Mỗi con người là một đám đông, một đám đông nhiều giọng nói: thích đáng, không thích đáng, phù hợp, không phù hợp, mỗi giọng nói lôi kéo theo cách của nó; tất cả các giọng nói khiến cá nhân bị tách rời. Thông thường, con người là một mớ hỗn độn, gần như một dạng mất trí. Đôi khi, bạn thành công trong việc tỏ ra mình lành mạnh. Nhưng sâu bên dưới, từng lớp từng lớp điên khùng đang sôi lên. Chúng có thể phun trào bất cứ lúc nào, bạn có thể mất kiểm soát bất cứ lúc nào bởi vì sự kiểm soát của bạn bị ép buộc từ bên ngoài. Nó không phải một kỷ luật đến từ trung tâm bản thể.
Vì những lý do xã hội, lý do kinh tế, lý do chính trị, bạn đã ép buộc một tính cách nào đó lên bản thân mình. Nhưng nhiều lực lượng sống chống lại tính cách đó tồn tại bên trong bạn. Chúng liên tục phá hoại tính cách của bạn. Cho nên, ngày nào bạn cũng mắc nhiều lỗi lầm, nhiều sai sót. Thậm chí đôi khi bạn cảm thấy rằng bạn không bao giờ muốn làm như vậy. Bất chấp chính mình, bạn tiếp tục mắc nhiều lỗi lầm, bởi vì bạn không phải một, bạn là nhiều.
Đức Phật không gọi những lỗi lầm này là tội lỗi, bởi vì như thế là kết án. Ông ấy chỉ gọi chúng là thiếu sót, lỗi lầm, sai sót. Sai lầm mới là con người, không sai lầm là thần thánh, và con đường từ con người đến thần thánh đi qua chánh niệm. Những giọng nói bên trong này có thể ngừng tra tấn bạn, kéo bạn, đẩy bạn. Những giọng nói này có thể biến mất nếu bạn chánh niệm.
Trong trạng thái chánh niệm, các lỗi lầm sẽ không xảy ra. Không phải bạn điều khiển chúng mà trong trạng thái chánh niệm, trong trạng thái tỉnh giác, nhận biết, các giọng nói sẽ ngừng lại, bạn trở thành một. Và bất cứ điều gì bạn làm đều sẽ đến từ cốt lõi bản thể của bạn. Nó không bao giờ sai. Cần phải hiểu điều này.
Hoạt động Tiềm năng Con người (Human Potential Movement) là một sự so sánh có thể giúp bạn thấu hiểu nó. Đó là cái mà Phân tích Tương giao (Transactional Analysis) gọi là tam giác PAC. P nghĩa là phụ huynh (parent), A nghĩa là người lớn (adult), C nghĩa là trẻ em (child). Đây là ba lớp của bạn, như thể bạn là một tòa nhà ba tầng.
Tầng đầu tiên là của đứa trẻ, tầng thứ hai là của cha mẹ, tầng thứ ba là của người lớn. Cả ba tồn tại cùng nhau. Đây là tam giác và xung đột bên trong của bạn. Đứa trẻ nói một điều, cha mẹ bạn nói điều khác, và người lớn của bạn, lý trí của bạn lại nói điều khác nữa.
Đứa trẻ nói: “Hãy tận hưởng.” Đối với đứa trẻ, khoảnh khắc này là khoảnh khắc duy nhất; nó không có đắn đo nào khác. Đứa trẻ thì tự phát, nhưng không ý thức về kết quả, không ý thức về quá khứ, không ý thức về tương lai. Nó sống trong từng khoảnh khắc. Nó không có các giá trị và nó không có chánh niệm, không có nhận biết. Đứa trẻ chứa đựng những khái niệm được cảm thấy, nó sống thông qua cảm xúc. Toàn bộ bản thể của nó là vô lý trí.
Tất nhiên nó gặp nhiều xung đột với những người khác. Nó gặp nhiều mâu thuẫn bên trong chính mình, bởi vì một cảm xúc giúp nó làm điều này, rồi đột nhiên nó bắt đầu cảm thấy một cảm xúc khác. Một đứa trẻ không bao giờ có thể hoàn thành việc gì. Vào lúc nó có thể hoàn thành, cảm xúc của nó thay đổi. Nó bắt đầu nhiều việc nhưng không bao giờ đi đến kết thúc nào. Đứa trẻ luôn trong tình trạng bỏ lửng. Nó tận hưởng, nhưng sự tận hưởng của nó không sáng tạo, không thể sáng tạo. Nó vui sướng, nhưng không thể sống chỉ bằng vui sướng. Bạn không thể là một đứa trẻ mãi mãi. Bạn sẽ phải học rất nhiều điều, bởi vì bạn không ở đây một mình.
