BÀ HỒNG THU QUÉN MẤY CHIẾC XOONG CŨ, xếp cả vào góc bếp. Chút nữa vợ thằng Thường đi làm về, nó sẽ dọn rửa. Ôi giời đất ơi! Tám mươi tuổi rồi mà còn khổ vì con, vì cháu.
- Thằng Thành đâu? Con Hường đâu? Có về ngay không! Chúng bay lại xúm xít dưới gốc cây xoài mút ngoài cổng chứ gì! Cấm nhá! Cấm đứa nào ăn xoài xanh đấy. Mấy hôm trước, đi Kon Rẫy thăm vườn tiêu, bà đã chứng kiến một thằng nhỏ người Thượng ăn nhiều xoài xanh quá, đi tống đi tháo chảy chết ngay tại gốc đấy. Chúng mày cứ xoài xanh ăn mãi vào. Có thế nào lại tội chết bà nội không trông nom.
Bà Hồng nhỏ người, thấp béo, đầu tóc bạc trắng chỉ còn vài lọn, đôi mắt sâu trũng, cái miệng lúc nào cũng mím chặt, toan tính. Con cháu chẳng ai ưa bà, toàn tìm cách ở xa. Cô Hiền con gái thứ, sau khi ngồi tù hai năm về tội vượt biên về, gom góp tiền bạc mở tiệm vàng ngoài thị xã. Chị Thảo ở với chồng dưới Bình Định, chỉ có người con trai út tên Thường là phải ở chung đất với mẹ. Cô con dâu là giáo viên tiểu học, đi dạy thì thôi, về tới nhà là nơm nớp sợ mẹ chồng như sợ cọp. Chiều ấy vừa về nhà, đang cọ rửa đống xoong nồi cáu bẩn cho mẹ chồng, nghe chó sủa, cô con dâu nhìn ra, thấy chị Thảo tay dắt, nách cắp hai đứa con gái đi vào.
- Mợ ơi! Chị Thảo lên chơi ạ!
Bà Hồng chui từ trong phòng sau ra, dửng dưng nhìn con gái với lũ cháu ngoại. Con bé Quyên nhanh nhảu khoanh tay chào:
- Thưa ngoại con mới lên!
Con nhỏ Trinh nhèo nhẽo bên nách mẹ, thấy bà ngoại thì khóc thét lên. Bà Hồng lạnh nhạt nhìn hai đứa cháu, hỏi chị Thảo:
- Thế mày không gửi ai được mấy hôm mà đi chơi à? Cắp theo cái nòi này lên đây làm gì?
- Mợ nói hay thật! Các cháu còn nhỏ, con không mang theo thì gửi ai? Các cô nó thì bận buôn bán. Ba nó thì suốt ngày chận bò, làm rẫy…
Chị vừa nói vừa quệt nước mắt. Bà Hồng nguây nguẩy quay lại, miệng xan xát:
- Thôi đừng nước mắt dài hơn người! Xin mời quý khách vô nhà! “Có con mà gả chồng xa. Một là mất giỗ hai là mất con”.
Chị Thảo vốn biết bà ngoại lũ nhỏ chẳng ưa gì ba chúng. Cán bộ thì đã sao? Chẳng phải bà đang ở với họ đó thôi. Mấy năm trước, không có thằng rể bảo lãnh, con gái bà là cô Hiền còn ngồi tù rũ xác, chứ lại được tha trước thời hạn hử? Chẳng qua là có hai đứa con riêng gửi bà ngoại nuôi giúp, lâu lâu chị muốn về Kon Tum thăm con. Chứ cả như bà ngoại, chị chẳng cất công đi làm gì cho tốn tiền, mệt xác. Tại sao bà cứ ác cảm với chồng chị? Vì ông già hơn chị hai mươi tuổi à? Phận đàn bà mười hai bến nước. Trong nhờ đục chịu. Chị chỉ cần được yêu thương che chở chứ cần gì trẻ hay già, giàu hay nghèo. Buổi tối, bà Hồng nhai trầu chọp chẹp, chờ cho hai đứa cháu ngoại ngủ rồi, mới thẽ thọt với con gái:
- Mợ thương con thì mới nói. Con nghe hay không thì tùy. Chứ thấy con khổ sở mợ xót lắm. Ngày xưa con ăn trắng mặc trơn, đi đâu cũng như bà hoàng, lên xe xuống ngựa. Bây giờ nhìn có giống mấy con ăn mày không?
- Kệ con!
- Kệ thế nào được! Con tôi thì tôi phải thương. Thôi hay mợ bàn thế này. Con đem trả hai đứa trẻ cho ba nó nuôi, về trên này với mợ. Rồi mợ sẽ kiếm cho tấm chồng khác tử tế hơn.
Chị Thảo nóng rần rần trong đầu, nước mắt tự nhiên tuôn lã chã.
- Thế hai đứa này không phải con của con à? Mợ nói thế mà nghe được? Mợ cứng rắn thế, sao trước kia không ở Nam Định cho sướng, còn vác con chạy theo cậu vào tận đây làm gì? Mà ông ấy có thương yêu gì mợ đâu!
