DANH “CÁN GÁO” MẶT ĐỎ TÍA NHƯ CON GÀ cồ. Cha nội này xuống sức rồi, ngồi chưa hết hai xị rượu mà đã sắp đứt bóng. Nhìn cánh tay hắn run run khi cầm chén cháo gà, Năm Chinh hỏi:
- Hồi này nẫu xuống sức rồi ha! Mới hết một xị mà tay run như thằn lằn đứt đuôi!
- Bậy nà! Bàn tay trái bị tật từ hồi tù Phú Quốc. Thằng cai ngục dộng cho một chiếc đinh vô giữa bàn tay, đến giờ nó cứ run run vậy đó.
Cuộc nhậu bữa nay do Danh “cán gáo” chủ xị. Hắn mang tới một con gà cồ, nhờ chị Ba Chiến nấu cháo, xé phay theo kiểu Nam Bộ. Món này chị Ba làm khá ngon, vì trước kia ông chồng là người miền Tây. Cái mặt hắn bữa nay ngó ngồ ngộ, không làm ra vẻ quan trọng vốn có của ông chủ tịch xã. Hình như hắn có điều gì muốn nói với Năm Chinh. Đó, giọng hắn chùng xuống, như muốn khóc:
- Mày đi tập kết không hiểu hết đâu Năm Chinh! Tụi tao ở lại nhục nhã, khốn khổ vì bị truy lùng gắt gao. Cha con Ngô Đình Diệm đó, nó săn tụi tao còn hơn săn chuột nữa. Hồi má bị thằng Trịnh trưởng đồn tra tấn tới chết, tụi tao đã lên kế hoạch trừ khử nó trả thù cho má. Chưa kịp mần thì tau bị chúng hốt vô khám rồi.
- Biết rồi! Biết rồi! Lúc đó thân cô thế cô, mầy đâu có làm được gì! Thôi, nói chuyện bây giờ cho vui đi cha nội! Tau phục hóa được hơn năm mẫu rồi đó. Có cho làm nữa thôi?
- Làm tới đi! Tau ủng hộ! Chớ xứ này có thấy ai chịu cực được như mày không? Cán bộ tập kết về, có chế độ hưu mà vẫn trần thân phát hoang phục hóa. Lần họp nào ở các khối đoàn thể mà tau không nêu gương.
Danh “cán gáo” giành chai rượu từ tay Năm Chinh, lắc lắc những giọt trong vắt cuối cùng, nhẹ rót ra ly. Cái chai chổng ngược đáy lên, một, hai, ba giọt rượu nhểu xuống. Còn được đúng một ly.
- Nữa hông? Một xị nữa ha?
Năm Chinh lắc đầu. Thôi! Còn đám đậu chưa vun gốc, chiều nay trời mát đang tính làm cho xong. Danh “cán gáo” tròn xoe mắt, khoe:
- Nè! Thằng con tao ra học trường cảnh sát ngoài Hà Nội!
- Dậy na! Thằng đẻ hồi “tố cộng” đó hả?
- Ừa! Nhờ có Luật 10/59, tau chui về hầm trong vườn nhà nằm mấy tháng, má nó mới có bầu thằng Hai Lâm. Sau đó mới nhoi lên thì bị chúng túm đầu liền chớ đâu. Con út Hạnh hồi năm “bảy lăm” tau về mới có. Mày ở ngoải nhiều năm, có mối quen biết nào giới thiệu giùm tau.
Năm Chinh cười hơ hơ:
- Được đi học ngành cảnh sát là Nhà nước đã xét lý lịch ba đời nhà mày rồi. Ngon lành mới được tuyển, còn nhờ cậy ai nữa. Ngoài đó, có mấy thằng bạn hồi đá banh cũng về hưu hết rồi. Hai thằng bên Tổng cục Đường sắt thì không liên quan gì tới công an.
- Mà được rồi! Để tau giới thiệu cháu nó tới ở bên nhà bà vợ cũ ngoài Hà Nội, mẹ con Minh Tuyết đó. Từ ngày ly hôn, bả chưa đi lấy chồng khác.
Danh “cán gáo” hỉ mũi. Thằng cha này đi công tác cả đời mà không biết gì. Trường cảnh sát có chỗ ăn nghỉ cho học viên, mắc mớ gì hắn phải lo. Hay là nói hắn ngồi sui với mình đi. Con nhỏ ngoài Hà Nội học ở Quy Nhơn ra trường lâu rồi mà.
- Hay là tau với mày sui gia đi! Con gái mày chắc cũng lấy chồng được rồi.
- Ừa! Nó tuổi Tí, năm nay hai mươi bốn rồi! Đang làm bên thương nghiệp. Thằng Lâm nhiêu tuổi rồi?
