TẾT ĐẦU TIÊN TRÊN ĐẤT BẮC. TIỂU ĐOÀN 6 của Năm Chinh đóng quân tại một làng trung du miền núi Phú Thọ. Doanh trại chưa làm kịp, đơn vị phân tán vào các nhà dân, ở nhờ. Cũng có sao đâu. Bộ đội ta có truyền thống ở nhờ nhà dân, ba cùng với dân. Hai mươi chín tháng Chạp rồi mà mới dựng xong hai cái nhà cho Ban chỉ huy tiểu đoàn, bếp và nhà ăn. Sau Tết lại mới dựng thêm mấy gian kho vũ khí, đạn dược. Những căn nhà vừa dài, vừa rộng, vững chắc nhờ bộ khung bằng tre, mái lợp lá cọ. Bộ đội miền Nam về được nửa tháng, địa phương đã tổ chức được Hội mẹ chiến sĩ. Những bà mẹ Bắc đầu trùm khăn đen mỏ quạ, áo gụ rách, váy diềm bâu vá chằng vá đụp, nhưng rất thương anh em tập kết.
- Các con vì giặc giã, vì đất nước mà phải xa quê hương ra tới đây! Hãy coi các mẹ như các má ở nhà.
Bà cụ Lộc, mắt lúc nào cũng toét nhèm, nói như vậy mỗi khi mang bánh tẻ đến cho tiểu đội Năm Chinh. Loại bánh này làm bằng bột gạo tẻ. Gạo ngâm nước độ ba, bốn giờ, cho vào cối đá xay nhuyễn thành bột mịn. Thứ bột này đổ nước vào, nấu chín đặc quánh lại, lấy vá múc ra từng nắm nhỏ bằng trái cam, cho hành mỡ xào chín lên làm nhân. Bỏ nhân vào giữa, nặn tròn lại, bọc lá chuối ra ngoài, rồi bỏ vô nồi hông hấp chín lần nữa. Bánh tẻ chấm nước mắm ớt ăn lạ miệng và ngon, có thể thay cơm. Lúc rảnh rỗi, Năm Chinh thường ngồi quay cối đá, xay bột cho bà Lộc. Anh bắt chước dân bản địa, gọi bà bằng bầm, riết rồi quen.
- Nhà mình có ai đi bộ đội hông bầm?
- Có! Bố Phát đi tám năm, xong Điện Biên giờ về làm xã đội. Anh Tuấn hy sinh năm Nhâm Thìn ở Suối Rút. Đã vợ con gì đâu.
Bà cụ bảo, nếu ở đây lâu, bà gả con gái cho. Nhà có hai cô con gái lớn tồng ngồng mà đã chồng con gì đâu. Năm Chinh nói đã có người yêu ở quê. Cô ấy là Hai Loan, vừa đẹp người lại đẹp nết.
- Ừ! Thế thì cố gắng lên, bao giờ hòa bình về với người ta con ạ!
Tết có đủ thứ. Bánh chưng, thịt heo, thịt bò, kẹo mứt, rượu trà. Miền Bắc sau chiến tranh còn nghèo đói, nhưng người dân ưu ái hết mức cho bộ đội tập kết. Cũng là chia sẻ nỗi nhớ thương quê nhà, người thân ở phương Nam xa xôi. Quang cảnh ở đây giống y chang quê Phù Cát. Cũng những đồi đất đỏ, đất pha cát trồng mì, trồng khoai lang, những dải ruộng nhỏ hẹp cấy lúa, nằm giữa khe núi. Những triền núi thấp, xanh rì cây bản địa làm anh nhớ những ngày còn nhỏ, theo chị Ba, theo má lặn lội vô rừng kiếm củi, bứt rễ trầu, cắt dây trân về tết võng.