Bà Hồng giận con tím mặt. Thì ra nó nhổ vào mặt bà đây. Hoàn cảnh hồi ấy khác, bây giờ khác. Nói cho công bằng, ngày xưa bà hơi kém sắc, chứ không được đẹp như mấy đứa con gái bây giờ. Chúng nó giống cha, cao ráo, thon thả, mắt phượng mày ngài, chứ không lùn tịt, béo tròn như mẹ. Cái sống mũi dọc dừa kia thì in của cha nó chứ lẫn ai vào đó nữa. Nhưng nếu không có lá gan cóc tía của bà, chắc gì chúng nó đã có được người cha đàng hoàng sau này.
Gia đình bà Hồng trước năm 1945 thuộc loại phú hào ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Cô Hồng mười sáu tuổi, má đỏ rực, mắt lá răm lúng liếng, ngực đã căng vồng, buộc tóc đuôi gà, Được cậu mợ cho lên thành phố học trường Sanh-tô-mát. Nhưng mà cái thời ấy, con gái học nhiều cũng chẳng làm được thứ gì, ngoài việc mơ mộng vẩn vơ và học đòi lãng mạn. Cô suốt ngày chúi đầu vào đọc tiểu thuyết của Khái Hưng, đắm đuối với tình yêu thanh tao, thoát tục của Ngọc và Lan trong “Hồn bướm mơ tiên”, mơ tưởng tới mối tình cao đẹp, phi giai cấp của Hiền và Vọi trong “Trống mái”. Đến nỗi năm mười bảy tuổi cô đã có vài mối tình vắt vai, bỏ bê học hành, theo sang quản lý cái Săm (Chambre) cho bà cô bên phố Bóng Đèn. Nói cho sang là quản lý, nhưng thực chất là trông nom, giám sát đám phụ nữ làm nghề hát cô đầu, bán dâm trong nhà thổ. Mấy cô gái quê được tuyển lên hay thiếu nữ từ Hà Nội xuống. Nói chung là họ tài giỏi, đủ các món “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”. Có loại ngồi suốt ngày đêm hầu mấy ông quan bản địa hát chầu văn, tom chát chán thì dắt nhau đi uống rượu rồi lên giường. Có loại chờ lính Tây da đen, lính khố xanh người thiểu số tới, một chốc, một lát bị đè ra, hùng hục như trâu bò, mệt lử mệt lả. Cái Săm của bà cô có tới mười hai cô gái ăn ở, hành nghề bên trong. Những cái Hĩm, con Hến, con Mò, nay có tên mới là các cô Hồng, Đào, Tuyết… sang trọng, xinh đẹp. Trong thời gian quản lý đào, đón khách nam, cô Hồng có dịp làm quen vài người mà cô có cảm tình. Có vài người được cô yêu mến, cho phép “con ong đã tỏ đường đi lối về”. Cũng là mơ mộng, rồi buông thả cho biết mùi đời, chứ cô chưa gặp được ai tâm đầu ý hợp. Cho đến khi gặp công tử họ Bùi từ Hòa Bình xuống.
Chiều muộn, cô Hồng vừa trang điểm xong thì có khách. Hai người đàn ông cao dong dỏng, râu quai nón như anh em sinh đôi bước vào. Cô Hồng thoáng như bị điện giật. Hai vị khách này quá đẹp giai, một người Pháp, một người Việt. Nụ cười của cô thiếu tự tin khi chào khách bằng tiếng Pháp. Thanh niên người Việt cúi đầu hơi thấp:
- Bonjour Je suis le adjudant Bui (Chào cô! Tôi là phó quản Bùi!).
Rồi chàng giơ tay lịch sự sang người bạn Pháp:
- Capitaine Dex Bou! (Ngài quan ba Đờ Bô!).
Cô Hồng lúng túng, hỏi chàng trai Việt:
- Các ông cần gì ạ?
- J’ai besoin d’une femme intelligente! (Tôi cần một người phụ nữ thông minh).
- Vâng ạ! Nếu cần một phụ nữ thông minh thì có tôi đây ạ!
Cô quay sang nói với chàng người Pháp:
- Jesuis une telle personne! (Tôi là một người thế đấy).
- Bon aussi! (Rất tốt!).
Anh chàng tóc vàng gật đầu lia lịa. Họ uống hết một chai Boóc-đô, rồi chuyển sang ăn đêm, món gà quay với rượu Ty, loại rượu trắng khá nặng do nhà nước quản lý. Một cô xinh đẹp tên Tuyết được gọi lên cùng ngồi tiếp khách với cô Hồng. Lúc khách đã ngà ngà say, cô Hồng nháy mắt ra hiệu cho Tuyết dắt chàng quan ba người Pháp về phòng. Cô còn ngồi tâm sự với chàng công tử Việt.
