bà bạn hàng nhà giàu cứ nằng nặc dắt con tới nhờ ông Bùi kèm cặp thêm, rồi mời chào hẹn hò cà phê, cà pháo, làm bà lo ngay ngáy.
- Tình hình chiến sự có vẻ căng thẳng cậu ạ! Mấy hôm nay, người dân mạn sông Pô Kô ra mua hàng, nói trong ấy đánh nhau dữ lắm.
Ông Bùi chùi qua cặp kiếng cận, mang lên lại rồi chúi vào tờ Nhật báo Sài Gòn. Gay go rồi. Tướng Triển vừa mới xin rút chân tư lệnh sư 22 để đại tá Lê Đạt lên thay, anh em sư 22 bộ binh và lữ đoàn dù đã đụng đầu với Sư 320 Bắc Việt. Ông dừng lại, quay sang vợ:
- Tôi lo cho đơn vị thằng Hoàng! Sáng ngày 3 tháng 4 quân Bắc Việt đã đánh vào căn cứ Delta rồi. Sư 320 này tôi biết. Nó nổi tiếng từ hồi đánh Điện Biên Phủ, đại tá Lê Đạt non tay là bị bóp nát ngay.
Bà Hồng thở dài:
- Lạy Chúa! Cầu cho mọi sự an lành. Con Thảo thì đang học, cu Thường chưa nói sõi. Liệu Việt cộng có đánh vào Kon Tum không cậu?
- Chưa biết thế nào được! Còn phụ thuộc vào có giữ được Tân Cảnh không! Ôi mà mợ đừng lo, Kon Tum còn có sư đoàn 23 bộ binh cơ mà. Lão đại tá Tòng đánh đấm cũng khá.
Nửa tháng liền, tin chiến sự nóng hầm hập, chẳng có gì lạc quan. Mấy tên biệt động quân giữ đồn Ben Hét khoe khoang rằng bắn cháy được nhiều chiến xa T54 của Việt cộng, giờ cũng tan hàng chạy hết rồi. Trên quốc lộ 14, Việt cộng cũng chiếm được đèo Chư Pao, cắt đứt tuyến tiếp vận từ Pleiku đi thị xã Kon Tum. Tình hình rối như canh hẹ.
Trung tuần tháng tư, thấy Thanh Thảo từ Sài Gòn lên, dắt theo một cô bạn dáng vẻ thôn nữ. Cô gái chắc già hơn Thảo, da sạm nắng.
- Thưa hai bác! Con là bạn học của Thảo từ hồi lớp nhất.
Theo như lời kể của Hằng, cô thôn nữ vừa ngồi xe đò từ Quy Nhơn vô Sài Gòn, tìm được Thanh Thảo rồi nhờ bạn đưa lên Kon Tum. Chồng Hằng là thiếu úy trung đội trưởng thuộc trung đoàn 42, cùng đơn vị với trung úy Hoàng chồng Thanh Thảo. Cô muốn lên thăm chồng, vì đã ba tháng nay không thấy chồng về, mà sư đoàn 22 cũng không thấy chuyển quân về Bình Định. Bà Hồng kêu trời:
- Con ơi là con! Đi thăm lúc nào không đi, lại đi vào lúc nước sôi lửa bỏng này. Ngoài ấy đang bắn nhau loạn lên, không ra được đâu. Ở đây chơi với hai bác mấy hôm rồi về.
Nhưng cô gái nhất định đi thăm chồng. Lúc nguy hiểm này, anh ấy mới cần sự có mặt của vợ. Bây giờ làm sao ra được Tân Cảnh mới là chuyện đáng bàn. Thanh Thảo ngỏ ý với cậu, mợ:
- Hay là để con đưa bạn Hằng đi Tân Cảnh, nhân tiện thăm anh Hoàng luôn?
- Không được! Hai đứa đi chỉ thêm lo chứ giải quyết được gì! Mà tụi bay đi bằng cách nào?
Thanh Thảo nghĩ ngay đến một người bạn có thể nhờ cậy, là đại úy Tô Vững làm ở Nha cảnh sát Kon Tum. Đại úy Tô Vững quen biết đã lâu, rất có cảm tình với cô sinh viên trẻ sớm đèo bòng chồng con. Thấy Thanh Thảo tới kiếm, Tô Vững mừng quá:
- Chờ anh chút, rồi đi ăn chè!
- Thôi! Em mắc bận! Có một chuyện nhờ anh nè!
Nghe Thanh Thảo trình bày, Tô Vững tỏ ra tiếc vì không trực tiếp đưa giúp cô bạn ra Tân Cảnh. Ngoài ấy mấy ngày nay chộn rộn lắm, rất nguy hiểm. Nhưng nếu cô bạn phải đi, Tô Vững sẽ giúp bằng cách gửi Hằng cho một người bạn lái xe vận tải quân sự.
Chiếc xe chở quân nhu cho cô gái quá giang ra Đăk Tô, vào buổi chiều ngày 23 tháng 4.
Buổi chiều ấy, cao nguyên cũng ào ạt nắng và gió. Chiếc xe quân sự dừng lại ở một trạm chốt, người lính lái xe mặt đỏ bụi, vẻ lo lắng chỉ cho Hằng lối đi về phía Tân Cảnh:
- Em đi bộ chừng hai cây số, thấy chỗ nào có khu lán trại lợp thiếc thì hỏi xem trung đoàn 42 nằm ở đâu! Cẩn thận nha! Chúc nhiều may mắn!