Bây giờ tất cả như trong mơ, như chuyện từ một xứ sở thân quen trong dĩ vãng. Năm Chinh nhớ nhà quay quắt, muốn tìm anh Tịnh chồng chị Ba mà không được. Từ bữa tàu cặp bến Sầm Sơn, Thanh Hóa, anh đã để ý kiếm người thân, vậy mà bóng dáng anh Tịnh mất dạng. Có lẽ vì ảnh bên dân sự, nên đi chuyến tàu khác. Đợt đó còn có cả tàu của Liên Xô chở cơ quan dân chính. Ra Bắc rồi thì vô phương kiếm. Mỗi đơn vị phân tán về một nơi, phải có người quen cho địa chỉ hòm thư thì mới liên lạc được. Có lần được về Hà Nội dự Hội nghị chiến sĩ thi đua, Năm Chinh gặp được hai người quê Phù Cát, hỏi có biết Huỳnh Ngọc Tịnh là giáo viên quê ở Phù Cát không, họ đều lắc đầu.
Tình hình đơn vị sắp có thay đổi lớn. Tiểu đoàn 6 sẽ được chia hai, một nửa đi làm nông trường ở Đoan Hùng, một nửa đi phục vụ công trường xây dựng cầu Việt Trì. Năm Chinh thích về thành phố hơn. Không phải vì đời sống sinh hoạt dễ chịu hơn, mà muốn có sự giao lưu thường xuyên, chờ cơ hội tìm anh rể. Trong lòng mỗi chiến sĩ, đều trĩu nặng một nỗi niềm, đó là sự an nhàn bất đắc dĩ, trong khi miền Nam quê nhà trở lại cảnh dầu sôi, lửa bỏng. Họ chưa quen với một thời khóa biểu mới của quân đội chính quy. Sáng thức dậy lúc năm giờ ba mươi, sau hồi kẻng báo thức. Tập thể dục xong, vệ sinh cá nhân, đến sáu giờ ba mươi lại cầm bát đũa xuống nhà bếp ăn sáng. Bảy giờ, sinh hoạt học tập chính trị hoặc ra thao trường lăn lê bò toài, ngắm bia bắn súng. Từng ở trong hoàn cảnh thời chiến, điều kiện sinh hoạt tới đâu hay tới đó, nay ra Bắc, sống có khuôn khổ, kỷ luật, nhiều anh em thấy khó chịu.
Mùa đông miền Bắc là thứ khó thích nghi nhất. Kể cả những ngày đông lạnh nhất ở Phù Cát, cũng chưa bằng chớm đông, heo heo gió bấc ở đây. Còn giữa tiết Đông Chí thì khỏi nói. Các chàng trai Khu 5 nhìn không còn được khí thế, oai phong của người lính. Đi đâu, làm gì nhìn cái tướng co ro, lom khom của họ mà mắc cười. Họ bắt chước người dân, phơi rơm, cắt lá chuối khô lót một cái ổ dưới nền nhà hoặc trên giường rồi trải chiếu lên nằm, chống rét. Ngày Đại hàn năm Đinh Dậu, bên “xê” 4 có một chiến sĩ bị viêm phế quản cấp, tử vong. Cậu này thì Năm Chinh biết từ hồi cùng lên tàu ra Bắc. Hắn quê Hoài Nhơn, người ốm ròm, đêm nằm trên tàu mà ho như cuốc.
Trong khi bộ đội tranh nhau xuống nhà bếp phụ anh nuôi, bổ củi, lặt rau, vo gạo thổi cơm, lại được gần hơi lửa, thì bà cụ Lộc vẫn phong phanh hai chiếc áo cánh vải diềm bâu nhuộm nâu, chỉ có chiếc khăn đen mỏ quạ không buộc tém trên đầu nữa, mà trùm kín hai bên mặt, buộc dưới cằm. Năm Chinh có ý định biếu bầm chiếc khăn sọc rằn của má cho hồi tập kết. Lấy chiếc ba lô trên giá xuống, anh tần ngần mở tờ nhật báo gói chiếc khăn vuông vức, mùi dầu Nhị Thiên Đường của má còn thoang thoảng.