- Cũng tuổi chuột! Ngon rồi! Tụi mình ráp hai đứa lại đi! Hánh!
Năm Chinh hẹn khi nào ba con thằng Lâm ra Hà Nội, ông sẽ đi cùng, dắt tới giới thiệu với mẹ con Minh Tuyết đàng hoàng.
- Vậy hánh! Cứ báo tau biết thôi, còn tiền tàu xe tau tự lo.
- Đâu có được ông kẹ! Mà thôi tới đó hẵng hay. Sắp giỗ má rồi đó! Nhớ kêu tau ha!
Ủa, thằng này nó cũng nhớ ngày giỗ bà già nữa hả? Năm Chinh ngạc nhiên, nhưng với Danh “cán gáo” và mấy anh cán bộ giờ công tác trên tỉnh thì họ đều nhớ. Ngày bà Mười Hết bị địch bắt vô đồn họ đều biết, vì đang nằm hầm bí mật, lo ngay ngáy vì sợ bà già không chịu được đòn thù, khai ra thì chết cả đám. Ngày thứ năm, khi lính đồn kêu con cháu lên đưa bà Mười về, bà già đã rũ như tàu chuối héo, thở nặng nhọc. Về nằm nhà chị Ba Chiến được hai ngày, bữa thứ ba bà kêu Ba Chiến vô, chỉ mấy cây vải xếp gần giường, thều thào:
- Mang ra tiệm... Má sắp chết rồi!
Ý bà già nói hàng hóa mà để gần chỗ người chết thì khó bán, nên kêu chị Ba với cô Bảy chuyển ra bên ngoài. Hai chị em chuyển xong mấy cây vải, quay vô thì thấy má chết từ lúc nào, đầu trên giường, chân dưới đất. Vụ này Năm Chinh chỉ nghe chị Ba với cô Bảy kể lại, chứ lúc đó ông đang ở miền Bắc, má chết mà cũng không được biết.
Bà Mười Hết ở Cát Lâm vốn lì một cây. Hồi Việt Minh mới lên nắm chính quyền, bả có tham gia hoạt động bí mật. Rồi ông Mười từ miền Tây lên kiếm việc làm thuê, hai ông bà gặp nhau mới nên vợ chồng, đẻ một lèo bảy người con. Chị Hai bệnh chết khi vừa cưới chồng. Chị Ba, anh Tư đều liên quan tới cách mạng, chị Ba bị bắt, anh Tư hy sinh khi chống càn. Chú em thứ Sáu bị đau bụng chết mới mười tháng tuổi. Cô Bảy và cô Út còn nhỏ quá không tính, sau con Út cũng bệnh chết chứ đâu. Nỗi chết chóc làm Năm Chinh bàng hoàng. Ông từng chứng kiến cái chết thê thảm của ba mình. Hồi năm ấy má biểu ba chết vì tội... nhiều chữ quá. Lúc đó Năm Chinh không hiểu điều vô lý này. Ba ông là người giỏi chữ quốc ngữ nhất vùng. Trong lúc người dân được vận động đi học xóa mù chữ thì ông đã đi giúp người ta đơn từ, thưa kiện, rồi sau này giúp mấy ông cán bộ kháng chiến ghi chép, viết báo cáo, làm biên bản. Rồi một ngày, có lũ người hung tợn mang gậy gộc tới nhà kiếm ông, đánh cho một trận tơi tả không hiểu vì lý do gì. Bà Mười Hết đắp chiếu để thi thể chồng trong nhà ba ngày, đi kêu kiện với các cấp chính quyền mới, nhưng không có kết quả. Lúc đó đang đánh nhau với quân Pháp lại không có đủ lực lượng mà truy bắt lũ người gây án, thành ra ông già chết oan. Chính vì nỗi hận đó, Năm Chinh xung phong vô lực lượng tự vệ kháng chiến lúc mới 16 tuổi, với mơ ước ban đầu là có được cây súng trong tay, rồi sẽ tìm lũ người độc ác kia để trả thù cho ba.
Trong nhà, chị Ba Chiến ớn nhất thằng em thứ năm. Sức nó khỏe, đầu nó thông minh, nên phá phách cũng hạng trời gầm. Năm mười tuổi, Năm Chinh theo chị vô rừng kiếm củi, đã tới nhà xin phép ông địa chủ Trần Đại. Sau khi chị Ba cúi đầu chào, ông địa chủ lừ mắt:
- Đang mùa khô! Coi chừng củi lửa hông cháy rừng hánh!
- Dạ! Tụi con biết rồi!
