NHÓM HỌC THÊM TIẾNG ANH CỦA BÀ THẢO có khoảng năm đến bảy đứa trò nhỏ. Toàn mấy đứa lớp năm, sáu, bảy, lại con nhà nông dân trong thôn. Bà Thảo không phải giáo viên, nhưng trước năm 1975 có học tiếng Anh, Đại học Văn khoa Sài Gòn. Hơn ba chục năm trước, bà được chồng xin vô dạy hợp đồng môn tiếng Anh ở một trường tiểu học ở Quy Nhơn. Coi như có chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy. Bà nhận kèm thêm mấy đứa trẻ, cho đỡ nhớ nghề cũ và thêm đồng tiền chợ. Cái tình vun quén của phụ nữ Bắc bao giờ cũng vậy. Lúc nào cũng thấy thiếu. Đã có hơn sáu triệu tiền hưu của ông mỗi tháng, nhà lại nuôi thêm dê, bò, heo gà, vườn trồng mấy sào điều, mì, đậu đỗ mùa nào thức nấy. Hai ông bà già đừng ốm đau thì tiền xài bao giờ cho hết. Bà nghĩ mình còn sức thì cứ làm. Tiền bạc có bao giờ thừa. Không xài hết thì phụ con cháu. Như thằng Thành con riêng của bà ngoài Quảng, vợ đẻ, con bệnh gì cũng điện vô xin tiền mẹ.
Chiều nay có thêm một trò lớp ba nữa. Má nó là một cô gái còn khá trẻ, dạy trường mẫu giáo.
- Thím Năm cho con gởi cháu với! Cháu rất cần học thêm về Anh ngữ!
Con bé cười xởi lởi thấy cũng dễ mến, kẹt cái nhà bà nhỏ quá, bàn ghế cũng chật chội cả rồi.
- Cô thì chẳng tiếc gì đâu, nhưng mẹ bay xem có hai cái bàn thì bảy đứa chen nhau ngồi rồi…
- Dạ hông sao mà thím Năm. Ráng thu xếp giùm con. Hay để con chạy ra mua thêm cho cháu nó chiếc ghế nhựa được hông?
- Thôi! Con cháu nó ham học thì mình ráng một tí. Cũng thêm mấy đồng cho ông già uống sữa - Bà Thảo vội vàng dồn chỗ, chừa cho con nhỏ mới tới một góc ghế.
- Con cháu nhà ai mà siêng học vậy? Ở thôn nào thím biết không?
- Dạ! Con là dâu nhà ông Bảy Liên bên Thuận Hòa đó thím.
Bà Thảo buột miệng kêu à à ngạc nhiên:
- Là cháu nội Bảy Liên hả? Hồi ông Năm nhà tôi làm chủ tịch cựu chiến binh xã, Bảy Liên là phó chủ tịch xã, phụ trách công an. Nhớ rồi! Nhớ rồi! Trời ơi! Ông già chồng bay ngày xưa cũng nguyên tắc dữ lắm đó.
Bà Thảo hả hê trong bụng: “Hừ! Ngày trước ông bắt hành bắt tỏi tôi miết, giờ con cháu ông cũng phải lụy tôi rồi. Hồi tôi mới chân ướt, chân ráo theo chồng về đây, chẳng phải ông là người tung cái nghi vấn: “Con vợ Năm Chinh là nhân viên biệt đội Thiên Nga địch gài lại” sao? Mấy ông chưa chắc rành mấy con Thiên Nga bằng tôi đâu. Tôi còn có đứa bạn làm trong biệt đội đó, một tổ chức nữ chiến binh ngầm do CIA đào tạo. Nó đẹp mê hồn, đến phụ nữ còn mê huống chi đàn ông. Nó từng tâm sự, đằng sau cái vinh quang ảo là nỗi nhục nhã thật. Nó đã bán cả tâm hồn lẫn thể xác cho quỷ dữ, đã từng nặng trĩu mặc cảm tội lỗi với chồng con, khi phải trao thân xác cho hàng tá đàn ông, cả bên này lẫn bên kia. Tôi kinh tởm cái đội quân nữ đó, nên các ông nghi ngờ tôi là Thiên Nga gài lại, thật không phải chút nào. Tôi thích đi học, đọc sách, chơi đàn ghi ta. Tôi yêu nghề giáo. Vậy thôi!”.
