THỜI GIAN NHOÁNG NHOÀNG NHƯ TIẾNG vọng của đạn đại bác. Hai năm sau khi những người đi tập kết đã yên ổn cuộc sống ngoài Bắc, thì ở Phù Cát tất cả mới bắt đầu. Những hy vọng và chờ đợi tắt ngấm về một cuộc Tổng tuyển cử. Súng lại đì đùng nổ. Làng quê rục rịch cựa mình để thích ứng với hoàn cảnh mới. Lúa vẫn xanh, mì vẫn tốt, bụi tre cạnh bờ ruộng vẫn chồi lên mấy đụt măng non. Tiệm tạp hóa của chị Ba Chiến ngày càng đông khách. Vải, gạo, mắm là những thứ người dân không thể thiếu.
Chị Ba Chiến bữa nay nhận về một lô vải mới, từ Quy Nhơn chuyển lên bằng xe lam. Khi chiếc xe kêu xạch xạch, phun khói mù mịt chuẩn bị quay đầu, người lái xe mới ghé tai chị nói vội:
- Anh Hai dặn chị ráng lên! Buôn bán sinh lời, phải chi tiêu gì thì cứ chi, miễn là có lợi cho gia đình.
Chị Ba gật đầu. Anh Hai là mật hiệu của tổ công tác bí mật. Gia đình là ám hiệu tổ chức của ta vừa tiếp tục hoạt động trở lại sau khi toàn bộ lực lượng rút hết ra Bắc. Cần phải hợp thức hóa việc kiếm tiền và cơ sở vật chất để lo cho các hoạt động của ta. Tổ chức rót vốn về cho chị Ba Chiến làm nhiệm vụ này, vì chị vốn có khiếu buôn bán.
Bà Mười Hết từ khi đồng ý cho Sáu Hùng nhảy núi thì khép mình sống trong căn nhà cũ, chứ không ra ở với Ba Chiến. Cho Sáu Hùng theo anh em lên chiến khu luôn, lỡ ở nhà loạng quạng tụi nó bắt quân dịch thì sứt đầu mẻ trán không chừng. Năm Chinh tập kết rồi, nhưng biết đâu nó bí mật trở lại chiến trường Khu 5, anh em nổ súng vào nhau thì bà còn khổ hơn.
Sáng nay, vác cuốc ra lấy nước vào ruộng lúa, bà Mười ngạc nhiên thấy mấy đụt măng trong bụi tre cạnh bờ ruộng bị ai đó bẻ mất. Kỳ vậy ta? Xứ mình có ai sanh tật trộm cắp sao? Từ hồi nào tới giờ, làng xóm không mất trái khóm, đụt măng hay bụi mì bao giờ. Bà chửi đổng:
- Tổ cha tụi bây! Ăn cắp gì cho đáng, lại đi lấy mấy đụt măng. Chắc họ hàng, cha con bay sắp chết đói hết rồi.
Bà cúi xuống nhìn tận nơi. Tổ cha nó, lấy măng cũng không biết dùng dao rựa cắt cho đàng hoàng, lại bẻ ngang cây măng vậy mới xót ruột chớ. Bà bỗng giật mình, nghe tiếng đàn ông ở đâu đó:
- Má! Má đừng chửi nữa!
Bà Mười cứng họng, lát sau mới lập bập:
- A… a... ai? Thằng Năm hả?
Tiếng nói phát ra ngay dưới chân bà. Thì thào giống y chang giọng Năm Chinh:
- Má! Con là Tư Danh, bạn thằng Năm. Má ngồi xuống đi, giả bộ đang nghỉ...
Thằng Tư Danh thì bà biết rồi, nó là chỉ huy của thằng Năm Chinh. Cái thằng miệng rộng, cười nói tía lia tối ngày. Bà giả bộ ngồi xuống, lột nón ra quạt lia lịa, miệng vẫn càm ràm chửi đứa nào trộm măng nhà mình, mà tai thì nghiêng xuống, lắng nghe. Tư Danh nói rằng, nó được phân công ở lại gây dựng phong trào cách mạng. Thời gian trước nó ở chiến khu, giờ về đây móc nối cơ sở. Tư Danh bí mật đào hầm ngay dưới bụi tre nhà bà Mười Hết, có bẻ mấy đụt măng để đánh lạc hướng tụi địch, cũng là tìm cách liên lạc với bà và Ba Chiến.
- Má với chị Ba Chiến nói anh em hãy vững lòng. Nếu có thể, má đào cho cái hầm, mai mốt con đưa anh Bảy bí thơ Liên chi bộ về nắm tình hình.
Bà Mười Hết thủng thẳng ra về, tiếp tục vừa đi vừa chửi:
- Tổ cha tụi chó! Rồi sẽ biết tay bà! Chờ đó nghen bay!
Làng xóm biết bà đang chửi mấy đứa trộm măng, nhưng thực ra trong lòng bà đang chửi thằng thiếu úy Trịnh trưởng đồn và lũ lính lác hay vô xóm hoạnh họe, dọa nạt bà con, nhất là những gia đình có người đi tập kết.
Chiều tối thấy bà Mười Hết ống quần cao, thấp chạy ra tiệm, chị Ba Chiến ngạc nhiên hỏi má:
- Có chuyện gì gấp hả má?
- Ừa!
Bà đảo mắt nhìn, thấy hết khách vô mua hàng rồi mới nói nhỏ:
- Thằng Tư Danh mới về móc nối! Bên mình chắc hoạt động lại rồi.
- Con cũng đang sốt ruột! Thấy bọn nó làm quá, chịu hông nổi.
- Tau tính đào cái hầm ngay dưới nền bếp! Bay thấy sao?
- Được đó má! Làm đi! Tối tối con về phụ.
