Trải qua nhiều thế kỷ, đạo Phật đã phát triển thành nhiều hình thức khác nhau tại nhiều nước, đồng thời cũng thay đổi để dung hòa với văn hóa và phong tục của mỗi địa phương. Tuy nhiên, những lời dạy căn bản của Đức Phật vẫn giống nhau ở mọi nơi. Những ý tưởng quan trọng nhất bao gồm niềm tin vào bất bạo động, vào sự hiểu biết và chấp nhận những khác biệt, cùng với lòng từ bi.
Đức Phật đã dạy rằng, chúng ta phải hiểu đúng bản chất của cuộc đời trước khi chúng ta có thể cải thiện đời sống của chính mình để trở nên hạnh phúc hơn, vì vậy Ngài đã đúc kết bốn sự thật cao quý gọi là Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế đưa ra những nguyên tắc hướng dẫn về sự phát triển của chính chúng ta và khuyến khích mọi người phấn đấu để đạt đến Giác Ngộ, một trạng thái mà Ngài tin rằng mọi người đều có thể đạt được.
Tứ Diệu Đế bao gồm:
1. Khổ Đế: Đau khổ là một phần của cuộc sống.
2. Tập Đế: Nguyên nhân của sự đau khổ là lòng tham, lúc nào cũng muốn nhiều hơn và tốt hơn.
3. Diệt Đế: Có thể chấm dứt đau khổ.
4. Đạo Đế: Chúng ta có thể chấm dứt đau khổ bằng cách thực hành Bát Chánh Đạo.
Bát Chánh Đạo bao gồm:
1. Chánh Kiến: Hiểu biết sâu sắc về Tứ Diệu Đế sẽ tạo sự phấn khởi để chúng ta nỗ lực với phần còn lại của con đường đạo hạnh.
2. Chánh Tinh Tấn: Kiên quyết tự cải thiện.
3. Chánh Ngữ: Nói năng hòa nhã và chân thật.
4. Chánh Nghiệp: Phát triển “hành động chân chánh” qua cách cư xử với mọi người bằng lòng từ bi.
5. Chánh Mạng: Kiếm sống bằng một nghề lương thiện, không làm tổn thương ai.
6. Chánh Tư Duy: Xóa bỏ những ý tưởng xấu để chinh phục sự u mê và lòng ham muốn.
7. Chánh Niệm: Phát triển những tư tưởng lành mạnh, bổ ích bởi vì tất cả những điều chúng ta nói và làm đều xuất phát từ suy nghĩ của chúng ta.
8. Chánh Định: Phát triển và tăng cường sự tập trung tư tưởng của chúng ta.
Một nhóm nguyên tắc tu học khác nữa được biết đến như Năm Quy Luật (Ngũ Giới). Những quy luật này khuyến khích chúng ta chịu trách nhiệm cho những hành động của chính mình.
Năm Quy Luật bao gồm:
1. Tôi kiên quyết không giết hại.
2. Tôi kiên quyết không trộm cắp.
3. Tôi kiên quyết không bạc đãi người khác.
4. Tôi kiên quyết không dối trá.
5. Tôi kiên quyết không buông thả đến quá độ.
Bạn sẽ nhận thấy, qua những câu chuyện trong sách này, chủ đề cốt lõi của Phật giáo là mỗi việc chúng ta làm, mỗi lời chúng ta nói, thậm chí mỗi ý tưởng mà chúng ta có, đều dẫn đến một hậu quả. Những điều đó không chỉ ảnh hưởng đến người khác mà còn đến chính chúng ta. Đức Phật gọi khái niệm này là Nghiệp – chúng ta sẽ gặt hái những gì mà chúng ta đã gieo. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải suy nghĩ cẩn thận và quyết định sáng suốt về mọi lời nói và hành động của mình, bởi chính chúng ta sẽ nhận lấy hậu quả của những điều đó. Người Phật tử tin vào sự luân hồi – mỗi người trong chúng ta đều đã trải qua nhiều kiếp sống – những hành động trong đời sống này sẽ ảnh hưởng đến đời sống tương lai và ngay trong đời sống hiện tại. Người Phật tử biết rằng nếu họ luôn hành động tử tế và khôn ngoan, rốt cuộc họ cũng sẽ trở nên Giác Ngộ và đạt đến Niết Bàn – một trạng thái của sự thanh bình và hạnh phúc tuyệt đối.
Một lời dạy cốt lõi quan trọng khác trong đạo Phật là chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc vĩ đại nhất của cuộc đời khi chúng ta hết lòng yêu thương và quan tâm đến chính bản thân cũng như đến mọi người. Đức Phật gọi tình yêu thương này là Tâm Từ Ái – tình yêu thương bao la.
Như vậy, làm thế nào người Phật tử có thể thực hành được tất cả những lời dạy này? Một cách tổng quát, việc tu học hàng ngày của một Phật tử cần bao gồm thực hành thiền với mục đích mang đến nhiều an bình và hòa thuận hơn, không chỉ cho riêng họ mà còn cho tất cả mọi người. Vì thế, cách sống mà lòng luôn cảm thấy bình an, ngập tràn yêu thương, từ bi, sáng suốt và vị tha đối với cuộc đời là điều mà cuốn sách này khuyến khích bạn phát triển cho con bạn.