Người nhiều chữ quá cũng khổ! Nhất là phụ nữ. Mà bà Thảo từng học Đại học Văn khoa Sài Gòn, từng dạy tiếng Anh bậc tiểu học. Ông Năm Chinh cũng từng học Đại học Xây dựng ngoài Hà Nội. Hai vợ chồng chữ nghĩa đầy mình về vùng quê bán sơn địa này, là sự hiếm. Bà con thường nhờ vả họ viết giùm lá đơn xin giấy đi đường, đơn xin giết mổ con heo làm đám cưới, đơn nhờ ủy ban xã can thiệp việc tranh chấp giữa nhà này nhà kia. Thậm chí có người còn nhờ viết lên tờ đăng ký khai sinh cho con họ. Ông Năm chữ xấu hơn vợ, nên toàn dúi ba thứ đơn từ cho bà. Bà viết đơn giùm người ta hoài, thì đến tai cán bộ xã. Có thằng Ba Thoại trước làm nghề buôn cá ngoài biển, đâu cũng tham gia cách mạng hồi mới giải phóng, những đối tượng mà bà con thường gọi là dân “ba mươi tháng tư”, vì khi Quân giải phóng vô địa phương những ngày cuối tháng tư năm bảy lăm, bọn họ thừa cơ hùa theo, cũng lu bu việc dọn dẹp, chuẩn bị cho quân quản, chạy loong toong đưa bộ đội đi chỗ này, chỗ kia, giục dân ấp này treo cờ Giải phóng nửa xanh nửa đỏ, hối dân thôn nọ kẻ khẩu hiệu chào mừng chính quyền mới. Đại loại như vậy. Ba Thoại sau giải phóng, đi đâu cũng lu loa mình là dân cách mạng thứ thiệt, bám chân Bảy Liên làm đủ trò mèo trong xã. Hắn thường la cà mọi nơi, nghe xem nhà nào phát ngôn có ý “phản động” chống chính quyền mới. Ai không chấp hành triệt để chính sách của Nhà nước cách mạng, còn nấu rượu lậu, lãng phí lương thực. Có lần Ba Thoại chạy về trụ sở công an xã, thì thầm vô tai Bảy Liên:
- Nhà Hai Nghĩa ở thôn Bầu Cua làm giỗ lãng phí quá đi anh Bảy! Em trèo lên cành mít dòm xuống, thấy nhà nó giết tới hai con gà với ba con vịt xiêm.
Bảy Liên khó chịu:
- Mấy chuyện đó kệ cha người ta! Chú cũng soi kỹ quá. Thấy nhà nào nấu rượu hay buôn lậu lương thực thì hãy báo!
- Dạ!
Lần sau, Ba Thoại không vô trụ sở mà tới thẳng nhà Bảy Liên.
- Vợ thằng cha Năm Chinh đó anh, con mẹ chắc là nhân viên “biệt đội Thiên Nga” gài lại. Thấy nó toàn viết đơn mướn cho người ta, mà chữ đẹp lắm đó anh Bảy!
Bảy Liên cũng có lòng ngờ vực. Năm Chinh vừa ốm vừa đen, sao cưới cô vợ chân dài đẹp dữ vậy? Bọn giặc cái trong “biệt đội Thiên Nga” của chính quyền Sài Gòn cũ, trước cũng tuyển toàn những cô chân dài, xinh đẹp, có học. Có khi nào cô Thảo cũng là “Thiên Nga”? Một buổi Bảy Liên cho một nhân viên cùng xuống nhà cô Thảo điều tra. Hôm đó họ biết Năm Chinh phải vô rừng chặt rễ trầu, chắc hai ngày sau mới về. Chưa kịp uống ly nước trà cô Thảo mời, Bảy Liên đã hắng giọng hỏi:
- Tui hỏi thêm chút! Chớ chị có phải Bùi Thị Thảo hông? Quê ở đâu?
- Dạ… Trong giấy tờ hộ khẩu chồng tôi trình công an xã, có ghi rõ ràng mà anh Bảy?
Bảy Liên hơi sượng mặt, nhưng vẫn hỏi tiếp:
- Tui biết rồi, chỉ muốn kiểm tra lại! Mà tại sao chị lại biết chữ? Chị học chữ ở đâu?
Cô Thảo hơi lo lắng. Tại sao trưởng công an lại hỏi những điều này? Có phải họ biết gì về đời tư của cô rồi không?
- Dạ…! Tôi học Đại học Văn khoa trước năm bảy lăm đó thưa anh!
Bảy Liên giật mình: “Hèn chi con mẻ viết đơn đâu vô đó”.
- Tui nhắc chị, hông được tự động viết đơn từ cho bất cứ ai!
- Dạ…!
- Ai cần đơn từ, lên xã có bộ phận văn thư người ta viết cho. Chị hông được phép, nghe chưa?
- Dạ! Tôi biết rồi ạ!
Bữa sau Năm Chinh từ trong rừng ra. Gánh rễ mang nặng trĩu trên lưng áo quân phục bạc màu, đẫm mồ hôi, cái chân đi cà nhắc. Chị Thảo chạy từ trong bếp ra đón chồng, miệng lo lắng:
- Chân ba bị sao vậy?
- Gai chứ sao! Mình lể giùm tui mấy cái gai đi.
Tắm sơ qua Năm Chinh thích thú ngả lưng trên chiếc võng trân. Chị Thảo bắc ghế ngồi cạnh, kéo chân chồng gác lên đùi mình. Bàn chân rộng bè, những ngón vuông vức xòe ra, ngang ngạnh. Chị xuýt xoa khi thấy dưới lòng bàn chân chồng, mấy nốt sưng tấy do gai rừng đâm phải. Vết gai găng đã nấu mủ trắng, vết gai ắng tấy đỏ, vết gai mắc cỡ nhỏ hơn nhìn rõ cả đầu gai đen đen. Năm Chinh nhắm mắt, chịu đau cho vợ dùng kim băng lể từng đầu gai, miệng rên rỉ:
- Nước mủ, nước máu hay là nước vàng mình ơi?
- Nước gì cũng có hết! Đây! Đầu gai chui ra rồi nè! Ba coi nó là nước gì!
Năm Chinh cố nén đau, vươn tay rờ rẫm vết gai, quệt thứ nước chảy ra đưa lên mũi ngửi, rồi chùi lên vách tường đất, lẩm bẩm:
- Nước mủ rồi…
Chị Thảo xoa nắn bắp chân chồng, năn nỉ:
- Lần sau vô rừng, ba mang dép nhé! Có đôi dép cao su cất trong rương làm gì chứ?
