Phương pháp của Đức Phật được gọi là via negativa, con đường của sự phủ định. Cần phải hiểu thái độ này, cách tiếp cận này.
Cách tiếp cận của Đức Phật là độc nhất vô nhị. Tất cả các tôn giáo khác trên thế giới đều là những tôn giáo khẳng định, họ có một mục tiêu để đạt tới dù đó có là Thượng Đế, giải thoát hay cứu rỗi. Và người tìm kiếm cần nỗ lực tích cực. Bạn sẽ không đạt tới mục tiêu trừ khi bạn nỗ lực nghiêm khắc.
Cách tiếp cận của Đức Phật thì hoàn toàn khác, hoàn toàn ngược lại. Ông nói bạn vốn đã là cái bạn muốn trở thành rồi, mục tiêu nằm bên trong bạn; nó là bản chất của bạn. Bạn không cần phải đạt được nó. Nó không nằm ở tương lai, nó không nằm ở đâu đó khác. Nó là bạn ngay bây giờ, chính khoảnh khắc này. Nhưng có một vài chướng ngại và những chướng ngại đó phải được gỡ bỏ.
Điều đó không có nghĩa là bạn phải đạt được thần tính – thần tính là bản chất của bạn – mà là có một vài chướng ngại phải được gỡ bỏ. Ngay khi những chướng ngại đó được gỡ bỏ, bạn sẽ là cái bạn vẫn luôn tìm kiếm. Ngay cả khi bạn không nhận thức được mình là ai, bạn vẫn là như thế. Bạn không thể là cái khác được. Các chướng ngại phải được loại trừ, vứt bỏ. Bạn không cần phải thêm vào cái gì khác.
Một tôn giáo khẳng định sẽ cố gắng thêm điều gì đó vào bạn: đức hạnh, chính trực, thiền, cầu nguyện. Tôn giáo khẳng định nói rằng bạn đang thiếu điều gì đó, bạn phải tìm kiếm cái bạn đang thiếu. Bạn phải tích lũy cái gì đó.
Cách tiếp cận phủ định của Đức Phật lại nói rằng bạn chẳng thiếu thứ gì. Trên thực tế, bạn đang sở hữu quá nhiều thứ mà bạn không cần đến. Bạn phải vứt bỏ một vài thứ.
Điều đó giống như thế này: Bạn đang leo lên dãy Himalaya. Càng lên cao, bạn sẽ càng cảm thấy sức nặng của đồ đạc bạn đem theo mình. Hành lý của bạn sẽ trở nên ngày càng nặng. Bạn sẽ phải vứt bỏ bớt đồ đạc. Nếu muốn tới đỉnh cao nhất, bạn phải vứt bỏ tất cả.
Ngay khi bạn vứt bỏ tất cả, ngay khi bạn không sở hữu gì hết, ngay khi bạn trở thành con số không, không gì cả, không ai cả, là bạn đã tới đỉnh. Phải loại trừ một số thứ chứ không phải thêm vào bạn. Phải vứt bỏ chứ không phải tích lũy.
Khi Đức Phật đạt tới, có người hỏi ông: “Thầy đã đạt tới cái gì?” Ông ấy cười và nói: “Ta không đạt tới gì cả, bởi cái ta đạt tới vẫn luôn luôn ở cùng ta. Trái lại, ta đã mất nhiều thứ. Ta đã mất bản ngã. Ta đã mất những tư tưởng của mình, tâm trí của mình. Ta đã mất tất cả những gì ta từng nghĩ rằng ta sở hữu. Ta đã mất thân thể, ta từng nghĩ ta là thân thể. Ta đã mất hết. Giờ đây ta tồn tại như cái không thuần khiết. Đây là thành tựu của ta.”
Để tôi giải thích cho bạn, bởi vì điều này cực kỳ quan trọng.
