Con đường của Đức Phật không phải là một tôn giáo theo nghĩa thông thường của nó, bởi vì nó không có hệ thống niềm tin, không tín điều, không kinh sách. Nó không tin vào Thượng Đế, nó không tin vào linh hồn, nó không tin vào thiên đường nào cả. Nó là một sự hoài nghi to lớn, vậy nhưng nó vẫn là một tôn giáo. Nó độc nhất vô nhị. Chưa từng có điều gì giống như thế xảy ra trước kia trong lịch sử ý thức của loài người, và sau này cũng vậy.
Đức Phật luôn là tuyệt đối duy nhất, có một không hai. Ông nói rằng Thượng Đế chẳng là gì ngoài một sự tìm kiếm an ninh, một sự tìm kiếm an toàn, một sự tìm kiếm nơi nương tựa. Bạn tin vào Thượng Đế không phải bởi vì Thượng Đế ở đó, bạn tin vào Thượng Đế bởi vì bạn cảm thấy vô vọng khi không có niềm tin đó. Thậm chí nếu không có Thượng Đế, bạn sẽ tự sáng tác ra. Cám dỗ này tới từ sự yếu đuối của bạn. Nó là một sự phóng chiếu.
Con người luôn cảm thấy mình bị giới hạn, bất lực, là nạn nhân của hoàn cảnh, không biết mình đến từ đâu, không biết mình đi về đâu, không biết tại sao mình lại ở đây. Nếu không có Thượng Đế, thật khó để những người bình thường tìm được ý nghĩa nào đó trong cuộc đời. Tâm trí thông thường sẽ phát khùng khi không có Thượng Đế. Thượng Đế là cái nạng, nó giúp đỡ bạn, nó an ủi bạn, nó vỗ về bạn. Nó nói: “Đừng lo. Thượng Đế toàn năng biết mọi thứ về việc tại sao bạn ở đây. Người là Đấng Sáng Tạo. Người biết vì sao Người lại tạo ra thế giới. Bạn có thể không biết nhưng Cha biết, và bạn có thể tin tưởng Người.” Nó là sự an ủi vĩ đại.
Chính ý niệm về Thượng Đế cho bạn cảm giác mình được cứu rỗi, bạn không một mình, có ai đó đang trông coi mọi việc, vũ trụ này không chỉ có hỗn loạn, nó thực sự là một vũ trụ, có một hệ thống phía sau nó, có logic phía sau nó, nó không phải một mớ bòng bong những thứ phi logic, nó không vô chính phủ. Ai đó đang cai trị vũ trụ, đức vua tối cao đang ở đây trông nom từng chi tiết nhỏ, ngay cả một chiếc lá cũng không rung nếu thiếu bàn tay Người. Mọi thứ đã được lên kế hoạch. Bạn là một phần của định mệnh vĩ đại. Có lẽ bạn không biết ý nghĩa của mình nhưng phải có ý nghĩa bởi vì có Thượng Đế.
Thượng Đế mang đến sự cứu rỗi lớn lao. Con người có thể tin rằng cuộc sống không phải là ngẫu nhiên, có một dòng ý nghĩa và định mệnh chảy ngầm bên dưới. Thượng Đế mang tới cảm giác về định mệnh.
Đức Phật nói không có Thượng Đế, điều đó cho thấy rằng chúng ta thực sự không biết tại sao chúng ta lại ở đây. Nó cho thấy sự bất lực của chúng ta. Nó cho thấy rằng chẳng ý nghĩa nào sẵn có cho chúng ta. Bằng cách tạo ra ý niệm về Thượng Đế, chúng ta có thể tin vào ý nghĩa, và chúng ta có thể sống cuộc đời phù phiếm này với ý niệm ai đó đang trông nom nó.
Thử nghĩ mà xem: Bạn đang trên một chiếc máy bay và ai đó nói: “Không có phi công đâu.” Đột nhiên bạn hốt hoảng. Không có phi công ư? Không có phi công nghĩa là bạn toi đời. Rồi ai đó nói: “Phi công đang ở đây nhưng vô hình. Chúng ta có thể không nhìn thấy phi công nhưng anh ta ở đây, nếu không thì sao thứ máy móc xinh đẹp này vận hành được? Thử nghĩ mà xem: Mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, hẳn phải có một phi công! Có lẽ chúng ta không thể trông thấy anh ta, có lẽ chúng ta không đủ sùng tín để trông thấy anh ta, có lẽ mắt chúng ta đang bị che mờ, nhưng phi công đang ở đây. Nếu không thì làm sao mọi chuyện có thể xảy ra được? Chiếc máy bay này đã cất cánh, nó đang bay rất ổn, động cơ kêu ro ro. Mọi thứ đều chứng tỏ rằng có một phi công.”
Nếu ai đó xác nhận điều này, bạn thư giãn trở lại trên ghế của mình. Bạn nhắm mắt, bắt đầu nằm mơ tiếp, bạn có thể chìm vào giấc ngủ. Phi công đang ở đấy, bạn không cần lo.
Đức Phật nói: Phi công không tồn tại, đó là sáng tạo của con người. Loài người đã tạo ra Thượng Đế bằng chính hình ảnh của mình. Đó là một sáng tạo của con người. Thượng Đế không phải một phát hiện mà là một phát minh, Và Thượng Đế không phải sự thật, nó là sự dối trá vĩ đại nhất.
Đó là lý do tại sao tôi nói Phật giáo không phải là một tôn giáo theo nghĩa thông thường của từ này. Một tôn giáo không có Thượng Đế, bạn mường tượng được không? Lần đầu tiên các học giả phương Tây biết về Phật giáo, họ đã bị sốc. Họ không thể hiểu nổi việc một tôn giáo có thể tồn tại mà không có Thượng Đế. Họ chỉ biết Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Tất cả ba tôn giáo này đều ở trên một con đường rất non nớt so với Phật giáo.
Phật giáo là một tôn giáo trưởng thành. Phật giáo là tôn giáo của một tâm trí trưởng thành. Phật giáo hoàn toàn không trẻ con chút nào, và nó không ủng hộ bất kỳ khao khát trẻ con nào trong bạn. Nó tàn nhẫn. Để tôi nhắc lại: Chưa bao giờ có ai từ bi hơn Đức Phật, nhưng tôn giáo của ông thì rất tàn nhẫn.
Trên thực tế, bằng sự tàn nhẫn đó, ông thể hiện lòng từ bi của mình. Ông ấy sẽ không cho phép bạn níu bám vào bất cứ dối trá nào. Dù mát lòng đến đâu, lời nói dối vẫn là lời nói dối. Những người nói dối bạn không phải là bạn của bạn, họ là kẻ thù. Bởi vì dưới ảnh hưởng của sự dối trá, bạn sẽ sống một cuộc đời tràn đầy dối trá. Bạn phải được biết sự thật, dù khó khăn, dù choáng váng, dù sốc thế nào. Ngay cả nếu bạn bị sự thật hủy diệt thì điều đó cũng tốt.
Đức Phật nói: Sự thật là những tôn giáo của con người là những phát minh của loài người. Bạn đang trong đêm đen, bị bao vây bởi những thế lực bên ngoài. Bạn cần ai đó để dựa vào, ai đó để bám vào. Và mọi thứ bạn có thể thấy đều đang thay đổi: Một ngày nào đó cha bạn sẽ qua đời và bạn bị bỏ lại một mình, một ngày nào đó mẹ bạn sẽ qua đời và bạn bị bỏ lại một mình, bạn sẽ là trẻ mồ côi. Từ nhỏ bạn đã được quen với việc có một người cha bảo vệ, một người mẹ yêu thương. Bây giờ chính khao khát trẻ con đó sẽ một lần nữa vùng lên: Bạn sẽ cần một hình tượng người cha. Nếu bạn không thể tìm thấy trên trời thì bạn sẽ tìm ở đâu đó khác.
Con người là thế. Họ không thể sống thiếu một hình tượng người cha. Con người rất trẻ con! Chỉ một vài người hiếm hoi có thể trưởng thành.
Đừng trốn tránh đằng sau những đức tin, mặt nạ và học thuyết. Hãy nắm giữ cuộc đời bạn trong chính đôi tay mình.
Điều tôi quan sát thấy là: Con người vẫn còn đang ở độ tuổi bảy, tám hoặc chín. Cơ thể họ liên tục lớn lên nhưng tâm trí họ vẫn mắc lại đâu đó dưới mười tuổi. Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Hindu giáo là những tôn giáo dưới mười tuổi. Chúng thỏa mãn nhu cầu của bạn, chúng không quá quan tâm đến chân lý. Chúng quan tâm tới bạn nhiều hơn, quan tâm đến việc làm sao để an ủi bạn.
