THÁNG TÁM, TRỜI XANH VẮT. NHỮNG ĐỤN mây trắng tơi xốp, nhỏ nhoi, lững thững trôi dạt về phía tây, nơi mặt trời vàng rực đang thấp dần sau những ngọn cây đào lộn hột, lá cũng uá vàng. Cây dừa mồ côi trong vườn hơi nghiêng mình về phía rẫy mì gòn, như muốn che chở cho đám mì lúp xúp, còi cọc. Bên giếng nước, chiếc gầu múc gò bằng thiếc hoa gác lên thành gạch thấp, tay quay cần trục bằng gỗ được tra mỡ kỹ lưỡng, rung lắc nhè nhẹ theo đà gió, phát ra âm thanh nhỏ, kẽo kẹt kẽo kẹt. Cây ổi cạnh đó lúc lỉu mấy chùm trái xanh, trái nào trái nấy bằng nắm tay, nhưng bị ruồi vàng chích, sần sùi những nốt đen.
Bầy chó gần chục con nằm khoanh tròn góc sân, cặp mắt lim dim mơ ngủ. Vậy mà khi đàn gà giò vừa lén lút thâm nhập bãi thóc phơi chưa kịp gom, cả đàn chó chợt vùng dậy lao tới đuổi, sủa oang oác. Bọn gà hốt hoảng bay toán loạn, con gà trống có bộ cánh màu cờ sặc sỡ còn cố dừng lại, xù lông cản bọn chó cho đám gà mái chạy trốn. Con chó vàng sủa lên một tiếng cộc cằn, lao thẳng vô đánh lộn. Trống đỏ đỡ không lại, quýnh quáng bay lên rơi thẳng miệng giếng. Hên là nó hạ cánh đúng chiếc gàu thiếc. Chiếc gàu rớt xuống, kéo theo dây dợ lằng nhằng, loảng xoảng. Con trống đỏ lấy đà vút ra ngoài, thoát chết trong gang tấc.
Bà Thảo bày bình trà lên bộ bàn ghế giả đá kê sau hiên nhà, miệng la đuổi gà, tay nhanh nhẹn lau qua mặt bàn. Chiếc bình trà cổ cao bằng gốm nâu nóng ran, hương trà bay ngan ngát. Trà này bà mới nhờ đứa cháu họ ngoài Bắc gửi vô cho. Ông chồng ghiền trà Bắc từ những năm tập kết đến nay, nên rất kén. Mấy thứ trà Bảo Lộc, Đ’rao ông uống không nổi. Nó nhạt hoét, nước lại đỏ đòng đọc, uống vô chỉ tổ đi tiểu.
- Trà được rồi ba ơi! Nghỉ tay chút đã!
Ông Năm Chinh ném mấy bụi mì vô chuồng heo rừng, cười móm mém khi thấy lũ heo con cũng lăn xả vô cướp thức ăn với mấy con heo lớn.
- Hùi! Hùi! Đừng có cắn lộn hầy!
Chùi hai tay lấm đất vô đít quần, ông lững thững bước ra bàn nước, cặp mũi sư tử bành ra, hít lấy hít để mùi hương trà bay ngào ngạt. Đây là bình trà thứ hai trong ngày, sẽ được ông nhấm nháp từng ly một, cho tới khuya. Bình thứ nhất được bà vợ dậy sớm chế cho lúc năm giờ sáng, qua nước nhị, nước tam, nước tứ… tới khi nào rót ra ly còn có màu lợt lạt của trà. Bình này uống tới năm giờ chiều, lúc đó ông mới chịu cho bà chế tiếp bình mới. Năm Chinh ghiền trà, nên ông rất hà tiện, dè sẻn trong việc hãm. Dù có khách hay không, ấm trà thứ nhất được duy trì cả ngày. Khách nào tới chơi buổi sớm, hên được uống trà ngon, rủi mò tới giấc trưa coi như uống lại trà rửa bình.
Ông ngồi gác chân chữ ngũ, khẽ nâng ly trà lên miệng. Cái đầu tóc bạc trắng lâu ngày chưa hớt lòe xòe, gục gặc. Ngon! Đúng là “chè Thái, gái Tuyên”. Mấy chục năm sống ngoài Bắc, từng làm rể Hà Nội, ông thấm thía câu nói trên. Trà Bắc có nhiều loại, từ chè Shan Tuyết Suối Giàng, Yên Bái và Xín Mần, Hà Giang tới những đồi chè Phú Thọ, không trà nào ăn đứt được chè Tân Cương của Thái Nguyên. Hương vị đậm đà, chát ngọt, màu nước nhàn nhạt vàng chanh chứ không đỏ đậm, đã làm nên thương hiệu “Trà Thái”. Còn gái Bắc, có lẽ không đâu đẹp bằng Tuyên Quang. Gái Tuyên đa phần cao ráo, tròn trịa, vẻ đẹp quyến rũ. Vụ này ông từng được nghe, rằng xưa kia vua nhà Mạc dựng thành ở xứ Tuyên, nên tập trung về đây rất nhiều cung tần, mỹ nữ. Tới khi nhà Mạc sụp đổ, những mỹ nhân của vua quan lẩn trốn vào thôn dân, lấy chồng thường dân và truyền lại cái gen đó cho hậu thế.