Theo cách tiếp cận của Đức Phật, cái khởi đầu không có khởi đầu của hiện hữu chỉ hoàn toàn là một giấc ngủ; hiện hữu đang ngủ say và ngáy, trạng thái mà người Hindu gọi là sushupti, một trạng thái ngủ không mộng mị. Toàn thể hiện hữu ngủ trong sushupti. Không có gì chuyển động, mọi thứ đều nghỉ ngơi, nghỉ ngơi tuyệt đối, nghỉ ngơi hoàn toàn, bạn có thể nói rằng hoàn toàn không có hiện hữu.
Khi bạn di chuyển vào sushupti mỗi đêm, khi những giấc mơ dừng lại, bạn một lần nữa di chuyển vào cái không nguyên thủy đó. Và nếu trong đêm không có vài khoảnh khắc của cái không nguyên thủy đó thì bạn không cảm thấy được trẻ lại, bạn không cảm thấy được tái sinh. Nếu cả đêm bạn mơ và trở mình, lăn lộn trên giường, sáng ra bạn sẽ mệt mỏi hơn cả khi bạn đi ngủ. Bạn không thể tan ra, bạn không thể đánh mất chính mình.
Nếu bạn đã ở trong sushupti, một trạng thái không mộng mị, có nghĩa là một lần nữa bạn đã di duyển vào trong cái khởi đầu không có khởi đầu. Từ đó, bạn có năng lượng, từ đó bạn được nghỉ ngơi, được truyền sức sống, được làm mới. Một lần nữa đầy chất dịch, đầy sự sống và hương vị. Đức Phật nói, đó là sự khởi đầu, nhưng ông ấy gọi nó là khởi đầu không có khởi đầu. Nó giống như sushupti, nó hoàn toàn vô thức; không có ý thức trong nó. Nó giống như samadhi, chứng ngộ, chỉ với một khác biệt: Trong samadhi, người ta hoàn toàn tỉnh thức. Trong sushupti, trong giấc ngủ sâu không mộng mị đó, không có ý thức, thậm chí không có một ngọn lửa nhỏ nào của ý thức – một đêm tối tăm. Nó cũng là một trạng thái phúc lạc hoàn toàn, nhưng là một trạng thái vô thức.
Vào buổi sáng khi thức dậy, bạn nói: “Đêm qua thật đẹp. Tôi ngủ rất sâu. Nó thật đẹp và tràn đầy phúc lạc.” Nhưng đó là điều bạn nói vào buổi sáng. Khi đang thực sự trong giấc ngủ đó, bạn không nhận biết, bạn tuyệt đối vô thức. Khi thức dậy vào buổi sáng, bạn hồi tưởng lại và có thể nhận ra rằng: “Phải, nó thật đẹp đẽ!”
Khi một người thức dậy trong samadhi, anh ta nhận ra rằng: “Tất cả những kiếp sống trong quá khứ của tôi đều hoàn toàn là phúc lạc. Tôi đã ở trong một thế giới phép thuật quyến rũ. Tôi chưa bao giờ đau khổ.” Khi đó con người nhận ra, nhưng ngay bây giờ bạn không thể nhận ra, bạn đang vô thức. Trạng thái nguyên thủy tràn đầy phúc lạc nhưng không ai nhận ra nó. Cây cối vẫn tồn tại trong trạng thái nguyên thủy đó; núi non, đại dương, những đám mây và những sa mạc vẫn tồn tại trong ý thức nguyên thủy đó. Nó là một trạng thái vô thức.
Đức Phật gọi điều này là cái không, cái không thuần khiết, bởi vì không có phân biệt, không có phân ranh giới. Nó âm u: không hình dạng, không tên. Nó giống như một đêm tối tăm.
Thế rồi vụ nổ xuất hiện. Các nhà khoa học cũng nói về vụ nổ này, họ gọi nó là Big Bang (Vụ nổ lớn). Khi đó, mọi thứ bùng nổ.