- Dép còn tốt! Đi rừng miết hư mất, lúc ra phố, đi họp lấy gì mang…
- Ba tiếc đôi dép hơn chân mình hả? Lần sau ba đi chân chim vô rừng, em chặt đôi dép vứt xuống mương nước.
Năm Chinh vội nắm lấy cánh tay vợ, giật giật:
- Mình đừng làm vậy! Tui mang! Tui mang!
Chị làm bộ chợt nhớ ra:
- Ba ơi! Bảy Liên bên công an hôm qua tới nhà hạch sách em về lý lịch cá nhân. Còn hỏi tại sao em biết chữ nữa đó. Liệu họ có biết em là dân Bắc di cư, từng có chồng là sĩ quan chế độ cũ không?
Năm Chinh ngồi bật dậy:
- Bảy Liên hả? Bữa tui đi họp cựu chiến binh, thấy thằng Ba Thoại rì rầm to nhỏ với trưởng công an rồi. Để tui lên tận nơi nói chuyện phải quấy coi.
Con nhỏ Quyên bưng chén cơm ngồi dưới đất hóng lên, chờ ba mẹ giục ăn cơm mà không thấy ai nói gì, nó bắt đầu hức hức, khóc. Mọi bữa, chị Thảo thường nói:
- Cưng của mẹ ăn cơm đi!
Nó cầm muỗng lên miệng leo lẻo:
- Mời ba ăn cơm!
Năm Chinh nựng con:
- Ờ! Ăn cơm đi ba thương!
Bữa nay có cá thu kho rất ngon mà con nhỏ chưa chịu ăn. Ngước đôi mắt đen có cặp chân mày xếch giống mẹ, bé Quyên ỉ ôi:
- Ba hông thương con! Hích hích! Ba không thương con…
Cái đầu đang nóng bừng bừng vì vụ Bảy Liên, Năm Chinh khùng lên chụp một cây củi mì, quất vô đít con ba cái liền. Con nhỏ mở tròn mắt nhìn ba ngạc nhiên, rồi sợ hãi khóc thét. Sao ba uýnh con? Ba cưng con nhứt mà? Ánh mắt con nhỏ đầy câu hỏi. Chị Thảo giật lấy cây củi từ tay chồng:
- Thôi ba bớt nóng, lần sau con nó sẽ ngoan. - Chị nhăn mặt, lo lắng. Ông chồng nóng tính quá hư việc hết. Chị cũng tự hiểu mình không làm gì sai pháp luật. Nhưng ở nơi thôn quê này, người ta còn quá nặng nề về lý lịch, thì giấu được điều gì hay điều đó.
Chiều thứ hai, Năm Chinh bận bộ quân phục cũ, đầu đội nón cối, chân đi dép cao su, đạp xe lên xã. Bảy Liên còn ngồi quán cà phê ngoài cổng ủy ban, thấy Năm Chinh thì ngoắc tay:
- Anh Năm! Về rồi hả! Vô cà phê đã!
Vừa ngồi xuống ghế, Năm Chinh hỏi luôn:
- Bữa qua xuống nhà tui chi vậy?
- Chu cha! Ngày nghỉ đi thăm anh hông được ha?
- Chú hỏi vợ tui mấy thứ chi chi đó. Tui có mang lên đây nè. Sơ yếu lý lịch đây. Gia đình di cư vô Nam năm bả còn trong bụng mẹ. Là cô giáo dạy tiểu học chế độ cũ. Trước khi về đây có dạy tiểu học ngoài Quy Nhơn. Đây là giấy đăng ký kết hôn của tui với bả do Ủy ban phường Lê Hồng Phong cấp.
Bảy Liên xua tay:
- Thâu, thâu1! Cất đi ông nậu2! Giở mấy thứ đó ra đây làm chi! Tưởng bữa nay anh lên nhận chức chủ tịch cựu chiến binh, chớ lên để kiếm chuyện với tui hả?
1 Thôi, thôi.
2 Ông nội.
Thấy hắn quýnh lên xổ một tràng tiếng nẫu, Năm Chinh phì cười, nghĩ: “Cứ tưởng mang chức trưởng công an ra khè được tau hả”. Còn vụ lãnh chức chủ tịch cựu chiến binh, Danh “cán gáo” đã nói nhỏ với ông từ lâu. “Có chủ trương của Nhà nước cho thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Xã mình tui nhắm chưa được ai, hay Năm Chinh giúp vụ này đi”. Hôm nay tiện ghé hỏi coi sao. Cũng định không làm gì hết, nhưng thấy vợ mình bị ăn hiếp, ông thay đổi ý định. Vậy mình cũng chủ tịch cho tụi nó ớn.
Có một điều bí mật, Năm Chinh không muốn cho ai biết. Không phải vì sợ mà vì thương vợ, không muốn chị Thảo bị tẩy chay, đố kỵ. Trước khi tới với ông, chị Thảo đã có một đời chồng và hai đứa con. Thấy Thảo xinh đẹp ngoan ngoãn, ông yêu mê mẩn mà không tò mò hỏi đời tư làm gì. Mãi khi đám cưới xong, chị mới thú thực chồng trước từng là trung úy quân đội Sài Gòn, chết trận cuối năm 1974. Ông hơi đắng đót trong lòng, nhưng rồi bỏ qua.