Nếu bạn một mình thì chẳng có vấn đề gì, bạn có thể là một đứa trẻ mãi mãi. Nhưng xã hội ở đây, hàng triệu người ở đây; bạn phải theo nhiều luật lệ, bạn phải giữ nhiều giá trị. Bằng không, sẽ có nhiều xung đột tới mức cuộc sống trở nên bất khả thi. Đứa trẻ phải được huấn luyện, và đó là chỗ phụ huynh bước vào.
Giọng nói phụ huynh trong bạn là giọng nói của xã hội, văn hóa, văn minh; giọng nói khiến bạn có khả năng sống trong một thế giới mà bạn không một mình, có nhiều cá nhân với những tham vọng mâu thuẫn nhau, phải tranh đấu để sinh tồn, và có nhiều xung đột.
Giọng nói phụ huynh là giọng nói của sự thận trọng, nó làm cho bạn văn minh. Đứa trẻ thì hoang dã, giọng nói phụ huynh giúp bạn trở nên văn minh. Từ “văn minh” là tốt. Nó nghĩa là một người đã có khả năng sống trong một thành phố, đã có khả năng làm thành viên của một nhóm, một xã hội.
Đứa trẻ rất độc tài. Đứa trẻ nghĩ nó là trung tâm của thế giới. Cha mẹ phải dạy bạn rằng bạn không phải trung tâm của thế giới, mọi người đều nghĩ theo cách đó. Họ sẽ làm bạn ngày càng cảnh giác với việc có nhiều người trên thế giới và bạn không một mình. Bạn phải quan tâm đến họ nếu bạn muốn được họ quan tâm. Nếu không, bạn sẽ bị nghiền nát. Nó hoàn toàn là vấn đề của sống còn, của chính sách, của chính trị.
Giọng nói phụ huynh cho bạn một số điều răn dạy: được làm gì, không được làm gì. Phụ huynh làm bạn thận trọng. Điều đó là cần thiết.
Và thế rồi có giọng nói thứ ba bên trong bạn, lớp thứ ba, khi bạn đã trở thành người lớn và bạn không còn bị cha mẹ điều khiển; lý trí của bạn đã trưởng thành và bạn có thể tự mình suy nghĩ.
Đứa trẻ chứa đựng những khái niệm được cảm thấy, cha mẹ chứa đựng những khái niệm được dạy dỗ, và người lớn chứa đựng những khái niệm được suy nghĩ. Ba lớp này không ngừng xung đột. Đứa trẻ nói một điều, cha mẹ nói điều ngược lại, và lý trí có thể nói điều gì đó hoàn toàn khác.
Bạn nhìn thấy một món ăn ngon. Đứa trẻ nói hãy ăn bao nhiêu tùy thích. Giọng nói phụ huynh nói rằng phải xem xét nhiều điều – liệu bạn có đang thấy đói, liệu mùi vị món ăn này có phải là sự hấp dẫn duy nhất của nó hay không. Món ăn này có thực sự bổ dưỡng? Nó sẽ nuôi dưỡng cơ thể bạn hay nó có thể gây hại cho bạn? Đợi đã, hãy lắng nghe, đừng vội. Và rồi tâm trí lý lẽ, tâm trí người lớn, có thể nói điều gì đó hoàn toàn khác.
Tâm trí người lớn của bạn không cần phải đồng ý với cha mẹ bạn. Cha mẹ bạn không toàn tri, họ không biết tất cả mọi thứ. Họ là những con người có thể sai lầm y như bạn, và nhiều lần bạn tìm ra lỗ hổng trong suy nghĩ của họ. Nhiều lần bạn thấy họ giáo điều, mê tín, tin vào những điều ngu xuẩn, giữ những ý thức hệ phi lý. Người lớn trong bạn nói không. Phụ huynh trong bạn bảo làm đi, người lớn trong bạn nói rằng không đáng làm, và đứa trẻ trong bạn đang kéo bạn đến nơi nào đó khác. Đây là tam giác bên trong bạn.