Cái không biến mất và vật chất xuất hiện. Đây vẫn là một giả thuyết, ngay cả với các nhà khoa học, bởi vì không ai có thể quay trở lại thời điểm đó. Đối với các nhà khoa học, nó là một giả thuyết, cùng lắm cũng chỉ là một giả thuyết nhiều khả năng xảy ra nhất.
Có nhiều học thuyết đã được đưa ra, đề xuất, nhưng học thuyết Big Bang được chấp nhận rộng rãi nhất – tức là từ cái không đó, vạn vật bùng nổ như một hạt mầm bùng nổ và trở thành một cái cây. Và trong cái cây là hàng triệu hạt mầm, rồi chúng lại bùng nổ. Chỉ một hạt mầm có thể phủ đầy cây cối khắp Trái Đất. Đây là ý nghĩa của bùng nổ.
Bạn đã bao giờ quan sát thực tế chưa? Thật huyền bí! Một hạt mầm bé nhỏ, gần như không thể nhìn rõ, có thể bùng nổ và lấp đầy cả Trái Đất bằng những khu rừng. Không chỉ Trái Đất này mà là tất cả những Trái Đất có thể có trong hiện hữu. Chỉ duy nhất một hạt mầm! Và nếu bạn đập vỡ hạt mầm, bạn sẽ tìm thấy gì bên trong nó? Không gì cả, một cái không thuần khiết. Từ cái không này, tất cả đã tiến hóa.
Đối với các nhà khoa học, nó chỉ là một giả thuyết, một suy luận. Đối với Đức Phật, nó không phải là một giả thuyết, nó là kinh nghiệm của ông ấy. Ông ấy đã biết sự việc này bên trong chính mình.
Tôi sẽ cố gắng giải thích điều này cho bạn, làm thế nào một người có thể biết được cái khởi đầu không có khởi đầu này, bởi vì bạn không thể quay ngược lại. Nhưng có một cách di chuyển về phía trước. Và cũng giống như vạn vật đều di chuyển theo một vòng tròn, thời gian cũng di chuyển theo một vòng tròn.
Ở phương Tây, khái niệm về thời gian là tuyến tính, thời gian di chuyển trên một đường nằm ngang, nó cứ tiếp tục và tiếp tục. Nhưng ở phương Đông, chúng ta tin vào một thời gian vòng tròn, và khái niệm thời gian của Đông Phương gần với thực tại hơn, bởi vì mọi chuyển động đều là hình tròn. Trái Đất di chuyển theo một vòng tròn, mặt trăng di chuyển theo một vòng tròn, các vì sao di chuyển theo một vòng tròn. Một năm di chuyển theo một vòng tròn, cuộc đời di chuyển theo một vòng tròn: sinh ra, lớn lên, già đi, rồi lại sinh ra! Thứ mà bạn gọi là cái chết thật ra là sinh ra một lần nữa. Lại lớn lên, già đi... và bánh xe tiếp tục quay. Năm tháng quay vòng: Mùa hè đến, với những cơn mưa, và mùa đông rồi lại mùa hè. Mọi thứ đang chuyển động theo một vòng tròn. Tại sao thời gian lại ngoại lệ? Thời gian cũng chuyển động theo một vòng tròn. Một người không thể quay ngược lại, nhưng nếu bạn tiếp tục đi về phía trước, di chuyển về phía trước, một ngày nào đó thời gian sẽ bắt đầu di chuyển theo một vòng tròn. Bạn đạt tới khởi đầu không có khởi đầu hoặc bây giờ bạn có thể gọi nó là kết thúc không có kết thúc.
Đức Phật đã biết nó, trải nghiệm nó.
Cái mà các nhà khoa học gọi là Vụ nổ lớn (Big Bang) thì tôi gọi là cực khoái vũ trụ. Cách gọi này dường như có ý nghĩa hơn với tôi. “Vụ nổ lớn” nghe hơi xấu xí, quá công nghệ, không có tính con người. Cực khoái vũ trụ – vũ trụ bùng nổ trong cực khoái. Hàng triệu hình thái sinh ra từ nó. Và đó là một kinh nghiệm phúc lạc lớn lao, cho nên chúng ta hãy gọi nó là cực khoái vũ trụ.