Tháng 10 năm 1976, chỉ năm rưỡi sau giải phóng, Năm Chinh hồi hương, chuyển công tác từ Hà Nội về Bình Định, phụ trách cung đường sắt Diêu Trì. Trong căn phòng nhỏ ở khu nhà tập thể, chỉ trơ một chiếc rương gỗ đựng quần áo và giấy tờ quan trọng. Chiếc đài bán dẫn hiệu Panasonic vỏ da nâu để ngay ngắn đầu giường nằm. Chiếc quạt tai voi cũ để trên bàn làm việc. Chiếc xe đạp Thống Nhất lúc nào cũng lau chùi bóng loáng, dựng cạnh cửa sổ. Có một điều mà ông trăn trở nhất là đứa con gái, nó đã lớn và biết suy nghĩ. Ông không thể bỏ mặc con lại sống thiếu sự quan tâm của cha được nên mới phải dắt con theo rồi gửi trong ký túc xá Đại học Quy Nhơn. Minh Tuyết là đứa con gái đầu lòng, một cô gái đẹp, đầy cá tính. Sau khi ba mẹ ra tòa chia tay, cô theo ba về quê nội. Cuộc sống ở Quy Nhơn không ồn ào như Hà Nội, nhưng cũng thật đáng sống. Cô sinh viên ngữ văn rất mê biển và muốn được tự do trong ký túc xá. Cô không thích cảnh đông người ở cơ quan ba. Minh Tuyết giấu nỗi buồn vào lòng, vì không hiểu nổi tại sao ba mẹ lại ly hôn? Dù mẹ là một hoa hậu, thì cuộc sống ở Quy Nhơn cũng phù hợp mà.
Năm Chinh trở lại cuộc sống đơn thân. Lâu lâu, dịp cuối tuần, con Minh Tuyết về với ba một ngày, hì hụi nấu nướng, tìm mồi cho ba và mấy chú nhậu lai rai, tối lại trở về trường. Cũng thời gian ấy xuất hiện một cô gái cao dong dỏng, tóc dài buông chấm mông, thường mặc bộ bà ba sẫm màu, hay ghé ngồi nghỉ trong quán nước dừa gần cổng cơ quan. Một lần Năm Chinh tò mò ghé mua gói thuốc lá, dòm tận mặt cô gái ấy. Cô ta đẹp thật, còn đẹp hơn cả vợ cũ, mẹ Minh Tuyết.
- Cô học ở trường nào? - Năm Chinh thả lời làm quen.
- Dạ… em nghỉ học lâu rồi ạ!
Cô gái nói giọng Bắc. Sau mấy lần lân la ngồi trò chuyện, Năm Chinh mới hay Bùi Thanh Thảo là người Mường ở Hòa Bình, cha mẹ cô di cư vào Nam năm 1954, rồi sinh cô ra ở Kon Tum. Dù không tìm thấy ở cô những váy áo Mường quen thuộc, Năm Chinh cũng nhớ da diết chuỗi ngày tháng đơn vị đi làm nông trường ở Hòa Bình. Bất chợt ánh mắt cô gái làm hiện lên một con suối trong xanh, chảy uốn theo các ghềnh đá, mấy con cọn nước như chiếc nong khổng lồ kẽo kẹt quay, thong thả ngày đêm đổ từng ống nước vào máng. Mái tóc đen dài buông trước ngực kia, cũng nhưng nhức ký ức về dải núi xanh biếc đổ bóng xuống dòng sông Đà. Những người chiến sĩ miền Nam tập kết, sau hòa bình được phân công đi làm kinh tế. Họ còn làm gì được hơn khi tiếng súng đã yên, lòng người nao nức chờ đợi tới ngày được trở về xứ sở. Hai năm nông trường ấy, bàn tay họ trồng không biết bao nhiêu là chuối, mì, vun xới bạt ngàn những đồi dứa, đồi chè. Những năm tháng ấy, họ vừa làm vừa hát, vừa mong chóng tới ngày hội ngộ.
“Mỗi tuần ta có được bảy ngày, là bảy ngày
Ta giành, giành lấy một, ta giành giành lấy một
Gọi đó ngày miền Nam
Miền Nam ơi miền Nam! Thương nhớ vô ngần
Lòng càng càng tin tưởng, sức ta càng càng vươn lên
Cố gắng bao ngày đêm
Hẹn ngày ơ về là hẹn ngày ơ về!”.
Họ vừa làm vừa hát và nuôi niềm tin tưởng. Nhưng niềm tin đó chẳng bao giờ đến. Hiệp định Giơ-neo bị bọn đế quốc thực dân phá hoại. Năm Chinh đã trở thành cư dân miền Bắc, lấy vợ sinh con trên miền Bắc.
- Thế ra chú cũng ở Hòa Bình! Còn em chỉ nghe mẹ kể lại, chứ chưa biết nó ra sao.
- Hòa bình rồi! Lúc nào có điều kiện cô nên về thăm quê. Hòa Bình giờ đẹp lắm, lại có hồ thủy điện lớn nhất Đông Nam Á đó.
- Dạ! Nhưng em không biết đường!
Năm Chinh bỗng vui vẻ lên, chỉ những đống tà vẹt xếp ngổn ngang cạnh ga:
- Sắp có tàu Thống Nhất rồi, chạy một lèo từ Sài Gòn ra Hà Nội. Cô muốn về Bắc, cứ ra đây tui gửi tàu cho, tới đó rồi đi xe khách về Hòa Bình. Dễ mà!