Cô gái xuống xe, lóng ngóng chiếc giỏ nhựa màu xanh nhạt. Gió quần quật thổi bộ bà ba lụa màu mỡ gà dính sát da thịt. Đoạn đường ngồi xe lòng vòng thiệt là mệt. Giờ còn phải cuốc bộ hai cây số nữa, giữa vùng chiến sự. Nhưng mà đã lỡ liều rồi, giờ liều thêm chút nữa cũng sao đâu. Hằng mím chặt môi, rảo bước. Kia rồi, một căn cứ của lính mà cô từng gặp. Chắc chồng cô trong đó, nơi nhấp nhô khu lán trại lợp thiếc và những lô cốt che lều bạt vằn vện xanh xám. Lỗ hỏa châu lấp ló dưới những chồng bao cát cũng màu xám. Không một bóng người, nhưng đây đó cô cảm nhận được hàng trăm đôi mắt trắng dã mở to ngạc nhiên nhìn tấm thân thanh nữ mảnh mai. Bây giờ tìm ai để hỏi thăm đây? Hằng bắt đầu cảm thấy lo sợ, cô buông chiếc giỏ quà, kêu lên vô vọng:
- Chồng ơi! Anh Phong ơi!
Rồi bật khóc nức nở. Một dáng người bận đồ sĩ quan lom khom chạy về phía cô, tay giữ chiếc nón sắt trên đầu, mỗi bước chạy đôi giày bốt-đờ-sô đá tung bụi đất. Cô hốt hoảng khi bị người lính râu ria kín mặt ôm chầm lấy.
- Trời ơi! Hằng! Đang súng đạn ì xèo, lên đây mần chi?
Cô nhìn một lúc mới nhận ra chồng, anh già sọm đi, phờ phạc.
- Tại má biểu…! Với lại em cũng nhớ anh!
Chồng cầm tay vợ, kéo đi như chạy về phía đất trũng, sát con suối. Nơi có một căn phòng vách gỗ tuềnh toàng. Một chiếc võng cột giữa hai cột ghi sắt, lay động, vật vờ gió. Tấm pông-sô màu xanh lá còn vắt ngang thân võng. Cô vợ bị ấn ngay xuống. Anh chồng quỳ dưới đất, ôm choàng cả chiếc võng và người vợ. Hai bàn tay phụ nữ vò nhàu cái đầu lính bù xù, bụi bặm, khét lẹt.
Bóng chiều phủ xuống quá nhanh, mà họ không để ý. Thiếu úy bước ra cửa phòng nhận cà mèn cơm và bi đông nước mà chú lính công vụ vừa mang tới. Cô ngồi dậy, bới lại mái tóc dài. Vợ chồng mới cưới hồi tết, xa nhau đến nay đã ba tháng. Cô mong có bầu sớm để được hú hí với con, khi chồng liên miên hành quân hết vùng chiến thuật. Trước đó, Hằng có viết thư cho chồng hẹn lên thăm. Nhưng cuộc gặp gỡ ở thời điểm này thật nguy hiểm. Đây là sự liều lĩnh của tình yêu vợ chồng mà cô chấp nhận.
Đêm không yên tĩnh. Giấc ngủ không có cơ hội đến. Mặc tiếng đại bác từ xa dội tới, hai tấm thân vẫn cuốn lấy nhau, cuồng nhiệt, hối hả. Tiếng nổ đã rất gần, nghe rõ tiếng la hét của binh lính. Bước chân chạy hấp tấp, ánh đèn pin hất văng cùng cú vấp ngã chí mạng của người lính. “Thiếu úy! Nguy cấp rồi! T54 của Việt cộng đang càn qua, không cản được”. Lúc ấy, bên ngoài trận địa, từ đài quan sát có thể nhìn thấy hơn chục xe tăng T54 chạy theo hàng dọc, đèn pha quét sáng quắc, ầm ầm lao tới. Pháo xe tăng đã quất thẳng vô đài quan sát, mảnh tôn, xác người bay tung lên trong chớp lửa. Thiếu úy chỉ kịp đội chiếc nón sắt lên đầu, vừa chạy vừa hối vợ:
- Em lui xuống suối, chạy về phía buôn Thượng. Lẹ lên!
Một trái pháo nữa nổ gần, cành cây bị phạt đứt quật xuống mái thiếc rầm rầm. Hằng sợ hãi hét lên:
- Anh ơi!
Chồng cô đã lao về phía trận địa. Tiếng hò hét, giục giã. “Đ… má! Sao không bắn chặn tụi T54? M72 đâu?”. “Chạy thôi tụi bay! Nó vô nghiền nát bây giờ!”.
Bước chân người vợ quay ngược vùng chiến trận, cuống cuồng, vấp phải một gốc cây cụt, xé toang ống quần. Nước mắt cứ chảy giàn giụa, tiếng gọi chồng nức nở, vô vọng. Tiếng đạn pháo truy đuổi cô gần sáng thì im hẳn. Nhìn về phía ấy, bình minh đỏ rực màu máu, khói lửa vẫn oằn oại bay lên. Cô dừng lại, gần như đổ vật trước ngôi nhà sàn thấp. Một phụ nữ người dân tộc tóc rối bù, tay cầm cây rựa dài, đứng im lìm như bức tượng trước sân. Cô ngước nhìn lên, chiếc áo váy màu đen có những sọc ngang trắng đỏ nhập nhòa, lay động bởi gió sớm.
- Dì ơi! Cứu con với!
- Sao lạc vô đây?
Tiếng Kinh đơn đớt, mùi trầu cay nồng, lúc người phụ nữ cúi xuống hỏi.
- Con đi tìm người nhà, nhưng tới đây thì gặp họ bắn nhau!
Cô không dám nói thật chuyện đi thăm chồng là lính.
- Ồ! Đêm qua Giải phóng đánh vô Tân Cảnh. Ở lại ít bữa! Súng đạn nhiều lắm.