Trong cực khoái đó ba thứ đã được sinh ra. Đầu tiên, vũ trụ, cái mà phương Đông chúng ta gọi là sat. Từ vũ trụ sinh ra sự sống, cái chúng ta gọi là ananda. Và từ sự sống sinh ra tâm trí, cái mà chúng ta gọi là chit. Sat nghĩa là bản thể, ananda nghĩa là ca tụng bản thể. Khi một cái cây ra hoa, nó đang ca tụng bản thể của nó. Và chit nghĩa là ý thức – khi bạn ý thức về phúc lạc, về sự ca tụng của mình. Ba trạng thái này là: satchitananda.
Loài người đã đạt đến tâm trí. Những tảng đá vẫn ở giai đoạn đầu tiên, vũ trụ. Chúng tồn tại nhưng chúng không nở hoa, chúng không ca tụng. Chúng đóng kín, cuộn lấy chính mình. Một ngày nào đó chúng sẽ bắt đầu di chuyển, một ngày nào đó chúng sẽ mở những cánh hoa của mình, còn ngay bây giờ chúng chỉ đang hướng vào bên trong, hoàn toàn đóng kín.
Cây cối và muông thú đã đến giai đoạn tiếp theo, sự sống, quá hạnh phúc, quá đẹp đẽ, quá nhiều màu sắc. Chim chóc ca hát không ngừng, và cây cối liên tục nở hoa. Đây là giai đoạn thứ hai, sự sống. Giai đoạn thứ ba, chỉ con người mới đạt tới: trạng thái của tâm trí, trạng thái của chit, ý thức.
Đức Phật nói ba giai đoạn này giống như một giấc mơ. Giai đoạn đầu tiên, khởi đầu không có khởi đầu, trạng thái nguyên thủy giống như giấc ngủ, sushupti. Ba giai đoạn này giống như một vở kịch đang được mở ra. Nếu bạn di chuyển vượt khỏi tâm trí, nếu bạn bắt đầu hướng tới thiền, hướng tới vô trí, một lần nữa một sự bùng nổ khác xảy ra. Nhưng giờ đây nó không còn là một sự bùng nổ ra ngoài, nó là sự bùng nổ vào trong. Giống như cái ngày mà sự bùng nổ ra ngoài xảy đến, hàng triệu thứ được sinh ra từ cái không, thì khi sự bùng nổ vào trong xảy đến, hình thái và danh tính biến mất, cái không được sinh ra trở lại. Vòng tròn đã khép kín.
Các nhà khoa học chỉ nói về bùng nổ ra ngoài, họ chưa nói về bùng nổ vào trong, như thế thật phi lý. Bởi vì nếu có thể có bùng nổ ra ngoài thì cũng có thể có bùng nổ vào trong.
Một hạt mầm được ném vào đất. Nó bùng nổ. Một cái cây ra đời, rồi trên cái cây một lần nữa các hạt mầm sinh ra. Bây giờ hạt mầm là gì? Khi hạt mầm bùng nổ, nó là một cái cây. Khi cái cây bùng nổ, nó lại là hạt mầm. Hạt mầm mang theo một cái cây, nó mở ra để trở thành cái cây. Giờ đây cái cây một lần nữa đóng lại, thu vào, và trở thành hạt mầm nhỏ bé.