Trong lòng cô gái cũng đang náo nức hồi hộp một chuyến đi xa, nhưng ở hướng khác, chứ không phải ra Bắc. Mấy lần từ Kon Tum xuống Quy Nhơn, cô đều nói với Năm Chinh là đi buôn cá khô. Quản lý thị trường làm gắt gao lắm, không mang được nhiều, nên đôi khi phải giấu giếm, gửi cả bao ở chỗ cơ quan ông.
Đêm đó trời se lạnh. Tháng mười đổ những cơn mưa miên man làm trời đất càng lạnh hơn. Năm Chinh ngồi chúi vô đống sổ sách. Cuộc vận động nhân dân trong tỉnh tham gia khôi phục tuyến đường sắt Bắc- Nam đang rất hiệu quả. Bà con thu gom được hàng ngàn thanh tà vẹt, hàng trăm mét đường ray tàu về tập kết tại cung quản lý đường sắt. Cán bộ quản lý như ông thấy trong lòng lâng lâng niềm vui, y chang những ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Gió tạt nước mưa vô tới bàn giấy, Năm Chinh đứng dậy bước ra, khép cánh cửa gỗ lại. Cửa chưa khép hẳn, đã có một bàn tay bên ngoài xô tới. Rồi bóng một người phụ nữ lách vội qua, bước vô phòng. Đó là cô gái Mường quen biết. Thanh Thảo đầu tóc ướt nhẹp, quần áo bị nước mưa dính sát vào người.
- Chu cha! Đi đâu mà muộn dậy cô?
- Chú Chinh! Cứu em với!
- Chi dậy?
- Con Hiền rủ em vượt biên, bị công an phát hiện!
Năm Chinh há hốc mồm, đứng sững giữa phòng:
- Chô ui! Em mà cũng dại dột vậy sao? Chớ cô Hiền em đâu rồi?
Thanh Thảo ngồi phịch ngay xuống chiếc giường cá nhân, mặt mũi xanh lét, miệng lắp bắp:
- Chắc bị bắt rồi! Trước kia em có dạy học ở Quy Nhơn nên thuộc đường hơn, biết rõ các ngõ ngách. Em lạy chú, xin đừng báo công an bắt em!
Cô quỳ xuống nền nhà, vái lia lịa. Năm Chinh như á khẩu, chỉ biết nắm tay cô gái kéo lên, ấn vai ra hiệu ngồi xuống. Ông bước ra, chốt cửa phòng lại. Thanh Thảo hốt hoảng lao tới, nhưng cánh cửa đã đóng sập trước mũi. Nước mắt cô tràn ra, chảy đầm đìa. Thôi thế là hết. Sao mình ngu vậy chứ, lại tin tưởng cái lão già háo sắc này. Mấy tháng quen biết, lúc nào cũng thấy lão nhìn đăm đăm, cứ tưởng lão thích cô cơ chứ. Thanh Thảo vừa hực lên trong cổ, kêu khẽ “Mẹ ơi!”, thì cửa phòng lại mở. Ông ta cầm trên tay bộ quần áo bảo hộ màu xanh, đưa cho cô, nói thay đi kẻo cảm lạnh.
- Quần áo nữ, chắc cô bận vừa. Thay liền đi!
Ông ta lại bước ra khỏi phòng, khép cửa phòng lại.
Pha cho cô một ly nước chanh nóng, ông khuyên cô hãy bình tĩnh. Giờ cô nên ở tạm đây vài bữa. Ông sẽ nói với mọi người là có cô cháu ngoài Bắc mới vô chơi. Chờ nghe tin tức về chị gái cô ra sao rồi tính tiếp. Chủ nhà trải chiếc chiếu cũ xuống nền nhà, nhường giường cho cô gái. Từ chiếc giường cá nhân tới chỗ trải chiếu khoảng hai mét. Đêm khuya dần trôi về sáng, mà giấc ngủ không đến được với cả hai người. Những tiếng thở dài đầy lo lắng, tiếng trở mình liên tục, lẫn với tiếng mưa gió ngoài trời, thành một tạp âm ám ảnh.
Năm Chinh bỏ thời gian đi nghe ngóng tin tức từ mấy người bạn làm bên công an. Họ nói đêm chủ nhật đã tổ chức vây bắt một nhóm người định vượt biên, sáu bảy người gì đó, không kẻ nào chạy thoát. Như vậy có nghĩa là cô gái tạm an toàn. Cô em gái đã không khai ra chị mình. Thanh Thảo chỉ tiếc chiếc túi nhỏ giắt ở cạp quần. Trong đó có ba cây vàng, là vốn liếng của hai chị em mang theo. Trong lúc tháo chạy, cô quáng quàng lao bạt mạng, vấp ngã liên tục. Chiếc túi không biết rớt ở đâu. Nhưng mà “của đi thay người”, Thanh Thảo vẫn còn cơ hội trở lại nhà với hai đứa con nhỏ. Đêm thứ tư ngủ trong căn phòng tập thể của Năm Chinh, cô đã ái ngại kêu ông lên nằm chung giường, khi thấy ông khúc khắc ho vì phải nằm đất. Đêm ấy, cô đã không cưỡng lại khi bị cánh tay ông mơn man vuốt ve, thậm chí cô còn chủ động ôm hôn ông, như một cách trả ơn cho ân nhân của mình. Họ trở thành vợ chồng ngay đêm ấy. Ông kể cho cô nghe về việc bà vợ người Bắc không chịu vô quê chồng, xin ly hôn. Còn cô cũng thật thà nói rõ hoàn cảnh đời mình. Cô có chồng từ năm 18 tuổi. Năm nay 25 tuổi mà đứa con trai đầu đã lên sáu, đứa em nó con gái đã ba tuổi. Cô góa chồng từ cuối năm 1974, chồng cô chết trẻ, lúc đó anh ấy chưa tới ba mươi.