Con chó mực lao từ trong bụi chuối ra, sủa ầm ĩ, rồi đột ngột nó dừng lại, kêu ư ử, đuôi vẫy rối rít. Nó đã nhận ra Năm Chinh khi anh mắng:
- Em Mực hư nhé! Không nhận ra người quen hả?
Trời sắp tối rồi mà dầu đèn đâu bà cụ không thắp lên.
- Bầm ơi! Bầm à!
Bà cụ tất tả đi từ ngoài ngõ vào, thấy Năm Chinh thì kêu lên:
- Ối Chinh ơi! Vợ thằng Phát mất rồi! Khổ thân bầm quá con ơi! Hai đứa trẻ nhỏ làm sao bây giờ hả giời...?
Năm Chinh ngỡ ngàng. Chị Sa vợ anh Phát sao mà mất? Tối qua còn thấy chị dắt hai đứa con đi coi hát tuồng mà. Bà cụ rối rít buộc lại hai cánh cửa bằng phên tre, quơ chiếc áo bông rách khoác lên người. Năm Chinh nhớ tới chiếc khăn sọc rằn, liền lấy ra choàng lên cổ bà già:
- Bầm choàng khăn vô kẻo lạnh!
Hai người tất tả đi qua nhà anh Phát, ở bên kia đồi cách một rộc ruộng. Tiếng phụ nữ khóc hờ vang lên trong khoảng sân hẹp. Hai đứa trẻ một trai, một gái đang loay hoay trèo hái quả trên cây vả có hai nhánh lớn, ngay đầu nhà. Chị Sa đi làm sớm, bị chó dại cắn phát sốt, đã thuốc thang mấy tháng khỏi rồi. Đêm qua Tiểu đoàn 6 được Đoàn Văn công Liên khu 5 về biểu diễn, chị Sa dắt con đi xem. Vì là hát tuồng nên chiêng trống nhiều quá, chị chịu không nổi, về nhà thì lên cơn, phát bệnh dại, vật vã tới sáng thì chết. Cái chết của người vợ trẻ khiến nhiều người ngậm ngùi cám cảnh. Chị Sa mới hai mươi bảy tuổi, đang là cán bộ phụ nữ thôn, thật tiếc quá. Đơn vị bộ đội miền Nam cử người tới giúp đỡ tang gia, riêng Năm Chinh dắt anh em thằng Hạnh, con Hà xuống nhà bếp đơn vị, cho chúng ăn cơm.
- Bầm cháu đau hả chú? Sao bầm kêu ghê thế?
- Ừa! Bầm con bệnh nặng lắm! Hai đứa phải ngoan để bố Phát lo cho bầm ha!
Cơm bộ đội có nhiều thức ăn hơn cơm nhà, hai đứa đều thích. Món cà trắng bung tỏi thằng Hạnh muốn thử, nhưng ăn được một miếng thì nhè ra, kêu cay quá. Con Hà đòi thịt lợn kho, rồi cũng không ăn nổi. Mấy món ăn của dân Khu 5, món nào cũng đỏ ớt. Năm Chinh bảo anh nuôi chiên cho hai đứa trẻ dĩa trứng vịt. Nỗi buồn bất chợt dâng lên. Năm Chinh nhìn hai đứa trẻ mồ côi cắm cúi tự xúc cơm ăn, lại ngẫm tới cảnh gia đình mình năm ba mất. Hồi đó Năm Chinh còn nhỏ, lớn hơn thằng Hạnh nầy chút xíu nên biết được nỗi đau mất ba. Ông già bị kẻ xấu đánh lén, chết ngay ngoài đường, lại phải đắp chiếu nằm đó gần hai ngày để chờ má đi thưa kiện. Cuối cùng chẳng ai xử cho, mấy kẻ côn đồ chưa bị bắt, tội nghiệp ba nằm sương gió ngoài trời. Rồi má nhờ người đào cái huyệt nông ngay cạnh chỗ ba nằm chết, bó chiếu kéo xuống chôn luôn, chứ làm gì được tổ chức đám tang như chị Sa ở đây. Năm Chinh có thắc mắc hỏi chị Ba Chiến, rằng sao không đưa ba về nhà cho ổng nằm? Chị Ba nói cái lệ quê mình nó vậy, ai chết ngoài đường ngoài chợ thì chôn luôn chớ không được mang về nhà, xui xẻo. Nỗi nhớ quê ám ảnh anh ngày đêm, dù đang lúc thao trường luyện quân mồ hôi ướt đầm, hay lúc bàn tay dồn dập trên phím đàn ghi ta, vui văn nghệ với anh em. Nỗi nhớ ngầy ngật phát sốt chưa dứt, cồn cào xót ruột như vừa uống mấy ly trà Bắc đậm đặc.