Bà Mười Hết kêu cha con lão Ba Thọt tới, thuê gánh đất ngoài vườn vô đắp thêm nền bếp và chuồng heo. Mùa mưa tới rồi, nền thấp quá nước ngập ướt hết. Khi cha con Ba Thọt đắp xong nền bếp, thì cái hầm cũng xong. Ban ngày cha con họ đào đất vườn gánh đổ vô, ban đêm má con bà Mười đào hầm, xúc đất đổ lên ngay nền chuồng heo, vừa tiện vừa bí mật. Tiền công thuê đổ đất, chị Ba Chiến đưa cho má, trích từ công quỹ. Đây là lần đầu tiên tiền lãi của tổ chức được sử dụng.
Chị Ba Chiến không đẹp nhưng có duyên. Với chiều cao một mét sáu lăm, chị tự nói “đàn bà mà cao vậy là hơi hỗn so với đàn ông”, nên kén chồng cũng khó lắm. Đụng thằng chồng thấp, lúc nào nó cũng phải ngước lên hỏi này kia, kia nọ, sợ tự ái. Mà lúc đi ra đường, tới đám tiệc, đám họ, chồng lách chách đi bên vợ ngó thấy bực mình. Nếu lấy chồng cao hơn một cái đầu, thấy cũng kì cục đời quá, chớ đâu vợ nào chồng nấy y chang cây cau nếp. Nếu kiếm được anh chồng cao bằng nhau thì đẹp hơn, cứ như đôi đũa ấy, ai nhìn vô cũng thích. Vậy mới trầy trật, lê lết miết, tới năm hai mươi tuổi, đi tham gia “bình dân học vụ”, Ba Chiến mới gặp anh Tịnh, một người đàn ông của lòng mình, có học thức, đẹp trai và quan trọng là cả hai sáp lại bằng chặn như đôi đũa son. Giờ anh đi tập kết, bỏ lại người vợ trẻ mới quen hơi chồng. Hằng đêm, Ba Chiến thao thức nhớ đến phát cuồng!
Thiếu úy Trịnh trưởng đồn Tam Sơn để mắt tới Ba Chiến từ lâu. Con nhỏ có chồng tập kết nầy cũng là một trong nhiều đối tượng cần tiếp xúc, vận động ly hôn chồng Việt cộng, hoặc ép cho họ lấy chồng là lính quốc gia càng hay. Nhưng thiếu úy Trịnh còn cảm thấy tiếc. Ba Chiến có cặp giò dài miên man, eo lưng con kiến, cặp mắt to tròn và nhất là mái tóc đen dài chấm mông. “Má ơi! Bộ ngực tròn gọn, mây mẩy, làm đàn ông nhìn vô phải chảy nước miếng. Người này nếu chịu làm bà thiếu úy nhỏ, dặm chút son phấn lên mặt, diện váy đầm hoặc áo dài hở ngực kiểu bà Lệ Xuân là trở thành mỹ nhơn xứ nẫu luôn”.
Chiều thứ bảy, thiếu úy Trịnh cùng ba tên lính thả bộ vô chợ, nhằm tiệm tạp hóa của Ba Chiến thẳng tới. Nơi buôn bán của con vợ Việt cộng nầy cũng khá khang trang. Đằng xa nhìn lại, thấy mặt tiền tiệm tạp hóa bề ngang bốn mét, mái lợp thiếc mới, tường xây gạch ba tanh. Chiếc tủ gỗ bưng kiếng phía trước, ngăn trên bày ngăn nắp những thuốc lá, hộp quẹt, bột nêm, bánh trái, ngăn dưới xếp từng cây vải đủ màu. Ba Chiến ngồi phía trong, áo bà ba xanh dương, tóc búi cao trên đỉnh đầu, nghiêng đầu chăm chú trên bàn máy may hiệu Singer. Tiếng máy may kêu tành tạch, vẫn không át được tiếng nói khen khét từ phía ngoài:
- Chu cha! Chị Ba vẫn còn chiếc máy hiệu Singer của Pháp ngon quá hén!
Ba Chiến liếc mắt nhìn ra, thấy tên đồn trưởng đứng trước hè nhà, nhịp nhịp bên chân ngắn ngủn dưới tấm thân tròn như khúc giò mỡ. Thằng này hồi nhỏ học đệ nhất cùng Năm Chinh. Đôi mắt hắn giấu sau cặp kính đen, nên chị Ba Chiến không biết được cặp mắt cú đó đang nhìn hau háu vô cổ áo bà ba khoét rộng.
- Thưa ngài thiếu úy mới tới! Xin mời quý ngài vô uống nước. Dạ! Tiệm nhỏ chật hẹp quá, mong thiếu úy thông cảm.
- Hức hức hức! Hông có sao đâu chị Ba! Miễn tấm lòng rộng mở là được mà! Chị buôn bán có được hông?
- Dạ cũng tàm tạm thưa ngài!
Chị cố nở nụ cười tươi, đứng dậy đón khách. Thiếu úy Trịnh lại cười hức hức, cười gì giống hệt con khỉ đột. Hắn hít hà:
- Buôn bán vậy mà tàm tạm gì nữa! Nói thiệt với chị, từ khi có nền đệ nhứt cộng hòa tới nay, bà con ai cũng dễ thở hết! Như chị Ba đây, chồng và em trai đều tập kết ra Bắc, mà chính quyền có làm khó dễ gì đâu! Hánh?
Bây giờ nó mới kiếm chuyện với mình đây. Ba Chiến tự nhủ trong lòng, rồi bất chợt phá lên cười. Điệu cười sảng khoái, khoe hết hai hàm răng hạt bắp, làm thiếu úy Trịnh giật mình vì bất ngờ.
- Dạ! Cũng là hai bên cùng thi hành Hiệp định Giơ-neo mà thiếu úy. Chồng và em trai tui đâu có muốn đi.