- Tôi là người Mường Hòa Bình cô ạ! - Chàng trai giơ ly rượu lên ngang tầm mắt, ngắm nghía một thoáng, rồi mới đưa vào miệng, nhấm nháp.
- Con trai người Mường rất đẹp trai, hào hoa đấy ạ! - Cô Hồng đưa đẩy, nịnh nọt.
Chàng nói tuy là họ Bùi, không danh giá bằng bốn họ “Đinh - Quách - Bạch - Hà” ở Mường Động, dòng họ không ai được làm tới Lang đạo, Lang cun, nhưng cũng thuộc loại Âu eng, có của ăn của để. Chàng khoe cha mình có một tiệm may Âu phục lớn nhất Hòa Bình, quan Tây, quan ta lúc nào cũng tin tưởng, đến đặt may vét-tông.
Cô Hồng nhìn chăm chú vào khuôn mặt điển trai đang đỏ dần lên. Cái mũi cao ngạo rất đàn ông và cặp mắt xếch. Ôi giời ơi! Sự quyến rũ chết người ở cái miệng rộng vừa phải và hàm răng đều, chắc. Anh chàng này đào hoa lắm, nói chuyện cứ thủ thỉ thù thì, chết con gái người ta lúc nào không hay. Chàng kể nhà mình giàu, nên chẳng phải đi học đâu cho vất vả, ông bố đón thầy giáo từ Hà Nội lên, dạy học cho mấy anh em ngay tại nhà. Chàng nói làu làu tiếng Pháp, nên vào lính tập một thời gian là được phong chuẩn úy, làm phó quản cho ngài quan ba kia.
- Ồ ồ! Tuy hơn moa đến ba cấp, nhưng quan ba rất bình đẳng và thân tình như anh em. Chúng tôi cùng tuổi và cũng rất phong trần. Đúng không?
Cô Hồng như mê muội trước cặp mắt đa tình của chàng chuẩn úy họ Bùi, nên gật đầu như cái máy:
- Oui! Oui!
Rồi thì cô cũng dụ dỗ được chàng họ Bùi vào nghỉ ngơi trong phòng riêng của mình. Trên đúng chiếc giường gỗ gụ cô từng quấn quýt với vài chàng trước đó. Sáng hôm sau, chàng họ Bùi thức dậy trong cơn đau đầu khủng khiếp, thì thấy cô Hồng trần như nhộng, khoác hờ tấm rap mỏng, gục đầu khóc nức nở. Trước mặt cô là chiếc khăn tắm trắng muốt, ở giữa loang một vệt đỏ tươi. Chai thuốc đỏ cô đổ vội nên loang ra hơi nhiều, so với mấy giọt máu từ màng trinh.
- Pourquoi? (Tại sao vậy?).
- Không sao ạ! Em đã hiến dâng sự trinh tiết cho anh rồi. Bây giờ em biết sống sao đây?
Cô lại khóc nức nở, hỉ mũi xoèn xoẹt, chùi vào tấm vải.
- Tôi xin lỗi! (Désolé vous!).
Chàng ta uể oải vươn vai, mặc quần áo rồi lấy ra một đồng bạc Đông Dương, đặt trước mặt cô Hồng. Cô gào lên:
- Em không cần tiền! Em cần trái tim của anh!
Chàng công tử họ Bùi tỏ ra là người ăn chơi sành sỏi và từng trải. Chàng ta giả bộ ôm lấy đầu cô Hồng vuốt ve, hôn nhẹ lên trán cô:
- Em cứ yên tâm! Coi như trái tim tôi đã thuộc về em! Bây giờ tôi phải đi tìm ngài quan ba và về đơn vị. Lệnh nhà binh nghiêm lắm.
Như lời hứa, trong khi tiểu đoàn 1 của quân Pháp còn đóng quân gần thành phố, Bùi công tử có đến thăm nhà Săm của cô Hồng vài lần nữa. Khi thì đi một mình, khi thì đi với quan ba Đờ Bô. Lần nào tới, hai sĩ quan cũng được tiếp đón thịnh tình, tất nhiên bằng tiền của cô Hồng. Sau Tết Giáp Ngọ (1954), khi nghe cô Hồng thông báo đã có thai và muốn tổ chức đám cưới, công tử Bùi đột ngột mất tăm mất tích. Cô Hồng không phải là người dễ bị lừa gạt. “Đừng tưởng là công tử nhà giàu mà muốn đóng vai họ Sở nhé! Bà thì truy tận gốc dây mơ rễ má, thúc bá đệ huynh, tam huỳnh, tổ khảo nhà mày nhé”. Cô bỏ việc, thuê xe kéo lên tận đồn lính tìm người tình. Nhưng quan lính họ rút đi từ tám đời rồi. Có người bảo đơn vị đồn binh Pháp - Việt ra hết ngoài Hải Dương, chuẩn bị rút vào Nam theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Cô Hồng lo lắng mất ăn mất ngủ. “Thế này thì mất cả chì lẫn chài à? Không được! Mình không thể mất chồng”. Như vậy là có lý do họ bị chuyển đi đột xuất, chứ chưa cạn tình với cô. Trai thời loạn đôi khi chịu hy sinh nhiều bề. Phận nữ nhi không gánh vác việc núi sông được, thì cũng nên giúp người ta trọn tình thủy chung. Cô Hồng về khóc một đêm, sưng húp con mắt. Hôm sau cô thu gom vàng bạc tiền nong cho vào một túi, quyết đi tìm bằng được công tử Bùi.