Ông móc tới móc lui mấy chiếc túi lùng nhùng trên chiếc quần soóc dài quá gối, lấy ra gói thuốc Jet màu trắng bẹp rúm. Phì phà phun khói lên trần nhà, ông nhịp nhịp chân nghĩ miên man về những miền “chè ngon, gái đẹp” từng đi qua. Bất chợt ông cười khúc khắc, kéo vạt áo phông có in dòng chữ “Tiệm xe Hưng Phát” lên chùi nước mắt. Bà Thảo ngạc nhiên nhìn chồng. Lão già lại có gì vui đây. Bảy mươi lăm tuổi mà sức vóc còn khỏe mạnh, cơm bữa ba chén, một ly rượu thuốc, ngày hai bình trà nóng, da ông già vẫn đỏ au, cặp chân khuỳnh khuỳnh còn đi lại nhanh nhẹn. Có lẽ do thói quen vận động từ thời thanh niên, ông từng là cầu thủ chân giày của đội bóng Tổng cục Đường sắt. Ông cũng mới bỏ môn bóng chuyền và bóng bàn mấy năm nay, vì tuổi già ngại đi xa tới trung tâm văn hóa thể thao xã. Ngay cả cách ăn mặc của ông cũng đậm chất con nhà thể thao. Toàn áo phông, quần lửng, những thứ xin lại của mấy đứa cháu kêu bằng cậu. Ngược lại, bà Thảo chưa tới sáu mươi mà da mặt nhăn nheo, ăn bận lúc nào cũng kín cổng cao tường, đúng cách của một bà già nhà quê. Nhìn vô đôi vợ chồng, không ai hay bà kém ông những hai mươi tuổi. Thấy bà ít chăm sóc bản thân, ông cự nự:
- Mình cứ cố tình đày thân chi vậy? Hổng lẽ tui già quá rồi sao?
Ông thương vợ cằn nhằn miết, bà chỉ cười:
- Ba chưa già! Mới rụng gần hết hàng tiền đạo thôi! Ôi dào ơi! Tôi theo ba lên rừng xuống biển, lăn lộn chăm sóc ba cha con bao nhiêu năm giời, chưa chết sớm là còn may!
Ừa hén! Bả cực quá mà. Ông không còn nhận ra vợ mình hai lăm năm về trước. Hồi đó thiếu phụ gốc Bắc da trắng, tóc dài, mắt sáng ngời, môi đỏ tươi. Hai con rồi mà ngực vẫn săn chắc như thiếu nữ. Bây giờ tóc bà vẫn còn đen, chưa bạc sợi nào, bụng vẫn thon phẳng, dáng vẫn đẹp. Chỉ có làn da là se sắt lại, gò má nhô cao, nếp nhăn đầy mặt. Bà Thảo giống một nông dân thực thụ, gót chân rạn nẻ chân chim, chiếc quần láng đen cũ lửng lơ ngang bắp chân.
- Ba ơi! Liệu mà lùa dê vào chuồng! Khéo trời mưa ba ạ!
- Ừa! Mưa thì buồn quá! Tui lại sắp thất nghiệp không trồng trỉa gì, ở nhà lo cắt cỏ dê.
Ông vừa ngửa mặt nhìn trời vừa bước vội ra trại dê phía sau vườn. Mưa thì mưa đi ông trời! Dằn dứ miết. Mọi năm tháng này mưa lắc rắc rồi đó. Năm nay vác cây sào chọc lên trời chỉ thấy xanh ngắt, khô rang.
Cổng vô trại dê nằm ngay phía lộ đất chạy qua khu vườn nhà Năm Chinh. Có ba mươi bảy con dê cả thảy, được nhốt trong chiếc chuồng rộng lợp tranh. Ông Năm Chinh nghe lời khuyên của người có kinh nghiệm, đốn gỗ tràm về cất chuồng dê theo kiểu nhà sàn, vừa sạch sẽ vừa tránh cầy cáo vô bắt dê non. Ngoài khu vực chuồng và sân rộng chừng hai trăm mét vuông để nhốt dê, phía sau ông để ba sào đất trồng cỏ và cây tạp. Sáng chiều hai lần, khi thì ông, khi thì đứa con gái lớn cắt cỏ đem bỏ chuồng cho dê. Từ khi con nhỏ ra Quy Nhơn học Cao đẳng Y tế, việc cắt cỏ dồn lên vai ông.
Đàn dê thấy bóng dáng ông thì kêu be be, chạy tới bên hàng rào. Những chiếc lưỡi đỏ ram rám thò qua lỗ rào thép B-40 liếm lên tay chủ.
- Vô chuồng thôi các con! Trời sắp mưa rồi kìa!