Cô ngẫu nhiên là thành viên của một gia đình người Xơ Đăng. Ngày hôm sau, những người lính bên kia đã đóng quân trong làng. Họ ồn ào, vui vẻ và thân thiện, không dữ dội như ánh chớp đạn pháo cô từng thấy. Không có chuyến xe và cơ hội nào cho cô trở về nhà. Cô đã mượn được bộ áo váy, khăn choàng của bà chủ nhà, kiếm một sợi vải đỏ, buộc tóc lên từ trán ra sau gáy. Bà chủ nhà Hơ Bia và người con gái mười tám tuổi tên Hơ Bờ Lao đã đồng ý cho cô tá túc, sau khi dẫn cô tới nhà Pô Lăn (chủ làng) xin phép. Bà già gọi là Pô Lăn ấy, khuôn mặt hàng trăm nếp nhăn, lờ đờ đôi mắt đục nhìn cô một thoáng, rồi gật đầu. Cô nhen lên hy vọng chồng còn sống và sẽ trở lại tìm vợ. Gần một năm trôi qua, cô đã quen với việc cầm cây rựa hay xà gạc lên rẫy. Đã biết dùng pờ tả cán bông dệt vải. Bản chất người nông dân giúp cô nhanh chóng làm quen với công việc. Cô đã dám một mình lên rẫy, một mình ra suối. Cô đã trở thành người của buôn làng. Đôi lúc, đang làm gì đó bỗng cô dừng lại, tự hỏi mình là ai, sao lại xuất hiện ở đây? Nhiều lần trong giấc ngủ, dĩ vãng hoang hoải một vạt cau xõa tóc giữa trời xanh, thân cau nhuộm vàng ánh nắng chiều. Vạt mồ hôi đọng muối trắng sau lưng áo má chồng. Rồi bỗng nhói lên một khuôn mặt râu ria gần kề, mùi mồ hôi lính nồng khét, hôi hám. Phải tìm cách trở lại quê hương. Phải biết được tin tức của chồng sau trận đánh ác liệt năm ngoái. Phải, phải…! Ruột gan cô đau quặn. Giấc ngủ thường bị kéo thốc dậy, với đôi má đầm đìa nước mắt.
Tân Cảnh thất thủ. Chỉ trong một đêm, mười lăm chiếc xe tăng T54 của Quân giải phóng bao vây, bắn phá tan nát cứ điểm của sư đoàn 22. Đại tá Lê Đạt từ chối không lên máy bay chạy trốn cùng cố vấn Mỹ. Ông ta ra lệnh cho thuộc hạ “tùy nghi di tản”, vượt vòng vây chạy ra ngoài, rồi tự sát. Quân lính sư đoàn 22 mạnh ai nấy chạy, cố gắng thoát ra khỏi căn cứ trước khi trời sáng. Sự tính toán của đại tá Lê Đạt là hợp lý, sáng suốt, vì bảy giờ sáng hôm sau, Quân giải phóng đã ngập tràn căn cứ Tân Cảnh.
Suốt ba ngày sau, khắp thị xã Kon Tum náo loạn vì binh lính thất trận dồn về. Ai có gia đình thì may mắn được chăm sóc, ăn uống, tắm giặt. Ai quê ở xa thì tìm đến bạn bè, dạt vào các trại lính trú nhờ. Đêm thứ ba, cả nhà bà Hồng đang lo lắng vì tin Tân Cảnh thất thủ thì trung úy Hoàng và mấy thuộc hạ tìm về đến nơi. Nghe tiếng đập cửa dồn dập, Thanh Thảo biết ngay là chồng còn sống, liền nhào ra mở cửa. Ánh đèn vừa bật lên, Thanh Thảo kêu rú lên khi nhìn thấy chồng. Trung úy Hoàng quần áo rách tả tơi, bắp tay và trán có mấy vết thương máu mới khô. Khoảng chục người lính bộ dạng cũng không kém, người có súng, người không, mệt mỏi ngồi bệt trước sân.
- Trời ơi! Anh! Sao lại thế này?
Cô định ôm lấy chồng, nhưng chững lại vì mùi khai nồng, khăn khẳn từ thân thể anh. Trung úy Hoàng cảm nhận được một thoáng ấy của vợ. Một cái bạt tai làm Thanh Thảo choáng váng, nổ đom đóm mắt:
- Tại sao em về đây? Đang chiến sự ác liệt như vầy. Hẹn hò với thằng nào?
Thanh Thảo cố nén tiếng khóc, sợ cậu mợ biết và con trai thức giấc. Hai cậu lính cũng chạy đến can ngăn:
- Trung úy bớt nóng! Bà trung úy thông cảm cho, anh em tụi tui mới từ cõi chết trở về... Cả đại đội còn bi nhiêu đây!
Thanh Thảo chùi nước mắt, nhìn hơn chục hình hài con người nằm ngồi ngả nghiêng trước nhà:
- Anh em chờ một lát! Tôi đi nấu cơm liền!
Cô vô phòng gọi bà Hồng dậy. Hai mẹ con mở tủ lạnh, còn thịt cá, rau đậu gì lôi ra hết, bắt đầu làm cơm. Ông Bùi thủng thẳng ra sau nhà, cắt một ôm rau muống đem vào. Thấy con rể gật đầu chào, ông cười nửa miệng:
- Anh em cũng mệt hả? Còn ai nữa không?
Trung úy Hoàng lắc đầu. Còn được bây nhiêu là tốt rồi. Đơn vị tổn thất nặng nề, tan hàng bất ngờ. Số bị tử thương tại trận, số tháo chạy và chết dọc đường. Hoàng còn nhớ lúc bơi qua sông Pô Kô, màn đêm đen kịt, ánh hỏa châu đã tắt lịm ngang trời từ lâu. Tiếng thở và tiếng tay đập nước loạn xạ của trung tá Nghĩa ngay bên cạnh:
- Hoàng! Cứu tôi với! Thoát trận này... trung úy sẽ... thăng tiến!
Bàn tay mập như nải chuối nàng hương cố sống cố chết níu lấy vai Hoàng. Anh bị kéo xuống, ngộp nước mấy lần.
- Trung tá! Thông cảm cho tôi! Vợ con tôi đang chờ...
Anh lặn xuống, lấy hết sức đạp viên trung tá trung đoàn phó ra xa, rồi ngoi lên, sải tay bơi tiếp. Giờ đây đã về tới nhà ông bà già vợ, được tắm giặt, thay đồ mới, mà trong đầu trung úy Hoàng vẫn âm âm vọng tiếng súng nổ, tiếng xích xe tăng nghiến loảng xoảng ghê rợn. Trong ánh hỏa châu, Hoàng nhìn rõ người anh đồng hương là thiếu tá Như và một sĩ quan Mỹ trèo lên bồn nước, ghì chặt cây đại liên bắn xối xả về phía đối phương. Hình như chỉ được mấy phút. Một vệt lửa có đuôi bay thẳng lên tháp nước, ánh chớp hỏa tiễn chói lòa, soi rõ chiếc bồn nước bay lên cao cùng hai thân xác giơ tay, giơ chân như đang nhảy điệu tăng gô cùng thần chết.