Đúng là trời muốn thử thách tấm lòng kiên trinh của cô. Sau khi rủ được một người chị họ đồng ý vào Nam làm ăn, với cam kết cô Hồng sẽ lo tiền đi đường và vốn liếng sau khi tới nơi. Họ lên Hà Nội, đi tàu hỏa về Hải Phòng. Đang định lộn lên Hải Dương tìm người, thì có tin đơn vị lính tập đã tập kết ở Hải Phòng, chuẩn bị lên tàu há mồm vào Nam. Dù bụng chửa vượt mặt, cô Hồng không cảm thấy mệt mỏi. Người chị họ phải kêu lên:
- Dì làm gì mà như ma đuổi thế! Phải chú ý giữ gìn cho cái thai chứ.
Cô Hồng cười, lau mồ hôi trán:
- Không sao đâu ạ! Cháu nó cũng sốt ruột muốn gặp lại cha nó đấy.
Dòng người đổ xuống bến cảng như nước chảy. Một dòng nước đen thui, nhếch nhác, bẩn thỉu, chầm chậm chảy vào cái miệng toang hoác của chiếc tàu chiến Mỹ mang số hiệu 803. Những bàn chân trần lem luốc, từ rất nhiều vùng đất vượt trăm ngàn dặm về đây. Chị gái họ nắm chặt tay cô Hồng, nhìn chăm chăm vào chiếc tàu như nhìn con quái vật, đang nuốt chửng từng đoàn người gồng gánh, cõng bế nhau đi tìm vùng đất mới.
- Sợ quá dì ạ! Mình có nên đi không?
- Đi! Bước chân đi cấm kì trở lại! Chị đừng sợ. Vào trong ấy làm ăn dễ hơn, lại không có chiến tranh.
Chị gái họ nhìn những người nông dân đang hối hả bước xuống tàu, bàn chân đất không chút ngập ngừng, thêm vững lòng vì quyết tâm của cô Hồng.
- Đi thì đi! Đi luôn dì ơi! Đứng mãi đây rối ruột lắm. Mà xuống trước còn có chỗ mà ngồi.
- Chị lo bò trắng răng! Chiếc tàu to như cái chợ thế kia...
Xuống tàu rồi, trước khi bước qua một cánh cửa rộng, họ bị dừng lại, bắt cởi bỏ quần áo. Cô Hồng giãy nảy lên không chịu. Tại sao bắt phụ nữ cởi quần áo giữa chỗ hàng trăm con người thế này. Một phụ nữ nước ngoài có cặp mắt vàng thau giải thích, họ cần phải được phun thuốc diệt chấy, rận trước khi lên tàu. Một tên người Việt mặc quần soóc trắng làm phiên dịch, vừa cười vừa nói lại như vậy. Nghĩ đến chấy rận, cô Hồng rùng mình. Bản thân chưa bị chấy rận, nhưng cô đã từng thấy chúng, từ cơ thể của mấy cô gái quê mới lên thành phố. Trước khi thay một cái tên dễ gọi, các cô còn phải trải qua một trận chiến kịch liệt để trừ khử thứ ký sinh trùng bẩn thỉu, nhung nhúc trên đầu, trong cạp quần. Nghĩ vậy nên cô mạnh dạn cởi quần áo, còn liếc qua ngắm bầu vú căng sữa, núm đen sì.
Ba ngày sau, trong góc tàu há mồm, có tiếng oe oe trẻ sơ sinh. Cô Hồng trở dạ đẻ con ngay trên tàu, người đàn bà kiên cường ấy giục người chị đi xin cho mình một ấm nước sôi, rồi tự lo cho cả hai mẹ con. Bùi Thanh Thảo đã sinh ra như vậy, cuống nhau của cô được cuốn vào chiếc áo cũ của mẹ, ném xuống biển, báo hiệu cho một số phận đầy sóng gió, gian khổ.
Chị Thảo chờ hai đứa con riêng đi học về, cho bốn anh chị em chúng chơi với nhau một buổi, cuốn cho thằng Thành, con Hường mấy chiếc bánh tráng bột mì mà hai đứa thèm ăn từ ngày xa mẹ. Xong bấy nhiêu việc, chị sẽ cho hai chị em con Quyên, con Trinh về Bình Định. Thực lòng chị không ưa mẹ, ngay từ cách bắt các con xưng hô theo kiểu cách thượng lưu Bắc Bộ, rằng cha mẹ thì phải gọi là “cậu, mợ” nó mới sang. Cha chị rất thích các con gọi theo giọng Mường là “bố, mế”, nó tình cảm, gần gũi hơn. Nhưng đời nào bà mẹ chịu nghe. Từ hồi lấy chồng có con, chị gọi mẹ là bà ngoại, thay con, tránh cái tiếng “mợ” kệch cỡm kia.