Bọn dê còn đủng đỉnh chán mới chịu trèo lên cầu thang gỗ, lên chuồng. Con dê đực đầu đàn có bộ lông màu nâu rất ấn tượng. Thân hình to lớn, nó đứng sừng sững cạnh lối lên chuồng, hai cái tai dài vắt phủ tới má, đôi mắt đỏ rực theo dõi bầy đàn. Con dê cái nào trước khi bước lên cầu thang đều bị tên thủ lĩnh giữ lại, ngửi ngửi sau đít, rồi ngửa mặt lên trời cười. Đó là cách nó kiểm tra bọn dê cái xem có con nào tới chu kì động dục không. Chị dê nào có nước chảy ra, thằng dê xồm nhảy lên lưng làm chuyện tục tĩu ngay trước mắt ông chủ. Ngày mai, nó sẽ đi theo mấy con dê cái đó, nhảy suốt ngày. Năm Chinh đứng im lặng quan sát, thầm phục sức dẻo dai của thằng dê đực. Đã năm con dê cái vô chuồng, ngoài kia còn hai con nữa đang mải mê trèo lên hàng rào hái lá đậu đũa mà thằng dê đực vẫn kiên nhẫn đứng chờ. Đám dê này, giá thị trường cũng hơn trăm triệu đồng, vợ chồng ông không có khả năng và ý định đầu tư nuôi chúng. “Giàu nuôi chó. Khó nuôi dê. Hết nghề nuôi ngỗng”. Vậy là con dê phù hợp với những gia đình nghèo khó. Đây thực ra là ý tưởng và tấm lòng của một người bạn cùng đơn vị với ông. Hai Rựa trước kia làm trinh sát, nhanh nhẹn và khôn ngoan như khỉ, nên suốt cả hai cuộc kháng chiến hắn chẳng bị sứt mẻ chút da thịt nào. Sau khi nghỉ hưu, Hai Rựa tham gia kinh doanh buôn bán với con trai, một nghề hắn đam mê từ trẻ mà không có cơ hội thực hiện. Một bữa Hai Rựa lên Phù Cát chơi, ghé Năm Chinh nhậu một bữa tơi tả, rồi ra thăm đất vườn:
- Chu cha! Đất rộng hầy! Hay là làm cái trại dê đi Năm Chinh?
- Tau hông có tiền mầy ơi! Lương hưu nuôi sắp nhỏ còn chưa đủ!
Hai Rựa cười nhạt:
- Tui biết ông ghét buôn bán từ hồi nào kìa. Vậy ông mới chết…
Nghe Hai Rựa nhắc lại, Năm Chinh phì cười. Đúng là đi kháng chiến thì dính cái tên trùng với tên ông Trường Chinh. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Hồng Chinh, nhưng vô bộ đội địa phương, khi xếp hàng nhập trung đội, thủ trưởng hỏi tên gì, ông nói Nguyễn Hồng Chinh, người ta nghe không ra viết danh sách là Nguyễn Trường Chinh. Vậy là gắn với cái tên đó suốt đời. Năm Chinh giờ đã thay đổi cách nghĩ. Dù mang tên trùng với ông Trường Chinh hay gì thì cũng phải tìm cách vượt nghèo, nuôi vợ con. Từ khi về đây ông đủ thứ nghề sơn lâm, thủy sản rồi. Nhưng nói tới chuyện lập trại dê thì chịu. Không có vốn.
- Giờ tui bàn vầy hánh! Ở đây sẵn cây cọc, ông dựng trại, trồng cỏ đi. Con giống tui cấp cho. Ông chăm sóc dê, cuối vụ lời lóm cưa đôi! Được không?
Còn gì nữa mà không được! Năm Chinh kêu vợ ra hỏi lấy lệ, rồi hối bà Thảo mần con thỏ nhậu tiếp. Hai Rựa xua tay bai bải:
- Thôi cha nội! Nhậu tăng hai tui đứt bóng liền, rồi mất luôn nhà đầu tư đó cha.
Hắn bỏ về, tháng sau chạy lên thăm chuồng trại. Rồi một chiều mưa tầm tã, chiếc xe bán tải chở bầy dê nhập chuồng, con nào con nấy ướt sũng, run rẩy vì lạnh.
Ba mươi năm trước, Năm Chinh đột ngột trở về quê nhà. Chiếc xe đạp hiệu Thống Nhất, chắc mang từ Hà Nội vô, đằng sau vỏn vẹn chiếc hòm gỗ sơn véc ni sờn tróc, bên trên chiếc hòm là chiếc quạt máy cũ được chằng cột kỹ cùng mấy chiếc xoong nhôm. Phan Thành Danh hay còn gọi là Danh “cán gáo” lúc đó đang là chủ tịch xã, trước kia cùng tiểu đội với Năm Chinh, hồi kháng chiến một lần dùng súng trường quất rụng một thằng trực thăng “cán gáo”. Danh “cán gáo” bữa đó chuẩn bị đi họp huyện, thấy bạn cũ lò dò hỏi đường tới công an xã nhập hộ khẩu. “Ủa! Có phải Năm Chinh không ta? Thằng này nghe nói làm trưởng phó phòng gì đó dưới Quy Nhơn, đi đâu cũng ngồi xe com-măng-ca, sao hồi này ốm ròm, đen đúa vậy chớ?”.
- Nè! Năm Chinh phải hông?
- Chào đồng chí! Tui là Năm Chinh! Tui muốn hỏi công an xã ở chỗ nào?
Danh “cán gáo” thoi cho thằng bạn một đấm lên vai:
- Con khỉ! Tau Danh “cán gáo” nè! Hỏi công an chi?
Năm Chinh đứng sững, gạt chân chống xe đạp, rồi ôm chầm lấy bạn:
- Ui chô! Là Tiểu đội phó Phan Thành Danh hả? Tưởng bây… liệt sĩ rồi chớ! Hè hè! Tau đi làm cái hộ khẩu! Hưu rồi! Tìm đường về quê chớ sao!
- Giờ ở đâu? Vợ con sao rồi?
Năm Chinh gãi đầu:
- Thì có đưa mẹ con nó về cùng mà! Đang ở nhờ nhà chị Ba!