Tình huống giống như thế này: Người mẹ đã mất và đứa trẻ đang gào khóc, bạn phải an ủi đứa trẻ. Cho nên bạn nói dối. Bạn giả vờ người mẹ chưa chết: “Mẹ cháu đang đi thăm hàng xóm. Mẹ cháu sẽ trở về. Đừng lo lắng, mẹ cháu sẽ quay về ngay.” Hoặc: “Mẹ cháu đang đi xa. Vài ngày nữa mẹ cháu sẽ quay về.” Hoặc: “Mẹ cháu đang đi gặp Thượng Đế, không có gì phải lo lắng cả. Mẹ cháu vẫn sống, có thể mẹ cháu đã rời thân thể, nhưng linh hồn vẫn sống mãi mãi.”
Đức Phật là cá nhân gây choáng váng nhất trong lịch sử loài người. Cả đời ông chỉ nỗ lực làm một việc là đánh gãy tất cả các cột chống. Ông ấy không nói phải tin vào điều gì. Ông ấy là một người nghi ngờ và tôn giáo của ông ấy cũng là tôn giáo của sự nghi ngờ. Ông ấy không nói “tin tưởng đi”, ông ấy nói “hoài nghi đi”.
Lúc này, bạn đã từng nghe đến những tôn giáo nói rằng: “Hãy tin tưởng!” Bạn chưa bao giờ nghe đến một tôn giáo nói rằng: “Hãy hoài nghi!” Hoài nghi chính là phương pháp luận, hoài nghi đến tận cốt lõi, hoài nghi đến tận cuối, hoài nghi đến tận cùng. Khi bạn đã hoài nghi mọi thứ, và bạn đã vứt bỏ mọi thứ thông qua hoài nghi, thì hiện thực xuất hiện trong tầm mắt của bạn. Nó không liên quan đến những niềm tin của bạn về Thượng Đế. Nó chẳng có gì giống với cái bạn gọi là Thượng Đế. Thế rồi hiện thực xuất hiện, và bạn hoàn toàn xa lạ với nó, bạn chẳng biết gì về nó.
Nhưng khả năng đó chỉ tồn tại khi tất cả niềm tin đã bị vứt bỏ và tâm trí đi tới trạng thái trưởng thành, thấu hiểu và chấp nhận rằng: “Mọi thứ thế nào thì như thế và chúng ta không khao khát cái khác. Nếu không có Thượng Đế thì không có Thượng Đế, và chúng ta không có bất cứ khao khát nào về việc phóng chiếu ra một Thượng Đế. Nếu không có Thượng Đế thì chúng ta chấp nhận điều đó.” Đây là sự trưởng thành: chấp nhận thực tế và không tạo ra một tưởng tượng xung quanh nó, chấp nhận hiện thực như nó vốn thế mà không cố gắng làm nó trở nên ngọt ngào, không cố gắng trang trí nó, không cố gắng làm nó dễ chấp nhận hơn cho trái tim bạn. Nếu nó choáng váng thì nó choáng váng. Nếu nó gây sốc thì nó gây sốc. Nếu sự thật có thể giết người thì ta phải sẵn sàng để bị giết.
Đức Phật thật từ bi. Chưa từng có ai mở cánh cửa thực tại sâu sắc và triệt để như ông đã làm. Ông không cho phép bạn có bất cứ khao khát trẻ con nào. Ông ấy nói: Hãy trở nên nhận biết hơn, ý thức hơn, can đảm hơn. Đừng trốn tránh đằng sau những đức tin, mặt nạ và học thuyết. Hãy nắm giữ cuộc đời bạn trong chính đôi tay mình. Thắp lên ánh sáng bên trong và xem chuyện gì sẽ xảy ra. Ngay khi bạn trở nên đủ dũng cảm để chấp nhận nó, nó trở thành ân sủng. Không cần đến đức tin nào.
Đó là bước đầu tiên đi đến thực tại của Đức Phật. Ông nói rằng tất cả hệ thống đức tin đều độc hại, tất cả hệ thống đức tin đều là rào cản.
Ông ấy không phải là người hữu thần. Và hãy nhớ rằng ông ấy cũng không phải người vô thần. Bởi vì, như ông ấy nói, một số người tin rằng có Thượng Đế và một số người tin rằng không có Thượng Đế, nhưng cả hai đều là những người tin. Sự hoài nghi của ông ấy sâu đến mức thậm chí những người nói không có Thượng Đế và tin vào điều này cũng không được ông ấy chấp nhận. Ông ấy bảo rằng chỉ nói không có Thượng Đế chẳng có tác dụng gì. Nếu bạn vẫn trẻ con, bạn sẽ tạo ra một Thượng Đế khác.
Nhưng cần ai đó hay cái gì đó quyết định thực tại. Con người không thể sống với thực tại vô định. Con người không thể sống với thực tại như nó vốn thế, hỗn loạn và ngẫu nhiên. Con người không thể sống với thực tại mà không tìm kiếm ý niệm nào đó làm cho nó có ý nghĩa, thích đáng, liên tục, đem cho nó một hình dạng mà lý trí có thể hiểu được, có thể mổ xẻ, phân tích thành nguyên nhân và hậu quả.
Freud vứt bỏ ý niệm về Thượng Đế, nhưng rồi vô thức trở thành Thượng Đế, thế là mọi thứ đều do vô thức quyết định, và con người bất lực trong đôi bàn tay của vô thức. Đây là những cái tên mới cho Thượng Đế, nó là một thần thoại mới. Tâm lý học theo trường phái Freud là một thần thoại mới về Thượng Đế. Cái tên được thay đổi nhưng nội dung vẫn giữ nguyên. Cái nhãn được thay đổi, cái nhãn cũ bị vứt bỏ và một cái nhãn mới được dán vào, nó có thể đánh lừa những người không đủ tỉnh táo. Nhưng nếu bạn đi sâu hơn vào việc phân tích theo trường phái Freud, bạn sẽ ngay lập tức thấy rằng vô thức đang làm cùng công việc mà Thượng Đế đã từng làm.
Thế thì có gì sai với Thượng Đế tội nghiệp? Nếu bạn phải sáng chế ra cái gì đó, và con người luôn cần một cái gì đó quyết định họ... lịch sử, kinh tế, vô thức, cái này, cái kia, nếu con người không thể tự do, vậy thay đổi các phương pháp luận, học thuyết để làm gì? Chẳng để làm gì cả. Bạn có thể là người Hindu giáo, bạn có thể là người Hồi giáo, bạn có thể là người Thiên Chúa giáo, bạn có thể là người Do Thái giáo, cũng chẳng khác gì. Tâm trí bạn vẫn trẻ con, bạn vẫn chưa trưởng thành. Bạn vẫn tìm kiếm, bạn tiếp tục tìm kiếm một hình tượng người cha, một ai đó, ở nơi nào đó, người có thể giải thích mọi thứ, người có thể trở thành sự giải thích tối thượng. Tâm trí trưởng thành là tâm trí không cần sự tìm kiếm nào ngay cả khi không có sự giải thích tối thượng cho vạn vật.
Đó là lý do tại sao Đức Phật nói: “Tôi không phải một nhà siêu hình học.” Ông không có những khái niệm siêu hình. Siêu hình học nghĩa là sự giải thích tối thượng về vạn vật, và ông ấy không có sự giải thích tối thượng. Ông ấy không nói: “Tôi đã làm sáng tỏ được điều huyền bí.” Ông ấy không nói: “Đây, tôi giao lại cho bạn chân lý.” Ông ấy nói: “Điều duy nhất tôi có thể trao cho bạn là một sự thúc đẩy, một cơn khát, một niềm say mê to lớn với việc trở nên nhận biết, trở nên ý thức, trở nên tỉnh giác, sống cuộc đời bạn đầy ý thức, đầy ánh sáng và nhận biết đến mức giải quyết cuộc sống của bạn được làm sáng tỏ.”
Không phải bạn đi tới sự giải thích tối thượng nào đó của hiện hữu, chưa từng có ai làm được điều đó. Đức Phật hoàn toàn phủ nhận siêu hình. Ông nói siêu hình là một cuộc tìm kiếm vụn vặt.
Đầu tiên, ông phủ nhận Thượng Đế.