- Giờ này bà con mình đừng ai nhắc tới giơ-neo, giơ đậu gì nữa nhen! Không có tổng tuyển cử gì hết ráo! Miền Nam là của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ai muốn chung sống yên ổn với chính quyền, thì hãy cắt đứt liên hệ với những kẻ đang sống ngoài Bắc. Chị đó! Hãy làm đơn xin ly hôn thằng chồng Việt cộng đi! Lấy chồng quốc gia cho dễ bề sinh sống, làm giàu.
Nhìn cái mặt ngắn ngủn đỏ rần lên, Ba Chiến biết tên này đang bốc hỏa, nên chị dịu xuống:
- Dạ! Mấy ổng ra ngoài Bắc biết đâu mà chờ. Ngài thiếu úy có đám nào làm mai cho em với!
Khuôn mặt ngắn giãn ra, vui vẻ trở lại:
- Vậy thì tốt rồi! Tui sẽ làm mai cho chị Ba một người có chức có quyền hẳn hoi. Chị nhớ lời đó nha!
Nụ cười có chút lẳng lơ đưa tiễn mấy tên lính trở ra.
Tư Danh và anh Bảy bí thư tìm về nhà bà Mười Hết vào một đêm tối trời, lắc rắc mưa. Đưa hai người xuống hầm xong, bà Mười bất ngờ lo lắng. Mưa lắc rắc như vầy, chắc đất ướt để lại dấu chân, làm sao bây giờ. Rồi bà liều cầm cây đèn dầu bước ra sau vườn, miệng kêu:
- Ụt, ụt! Ụt! Trời quơi, heo với gà! Tối rồi nó còn phá chuồng ra nữa. Ụt ụt!
Dưới ánh đèn tù mù, bà nhìn thấy mấy dấu chân in mờ cạnh liếp mì. Thật chậm chạp, bà cầm đèn bước từ bờ cỏ đầu vườn vô nhà, đạp lên dấu chân cũ của hai người kia. Nhưng mới được mấy bước, trời bỗng trở gió, mưa quật đùng đùng, xối xả, như giội nước xuống đầu bà già. Chỉ kịp kéo vạt áo che bóng đèn, bà Mười vừa chạy vừa chửi:
- Má nó! Cho bay chết rét luôn! Đồ heo quỷ sứ!
Chưa vội thay đồ ướt, bà mở cửa hầm tuồn xuống bọc lá chuối còn ấm nóng:
- Mì gòn ngon bay ơi! Ăn đỡ đi khỏi đói!
- Cám ơn má!
Tư Danh thì thào, giơ tay đón bọc mì rồi tụt vội xuống hầm. Bà Mười rắc tro bếp lên trên miệng hầm, lấy cái nia rách che lại. Đêm hôm sau, nghe ngóng thấy êm, Bí thư Bảy gõ nắp hầm xin lên nói chuyện với chủ nhà. Bà Mười Hết lúc đó mới hay chủ trương của trên có thay đổi. Từ đấu tranh chính trị, chuyển dần sang động thái chuẩn bị đấu tranh vũ trang. Anh Bảy đưa cho bà Mười một tờ giấy, dặn:
- Nhờ má giữ giùm! Đây là sơ đồ vị trí quân ta chôn vũ khí trước khi tập kết. Lúc điều kiện chín muồi, sẽ móc lên chơi với địch. Con đi lại nhiều, lỡ xảy ra điều gì, mất sơ đồ là nguy hiểm.
Sự lo lắng của Bí thư Bảy là có cơ sở. Hiện tại, chính quyền họ Ngô đã đặt Việt cộng ra ngoài vòng pháp luật. Bắt bớ, tù đày, máy chém làm náo loạn cuộc sống thường nhật. Sự lo lắng của anh Bảy không lâu sau đó đã xảy ra. Đêm đó, khi chui lên khỏi hầm đi dự họp chi bộ ở xã trên, anh còn mượn bà Mười Hết con rựa cầm theo phòng thân. Nửa đêm, thấy tiếng súng nổ ran phía Bàu Tre, bà lo thắt ruột. Sáng ra tin bay khắp thôn, rằng lính quốc gia phục kích bắn chết một người nghi Việt cộng nằm vùng. Bà con trong thôn bị lính thúc súng sau lưng ra trước sân nhà hội đồng xã để nhận diện thi thể. Người đàn ông trạc bốn mươi tuổi, mặc bộ đồ đen, cặp chân mày rậm như chổi sể. Anh nằm dưới đất, chân co chân duỗi, nắng rang khô những vết máu trên ngực và cổ, ruồi nhặng bay lên bay xuống, bu kín mép và hốc mắt. Từng tốp người đi tới, tò mò và xót thương nhìn thi thể rồi quay về. Họ không biết Bí thư Bảy vì anh không phải người trong xã. Chị Ba Chiến bị ép ra nhận diện hồi cuối chiều. Nhận ra anh Bảy, Ba Chiến rụng rời chân tay, cắn chặt răng đi về tiệm tạp hóa. Vừa tới nơi, chị không kịp mở cửa, liền hộc tốc chạy sang nhà má, báo tin dữ. Bà Mười Hết chỉ thở dài thượt một tiếng, rồi nói nhỏ:
- Chết cha tui rồi! Còn cây rựa!
- Rựa nào hả má?
- Cậy rựa nhà mình, hồi hôm thằng Bảy mang theo...
Từ giấc trưa, bốn tên lính thân tín cùng đồn trưởng Trịnh đã cầm cây rựa đi từng nhà trong thôn để hỏi:
- Cây rựa nầy của nhà thím hả?
- Dạ hông phải!
- Ê! Có biết cây rựa nầy của ai không?