- Giờ tau đi họp đã! Chừng nào về, ghé thăm tụi bây liền! Hay để tau dắt vô kêu mấy đứa công an làm cho lẹ!
Năm Chinh xua tay:
- Khỏi! Cứ đi đi! Mấy em cháu ở đây lạ gì tau!
Chị Ba Chiến ngồi bần thần trên tấm phản gỗ, giơ chiếc áo nhỏ lên ngắm nghía. Màu đen không hạp với con nít, nhứt là con gái, nhưng biết kiếm đâu ra vải bông bây giờ. Cửa hàng hợp tác xã mua bán rặt mấy thứ vải màu tối, lại phải mua theo tiêu chuẩn tem phiếu. Chị mua ba mét vải đen, cắt may được bộ đồ bà ba, nhưng chiếc áo cộc tay, chừa được hai miếng đầu thừa đuôi thẹo, đem may cho con nhỏ nhà Năm Chinh tấm áo. Thời buổi gì khan hiếm quá trời. Hồi trước giải phóng, mấy thứ đồ con nít bán thiếu gì, lại đẹp nữa. Mà thôi, mình cũng phải thông cảm cho bên ta, chính quyền mới còn nhiều khó khăn, lo cái ăn cái mặc cho dân đã quá sức rồi. Bà mẹ chúng nó, mấy cái đứa ngoại xâm ấy. Sao cứ lăm le uýnh mình hoài. Vừa thống nhất đất nước cái, tự dưng tòi ra thằng Khơ-me đỏ phía Tây Nam. Nay đã yên yên chút, nên cuộc sống còn khó khăn có gì lạ đâu. Đến cậu Năm Chinh nhà này, đi tập kết về mà tài sản duy nhứt có chiếc xe đạp Thống Nhất. Nay về hưu rồi, vẫn chỉ có chiếc xe đó, thêm con vợ xinh đẹp như diễn viên cải lương mà lười thấy mẹ, hổng biết làm thứ gì.
Đó, nhắc Tào Tháo là ổng tới liền. Năm Chinh cồng kênh con gái nhỏ trên cổ, đi vô sân vừa hát, vừa nhún nhảy. “Ai/ đã từng đi qua / sông Cứu Long giang. Cứu Long giang/ sóng trào nước xoáy. Ai/ đã từng/ nghe tiếng/ Tiểu đoàn. Tiếng/ tiểu đoàn/ ba trăm lẻ bảy… lẻ bảy/ Tiểu đoàn lẻ bảy…!”. Con nhỏ Quyên túm tóc ba nó, cười hắc hắc.
- Cha con bay sung sướng quá hánh! Vô đây! Vô đây cô Ba biểu!
Con Quyên trằn xuống đất, lẫm chẫm chạy tới, miệng kêu:
- Chô cha! Chô cha! (Cô Ba! Cô Ba!).
- Ừa! Vô đây cô Ba thương! Cô cho con chiếc áo mới nè! Chớ mẹ nó đâu?
- Dạ, nó đạp xe đi chích thuốc giùm bà Bảy xóm ngoài, chị Ba!
Năm Chinh hớn hở nhìn chị Ba Chiến mặc áo mới cho con gái. Hơi chật một chút, nhưng có áo mới là vui rồi. Chị Ba Chiến vuốt mái tóc xoăn khét nắng của cháu, miệng lẩm bẩm:
- Nòi giống nhà tau thì tau thương, chớ nhìn cái mặt con mẹ nó chịu hết nổi!
Nghe chị gái chê vợ mình, Năm Chinh chỉ biết thở dài. Đã nhiều lần anh giải thích với mọi người trong nhà, rằng cô Thảo vốn là dân sư phạm, trước kia cũng con nhà đài các, vì vậy cổ không biết lao động nặng, chớ “nữ công gia chánh” cũng khá lắm đó. Anh thương vợ nên gánh giùm mấy việc nặng nhọc, còn việc trong nhà chăm sóc chồng con, không tay cô thì ai làm.
- Nhìn thấy chiều nào cậu cũng gánh nước về cho nó tắm là tau lên ruột! Đồ đờn bà gì quen ngồi trên đầu chồng!