Những tên lính thất trận sống sót xúm quanh mâm cơm, ăn như chết đói lâu ngày. Một đêm mất ngủ của gia đình. Phòng trong, trung úy Hoàng ôm vợ ngủ, cứ một lúc lại lồm cồm nhưng bất lực không làm gì được. Nỗi sợ hãi, phẫn chí ám ảnh đầu óc anh ta, làm con giống không cương lên nổi. Cô vợ trẻ vật vã khao khát, rạo rực cả đêm rồi cũng mất ngủ theo. Ngoài phòng khách, toán lính ngụy nằm ngủ ngay trên nền đất, tiếng ngáy vang rền. Nửa đêm, một người bỗng vùng dậy, hét:
- T54 đó! Chạy đi! Lẹ lên!
Có ba người hốt hoảng vùng dậy chạy, lao đầu đánh cốp vào tường nhà, ngã bổ ngửa, rồi xoa đầu nhận ra đó chỉ là cơn mơ ngủ.
Sáng hôm sau, ngồi uống cà phê với con rể, ông Bùi mới có thời gian hỏi thăm về tình hình chiến sự ở Tân Cảnh. Trung úy Hoàng ấm ức:
- Tại mấy thằng cố vấn Mỹ ngu như bò! Đêm trước, đơn vị địa phương quân ở Đăk Tô có nghe thấy tiếng xe tăng Việt cộng chạy trong rừng, báo về cho sở chỉ huy. Thằng cố vấn Pôn cho rằng đó là xe bọc thép chở bộ binh, nên không cho B-52 đánh bom ngăn chặn.
Ông Bùi chép miệng:
- Tướng Hoàng Minh Thảo của Bắc Việt giỏi cầm quân, trung tướng Ngô Du không ăn được đâu! Bây giờ họ sẽ thừa thắng đánh luôn vào thị xã Kon Tum, mọi người di tản dần đi là vừa.
Nhưng không như ông Bùi dự tính. Quân Giải phóng không lợi dụng tiến công ngay mà mãi tới hai mươi ngày sau mới đánh vào Kon Tum, khi mà sư đoàn 23 bộ binh của đại tá Lý Bá Tòng đã có đủ thời gian chuẩn bị phòng thủ. Quân lực Sài Gòn kịp đưa tướng Nguyễn Văn Toàn thay tướng Ngô Du làm tư lệnh Quân khu 2, kịp điều động chiến xa của lữ đoàn 2 thiết giáp lên phòng thủ Kon Tum. Đó có lẽ là nguyên nhân không thành công của đối phương khi đánh vào Kon Tum tháng 5 năm 1972.
Chưa cạn nửa ly cà phê thì hai chiếc xe jeep chạy tới, đậu trước sân. Mấy sĩ quan trong trung đoàn tới tìm trung úy Hoàng. Đại úy Nghĩa giơ tay chào ông già, rồi nói nhanh với trung úy Hoàng:
- Tình hình nguy cấp! Sư đoàn ta tan hàng rồi, chỉ còn khoảng hai ngàn người, bằng quân số trung đoàn 42 trước đây. Trung úy gom hết anh em lại, rồi rút về Pleiku ngay. Cho cả gia đình theo luôn.
Tướng Ngô Du vừa đi trực thăng lên, hẹn các chiến hữu ngoài nghĩa trang thị xã, tổ chức rút quân khỏi Kon Tum.
Ông Bùi bảo vợ con cứ di tản theo quân đội, ông ở lại còn giữ nhà. Bà Hồng trong lúc lo lắng cuống cuồng, chỉ nghĩ tới việc thu gom tiền vàng mang theo. Việc này bà có kinh nghiệm từ năm 1954, khi quyết lên tàu di cư để tìm công tử Bùi. Thôi mặc xác ông ấy. Có ông ấy ở lại coi giữ nhà cửa, hàng hóa cũng tốt. Mà hình như ông này không ớn Việt cộng, mà còn có mối liên quan mờ mịt gì đó. Đôi khi bà ngờ ngợ về thái độ của chồng, nhưng chưa biết nguyên do, cội nguồn từ đâu. Tình yêu làm cho bà mờ mắt, quyết đeo đuổi lấy ông cho bằng được, chỉ nghe ông kể về sự giàu có, danh vọng của gia đình chứ bản thân bà chưa biết cái bậc cửa nhà chồng cao thấp thế nào. Một lần hồi trẻ, khi say rượu, ông có lỡ miệng nói gì đó về cuộc trao đổi với người của Việt Minh lúc sắp vào Nam:
- Hừ! Người ta bảo anh. Hãy đi đi! Đừng về quê! Về bây giờ là chết oan! Chết oan! Em hiểu không?
Sau này không bao giờ ông Bùi nhắc lại chuyện đó nữa.
Thanh Thảo nói với chồng:
- Cho em đợi nhỏ bạn thêm một ngày nữa nha anh?
- Bạn nào?
- Nhỏ Hằng cùng quê! Chồng nó là sĩ quan trung đoàn 42 mà. Mấy bữa trước, em dắt nó lên đây.
- Giờ cổ đâu rồi?
Thanh Thảo bật khóc:
- Nó đi nhờ xe quân đội lên Tân Cảnh chiều 23 tháng 4. Giờ chưa thấy vợ chồng nó đâu hết!
Trung úy Hoàng vo điếu thuốc nát trong tay, giận dữ:
- Điên khùng! Đêm đó Việt cộng đánh tan Tân Cảnh. Chắc chết hoặc bị bắt làm tù binh rồi. Vậy thôi! Em phải đi ngay, không chờ đợi gì hết.