Thứ hai, ông phủ nhận thiên đường, cõi trời. Ông nói: Cõi trời của bạn, thiên đường của bạn, chẳng là gì ngoài những khao khát nhục dục không được thỏa mãn, những bản năng không được thỏa mãn được phóng chiếu vào một cuộc sống khác, một cuộc sống xa xôi nào đó, cuộc sống sau cái chết. Và có vẻ như ông ấy hoàn toàn đúng. Nếu bạn nhìn những mô tả về cõi trời và thiên đường trong Hồi giáo, trong Thiên Chúa giáo, trong Do Thái giáo, bạn sẽ hiểu hoàn toàn những lời ông ấy nói. Cái gì vẫn còn chưa được thoả mãn ở đây, bạn tiếp tục phóng chiếu vào thế giới bên kia. Nhưng khao khát dường như không thay đổi!
Người Hindu nói có những cái cây tên là kalpavriksha. Bạn ngồi bên dưới chúng và bất cứ cái gì bạn khao khát cũng sẽ được thỏa mãn tức thì. Bạn khao khát một người phụ nữ xinh đẹp, ngay lập tức cô ấy ở đó. Ở phương Tây, mới gần đây, các bạn đã sáng chế ra cà phê uống liền và những thứ kiểu như vậy. Ấn Độ đã khám phá ra một cái cây cầu được ước thấy, và hàng thế kỷ người ta đã tin vào nó. Cái cây có thể thỏa mãn ngay tức khắc, thực sự ngay lập tức mà không mất chút thời gian nào. Ý tưởng xuất hiện là thành hiện thực ngay, không mất một giây nào. Ý tưởng đồng nhất với hiện thực, bạn khao khát một cô gái đẹp, có ngay. Bạn khao khát thức ăn ngon, có ngay. Bạn khao khát một chiếc giường êm ái để nghỉ ngơi, có ngay.
Giờ thì chỉ còn là quá trình phân tích tâm lý đơn giản. Người kia không thỏa mãn trong cuộc sống, và anh ta dành cả đời để tìm cách thỏa mãn, song anh ta vẫn thấy không thể thỏa mãn, cho nên anh ta phải phóng chiếu những khao khát của mình vào tương lai. Không phải trong tương lai chúng sẽ được thỏa mãn, không thể thỏa mãn được những khao khát như vậy.
Đức Phật đã nói: Bản chất của khao khát là không bao giờ được thỏa mãn. Dù bạn làm gì đi chăng nữa, bất kể bạn làm gì với nó, nó vẫn không được thỏa mãn, đó là bản chất nội tại của khao khát. Khao khát không bao giờ được thỏa mãn. Cho nên bạn có thể ngồi dưới một cái cây cầu được ước thấy nhưng sẽ chẳng có tác dụng gì. Nhiều lần bạn có thể cảm thấy khao khát của bạn được thỏa mãn, nhưng nó lại xuất hiện trở lại. Nó cứ tiếp tục xuất hiện đi xuất hiện lại vô hạn.
Tất cả cõi trời và thiên đường của người Thiên Chúa giáo, người Hồi giáo, người Do Thái giáo, người Hindu giáo đều chẳng là gì ngoài những khao khát chưa được thỏa mãn, những khao khát bị kìm nén, những khao khát thất bại được phóng chiếu. Tất nhiên, chúng an ủi con người rất nhiều: “Nếu bạn không thể thỏa mãn chúng ở chỗ này thì bạn sẽ có thể thõa mãn ở chỗ khác. Sớm hay muộn bạn sẽ vươn tới Thượng Đế; điều duy nhất bạn phải làm là tiếp tục cầu xin ông ta, tiếp tục quỳ xuống trước hình ảnh, ý niệm hay lý tưởng nào đó, và làm cho ông ta vui vẻ. Hãy làm cho Thượng Đế vui vẻ, và rồi bạn sẽ gặt hái được một mùa bội thu khoái lạc và sự vừa lòng. Đó sẽ là món quà Thượng Đế tặng cho bạn vì những lời cầu nguyện của bạn, vì sự kính trọng của bạn, vì sự đầu hàng liên tục của bạn, vì hết lần này đến lần khác bạn chạm chân ông ta, vì sự vâng lời của bạn. Đó sẽ là phần thưởng.”
Tất nhiên, phần thưởng là sau khi chết, bởi vì ngay cả những tu sĩ xảo quyệt cũng không thể đánh lừa bạn trong kiếp sống này, ngay cả họ cũng không thể đánh lừa được. Họ biết rằng khao khát sẽ không bao giờ được thỏa mãn, cho nên họ phải sáng chế ra một thế giới bên kia. Chẳng ai biết thế giới bên kia nhưng con người có thể bị lừa rất dễ dàng. Nếu ai đó tới và nói với bạn: “Thượng Đế có thể thỏa mãn khao khát của bạn ở đây và bây giờ”, thì người ta khó có thể chứng minh được, bởi vì chưa bao giờ khao khát của con người được thỏa mãn ở đây và bây giờ. Khi đó, Thượng Đế của họ sẽ bị đe dọa. Họ đã sáng chế ra một công cụ rất xảo quyệt, họ nói: “Sau kiếp sống này”.
Thượng Đế của bạn không đủ quyền năng để thỏa mãn những khao khát của bạn ở đây hay sao? Thượng Đế của bạn không đủ quyền năng để tạo ra những cái cây cầu được ước thấy trên Trái Đất hay sao? Thượng Đế của bạn không đủ mạnh mẽ để làm gì đó khi con người đang sống hay sao? Nếu ông ta không thể thỏa mãn điều gì ở đây, có gì chứng minh rằng ông ta sẽ thỏa mãn được điều gì đó ở thế giới bên kia?
Đức Phật nói: Hãy nhìn vào bản chất của khao khát. Hãy quan sát sự vận động của khao khát, nó rất tinh tế. Và bạn sẽ có thể thấy hai điều: Thứ nhất, bản chất của khao khát là không thể được thỏa mãn. Và thứ hai, khoảnh khắc bạn hiểu rằng khao khát là không thể được thỏa mãn, khao khát sẽ biến mất và bạn không còn khao khát nữa. Đó là trạng thái của bình an, tĩnh lặng, yên ổn. Đó là trạng thái của sự thỏa mãn! Con người không bao giờ đạt tới thỏa mãn thông qua khao khát, họ chỉ có thể đạt tới thỏa mãn bằng cách vượt qua khao khát.
Khao khát là một cơ hội to lớn để bạn thấu hiểu hoạt động tâm trí của chính mình, nó vận hành ra sao, cơ chế của nó là gì. Và khi bạn đã thấu hiểu thì trong chính sự thấu hiểu đó là sự chuyển hóa. Khao khát biến mất, không để lại dấu vết nào. Và khi bạn không có khao khát, không khao khát bất cứ điều gì, bạn thỏa mãn. Không phải bạn thỏa mãn khao khát, mà khi bạn vượt qua khao khát thì bạn thỏa mãn.
Bây giờ hãy nhìn sự khác biệt. Các tôn giáo khác nói: “Có thể thỏa mãn những khao khát ở thế giới khác.” Những người trần tục nói: “Có thể thỏa mãn những khao khát ở đây. Bạn có thể thỏa mãn những khao khát của mình, hãy tranh đấu quyết liệt.” Đó là cái phương Tây đang làm: “Tranh đấu, ganh đua, thành công bằng đủ mọi thủ đoạn và phương pháp. Thâu tóm thật nhiều giàu sang, thật nhiều quyền lực!” Đó là cái mà các chính trị gia trên khắp thế giới đang làm: “Hãy trở nên quyền lực hơn và những khao khát của bạn sẽ được thỏa mãn.” Đó là cái mà các nhà khoa học nói. Họ nói rằng chỉ cần phát minh thêm vài công nghệ nữa là thiên đường sẽ hiện ra ngay. Còn các tôn giáo của bạn thì nói gì? Họ chẳng nói điều gì khác. Họ nói: “Những khao khát có thể được thỏa mãn, nhưng không phải ở cuộc đời này mà ở thế giới bên kia.” Đó là khác biệt duy nhất giữa những người được gọi là duy vật và những người được gọi là tôn giáo.
Khao khát không thể được thỏa mãn bởi vì bản chất của nó là không bao giờ được thỏa mãn và bị phóng chiếu vào tương lai.
Đối với Đức Phật, cả hai đều là duy vật; và với tôi cũng vậy, cả hai đều là duy vật. Những người mà bạn gọi là tôn giáo và những người mà bạn gọi là phi tôn giáo, cả hai đều ở trên cùng một chiếc thuyền. Chẳng có một chút khác biệt nào! Thái độ của họ giống nhau, cách tiếp cận của họ giống nhau.