Năm Chinh ngậm tăm. Thôi chấp chi bà chị khó tánh. Cũng tại bả khổ sở đơn thân riết, rồi thấy người khác được chồng quan tâm thì ghét. Anh Tịnh chồng chị, ngày trước cũng cưng vợ lắm chớ bộ. Từ lúc hai người còn tham gia dạy “bình dân học vụ”, tối nào cũng xách đèn thẩu đi xóm trong, xóm ngoài, hẹn hò yêu đương miết. Hồi Cách mạng Tháng Tám năm bốn lăm, chính quyền mới bắt buộc nông dân, thợ thuyền xóa mù chữ, giáo viên thiếu rất nhiều. Chị Ba Chiến đã học qua lớp nào đâu. Chẳng qua thời Pháp, có cha là người có bằng sơ học yếu lược, ở nhà kèm cặp cho nên biết đọc, biết viết, rồi gặp may được Ty Bình dân học vụ tỉnh chọn làm giáo viên. Cả Năm Chinh cũng đọc thông viết thạo từ năm bảy, tám tuổi, là do cha dạy cho. Anh Tịnh cùng đi tập kết với Năm Chinh, nhưng bên ngạch hành chánh. Anh mới cưới chị Ba Chiến được nửa năm, chưa vướng bận con cái gì. Hồi đó, người đi kẻ ở lưu luyến không rời, nhưng họ động viên nhau, ráng chờ hai năm sau là sum họp. Hiệp định Giơ-neo nói rõ vậy, mình phải an tâm. Ai ngờ chính quyền Ngô Đình Diệm phá hiệp định, thời hạn hai năm đó kéo dài gần hai mươi năm. Chị Ba Chiến một dạ chờ chồng đúng mười chín năm. Mãi tới năm một chín bảy ba, có người tập kết ngoài đó trở lại chiến trường Khu Năm, gặp chị mới cho hay anh Tịnh có vợ ngoài Bắc, con cái đùm đề rồi. Đang hoạt động bí mật, chị Ba giận chồng lắm nhưng biết làm sao. Hổng lẽ gào thét, chửi rủa thứ đàn ông bạc tình, ai nghe cho mình. Năm đó chị tròn bốn mươi tuổi, nghe lời khuyên của bạn bè và má chồng, nên kiếm đứa con mà nuôi, đừng chờ nữa, mai mốt già còn có chỗ mà nương tựa. Chị tìm được một anh cán bộ cùng huyện, thẳng thắn đề nghị:
- Tui muốn một đứa con để sau này nhờ vả. Anh giúp được hông? Mọi chuyện sẽ hết sức bí mật! Tui hoàn toàn chịu trách nhiệm về đề nghị này.
Chị sinh thằng con trai, đặt tên nó là Nguyễn Thống Nhất. Chỉ đau nỗi là thằng nhỏ mới ba, bốn tuổi thì bị té, gãy chân, giờ đi cà lết. Nay thấy em trai cõng đứa con nhỏ về xin ở nhờ, chị Ba Chiến vui lắm, nhưng lại ghét con vợ nó. Nghe nó kể lại, thì gia đình con Thảo cũng là thứ dữ ngoài Bắc, di cư vô Nam hồi năm tư. Nó lại là người Mường, mà gái Mường chắc rành ba thứ bùa ngải, hèn chi thằng Năm Chinh làm thí xác vì vợ.
Danh “cán gáo” chạy chiếc xe honda đậm màu rêu còn khá mới, tiếng xe nổ tanh tanh dễ chịu. Vừa dựng xe, đã lớn họng la:
- Chị Ba lo cho tui với thằng quỷ nè bữa nhậu đi! Rau đậu gì cũng được!
Ba Chiến thấy chủ tịch xã tới nhà thì mừng:
- Vô uống nước với thằng Chinh đi! Để chị lo mồi. Hổng có gà vịt, cứ bánh tráng bột mì như hồi nẳm là được hánh?
Năm Chinh đỡ bi đông rượu móp méo bạn đưa cho, hít hà:
- Rượu Bàu Đá hả? Tưởng Nhà nước cấm nấu rồi?
- Chu cha! Tau có mối mầy ơi! Cấm đâu chớ chiến hữu lâu ngày gặp nhau không nên cấm.
Danh “cán gáo” lết ngay xuống sàn nước, lặt rau sống với chị Ba Chiến.
- Chị Ba kiếm mớ tép bạc, nấu bậy lên cuốn bánh tráng là ngon rồi! Trời ơi! Hồi năm đó, hông có chị với má ngồi trên nóc hầm bí mật cuốn bánh tráng cho ăn, tui với anh Bảy bí thơ chết đói rồi.
Nhắc lại chuyện cũ, chị Ba Chiến cũng ngạc nhiên không hiểu hồi đó hai má con sao gan cùng mình. Thằng Danh với anh Bảy bí thơ xã vừa về nằm hầm trong nhà chị tối hôm trước, thì sáng hôm sau giặc bố càn. Một nhóm bảo an đoàn cắm chốt nằm lì ngay vườn mía trước nhà. Chị Ba Chiến lo quá, mặt mũi tái mét. Má bình tĩnh hơn, rỉ tai con gái:
- Cái giống gì mà mặt xanh lét vậy! Coi chừng tụi nó phát hiện nhen! Cứ đi rẫy cỏ mì như thường ngày, mọi chuyện để má lo!
Chiều chị đi rẫy cỏ về, thấy má trải chiếu ngồi ngay trên miệng hầm bí mật với mâm bánh tráng tổ trảng, cùng nồi tép bạc kho ớt, rổ rau sống đủ loại.
- Vô tắm rửa lẹ lên còn ăn tối con ơi! Bữa nay cho bay ăn bánh tráng cuốn cá cơm hánh!
Một thằng bảo an lột chiếc nón kết giắt lên cầu vai, nghênh ngang cây súng bước tới, ngó vô cái mẹt đầy rau. Bà già xởi lởi:
- Ăn bánh tráng hông chú? Bánh bột mì ngon lắm đó! Tui cuốn mời chú một chiếc hánh!
Thằng lính cười cười, lảng đi.
Dưới hầm, qua lỗ thông hơi Danh và anh Bảy bí thơ nghe rõ tiếng bọn lính cười nói phía trên, cố ghìm cơn lo lắng trong lòng. Suốt từ trưa ngày hôm trước đến giờ, chưa ai được hột cơm, củ mì vô bụng. Cơn đói và nỗi lo lắng làm hàm răng đánh lộp cộp. Danh ngồi gần lỗ thông hơi, ghé sát tai nghe ngóng. Bỗng giật mình vì có vật gì ướt nhẹp rơi trúng vai. Giơ tay sờ, anh phát hiện đó là chiếc bánh tráng cuốn còn lòng thòng mấy cọng rau, hành.