Vậy mà vừa mới vô rừng, thằng Năm lôi đâu ra cái hộp quẹt nhôm của ba, vừa đi vừa bật lửa đốt đám cỏ khô cháy đùng đùng. Chị Ba hết hồn, la hét nó cùng bẻ nhánh cây tươi dập lửa. Lửa không bốc cao, chỉ cháy lem lém, nhưng vì chỉ có hai chị em nên chạy đầu này nó cháy đầu kia, tới gần hết ngày mới dập tắt hết. Xong đám cháy rừng, mặt mũi hai chị em đen nhẻm, tóc cháy khét lẹt. Lúc đó chị Ba Chiến mới đè sấp thằng em bất trị xuống, đạp vô hồi lên mông đít nó cho hả giận.
- Đồ mất dạy! Tối nay về tau méc má uýnh mày nữa!
Thằng Năm chẳng thèm kêu, mím chặt miệng nằm im chịu trận. Giờ nó mới biết sợ. Cứ cháy khu rừng này rồi, cả nhà có nước bỏ xứ mà đi trốn, chứ sống gì nổi với chủ đất.
Năm mười lăm tuổi, thằng Năm lại gây ra tội tày trời, là dám uýnh cả con trai địa chủ. Thằng Liêm là con út địa chủ Trần Đại, cùng lứa với Năm Chinh và hai thằng cũng chơi với nhau ngoài bãi chăn bò. Thằng Liêm chiều nào cũng ngồi trên lưng con ngựa nhỏ, lóc cóc ra bãi chơi với tụi trẻ. Nó thường xưng là Triệu Tử Long, quất ngựa chạy lòng vòng, cho bọn trẻ kia lé mắt chơi. Một lần Năm Chinh biểu:
- Mầy làm Triệu Tử Long miết, giờ cho tau mượn ngựa làm Quan Vân Trường coi!
Nhìn Năm Chinh xé lá chuối từng sợi nhỏ, cột dưới cằm làm râu, thằng Liêm cười ngất:
- Ngựa Quan Vân Trường gì mà lùn ỉn, đen thui hà!
Nó quất ngựa chạy ra xa, Năm Chinh vừa tự ái vừa quạu liền chạy vút theo kéo thằng Liêm xuống đất, đấm đá uỳnh uỵch vô lưng thằng nhỏ. Buổi tối, thấy ông Trần Đại cho người kêu cha con Năm Chinh tới hỏi tội, thằng Liêm năn nỉ:
- Tụi con giỡn thôi mà tía! Kêu họ tới chi mất công tía mệt nữa.
Cuối năm 1952, Năm Chinh một lần theo chị Ba Chiến đi họp đêm. Chị Ba Chiến vốn sợ ma, nên phải dắt thằng em theo, nhưng dặn nó không được đùa giỡn và phải giữ bí mật. Thằng Năm ngồi dựa vách ngủ gật, nhưng tai nó nghe rõ các chú, các anh bàn chuyện vận động bà con đi dân công hỏa tuyến, tuyển thêm thanh niên vào lực lượng vũ trang địa phương, chuẩn bị đánh quân Pháp ở An Khê. Chú đầu hớt cua, to cao chắc là chỉ huy, đang thông báo lại tình hình:
- Đây là vị trí rất quan trọng của địch, nhằm chặn quân ta trên lộ 19. Phải diệt ngay để giữ an toàn cho căn cứ miền Tây Liên khu 5. Chúng ta được giao nhiệm vụ kết hợp với E120 bộ đội địa phương, đánh tiêu diệt hai bốt địch ở Eo Gió và Đầu Đèo. Hiện nay E120 đang tuyển thêm bộ đội, đồng chí nào có sức khỏe thì đăng ký.
- Cho cháu đăng ký với!
Mọi người ngỡ ngàng nhìn thằng thanh niên còi đứng dậy bên vách tường.
- Ủa! Là đứa nào đây?
Chị Ba Chiến nhăn mặt:
- Trời ơi! Thằng em tui! Thôi, thôi! Mấy anh coi nó đi được, giới thiệu cho nó đi giùm tui. Ở nhà phá quá, chịu hết nổi rồi.
Chú chỉ huy cười khùng khục, cười té nước mắt:
- Chu cha ơi! Muốn đi bộ đội thiệt hả? Mai tới chỗ tau đăng ký, nếu ôm nổi cây trường Nhựt3 thì tau cho đi.
3 Nhật.
Ai dè thằng Năm Chinh đi đăng ký thiệt. Nó còn rủ thêm cả thằng Liêm con địa chủ Trần Đại. Cả hai thằng đều cầm nổi khẩu súng trường Nhật dài ngoẵng, đều khai man thêm một tuổi.