Đúng đêm 11 tháng 3 âm lịch, sau một ngày đi thăm Đền Hùng về, Năm Chinh gặp giấc mơ thật dữ dội. Anh thấy má quần áo tả tơi, cầm cây gậy vừa đánh vừa la:
- Thằng Năm đứng lại! Đứng lại tau biểu! Tại sao không choàng chiếc khăn vô hả? Mày đi đâu? Đi đâu?
Năm Chinh quýnh chân, y như hồi má đuổi đánh khi anh sém làm cháy rừng của địa chủ Trần Đại. Đằng sau má, chị Ba cũng chạy theo vừa gọi vừa khóc:
- Má! Đừng bỏ tụi con má!
Má giận dữ ném cây gậy về phía Năm Chinh, rồi bà từ từ bay lên trời. Những mảnh quần áo rách phấp phới. Sau giải phóng, về Nam anh mới hay má mất vào ngày 12 tháng 3 âm lịch, một ngày sau giấc mơ năm ấy. Có một hiện tượng người ta gọi là “thần giao cách cảm”, chỉ xảy ra giữa những người ruột thịt. Phải chăng má đã gặp anh bằng cách ấy, trước khi qua đời?
Sau đám tang vợ, anh Phát lại tong tả họp hành trên xã suốt ngày. Con Hà thì bám đít bà nội, còn thằng Hạnh mê chú Năm quá, cứ thấy anh đi qua nhà là nó réo tên chạy theo. Nó theo anh đi đá bóng, đi chơi ngày chủ nhật trong xóm, đến bữa cơm cũng đòi theo. Thương thằng nhỏ mồ côi mẹ sớm, các chú bộ đội cho nó ăn chẳng thiếu thứ gì. Hơn một năm được các chú bộ đội miền Nam nuôi cơm, nó mập lên mấy ký và đã biết ăn ớt. Đầu năm 1959, khi đơn vị rời đi làm kinh tế, thằng nhỏ khóc ngất chạy theo chiếc xe tải chở trung đội của Năm Chinh:
- Chú Chinh ơi! Chú Chinh! Đừng bỏ con chú ơi!
Nước mắt, nước mũi thằng nhỏ chèm nhẹp. Năm Chinh ngồi trên phía sau thùng xe, lấy tay áo chùi mắt.