- Anh Bảy! Có bánh tráng ăn rồi!
Lại một chiếc bánh nữa rớt xuống đất. Danh lượm lên, thổi phù rồi nhai ngon lành. Vụ tiếp tế đồ ăn có một không hai này là do bà má nghĩ ra. Danh vội cởi áo, trải xuống đất ngay dưới lỗ thông hơi. Bánh tráng thi thoảng lại rớt xuống cái độp. Bên trên hai má con chị Ba vừa ăn vừa chuyện rôm rả. Ba Chiến hết cả sợ, cười khanh khách, làm mấy thằng bảo an ngạc nhiên thao láo con mắt dòm vô.
Danh “cán gáo” vừa nhai bánh tráng, vừa kể cho Năm Chinh câu chuyện cách đó hai chục năm. Vậy mà hồi đó, lên tàu thủy ra Bắc rồi, đơn vị ai cũng bàn tán chuyện thằng Danh bỏ trốn không tập kết, ở lại với con bồ bán hủ tiếu ngoài chợ Phú Phong.
- Cấp trên điều tau ở lại nằm vùng, chớ đi tập kết hết, tụi địch phá nát cơ sở sao!
Chuyện đau lòng xảy ra sau đó, khi anh Bảy đi công tác, bị địch phục kích bắn chết. Bên cạnh xác anh là con rựa mang theo. Cây rựa đó là của nhà Ba Chiến. Một người hàng xóm vô tình nhận ra cây rựa, vì bà má Ba Chiến hay nhờ ổng mài. Vậy là hai mẹ con lập tức bị chúng hốt lên đồn. Vừa bị ném vô căn phòng đầy rác và nặng mùi khai nước tiểu, bà già đã bị một trận mưa gậy ma trắc tơi tả, toét đầu chảy máu.
- Nói! Bà đưa cây rựa cho đứa nào? Phải đồng đội của thằng Chinh hông?
Bà già cắn răng chịu đau, chỉ hét lên khi cây ma trắc đập vô vai con gái:
- Rựa tui gài ở bếp, ai vô lấy mà hông được! Mấy ông ức hiếp đờn bà, con nít quá lắm!
- Bà nói chó hông nghe được! Sao thằng đó hông vô bếp nhà người khác, lại vô nhà bà? Thằng con trai bà đi tập kết phải hông?
- Đi kiếm nó mà hỏi! Nó nhảy núi với mấy ông cách mạng, giờ nó đi đâu làm sao tui biết!
Đánh bà già một chặp, mấy thằng lính khép cửa phòng bước ra. Bà già giậm chân, đánh mắt cho con gái về phía cửa. Ba Chiến hiểu ý mẹ nhắc hãy trốn đi, tìm mấy chú mấy anh báo cáo. Cô đã mười bảy tuổi, cơ thể nở nang trổ mã xinh đẹp, lỡ tụi lính làm ẩu, hãm hiếp thì khổ. Thấy má giậm chân lần nữa, Ba Chiến liều mạng hé cửa phòng lách ra. Cô thấy có một cửa sổ trống hướng ra phía nhà bếp của đồn, bức tường thấp đổ bóng mờ tối. Đã gần sáu giờ chiều, bóng trời chạng vạng, gió thổi ràn rạt. Cô nép mình theo bức tường, rảo bước ra phía cổng đồn. Một bóng người bước trong bụi cây ra ngay trước mặt làm cô chết sững. Thằng lính trẻ vừa gài nút quần, vừa ngạc nhiên nhìn cô gái:
- Ủa! Cô em ở đâu ra vậy?
- Dạ! Em xin ra ngoài mua cho má ổ bánh mì. Anh Hai bữa nay gác hả! Mai mốt rảnh ghé nhà em chơi hánh!
Thằng lính chắc cũng chỉ mười bảy, mười tám cỡ tuổi Ba Chiến. Nó cười tít mắt:
- Nhà cô em ở chỗ nào?
- Người đẹp trai mà hay mau quên, bữa hổm anh có ghé nhà em ăn bánh tráng mà.
- Nhớ nha! Chủ nhật anh ghé nha!
Ra khỏi đồn, Ba Chiến chạy một mạch như ma đuổi. Sao mà hên quá, gặp thằng lính con nít. Đường làng trải đầy cát, ngập tới mắt cá chân. Những bước chân bị cát trì níu lại, rã rời làm Ba Chiến khóc nức nở. Cô muốn gào lên gọi má, gọi dì Hai mà không dám. Giờ này không biết tình hình ra sao, phải ráng chạy tới nhà dì, đón con Bảy em gái đang ở đó, trốn sang Cát Lâm với cậu Chín. Chậm chút nào nguy hiểm chút đó.
Ba ngày sau, lính đồn gọi người nhà lên đưa má về. Bà già người mềm oặt, nhàu nhĩ như đám giẻ rách. Dì Hai thương em quá, vừa khóc vừa chửi tụi lính đồn. Bán một cặp heo thịt, dì Hai chạy mua thuốc về phục cho em, nhưng không kịp. Một tuần sau thì má mất, Ba Chiến cho con Bảy về chịu tang má, còn mình thì tránh mặt. Hôm đám tang, người làng nói có mấy thằng mật vụ lảng vảng đi theo tận ngoài huyệt mộ.