Nếu bạn lắng nghe đứa trẻ, phụ huynh cảm thấy tức giận. Cho nên một phần cảm thấy tốt đẹp, bạn có thể ăn bao nhiêu kem tùy ý, nhưng phụ huynh bên trong cảm thấy tức giận; một phần của bạn bắt đầu lên án. Thế rồi bạn cảm thấy tội lỗi. Tội lỗi xuất hiện giống như nó từng xuất hiện khi bạn còn là một đứa trẻ. Bạn không còn là đứa trẻ nữa, nhưng đứa trẻ vẫn chưa biến mất. Nó ở đó, ở tầng dưới cùng của bạn, cơ sở của bạn, nền tảng của bạn.
Nếu bạn theo đứa trẻ, nếu bạn theo cảm xúc, phụ huynh trở nên giận dữ và thế là bạn bắt đầu cảm thấy tội lỗi. Nếu bạn theo phụ huynh, thế thì đứa trẻ bên trong bạn cảm thấy rằng nó đang bị cưỡng ép vào những thứ nó không muốn làm. Đứa trẻ bên trong bạn cảm thấy nó bị quấy rầy vô cớ, xâm phạm vô cớ. Tự do bị mất khi bạn nghe theo phụ huynh, và đứa trẻ trong bạn bắt đầu cảm thấy muốn nổi loạn.
Đức Phật nói chánh niệm là đức hạnh duy nhất tồn tại.
Nếu bạn nghe theo phụ huynh, tâm trí người lớn của bạn nói: “Thật vô lý! Những người này chẳng biết gì cả. Bạn biết nhiều hơn, bạn đồng điệu với thế giới hiện đại hơn, bạn hợp thời hơn. Những ý thức hệ này chỉ là những ý thức hệ chết, lạc hậu. Sao bạn phải băn khoăn?” Nếu nghe theo lý trí thì bạn cảm thấy như thể bạn phản bội lại cha mẹ mình. Tội lỗi lại trỗi dậy. Làm gì đây? Gần như không thể tìm ra cái gì mà cả ba lớp này đồng thuận.
Đây là mối lo âu của con người. Không, chưa bao giờ ba lớp này đồng thuận trong bất cứ điểm nào. Không bao giờ có sự đồng thuận.
Giờ đây có những bậc thầy tin tưởng vào đứa trẻ. Họ chú trọng nhiều hơn vào đứa trẻ. Chẳng hạn như Lão Tử. Ông ấy nói: “Sự đồng thuận sẽ không tới. Bạn hãy vứt bỏ giọng nói phụ huynh này, những lời răn dạy này, những thứ thánh kinh này. Vứt bỏ tất cả những cái ‘nên’ và trở thành đứa trẻ một lần nữa.” Đó cũng là điều Jesus nói. Lão Tử và Jesus nhấn mạnh vào việc trở thành đứa trẻ một lần nữa, bởi vì chỉ với đứa trẻ bạn mới có thể đạt được tính tự phát của mình, mới một lần nữa trở thành một phần của dòng chảy tự nhiên, Đạo.
Thông điệp của họ thật đẹp, nhưng có vẻ không thực tế. Vâng, đôi khi chuyện đó cũng xảy ra, một người trở thành đứa trẻ lần nữa. Nhưng nó hiếm có đến mức không thể nghĩ rằng khi nào đó loài người sẽ trở thành đứa trẻ một lần nữa. Nó đẹp đẽ như một vì sao ở xa xôi ngoài tầm với.
Lại có những bậc thầy khác – Mahavira, Moses, Mohammed, Manu – nói rằng, hãy lắng nghe giọng nói phụ huynh, lắng nghe luân lý, cái mà xã hội nói, cái mà bạn được dạy dỗ. Hãy lắng nghe và làm theo nó. Nếu bạn muốn thoải mái trong thế giới, nếu bạn muốn bình an trong thế giới, hãy lắng nghe cha mẹ. Đừng bao giờ đi ngược lại giọng nói phụ huynh.
Đó là cách thế giới đang tuân theo, nhiều hay ít. Nhưng thế thì con người sẽ không bao giờ cảm thấy tự phát, không bao giờ cảm thấy tự nhiên. Con người sẽ luôn cảm thấy bị siết lại, bị nhốt vào lồng. Và khi bạn không cảm thấy tự do, bạn có thể cảm thấy bình an nhưng sự bình an đó không có giá trị. Trừ khi bình an đến cùng tự do còn không thì bạn không thể chấp nhận nó. Trừ khi bình an đến cùng phúc lạc còn không thì bạn không thể chấp nhận nó. Nó mang lại tiện nghi và sung túc, nhưng linh hồn bạn đau đớn.