Một ngày cuối tuần, Minh Tuyết về thăm ba. Năm Chinh giới thiệu với con người bạn gái mới của ông. Con nhỏ không phản ứng gì, còn tỏ ra thông cảm. Nó thốt lên khâm phục:
- Cô còn đẹp hơn mẹ cháu ngoài Hà Nội!
Chủ tịch xã Phan Thành Danh báo cáo với ủy ban huyện, xã mình đã chọn được chủ tịch cựu chiến binh. Người này so với tiêu chuẩn trên đưa ra thì dư sức. Năm Chinh là đảng viên, đi bộ đội từ năm mười sáu, lại cán bộ tập kết về, trình độ đại học. Chu cha! Quá ngon rồi! Cho chả làm chủ tịch cựu chiến binh huyện cũng được nữa. Bữa họp các ban ngành, thông báo nhân sự cho một tổ chức mới là cựu chiến binh, ai cũng nói cử Năm Chinh là ổn. Chỉ có Bảy Liên, Phó chủ tịch xã là băn khoăn về việc tân chủ tịch cựu chiến binh lại có bà vợ là dân Bắc di cư. Dù có là dân lương thiện thì gốc gác gia đình cũng một thời theo giặc. Không chống Cộng sao theo chính quyền Ngô Đình Diệm vô Nam? Thằng chả càm ràm miết, đến nỗi Danh “cán gáo” phải kêu riêng một chỗ, dằn mặt:
- Ông để yên cho Năm Chinh sống nghen! Nếu không ông là người ra đi khỏi xã đầu tiên đó. Mấy trò khỉ của ông với thằng Ba Thoại tui chưa đụng tới đâu.
Bảy Liên nín khe. Từ đó không dám nhắc tới vụ vợ con Năm Chinh nữa. Danh “cán gáo” xuống tận căn nhà tranh nhỏ của Năm Chinh, giắt theo chai rượu đế. Hên bữa đó con chó Vàng đi rừng với Năm Chinh bắt được con chồn đèn, ông vặt lông, thui lên rồi nhậu với bạn tới gần tối. Danh “cán gáo” đấm nhẹ vô ngực bạn, cười rổn rảng:
- Yên tâm công tác hánh! Chủ tịch cựu chiến binh chỉ có mấy đồng phụ cấp tháng, ráng giùm tau chút.
- Thì biết làm sao giờ! Nhưng nói trước, tau công tác ít thôi, còn phải kiếm cơm nuôi lũ nhỏ. Mẹ nó có bầu đứa thứ hai rồi.
Danh “cán gáo” há hốc cái miệng, lộ cả chiếc răng hàm bị gãy đen ngòm…
- Trời quơi! Thiệt na bay! Giỏi dữ vậy trời!
Đứa con gái thứ hai được đặt tên là Nguyễn Hồng Trinh. Con chị Nguyễn Hồng Quyên lúc đó mới bốn tuổi rưỡi, chỉ biết ngồi cạnh võng, xoa xoa má em, hoặc chạy đi lấy tấm tã, chiếc khăn giúp mẹ. Năm Chinh ngất ngư lo cho cuộc sống gia đình. Ông hiểu giờ đây trách nhiệm của mình nặng nề biết chừng nào, khi ba người phụ nữ yếu đuối trông cả vào đôi vai rám nắng của chồng, của cha. Phải có đất trồng trỉa vài đám mì, đám đậu, khoai lang, để có lương thực ngay mà nuôi vợ con. Ông nói với Danh “cán gáo”, đề nghị ủy ban xã cho khai hoang mấy vuông rẫy để sản xuất. Chủ tịch xã hỏi cán bộ địa chính, rồi kêu ông tới, nói:
- Đất rừng tạp quanh nhà ông bi giờ đó, có sức cứ phát rẫy đi. Đất đó chưa có chủ đâu.
Số gạo tiêu chuẩn hằng tháng, Năm Chinh mua về để riêng cho vợ con. Mỗi ngày, ông nấu một nồi mì gòn, đâm chén muối ớt thiệt đỏ, quất no bụng rồi cầm rựa ra rừng. Bắt đầu là những khoảng đất lúp xúp cây và cỏ tranh gần nhà. Chặt cây, phát cỏ, lật đá, được chừng một mẫu đất thì bàn tay ông nát bấy, rỉ máu. Chị Thảo tối nào cũng phải pha nước muối nóng, ngâm tay cho chồng. Vuốt ve đôi bàn tay bầm dập, sần sẹo, chị không tưởng tượng nổi đôi bàn tay thuôn dài, gõ máy tính lóc cóc và chơi bóng bàn điêu luyện của chồng chỉ mới hai năm trước giờ đã biến dạng.