Ai cũng lắc đầu. Ở quê nhà nào không có hai, ba cây rựa, nhưng cây rựa mẻ một miếng ở phần mũi thì không ai nhận hết. Bọn lính mồ hôi đẫm áo, mệt rã chân cẳng, đang muốn trở về thì tới trước nhà lão Chín Ròm. Lão già vừa ốm vừa nặng tai, ngồi mài dao dưới gốc cây mít. Tiếng lưỡi dao chà lên đá mài soàn soạt, khiến lão Chín Ròm không nghe bước chân tụi lính. Thiếu úy Trịnh vứt cây rựa xuống trước mặt lão già:
- Rựa nhà lão phải hông?
Chín Ròm không nghe tiếng vì nặng tai, chỉ cầm cây rựa lên nhìn, lấy ngón tay gại gại lên lưỡi rựa:
- Ủa! Mới mài ba bữa trước mà! Bả nói mài nữa hả?
Thiếu úy Trịnh la lên mừng rỡ:
- Mới mài hả! Rựa của bà nào?
- Rựa nhà bà Mười Hết chớ ai! Lưỡi rựa bị mẻ một miếng nè, qua mới mài cho chứ gì.
Tên Trịnh chộp vội cây rựa, khoát tay ra hiệu cho bọn lính: “Vậy là tên Việt cộng này đi từ nhà mụ Mười Hết. Con mụ Việt cộng già này gớm thiệt”.
- Tới vây nhà liền! Không chừng con mẻ trốn mất tiêu rồi!
Đúng là hai má con Ba Chiến đang giằng co nhau việc trốn hay không trốn. Bà Mười Hết kiên quyết:
- Má hông trốn! Bể mánh bể mung hết! Má mà trốn bi giờ, mày với con Bảy cũng hông yên đâu! Mà chắc gì tụi nó biết con rựa nhà mình!
- Con lạy má! Má tránh đi chỗ khác ít bữa! Lên với cậu Tám khi nào yên yên rồi về! Nè má cầm ít tiền rồi đi lẹ đi má!
Bà Mười thấy xuôi tai, cầm tiền con gái vừa đưa cho, nhưng trễ mất rồi. Thiếu úy Trịnh và bốn thằng lính, súng lăm lăm đã vây quanh nhà. Cả hai mẹ con bị trói thúc ké, dẫn về đồn. Sau một đêm, Ba Chiến tìm cách trốn ra ngoài, để ba ngày sau đau đớn nghe tin má chết vì bị tụi thằng Trịnh tra tấn. Thân già chịu đòn không được mấy hồi, bà Mười Hết nằm lịm đi trong phòng giam. Trước đó bà không khai ra điều gì, cứ một mực là bị người ta lấy trộm rựa mang đi. Thấy bà già yếu quá, hơi thở thoi thóp, lính đồn kêu người nhà lên mang về. Chị Ba Chiến khi trốn ra khỏi đồng, đã về thu gom hết tiền, vàng, nhờ người coi giùm cái tiệm tạp hóa, rồi đem em gái tránh sang nhà mẹ chồng bên chợ huyện Phù Cát. Má chồng chị thấy dâu về thì mừng quá, mổ vịt nấu cháo cho ăn. Mấy ngày sau, nghe tin sui gia chết, bà má chồng với cô Bảy về dự đám tang.
- Thôi con Ba về ở hẳn bên này với má. Chứ một mình cực lắm con ơi! Thằng Tịnh có trở vô, còn biết vợ ở đâu mà kiếm.
Mấy năm nay, chị Ba Chiến tuy ở riêng buôn bán, mà thực ra do yêu cầu hoạt động bí mật, nên không ở cùng với má chồng. Nhưng tháng nào chị cũng về nhà chồng, chăm sóc má, lo giỗ chạp, hoặc tranh thủ phát cỏ trong vườn. Hồi này tụi địch “đánh rắn động cỏ”, chị không thể bám trụ ở gần nhà nữa. Xem ra ý má chồng cũng hợp lý. Chị quyết định ở lại, chuyển qua nghề đi buôn bê, nghé. Việc buôn bán bê, nghé cần phải có kinh nghiệm. Như con bê mua về bán cho lò mổ thì phải dùng mắt ước lượng được trọng lượng của nó, tính ra xem số thịt sẽ được bao nhiêu. Hoặc con nghé sử dụng cho việc cày kéo, thì cần xem kỹ răng, ức, vai, móng chân mà đánh giá con này lớn lên sức cày kéo như thế nào. Ba Chiến là dân mới vô nghề, vừa làm vừa học, vừa có tính liều lĩnh, nên buôn bán cũng trồi trụt, lúc lời lúc lỗ. Nghề này chỉ vui vì được đi nhiều, chỗ nào cũng có bầu bạn. Chị cũng tập tành ăn nhậu y như đàn ông, có bữa mua bán được lời nhiều còn mời bạn phường nhậu mát trời ông địa, say lê lết phải ngủ lại nhà người quen.
Lần dắt nghé qua sông Địa Lưu, mấy bà nông dân xì xầm rằng, dưới sông nhiều bao bố trôi nổi lắm, mùi hôi thúi nồng nặc ám từng chiếc lá, vạt cỏ dọc bờ sông. Có người tò mò kéo những bao tải vô, mở ra coi thì tá hỏa thấy trong đó là xác người. Đàn ông, phụ nữ đều có hết. Họ bị trói tay ra sau lưng, bịt miệng nhét trong bao bố, cột chặt dây bên ngoài rồi ném xuống sông. Hồi này, thấy lính ông Diệm thay đổi cách gọi từ Việt Minh sang Việt cộng. Đây có lẽ là kết quả của “Chiến dịch tố Cộng” sùng sục hơn một năm nay, chúng nó từng tuyên bố “giết lầm hơn bỏ sót”, những nạn nhân chết thê thảm này chắc nằm trong số đó.