- Đánh nhau với quân Pháp, không có cà nhổng như ở nhà đi chận bò nghe chưa! Hai cậu đã trúng tuyển, giờ về nhà nghỉ hai ngày rồi tới đơn vị nhận nhiệm vụ mới.
Nghe nói tới nhiệm vụ mới, cả hai đều ham. Thằng Liêm ngó Năm Chinh, hỏi:
- Có về nhà nữa hông?
- Hông cần! Về rồi lỡ tía mầy với chị Ba tau hổng cho đi nữa làm sao?
- Ờ há! Vậy mình ở lại luôn đi!
Hai thằng ở lại, lẩn quẩn dưới bếp giúp anh nuôi bửa củi, lặt rau. Hai ngày sau mới tập trung nhận nhiệm vụ mới. Hóa ra cũng đông tân binh dữ. Có lẽ đến hơn trăm người. Hên là hai thằng về cùng tiểu đội. Nhiệm vụ mới của họ là học kiến thức quân sự. Xạ kích, lăn lê, bò toài, chọi lựu đạn. Đúng mười hai ngày thì xong. Cũng là dịp đầu năm Quý Tỵ, quân ta tổ chức đánh cứ điểm An Khê của Pháp. Rộn ràng quân đi, vũ khí reo lách cách. Nườm nượp bước chân dân công tải đạn, cáng thương. Đêm hôm trước, súng nổ đạn réo rầm trời ở đồn Kon Lía. Năm Chinh bắn bì bọp được năm viên đạn, thì lính đồn đã bỏ chạy hết.
- Đại đội 14 ở lại yểm trợ cho dân công thu dọn chiến lợi phẩm!
Có lệnh cấp trên điều xuống. Hai anh lính trẻ tròn mắt ngạc nhiên trước dãy kho địch bỏ lại, đầy rẫy những lương thực, quần áo, đạn dược. Dân công ào ào một đêm thì chuyển hết. Sáng hôm sau, lại có lệnh rút về trung đoàn đánh chặn hai đại đội địch từ thị xã An Khê nống ra. Nhưng khi C14 tới nơi, địch chịu không nổi hỏa lực của quân ta, đã rút về căn cứ cũ.
Thời gian này, quân Pháp tập trung cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngoài Bắc, trong này lâu lâu mới đánh một trận, cứ như đánh trận giả. Năm Chinh và Út Liêm vừa mới quen thuộc chiến trường, chưa bắn hết một cơ số đạn, thì đã nghe rục rịch chuẩn bị chuyển quân ra Bắc. Tin đó được Tiểu đội phó Phan Thành Danh, người cùng làng rỉ tai:
- Có Hiệp nghị Giơ-neo rồi! Hai miền Nam - Bắc chia đôi ở vĩ tuyến 17. Lực lượng cách mạng trong này sẽ tập kết ra Bắc. Tụi mình sắp đi hết rồi, có đứa nào sợ hông?
Út Liêm nhảy tưng tưng vì mừng.
- Tau đi! Tau đi! Làm trai cho đáng nên trai. Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng. Đồng Nai tau chưa biết, Phú Xuân tau cũng chưa biết luôn. Phen này thỏa chí tang bồng.
Năm Chinh có vẻ buồn. Nhà còn một mình là con trai lớn. Thằng Sáu còn nhỏ. Rồi má bả trông cậy vô ai. Bữa đó về phép, đem chuyện tập kết ra nói với má, bả nẹt:
- Giờ không đi, ở đây coi như nạp mạng cho địch. Anh Ba mày cũng đi kìa, có sao đâu?
Chị Ba Chiến bình tĩnh, vui vẻ nhất nhà:
- Có chi đâu! Ráng hai năm, tổng tuyển cử cả nước rồi lại về chớ gì! Lúc đó tui mới hai mươi ba, còn mặc sức mà sinh con.
Rất tiếc là ước mơ đó của chị không thành, vì sau này anh Ba chồng chị ở luôn ngoài Bắc, có vợ con, không trở về với chị nữa.
Cũng có nhiều người mang niềm lạc quan, tin tưởng vào sự sum họp như chị Ba Chiến. Nhưng khi chuyện chia ly diễn ra, mọi sự mới thật buồn thảm. Nước mắt của vợ chồng, cha con, anh em thấm ướt vòng tay ôm. Ánh mắt quyến luyến, giằng níu với một con đường quê mịn cát, một lối nhỏ vô rừng hay dãy núi nhấp nhô mấy mùa ẩn náu chiến chinh. Tất cả trở nên trống vắng, hoang vu đến rợn người, từ trái tim đến cảnh vật. Bà Mười Hết gói trong chiếc khăn rằn bộ bà ba nâu, xấp bánh tráng bột mì, dặn Năm Chinh đi đường lúc nào đói thì kiếm nước nhúng ăn đỡ. Bà mượn chị Ba Chiến hai chỉ vàng, đúc thành nhẫn giao cho con trai.