Một buổi chiều nắng như rang. Chị Thảo ẵm con Trinh nằm à ơi trên chiếc võng trước nhà. Trời không một gợn gió, hơi nóng hong héo khô những cọng tranh lợp mái nhà. Con bé chắc nóng quá, oe oe khóc. Con Quyên đã dắt chó Khì Khà theo ba đi phát rẫy ngoài đồi. Không biết có chịu đội nón hay lại phơi mặt đón nắng. Hai chiếc xe đạp chở bốn người dừng lại trước cây mít mới trồng. Mồ hôi tướp táp trên hai khuôn mặt bặm trợn đàn ông, rịn trên lưng áo hai người phụ nữ. Họ có lẽ chỉ ngoài bốn mươi, nhìn những đôi dép Lào họ mang, biết đây là người phố chợ, không phải nông dân.
- Đây phải nhà Năm Chinh hông?
Người đàn ông có nhiều râu hỏi. Chị Thảo lo lắng ôm con ngồi dậy, trả lời:
- Dạ phải! Mấy chú mấy cô vô nhà ngồi nghỉ xơi nước ạ!
- Thôi khỏi! Ổng đâu rồi?
- Dạ chồng cháu làm rẫy ngoài kia! - Chị Thảo chỉ tay về phía có tiếng chó sủa.
Người đàn bà mặc áo bà ba màu tím, xỉa xói vô mặt chủ nhà:
- Nói cho mấy người hay! Đất này trước kia là của ông bà tụi tui khai phá, quản lý. Giờ mấy người tự tiện chặt phá làm nương rẫy là sao?
Chị Thảo ngớ người. Chẳng hiểu ông bà họ trước kia là ai. Có lẽ nhìn vẻ mặt bối rối và nghe cái giọng Bắc của chị, bọn người lạ đã hiểu chuyện.
- Chúng tôi là cháu chắt ông Trần Đại, chủ đất vùng này từ xửa từ xưa. Đất vợ chồng cô đang khai phá là của ông bà tui để lại. Đề nghị dừng lại ngay, hông tui thưa kiện tù mục xương đó.
Chị Thảo không biết trả lời ra sao, liền bảo họ chịu khó đi ra ngoài rẫy, trực tiếp nói chuyện với ông Năm Chinh, chồng mình. Cả nhóm ngần ngừ một lát, rồi từ chối không chịu nghe theo.
- Tụi tui tới thông báo vậy thôi. Mấy người liệu chừng. Giải phóng rồi, đừng giở thói ăn cướp là hông được đâu. Sẽ có người còng đầu vợ chồng cô lại đó. Cô về nói lại với Năm Chinh như vậy, tuần tới tụi tui xuống nữa.
Nhóm người quày quả bỏ về, bỏ lại ánh mắt lườm nguýt, đe dọa. Họ ra tới gần chợ thì tấp vô một quán cà phê. Ba Thoại ngồi vắt vẻo ở đó từ bao giờ, nhả khói thuốc hình vòng tròn bay lượn.
- Sao rồi! Có dằn mặt thằng chả hông? - Ba Thoại hỏi.
- Chưa! Nhưng hù con vợ nó rồi. Chú nói anh Bảy Liên nhắc nhở vợ chồng chả giùm tui. Tui biết ơn! Có ly cà phê gởi anh Bảy, chú nhận giùm hánh!
Ba Thoại cười tủm tỉm, vươn người cầm gói thuốc lá hiệu Ngựa Trắng. Gói thuốc cầm đậm tay hơn bình thường.
Tuần sau không thấy ma nào tới giành đất. Năm Chinh nóng no trong bụng, chỉ chờ mấy người con cháu ông Trần Đại nào đó để coi mặt ngang mũi dọc chúng ra sao. Ông này sau Cách mạng Tháng Tám năm một chín bốn lăm, bỏ xứ vô Sài Gòn làm ở Sở Canh nông từ tám đời rồi. Thằng con trai thứ tư của ổng, hồi đó giác ngộ cách mạng, vô bộ đội rồi ra tập kết miền Bắc cùng lượt với Năm Chinh. Mà thằng đó cũng định cư ngoài Bắc Giang, có vợ là công nhân Nhà máy Dệt 8 tháng 3, có về quê đâu, đòi đất làm chi? Nỗi bực dọc đóng thành cục muối trong lòng ông. Chỉ mong đám người đi đòi đất kia quay lại để ông đối chất với họ cho ra bắp ra khoai. Vừa may bên ủy ban xã có giấy triệu tập Năm Chinh lên để giải quyết vụ việc. Ông bước vô phòng công an xã, thì thấy Danh “cán gáo” đã ngồi đó, đang chụm đầu bàn bạc gì với Bảy Liên. Góc đàng kia, ngồi trên chiếc ghế băng là hai người phụ nữ trung niên, vẻ béo tốt.
- À! Năm Chinh đây rồi! Vô giải quyết vụ này cho dứt, tui còn đi xuống thôn.
Bảy Liên chìa ra tờ giấy viết chữ chi chít. Nói là đơn của người nhà ông Trần Đại yêu cầu ông Nguyễn Trường Chinh thôn Thuận Lợi dừng việc khai hoang trên đất ông bà họ để lại.
- Anh Năm thấy sao?
Năm Chinh đón tờ đơn, đọc lướt qua, rồi đưa trả lại Bảy Liên, giọng thủng thẳng:
- Tui thấy bà con làm đơn đòi đất là đúng. Tui khai hoang phục hóa cũng đúng luôn. Giờ cho tui hỏi hai chị. Đất đai ông bà họ Trần để lại có giấy tờ gì chứng nhận hợp pháp hông? Ví dụ như bằng khoán của chính quyền cũ để lại.