Thị xã Việt Trì ngổn ngang những công trường lớn. Từ cuối năm 1958, ở đây đã khởi công xây dựng một khu công nghiệp quy mô, theo mô hình phát triển chủ nghĩa xã hội. Những xí nghiệp phục vụ cho xây dựng cơ bản như Xí nghiệp Gạch Bồ Sao bên kia ngã ba sông; Xí nghiệp Gạch Minh Khai đầu phía bắc thị xã; Xưởng xẻ Bạch Hạc, Kho xăng dầu Phủ Đức. Cảng Việt Trì và nhà ga xe lửa đang được sửa chữa, xây dựng lại. Nhà máy Điện Việt Trì bắt đầu khởi công. Cầu Việt Trì cũ xây dựng từ thời Pháp, hình như vào năm 1901, bốn nhịp uốn cong đẹp lắm, giống y cầu Long Biên. Tiếc rằng cây cầu bị bom đạn đánh sập vào ngày mùng 9 tháng 4 năm 1942. Chiến tranh không cho nó tồn tại. Cây cầu mới đang được xây dựng lại, điện sáng lung linh suốt đêm trên dòng Lô giang. Tiếng hát vọng trên cao xuống, từ ven đê lên, bài Ánh điện sáng trên cầu Việt Trì.
Trước khi chuyển về đại công trường này, tiểu đoàn trưởng đã có buổi sinh hoạt toàn đơn vị. Những chiếc ghế xếp ngồi ngay trên sân đất, thẳng hàng. Những chiếc mũ bọc lưới buộc vải dù xé nhỏ nghiêm ngắn.
- Chúng ta cần phải xác định tư tưởng cho thiệt tốt. Các đồng chí ha! Địch nó phá cái Hiệp định Giơ-neo rồi, mình phải yên tâm tin tưởng vào Đảng và Bác Hồ. Giờ đơn vị tham gia xây dựng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, càng vững mạnh phát triển bao nhiêu thì càng hỗ trợ cho miền Nam nhiều bấy nhiêu. Ngày trở về quê hương càng gần lại.
Thực lòng thì bộ đội cũng muốn tham gia lao động hơn. Môi trường thì thoải mái, vui vẻ, được tiếp xúc hằng ngày với các thanh niên nam nữ. Giờ giấc sinh hoạt cũng nới hơn, không gò bó như ở trong doanh trại. Một hôm, anh Hai Nhân, Chính trị viên tiểu đoàn gọi Năm Chinh lên gặp:
- Sao rồi đồng chí, đã quen với công việc chưa?
- Dạ có gì đâu! Vụ đào hố móng, đẩy đất, ở quê tui làm rồi.
- Có cua được em nào chưa?
- Dạ quen thì có, chứ chưa cua. Ở quê tui còn có Hai Loan là người yêu. Cổ đẹp lắm anh Hai!
Nỗi buồn chợt thoáng qua trên mặt Chính trị viên:
- Ừa! Trước khi tập kết, trừ mấy cháu thiếu niên, còn anh em mình ai cũng có vợ con hoặc người yêu ở lại quê nhà. Bốn năm xa cách rồi, không biết cuộc sống của họ ra sao. À mà chú mày nhiêu tuổi rồi?
- Dạ, hai mươi mốt, thưa anh!
- Vậy là trẻ nhất đơn vị! Học lớp mấy?
- Dạ lớp bảy!
- Giờ có muốn đi học nữa hông?
Năm Chinh ngẩn người, không hiểu. Đang bộ đội, chẳng lẽ lại chuyển ra ngoài học văn hóa sao? Hai Nhân hiểu được ánh mắt ngạc nhiên của người lính. Anh giải thích, cấp trên đang có kế hoạch đào tạo một số chiến sĩ trẻ có văn hóa, tiếp tục theo học một số ngành nghề cơ bản, chuẩn bị lực lượng trí thức lâu dài cho miền Nam. Số anh em được lựa chọn sẽ theo học một khóa học bổ túc văn hóa, thi tốt nghiệp lớp 10 xong, ai có khả năng cho đi học đại học tiếp. Năm Chinh mừng thầm. Được đi học thì tốt quá, còn hơn tối ngày ở nhà đào đất trên công trường. Anh chỉ chờ Chính trị viên hỏi có đi học không là gật đầu liền. Nhưng Hai Nhân chẳng nói chi cả, hỏi han chuyện gia đình một lát rồi bắt tay, cho Năm Chinh về.