Đức Phật thể hiện tính tôn giáo khi ông ấy nói: Khao khát không thể được thỏa mãn. Bạn phải nhìn vào trong khao khát. Khao khát chưa bao giờ được thỏa mãn, dù là ở đây hay ở nơi nào đó khác, chưa bao giờ. Nó chưa từng xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra bởi vì đó không phải bản chất của khao khát. Khao khát là gì? Bạn đã bao giờ nhìn vào tâm trí khao khát của mình chưa? Bạn đã bao giờ chạm trán với nó chưa? Bạn đã bao giờ thử trầm tư mặc tưởng về nó chưa? Khao khát là gì?
Bạn khao khát một ngôi nhà nào đó; bạn làm việc để có nó, bạn làm việc chăm chỉ. Bạn phá hủy cả cuộc đời bạn vì nó, thế rồi bạn có ngôi nhà. Nhưng có thỏa mãn không? Ngay khi có ngôi nhà, đột nhiên bạn cảm thấy trống rỗng, bạn cảm thấy trống rỗng hơn trước, bởi vì trước kia bạn có một việc để làm là đạt được ngôi nhà này. Bây giờ nó đây rồi, đột nhiên tâm trí bạn bắt đầu tìm kiếm thứ gì đó khác để lấp đầy nó. Bây giờ lại có những ngôi nhà lớn hơn, tâm trí bạn bắt đầu nghĩ đến những ngôi nhà lớn hơn. Có những cung điện lớn hơn... Bạn khao khát một người tình và bạn đã đạt được khao khát của mình, thế rồi đột nhiên đôi tay bạn lại trở nên trống rỗng. Một lần nữa bạn bắt đầu khao khát một người tình khác. Đây là bản chất của khao khát. Khao khát luôn luôn đi trước bạn. Khao khát luôn luôn ở tương lai.
Khao khát là một hy vọng. Khao khát không thể được thỏa mãn bởi vì bản chất của nó là không bao giờ được thỏa mãn và bị phóng chiếu vào tương lai. Nó luôn luôn nằm trên đường chân trời. Bạn có thể gấp gáp, bạn có thể chạy đến đường chân trời, nhưng bạn sẽ không bao giờ tới được đó: Dù bạn đi đâu, bạn sẽ luôn thấy đường chân trời ở xa và khoảng cách giữa bạn với đường chân trời không hề thay đổi. Bạn có mười nghìn đô-la, bạn khao khát hai mươi nghìn đô-la; bạn có hai mươi nghìn đô-la, bạn khao khát bốn mươi nghìn đô-la. Khoảng cách không đổi, tỉ lệ toán học không đổi.
Bất kể bạn có gì, khao khát luôn luôn ở phía trước nó.
Đức Phật nói: Hãy từ bỏ hi vọng, từ bỏ khao khát. Khi từ bỏ hi vọng, từ bỏ khao khát, bạn sẽ ở đây, bây giờ. Không có khao khát, bạn sẽ thỏa mãn. Chính khao khát đang đánh lừa bạn.
Cho nên khi Đức Phật nói tất cả những người được gọi là tôn giáo đều là người duy vật, tất nhiên, người Hindu đã tức giận, rất tức giận; họ chưa bao giờ giận dữ như thế với ai. Họ tìm cách nhổ bật rễ tôn giáo của Đức Phật ra khỏi Ấn Độ, và họ đã thành công. Phật giáo được sinh ra tại Ấn Độ nhưng ngày nay Phật giáo không tồn tại ở Ấn Độ nữa, bởi vì tôn giáo của người Hindu là một trong những tôn giáo duy vật nhất trên thế giới. Hãy nhìn vào bộ kinh Veda: Tất cả lời cầu nguyện, tất cả nghi lễ thờ phụng chỉ để yêu cầu nhiều hơn và nhiều hơn nữa từ thần linh hay từ Thượng Đế, tất cả hy sinh là để có nhiều hơn. Mọi sự thờ phụng đều hướng về khao khát. “Xin cho chúng con thêm! Xin cho chúng con nhiều vào! Mùa màng tốt hơn, mưa tốt hơn, nhiều tiền hơn, nhiều sức khỏe hơn, nhiều kiếp sống hơn, nhiều tuổi thọ hơn. Xin cho chúng con thêm nữa!” Kinh Veda chẳng là gì ngoài những khao khát được phóng to, và đôi khi xấu xí. Trong kinh Veda, các hiền nhân không chỉ cầu nguyện: “Xin cho chúng con thêm!” mà họ còn cầu nguyện: “Xin đừng cho kẻ thù của chúng con! Xin cho bò của con nhiều sữa hơn, nhưng hãy cho bò của kẻ thù chết đi hoặc mất sữa.”
Kiểu tôn giáo gì đây? Thậm chí gọi nó là tôn giáo còn có vẻ lố bịch. Nếu đây là tôn giáo, thế thì cái gì là duy vật? Chính Đức Phật đã đi đến gặp nhiều bậc thầy khi ông ấy còn đang tìm kiếm, nhưng rồi ông ấy đều trở về tay trắng, bởi vì ông ấy không thể gặp được ai thấu hiểu bản chất của khao khát. Chính họ còn đang khao khát, tất nhiên rồi, khao khát của họ được phóng chiếu vào tương lai xa xôi, kiếp sống khác, nhưng đối tượng của khao khát thì không đổi, tâm trí khao khát thì không đổi. Vấn đề chỉ là thời gian.
Một số người khao khát có được nhiều thứ trước khi chết, một số người khao khát có được nhiều thứ sau khi chết, nhưng thế thì có gì khác biệt? Chẳng có khác biệt nào cả. Họ khao khát cùng những thứ giống nhau. Họ đều khao khát! Khao khát là như nhau.
Đức Phật đã đến gặp nhiều vị thầy và đều thất bại. Ông ấy không thể thấy tôn giáo nở hoa, trổ bông ở bất cứ đâu, tất cả bọn họ đều là những người duy vật. Họ là những nhà khổ tu vĩ đại: Người nhịn ăn hàng tháng trời, người đứng hàng tháng trời, người không ngủ hàng năm trời, và họ chỉ như những bộ xương. Bạn không thể gọi họ là trần tục và duy vật nếu bạn nhìn vào thân xác họ... nhưng nhìn vào tâm trí họ, hỏi họ: “Tại sao ông nhịn ăn? Tại sao ông cố gắng nhiều thế? Vì cái gì?” thì khao khát xuất đầu lộ diện, để đạt tới thiên đường, tới cõi trời, để có sự hài lòng vĩnh cửu ở thế giới bên kia.
Hãy lắng nghe logic của họ và tất cả họ đều sẽ nói: “Ở đây, mọi thứ là phù du. Cuộc sống này là tạm thời. Ngay cả nếu bạn đạt được thứ gì đó thì tất cả cũng sẽ bị lấy đi khi bạn chết, vậy có tác dụng gì? Cuộc sống này không phải là vĩnh hằng. Chúng tôi đang tìm kiếm điều gì đó sẽ tồn tại mãi mãi. Chúng tôi theo đuổi sự bất tử, chúng tôi theo đuổi sự hài lòng tuyệt đối. Những người đang chạy theo những khao khát ở đây, trong cuộc đời này, là những kẻ ngốc, bởi vì cái chết sẽ lấy đi mọi thứ. Bạn tích lũy giàu sang nhưng khi chết, tất cả bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi tìm kiếm kho báu nào đó mà chúng tôi có thể mang theo mình và không bao giờ bị mất, không bao giờ bị ăn trộm, không chính phủ nào có thể đánh thuế. Không ai có thể lấy nó đi, kể cả cái chết.”
Bạn gọi những người này là có tính tôn giáo ư? Họ thậm chí còn có vẻ trần tục hơn cả những người được gọi là trần tục, họ duy vật hơn cả những người duy vật. Tất nhiên, duy vật của họ được mặc quần áo để cải trang, duy vật của họ có hương vị của tâm linh, nhưng nó là một sự lừa gạt.
Đức Phật đã không bị lừa, ông ấy có thể nhìn thông suốt. Và ông ấy có thể luôn luôn thấy rằng khao khát có đó. Nếu khao khát ở đó thì bạn là một người duy vật và bạn trần tục.
Cho nên ông ấy không thuyết giáo về thiên đường nào đó cho bạn, ông ấy không tin vào thiên đường nào cả. Không phải ông ấy không tin vào phúc lạc, không. Ông ấy tin vào phúc lạc, nhưng đó không phải là một niềm tin. Khi tất cả thiên đường mất đi, khi tất cả khao khát rơi rụng, đột nhiên bản chất tận cùng của bạn là phúc lạc. Để có nó, không cần thứ gì cả, không cần đức hạnh, không cần khổ hạnh, không cần hy sinh. Chỉ thấu hiểu là đủ.