Hai người phụ nữ đưa mắt nhìn nhau, rồi một người ngập ngừng:
- Dạ, hông! Nhưng từ trước năm Ất Dậu, bà con ở đây đã biết đất này là của ông nội tui. Mồ mả ông bà cố chúng tui còn nằm trên đất này.
Chủ tịch Danh cắt ngang:
- Nhưng gia đình địa chủ Trần Đại bỏ xứ đi từ mấy chục năm rồi đó.
Năm Chinh nhìn hai bản mặt bóng mỡ, bỗng giận bừng bừng:
- Ngày xưa, mỗi lần ba con tui muốn vô rừng chặt rễ trầu hay đốn củi cũng phải tới nhà ông Trần Đại xin phép. Giờ thì khác rồi. Tui thấy chính sách của Nhà nước thời kì này là khai hoang, vỡ hóa, tận dụng đất để sản xuất. Tịch thu ruộng đất của Việt gian, địa chủ cho dân nghèo. Phân chia cả đất vắng chủ cho nông dân. Mấy người về đây cùng khai hoang đi, tụi tui nhường đất cho đó.
Ông nói một hơi, mồ hôi tướp trên trán, cổ họng khô rang. Danh “cán gáo” hít hà. “Bà mẹ nó chớ! Đúng là có ăn học. Bõ công ra tới Hà Nội để học tập. Cha Năm Chinh nầy còn làm Chủ tịch xã thay mình được nữa chớ giỡn ha”.
- Thôi, thôi! Việc đã rõ như ban ngày, mấy bà về đi cho chúng tui nhờ. Xã còn bao nhiêu việc quan trọng chưa giải quyết kìa. Mai mốt có chủ trương đắp đập thủy lợi Ba Núi, mấy bà về đi dân công hánh. - Nói rồi, Danh “cán gáo” khoác vai bạn đi ra ngoài:
- Tau phục mày thiệt đó! Mày nói về chính sách tau chịu liền. Qua phòng tau uống trà đã.
- Thôi tau dìa! Với lại ba thứ trà gói của ủy ban tau uống hông được.
Trong phòng, hai người phụ nữ cùng nhào tới chỗ Bảy Liên.
- Giờ tính sao đây anh Bảy?
- Hai bà cứ dìa đi rồi tính tiếp. Cha Năm Chinh nó nắm chính sách như vậy, cãi sao được.
Thằng Xuân hàng xóm mới ba mươi tuổi mà râu ria, hom hem như ông già. Ba ngày nay trời mưa, nó lết qua nhà Năm Chinh, hai chú cháu đốt lửa nướng mì ăn, uống trà nhìn trời mưa. Trong buồng, con Quyên đang líu lo chuyện trò với em gái mới sinh:
- Ừa! Ừa! Chị nói với ba cho em ăn mì nướng hánh! Hánh!
Thằng Xuân khệ nệ kéo một khúc củi to, kê vô bếp. Đón khúc mì cháy đen từ tay ông Năm, nó than vãn:
- Mưa gì ác nhơn quá chú Năm! Có nước chú cháu mình nằm chờ mưa dứt, đất ráo rồi mới tính cày bừa được!
Ông Năm ừ hữ, nhìn ra ngoài trời. Cơn mưa quát rào rào lên mái tranh, nước như trút xuống từ đọt tranh trước nhà, cuộn đỏ chảy ra sân.
- Ông trời mưa kiểu này, bờ trổ lở hết, qua hai ba tháng mười, lại kéo cát lấp trổ hộc máu, rồi mới gieo sạ được. Thằng Xuân tính coi, chớ làm ruộng không khéo là lỗ hánh mầy? Nông dân mình không làm ruộng thì làm gì? Coi như khỏi lo tiền mua gạo, còn dư được mớ rơm cho bò ăn mấy ngày mưa. Tau cả đời đi công tác, về hưu có cái sổ gạo, cũng đỡ hơn bà con trong thôn. Nhưng bà vợ tau đâu có biết làm nông. Hai đứa con gái, khi nào lớn cũng cho nó đi học, kiếm việc làm ngoài phố. Ở nhà cực thấy mẹ. Hay thầy trò mình rủ nhau vô rừng đi Xuân. Kêu cả thằng Mén nữa, đông người còn lo cho nhau. Trong rừng thiếu gì thứ quy ra tiền.
Thằng Xuân gật đầu đồng ý liền:
- Trời mưa vầy, vô rừng kiếm cây, kiếm rễ về bán.
Tối nay thì họ đã ở trong rừng, ở nhờ trong ngôi nhà sàn của ông bạn Năm Chinh. Hồi chiều, con chó vàng của Năm Chinh săn được một chú sóc. Thằng Xuân thui rồi đem nướng. Ông Năm nhanh tay giã mấy trái ớt rừng trộn muối hột.
- Đợi chú sóc chín vàng thơm, ta làm một ly giải mỏi. Cái món thịt sóc rừng, chỉ có nướng lên, cuộn lá ngành ngạnh chấm muối ớt là ngon, chứ càng chế biến cầu kì càng dở òm. Nào thịt chín rồi, làm mấy ly, ngủ khỏe mai còn leo núi, tụi bây.