Những ngày lao động tiếp theo kém hào hứng, thậm chí còn lơ là bị nhắc nhở. Năm Chinh nôn nao trong dạ, với ước mơ được đi học tiếp. Ngày trước anh vốn học giỏi, kiến thức văn hóa hầu như còn nguyên. Ông Chính trị viên ác thiệt. Cho đi thì nói luôn một câu, cứ ỡm ờ vầy, thấy tức trong bụng. Nỗi trông đợi giày vò anh cho hết tháng chín. Hôm đó vừa ăn sáng xong, chuẩn bị đi công trường, Năm Chinh nhận được lệnh gọi lên ban chỉ huy tiểu đoàn gấp. Chính trị viên vui vẻ giơ tay bắt, mời Năm Chinh ngồi xuống ghế. Cạnh đó là Út Liêm, thằng bạn đồng hương nhưng ở Đại đội 1. Nỗi hồi hộp làm hai thằng bạn không kịp vồ vập chào nhau, mà chỉ gật nhẹ cái đầu. Hai Nhân lôi đâu ra chai rượu chanh quốc doanh, rót ra ba chiếc ly.
- Nào! Nâng ly mừng hai sĩ tử! Ráng mà học hành cho tử tế. Cả tiểu đoàn chọn được hai đồng chí thôi đó, lại cùng học lớp bảy, cũng dễ sắp xếp.
Ngày chủ nhật, Năm Chinh mượn xe đạp của đồng chí tiếp phẩm chạy ra chợ Gia Cẩm. Hôm qua vừa được lĩnh phụ cấp, cộng với số tiền tiết kiệm được, anh định mua cho anh em thằng Hạnh bộ đồ mới. Lựa mãi, cuối cùng anh lấy chiếc váy màu hồng và chiếc áo kiểu hải quân có sọc xanh.
Vừa xong vụ gặt tháng mười, đồng làng ngổn ngang gốc rạ, ngổn ngang những dấu chân lấm bùn. Hai anh em thằng Hạnh đang lăn lộn ở bãi rơm phơi đầu cổng, thấy chú bộ đội đi vào nhà mình thì đứng ngẩn ra nhìn. Thằng anh, cái đầu cắt trọc, má loang vệt nhọ nồi, hai mắt thao láo, rồi bỗng chỉ tay, u ơ:
- Ơ! Ơ! Chú Chinh kìa!
Con bé nép vào vai anh, sợ sệt:
- Chú Chinh nào?
- Chú bộ đội miền Nam í...
- Đi hết rồi cơ mà...?
Năm Chinh vứt chiếc xe đạp đổ kềnh giữa đống rơm, bước tới ôm lấy hai đứa trẻ mồ côi.
- Ừa! Chú Chinh bộ đội miền Nam! Chu cha ơi! Hai anh em chơi dơ quá! Chú có quà cho các cháu nè!
Hai đứa trẻ mừng rỡ, đứng im nhìn mấy thứ áo, váy, không dám tin đây là của mình. Chuyện này giống như chuyện cổ tích ông Bụt hiện ra cho quà mà bà nội thường kể.
- Bà nội đâu?
- Bà đang nấu cơm!
Hai đứa trẻ chạy ào vào trong sân, vừa chạy vừa reo bà ơi, bà ơi! Thằng Hạnh sáng trưng chiếc áo hải quân, bên dưới là chiếc quần nâu thủng đít. Con Hà áo xanh bạc màu, đứt cúc phanh bụng, lòe xòe bên dưới chiếc váy hồng. Bà cụ Lộc vẫn chiếc áo bông rách và khăn mỏ quạ, ngó ra sân hỏi:
- Cái gì thế? Hôm nay bố Phát về sớm mấy?
- Con đây bầm ơi! Con là Chinh “xê” 4!