- Giữ mà phòng thân! Nếu có cưới vợ ngoài Bắc thì nói là nhẫn má cho con dâu!
Năm Chinh không có ý định cưới vợ Bắc. Từ ngày vô bộ đội, anh đã có người yêu là cô Loan mười bảy tuổi làm nghề thợ may. Loan xinh đẹp, dịu dàng theo kiểu gái quê. Cô cũng may tặng Năm Chinh chiếc áo sơ mi màu thanh thiên, hy vọng hòa bình mau trở lại để họ làm đám cưới.
- Hết hai năm, nhớ trở về hánh! Hông tui đi lấy chồng đó!
Cô hôn nhẹ lên má Năm Chinh, rồi chạy về phía sau, đứng trên một gò mối, nhìn đoàn quân nhộn nhịp bước chân, xa dần.
Tháng mười nôn nả trút những cơn mưa bất tận. Con sông Côn chậm rãi dâng nước từng phân từng phân, để rồi bất ngờ ngập lút những cánh đồng hai ven bờ. Những bước chân hành quân hối hả, giày dép ngập trong bùn đất. Áo mưa bay phần phật, chỉ che kín khẩu súng, còn phơi ra, thấm ướt những chiếc bòng nhỏ. Đồ dùng cá nhân phải hết sức gọn nhẹ, chỉ quan trọng là vũ khí đạn dược. Quần áo chỉ cần hai bộ, ra đến miền Bắc sẽ được cấp quân trang mới.
Cảng Thị Nại gió thổi ù ù, từng con sóng nhồi lên, quật mạnh vào bờ kè. Từng khối lính đứng tập trung thành những hình vuông, chữ nhật xám xịt. Chiếc tàu biển lớn của Ba Lan neo đậu sát cầu cảng, dập dềnh lên xuống. Mũi tàu nhô cao một đường vát chéo, màu sơn trắng trên thân và màu xanh thẫm bên dưới, vạch mớn nước còn cao. Hai cột buồm trên tàu như hai chàng khổng lồ, đứng dang tay chào đón những người lính đang rút khỏi trận địa của mình.
Đứng ở bãi cầu cảng, Năm Chinh cảm thấy lạnh run người. Có lẽ do thời tiết cộng với nỗi lo lắng hồi hộp trước một cuộc viễn chinh. Út Liêm tỏ ra thích thú, nghển đầu ngó nghiêng hết chỗ này tới chỗ khác. Bỗng hắn đập vai Năm Chinh, hét to:
- Coi kìa! Voi cũng lên tàu mày ơi!
Năm Chinh ngạc nhiên ngó nhìn lên. Cần cẩu đang chuyển một ông voi bị nhốt trong chuồng gỗ lên tàu. Những tiếng hò reo động viên bùng lên vài giây rồi bị nén lại. Năm Chinh ghé tai Út Liêm, nói rằng mình đã nhận ra con voi già có vết rách ở tai trái kia, chính là con voi tham gia chở vũ khí đạn dược chiến lợi phẩm trong trận đánh cứ điểm An Khê hai năm trước.
- Nãy giờ có ba ông voi lên tàu rồi! Nẫu đưa voi ra Bắc làm gì ta?
- Thì voi của bộ đội, giờ mình đi cũng phải mang theo chớ giao cho ai! Ra ngoài Bắc thiếu gì việc.
Khi đoàn quân từng tốp tiến về chiếc cầu thang hẹp, bắt đầu lên tàu, Năm Chinh mới phát hiện không thấy Tiểu đội phó Phan Thành Danh đâu. Hỏi anh em trong tiểu đội, ai cũng lắc đầu không biết. Chắc thằng chả nhớ vợ, chuồn ở lại rồi. Năm Chinh len đến chỗ anh Hòa Tiểu đội trưởng:
- Báo cáo anh! Không thấy thằng Danh đâu!
- Danh Tiểu đội phó hả? Từ chiều qua đã không thấy cậu ấy rồi. Thôi kệ! Chuẩn bị lên tàu! Kiểm tra lại súng đạn ha!
Dưới bãi cảng người đưa tiễn đông nghẹt. Trên boong tàu lính đứng chật, dồn cả về mạn trái. Hò hét ầm ĩ, la gọi tên nhau, nhắn nhủ hẹn hò. Không thể nghe rõ gì hết. Người ta giơ tay vẫy chào tạm biệt, bàn tay cụp ba ngón xuống, chỉ còn hai ngón hình chữ V. Út Liêm nôn nóng bên cạnh, hỏi Năm Chinh sao người ta giơ hai ngón tay lên ra hiệu cái giống gì?
