Cần phải hiểu rằng, chỉ có một người duy nhất là Đức Phật sử dụng cái không, cái trống rỗng để thể hiện kinh nghiệm tối thượng. Tất cả những nhà huyền môn khác của thế giới đều sử dụng cái đầy đủ, cái trọn vẹn để diễn đạt, biểu lộ kinh nghiệm tối thượng.
Tại sao Đức Phật lại chọn một thuật ngữ phủ định? Cần phải hiểu điều đó, vì sự phát triển tâm linh của chính bạn chứ không vì bất cứ lý do triết học nào. Tôi không phát biểu vì những lý do triết học. Tôi phát biểu chỉ khi tôi nhận thấy có những mối liên quan đến hiện hữu.
Ý niệm về cái đầy đủ, ý niệm về Thượng Đế, ý niệm về cái hoàn hảo, ý niệm về cái tuyệt đối, ý niệm về cái tối thượng, tất cả đều là những thuật ngữ khẳng định. Và Đức Phật đã ngạc nhiên khi quan sát sự láu cá của tâm trí con người...
Những nhà huyền môn ngây thơ đã sử dụng các từ khẳng định bởi vì đó là kinh nghiệm của họ. Sao phải quan tâm đến khổ đau, điều đã không còn nữa? Sao không nói điều gì đó về cái ngay bây giờ? Những nhà huyền môn ngây thơ đã phát biểu theo sự tồn tại của họ. Nhưng trải qua hàng thế kỷ, tâm trí xảo quyệt của con người trên khắp thế giới đã lợi dụng nó.
Đối với tâm trí xảo quyệt, ý niệm về cái đầy đủ, cùng những thuật ngữ khẳng định thể hiện nó, trở thành một hành trình bản ngã: “Tôi phải trở thành Thượng Đế. Tôi phải đạt được cái tuyệt đối. Tôi phải đạt được sự giải phóng tối thượng.” Cái “tôi” trở thành trung tâm cho tất cả những sự khẳng định của chúng ta. Rắc rối là bạn không thể biến kinh nghiệm tối thượng thành đích đến cho bản ngã. Bản ngã là rào chắn, nó không thể trở thành cây cầu.
Tất cả các thuật ngữ khẳng định đã bị sử dụng sai. Thay vì phá hủy bản ngã, chúng trở thành đồ trang trí cho bản ngã. Thượng Đế trở thành một mục đích, bạn phải đạt được mục đích đó. Bạn trở nên vĩ đại hơn Thượng Đế.
Hãy nhớ rằng, mục đích không thể vĩ đại hơn bạn. Cái đạt được không thể vĩ đại hơn người đạt được nó. Thực tế này thật dễ hiểu.
Tất cả các tôn giáo đã suy sụp vì sự ngây thơ đơn giản này của các nhà huyền môn.
Đức Phật là người có văn hóa nhất, có học thức nhất, phức tạp nhất từng trở thành một nhà huyền môn. Không ai sánh được với ông trong toàn bộ lịch sử. Ông có thể thấy chỗ mà các nhà huyền môn ngây thơ đã vô tình trao cơ hội cho những tâm trí xảo quyệt lợi dụng. Ông ấy quyết định không sử dụng thuật ngữ khẳng định nào để chỉ mục đích tối thượng, nhằm phá hủy bản ngã và bất cứ khả năng nào mà bản ngã có thể lợi dụng.
Ông gọi cái tối thượng là cái không, cái trống rỗng – shunyata, con số 0. Làm sao bản ngã có thể biến “con số 0” thành một mục đích? Thượng Đế có thể được biến thành mục đích chứ không phải “con số 0”. Ai muốn trở thành con số 0 chứ? Họ khiếp sợ. Mọi người đều tránh tất cả những khả năng trở thành một con số 0, nhưng Đức Phật lại biến nó thành một biểu đạt của điều tối thượng!
Từ ông ấy dùng là niết bàn (nirvana).
Ông ấy chọn một từ vô cùng đẹp đẽ, nhưng ông ấy đã gây sốc cho tất cả các nhà tư tưởng và triết gia bằng cách chọn từ niết bàn làm cách biểu đạt quan trọng nhất cho kinh nghiệm tối thượng. Niết bàn nghĩa là “thổi tắt ngọn nến”.
Các nhà huyền môn khác đã nói rằng bạn ngập tràn ánh sáng rực rỡ, như thể hàng ngàn mặt trời thình lình cùng nhau mọc lên bên trong bạn, như thể bầu trời đầy sao giáng xuống bên trong trái tim bạn. Những ý tưởng này lôi cuốn bản ngã. Bản ngã thích có tất cả các vì sao, nếu không ở trong rương thì ít nhất cũng đính trên vỏ ngoài của chiếc rương. “Ánh sáng rực rỡ”... bản ngã đang rất thèm muốn.