Bà cụ mắt đỏ hoe:
- Tưởng đi hết không đứa nào về! Mấy hôm trước có thằng Mười, thằng Vũ về đây, bầm có hỏi thăm thằng Chinh, chúng nó bảo không gặp, đi công trường mỗi đơn vị một nơi, họa hoằn hội họp gì mới tập trung về tiểu đoàn. Nghe đâu hai đứa về thăm người yêu, xin phép gia đình cho cưới vợ. Thằng Mười yêu con Lân, thằng Vũ yêu con Tuyết. Sắp cưới cả rồi. - Bà mắng Năm Chinh - Còn con nữa! Bảo ở đây với bầm, tao gả con gái cho thì không chịu. Con Thứ, con Sử đứa nào cũng hón!
- Hai chị lớn hơn con năm sáu tuổi mà bầm!
- Chao ôi! Lớn hơn mấy tuổi ăn thua gì! Anh Cả nhà này còn lấy vợ hơn những mười hai tuổi. Hồi mới cưới, đêm vợ còn phải cõng đi đái ấy chứ.
- Con có người yêu trong quê rồi! Bao giờ thống nhất, con về cưới vẫn còn kịp!
Bà cụ Lộc mời Năm Chinh ở lại ăn cơm. Cũng chẳng có gì, cơm độn sắn ăn với rau sắn luộc và tép kho mặn. Toàn những thứ cây nhà lá vườn. Tép thì bà tát dưới đồng, rau sắn thì hái ngoài hàng rào. Ngoài sân ngổn ngang một đống sắn củ vừa róc vỏ.
- Bầm làm mì hả?
- Không có mì con ạ!
- Cả đống mì vừa bào vỏ kìa!
- À, là củ sắn! Bầm róc vỏ sẵn, chiều bố Phát về nó mài, tối bầm lọc bột!
Xem qua mấy dụng cụ làm bột sắn, Năm Chinh thấy cũng giống cách làm bột mì trong quê. Má và chị Ba cũng bào vỏ mì như vầy, rồi ngâm trong nước lâu ngày cho mì nát ra, lúc đó sẽ lọc lấy bột nhất, bột mì. Ở đây bà con cắt lon sữa bò ra, lấy đinh đục thủng thành từng hàng lỗ đều nhau, rồi đóng lên một khung hình chữ nhật bằng tre. Phía mặt lon mũi đinh đục xuống rất bén sắc, dùng để mài củ mì lên đó. Chiếc bàn mài được để vào một chậu nước to, mì bào đến đâu sẽ rơi xuống nước, khi nào đầy chậu, sẽ chuyển sang thùng vại khác để lọc bột. Lọc xong, bột được vớt ra miếng vải diềm bâu đặt trên thúng tro bếp. Nước chua sẽ được tro bếp hút hết, còn lại tinh bột mì. Công đoạn cuối cùng là đem phơi khô, cất vào thùng kín bảo quản rồi đem bán hoặc sử dụng chế biến món gì thích hợp. Ngoài Bắc không biết chế biến bánh canh bằng bột mì khô, mà chỉ khuấy lên nấu cháo ốc, hoặc là rán từng miếng bằng chiếc dĩa, ăn sáng. Năm Chinh thấy sau giếng có một thúng bột vừa lọc, liền bẻ một cục lên xem. Nó cũng có mùi chua thum thủm như trong Bình Định.
- Con xin mẹ một cục bột nhá! Con thèm bột mì khuấy chấm nước cá quá trời!
Cả ba bà cháu xúm xít ngồi xem Năm Chinh nấu món bột mì khuấy. Hòa bột với nước xong, anh cho vào chảo đun lên, lấy đũa khuấy đều. Lửa phừng phừng được một lát, bột mì trắng sôi lục bục, chuyển sang màu trong rồi chín. Bà cụ ngạc nhiên:
- Tưởng gì! Thế này là nấu hồ dán! Ở đây người ta nấu để dán diều con ạ!