Họ ngồi xe jeep đi ra khu mả. Sĩ quan và binh lính dần dần tìm đến, túm tụm theo từng đại đội. Chiếc trực thăng đáp xuống bãi trống cạnh nghĩa trang. Thiếu tướng Ngô Du bận đồ trận, đội nón kết. Cặp kính đen che nửa mặt, chỉ lộ nụ cười gượng gạo. Trung úy Hoàng đứng cùng gia đình, quan sát ông tướng tư lệnh đang bàn bạc công vụ với số sĩ quan cao cấp còn lại. Chợt ông hướng về đám đông, nói lớn:
- Các chiến hữu thân mến! Tôi rất buồn vì sư đoàn 22 bại trận ở Tân Cảnh. Cũng xin báo tin đại tá Lê Đạt và một số sĩ quan cao cấp đã vị quốc vong thân. Nhưng không sao, chúng ta sẽ phục hận. Giờ các chiến hữu khẩn trương di tản về Pleiku, chúng ta sẽ phối trí lại lực lượng.
Trung úy Hoàng chạy tới viên trung tá đứng cạnh trực thăng đề nghị gì đó, nhưng ông này lắc đầu. Hoàng quay lại, nhổ nước miếng, chửi thề:
- Má nó chớ!
Thanh Thảo khoác tay chồng, ngước đôi mắt ngây thơ hỏi:
- Sao vậy anh?
- Anh xin gã cho mẹ con em và mợ ngồi trực thăng mà nó không chịu! Giờ mà ngồi xe tải nguy hiểm lắm. Dọc đường gặp Việt cộng phục kích, chết cả đám.
- Ông nào là tướng Ngô Du hả anh?
- Cái ông thấp đậm, mặt tròn, mang kính đen đó. Hỏi chi?
- Để em!
Cô nói rồi hai tay khẽ kéo vạt áo, xăm xăm bước tới chỗ mấy sĩ quan cấp trên của chồng. Đứng lại trước mặt người đeo kính đen, Thanh Thảo cúi đầu lịch sự:
- Dạ, kính chào thiếu tướng!
Tướng Ngô Du ngạc nhiên thấy một thiếu nữ xinh đẹp, tóc thề tới chào mình:
- Chào cô! Có việc gì không người đẹp?
- Em là vợ của trung úy Hoàng, thuộc trung đoàn 42 ạ!
- Ồ! Chào trung úy phu nhân! Trung úy vẫn an toàn chứ?
- Cám ơn thiếu tướng! Chồng em bình an. Em có một thỉnh cầu, muốn nhờ thiếu tướng cho bà già và con nhỏ ngồi trực thăng lên Pleiku, sợ ngồi xe vận tải không ổn ạ!
Ông tướng cười rất ga lăng, giơ cánh tay phải:
- Xin mời! Máy bay chắc còn chỗ. Phu nhân đi cùng luôn chứ!
Trung úy Hoàng thở phào, khi mẹ và vợ con lên được trực thăng của tướng Du. Yên tâm rồi. Giờ quan lính ngồi xe di tản, qua đèo Chư Pao lỡ gặp phục kích cũng dễ hành động.
Đoàn xe vừa đi khỏi lúc buổi trưa, chiều muộn hôm đó đại úy Tô Vững chạy xe tới nhà tìm Thanh Thảo. Ông Bùi ngạc nhiên:
- Ủa! Cháu chưa di tản hả?
- Dạ hông! Tụi con phải ở lại Kon Tum chớ! Tư lịnh mặt trận Tây Nguyên yêu cầu bà con không dao động, không hỗn loạn. Việt cộng không đánh vô đây được đâu. Con đến trễ quá, không đã nói thím với em Thảo ở lại rồi.
Ông Bùi chỉ chiếc ghế hồi sáng người con rể từng ngồi cà phê:
- Ngồi uống trà cháu! Chừng nào cưới vợ?
- Dà...! Còn nhỏ mà chú! Nói giỡn vậy, chớ coi tình hình yên yên con mới dám có vợ!
- Mẹ con bà ấy đi di tản hết, ở nhà một mình cũng buồn. Cháu có rảnh, lâu lâu chạy qua chơi uống nước.
- Dạ!
Tô Vững bước ra xe, ôm vô một két bia Con Hổ. Không chờ ông Bùi có đồng ý không, anh bật nắp hai chai đặt lên bàn:
- Lai rai chút đi chú! Có nước đá cho con một khay đi!
Ông Bùi vui hẳn lên. Chạy vô nhà, mở tủ lạnh, còn mang theo mấy trái xoài xanh.
- Còn mấy con khô mày ơi! Để chú đi nướng.
Vô được hai chai, Tô Vững ghé tai ông Bùi:
- Hỏi thiệt! Chú ở lại, hổng sợ Việt cộng đánh vô Kon Tum hả?
Ông Bùi im lặng một lát, rồi nói:
- Có gì mà sợ! Nhưng sau trận Tân Cảnh, Việt cộng chưa đánh vô là lỡ việc rồi. Cả tuần nay, sư 23 họ phòng thủ kỹ lắm. Mà có đánh vô, ai để ý mấy lão già như chú làm gì!
Được ba ngày, thấy Tô Vững lại chạy xe tới, bên trên chở bà Hồng, lỉnh lỉnh túi xách, bao lớn bao nhỏ.
- Con trả cho chú nguyên vẹn nha! Em Thảo gởi xe nhà binh cho thím về thăm chồng đó. May con gặp thím ngoài ngã ba.
Bà Hồng chưa kịp chào chồng, vội bước ngay vô nhà, đưa mắt kiểm tra đồ đạc xem có gì suy suyển gì không, sau mới mở miệng than van:
- Ôi giời đất ơi! Khổ sở lắm, tôi không chịu được cậu ạ! Trong trại tị nạn, họ toàn che lều bạt. Bẩn thỉu, dơ dáy, người nằm người ngồi chen chúc nhau kinh lắm. Hằng ngày con Thảo xếp hàng lãnh tiêu chuẩn gạo muối xong là về nằm vật ra vì mệt. Tôi đòi về với cậu. Sống chết gì cũng có hai vợ chồng.