Vâng, có vài người đã đạt tới chân lý thông qua giọng nói phụ huynh. Nhưng điều đó cũng rất hiếm hoi. Và thế giới đó đã qua rồi. Có thể trong quá khứ, Moses, Manu và Mohammed đã hữu dụng. Họ cho thế giới những lời răn dạy: “Làm điều này. Không làm điều kia.” Họ làm mọi thứ thành đơn giản, rất đơn giản. Họ không để lại cái gì cho bạn quyết định, họ không tin bạn sẽ có thể quyết định. Họ đơn giản cho bạn một công thức có sẵn: “Đây là Mười Điều Răn phải tuân theo. Các ngươi hãy làm những điều này và tất cả những gì các ngươi hy vọng, tất cả những gì các ngươi khao khát, sẽ xảy ra như một hệ quả. Chỉ cần vâng lời thôi.”
Tất cả những tôn giáo cũ nhấn mạnh quá nhiều vào sự vâng lời. Không vâng lời là tội lỗi duy nhất – đó là điều Thiên Chúa giáo nói. Adam và Eve đã bị trục xuất khỏi vườn Địa Đàng vì họ không vâng lời. Thượng Đế đã nói không được ăn quả của cây Tri Thức và họ không tuân theo. Đó là tội lỗi duy nhất của họ. Nhưng mọi đứa trẻ đều mắc lỗi đó. Ông bố nói: “Đừng hút thuốc”, nhưng đứa trẻ sẽ thử hút. Ông bố nói: “Đừng đi xem phim”, nhưng nó sẽ đi. Câu chuyện về Adam và Eve là câu chuyện của mọi đứa con. Và sau đó là sự lên án, sự trục xuất...
Vâng lời là tôn giáo dành cho Manu, Mohammed, Moses. Nhưng thế giới đó đã qua, và thông qua nó, nhiều người đã không đạt tới. Nhiều người trở nên bình an, trở thành những công dân tốt, những thành viên được xã hội kính trọng, nhưng chẳng có gì nhiều.
Thế rồi có sự nhấn mạnh thứ ba vào việc là người lớn. Khổng Tử, Patanjali hay những người theo thuyết bất khả tri hiện đại như Bertrand Russell, những người theo chủ nghĩa nhân văn của thế giới, tất cả đều nhấn mạnh: “Chỉ tin vào lý trí của chính bạn.” Điều đó dường như quá cam go cho nên cả đời người trở thành một sự xung đột. Bởi vì bạn được cha mẹ nuôi dạy, bạn đã bị cha mẹ áp đặt. Nếu bạn chỉ lắng nghe theo lý trí của mình, bạn phải chối bỏ nhiều thứ trong bản thể của mình. Trên thực tế, bạn phải chối bỏ toàn bộ tâm trí của mình. Không phải dễ để xóa bỏ được điều này.
Và bạn được sinh ra, là những đứa trẻ, không có chút lý trí nào. Về cơ bản, bạn là một sinh linh thuần cảm xúc, lý trí đến rất muộn. Nó đến khi tất cả những gì phải xảy ra đã xảy ra. Các nhà tâm lý học nói rằng một đứa trẻ học gần 75% kiến thức của nó vào thời điểm nó bảy tuổi. 75% kiến thức đã được nó thu nhận vào lúc nó bảy tuổi, 50% vào lúc nó bốn tuổi. Sự học hỏi này diễn ra khi bạn là một đứa trẻ, và lý trí đến sau. Mãi về sau nó mới tới.
Khó mà sống chỉ với lý trí. Người ta đã thử, một Bertrand Russell ở đâu đó, nhưng không ai đạt được chân lý thông qua nó, bởi vì một mình lý trí là chưa đủ.
Tất cả những quan điểm này đã được chọn và thử, nhưng chẳng có gì hiệu nghiệm. Quan điểm của Đức Phật thì hoàn toàn khác. Đó là đóng góp độc nhất vô nhị của ông cho ý thức loài người. Ông ấy nói đừng chọn lựa cái nào cả, ông ấy nói hãy di chuyển vào trung tâm của tam giác. Đừng chọn lý trí, đừng chọn phụ huynh và đừng chọn đứa trẻ. Di chuyển vào chính trung tâm, giữ im lặng và chánh niệm. Cách tiếp cận của ông ấy có ý nghĩa lớn lao. Và rồi bạn sẽ có thể có một góc nhìn rõ ràng về bản thể mình. Từ góc nhìn rõ ràng đó, hãy để phản ứng xuất hiện.