Năm Chinh kể, đây là món ăn dân dã của người nông dân nghèo quê anh. Những ngày mưa gió, không có việc gì làm, cũng không đi chợ được. Tới bữa khuấy một nồi bột mì nhất, chấm nước cá kho hoặc mắm cua chua, ăn cùng mấy thứ rau ráng ngoài vườn, vừa ngon miệng vừa no bụng. Tháng mười mưa ngập đồng cho tới ngày hai mươi ba cuối tháng mới ngớt. Nước lũ trên núi tràn về, bốn bề trắng nước. Cứ mưa liền ba bốn ngày là lũ cò, chim cút gặp thảm nạn. Lông chúng ướt sũng không bay nổi, cũng không có chỗ nào mà đậu. Những gò đất cao nước chưa ngập tới, lũ cò đứng chen chúc, run rẩy. Người ta chèo xuồng hoặc lội ra bắt cò về xào măng. Năm Chinh còn nhỏ không dám héo lánh tới mấy gò đất bắt cò, vì ở đó nước sâu, nên tìm cách theo các bờ ruộng cao, đuổi bắt lũ cun cút cụt đuôi. Bọn này cũng ướt lông ướt cánh, bay không nổi, cứ chạy một đoạn rồi rớt xuống nước và bị tóm cổ. Có bữa Năm Chinh săn được hàng rổ, đem về cho má chế biến đủ món, từ cút chiên, cút nướng tới cút kho sả ớt, cút xào măng chua, ăn đến ớn. Sau mưa lũ, nước rút đi để lại lớp phù sa mỏng, màu mỡ, là lúc bọn cua đồng xuất hiện. Cũng lạ thiệt, khi mùa khô hạn, không biết bọn cua chết hay trốn đi đằng nào, móc khắp đồng không thấy một con. Vậy mà sau hai ba tháng mười, chúng bò ra nhung nhúc, nấp dưới những bờ cỏ ven đồng. Lúc đó đang vụ gặt, Năm Chinh mới là một thiếu niên mới nhổ giò, ra đồng phụ má và chị ôm lúa từ ruộng lên bờ. Những khi chờ đợi, thường lò dò đi bắt cua. Trước đó, khi ra đồng hắn mang theo chiếc thẩu, sẵn có đồ đựng cua. Nhiều cua lắm. Cua nằm trong hang, thập thò cặp mắt lồi ngoài cửa, thấy bóng người là thụt tuốt vào trong, phải dùng tay thọc vô, móc ra. Vụ móc cua trong hang, không cẩn thận bị càng cua kẹp cho đau điếng. Nó không nhả ra, mà đeo theo ngón tay ra tới cửa hang, càng bứt ra, nó càng kẹp mạnh. Năm Chinh được chị Ba Chiến chỉ cho một cách hay, là nhúng bàn tay và con cua xuống nước, nó tưởng được giải thoát liền nhả càng ra chạy đi, lúc đó mình nhanh tay chộp lại. Những con cua nằm trong cỏ ven bờ hoặc lang thang trên cạn thì dễ bắt hơn. Cứ lựa tay chộp cho gọn, kiềm chế được đôi càng, nhẹ nhàng thả vô thẩu. Cua bắt về nhiều, má thường ngồi bóc yếm, rửa sạch rồi bỏ vô cối giã nát. Sau khi lọc vớt xác cua ra, nước cua cho vừa muối. Cho vào hũ bịt kín, ngày mai đã có mắm ăn. Nhớ cái mùi mắm cua chua thum thủm ngọt ngọt béo béo cộng với mùi thơm của lá gừng tươi mùi ngò gai nồng thắm mùi thì là phưng phức. Chan với bún tươi và kèm theo cái ớt bay xanh... Năm Chinh nhớ nồi canh cua với rau tập tàng má hay nấu. Hương vị quê nhà dù có đi đâu, có được thưởng thức sơn hào hải vị rồi có lúc nào đó bùi ngùi nhớ lại bát canh cua quê mình.