Lần khác, nghỉ trưa bên Phù Mỹ, thấy người ta túm tụm bên quán bún nêm, lao xao:
- Trời quơi! Thằng chiêu hồi đó tui ngó quen lắm! Giống cái lão...
- Tào lao bà ơi! Ngó quen sao nó không chỉ điểm cho lính bắt bà đi luôn?
- Kệ nẫu! Nẫu không có Việt Minh, Việt gian chi hết! Sao bắt?
Qua khúc cạn sông Lưu Tinh, chị cột dây cho con nghé ăn cỏ, rồi lội xuống khoát nước rửa mặt. Bóng nước soi uốn éo khuôn mặt tròn có cặp chân mày xếch, mái tóc đen dài muốn xổ ra, chảy xuống cùng dòng sông. Lòng chợt nhói lên nỗi nhớ chồng, nhớ em. Mọi cơ hội đoàn tụ đã phũ phàng trôi đi như dòng nước kia. Giờ này anh Tịnh làm gì? Sống với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, không giặc giã, súng đạn, chắc ảnh béo tốt lên nhiều rồi, không gầy ốm, lêu nghêu giống cây tre nữa. Mấy người sướng quá mà. Nói đi tập kết là đi cái một, không ngó lại phía sau coi người ở lại sống khổ nhục ra sao. Anh với thằng Chinh chắc chưa biết tin má đã mất đâu. Má chết cơ cực lắm, đau đớn lắm. Tới lúc đem chôn cũng chỉ vài người thân thiết trong nhà khiêng vội ra cái huyệt nông mà lấp, chứ có được tổ chức đám tang đàng hoàng như người già khác. Sợ liên quan tới họ. Đến chị bây giờ, đi tới lui trong thôn như chiếc bóng vật vờ, không ai muốn chạm mặt. Cái nhà con đó, hai người đi tập kết, bà già mới bị bắt giam tra tấn đến chết, ngu sao mà thân thiết! Giữa lúc hiểm nguy, gian khổ này, lòng người cũng dễ đổi thay. Mỗi khi đi ngang qua núi Bà, nhìn lên hòn đá Vọng Phu trên đỉnh, chị còn thấy lòng mình lung lay, chao đảo. Chắc cuộc đời chị cũng sẽ xám mốc như tượng đá kia thôi.
Sau chuyến đấy, có lẽ chị không đi buôn bán nghé nữa. Những quãng đường xuyên núi vắng vẻ, ẩn chứa bao nguy hiểm. Làm sao biết được không có toán lính nào phục kích bên đường, không có những viên đạn găm vô ngực chị dù chỉ là nghi ngờ. Bữa má chết, con Bảy về lo tang ma, khi xong rồi trở lại đưa cho chị một bọc giấy kiếng:
- Lúc sắp chết, má đưa tui thứ này, dặn đưa tận tay cho chị Ba. Khi nào Tư Danh về thì giao lại cho ảnh.
Tờ giấy xé từ tập vở, nét bút chì đậm vẽ ô hình chữ nhật, có mũi tên chỉ tới mấy vòng khuyên bên trong toàn ký tự và con số. Đây là sơ đồ kho vũ khí của tổ chức vũ trang huyện, được chôn giấu trước khi quân ta tổ chức tập kết ra Bắc, chỉ những người nắm được ký hiệu bí mật thì mới tìm thấy. Ba Chiến dùng bút bi, vẽ lại y chang tấm sơ đồ sau lá cờ vàng ba sọc, treo ngay trước bàn máy may. Chị nói với má chồng, sẽ ra thuê căn nhà ngoài ngã ba thôn, làm may lại.
- Ừa! Con tính sao đó tính! Chớ thấy bay đi khuya về sớm má hông yên lòng.
Căn nhà nhỏ của mụ Biền khá sạch sẽ. Từ ngày mụ về vùng biển với con gái, căn nhà bỏ không. Sau hàng bông bụt trước sân, giờ vang lên tiếng máy may rào rào, lạch xạch. Cây dừa già góc sân nghiêng xuống quầy trái non, thân mốc thếch còn một vết thương toang hoác do miểng pháo từ hồi quân Pháp đánh nhau với Việt Minh. Khách tới cũng năm ngày bảy bữa được một người. Thường là tới sửa lại quần áo cũ, vá đũng quần tây hoặc lộn cổ áo sơ mi. Lâu mới có mối tới may áo cưới hoặc may đồ cho trẻ nít.
Linh tính cho chị thấy điều gì đó bất ổn. Hằng ngày con thoi máy thôi thúc vào tâm trí nỗi lo lắng vô cớ. Chị moi tấm sơ đồ dưới bếp lên, gấp lá cờ vàng ba sọc lại, gom một số tiền, vàng nữa đem gói kỹ mấy lượt vải mưa. Đêm đến, bắc thang trèo lên cây dừa, bỏ tất cả vào hốc đạn pháo, móc đất trét kín lại. Với tình hình địch ruồng bố, đàn áp quyết liệt các tổ chức Việt Minh còn ở lại miền Nam, không biết điều gì sẽ xảy ra. Mấy đầu mối liên lạc đều mất tích, không thấy tín hiệu trở lại. Những vụ thủ tiêu các đối tượng nghi ngờ liên quan đến Việt Minh, hay tàn sát trắng trợn số cán binh của ta, thấy rõ ý đồ thâm độc của chính quyền Ngô Đình Diệm muốn loại lực lượng cộng sản đối lập ra khỏi vòng pháp luật. Chị quyết định liều đi Quy Nhơn một chuyến, liên lạc trực tiếp với “anh Hai” theo phương án khẩn cấp. Ít nhất thì chị cũng được cấp trên chỉ thị cho phải làm gì trong giai đoạn ác liệt này.