Chiếc sàng cũ, từng cọng nan nâu bóng làm nền cho đám rau sống tập tàng hái ngoài vườn vô. Chị Ba Chiến đặt chiếc sàng xuống manh chiếu rách, thêm thau nước giếng và xấp bánh tráng mỏng. Món ăn này đúng ra phải cầu kì lắm, có đậu, có thịt, bánh tráng nướng đi kèm. Chị Ba chỉ có một ơ tép bạc kho ớt, nước đặc quánh nồng cay. Danh “cán gáo” lanh tay nhúng nước, cuộn bánh, đôi mắt anh ngầu đỏ, rịn ra khóe mắt một nửa giọt lệ đùng đục. Mới đó mà đã ba chục năm rồi, từ buổi chiều anh trải áo dưới hầm bí mật, đón từng chiếc bánh cuốn thiệt chặt, thiệt kỹ của má, của chị Ba thả xuống. Giờ thì người còn, người mất. Anh Bảy bí thơ hai năm sau hy sinh ở Bồng Sơn. Má già thì bị địch tra tấn đến chết. Bản thân Danh cũng bị bắt dịp Tết Mậu Thân, bị đưa tuốt ra Côn Đảo, tưởng bỏ xác ngoài biển. Mãi năm bảy lăm mới được giải phóng khỏi lao tù, về địa phương. Mấy năm nay nhận kiêm cả hai chức Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch xã Cát Sơn, thấy oải quá.
- Vô mầy! Anh em, đồng đội lớp chết, lớp đi hông về, còn gặp được nhau vậy là mừng rồi! Mầy về xã, tham gia công tác phụ tau hánh! Tau thiếu người quá.
Năm Chinh nheo mắt nhìn thằng bạn chiến đấu. Nó vẫn dẻo miệng y chang hồi còn làm tiểu đội phó bộ đội địa phương. Cái thứ rượu Bàu Đá nầy, lâu lâu mới vô một lần, cháy hầu cháy họng. Ừa! Công tác thì tao làm được, cũng quản lý miết chớ đâu. Chỉ sợ về quê, dân gian phức tạp, đủ mọi thành phần, khó nói cho xuôi.
- Thôi để tau ổn định chỗ ở cho má con sắp nhỏ đã, rồi tính.
Năm Danh khất bạn.
Vừa lúc đó thấy con nhỏ Quyên reo lên:
- Má dề! Má dề!
Chị Thảo dựng xe, giơ tay đón con gái, lấy trong giỏ xách ra gói lá chuối khô, đưa cho con:
- Kẹo này con! Con gái ngoan của mẹ!
Danh “cán gáo” sững người. Vợ thằng Năm Chinh đây sao! Đẹp dữ má ơi! Chị Thảo người cao ráo, thon thả, mái tóc dài kẹp sau lưng buông tới mông. Nụ cười tươi với môi hồng, răng trắng thiệt khác lạ so với chị em nhà quê. Đôi chân mày cong vút và cặp mắt sáng hiền hậu chứng tỏ người này tử tế, lương thiện. Chị cắp con nhỏ bước tới chào khách, rồi nựng con:
- Ờ ờ! Con gái chờ mẹ một tí, mẹ phụ cô Ba dọn cơm cho con ăn nhá!
Danh gật đầu:
- Chào thím Năm! Chớ đi chợ về mua quà gì cho con dậy?
- Dạ! Kẹo cà anh ơi! Chợ quê mình có thứ quà gì khác ngoài kẹo cà với bánh đúc đâu ạ!
- Ừa! Trước kia thì đủ thứ đó, nhưng mấy năm nay kinh tế khó khăn, không được như ngoài Quy Nhơn.
- Dạ! Em biết mà anh! Mời hai anh ăn cơm ạ! Ăn cơm thôi Thống Nhất ơi!
Một thằng nhỏ chừng mười tuổi, chân đi cà lết, tay cầm cuốn truyện tranh từ trong nhà bước ra. Nó giương mắt nhìn hai người đàn ông, không thèm thưa hỏi chi hết, ngồi phẹt xuống bên mâm cơm.
- Lại cơm độn mì hả?
Thằng nhỏ nhăn nhó nhìn mâm cơm. Một rổ rau muống luộc to chà bá, một chén tép kho lõng bõng vừa cái vừa nước. Chỉ có vậy thôi. Chị Ba Chiến thủng thẳng:
- Có vậy thôi đó! Hông ăn thì nhịn! Muốn ăn ngon thì vô Sài Gòn!
Năm Danh lén nhìn vợ. Chị Thảo cúi đầu xuống chén cơm độn, nhấm nháp. Con Quyên vẫn cầm miếng kẹo cà, một thứ kẹo nấu bằng mật mía với đậu phụng, được lót bằng bột mì khô chống ướt. Năm Danh xót ruột vì biết vợ không ăn được cơm độn. Lại càng không thích ăn các loại cá. Thảo chỉ hợp với thịt heo kho tàu, thịt gà rang nấu lá giang hoặc bò xào hành tây, mà mấy thứ đó ở nhà quê nầy kiếm đỏ mắt không ra.