Anh em thằng Thành, con Hường phải ở với bà ngoại. Nhà cửa, điền sản của ba chúng phải để bà Hồng quản lý, giám hộ. Như vậy chị Thảo mới được đi bước nữa với ông Năm Chinh sau này. Chị nghĩ cái vận đen cuộc đời, cũng là do mối xung khắc mẹ con đem lại. Năm ấy chị mới 18 tuổi, đang là sinh viên năm nhất Đại học Văn khoa Sài Gòn, mà đã có mấy chàng đẹp trai đeo đuổi. Nhưng lì lợm nhất là trung úy Hoàng, đại đội trưởng bộ binh thuộc trung đoàn 42, quân lực Sài Gòn. Anh chàng này cao lớn, đẹp trai, lại con nhà giàu, cùng dân Bắc di cư nên bà Hồng kết lắm. Là dân được học hành, lại đọc nhiều sách nên mở miệng là bà nói có câu có vần. Bà nói với hai đứa con gái “Một đêm nằm đất với chàng bán hương, hơn cả đời nằm giường với thằng bán cá”. Quan điểm của bà là như vậy, phụ nữ cần thực dụng. Bà lấy ngay mình ra làm tấm gương cho các con: “Tao vừa lùn vừa kém duyên, mà cua được cậu chúng mày đẹp giai con nhà giàu”.
Cho nên, khi chàng trung úy mang lựu đạn tới nhà hỏi Thảo làm vợ, dù chồng không ưa, bà vẫn giục con gái đồng ý ngay.
- Con còn phải học cho xong đã!
Thảo ôm mặt khóc. Bà Hồng vỗ về:
- Lấy chồng vẫn học được mà con! Chứ mày từ chối, thằng Hoàng cho nổ lựu đạn chết cả nhà hả?
Cô sinh viên xinh đẹp vừa học vừa làm vợ, vừa ôn bài thi vừa mang bầu. Năm 19 tuổi Thảo đã làm mẹ. Hai mươi tuổi có bầu đứa thứ hai thì chồng tử trận, cô trở thành góa phụ. Cô đâm ra oán hận mẹ, người đã gián tiếp xô đẩy cô vào số phận oan nghiệt. Mỗi lần nghe con gái buồn khóc, trách móc, bà Hồng lại giận dữ:
- Chồng tử trận thì đã sao? Còn trẻ đẹp thế kia thiếu gì người rước. Ít nhất thì mày vẫn có lương nuôi con. Ngày đẻ ra mày, mợ chỉ một thân một mình, nhục như chó ý. Mày biết không?
Chuyện ấy thì bà kể mãi rồi. Từ hồi cha còn sống, ông đã từng gạt đi, rằng bà đừng kể những chuyện ấy nữa. Nó làm các con buồn mà ông cũng bị ám ảnh, ân hận. Sau khi chồng tử trận một năm, cha Thảo cũng ốm đau, qua đời. Điều thanh thản nhất lúc nhắm mắt xuôi tay của ông là không phải nghe bà vợ kể lể về những ngày bà ôm con đỏ đi tìm người tình. Đến lúc chồng mất, chắc bà Hồng vẫn chưa hiểu nổi tâm sự của ông, một người đàn ông có học, đào hoa, phong nhã. Bà tự hào vì đã đeo đuổi đến cùng, đã “bắt” được ông, chứ không cần biết ông suy nghĩ ra sao về bà. Sau khi ôm con lên tàu, bà Hồng cứ nghe theo người khác nói đơn vị đóng quân ở đâu là ẵm con theo tới đó, mở quán bán cà phê thuốc lá, hàng tạp hóa cho lính để kiếm sống, cũng là hy vọng sẽ gặp được công tử họ Bùi. Vậy mà tới năm bé Thảo ba tuổi, bà mới tìm được ông. Lần đó ngồi trong một quán nhậu, công tử Bùi lúc đó được phong từ phó quản lên chức đội, chợt thấy một phụ nữ dẫn đứa con gái đi ăn phở. Con bé rất xinh, sống mũi cao, đôi mắt sáng và đôi chân mày xếch lên nhìn rất quen thuộc. Đội Bùi chợt thấy nó giống mình. Như có thần giao cách cảm, con bé cũng vừa ăn vừa nhìn sang viên sĩ quan cao lớn.
- Xin lỗi! Đây là con gái chị à?
Người chị họ lúc đó cũng ngờ ngợ đây là đối tượng em mình truy tìm, nên trả lời có chủ ý:
- Thưa ông, không phải ạ! Cháu là con của em gái họ tôi. Dì ấy ôm bụng bầu đi từ Bắc vào Nam tìm chồng, đến nay con gái ba tuổi rồi mà vẫn chưa tìm thấy. Dượng ấy cũng là lính như ông đây.