- Trời quơi! Cái thằng...! Là hẹn nhau hai năm nữa trở về đó!
Út Liêm gật đầu ra vẻ hiểu, rồi há miệng cười hô hô, giơ hết cả năm ngón tay lên:
- Năm năm nha! Tui còn đi chơi khắp miền Bắc, năm năm sau mới về!
Cái miệng thúi của thằng Liêm linh nghiệm sao đó, mà tới hai mươi năm sau Năm Chinh mới trở lại Bình Định. Còn nó thì ở luôn ngoài Bắc, có lẽ năm mươi năm còn chưa muốn trở về.
Xuống hầm tàu, anh em chiến sĩ ở theo tiểu đội, chia nhau nằm trên dãy giường gỗ hai tầng ở hai bên sườn tàu, ở giữa chừa một lối đi khá rộng.
- Mấy ông voi nằm ở đâu ha? - Út Liêm hỏi, sau khi nhót lên tầng trên chiếc giường.
- Thì cũng nằm đâu đó trên tàu này chứ gì! Chắc tuốt dưới hầm tàu mày ơi!
Cán bộ đại đội nhắc nhở anh em trật tự, không chuyện trò ồn ào. Ai mắc tiểu đại tiện gì đi về phía cuối tàu có dãy nhà vệ sinh. Đến bữa sẽ có thủy thủ nước bạn chở cơm tới chia cho từng người. Phải tỏ ra lịch sự, không tranh giành, cãi lộn nhau. Năm Chinh bực bội chửi thề. Nhắc vậy mà cũng nhắc. Bộ anh em chiến sĩ quê mùa quá hay sao. Nhưng ngay đêm đó, điều được nhắc nhở không thừa chút nào. Các chiến sĩ có người bắt đầu say sóng, nôn ói mật xanh mật vàng. Có người nằm bệt một chỗ, buồn tiểu mà không lết nổi tới khu vệ sinh, cố tụt xuống giường rồi ngồi tiểu ngay trên sàn tàu.
Ba ngày lao đao rồi cũng qua, Năm Chinh chỉ nôn nao trong người chứ không bị ói mửa. Chiều đó biển động, mây đen thấp giăng kín trên đầu. Chiếc tàu cập biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, cách bờ khoảng một cây số.
- Kiểm tra hành trang, vũ khí. Chuẩn bị lên bờ!
Út Liêm xốc ba lô, lo lắng nhìn Năm Chinh:
- Ông nội tui cũng không biết bơi nữa. Bờ xa tít trong kia làm sao vô?
Chưa ai kịp trả lời Út Liêm, thì xuất hiện chiếc tàu chiến đen trũi, lầm lầm lao ra. Đó là tàu há mồm của Pháp, họ phải tăng bo vì trong gần bờ nước cạn, tàu lớn như Kilinski không vô được.
- Tàu Pháp hả? Tau không thèm xuống đâu!
- Không đi tàu giặc! Anh em ta quyết không đi tàu giặc!
Ồn ào phản đối một lúc, rồi đâu vào đó. Đoàn quân lần lượt xuống tàu há mồm, phải ba chuyến trung chuyển mới hết người. Năm Chinh xốc lại ba lô, bước vô cái miệng đen ngòm của chiếc tàu. Mũi bắt gặp mùi thuốc tẩy hay thứ thuốc gì đó rất khó chịu, tiếng hắt hơi vang lên đây đó.
- Má nó! Đúng là tàu thực dân! Thúi không chịu nổi!