Nếu bùng nổ ra ngoài xảy ra trên thế giới như các nhà khoa học ngày nay vẫn tin thì ý niệm của Phật giáo về sự bùng nổ vào trong cũng là một điều có thực. Bùng nổ ra ngoài không thể tồn tại mà không có bùng nổ vào trong. Chúng đi cùng nhau. Bùng nổ vào trong nghĩa là một lần nữa tâm trí chuyển dịch vào sự sống, sự sống chuyển dịch vào trong vũ trụ, vũ trụ chuyển dịch vào trong cái không và vòng tròn được khép kín. Cái không chuyển dịch vào trong vũ trụ, vũ trụ chuyển dịch vào trong sự sống, sự sống chuyển dịch vào trong tâm trí, tâm trí lại chuyển dịch vào trong sự sống, sự sống lại chuyển dịch vào trong vũ trụ, vũ trụ lại chuyển dịch vào trong cái không... vòng tròn được khép kín.
Sau sự bùng nổ vào trong, khi nó đã xảy ra, khi vạn vật lại đi đến cái không, có một sự khác biệt. Cái không đầu tiên là vô thức, cái không thứ hai này là ý thức. Cái đầu tiên giống như bóng tối, cái thứ hai giống như ánh sáng. Cái đầu tiên giống như đêm, cái thứ hai giống như ngày. Cái đầu tiên chúng ta gọi là sushupti, cái thứ hai chúng ta sẽ gọi là jagriti, nhận biết, thức tỉnh hoàn toàn. Đây là toàn bộ vòng tròn.
Cái đầu tiên, các nhà khoa học gọi là Big Bang bởi vì có quá nhiều tiếng nổ và quá nhiều tiếng ồn. Nó là một vụ nổ lớn. Một khoảnh khắc trước đó, mọi thứ hoàn toàn im lặng, không tiếng ồn, không âm thanh và sau một khoảnh khắc, khi hiện hữu bùng nổ, có quá nhiều âm thanh và quá nhiều tiếng ồn. Tất cả các loại tiếng ồn bắt đầu xảy ra.
Điều gì xảy ra khi sự bùng nổ ra ngoài biến mất vào một sự bùng nổ vào trong? Âm thanh vô thanh. Bây giờ không có bất cứ tiếng ồn nào. Một lần nữa vạn vật lại im lặng. Đây là cái mà Thiền gọi là tiếng vỗ tay của một bàn tay. Đây là cái mà người Hindu gọi là anahatnada, omkar, âm thanh vô thanh.
Cái đầu tiên, người Hindu gọi là nadavisphot, vụ nổ lớn, âm thanh bùng nổ. Và cái thứ hai là khi âm thanh một lần nữa dịch chuyển vào im lặng, câu chuyện được hoàn tất. Khoa học vẫn đang níu bám lấy một nửa câu chuyện, nửa còn lại bị thất lạc. Và người quan sát toàn bộ vở kịch này, từ sushupti, đêm tối tăm của linh hồn, đến giấc mơ, và từ giấc mơ đến nhận biết, người quan sát toàn bộ những điều đó là người chứng kiến. Trạng thái thứ tư chúng ta gọi là turiya, người chứng kiến tất cả. Khi đạt đến đó, bạn trở thành một vị Phật; khi đạt đến đó, trải nghiệm nó, bạn đã đạt tới.
Tôn giáo nghĩa là trở nên có ý thức về việc bạn là gì.
Nhưng cần phải hiểu rằng: Dù là đang ngủ hay đang mơ hay đang tỉnh, bạn lúc nào cũng là như thế. Lúc thì không nhận biết, lúc thì nhận biết, đó là khác biệt duy nhất, còn bản chất của bạn vẫn không đổi.
T. S. Eliot đã viết những dòng thơ rất đẹp đẽ:
Chúng ta sẽ không ngừng thám hiểm
và kết thúc của mọi cuộc thám hiểm
đều sẽ là nơi chúng ta đã bắt đầu
và lần đầu tiên biết đến nơi đó.
Đây chính là ý nghĩa sự từ bỏ, con đường thông qua phủ định, của Đức Phật. Bạn phải đi tới nơi bạn đã bắt đầu. Bạn phải biết về cái mà bạn vốn đã là. Bạn phải đạt được cái bạn vốn đã đạt được. Bạn phải đạt được cái không thể bị mất đi trong bản chất của vạn vật, không có cách nào để mất liên lạc với nó. Cùng lắm, chúng ta chỉ có thể không ý thức về nó.