Khi Danh “cán gáo” ngà ngà rượu, bỏ đi kiếm cà phê uống, Năm Danh mới dám nói với chị gái:
- Chị Ba nấu cơm độn ít mì thôi, cho vợ tui ăn với. Nó đang có bầu đứa thứ hai đó.
- Cậu làm vua làm tướng ở đâu? Ở quê thì ăn theo lối nhà quê chớ. Gạo ở đâu mà ăn cho dữ?
- Tiêu chuẩn của tui mỗi tháng mười ba ký gạo. Chị làm ơn nấu nhiều cơm hơn mì giùm chút, cho mẹ con nó sống với.
- Hả! Mầy tính toán với cả tau hả thằng Năm? Đã vậy cút cha tụi bay đi hết cho tau nhờ! - Chị Ba Chiến giận dữ chửi một hồi. Nó là cái thằng không biết phải quấy. Trước kia chị từng nói, hên là thằng Năm đi tập kết, chứ ở lại trong này, không biết nó làm những chuyện trời gầm gì nữa. Nó bỏ xứ đi mấy chục năm nay, giờ về còn không biết thương chị, cứ binh chằm chặp cái thứ đàn bà của ngụy quân bỏ lại. Đẹp thì có mài ra mà ăn được không?
- Thôi, bay có gạo tiêu chuẩn hằng tháng rồi, sống ở đâu cũng được. Làm ơn đừng làm phiền tau nữa! Tau mẹ góa con côi, cực lắm rồi.
Năm Chinh nghe chị gái chửi thì tự ái. Bả nói vậy mà nghe được. Anh tập kết ra Bắc, rồi về lại quê hương, làm công tác đầu tắt mặt tối chớ bộ đi du lịch ha. “Mà kì nghen! Giờ giải phóng rồi, hòa hợp hòa giải dân tộc rồi, sao cứ quân nó, quân mình hoài. Các người còn ích kỷ, hận thù tới bao giờ? Cổ không chồng, tui không vợ, cưới nhau có gì sai hả?”. Anh giận cành hông, đùng đùng dắt vợ con đi chỗ khác.
- Giờ bay tính lôi con nhỏ đi đâu? - Chị Ba Chiến đã nguôi giận, ôm con Quyên vô lòng, vuốt ve.
- Tui qua vợ chồng con Bảy ở nhờ!
Nghe Năm Chinh nói vậy, chị cười khẩy:
- Bay ở được với con Bảy mới sợ! Tau là chị gái còn hông chịu thấu huống chi con Thảo là chị dâu!
Nhưng Năm Chinh giận chị gái gọi vợ là đồ người ta bỏ đi, ngay chiều đó chạy qua hỏi vợ chồng cô Bảy ở nhờ ít tháng, chờ xin đất cất nhà riêng. Hôm sau thì cả nhà dắt díu dọn đi, tài sản cũng chỉ có chiếc rương gỗ chất lên trên xe đạp.
Chị Ba Chiến nói không sai. Vợ chồng Năm Chinh ở nhờ nhà em gái không trọn một tuần. Một đêm, Năm Chinh nằm võng nhà trên dò xuống giường vợ con ngủ dưới bếp. Vợ chồng đang thì thầm bàn chuyện cất nhà, thì em rể đụng ghế rầm rầm, chửi:
- Mấy người thích chơi nhau, đi chỗ khác hánh! Đừng có làm ở đây thêm cắn đắn, xui xẻo nhà tui.
Sau đó nhờ Chủ tịch xã Phan Thành Danh can thiệp, họ mới có được miếng đất cất nhà. Chỉ một ngày chủ nhật, các thành viên đoàn thể thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh đi cắt tranh, chặt cây dựng cho vợ chồng Năm Chinh căn nhà nhỏ.
Bình trà đã thay ba lần nước, ông Năm Chinh đã vác bốn bao cỏ mang vô chuồng dê. Bây giờ trời có mưa tới hai ngày cũng được. Bà Thảo chân quần thấp, chân quần cao, lại đem ra rổ mì gòn vừa luộc. Những khúc mì trắng tươi, chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái một chút, bở và thơm. Năm Chinh ra vòi nước, rửa qua loa bàn tay rồi sà ngay vô bàn.
- Cho miếng muối mè nữa mình ơi! Chu cha! Ngon quá!
Bà Thảo để chén muối xuống, rồi đứng phía sau nhẹ tay đấm lưng cho chồng.
- Con Quyên nhắn về, tháng sau nó thi trả môn, ba gởi thêm tiền cho nó. Chắc phải tới hai triệu rưỡi.
Ông Năm bị nghẹn củ mì, rướn cổ lên cố nuốt. Bàn tay chỉ chỉ ra phía chuồng dê. Bà gật đầu. Có mấy con dê thịt bán được rồi. Lại còn tiền học cho con Trinh nữa. Tháng tới khai giảng rồi, năm nay nó vô lớp mười chắc cũng đóng bộn tiền. Năm Chinh vẫn sì sụp ăn mì, tay vỗ vỗ vô ngực. Bà hiểu ông muốn nhắc tới số lương hưu tháng này, phải tiết kiệm lại đặng lo cho con Trinh.
Tiếng dê be be vọng lại. Ông Năm Chinh đứng dậy, với tay đấm sau lưng rồi lật đật bước đi. Chỉ có ông mới hiểu được lũ dê kêu gọi điều gì.