Đức Phật là một vị thầy tinh thần và là người sáng lập ra đạo Phật. Tên thật của Ngài là Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhartha Gautama). Ngài là một Thái tử được sinh ra trong bộ tộc Thích Ca tại xứ Nepal vào khoảng năm 566 trước Công nguyên. Khi còn nhỏ, Thái tử Tất Đạt Đa đã có những băn khoăn, lo lắng và những nỗi sợ hãi giống như chúng ta ngày nay. Ngài đã băn khoăn về những vấn đề như: “Tại sao mọi thứ luôn luôn thay đổi?”, “Tại sao chúng ta trở nên già hơn?” và “Tại sao con người ai cũng có những nỗi buồn?” Ở tuổi 20, Thái tử đã nhận ra rằng cuộc sống vương giả huy hoàng mà Ngài đang được hưởng không thể mang lại cho Ngài niềm hạnh phúc thật sự. Vì thế, Ngài đã từ bỏ lâu đài và gia đình để đi tìm ý nghĩa chân thực của cuộc đời và chìa khóa của an lạc bằng cách sống đơn giản và trải nghiệm những lời dạy, những triết lý trong thời đại của Ngài.
Sau sáu năm nay đây mai đó với cuộc sống giản dị, Ngài đã theo học những bậc thầy vĩ đại và đã học cách thiền định, nhưng Ngài vẫn cảm thấy không hạnh phúc. Cho đến một hôm Ngài quyết định ngồi thiền định dưới một gốc cây lớn, gọi là cây Bồ Đề, và ở lại đó cho đến khi tìm được những câu trả lời mà Ngài đang theo đuổi. Sau nhiều ngày thiền định thâm sâu, Ngài đã trải nghiệm một sự bừng sáng phi thường của trí tuệ. Với trí tuệ này, Ngài đã hiểu rõ nguyên nhân và bản chất đích thực “sự đau khổ” của đời người và làm sao để ngăn ngừa nó – Ngài đã “Giác Ngộ”.
Trong suốt quãng đời còn lại, Đức Phật đã chu du khắp Ấn Độ để dạy cho mọi người biết con đường dẫn đến Giác Ngộ, một hành trình tu học được gọi là Pháp. Dần dần, nhiều người đã đi theo Đức Phật để tu học, nhóm người này được gọi là Tăng Già. Đức Phật khuyến khích Tăng Già nên tự mình suy nghĩ. Đức Phật đã khuyến cáo họ rằng không nên nghe theo những lời dạy của Ngài chỉ vì chính Ngài đã nói ra, mà tự thân mỗi người hãy kiểm nghiệm những lời dạy đó. Đức Phật đã dạy đủ mọi hạng người trong xã hội.
Mặc dù Đức Phật đã nhập Niết Bàn ở tuổi 80 vào khoảng năm 486 trước Công nguyên, nhưng những lời dạy của Ngài vẫn sống mãi. Những lời cuối của Ngài được nhắc lại là: “Vạn vật là vô thường, hãy nỗ lực với sự tỉnh thức.” Phật, Pháp, Tăng, được biết như là ba ngôi báu (Tam Bảo) hoặc ba nơi để nương tựa (Tam Quy), vẫn là trái tim của đạo Phật ngày nay.
Nguyện cầu cho tất cả chúng sanh đều được an lành.
Nguyện cầu cho tất cả chúng sanh đều được hạnh phúc.
Nguyện cầu cho tất cả chúng sanh đều thoát khỏi khổ đau.
– Những lời cầu nguyện truyền thống của đạo Phật