Con đường của Đức Phật là con đường của sự sự thấu hiểu.
Và thứ ba: Ông ấy không tin vào linh hồn, không Thượng Đế, không thiên đường, không linh hồn. Bây giờ, điều này dường như là rất khó.
Chúng ta có thể chấp nhận rằng không có Thượng Đế, có lẽ đó chỉ là một sự phóng chiếu; ai đã nhìn thấy? Chúng ta có thể chấp nhận rằng không có thiên đường, có lẽ nó chỉ là khao khát chưa được thỏa mãn của chúng ta, mơ mộng của chúng ta. Nhưng không có linh hồn ư? Thế thì bạn lấy đi toàn bộ nền tảng bên dưới. Không có linh hồn ư? Thế thì tất cả mọi thứ có ý nghĩa gì? Nếu không có linh hồn trong con người, nếu không có gì bất tử trong con người, thế thì tại sao phải nỗ lực nhiều thế? Tại sao phải thiền? Để làm gì?
Đức Phật nói ý niệm về cái tôi là một sự hiểu lầm. Bạn tồn tại, nhưng bạn không phải một cái tôi. Bạn tồn tại, nhưng bạn không tách rời khỏi vũ trụ. Sự tách rời là ý tưởng gốc rễ trong khái niệm về cái tôi: nếu tôi tách rời bạn thì tôi có một cái tôi, nếu bạn tách rời tôi thì bạn có một cái tôi.
Nhưng Đức Phật nói: Hiện hữu là một. Không có ranh giới. Không ai tách rời ai. Chúng ta sống trong một đại dương ý thức. Chúng ta là một ý thức, bị những ranh giới của thân thể đánh lừa, bị những ranh giới của tâm trí đánh lừa. Và bởi vì thân thể và tâm trí, bởi vì sự đồng nhất với thân thể và tâm trí, chúng ta nghĩ chúng ta tách rời, chúng ta nghĩ chúng ta là những “cái tôi”. Đây là cách chúng ta tạo ra bản ngã.
Nó giống y như trên bản đồ bạn thấy nước Ấn Độ, nhưng trên mặt đất thì không có nước Ấn Độ nào cả – chỉ trên bản đồ của các chính trị gia. Trên bản đồ bạn thấy lục địa châu Mĩ và lục địa châu Phi như tách rời, nhưng sâu xuống, xuống dưới những đại dương, Trái Đất là một. Tất cả các lục địa đều liền nhau thành một Trái Đất.
Chúng ta bị chia cắt chỉ trên bề mặt. Chúng ta càng đi sâu, càng nhiều sự chia cắt biến mất. Khi chúng ta đi tới cốt lõi tận cùng của bản thể mình, đột nhiên nó là toàn bộ. Không có cái tôi trong nó, không có linh hồn ở đó.
Đức Phật không có niềm tin vào Thượng Đế, vào linh hồn, vào thiên đường. Thế thì giáo huấn của ông là gì? Giáo huấn của ông là một cách sống chứ không phải một cách tin. Giáo huấn của ông rất khoa học, rất kinh nghiệm, rất thực tiễn. Ông không phải một triết gia, không phải một nhà siêu hình học. Ông là một người rất thực tế.
Đức Phật nói: Bạn có thể thay đổi cuộc đời bạn, những niềm tin này không cần thiết. Trên thực tế, những niềm tin này là rào cản cho thay đổi thực sự. Hãy bắt đầu mà không có niềm tin nào cả, hãy bắt đầu mà không có khái niệm siêu hình nào cả, hãy bắt đầu mà không có đạo lý nào cả. Hãy bắt đầu hoàn toàn trần trụi và trống không, không học thuyết, không hệ tư tưởng. Hãy bắt đầu trong trạng thái trống rỗng! Đó là con đường duy nhất đến chân lý.
Tôi đã đọc một giai thoại:
Một người bán hàng nay đây mai đó mở cuốn Kinh Thánh Gideon trong phòng của khách sạn ven đường. Ở trang đầu, anh ta đọc lời tựa: “Nếu bạn đang bị ốm, hãy đọc Thánh Vịnh 18; nếu bạn đang gặp rắc rối với gia đình mình, hãy đọc Thánh Vịnh 45; nếu bạn đang cô đơn, hãy đọc Thánh Vịnh 92.”
Anh ta đang cô đơn, cho nên anh ta mở Thánh Vịnh 92 ra đọc. Khi đọc hết, anh ta để ý ở cuối trang có dòng viết tay: “Nếu bạn vẫn cô đơn, hãy gọi số 888-3468 và hỏi Myrtle.”
Đức Phật rất thực tế. Ông không bao giờ bay lên cao, vào siêu hình học.
Nếu nhìn sâu vào trong những kinh sách của bạn, bạn sẽ luôn luôn tìm thấy một ghi chú ở chân trang còn đúng hơn nội dung chính. Hãy tìm ghi chú ở chân trang trong mọi trang kinh sách! Đôi khi nó có thể không được viết bằng mực nhìn thấy được, nhưng nếu bạn nỗ lực tìm kiếm, bạn sẽ luôn thấy nó ở đó, một ghi chú ở chân trang thực tế hơn.
Đức Phật nói tất cả kinh sách của bạn chẳng là gì ngoài những khao khát, bản năng, lòng tham, dục vọng, sự giận dữ của bạn. Tất cả các kinh sách của bạn chẳng là gì ngoài những sáng tạo của tâm trí, cho nên chắc chắn là chúng sẽ đem theo tất cả hạt giống tâm trí của bạn. Các kinh sách là do con người làm ra. Đó là lý do tại sao các tôn giáo luôn nỗ lực chứng tỏ rằng kinh sách của họ ít nhất không phải do con người làm ra.
Những người Công giáo nói Kinh Thánh không phải do con người làm ra; Mười Điều Răn được Thượng Đế trao trực tiếp cho Moses, trực tiếp từ chính ông trùm. Kinh Tân Ước là một thông điệp trực tiếp đến từ con trai của chính ông ta, đứa con đẻ duy nhất, Chúa Jesus. Nó không dính dáng gì đến loài người, nó tới từ bề trên.
Người Hindu giáo nói rằng bộ kinh Veda không phải con người làm ra, chúng là do Thượng Đế làm ra. Và cùng câu chuyện đó tiếp tục được lặp đi lặp lại: Người Hồi giáo nói kinh Koran giáng xuống Mohammed từ cõi trời bên trên.
Tại sao các tôn giáo này nhấn mạnh rằng kinh sách của họ, và đặc biệt chỉ kinh sách của họ chứ không của ai khác? Người Hồi giáo không sẵn sàng chấp nhận bộ kinh Veda do Thượng Đế làm ra, cũng như người Hindu không sẵn sàng chấp nhận kinh Koran do Thượng Đế làm ra, chỉ có bộ kinh Veda của họ do Thượng Đế làm ra còn mọi thứ khác do con người chế tạo ra. Sự nhấn mạnh này là sao? Bởi vì họ nhận thức được rằng cái gì con người tạo ra sẽ có dấu vết của tâm trí con người và khao khát con người.
Đức Phật nói rằng tất cả kinh sách đều do con người làm ra, và ông ấy đúng. Ông hoàn toàn không phải một người cuồng tín. Ông không thuộc về quốc gia nào và ông không thuộc về chủng tộc nào; ông không thuộc về tôn giáo nào, môn phái nào. Ông ấy đơn giản là một tia sáng chiếu lên chính mình. Và bất cứ điều gì ông ấy đã nói đều là tuyên bố thuần khiết nhất về chân lí từng được đưa ra.
Một người bạn đã gửi cho tôi giai thoại đẹp đẽ này:
Một trong các thủ lĩnh tôn giáo ở Ireland được các môn đồ yêu cầu lựa chọn một nơi phù hợp để an táng và tưởng niệm thi hài của ông ta. Một cuộc thánh chiến đang được khởi động và mạng sống của ông ta bị đe dọa. Ba kế hoạch riêng biệt được đệ trình cho ông ta, và trước sự thất kinh của hội đồng, ông ta chọn kế hoạch ít đắt đỏ nhất. Người ta hỏi ông tại sao ông lại chọn như vậy, tại sao ông lựa chọn nơi yên nghỉ khiêm tốn này khi mà hai thiết kế còn lại là những lăng mộ tráng lệ.
“Nào, các bạn thân mến của tôi,” ông ta bảo họ, “tôi cảm kích sự hào phóng của các bạn. Nhưng toàn bộ phí tổn này có đáng không khi tôi chẳng mong mình còn trong lăng mộ được quá ba ngày?”