Chúng ta có thể nói theo một cách khác. Nếu bạn hành động như một đứa trẻ, đó là một phản xạ trẻ con. Nhiều lần bạn hành động như một đứa trẻ. Ai đó nói điều gì đó và bạn bị tổn thương, trong cơn thịnh nộ, bạn đánh mất mọi thứ. Sau đó bạn cảm thấy tồi tệ về việc đó, về việc bạn đánh mất hình ảnh của mình. Mọi người nghĩ bạn chín chắn lắm nhưng bạn lại quá trẻ con.
Hoặc bạn tuân theo giọng nói phụ huynh, nhưng sau đó bạn nghĩ rằng bạn vẫn bị cha mẹ thống trị. Bạn vẫn chưa trở thành người lớn, chưa đủ trưởng thành để cầm cương cuộc đời mình.
Đôi khi bạn tuân theo lý trí, nhưng rồi bạn nghĩ rằng lý trí là không đủ, cảm xúc cũng cần thiết. Và thiếu cảm xúc, một bản thể lý trí chỉ còn là cái đầu; anh ta mất liên lạc với thân thể, anh ta mất liên lạc với cuộc sống, anh ta bị cắt rời. Anh ta chỉ vận hành như một cỗ máy suy nghĩ. Nhưng suy nghĩ không thể làm bạn sống, trong suy nghĩ không có chất dịch của cuộc sống. Nó là một thứ khô khan. Thế là bạn thèm muốn thứ gì đó có thể cho phép các năng lượng của bạn tuôn chảy một lần nữa, có thể cho phép bạn xanh tươi, sống động và trẻ trung một lần nữa. Điều này cứ tiếp diễn và bạn tiếp tục đuổi theo cái đuôi của chính mình.
Đức Phật nói tất cả những phản xạ này và bất cứ phản xạ nào khác cũng đều chỉ là phiến diện, chỉ có phản ứng mới là toàn diện, và cái gì phiến diện thì đều là sai lầm. Đó là định nghĩa của ông về sai lầm: Cái gì phiến diện thì đều là sai lầm. Bởi vì những phần khác của bạn vẫn chưa được thỏa mãn và chúng sẽ trả thù. Hãy toàn diện. Phản ứng là toàn diện, phản xạ là phiến diện.
Khi bạn lắng nghe một giọng nói và tuân theo nó, bạn đang chuốc lấy rắc rối. Bạn sẽ không bao giờ thỏa mãn với nó. Chỉ một phần thỏa mãn, hai phần kia sẽ không thỏa mãn. Do đó 2/3 bản thể của bạn sẽ không thỏa mãn, 1/3 bản thể của bạn sẽ thỏa mãn, và bạn sẽ luôn rối loạn. Bạn có làm gì đi nữa thì phản xạ cũng không bao giờ có thể thỏa mãn bạn bởi vì phản xạ chỉ là phiến diện.
Hãy phản ứng – phản ứng là toàn diện. Khi đó bạn không hành động từ bất cứ đỉnh nào của tam giác, bạn không chọn lựa, bạn chỉ đơn giản là ở trong sự nhận thức không chọn lựa. Bạn ở trung tâm. Và từ trung tâm đó bạn hành động. Cho dù là gì, nó cũng không phải đứa trẻ lẫn phụ huynh lẫn người lớn. Bạn vượt qua “PAC”. Bây giờ nó là bạn, bản thể của bạn. PAC đó giống như một cơn lốc và trung tâm của bạn là trung tâm của cơn lốc.
Đức Phật nói, mỗi khi cần phản ứng, điều đầu tiên là chánh niệm, nhận biết. Nhớ tới trung tâm của bạn. Trụ vững ở trung tâm của bạn. Ở lại đó một lát trước khi bạn làm bất cứ điều gì.
Không cần phải suy nghĩ về nó bởi vì suy nghĩ là phiến diện. Không cần phải cảm nhận về nó bởi vì cảm nhận là phiến diện. Không cần phải tìm manh mối từ cha mẹ bạn, Kinh Thánh, kinh Koran, kinh Gita, tất cả chúng đều thuộc về đỉnh chữ P (phụ huynh) của tam giác. Không cần thiết. Chỉ cần yên bình, tĩnh lặng, tỉnh giác, quan sát tình huống như thể bạn hoàn toàn ở bên ngoài nó, tách biệt, một người quan sát từ trên những ngọn đồi.