Lấy cớ đi mua thêm vải đẹp để cắt may áo dài, chị ngồi xe đò hết buổi sáng mới ra tới Quy Nhơn. Loanh quanh một hồi, quẹo hết hẻm nhỏ ra tới đường cái, chị đứng trước một tiệm vải lớn có chậu bông giấy đỏ ngoài sân. Cánh cửa kiếng cao hơn đầu người nhìn rõ những kệ vải đủ màu. Cô bé chừng là người giúp việc, tóc cắt ngắn, áo bà ba màu vàng chạy ra:
- Cô Hai mua vải ạ?
- Ừa cô mua vải! Tiệm còn bán vải tê-tơ-rông màu hoàng yến hông em?
Con nhỏ ngó nghiêng một hồi mấy kệ vải, quay lại nói:
- Để con hỏi ông chủ! Cô Hai chờ chút!
Ông chủ tiệm là người đàn ông đầu hói láng, bộ bà ba màu xám tro có gài nút gỗ như dân ba Tàu. Nhìn thấy Ba Chiến, ông nheo mắt:
- Cô mua vải gì?
- Dạ vải tê-tơ-rông màu hoàng yến để may áo dài!
- Cô mua nhiều hông?
- Dạ một cây thôi!
Ông ta mang ra một cây vải màu mạ non, đưa cho chị:
- Tiệm hết loại kia rồi! Cô mua đỡ loại này may áo dài cũng tốt, giá lại rẻ.
Liếc nhìn xung quanh, rồi ông ta nói nhỏ:
- Cô đừng bao giờ tới đây nữa! Đi liền đi!
Không kịp nhận tiền của khách, ông chủ vội bước trở vô, sai con nhỏ người ở khép cửa lại, mang chiếc ghế gỗ bắc ngồi trước nhà canh chừng. Ba Chiến cảm thấy ớn lạnh sống lưng, vội ngoắc xích lô chở cây vải ra bến xe đò. Thôi rồi! Chắc bể cơ sở hết. Hèn chi chỗ nào cũng im re, mất công chị mấy tháng trời đi mua bê nghé mà không móc được ai. Lên xe đò, chị chọn chỗ ngồi tận cuối xe, mà vẫn cảm thấy mọi người đang đổ xô ánh mắt nhìn mình. Chiếc xe chạy dằn xóc qua những ổ gà nhỏ, vì ngồi phía sau nên chị bị hất cả người lên, đầu chạm nóc trần. Những suy nghĩ lan man làm chị không tập trung nhìn xe đã đi tới đâu, nhưng biết sớm muộn gì tối cũng về tới nhà. Chớm đất Phù Cát, xe bị chặn lại ở trạm Đập Đá. Ba Chiến đang lơ mơ, giật mình khi nghe lơ xe la:
- Bà con cô bác xuống cho cảnh sát soát xe chút hánh!
Một nhóm cảnh sát và mật vụ, vừa quân phục vừa thường phục bảy, tám người, đứng quanh chiếc xe jeep. Tên chỉ huy nghinh ngang bước ra, cười lịch sự, chiếc răng vàng lóe sáng trên miệng:
- Cảm phiền bà con mấy phút thôi! Giờ từng người đi ngang qua chiếc bàn kia, rồi bước lên xe, về nhà! Vậy thôi!
Bây giờ chị mới phát hiện bên cạnh chiếc bàn gỗ là chiếc ghế có người đàn ông cao dỏng ngồi im lặng. Bộ bà ba màu đen cũ không che được thân hình ốm o. Lại là chiếc bao vải đen trùm kín mặt, khoét ba lỗ nhỏ. Hai lỗ mắt và một lỗ miệng để người này thi thoảng đưa điếu thuốc lá lên, rít mạnh. Từng sợi khói bị nén lại trong lồng ngực, nhả ra từng chút một, phất phơ bay lên. Đây lại là một tên chiêu hồi muốn chỉ điểm bắt người. Hành khách trên xe lo lắng nhìn đám lính, rụt rè bước qua chiếc bàn gỗ, rồi vội bước lên xe về chỗ ngồi, thở phào. Chị Ba chợt thấy người đàn ông kia giống Út Giàu làm ở Ban Mậu tài huyện. Có lần lên họp, chị gặp anh ta ngồi rít thuốc như hun lò, người cao ốm, lòng khòng như con cò ma. Vậy là Út Giàu “hồi chánh quốc gia” rồi. Bữa nay hắn ra ngồi đây với đám cảnh sát này làm gì? Nếu không là chỉ điểm bắt người của ta. Chị không thể quay lui được nữa, chỉ cố nép vào vai một bà già, tránh ánh mắt của tên chiêu hồi. Hình như hắn không nhận ra chị. Bàn chân chị đã bước lên bậc lên xuống xe đò, lòng nhẹ bỗng đi mọi lo sợ.
- Ê! Cô áo xanh kia dừng lại!
Chị giật thót. Vừa quay người nhìn lại thì hai cánh tay lực lưỡng đã nắm khuỷu tay chị, kéo lại. Chị hết sức vùng vẫy, hét lên:
- Uơ làng xóm! Uơ làng xóm! Cứu tui! Lính làng cưỡng bức tui!
Những âm thanh cuống quýt, vô vọng của chị nghe vẳng tới trong xe đò.
Người ta nhìn ngó ra cửa sổ xe, những nét mặt lo lắng, sợ hãi. Mấy cây súng ghim họng chĩa thẳng về phía xe đò. Chiếc xe cuống cuồng rú ga, vọt đi. Khi bị trói quặt tay ném lên thùng xe jeep, Ba Chiến hướng ánh mắt căm giận nhìn chiếc đầu bịt kín của Út Giàu. Qua hai lỗ vải, hình như con mắt hắn đỏ hoe, vẻ cầu xin thông cảm. Chắc Út Giàu chịu áp lực mạnh về vụ này, có thể gia đình hoặc bản thân hắn đang bị đe dọa. Nhưng hắn hèn quá. Sợ chết nên mới bán đứng đồng đội.