Tôn giáo nghĩa là trở nên có ý thức về việc bạn là gì. Nó không phải là tìm kiếm một thứ mới; nó là nỗ lực để biết được cái đã luôn luôn ở đó, cái vĩnh cửu. Từ khởi đầu không có khởi đầu tới kết thúc không có kết thúc, nó luôn luôn ở đó.
Bởi vì con đường là phủ định nên có vài khó khăn. Người ta sẽ khó thấy Phật giáo hấp dẫn, bởi vì thông thường, tâm trí luôn muốn có thứ gì đó khẳng định để níu bám vào, tâm trí luôn muốn thứ gì đó để đạt được, nhưng Đức Phật lại nói rằng chẳng có gì để đạt được cả; đúng hơn, ngược lại, bạn phải đánh mất thứ gì đó.
Chỉ riêng ý tưởng đánh mất thứ gì đó đã không hấp dẫn, bởi vì xã hội của chúng ta quan niệm rằng càng có thêm nhiều càng tốt. Đức Phật lại nói rằng có là vấn đề. Bạn càng có nhiều, bạn càng ít tồn tại, bởi vì bạn càng có nhiều, bạn càng ít nhận ra chính mình – bạn đánh mất chính mình.
Khoảng trống bên trong bạn, không gian của bạn bị bao phủ bởi quá nhiều thứ. Người giàu thì nghèo, nghèo bởi vì anh ta không còn không gian, nghèo bởi vì mọi thứ đều bị lấp đầy, nghèo bởi vì anh ta không biết được chút khoảng trống nào trong bản thể của mình. Thông qua sự trống không, bạn mới có được cái nhìn thoáng qua về cái nguyên thủy và cái tối thượng, và cả hai cái đó đều là một.
Thật khó thấy Phật giáo hấp dẫn. Chỉ những người hiếm hoi vô cùng thông minh mới có thể bị nó hấp dẫn. Nó không thể trở thành một tôn giáo đại chúng. Khi nó trở thành một tôn giáo đại chúng, nó chỉ trở thành như vậy khi đánh mất tất cả tính nguyên sơ để thỏa hiệp với đám đông.
Ở Ấn Độ, Phật giáo biến mất bởi vì những người theo Đức Phật yêu cầu nó phải thuần khiết. Có những người nghĩ rằng bởi vì các triết gia và nhà huyền môn Hindu bác bỏ đạo Phật nên đạo Phật mới biến mất khỏi Ấn Độ. Điều đó là sai. Không thể bác bỏ nó. Chưa bao giờ có ai bác bỏ nó. Không có khả năng bác bỏ nó bởi vì ngay từ đầu nó đã không dựa trên logic.
Nếu điều gì đó dựa trên logic, bạn có thể phá hủy nó bằng logic. Nếu điều gì đó dựa vào luận chứng logic, bạn có thể bác bỏ nó. Phật giáo không hề dựa trên logic. Nó dựa trên kinh nghiệm, nó mang tính hiện sinh. Nó không tin tưởng vào bất kỳ lý thuyết siêu hình nào thì làm sao bạn có thể bác bỏ nó? Nó không bao giờ xác nhận bất cứ điều gì về bất cứ khái niệm nào. Nó chỉ đơn giản là mô tả kinh nghiệm sâu thẳm nhất. Nó không có triết lý cho nên các triết gia không thể bác bỏ nó.