Đội Bùi không nói gì, quay sang nhậu tiếp với bạn hữu. Một lúc sau anh ta bước qua bàn của hai dì cháu, vuốt tóc con bé:
- Cháu xinh quá! Cháu tên gì?
- Dà Xanh Xảo ạ!
- À à! Thanh Thảo phải không! Mẹ cháu tên gì?
- Mẹ Dồng!
Chị phụ nữ đỡ lời:
- Mẹ cháu là Nguyễn Thị Thanh Hồng! Cháu là Bùi Thanh Thảo ạ!
Hình như người đàn ông cảm động, một giọt lệ chậm lăn ra khóe mắt. Có lẽ cũng do uống đã nhiều rượu. Anh ta năn nỉ xin chị cho gặp mẹ cháu bé. Cũng chẳng xa xôi gì, vì cô Hồng mở tiệm tạp hóa ngay sát hàng rào kẽm gai của đồn lính ở Hố Nai - Biên Hòa. Cuộc hội ngộ như trong mơ. Cô Hồng lúc cười, lúc khóc, mơ mơ, tỉnh tỉnh suốt một tuần. Từ một người phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, cô Hồng trở thành bà đội Bùi. Đám cưới nhà binh được tổ chức vội vã, vì lúc đó tình hình đang biến động. Những đơn vị lính tập của quân Pháp để lại, được chuyển sang quân đội quốc gia của quốc vương Bảo Đại, một số xin giải ngũ về với gia đình. Trong đó có đội Bùi, vì anh ta đã có một gia đình đúng nghĩa. Họ dắt díu nhau lên tàu hỏa, quay trở ra đến vùng Phù Mỹ - Bình Định thì dừng lại lập nghiệp. Đội Bùi đưa cho vợ cọc tiền trợ cấp sau giải ngũ:
- Mợ cầm lấy thêm vốn buôn bán. Tôi đàn ông chẳng biết làm gì đâu!
Cô Hồng cười khanh khách, gạt đi:
- Gớm! Em mà chờ tiền của cậu thì chết đói lâu rồi. Tiền vàng em còn nhiều, cậu cứ giữ lấy mà tiêu xài.
Mãi sau này cô Hồng mới thấy hối hận vì đã không nhận tiền giải ngũ của chồng. Giá trị cũng mười mấy cây vàng chứ ít đâu. Năm Mậu Tuất, họ sinh thêm một cô con gái đặt tên là Bùi Thanh Hiền. Đội Bùi lấy cớ buồn vì không có con trai, nên kiếm cớ chơi bời chỗ này chỗ kia, có khi vào tận Sài Gòn. Số tiền không mấy mà hết, còn hệ lụy theo hàng tá các cô gái bám sau anh ta, như bản tính thích ăn chơi từ hồi là công tử nhà họ Bùi. Đùng một cái, có tin dữ. Đội Bùi lại bị bắt lính. Lần này là lính quốc gia của ông Ngô Đình Diệm. Trước đó, chính phủ của quốc vương Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm phế truất, lập ra chế độ thân Mỹ. Đội Bùi khai là thiếu úy lính khố xanh Pháp. Họ cười khẩy, không tính đến đội quân lạc hậu ngày xưa. Giờ quân đội Sài Gòn khác rồi, hiện đại, văn minh hơn. Tuy vậy, biết đội Bùi từng quản lý quân đội, họ cho vào trường hạ sĩ quan ở Đồng Đế - Nha Trang học một khóa sáu tháng, phong cho cấp trung sĩ, rồi điều tuốt lên Tây Nguyên.
Một sáng tháng mười, mưa gió dầm dề. Mẹ con cô Hồng bỏ lại hết vật dụng gia đình, chỉ mang theo tiền, vàng, quần áo, ngồi xe nhà binh chạy một mạch lên Kon Tum, theo chồng. Trung sĩ Bùi bận đồ lính mới, quân phục thời ông Diệm bó gọn gàng, vải xanh biếc, đẹp hơn thời Pháp lụng thụng màu cứt ngựa. Tiếng mưa ràn rạt lên lớp mui bạt, tiếng máy ầm ì nhức đầu, mùi dầu, khói khen khét. Cô Hồng tay ôm con, ngồi tựa lưng vào chồng, miệng lẩm bẩm không dứt:
- Mất hết! Mỗi lần chuyển là mỗi lần mất...
- Mợ nói ít thôi cho con nó ngủ.
- Em nói có bằng tiếng máy xe không? Ngủ hay không kệ nó! Đang tiếc đứt ruột, cái tủ kiếng bán hàng vừa mới mua hai trăm bạc giờ bỏ lại. Lần trước từ Hố Nai ra, cũng bỏ mất bộ sô pha da đắt tiền. Cứ chuyển đi chuyển lại thế này, nghèo mục xương ra.