Chiếc bộ đàm trên xe jeep của Tô Vững phát tín hiệu u u, đèn xanh nhấp nháy.
- Con có việc phải đi ngay! Bữa nào rảnh ghé thăm nhen chú.
Bà Hồng chép miệng, nhìn theo bụi xe:
- Cái thằng tốt nết quá! Nó mến con Thảo nhà mình. Phải trước kia nó tới hỏi tôi gả luôn!
Ông Bùi nhăn mặt:
- Bà chỉ đứng núi này trông núi nọ! Sao trước kia gả con Thảo sớm cho thằng Hoàng làm gì?
Cặp mắt bà Hồng đượm buồn, mờ mịt. Nói thế mà cũng nói. Phải hồi đó thằng Hoàng không mang lựu đạn tới nhà đòi tự sát cùng con Thảo, còn lâu bà mới gả. Cái thằng mất dạy! Gia đình nó gốc Bắc, gia giáo lắm, tại sao nó hỗn thế chứ? Con Thảo 17 tuổi đã lấy chồng, sinh con, sung sướng gì đâu. Vừa sinh con, vừa là sinh viên. Khổ nhục quá. Không có ông bà ngoại thì rũ xác ra. Bởi thế bà mới yêu cầu thằng Hoàng mỗi tháng phải nộp đủ tiền nuôi cháu ngoại, tiền nuôi con Thảo học đại học, không lơ mơ làm con sen người ở cho nhà nó được. Ước gì rể bà là thằng Tô Vững. Nó cấp đại úy, tiền lương nhiều hơn, lại không phải hành quân đánh trận. Mà thôi, con người ta có số cả. Trời cho sướng mới được sướng. Giờ chỉ có nước thằng Hoàng thôi con Thảo hoặc... tử trận thì may ra. Bà giơ tay làm dấu thánh trước ngực, tự sám hối vì suy nghĩ tội lỗi ấy.
Sáng chủ nhật, bà Hồng đi lễ nhà thờ. Buổi lễ xong sớm vì ít con chiên. Nhà thờ Con Gà đổ bóng dài vắt qua đường, sang tận dãy nhà bên kia, trùm lên giàn hoa giấy màu hồng trước cánh cổng một căn nhà mái nhọn. Mấy con bướm vàng xòe cánh nhao theo tia nắng, chập chờn giữa cơn gió nhẹ cao nguyên, bất chợt tập trung lại thành bầy, tạo ra thảm vải vàng lao về phía vườn cà phê cạnh đó. Có bóng dáng một chiếc xe jeep lao vun vút tới. Người ngồi lái mặc sơ mi màu xám, bà Hồng nhận ra Tô Vững. May ghê! Cứ lúc nào đi ra chợ hay ra thị xã là bà gặp hắn. Giơ tay lên vẫy, bà chợt lùi vội vào bên trong hè đường. Chiếc xe lao vút qua, phun khói khét lẹt. Chưa hết ngạc nhiên, bà lại hốt hoảng khi thấy hai xe cảnh sát hụ còi đuổi theo sau chiếc xe của Tô Vững. Sao lạ thế nhỉ? Mấy người kia không nhận ra đại úy Tô Vững vì hắn mặc thường phục à? Về tới nhà, bà hốt hoảng kể lại sự việc vừa nhìn thấy ngoài thị xã. Ông Bùi thủng thẳng:
- Tôi biết rồi! Mợ nên giữ miệng, đừng nói với ai thằng Tô Vững quen con Thảo!
- Vâng ạ!
Lâu lắm mới thấy bà Hồng lễ phép với chồng.
Ngày hôm sau, cả thị xã Kon Tum ồn ào vì việc xe cảnh sát và quân cảnh rượt đuổi xe của một đại úy cảnh sát y như trong phim tình báo. Người ta đồn đại, thêu dệt đủ tình tiết ly kì hấp dẫn, rằng ông đại úy là tình báo Việt cộng. Ông hay tới nhà em gái chơi, ở lại rất lâu. Vừa qua, mấy căn cứ hỏa lực của sư đoàn 23 bộ binh, kho xăng dầu thường bị Việt cộng pháo kích gây tổn thất. Máy dò sóng của tình báo quân đội đã phát hiện ra địa điểm điệp viên truyền tin tại một căn nhà của cô gái làm việc tại Sở Giao thông công chánh. Theo tin ông Bùi được biết, qua lời kể của thiếu tá Huy, thì tên điệp viên kia chính là đại úy Tô Vững. Hắn đã tẩu thoát qua cửa sổ ra con hẻm phía sau, nơi đã để sẵn chiếc xe jeep. Cuộc rượt đuổi rất gắt gao, bởi lệnh cấp trên phải bắt sống được tên tình báo Việt cộng. Đại úy Tô Vững lái xe rất giỏi, thẳng một lèo lên từ Kon Tum tới Tân Cảnh, vứt xe bên đường rồi chạy bộ vô rừng. Mấy chiếc xe truy đuổi không dám chạy tiếp, vì Việt cộng đang tạm thời chiếm đóng khu vực.
Sau chiến sự, trung đoàn 42 được lệnh rút về Hoài Nhơn, Bình Định. Vợ chồng Thanh Thảo gửi con cho ông bà ngoại rồi đường ai nấy đi. Trung úy Hoàng đưa cho mẹ vợ một bọc tiền lớn:
- Đây là toàn bộ lương nửa năm nay của con, nhờ mợ chăm nuôi thằng Thường giúp. Vợ con phải về Sài Gòn học tiếp, sắp thi năm thứ hai rồi.
Bà Hồng đỡ vội bọc tiền, ôm vào lòng, vui vẻ:
- Dào ơi! Anh chỉ vẽ vời, chẳng lẽ ông bà không nuôi nổi cháu à! Thôi cứ yên tâm mà thi hành công vụ. Nhớ giữ gìn con nhé!