Nhưng đúng là Phật giáo đã biến mất khỏi Ấn Độ. Lý do cơ bản của sự biến mất đó là Đức Phật và những người theo ông yêu cầu nó phải thuần khiết. Chính yêu cầu về tính thuần khiết này trở thành một hố ngăn cách không thể hàn gắn. Đám đông không thể hiểu nó, chỉ những người hiếm hoi, một nhóm rất có văn hóa, thông minh, quý tộc, một số ít được lựa chọn mới có thể hiểu những gì Đức Phật ngụ ý. Những ai thấu hiểu nó thì trong chính sự thấu hiểu đó, họ đã được chuyển hóa. Còn với đám đông thì nó là vô nghĩa. Nó mất chỗ đứng của mình đối với đám đông.
Ở Trung Quốc, nó thành công. Ở Tây Tạng, ở Sri Lanka, ở Myanmar, ở Thái Lan, ở Nhật Bản, nó thành công – nhờ những nhà truyền giáo. Khi thấy những điều xảy ra ở Ấn Độ, những nhà truyền giáo Phật giáo đi ra khỏi đất nước này đã trở nên rất thỏa hiệp. Họ đã thỏa hiệp. Họ bắt đầu nói bằng ngôn ngữ khẳng định. Họ bắt đầu nói về thành tựu, phúc lạc, thiên đường, từ cửa sau họ mang vào mọi thứ mà Đức Phật từng từ chối. Một lần nữa đám đông thấy hạnh phúc. Cả nước Trung Quốc, cả châu Á ngoại trừ Ấn Độ đã cải đạo sang Phật giáo. Ở Ấn Độ, họ cố gắng chỉ trao thông điệp thuần khiết, không có sự thỏa hiệp; điều đó là không thể. Ở Trung Quốc, đạo Phật trở thành một tôn giáo đại chúng nhưng khi đó, nó đã mất đi chân lý của mình.
Để tôi kể cho bạn nghe một giai thoại:
Một con quỷ cấp thấp được sai đến Trái Đất để nhìn đây đó và quan sát xem mọi thứ vận hành như thế nào. Nó nhanh chóng quay trở lại địa ngục, khiếp sợ, và có một cuộc phỏng vấn với chính chúa quỷ Beelzebub.
“Thưa ngài,” nó lắp bắp, “điều gì đó khủng khiếp đã xảy ra! Có một gã đàn ông râu rậm đi khắp Trái Đất, nói chuyện chân lý, và con người bắt đầu lắng nghe hắn. Chúng ta phải làm gì đó ngay lập tức.”
Beelzebub mỉm cười, hút tẩu mà không bình luận gì.
“Thưa ngài! Ngài không nhận ra sự nghiêm trọng của tình hình đâu,” con quỷ cấp thấp đang rối trí tiếp tục nói, “Sớm thôi chúng ta sẽ mất tất cả!”
Beelzebub chậm rãi bỏ cái tẩu ra, đập nhẹ vào gạt tàn rồi ngồi trở lại chiếc ghế xoay của hắn, hai tay để sau đầu.
“Đừng lo lắng, con trai,” hắn khuyên. “Chúng ta sẽ để nó tiếp tục ít lâu nữa, và khi nó tiến triển đủ xa, chúng ta sẽ bước vào và giúp chúng tổ chức!”
Ngay khi một tôn giáo được tổ chức, nó sẽ chết, bởi vì bạn chỉ có thể tổ chức một tôn giáo khi bạn thỏa hiệp với đám đông. Bạn chỉ có thể tổ chức một tôn giáo khi bạn thuận theo khao khát của đại chúng. Bạn chỉ có thể tổ chức một tôn giáo khi bạn sẵn sàng biến nó thành chính trị và sẵn sàng đánh mất tính tôn giáo của nó.
Chỉ có thể tổ chức một tôn giáo khi nó không còn là một tôn giáo thực sự. Nói cách khác, không thể tổ chức một tôn giáo như một tôn giáo. Khi được tổ chức, nó không còn là tôn giáo. Một tôn giáo thực sự về cơ bản sẽ luôn vô tổ chức, sẽ luôn hỗn loạn một chút, sẽ luôn lộn xộn một chút, bởi vì tôn giáo thực sự là tự do.