Biển chiều le lói ánh mặt trời phía sau lưng con tàu. Sóng từng đợt hăm hở lao tới, rồi tan biến trên thành tàu. Khi tàu chạy gần bờ, bộ đội đã nhìn rõ đằng xa đông nghịt người, đỏ rực màu cờ vẫy chào. Người dân lấy những cây vầu to, bó lại thành những chiếc mảng, bắc cầu phao cho bộ đội lên bờ khỏi bị ướt giày và quần. Tiếng bước chân lạo xạo trên mặt cầu phao, sóng xô tới làm những bó cây vầu dập dềnh. Năm Chinh nắm tay Út Liêm nhảy xuống nước, lội ào ào vô bờ. Nước chỉ ngập ngang đầu gối. Những bàn tay già trẻ, trai gái từ phía bờ vươn ra, tranh nhau nắm tay các anh kéo lên. Những vòng tay mở ra, ôm chặt. Năm Chinh nhòe mắt vì cảm động. Anh nhìn thấy trước mặt mình là đám đông những tấm áo nâu bạc màu, vá víu bằng đủ thứ vải cũ khác. Những bộ mặt dù đã cố tươi cười mà không giấu được vẻ tiều tụy, đói khát. Đồng bào Thanh Hóa còn khổ quá. Vậy mà tối đó, tiệc liên hoan đón bộ đội miền Nam tập kết được tổ chức rất đầy đủ. Có thịt heo luộc chấm muối ớt. Có canh cá tươi, xương ninh khoai lang. Lúc chiều, Năm Chinh nhìn thấy hai em bé gái con chủ nhà mình ở trọ ngồi chải chấy cho nhau, quần áo rách hở cả sườn, nên lúc ăn tiệc xong, anh gói mấy miếng thịt mỡ định bụng mang về cho tụi trẻ.
Gia đình ngư dân có năm người, đều rút hết xuống bếp để nhường nhà trên cho bộ đội. Hai đứa trẻ nhìn thấy mấy miếng thịt mỡ thì sáng mắt lên, chảy nước miếng, nhưng chúng nhìn bố mẹ, rồi lắc đầu không nhận. Lúc gần tối, thấy Út Liêm chạy theo Năm Chinh, vỗ vai anh, kêu lên:
- Chết cha rồi Năm Chinh! Bà con ở đây cực quá! Tau thấy bữa ăn của họ chỉ có nồi cháo loãng với rau má.
- Để chút mình sớt cho anh chị chủ nhà vài ký gạo! Mình ra tới miền Bắc rồi, chắc được cấp thêm lương thực!
Vậy mà năn nỉ hết lời chủ nhà cũng không nhận cho. Út Liêm đem ruột tượng gạo bỏ vô trong buồng, lát sau thấy chị vợ mặt xanh mét lập cập xách ra trả lại:
- Mấy chú thương anh chị và các cháu... gia đình cảm ơn! Nhưng đừng cho gạo, cho thực phẩm. Cấp trên biết là khổ lắm!
“Vậy thì có cách rồi!” - Năm Chinh thốt lên. Đây có món bánh tráng đặc sản quê Bình Định, tui làm mời cả nhà với tiểu đội ăn cho vui. Cho vui thôi ha, hông bổ béo gì hết. Anh lấy bọc bánh tráng mà má dỡ theo cho, xin chủ nhà một thau nước lạnh và rổ rau má, món thịt heo luộc được thái chỉ từng lát mỏng. Bánh tráng cuốn rau má, thịt mỡ chấm nước muối ớt.
- Rồi! Mời bà con, anh em! Bánh tráng bột mì quê tui đó, ăn cho vui!
Anh em trong tiểu đội ngồi quây quần quanh chiếc nia. Chủ yếu họ cuốn bánh tráng mời chị chủ nhà và ba đứa trẻ, chỉ thỉnh thoảng mới nhấm nháp một miếng. Bọn trẻ hình như lâu lắm mới được một bữa ngon và no. Nước mắt những người lính âm thầm chảy. Con nít làm quen rất nhanh. Sau bữa bánh tráng đó, mấy đứa con nhà chủ đều quấn lấy chân các chú bộ đội, đòi đi xem phim cùng. Năm Chinh cười hết cỡ, hai tay dắt hai đứa trẻ ra bãi, tuyên bố xanh rờn:
- Mai mốt lấy vợ, tau đẻ luôn sáu đứa nuôi cho đã!
Hôm sau có buổi liên hoan văn nghệ với chi đoàn thanh niên địa phương. Những bài hát về quê hương, vùng miền mang nặng tình cảm của người đi xa. Mấy anh em lên ca bài chòi, lính trung bộ thì nhớ nhà chảy nước mắt, nhưng anh em thanh niên ở đây nghe chẳng hiểu gì cả, cứ vỗ tay ào ào, vỗ tay để động viên nhau. Tới hồi họ hát dân ca Thanh Hóa với những nhịp nhấn sống động “dô tá, dô tà, ấy mấy khoan ta dố tà” thì anh em lính cũng như vịt nghe sấm. Chỉ có bài giải phóng Điện Biên là ai cũng hiểu, cũng nhịp tay thật dồn dập, thật vang. Tới tiết mục múa sạp, mấy cô thôn nữ đầu chít khăn đen, quần đen áo gụ sờn vai mời các anh bộ đội miền Nam cùng múa. Bốn cặp cây nứa dài khoảng ba mét, gác trên hai cây vầu to. Hai người một cặp nứa đó, họ nhịp nhịp xuống cây vầu hai cái rồi gõ hai cây nứa với nhau một cái. Nhịp bốn “cạch cạch cạch! cạch”. Người múa đứng thành đôi, bắt đầu nhảy múa từ bên này qua bên kia, lần lượt hai bước vào khe nứa, hai bước ra bên ngoài. Người ta vừa múa vừa hát. “Sòn sòn sòn đô sòn. Sòn sòn sòn đô rê. Rê rê rê mí đô rê. Rê rê mí rê đô là...”. Năm Chinh vừa vỗ tay vừa hát nhẩm theo, một chút đã thuộc bài “Sòn sòn sòn đô sòn”, nhưng không dám nhảy múa. Thằng Liêm liều mạng bước vô sạp, cầm tay một cô thôn nữ lùn tịt, chân bước luýnh quýnh sai nhịp, bị hai cây nứa đập vô ống chân đau điếng.