Đây là yêu cầu đầu tiên, hãy ở tại trung tâm mỗi khi bạn muốn hành động. Thế rồi từ trung tâm này hãy để hành động xuất hiện, và dù bạn làm gì thì cũng sẽ là đức hạnh, cũng sẽ là đúng.
Đức Phật nói chánh niệm là đức hạnh duy nhất tồn tại. Không chánh niệm là rơi vào sai lầm. Hành động không có ý thức là rơi vào sai lầm.
CHỜ NƯỚC TRONG
Một ngày nọ Đức Phật đi qua một khu rừng. Đó là một ngày hè nóng nực và ông cảm thấy rất khát. Ông nói với A Nan Đà, người săn sóc mình: “A Nan Đà, ông hãy quay lại. Chỉ ba, bốn dặm trước chúng ta đã đi qua một dòng suối nhỏ. Ông hãy mang về đây một ít nước, hãy cầm lấy bát ăn xin của ta. Ta đang cảm thấy rất khát và mệt.”
A Nan Đà quay lại, nhưng khi ông tới nơi, vài chiếc xe bò vừa mới đi qua và làm cho cả dòng suối đục ngầu. Những chiếc lá rụng nằm dưới lòng suối lại nổi lên, không thể uống nước suối được nữa vì nó quá bẩn. Ông ấy trở về tay không và nói: “Xin thầy đợi một lát. Tôi sẽ đi lên phía trước. Tôi nghe nói rằng hai, ba dặm phía trước có một dòng sông lớn. Tôi sẽ mang nước từ đó về.”
Nhưng Đức Phật kiên quyết: “Ông hãy quay lại và lấy nước từ dòng suối đó.”
A Nan Đà không thể hiểu nổi sự kiên quyết này, nhưng nếu thầy đã nói thì đệ tử phải tuân theo. Nhận thấy sự vô lý của việc một lần nữa sẽ phải đi bộ ba, bốn dặm trong khi biết nước không uống được, ông vẫn đi.
Khi ông ta đi, Đức Phật nói: “Và đừng quay về nếu nước vẫn bẩn. Nếu nó bẩn, chỉ cần ngồi im lặng ở bờ suối. Đừng làm gì cả, đừng bước vào dòng suối. Ngồi trên bờ lặng lẽ quan sát. Sớm hay muộn nước sẽ trong trở lại, lúc đó ông múc vào bát rồi quay về.”
A Nan Đà đi đến đó. Đức Phật đã đúng: Dòng nước đã gần trong, những chiếc lá đã trôi đi, bụi bặm đã lắng xuống. Nhưng nó vẫn chưa trong tuyệt đối nên ông ta ngồi trên bờ quan sát dòng nước chảy. Từ từ, chậm rãi, nó trở nên hoàn toàn trong suốt. Thế là ông nhảy múa, ông hiểu ra tại sao Đức Phật cứ khăng khăng như thế. Có một thông điệp nào đó bên trong dành cho ông, và ông đã thấu hiểu được thông điệp. Ông đưa nước cho Đức Phật, cảm ơn và chạm chân Đức Phật.
Đức Phật nói: “Ông đang làm gì vậy? Ta nên cảm ơn ông mới phải bởi vì ông đã mang nước về cho ta.”
A Nan Đà nói: “Giờ đây tôi đã hiểu. Đầu tiên tôi tức giận, tôi không thể hiện ra nhưng tôi đã tức giận bởi vì thật vô lý khi phải quay lại. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu thông điệp. Đây là điều tôi thực sự cần trong khoảnh khắc này. Tâm trí của tôi cũng đang như vậy. Ngồi bên bờ dòng suối nhỏ đó, tôi nhận biết được tâm trí của tôi cũng đang như vậy. Nếu tôi nhảy vào dòng suối, tôi sẽ lại làm nó vẩn đục. Nếu tôi nhảy vào tâm trí thì sẽ tạo ra nhiều tiếng ồn hơn, nhiều vấn đề bắt đầu trồi lên, nổi lên bề mặt. Ngồi bên cạnh dòng suối, tôi đã học được kỹ thuật.
Bây giờ tôi cũng sẽ ngồi bên bờ tâm trí, quan sát nó cùng tất cả những dơ bẩn và vấn đề của nó, những chiếc lá già, những nỗi đau và vết thương, ký ức, khao khát. Tôi sẽ ngồi trên bờ vô tư lự và chờ đợi khoảnh khắc mà mọi thứ trong veo.”