Năm 1974 “là năm có nhiều điều không hợp với tuổi Ngọ”. “Cô cần phải dâng sao giải hạn, cẩn thận giữ gìn”. - Đó là lời ông thầy tử vi nói. Thanh Thảo không tin bói toán lắm, nhưng năm đấy cô thấy có gì đó đang âm thầm biến động. Sài Gòn vẫn ồn ào, náo nhiệt với những ánh đèn màu chấp chới và tiếng nhạc dậm dật. Hình như những chuyến xe nhà binh chạy hối hả, nhiều lượt hơn. Học đường mỗi buổi lèo tèo vài sinh viên. Thanh Thảo cũng cúp cua mấy lần, ngồi xe đò về Bình Định thăm chồng. Đã một năm nay, trung đoàn của anh được bổ sung quân số, vũ khí và chuyển từ cao nguyên xuống trấn giữ vùng Hoài Nhơn, nơi tiếp giáp với tỉnh Quảng Ngãi. Sau trận thảm bại ở Tân Cảnh, Hoàng đã được thêm một bông mai. Giờ Thanh Thảo đã là bà đại úy ở tuổi hai mươi, một điều vinh hạnh mà đám bạn học cùng khóa luôn ganh tị. Những cuộc gặp gỡ của vợ chồng Thanh Thảo thưa dần. Đại úy Hoàng cùng trung đoàn đang phải căng mình đối phó với Sư đoàn 3 Sao Vàng của Việt cộng. Sư đoàn này sau một thời gian bao vây, cô lập quận Hoài Ân, giờ đang triển khai các mũi tiến công mới.
Thanh Thảo đang chúi đầu vào cuốn tiểu thuyết Trà hoa nữ. Ghế đá chỉ có một người, im lìm mấy chiếc lá vàng nằm thở. Khuôn viên trường buổi trưa vắng tiếng ồn ào, cười đùa của sinh viên. Một bóng áo dài trắng như bay lượn tới trước mặt cô. Con bạn Thúy Hồng ở Cần Thơ miệng reo hò, tay cầm một tờ giấy nhỏ:
- Ê! Đại úy phu nhân! Cho moa đi với!
- Đi đâu. Toa có gì vui hả?
- Nè! Điện báo! Phu quân mời về dự đại hội mừng công!
Hoàng báo cho vợ hay, tối thứ bảy tại sở chỉ huy trung đoàn sẽ mở đại hội mừng công, anh mong vợ về dự để giới thiệu với một số chiến hữu mới. Hôm nay là thứ năm, tối mai cô ngồi xe ra Bình Định vẫn kịp. Cô nói với Thúy Hồng:
- Rất muốn dắt toa đi chơi, nhưng không tiện lắm!
- Có gì đâu mà không tiện! Toa ở đâu moa ở đó mà!
- Vậy lúc chồng moa nó dẫn vợ vô phòng riêng, toa cũng đi theo à?
Thúy Hồng giãy nảy:
- Trời ơi! Tiếc quá đi! Thế này hông được, thế kia cũng hông được! Làm sao đây?
- Để moa giới thiệu cho một ông trung tá bạn chồng, mới thôi vợ...
- Hả! Mà thôi cũng được! Lẹ lên nhen!
Thanh Thảo chọn chiếc áo dài màu vàng chanh, rất hợp với nước da trắng và dáng người cao của cô. Đón cô tại văn phòng sở chỉ huy không phải là Hoàng mà là trung tá Thông, chỉ huy trung đoàn. Bàn tay lính chiến ram ráp nắm chặt bàn tay mềm ấm của Thanh Thảo. Trung tá Thông có vẻ ngạc nhiên:
- Ủa! Sao em biết nhanh vậy?
Thanh Thảo cười tươi:
- Dạ anh Hoàng điện báo cho em từ bữa kia!
- Trời ơi! Thằng này linh...
Trung tá chùi vội khóe mắt, rồi bước vô trong, bỏ mặc Thanh Thảo đứng một mình ngoài cửa. Trung đoàn phó An vừa thoáng nhìn thấy cô, cũng lảng đi chỗ khác. Thanh Thảo cảm thấy có điều gì bất thường. Một đại úy và một thiếu úy lật đật từ trong nhà bước ra. Viên đại úy giơ tay mời cô ngồi xuống ghế:
- Thưa cô! Xin cô hãy hết sức bình tĩnh. Đại úy Hoàng vừa bị Cộng quân phục kích lúc 12 giờ trưa nay và đã vị quốc vong thân. Thành kính phân ưu cùng gia đình!
Thanh Thảo ngồi chết trân một lúc rồi gục xuống bàn khóc nức nở. Cô làm theo chỉ dẫn của mọi người như chiếc máy. Sau khi vào bệnh viện nhận xác chồng, cô xin xe đơn vị mang anh về mai táng tại nghĩa trang quê nhà, không muốn đưa anh vào nghĩa trang quân đội. Cố hết sức, cô mới lết về tới Kon Tum. Ông Bùi chỉ im lặng nhìn con gái, còn bà Hồng lăng xăng đun nước cho con tắm, miệng bà lẩm bẩm:
- Sống chết có số con ơi! Thôi đời còn trẻ lo gì! Chồng chết thì lấy chồng khác!
Thanh Thảo hét lên:
- Mợ im đi cho con nhờ!
Vì hét lớn quá, cô ôm bụng đau quằn quại. Bà Hồng vội kêu xe chở con đi bệnh viện. Bác sĩ báo tin Thanh Thảo đang có bầu. Cái thai đã được hơn tháng.
Ông Bùi khuyên con gái bỏ Sài Gòn về Buôn Ma Thuột học cho gần nhà. UNESCO vừa tài trợ thành lập Trường Sư phạm Cao nguyên, dành riêng cho con em các sắc tộc thiểu số.
- Về học nghề sư phạm cũng tốt con ạ! Lại được đài thọ ăn ở không mất tiền. Chứ mấy năm nay con học đại học, toàn tiền chồng nuôi, giờ nó chết rồi, biết làm sao. Cậu sẽ xin giấy chứng nhận sắc tộc Mường cho con. Chuyện thi cử cũng đơn giản thôi.