Để cắt bỏ gốc rễ, Đức Phật nói kinh nghiệm đó giống như thể bạn thổi tắt ngọn nến. Có một ngọn lửa nhỏ trên ngọn nến đang cho ta một ánh sáng nhỏ, thậm chí giờ nó cũng ra đi, và bạn bị bao vây bởi bóng tối tuyệt đối, bóng tối không đáy.
Người ta từng nói với ông: “Nếu thầy tiếp tục thuyết giảng những điều này, sẽ không ai theo thầy nữa. Ai lại muốn bóng tối, bóng tối khổng lồ? Thầy điên rồi. Thầy nói rằng kinh nghiệm tối thượng là một cái chết tối thượng. Con người muốn cuộc sống vĩnh cửu, và thầy lại đang nói về cái chết tối thượng ư?”
Nhưng ông là một người kiên định, và bạn có thể thấy rằng trong 42 năm ông đã nện búa vào các bậc kỳ tài phương Đông mà không bao giờ thỏa hiệp với bản ngã. Ông cũng biết rằng cái ông gọi là bóng tối có quá nhiều ánh sáng, đó là lý do tại sao nó trông như bóng tối. Nếu một ngàn mặt trời mọc trong bạn, bạn nghĩ sao? Bạn sẽ cảm thấy ánh sáng rực rỡ ư? Bạn sẽ cảm thấy bóng tối mênh mông, nó sẽ quá chói mắt. Chỉ cần nhìn vào một mặt trời trong vài giây là bạn đã cảm thấy mắt mình sắp sửa mù. Nếu một ngàn mặt trời ở trong bạn, bên trong tâm trí, trải nghiệm sẽ là bóng tối chứ không phải ánh sáng.
Sẽ mất một thời gian dài để bạn làm quen, để mắt bạn trở nên đủ mạnh để nhìn – chậm rãi từng chút một – bóng tối chuyển thành ánh sáng, cái chết chuyển thành sự sống, cái trống rỗng chuyển thành cái đầy đủ. Nhưng ông ấy không bao giờ nói những điều đó. Ông ấy không bao giờ nói rằng bóng tối sẽ chuyển thành ánh sáng. Và ông ấy không bao giờ nói rằng cái chết sẽ trở thành sự hồi sinh vào một thời điểm sau đó, bởi vì ông ấy biết bản ngã xảo quyệt như thế nào. Nếu ông ấy nói thế, bản ngã sẽ nói: “Thế thì chẳng vấn đề gì. Mục tiêu của chúng ta vẫn không thay đổi, chỉ là chúng ta sẽ phải đi qua một chút đêm tối của linh hồn. Nhưng cuối cùng, chúng ta sẽ có ánh sáng rực rỡ, hàng ngàn mặt trời.”
Đức Phật đã phủ nhận rằng Thượng Đế tồn tại. Không phải ông chống lại Thượng Đế, một người như Đức Phật không thể chống lại Thượng Đế. Và nếu Đức Phật chống lại Thượng Đế thì dù có ai bênh vực Thượng Đế cũng chẳng ích gì Nhưng ông không chống lại Thượng Đế. Ông chống lại bản ngã, và ông liên tục cẩn trọng không cho bản ngã bất cứ sự nâng đỡ nào để bám trụ. Nếu Thượng Đế có thể trở thành sự nâng đỡ thì sẽ không có Thượng Đế.
Một điều trở nên rất rõ ràng là: Mặc dù lần đầu tiên ông đã sử dụng tất cả những thuật ngữ phủ định, nhưng người này hẳn đã có những phẩm chất lôi cuốn khủng khiếp. Ông ảnh hưởng đến hàng triệu người. Triết lý của ông làm cho bất cứ ai nghe cũng thấy kinh hoàng. Tất cả thiền và tất cả khổ hạnh, việc rời bỏ thế giới, ăn một lần mỗi ngày có ý nghĩa gì... và rốt cục bạn đạt được cái không, bạn trở thành con số 0! Chúng ta đã tốt hơn thế rồi, chúng ta có thể khốn khổ, nhưng ít nhất chúng ta tồn tại. Chắc chắn, khi bạn là một con số 0 tròn trĩnh thì không thể có bất kỳ khốn khổ nào, những con số 0 không được biết đến như là sự khốn khổ. Nhưng lợi ích là gì?
Song ông thuyết phục con người, không thông qua triết lý mà thông qua cá nhân mình, thông qua sự hiện diện của mình. Ông cho con người chính sự trải nghiệm để họ có thể thấu hiểu. Thế giới là trống rỗng, bản ngã là trống rỗng, chỉ có bản thể là đầy đủ.