Ba ngày sau, đơn vị bắt đầu hành quân bộ dọc đất Thanh, vừa đi vừa nghỉ lại nhà dân. Có nơi nghỉ một tuần, có nơi nghỉ nửa tháng. Hỏi cán bộ tiểu đoàn, Năm Chinh biết được từ đây vô xứ nẫu của mình gần chín trăm cây số. Xa quá là xa, mà con đường cứ tiến dần ra phía Bắc, nối dài khoảng cách hai miền. Mùa đông xứ Bắc nghiệt ngã và buồn tẻ. Những ngày chủ nhật, Năm Chinh thường mang chiếc áo sơ mi màu thanh thiên ra ngắm nghía, tính mặc đi chơi, xong lại thôi. Này là từng đường kim, mũi chỉ còn hằn dấu bàn tay nhỏ nhắn, búp măng của Loan. Anh sợ chiếc áo bị bạc màu, sợ tình yêu bị đứt đoạn. Biết vầy, xin má cưới nhỏ Loan cho rồi. Dù gì thì mình cũng người lớn, mười tám tuổi rồi chớ non nớt gì nữa. Ước gì nằm ngủ một giấc, tỉnh dậy đã thấy hai năm trôi qua. Lúc đó anh em tập kết sẽ lên hết một chuyến tàu hỏa, chạy suốt từ ga Hàng Cỏ tới ga Diêu Trì.
Rét tê tái. Gió đông bắc cứ veo véo thổi trên đường, từ nhà ra đến thao trường. Đơn vị đã bổ sung áo dài thu đông và cả áo trấn thủ nữa mà không đỡ rét. Có bữa lạnh quá, Năm Chinh phải lấy cả chiếc áo “lời hẹn hai năm” của Loan mặc ngoài áo lót, xong mặc thêm chiếc áo xuân hè, khoác áo trấn thủ và áo thu đông ngoài cùng, vậy mà chân tay vẫn buốt cóng. Buổi tối, lính ngồi sinh hoạt trên những chiếc ghế xếp tự đóng bằng bốn thanh gỗ và mấy đoạn dây bạt vốn là quai súng cũ, có người rét quá khoác cả tấm chăn mỏng lên người. Út Liêm học ở đâu rất nhanh một bài hát ngồ ngộ, mỗi khi sinh hoạt đơn vị hắn đều xung phong hát, anh em vừa vỗ tay theo vừa cười nghiêng ngả:
Sáng hôm nay, anh tôi vác súng
Vác súng ra thao trường
Anh bắn như thế này là anh bắn như thế kia
Như thế này là như thế kia.
Hỡi anh ơi! Anh chăm bắn súng
Bắn súng cho hăng vào!
…
Em yêu anh, em yêu anh, em yêu anh.
Bài hát rất dí dỏm, có ba đoạn, hai đoạn kia chỉ thay mấy câu đầu là: “Sáng hôm nay anh tôi vác cuốc, vác cuốc ra thăm đồng”, hoặc “Sáng hôm nay anh tôi vác búa, vác búa ra công trường”. Sau này thì đơn vị của Năm Chinh chia sẻ thành mấy nhóm. Nhóm làm nông, lâm trường thì “vác cuốc ra thăm đồng”. Nhóm vào nhà máy, công trường thì được “vác búa ra công trường”. Bắt đầu những năm tháng sống và lao động, rèn luyện trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Riêng Năm Chinh, sau này anh còn được đi học thêm văn hóa, rồi thi vào Trường Đại học Xây dựng. Được sống an nhàn một thời gian ở Thủ đô Hà Nội mà thời gian phũ phàng kéo qua cái mốc “hai năm” của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Anh đã có một cô vợ xinh đẹp người gốc Hà Nội, sinh ra được hai người con mang gốc gác Tràng An.