Thi vào Trường Sư phạm Cao nguyên, học được bốn tháng thì Thanh Thảo sinh con gái. Con bé có lẽ chịu nhiều áp lực tai ương khi còn trong bụng mẹ, nên sinh ra èo oặt, xanh rớt, nhưng rất chịu ăn. Bé bỏ bú mẹ, chỉ ăn sữa Guigoz do bà ngoại mua. Loại sữa lon của Pháp rất hợp với trẻ nít mới tập ăn dặm. Bởi bé không bú sữa mẹ, nên kì lễ cúng 100 ngày cho chồng, Thanh Thảo chỉ dắt thằng con lớn về Bình Định. Gia đình đại úy Hoàng giao lại căn nhà của anh ở Quy Nhơn cho ba mẹ con cô.
- Rồi các cháu nó lớn, cũng cần phải có chỗ chui ra chui vào, chứ ở nhờ ông bà ngoại mãi thế nào được. - Bà mẹ chồng, miệng đỏ nước quết trầu, buồn bã đưa chùm chìa khóa cho Thanh Thảo.
Hai mẹ con về tới Kon Tum thì mới hay ông ngoại bị tăng xông, phải đi cấp cứu. Trên giường bệnh, ông Bùi mở to mắt nhìn trừng trừng vào con gái, như muốn nói điều gì đó mà không được. Hai ngày sau thì ông mất, để lại nhiều điều bí ẩn ngay trong ngôi nhà của mình. Tết năm đó, cả nhà bà Hồng chỉ làm mâm cơm đặt lên bàn thờ, còn lại chẳng sắm sửa gì cả. Mùa xuân tới với hai cái tang trĩu nặng trên vai, làm Thanh Thảo gầy rộc đi. Cô tới trường, mà đầu óc mụ mị, u ám những vệt đen ký ức.
Tháng ba Tây Nguyên năm 1975, nắng không còn trong lành trên từng dòng suối, cành lá. Từng đàn ong bỏ nhụy hoa thơm trên rẫy cà phê, bay tán loạn vào rừng. Ngay từ đầu tháng 3, tiếng đạn pháo, hỏa tiễn nổ rền phía Nam. Tiếng máy bay gầm rít, súng bộ binh căng hàng ngàn tia lửa trong đêm. Chiến sự ác liệt lại xảy ra, chẳng kém phần long trọng như hồi tháng 4 năm ngoái ở Kon Tum.
Thanh Thảo và các bạn không còn tâm trí nào mà học tập. Những sinh viên tỉnh xa đều muốn về với gia đình. Nhưng mọi con đường đã bị cắt đứt. Đường 14, đường 21, đường 19... tất cả đã bị Quân Giải phóng phong tỏa. Mọi ngả đường về Nam, lên Bắc không còn nữa. Buôn Ma Thuột đã bị cô lập. Ngày 10 tháng 3 năm 1975, Buôn Ma Thuột thất thủ. Một cuộc tháo chạy tán loạn chưa từng có của quân lực Sài Gòn hòng thoát khỏi nơi đây.
Thanh Thảo chỉ biết ôm mặt khóc, khi các bạn giục cô hãy mau chạy trốn. Chạy đi đâu? Không cần biết! Miễn là thoát khỏi Ban Mê. Quân Giải phóng đang tràn vào, nguy hiểm lắm!
- Bạn có muốn bị Việt cộng lấy kềm rút móng tay không? Có lo sợ sẽ bị cưỡng hiếp không? Ráng mà chạy đi!
Cuối cùng nhóm bạn cũng lôi được Thanh Thảo ra khỏi phòng, tìm đường chạy vào núi. Cả nhóm có bảy người, hai nam, năm nữ. Họ chạy trốn chiến sự mà không mang cho mình một thứ gì, cả quần áo, lương thực. Đường rừng không hợp với bọn sinh viên chân yếu tay mềm. Chỉ được vài cây số là tất cả mệt rũ. Gặp con suối, họ cắm đầu xuống uống một hơi căng bụng, nước óc ách càng làm cơ thể mệt hơn. Thanh Thảo không thể lê nổi chân nữa. Cô đang yếu và bị sang chấn về tinh thần. Khi nhóm bạn đi một quãng, Thanh Thảo vẫn nằm bên gốc cây, mắt nhắm nghiền. Cậu bạn khỏe nhất, cầm rựa mở đường vội quay lại:
- Thảo! Cố lên! Các bạn đi hết rồi!
- Mình không đi nổi! Thôi hãy để mình chết ở đây! Các bạn đi đi!
Cậu bạn giận dữ:
- Thảo có đi không?
- Không! - Thanh Thảo lắc đầu.
- Vậy được rồi! Tôi sẽ chém chết bạn, để bạn khỏi rơi vào tay Việt cộng!
Thanh Thảo nằm im, chỉ he hé mắt theo dõi. Thấy thằng bạn lấy hết sức vung cây rựa lên, cô hoảng hốt ngồi nhỏm dậy:
- Thôi được rồi! Mình đi!
Cô bước mấy bước loạng choạng, rồi lại ngã nhào. Cậu bạn xốc cô lên vai, cõng đi. Đường rừng càng ngày càng khó đi. Phía sau tiếng súng vọng tới, loạn xạ. Bóng đêm đã ập xuống. Nhóm sinh viên quyết định ngủ lại, sáng mai đi tiếp. Họ gục xuống bên các gốc cây, người rã rời vì mệt và đói. Tiếng khóc rấm rứt, tiếng nấc chìm dần vào giấc ngủ mệt nhoài.
Sau một ngày vượt núi, nhóm người tả tơi đến được Đà Lạt. Tới đây họ chia tay nhau, đường ai nấy đi. Thanh Thảo gặp một xe nhà binh, tự giới thiệu là vợ sĩ quan trung đoàn 42 và xin đi nhờ về Sài Gòn. Chỉ hơn một tháng sau, khi tiếng xích xe tăng của Quân Giải phóng rổn rảng tiến vào thành phố, cô mới tin rằng, mọi chuyện đã chấm dứt.