Vẻ ngoài lịch sự của tên cảnh sát trưởng vẫn được duy trì cho đến phút cuối buổi hỏi cung. Chị Ba Chiến lý sự về việc chồng và em trai đi tập kết:
- Đã là hiệp định có thế giới chứng kiến thì cả hai bên phải thực hiện. Người nhà tui đi tập kết là đương nhiên. Tui ngày trước có đi dạy Bình dân học vụ cho Việt Minh, nhưng giờ đi hết rồi, tui làm ăn lương thiện, tại sao mấy ông bắt tui?
- Bà này ăn nói được! Tui chịu mấy người Việt cộng có trình độ như vầy!
Chiếc răng vàng lại lóe lên nụ cười. Chị cãi:
- Tui hoạt động cho Việt Minh, không liên quan gì tới Việt cộng!
- Thì cũng một nòi thôi mà! Giờ có chịu khai ra ai phụ trách Liên chi bộ Cát Sơn không? Có mấy người trong chi bộ?
- Đã nói tui lo mần ăn, không biết ai hết!
“Mẹ bà mày! Giờ má đây cũng không biết ai mà khai nữa. Có liên lạc được với ai đâu. Chỉ còn mỗi tấm sơ đồ kho vũ khí. Hở ra với tụi nó để đổi lấy tự do có nên không? Không được! Tụi này ranh ma cáo già lắm. Được đằng chân lân đằng đầu, có tấm sơ đồ rồi, nó uýnh cho ói cơm ra không chừng” - Ba Chiến nghĩ.
Tên chỉ huy căn vặn một hồi, không kết quả. Hắn búng tay cái chách, nói với thủ hạ:
- Thôi! Hết nước! Chị Ba đây hông có gì nói đâu. Mấy em làm việc của mình đi. Nhớ chăm sóc bả cho cẩn thận!
Đòn tra điện làm chị buốt nhức từ ngón chân lên đỉnh đầu. Tay chân đã bị trói chặt vô chiếc ghế lớn, chị oằn mình chịu đựng mỗi khi chiếc máy phát điện quay tay kêu xè xè. Hai chiếc kẹp sắt có răng cưa ở miệng, kẹp chặt hai ngón chân cái của chị, nối lòng thòng hai sợi dây điện. Mỗi lần chúng quay điện, hai ngón chân co giựt, bị kéo căng ra, chảy máu. Chịu được chừng hai mươi phút, chị ngất đi. Khi chậu nước lạnh tạt vô mặt, chị tỉnh lại và thấy mình đã bị trói nằm ngửa trên chiếc ghế băng dài, quần áo bị lột hết. Hai thằng lính cởi trần, mồ hôi nhễ nhại, đứng ngó trân tấm thân trần của chị:
- Con này còn ngon. Chắc chưa có con. Nhìn thì biết.
- Cô mình có chịu nói gì hông? Năm phút nữa vẫn im lặng là anh mập đẹp trai này sẽ thay thằng chồng tập kết của cô làm chuyện đó...
Trò khốn nạn này mà nó cũng làm được hả? Chị hơi lo lắng, nhưng nghĩ chắc thằng kia hù mình thôi. Suốt từ hôm qua đến giờ, người ngợm chị hôi hám, dơ bẩn, nó dám hãm hiếp mình mới lạ. Bàn tay to bè của thằng lính nắn bóp chị đau điếng.
- Thích không cô mình?
Bàn tay nó đã chuyển xuống phía dưới ngón tay thô bạo móc nhéo.
- Thằng chồng tập kết cũng làm như vậy thôi chớ gì?
Nó cười sằng sặc, cầm cây ma trắc nhấp nhứ ngoài cửa mình chị, rồi bất ngờ thọc mạnh. Chị rú lên đau đớn, cảm thấy bụng dưới như bị xé toạc. Máu chảy ra nóng ấm hai khe đùi. Hai thằng ác ôn lấy chậu nước vôi pha ớt bột đổ thẳng vào cửa mình chị. Không thể tả được cảm giác đau đớn lúc đó, chị quằn quại rồi ngất đi. Trong phòng giam, mấy chị lớn tuổi bị giam từ trước vội đỡ lấy Ba Chiến, có ai đó lấy cho chị bộ đồ cũ, mặc vào. Một chị xót xa:
- Thằng mập phải hông? Tổ cha cái con heo nọc! Nó hiếp bốn người rồi đó.
Chị gật đầu, rồi lắc đầu. Thằng mập chưa hiếp chị, nhưng nó tàn ác hơn cả hãm hiếp.
Ba ngày sau, cô Bảy mới tìm được chỗ giam giữ chị gái. Là người khôn ngoan từ nhỏ, cô dúi cho tên lính trực nắm tiền, xin vô phòng giam đưa cho chị gái mấy bộ đồ và hộp dầu gió.
- Vô đi! Năm phút thôi đó! Ráng khuyên chị cô biết điều thì khai báo, không chết uổng lắm.
Nhét bọc đồ qua cái lỗ vuông trên cửa phòng giam, cô Bảy khóc nức:
- Có sao hông hả chị Ba? Đừng có chết như má, bỏ em...!
Chị Ba Chiến chỉ kịp nói thầm:
- Cái hốc trên cây dừa... Giấu đi giùm chị!
Rồi chị đẩy em gái ra về, không muốn kéo dài nỗi đau tình chị em.