Có rất nhiều lý do cho việc tư tưởng của Đức Phật biến mất ở Ấn Độ, nhưng đây là một trong những lý do quan trọng nhất. Trong nhiều thế kỷ trước Đức Phật, tất cả các nhà huyền môn, triết gia và nhà tiên tri Ấn Độ đã sử dụng những thuật ngữ khẳng định; chưa ai từng nghe thấy sự phủ định. Dưới ảnh hưởng của Đức Phật, họ theo ông, nhưng khi ông qua đời, các đệ tử bắt đầu biến mất, bởi vì đệ tử của ông vốn đã không bị thuyết phục bằng trí óc, họ bị thuyết phục bởi sự hiện diện của ông. Bởi nhìn vào mắt Đức Phật, họ có thể thấy: “Nếu người này đang sống trong cái không và chẳng có sợ hãi nào thì chúng tôi cũng muốn không là gì cả. Nếu trở thành con số 0 dẫn tới chỗ này, nếu bằng cách chẳng là gì mà những bông hoa sen này nở trong đôi mắt và vẻ duyên dáng này tuôn chảy, thì chúng tôi sẵn sàng đi với người này. Người này có phép thần thông.”
Nhưng chỉ mình triết lý của ông ấy sẽ không thuyết phục bạn, bởi vì nó không có sức hấp dẫn với bản ngã.
Phật giáo vẫn sống ở Trung Quốc, ở Sri Lanka, ở Myanmar, ở Nhật Bản, ở Triều Tiên, ở Đông Dương, ở Indonesia, ở khắp châu Á ngoại trừ Ấn Độ, bởi vì những tín đồ Phật giáo đến những nơi đó đã bỏ đi các thuật ngữ phủ định. Họ bắt đầu nói bằng những thuật ngữ khẳng định. Thế rồi, cái “tối thượng”, cái “tuyệt đối”, cái “hoàn hảo”, những thuật ngữ cũ quay trở lại. Đây là sự nhượng bộ. Theo tôi biết, Phật giáo đã chết cùng với Đức Phật. Cái tồn tại hiện nay dưới cái tên Phật giáo chẳng liên quan gì tới Đức Phật bởi vì nó đã bỏ đi những đóng góp căn bản của ông ấy, đó là cách tiếp cận phủ định của ông.
Tôi nhận thức được cả hai truyền thống. Tôi chắc chắn ở một vị trí tốt hơn so với Đức Phật ngày trước. Đức Phật đã nhận biết chỉ một điều, đó là bản ngã có thể sử dụng sự khẳng định.
Và nó là đóng góp vĩ đại của ông ấy, đóng góp đầy can đảm của ông ấy, khi ông vứt bỏ sự khẳng định và chỉ tập trung vào sự phủ định, nhấn mạnh sự phủ định, dù hoàn toàn biết rằng con người sẽ không theo điều này bởi vì nó không có sức hấp dẫn đối với bản ngã.
Đối với tôi, hiện nay, cả hai truyền thống đều phù hợp. Tôi biết điều gì xảy ra với sự khẳng định, bản ngã đã lợi dụng nó. Tôi biết điều gì xảy ra với sự phủ định. Sau khi Đức Phật qua đời, các đệ tử đã thỏa hiệp, thỏa hiệp với chính điều mà Đức Phật đã quyết liệt chống lại.
Nếu bạn nghĩ theo cách thiêng liêng, bạn sẽ thấy nó đầy tràn.
Do đó, tôi đang cố gắng giải thích cả hai cách tiếp cận cùng với nhau, dùng sự trống rỗng khi nói về thế giới và dùng sự đầy đủ khi nói về trải nghiệm bên trong. Đây là một cách tiếp cận toàn bộ, nó lưu ý đến cả hai: một cái phải bị bỏ lại phía sau và một cái phải thu được. Tất cả những cách tiếp cận khác cho đến nay đều là nửa này hoặc nửa kia. Mahavira, Shankara, Moses, Mohammed, tất cả họ sử dụng sự khẳng định. Đức Phật sử dụng sự phủ định. Tôi sử dụng cả hai, và tôi không thấy bất cứ mâu thuẫn nào. Nếu bạn hiểu tôi rõ ràng, thì bạn có thể tận hưởng vẻ đẹp của cả hai quan điểm. Bạn cần không bị bản ngã lợi dụng, không sợ cái chết, bóng tối và cái không. Chúng không phải là hai thứ khác nhau. Nó giống như việc tôi đặt một cốc nước trước mặt bạn, một nửa đầy cùng một nửa vơi, và hỏi bạn cốc nước đó đầy hay vơi. Câu trả lời nào cũng sai, bởi vì cốc nước vừa đầy một nửa vừa vơi một nửa. Từ phía này nó là vơi, từ phía khác nó lại là đầy.
Một nửa cuộc sống của bạn là thuộc về thế giới trần tục, nửa còn lại là thuộc về cái thiêng liêng. Thật không may, nhưng chẳng còn cách nào khác, chúng ta phải sử dụng cùng một ngôn ngữ cho cả cái trần tục và cái thiêng liêng.
Do đó con người cần phải tỉnh giác. Chọn cái trần tục sẽ thiếu đi điều gì đó thiết yếu; nếu bạn nghĩ theo cách trần tục, bạn sẽ thấy cuộc sống thiêng liêng là trống rỗng. Nếu bạn nghĩ theo cách thiêng liêng, bạn sẽ thấy nó đầy tràn.