Nghe vợ phàn nàn, Bùi chỉ cười. Thời chiến tranh, giữ được mạng sống mới là quý nhất. Của cải là vật ngoại thân, có khi tham lam quá mà chết. Chuyện này anh đã chứng kiến mấy lần rồi, đám lính dưới quyền phó quản Bùi ngày trước, đi hành quân, vào nhà dân cái gì cũng muốn lấy. Gạo nếp, gà vịt, thậm chí tượng đồng, bát hương gì cũng nhặt. Đến lúc bị Việt Minh phục kích, vẫn còn cố giữ mà chạy, chết vì chậm chân.
- Lên Kon Tum, ổn định chỗ ở, tôi khắc đi kiếm đồ dùng về cho mợ, khỏi phải mua.
Cô Hồng cười nhạt. Ông tính nết trăng hoa, lại đi như ngựa vía. Chờ được ông mua sắm cho thứ gì mới lạ. Nhưng cô là người mát tính, nhẹ nhàng nói với chồng:
- Thôi thì trăm sự mẹ con em nhờ vào cậu!
Mọi sự đều không như vậy. Nói tóm lại là cô Hồng chẳng được nhờ vả gì ở chàng trung sĩ hào hoa. Vừa ổn định tiệm phở gia truyền Nam Định ở Kon Tum, cô tá hỏa khi nghe tin chồng có bồ nhí bên Đà Lạt. Lại phải giao công việc cho người chị họ, nhờ chị ấy trông hai đứa trẻ. Từ ngày vào Nam, chị họ lấy chồng làm nghề thợ mộc, người Huế. Cô Hồng đi đâu cũng kéo vợ chồng chị theo, cấp cho ít vốn làm ăn, giữ đúng lời hứa từ hồi chưa di cư vào Nam.
Tìm được đơn vị của chồng, cô Hồng chết sững khi gặp cảnh anh đưa tiễn một lúc ba cô nữ sinh Đà Lạt áo dài trắng thướt tha, áo khoác len hờ hững ra khỏi cổng doanh trại. Cô nào cũng trẻ trung, xinh đẹp, thấy mặt cô thì chào hỏi ríu rít.
- Đứa nào là bồ của cậu?
Trung sĩ Bùi chưa kịp trả lời, thì cô mặt tròn, mắt sắc dao cau cúi chào lần nữa:
- Dạ là em đó chị! Trung sĩ buồn vì sanh toàn con gái, em tình nguyện tặng ảnh một baby mà ảnh chưa dám nhận!
Họ cười râm ran, chào tạm biệt rồi ra về, những tà áo dài lởn vởn níu bước chân như lưu luyến. Cô Hồng ngậm bồ hòn làm ngọt, ngủ với chồng một đêm rồi về Kon Tum sớm. Cô nghĩ ra cách trị ông chồng trăng hoa, bằng cách giam lỏng ông ở nhà. Cắn răng bỏ ra năm chỉ vàng, chạy cho chồng được chế độ thương phế binh, giải ngũ. Thế mới hay có tiền mua tiên cũng được. Công tử Bùi chấm dứt con đường binh nghiệp, trở về phụ vợ bán quán. Nhưng tính nết ham chơi thì không bỏ được, nên lâu lâu lận mớ tiền của vợ, đi chơi hai ba bữa rồi về. Năm bốn mươi tuổi thì vợ chồng cô Hồng sinh quý tử. Cậu con tuy èo uột, nhưng đẹp trai giống cha. Cô Hồng đặt tên con là Viên, tức viên mãn, toại nguyện. Bùi Đức Viên học giỏi, sau này là một kỹ sư hóa tài năng ở Đồng Nai.
Quanh quẩn mãi bên quán phở, công tử Bùi cũng buồn. Thấy bọn con nít ở trong làng không có tiền tới trường, anh bỏ tiền ra mua bàn ghế, bảng phấn, kê ở sau nhà, rủ con nít tới học chữ. Lúc đầu chỉ hai ba đứa rụt rè tới nhà, sau chúng thấy vui, rủ nhau đến cũng đông. Có đợt cả mười mấy đứa.
- A… bờ a ba! Ba mẹ! A bờ an bờ an ban nặng bạn! Bạn học...
Con bé Thảo đã lớn, tuy được đi học ở trường, nhưng về nhà vẫn chạy ra dự lớp học của cha. Nó thường đứng dựa chiếc cột cạnh lớp, tự nhiên gào tướng lên:
- A bê xê... dắt dê đi ỉa! A bờ cờ là sờ ti mẹ!
Công tử Bùi chỉ cười, nhẹ nhàng nhắc con trật tự để cậu dạy học, nhưng con bé được đà càng gào tướng lên, cho tới khi một cây củi của mẹ quất vào mông đít, mới vừa khóc vừa chạy ra sân trước.
- Mợ đừng đánh con! Nó hiếu động thôi mà!