Kiểu khẳng định giáo điều này bạn sẽ không bao giờ tìm thấy ở Đức Phật. Ông rất ngập ngừng. Chỉ có một cái tên nữa cũng ngập ngừng như thế và đó là Lão Tử, hai người này luôn ngập ngừng.
Đôi khi, vì sự ngập ngừng của họ, họ có thể không gây ấn tượng cho bạn. Bởi vì bạn bị rối trí, bạn cần ai đó quả quyết để bạn có thể trông cậy vào. Thế nên, những người cuồng tín gây ấn tượng cho bạn.
Họ có thể chẳng có gì để nói, nhưng họ đập bàn rất nhiều, họ làm loạn đến mức chính cái náo loạn đó của họ cho bạn cảm giác rằng họ hẳn phải biết, nếu không thì làm sao họ có thể chắc chắn như thế? Vài môn phái tôn giáo đưa ra những khẳng định giáo điều đến mức họ tạo ra một cảm giác chắc chắn. Và những người rối trí cần sự chắc chắn.
Khi đến gặp một vị Phật, bạn có thể không bị ấn tượng ngay lập tức bởi vì ông ấy sẽ ngập ngừng, ông ấy sẽ không quả quyết điều gì. Ông ấy biết nhiều hơn thế. Ông ấy biết rằng cuộc sống không thể bị giới hạn trong tuyên bố nào đó, và tất cả các tuyên bố đều phiến diện. Không tuyên bố nào chứa đựng toàn thể chân lý, cho nên làm sao bạn có thể chắc chắn về nó? Ông ấy sẽ luôn giữ trạng thái tương đối.
Cả hai bậc thầy vĩ đại của Ấn Độ là Đức Phật và Mahavira đều tương đối một cách sâu sắc. Einstein khám phá ra nó muộn hơn, Einstein mang tính tương đối vào thế giới của khoa học. Trước Einstein, các nhà khoa học đều chắc chắn, chắc chắn một cách giáo điều, chắc chắn một cách tuyệt đối. Einstein mang tính tương đối và khiêm nhường đến cho khoa học, ông ấy mang chân lý đến cho khoa học.
Đức Phật và Mahavira đã làm điều này ở Ấn Độ: Họ đem đến tính tương đối, khái niệm cho rằng không thể quả quyết về chân lý một cách toàn bộ, không bao giờ có thể chắc chắn về nó, cùng lắm chúng ta chỉ có thể gợi ý về nó mà thôi. Gợi ý thì phải gián tiếp, không thể chỉ đích xác nó. Nó quá rộng lớn, quá mênh mông. Việc chúng ta, những con người yếu ớt, ngập ngừng là hết sức tự nhiên. Thái độ ngập ngừng này cho thấy sự tỉnh giác.
Bạn sẽ luôn luôn thấy là những người dốt nát thì giáo điều. Càng dốt nát lại càng giáo điều. Đây là một trong những bất hạnh lớn lao nhất trên thế giới, kẻ ngốc chắc chắn tuyệt đối còn người sáng suốt thì ngập ngừng. Đức Phật ngập ngừng.
Do đó nếu bạn muốn thấu hiểu ông, bạn sẽ phải tỉnh giác và cởi mở trong việc lắng nghe. Ông ấy không trao toàn bộ chân lý cho bạn. Ông ấy chỉ gợi ý nó... cùng lắm chỉ là những dấu hiệu và chúng cũng vô cùng vi tế.
Như tôi đã nói với bạn, Đức Phật rất thực tế. Ông không bao giờ bay lên cao, vào siêu hình học. Ông ấy không bao giờ giới thiệu; trên thực tế, ông không có mở đầu cho các phát biểu của mình. Ông ấy phát biểu trực tiếp, ngay tức thì, đơn giản hết mức có thể.
Đôi khi những phát biểu của ông dường như không có bất cứ chiều sâu thâm thúy nào, chúng là thế. Nhưng ông không vòng vo, ông không làm loạn lên về nó.
Tôi đã nghe:
Cô ấy là một cô gái trẻ ngọt ngào, anh ấy là giám đốc đang thăng tiến nhanh trong một công ty quảng cáo nổi tiếng. Mọi người nghĩ đó là một cuộc hôn nhân lý tưởng. Nhưng than ôi, có một vấn đề... tình dục. Tuần trăng mật thậm chí còn chưa bắt đầu. “Anh ấy là người làm quảng cáo,” cô ấy thổn thức với một người bạn, “nên đêm nào anh ấy cũng chỉ ngồi ở mé giường và kể cho tớ nghe chuyện đó sẽ tuyệt vời như thế nào!”
Nhưng nó không bao giờ xảy ra.
Đức Phật không có mở đầu. Ông ấy không bao giờ quảng cáo cái ông sẽ nói. Ông ấy chỉ nói và đi tiếp. Ông ấy nói:
Bị xúi giục bởi những khao khát vị kỷ, con người đuổi theo danh vọng và vinh quang. Nhưng khi giành được nó, họ đã bị thương tổn trong nhiều năm. Nếu bạn thèm muốn danh vọng trần tục và thực hành không đúng con đường, những nỗ lực của bạn đổ vào sai chỗ và năng lượng của bạn bị lãng phí. Nó giống như đốt một que hương. Cho dù que hương có thơm bao nhiêu đi nữa thì ngọn lửa vẫn đều đều đốt cháy hết cả que hương.
Một phát biểu đơn giản và thực tế: Bị xúi giục bởi những khao khát vị kỷ, con người theo đuổi danh vọng và vinh quang.
Khao khát vị kỷ là gì? Theo cách diễn đạt của Phật giáo, khao khát vị kỷ là thứ dựa trên cái tôi. Thông thường, chúng ta nói một khao khát là vị kỷ nếu nó chống lại người khác, bạn không quan tâm đến người khác. Ngay cả khi nó gây hại cho người khác, bạn vẫn tiếp tục thỏa mãn khao khát của mình. Mọi người nói bạn vị kỷ bởi vì bạn không quan tâm đến người khác, bạn không suy xét cho người khác.
Nhưng khi Đức Phật nói một khao khát là vị kỷ, ý của ông ấy lại khác. Ông ấy nói: Nếu một khao khát dựa trên ý tưởng cái tôi thì nó là vị kỷ. Chẳng hạn, bạn ủng hộ tiền, một triệu đô-la, vì động cơ tốt đẹp nào đó, để xây dựng bệnh viện hay mở trường học, hoặc phân phát lương thực cho người nghèo, hoặc gửi thuốc men tới những vùng nghèo khó của đất nước. Không ai gọi đó là một khao khát vị kỉ.
Đức Phật sẽ gọi nó là khao khát vị kỷ nếu có sự thúc đẩy nào đó của cái tôi. Nếu bạn nghĩ ủng hộ một triệu đô-la là bạn đang kiếm được chút đức hạnh và sẽ được tưởng thưởng trên cõi trời thì nó là một khao khát vị kỉ. Nó có thể chẳng làm hại ai, không hề; trên thực tế, mọi người sẽ cảm kích. Người ta sẽ nói bạn vĩ đại, tôn giáo, đức hạnh, một con người đầy lòng nhân từ, tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự đồng cảm. Nhưng Đức Phật sẽ nói, điều duy nhất xác định một khao khát vị kỷ hay không là động cơ của nó.
Nếu bạn đóng góp mà không có động cơ nào, thế thì nó không vị kỷ. Nếu có bất kỳ động cơ nào ẩn giấu đâu đó, dù có ý thức hay không có ý thức, nếu bạn sẽ kiếm được cái gì đó từ nó, ở đây hay sau này, thì nó là một khao khát vị kỷ. Cái gì tới từ cái tôi thì là một khao khát vị kỷ, cái gì tới như là một phần của bản ngã thì là một khao khát vị kỷ. Nếu bạn thiền chỉ để đạt tới cái tôi thì nó là một khao khát vị kỷ.
Đức Phật đã nói với các đệ tử của mình: Mỗi khi các bạn thiền, sau mỗi lần thiền, hãy dâng tất cả những gì thu được từ thiền cho vũ trụ. Nếu các bạn thấy phúc lạc, trút nó trở lại vào vũ trụ, đừng mang nó theo như một kho báu. Nếu các bạn đang cảm thấy rất hạnh phúc, chia sẻ nó ngay lập tức. Đừng bị trói buộc vào nó, bằng không thiền tự nó sẽ trở thành một tiến trình mới của cái tôi. Và thiền tối thượng không phải một tiến trình của cái tôi. Thiền tối thượng là một tiến trình ngày càng làm mất đi cái tôi, trở nên không có cái tôi nữa. Nó là sự biến mất của cái tôi.