Sáng ngày thứ hai, cả phòng giam rục rịch bàn tán vì có tin cảnh sát huyện Phù Cát sẽ chuyển số người bị giam đi Nha Trang. Họ toàn là những người bị bắt theo chủ trương “bắt nhầm hơn bỏ sót”, bị nghi ngờ trước kia có liên quan đến Việt Minh. Chiều tối, chưa kịp phát cơm thì bọn lính vô phòng giam lùa tất cả mọi người ra bãi cỏ trước đồn. Mười một người, có bốn phụ nữ, còn lại là nam giới.
- Tất cả các người nghe đây! Hôm nay cảnh sát sẽ chuyển tất cả nghi phạm đi chỗ khác, để tiếp tục thẩm vấn. Tuy nhiên chỗ ở mới sẽ rộng rãi, tiện nghi hơn. Trên đường đi, ai có ý định bỏ trốn sẽ bị bắn bỏ, không xét xử.
Tiếng phành phạch ngay trên đầu rõ dần. Một chiếc trực thăng sà xuống thấp, cánh quạt quay tít, cuốn bụi rác bay lên cao. Tóc tai, quần áo của đám tù nhân cũng bị thốc lên, cuốn chặt vào người. Chị Ba Thân thầm nhủ. Vậy là hết rồi. Từ Nha Trang, hoặc là bị chuyển ra đảo bằng tàu thủy, hoặc là chuyển vô Chí Hòa bằng đường sắt. Đằng nào cũng chết, phải liều thôi. Trực thăng nâng dần độ cao, vừa ra khỏi địa phận đồn khoảng năm trăm mét thì chị Ba Chiến nảy ra ý định liều lĩnh. Ngồi bệt trên sàn máy bay, ngó ra cửa chỉ thấy bên dưới một màn đen bao phủ. Nếu chị nhớ không nhầm, thì đây là khu đồng ruộng và hầm cá.
Tên lính ôm súng ngồi cạnh cửa máy bay bị xô ngã, vội nắm lấy thanh sắt ngang của bệ súng máy. Hắn nhìn thấy một bóng người vừa lao ra không trung.
- Có người bỏ trốn!
Tên lính la lên. Đồng hồ chỉ độ cao của máy bay chỉ mũi tên ở số 57 mét.
- Đứa nào trốn?
- Dạ chưa biết!
- Bỏ đi! Xuống tới đất thì cũng thịt nát xương tan rồi.
Cú tiếp nước của Ba Chiến như trời giáng. Lưng chị đập mạnh xuống mặt nước, đau điếng. Trước đó mấy chục giây rơi tự do trên không, gió rít ù ù bên tai, chị đã nhắm mắt chờ đợi cái chết. Sự may mắn giống câu chuyện thần thoại, hầm cá sâu đã cứu sống chị, chỉ bị choáng váng một lát. Chị lấy hơi, vừa lặn vừa bơi về phía bờ. Khi ngộp thở quá, chị ngoi lên thì thấy ánh đèn máy bay đã xa, tiếng phành phạch vẳng tới như tiếng cười của lão phù thủy. Nó tưởng mình chết rồi đó mà. Bò được lên đoạn đường đất thì chị đã định hướng được lối đi về núi Cát Sơn. Đường đi lối lại ở đây, chị khá rành từ hồi đi buôn bê, nghé. Đường tới núi Cát Sơn khá xa vì phải đi lối tắt, băng qua rừng, qua đồng vắng để không chạm mặt người. Toàn thân đau nhức. Vết thương bụng dưới rát bỏng, chảy nước mủ. Phải sống để trở về chiến khu. Chị không còn con đường nào khác.
Cô Bảy về tiệm may của chị Ba Chiến, chờ đêm đến thì bắc thang trèo lên cây dừa. Trên tầm cao khoảng ba mét là hốc cây thủng trét kín đất.
- Của quỷ gì trong đó hông biết?
Cô lẩm bẩm, tụt xuống thang kiếm cây rựa, rồi lại hồi hộp trèo lên. Bên trong hốc là bọc vải mưa gói kỹ lá cờ vàng ba sọc và túi giấy kiếng khá nhiều tiền, vàng. Một mảnh giấy loằng ngoằng nét bút chì với những con số và ký tự khó hiểu.
Mảnh giấy đó, sau này cô Bảy trao lại cho người liên lạc của Tư Danh. Lá cờ thì treo ngay trước nhà che mắt địch. Chị Ba Chiến như là biến mất khỏi quê nhà, ai cũng nghĩ chị đã chết ở đâu rồi. Mãi tới năm 1973, sau khi Hiệp định Pa-ri về Việt Nam có hiệu lực, mới thấy Ba Chiến về lại nhà má chồng, da hơi xanh mét nhưng người vẫn lành lặn, ưa nhìn. Chị tìm em gái, xin lại số tiền, vàng nhờ cất giữ, đặng tiếp tục buôn bán.
- Chị Ba giấu ở đâu, hay người ta lấy mất rồi, chứ em có thấy tiền vàng gì đâu!
Chị Ba khóc. “Thôi, của bỏ thí. Em gái mình chớ ai, nó tham lam thì lương tâm nó cắn rứt”. Nhưng có lúc nổi điên lên, chị Ba cũng chửi tắt bếp:
- Đồ khốn nạn! Gần mực thì đen mà! Xem bây có sống được giàu có không cho biết.
Lúc đó cô Bảy có hai đứa con, lấy chồng là lính địa phương quân. Cô cũng có lúc kể công kể đỗi, rằng nhờ lấy lính địa phương quân nên gia đình mới không bị làng xã làm phiền. Chị Ba Chiến nghe, chỉ nhổ nước miếng.
Sau khi nghe tin chồng có vợ ngoài Bắc, chị Ba Chiến được má chồng mai mối, đã có con với một người tử tế trong thôn. Sau giải phóng, chị vẫn một mình chăm sóc má chồng. Năm bả mất, anh Tịnh ở Nam Định được tin, về tới nhà đã chôn má được một tuần. Mọi việc đều một tay chị Ba lo liệu.