Cuộc sống đã xoay chiều không như họ tưởng. Ước mơ một cuộc sống tự do làm ăn buôn bán của chị em cô Hồng đã tắt hẳn, khi tiếng súng đã nổ lại trên cao nguyên yên tĩnh, thơ mộng. Không có hòa bình như người ta tuyên truyền. Chiến tranh vẫn tiếp tục, bằng sự vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ của chính quyền Ngô Đình Diệm. Bây giờ thì rối tinh lên rồi. Các đơn vị đồn binh bắt đầu những cuộc bố càn. Rồi thương vong là chuyện đương nhiên. Một lần về Quy Nhơn cất đồ khô lên bán, cô Hồng gặp đứa bạn thân đi chợ, đầu chít khăn trắng. Hỏi thăm, mới biết chồng nó vừa tử trận ở An Khê. Buồn cho bạn, cô cũng thấy việc mình bỏ tiền chạy cho chồng giải ngũ là rất khôn ngoan. Từ ngày về nhà, lấy việc dạy học làm vui, công tử ngày xưa cũng bị vợ quản thúc nhiều, nên bớt ăn chơi, trăng gió. Cô Hồng lúc ấy còn sung sức, chưa tới bốn chục xuân xanh, còn đẻ thêm được hai cậu con trai nữa. Năm đứa con, mẹ chỉ tốn công chăm sóc, còn tiền nuôi chúng đã có quân đội cấp. Càng đẻ nhiều, càng được nhiều lương. Nhưng nói thật, cô Hồng không ham mấy trăm tiền lương còm kia. Chẳng bằng cô quơ tay trái. Chồng ra trận, chết mất là hết chứ gì. Được mấy đồng tử tuất, lại cô đơn suốt đời. Cô coi trọng đồng tiền thật nhưng cũng biết tính toán. Mạng người còn quý gấp ngàn lần.
Cô Hồng ngày xưa, bà chủ tiệm phở Bắc nổi tiếng ở thị xã cao nguyên, giờ đã là bà già ngoài tám mươi. Tấm lưng còng kéo bà càng thấp xuống, nhìn giống một đứa trẻ già nua. Cái trán thấp, cặp mắt lá răm giờ ti hí làm khuôn mặt nhăn nheo càng thêm nanh nọc. Bà hận vì con gái lớn đã chọn lầm người làm chồng. Bà ghét thằng rể chỉ kém mẹ vợ sáu tuổi đã đành, mà còn khinh miệt cái nghèo kiết xác của nó. Mang tiếng là cán bộ tập kết về, mà chẳng có của chìm của nổi gì. Hồi năm ấy, khi hai chị em con Thảo, Hiền định vượt biên, đứa chạy trốn thí xác, đứa bị bắt. Bà cứ tưởng tay ấy quyền to, chức trọng lắm mới bảo lãnh được cho con Hiền giảm án tù tới hai năm. Ai ngờ chẳng ăn thua gì. Con Thảo thì một mực đòi lấy chồng chẳng ai cản được. Ông Bùi, cậu nó thì mất trước giải phóng miền Nam, thành ra không ai nói nổi cả. Hai năm trước, bà đã đích thân về Phù Cát thăm con gái và hai cháu ngoại, đã phải chảy nước mắt vì thấy cảnh ngộ của đứa con gái yêu. Ba mẹ con chui rúc trong căn nhà tranh thấp lè tè, khéo chẳng bằng chuồng bò nhà bà trên Kon Tum. Bữa cơm thì hạt gạo cõng ba lát mì, toàn rau tạp chấm mắm cơm. Con rể bà vừa gầy vừa đen, so với thằng chồng trước của con Thảo không đáng xách dép. Thằng rể già suốt ngày lụi cụi ngoài rẫy trồng mì, trỉa đậu, chăn bò, mặc kệ hai mẹ con bà muốn chuyện trên trời dưới đất gì cũng được. Buổi chiều, thấy nó xách về một con gà rừng, nói là mới bẫy được, làm thịt đãi bà ngoại. Đến bữa, bà Hồng ngồi bó gối nhìn ba con nhà nó ăn. Đúng là dân chết đói từ năm Ất Dậu mà. Chúng cắm đầu sì sụp ăn, chắc lâu lắm mới được bữa thịt.
Hôm sau bà ngược Kon Tum ngay, để lại lời nhắn:
- Mày muốn sướng như ngày xưa, lên xe xuống ngựa thì về trên ấy với mợ. Mợ chờ nhé, lúc nào nghĩ kỹ thì lên với mợ. Đi một mình thôi.
Chị Thảo không trả lời mẹ, cũng không thấy lên Kon Tum. Chị an phận làm người vợ chung thủy, vì cảm thấy đời mình mắc nợ ông chồng già quá nhiều. Hằng ngày, chị lo cơm nước, chăm con ở nhà. Công việc nặng nhọc ngoài vườn, trên rẫy đều do ông Năm Chinh đảm nhiệm. Trời không phụ vợ chồng chị. Sau mấy năm trúng mùa lúa, mùa mì. Họ đã cất được ngôi nhà gạch mới, khang trang giữa khu vườn xanh mát của cây điều, mà ở đây người dân gọi là cây đào lộn hột.