Đức Phật nói: Bị xúi giục bởi những khao khát vị kỷ, con người đuổi theo danh vọng và vinh quang. Nhưng khi giành được nó, họ đã bị thương tổn trong nhiều năm. Nhìn xem, bạn có thể đạt được danh vọng, vinh quang, quyền lực, uy thế, địa vị trên thế giới. Nhưng bạn đang làm gì? Bạn có nhận biết không? Bạn đang lãng phí một cơ hội to lớn vì một thứ hoàn toàn vô nghĩa. Bạn đang thu thập rác rưởi và phá hủy thời gian của chính mình, năng lượng cuộc sống của chính mình.
Ông ấy nói: Nếu bạn thèm muốn danh vọng trần tục và thực hành không đúng con đường... Đức Phật luôn luôn gọi tôn giáo của mình là “con đường”, dharma, chỉ là “con đường”. Ông ấy nói: Đừng quan tâm đích đến, đích đến sẽ tự lo. Bạn chỉ đi theo con đường, thậm chí không có động cơ đạt tới đích đến nào đó mà chỉ hoàn toàn xuất phát từ niềm vui sướng của thiền, của cầu nguyện, của yêu thương, của lòng trắc ẩn, của sẻ chia. Bằng chính niềm vui sướng ấy các bạn thực hành con đường. Không phải bạn đang gặt hái lợi ích nào từ nó, đừng biến nó thành một việc kinh doanh.
Cuộc sống đang trôi qua, trong từng khoảnh khắc lại có một khoảnh khắc quý báu ra đi và không thể đòi lại được. Đức Phật nói: Đừng lãng phí nó vào những điều ngu xuẩn.
Danh vọng là ngu xuẩn, nó vô vị, vô nghĩa. Ngay cả khi cả thế giới biết đến bạn thì làm sao việc này lại khiến bạn giàu có hơn? Làm sao việc này lại khiến cuộc đời bạn phúc lạc hơn? Làm sao việc này lại giúp bạn thấu hiểu nhiều hơn, nhận biết hơn, tỉnh giác hơn, sống động hơn?
Nếu bạn đang không thực hành đúng con đường, ông ấy nói, những nỗ lực của bạn đổ vào sai chỗ và năng lượng của bạn bị lãng phí. Nó giống như đốt một que hương. Cho dù que hương có thơm bao nhiêu đi nữa thì ngọn lửa vẫn đều đều đốt cháy hết cả que hương.
Cuộc sống là thế, mỗi khoảnh khắc đều đang cháy. Bạn luôn luôn ở trên đài hỏa táng bởi vì mỗi khoảnh khắc cái chết lại đang tới gần hơn, mỗi khoảnh khắc bạn lại đang sống ít hơn và chết nhiều hơn. Cho nên trước khi cơ hội này bị bỏ lỡ, Đức Phật nói, hãy đạt tới trạng thái không có cái tôi. Thế thì sẽ không có cái chết. Thế thì sẽ không có khổ đau. Và thế thì sẽ không có thèm muốn không dứt về danh vọng, quyền lực, uy thế.
Trên thực tế, bạn càng trống rỗng bên trong, bạn càng tìm kiếm danh vọng. Nó là một dạng thay thế. Bạn càng nghèo nàn bên trong, bạn càng tìm kiếm sự giàu sang; nó là một sự thay thế để lấp đầy bạn bằng cái gì đó.
Tôi quan sát điều này mỗi ngày: Mỗi khi người ta gặp rắc rối trong tình yêu, họ ngay lập tức ăn quá nhiều. Mỗi khi họ cảm thấy rằng tình yêu của họ gặp khủng hoảng, họ đang không được yêu, hoặc họ không thể yêu, điều gì đó ngăn trở năng lượng tình yêu của họ, họ ngay lập tức nhồi các thứ vào mình. Họ bắt đầu ăn. Tại sao? Họ đang làm gì với thức ăn? Họ cảm thấy trống rỗng và sự trống rỗng đó làm họ sợ hãi. Bằng cách nào đó họ phải nhồi nhét nó bằng thức ăn.
Nếu bạn đang cảm thấy hạnh phúc ở bên trong, bạn sẽ chẳng quan tâm đến danh vọng, chỉ những người không hạnh phúc mới quan tâm đến danh vọng. Ai lại đi bận tâm xem người khác biết tới bạn hay không nếu bạn đã biết chính mình? Nếu bạn biết chính mình, biết bạn là ai, thế thì chẳng cần thiết. Nhưng khi bạn không biết bạn là ai, bạn sẽ muốn mọi người biết, bạn muốn mọi người biết bạn là ai. Bạn sẽ thu thập ý kiến, bạn sẽ thu thập các ý tưởng của mọi người, và từ bộ sưu tập đó bạn sẽ cố gắng soạn ra vài nhân dạng: “Vâng, tôi là người này. Người ta bảo tôi rằng tôi thông minh, vậy thì tôi hẳn là thông minh.” Bạn không chắc chắn. Nếu bạn chắc chắn, tại sao phải quan tâm tới cái người ta nói hoặc không nói?
Bạn nhìn vào mắt người khác để thấy khuôn mặt mình, bạn không biết khuôn mặt của chính mình. Bạn van xin: “Nói gì đó về tôi đi. Nói rằng tôi xinh đẹp đi. Nói rằng tôi đáng yêu đi. Nói rằng tôi lôi cuốn đi. Hãy nói gì đó về tôi đi!” Bạn đã chứng kiến mình van xin chưa? “Nói gì đó về thân thể tôi, về tâm trí tôi, về sự am hiểu của tôi, hãy nói gì đi!”
Bạn vồ lấy ngay nếu ai đó nói điều gì. Nhưng nếu nó sốc và choáng thì bạn trở nên giận dữ. Người này đang hủy hoại hình ảnh của bạn nếu anh ta nói gì đó trái ý bạn. Nếu anh ta nói gì đó thuận ý bạn, anh ta giúp cho hình ảnh của bạn được trang trí thêm một chút, được trang hoàng thêm một chút, và bạn hạnh phúc trở về nhà. Nếu người ta tán thưởng bạn, bạn cảm thấy hạnh phúc. Tại sao?
Bạn không biết bạn là ai. Đó là lý do tại sao bạn lại tìm kiếm. Bạn hỏi mọi người: “Tôi là ai? Nói cho tôi biết đi!” Thế rồi bạn phải phụ thuộc vào họ. Trớ trêu là những người này cũng không biết họ là ai! Những người ăn mày đi xin của những người ăn mày khác. Họ tới để van xin bạn, cho nên có sự lừa dối lẫn nhau.
Một người đàn ông gặp một người phụ nữ và nói: “Em đẹp quá! Đẹp tuyệt trần!” Và cô ấy nói: “Vâng, em cũng chưa bao giờ gặp một người đàn ông đẹp như anh.” Đây là lừa dối lẫn nhau. Họ có thể gọi nó là tình yêu, nhưng đây là lừa dối lẫn nhau. Cả hai đang thèm muốn một nhân dạng nào đó xung quanh họ. Cả hai thỏa mãn khao khát của nhau. Mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp cho đến khi một trong hai người quyết định rằng thế là đủ và bắt đầu vứt bỏ sự dối trá. Thế thì tuần trăng mật kết thúc... và hôn nhân bắt đầu. Thế rồi mọi thứ trở nên xấu xí. Thế rồi anh ta nghĩ: “Người đàn bà này đã lừa dối mình”, và cô ấy nghĩ: “Người đàn ông này đã lừa dối mình.” Chẳng ai có thể lừa dối bạn trừ khi bạn sẵn sàng bị lừa dối. Hãy nhớ lấy. Không ai lừa dối được ai trừ khi họ sẵn sàng để bị lừa dối, chờ đợi để bị lừa dối.
Bạn không thể lừa dối được một người biết chính mình, bởi vì chẳng có cách nào cả. Nếu bạn nói điều gì đó, anh ta sẽ cười. Anh ta sẽ nói: “Đừng lo lắng về chuyện đó. Tôi đã biết tôi là ai. Anh có thể bỏ qua chủ đề đó và tiếp tục với điều anh phải nói. Đừng quan tâm đến tôi. Tôi biết tôi là ai rồi.”
Một khi bên trong bạn sự sống vốn đã phong phú, bạn sẽ không tìm kiếm giàu sang, bạn sẽ không tìm kiếm quyền lực. Các nhà tâm lý học đã nhận thức được rằng khi con người bắt đầu bị mất năng lực tình dục, họ bắt đầu tìm kiếm các biểu tượng thể hiện tình dục để bù vào. Nếu một người bị mất năng lực tình dục thì anh ta có thể tìm cách có được chiếc xe hơi lớn nhất, đó là biểu tượng thể hiện sức mạnh trong tình dục.
Anh ta muốn có chiếc xe hơi mạnh mẽ nhất thế giới; sức mạnh của anh ta đã mất, năng lượng tình dục của anh ta đã ra đi, và anh ta muốn một sự thay thế. Trong lúc đẩy chiếc xe hơi của mình lên tốc độ tối đa, anh ta cảm thấy sảng khoái, như thể anh ta đang làm tình với người phụ nữ của mình. Tốc độ sẽ cho anh ta sức mạnh. Anh ta sẽ đồng nhất mình với chiếc xe. Các nhà tâm lý học đã quan sát hiện tượng này suốt nhiều năm. Họ thấy rằng những người có một mặc cảm thấp kém nào đó luôn luôn trở nên tham vọng. Trên thực tế, hầu như không ai tham gia vào hoạt động chính trị trừ khi anh ta bắt rễ sâu trong một mặc cảm thấp kém. Các chính trị gia về căn bản là những người mang trong mình những mặc cảm thấp kém. Họ phải chứng tỏ sự ưu trội của mình theo cách nào đó; nếu không, họ sẽ không thể sống với mặc cảm thấp kém của mình. Điều tôi đang cố gắng chỉ ra là, bạn thiếu cái gì ở bên trong, bạn sẽ cố gắng tích lũy điều gì đó ở bên ngoài như một sự thay thế.
Nếu bạn không bỏ lỡ cuộc sống ở bên trong, bạn là đủ với chính mình. Và chỉ khi ấy bạn mới đẹp đẽ. Và chỉ khi ấy bạn mới tồn tại.
Đức Phật nói: “Con người trung thành với những sở hữu trần tục và những đam mê vị kỷ mù quáng đến mức hy sinh mạng sống của chính họ cho chúng. Họ giống như một đứa trẻ cố gắng ăn một chút mật ong dính trên lưỡi một con dao. Lượng mật ong không bao giờ đủ để làm khuây khỏa cơn thèm ăn của nó, nhưng có nguy cơ nó sẽ làm lưỡi mình bị thương.”
Trong cuộc sống này, chẳng có gì đủ để thỏa mãn khao khát của bạn, thỏa mãn cơn thèm ăn của bạn. Thế giới này là một thế giới mộng tưởng, chẳng có gì có thể thỏa mãn bởi vì chỉ có hiện thực mới có thể thỏa mãn. Bạn đã bao giờ quan sát chưa? Trong một giấc mơ, bạn cảm thấy đói giữa đêm. Trong mơ, bạn đi đến tủ lạnh và ăn thỏa thích. Tất nhiên, nó có ích theo một cách nào đó. Nó không quấy rầy giấc ngủ của bạn; nếu không, cơn đói sẽ không cho bạn ngủ, bạn sẽ phải thức dậy. Giấc mơ tạo ra một sự thay thế; bạn tiếp tục ngủ, bạn cảm thấy: “Tôi đã ăn đủ rồi.” Bạn đã đánh lừa cơ thể mình. Giấc mơ là một sự lừa gạt. Sáng ra, bạn sẽ ngạc nhiên, bạn vẫn đói, bởi vì một bữa tiệc trong mơ thì chẳng khác gì nhịn ăn. Yến tiệc và nhịn ăn, cả hai đều giống nhau trong mơ bởi vì giấc mơ không có thật. Nó không thể thỏa mãn cơn đói của bạn. Để dập tắt cơn khát thực thì ta cần đến nước thực. Để thỏa mãn bạn, cần đến một thực tại ngoài đời.
Đức Phật nói, bạn cứ tiếp tục nhận lấy rủi ro làm bị thương chính mình, nhưng không có sự thỏa mãn nào phát sinh từ cuộc sống này. Có lẽ ở đây đó bạn nếm được vị ngọt của mật ong nhưng nó nguy hiểm và không thỏa mãn. Và mật ong dính trên lưỡi dao, có quá nhiều nguy cơ bạn sẽ làm lưỡi mình bị thương. Hãy nhìn vào những người già: Bạn sẽ không tìm thấy thứ gì khác ngoài những vết thương, toàn bộ bản thể họ chẳng là gì ngoài những vết thương và ung loét. Khi một người chết đi, bạn không nhìn thấy những bông hoa nở trong bản thể của ông ta mà bạn chỉ thấy những vết thương đang bốc mùi.
Nếu một người đã sống và không bị những giấc mơ cùng những khao khát hão huyền của mình đánh lừa thì càng già đi ông ta càng trở nên đẹp đẽ. Trong cái chết của mình, ông ta sẽ thật hùng vĩ. Đôi khi bạn có thể đi qua một người già mà tuổi già của ông ta còn đẹp đẽ hơn tuổi trẻ. Thế thì hãy quỳ xuống trước ông già đó, ông ta đã sống một cuộc sống thực sự, một cuộc sống hướng nội, một cuộc sống “bên trong”. Bởi vì nếu sống thực sự thì bạn sẽ ngày càng trở nên đẹp đẽ hơn và một sự cao quý sẽ bắt đầu đến với bạn, một sự ân sủng. Điều gì đó của cái không biết bắt đầu trú ngụ xung quanh bạn. Bạn trở thành nơi trú ngụ của cái vô hạn, cái vĩnh cửu. Đó là bởi cuộc sống là một sự tiến hóa.
Nếu bạn không còn trẻ và trở nên xấu xí, điều đó đơn giản nghĩa là ở thời thanh xuân bạn đã nếm mật ong trên quá nhiều con dao, bạn đã bị tổn thương. Giờ đây bạn sẽ chịu đựng những vết thương. Tuổi già trở thành một nỗi đau ghê gớm. Và cái chết thì hiếm khi đẹp đẽ, bởi vì hiếm có người nào thực sự sống. Nếu một người thực sự sống, như đốm lửa cháy từ đầu đến cuối, thì cái chết của ông ta sẽ là một hiện tượng phi thường, một vẻ đẹp tuyệt mỹ. Khi ông ta chết, bạn sẽ thấy cuộc đời ông ta rực hồng cực độ. Vào khoảnh khắc cuối cùng, ông ta sẽ trở thành như một ngọn lửa; cả cuộc đời ông ta sẽ trở thành một hương thơm đậm đặc vào khoảnh khắc đó, một sự chói sáng vĩ đại sẽ xuất hiện trong bản thể của ông ta. Trước khi ông ta rời đi, ông ta sẽ để lại phía sau mình một hồi ức.
Đó là điều đã xảy ra khi Đức Phật rời bỏ thế giới. Đó là điều đã xảy ra khi Mahavira rời bỏ thế giới. Chúng ta đã không quên được họ, không phải vì họ là những chính trị gia vĩ đại hay những người quyền lực. Họ chẳng là ai cả, nhưng chúng ta không thể quên họ. Quên họ là điều bất khả thi. Về mặt lịch sử thì họ chẳng làm gì. Chúng ta gần như có thể bỏ họ khỏi lịch sử, chúng ta loại họ ra ngoài lịch sử mà chẳng mất gì. Trên thực tế, họ không bao giờ hiện diện trong dòng lịch sử chính thống, họ ở bên rìa của nó, nhưng quên họ là điều bất khả thi. Những khoảnh khắc cuối cùng của họ đã để lại một vầng hào quang cho loài người. Ánh sáng rực rỡ cuối cùng của họ đã cho chúng ta thấy những khả năng của chính chúng ta, những tiềm năng vô tận của chúng ta.
THẤY VÀ TIN
Đức Phật nói đi nói lại với các đệ tử của ông: “Ihi passiko: Hãy đến và nhìn!” Họ là những người khoa học, Phật giáo là tôn giáo khoa học trên Trái Đất. Cho nên, nó đang mở rộng trên thế giới mỗi ngày. Khi thế giới trở nên thông minh hơn, Đức Phật sẽ trở nên ngày một quan trọng. Chắc chắn là như vậy. Khi ngày càng có nhiều người đến để biết về khoa học, Đức Phật sẽ có sức dẫn dụ to lớn, bởi vì ông ấy sẽ thuyết phục tâm trí khoa học, bởi vì ông ấy nói: “Những điều tôi đang nói có thể được thực hành. Và tôi không bảo bạn: ‘Hãy tin nó,’ tôi bảo, ‘hãy thí nghiệm nó, trải nghiệm nó, và chỉ khi bạn tự mình cảm nhận được thì hãy tin nó.’ Nếu không thì không cần thiết phải tin.”